Sheila, lại đây nào. Cô có cái này cho con làm nè.
Tôi chỉ một chiếc ghế gần chỗ tôi đang ngồi. Sheila đang ngồi bên kia phòng, trên chiếc ghế yêu thích của mình. Đến lúc này, buổi sáng đã trôi qua rất suôn sẻ. Cũng như hai ngày trước, tôi dùng khoảng thời gian trước giờ học để cho con bé biết những gì sẽ diễn ra ngày hôm đó. Con bé đã rất hợp tác, tham gia trò chuyện buổi sáng cùng chúng tôi mà không cần đợi nhắc, rồi cùng làm toán. Mặc dù con bé vẫn không lên tiếng nhưng trông nó đã có vẻ thoải mái hơn nhiều khi ở trong lớp. Lúc này con bé đang ngồi trên ghế quan sát tôi.
- Lại đây nào, cưng. Cô muốn con cùng làm cái này với cô.
Tôi vẫy tay. Con bé ngập ngừng nhúc nhích. Tôi đã mượn được Bài Kiểm Tra Từ Vựng Bằng Hình của một chuyên viên tâm thần trong trường. Mặc dù tôi chẳng quan tâm mấy đến bài kiểm tra này, nhưng dù sao nó cũng có thể cho biết đại khái mức độ phát triển chức năng ngôn ngữ của trẻ mà không cần đứa trẻ phải lên tiếng. Sau lần chứng kiến vụ mấy khối vuông trong môn toán hôm trước, tôi rất hào hứng muốn biết mức độ phát triển chức năng ngôn ngữ của con bé. Khi bị rối loạn nghiêm trọng như những gì Sheila thể hiện, thì trí tuệ con bé có bị chậm phát triển cũng là điều bình thường. Đơn giản là hầu hết những đứa trẻ bị rối loạn nặng thì đương nhiên không còn đủ năng lượng để học hỏi nữa. Vì vậy khi con bé chứng minh khả năng toán học bình thường, tôi cảm thấy rất tò mò. Tôi cũng cảm thấy hứng thú khi nghĩ rằng có thể con bé thông minh trên mức trung bình. Tôi bắt đầu thích thú nghĩ đến việc thu xếp cho con bé ở lại với lớp mình mà không đưa nó vào bệnh viện tiểu bang nữa. Trong tất cả những thứ con bé cần lúc này, tôi nhận ra bệnh viện không nằm trong danh sách đó.
Tôi phải đứng dậy bồng con bé đến bên bàn mình.
- Cô và con sẽ cùng làm cái này. Nào, ngồi xuống đây nhé. Bây giờ cô sẽ cho con xem mấy bức hình và nói một từ. Sau đó cô muốn con chỉ vào hình vẽ thể hiện đúng ý nghĩa của từ đó nhất, được không? Con có hiểu không?
Con bé gật đầu. Tôi đưa ra bộ bốn tấm hình đầu tiên và yêu cầu con bé chỉ "cái roi". Con bé quan sát bốn bức vẽ, ngước lên nhìn tôi rồi thận trọng chỉ một hình.
Tôi mỉm cười:
- Con giỏi lắm. Hình đó hoàn toàn chính xác. Con chỉ "cái lưới" xem.
Khi tôi đọc từng từ lên, Sheila lại chỉ vào một hình, lúc đầu còn do dự, quan sát thật kỹ từng tấm hình nhưng sau đó đã thoải mái hơn. Sau sáu bảy bộ hình, một nụ cười hiện ra trên gương mặt con bé. Nó ngước lên nhìn tôi:
- Cái này thì dễ.
Con bé nhỏ giọng thầm thì để người khác không nghe thấy.
Con bé sai một từ - "cái bình thủy" - một vật mà có lẽ nó chưa từng gặp trong quãng đời ngắn ngủi và cơ cực của mình. Nhưng hình tiếp theo con bé chỉ đúng. Thông thường, một đứa trẻ phải sai sáu trong số tám hình thì mới dừng bài kiểm tra lại, nhưng con bé không có vẻ gì sẽ sai đến mức đó. Chúng tôi tiếp tục. Từ bắt đầu khó hơn và con bé mất nhiều thời gian hơn để cân nhắc giữa các hình vẽ. Thỉnh thoảng con bé lại sai một, hay có khi hai từ. Tôi có thể nhận ra vẻ lo lắng trong mắt con bé. Nó biết khi nào nó làm sai, ngay cả khi tôi không nhận xét gì.
Khi đố con bé mấy từ cuối, tôi thôi không nhận xét nữa. Tôi đã nghĩ rằng con bé là đứa thông minh trên mức trung bình, thậm chí có thể là đứa sáng dạ, nhưng sự thật con bé còn vượt qua cả mức mong đợi của tôi. Chúng tôi đã bước vào phần bài kiểm tra mà tôi chưa từng ra bao giờ vì chưa đứa học trò nào của tôi từng làm đến đó. Chúng tôi đang làm những từ như "sự chiếu sáng" hay "đồng tâm". Sheila bắt đầu sai thường xuyên hơn, nhưng chưa bao giờ sai đến sáu trong số tám hình. Chúng tôi trở nên căng thẳng. Rõ ràng con bé đang rất nỗ lực để không phạm sai lầm và tôi rất cảm động trước sự tập trung của nó. Nhưng chúng tôi đã làm đến phần bài dành cho thanh thiếu niên, gồm những từ mà không một đứa trẻ sáu tuổi bình thường nào có thể biết. Con bé khẽ cắn môi, vẫn không ngừng nỗ lực. Tôi có thể thấy con bé đang đắn đo khi em liên tục vặn hai tay.
Tôi lên tiếng:
- Bé con à, con giỏi lắm.
Tôi chưa từng hy vọng con bé sẽ thực hiện bài kiểm tra này nghiêm túc và hết mình như thế, với sự nỗ lực quá sức và kéo dài lâu thế này. Tôi thật sự không thể tin nổi con bé lại biết những từ này.
Con bé ngước lên nhìn tôi. Đôi mắt nó mở to, làn da mỏng dưới cổ giật giật vì căng thẳng.
- Con hổng làm đúng hết.
- Ồ, không sao đâu bé con. Con không cần phải làm đúng hết. Những từ này dành cho những anh chị rất lớn và con không cần phải biết hết. Cái này chỉ để xem thử con biết những từ nào thôi, nếu con làm sai vài từ cũng không sao. Cô rất tự hào vì con đã cố gắng đến như thế.
Con bé nhăn mặt lại và trông như sắp khóc.
- Bây giờ mấy chữ này thì khó dữ lắm. Con bé nhìn xuống tay mình.
- Lúc đầu chúng thì dễ, nhưng mấy chữ này thì khó kinh khủng. Con không biết hết chúng.
Tất cả, từ giọng nói nhỏ xíu, đến sự cố gắng tối đa để giữ bình tĩnh, đến đôi vai bé nhỏ co ro dưới chiếc áo sờn cũ… tất cả như xé nát tim tôi. Con bé thật ngây ngô. Tất cả chúng đều chỉ là những đứa trẻ bé bỏng.
Tôi đưa một tay ra.
- Lại đây nào, Sheila.
Con bé ngước lên nhìn tôi và tôi cúi xuống kéo con bé vào lòng. Trong vòng tay tôi, cơ thể nhỏ bé của nó căng cứng ra, mùi nước tiểu lâu ngày phảng phất quanh chúng tôi.
- Mèo con ạ, cô biết là con đã cố gắng hết sức mà. Chỉ cần như vậy thôi. Cô không quan tâm những từ nào con làm đúng hay sai, cái đó không quan trọng. Tại sao, tại vì đó thật sự là những từ rất khó. Cô cá là không ai trong lớp có thể làm giỏi hơn con đâu.
Tôi ôm chặt con bé, vuốt lại mái tóc lòa xòa trước mặt nó. Trong khi chờ con bé bình tĩnh lại, tôi nhìn vào bảng ghi điểm bài kiểm tra, nhẩm tính trừ ra những chỗ sai. Tôi cho rằng con bé đã gần đạt đến ngưỡng năng lực của mình trong bài kiểm tra này. Con bé đã phạm ba hay bốn lỗi một lúc. Nhưng ngay cả như vậy, con bé cũng đã vượt qua tất cả những đứa trẻ tôi từng kiểm tra trước đó.
Không kiềm được tò mò, tôi hỏi con bé:
- Sao con biết được mấy chữ này? Con bé nhún vai:
- Con hổng biết.
- Có những từ dành cho những anh chị lớn. Cô chỉ không biết con nghe những chữ đó ở đâu thôi.
- Cô giáo kia, cô cho con mấy cuốn tạp chí. Có khi con đọc chữ trong đó.
Tôi nhìn xuống con bé. Cơ thể nó vẫn cứng ngắc trong lòng tôi và nhẹ như một chú chim non.
- Con biết đọc không Sheila? Con bé gật đầu.
- Con học điều đó ở đâu?
- Con hổng biết. Lúc nào con cũng đọc.
Tôi lắc đầu vì kinh ngạc. Chúng tôi đang phải đối đầu với thử thách kiểu gì thế này? Lúc đầu tôi bị kích động với suy nghĩ mình có một đứa học trò thông minh trong lớp, vì hầu hết những đứa trẻ như Sheila rất chậm tiếp thu và hầu như không có khả năng tiến bộ. Một số đứa như Sarah và Peter đạt mức trung bình nhưng hiếm khi tôi gặp một đứa trên mức trung bình. Đúng là ý nghĩ đó đã làm tôi thích thú, nhưng rõ ràng Sheila không chỉ trên trung bình. Khả năng tiếp thu và sự thông minh của con bé vượt xa suy nghĩ và mong đợi của tôi. Nhưng tôi đang sợ rằng điều đó không hề khiến công việc của mình trở nên dễ dàng hơn.
Không có thang đo nào có thể tính được điểm số của Sheila trong Bài Kiểm Tra Từ Vựng Bằng Hình. Đối với nhóm tuổi của con bé, thang đo dừng ở mức 99, tương đương với 170 điểm IQ. Sheila đã ghi được 102 điểm. Tôi nhìn không chớp vào bài kiểm tra. Chúng tôi không lường đến mức độ thông minh cỡ này. Thống kê cho thấy có chưa đến một trong mười nghìn đứa trẻ đạt đến mức độ ấy. Nhưng việc này là sao? Đây là một số điểm quái dị, một sự bất thường trong xã hội tôn sùng sự đồng nhất. Điều này sẽ khiến con bé bị tách biệt khỏi mọi người, cũng giống như nó đã cô lập vì sự rối loạn của mình.
Tôi nhìn sang bên kia phòng, nơi Sheila đang ngồi. Lúc này đang là giờ chơi tự do và Sheila đã quay về với chiếc ghế yêu thích của mình. Tôi nhìn con bé đang ngồi, ngón tay ngậm trong miệng, tay chân co ro như đang thủ thế để bảo vệ chính mình. Con bé đang quan sát Tyler và Sarah, chúng đang chơi búp bê trong góc phòng với đống đồ chơi xây nhà. Tôi băn khoăn. Dưới mái tóc dài bết lại ấy, đằng sau đôi mắt cảnh giác ấy, là một đứa bé như thế nào? Ngay lúc này đây tôi cảm thấy lo lắng hơn bao giờ hết vì tôi linh cảm nếu tình hình có chuyển biến chăng nữa thì cũng chỉ theo hướng phức tạp hơn mà thôi.
Sau bữa trưa tôi đưa bài kiểm tra cho Anton xem. Anh lắc đầu không tin nổi. Anh lầm bầm:
- Không thể nào. Con bé học những chữ đó ở đâu chứ? Tôi nghĩ con bé chỉ đoán mò và may mắn trúng thôi. Không đứa nào ở khu trại dành cho dân nhập cư có thể biết mấy từ kiểu này đâu.
Chính tôi cũng không tin nổi điều đó. Do đó tôi gọi điện cho Allan, bác sĩ tâm lý của trường. Allan không có ở văn phòng nhưng tôi đã để lại lời nhắn với cô thư ký rằng tôi có một đứa học trò cần được kiểm tra.
Còn một chuyện nữa khiến tôi đau đầu. Trong lúc làm bài kiểm tra, khi Sheila nói chuyện với tôi nhiều hơn, càng lúc tôi càng thấy rõ rằng con bé dùng từ ngữ mang một phong cách rất riêng. Tôi chưa nghe con bé nói nhiều lắm nên không đủ để nhận ra chính xác những điểm dị thường, nhưng cú pháp văn phạm rất lạ. Hầu hết bọn trẻ trong khu trại của dân nhập cư xuất thân từ những gia đình nói tiếng Tây Ban Nha thường có vốn từ vựng tiếng Anh ít hơn mức trung bình so với độ tuổi nhưng vẫn trong giới hạn văn phạm thông thường. Trong vùng lân cận cũng không có ngôn ngữ lạ nào khác phổ biến. Sheila không xuất thân từ gia đình nói tiếng Tây Ban Nha, bài kiểm tra IQ cũng chứng minh rằng vấn đề từ vựng của con bé không có gì bất thường. Tôi không thể lý giải tại sao con bé nói kỳ lạ như vậy. Theo tôi thấy cách nói của con bé nghe có vẻ giống những chàng da đen ở phố thị mà tôi từng làm việc chung ở Cleveland. Nhưng Sheila lại không phải người da đen và cộng đồng nông dân nhỏ bé ở Iowa chúng tôi nằm rất xa phố thị Cleveland. Có lẽ đó là nền tảng ngôn ngữ từ gia đình. Tôi dự định sẽ tìm hiểu cho ra vì sự kỳ lạ này khiến tôi rất bối rối.
Thời gian còn lại trong ngày trôi qua không có sự kiện gì đặc biệt. Tôi vẫn không đặt ra quá nhiều yêu cầu đối với Sheila. Tôi muốn dành cho con bé khoảng thời gian thoải mái để hòa nhập với chúng tôi mà không khiến mấy đứa còn lại quá mệt mỏi. Sau những ngày đầu tiên đầy náo động, sự bình lặng này thật cần thiết. Con bé sẵn lòng tham gia cùng chúng tôi nhưng không thường xuyên trừ khi được dỗ ngọt. Con bé không nói chuyện với đứa nào khác, cả với Whitney. Thường thì con bé cũng không nói chuyện với tôi hay Anton trừ khi chỉ có một mình chúng tôi với nhau. Tuy nhiên, con bé có vẻ đã điềm tĩnh hơn; khi được phép nó sẽ ngồi ngay vào chiếc ghế yêu thích và quan sát chúng tôi với niềm thích thú dè dặt.
Việc quan trọng kế tiếp cần phải tiến hành đối với Sheila liên quan đến vấn đề vệ sinh của con bé. Hàng ngày nó vẫn đến lớp trong cùng một chiếc quần yếm bằng vải bông và chiếc áo thun của con trai. Hiển nhiên bộ quần áo đó chưa từng được giặt qua kể từ lần mặc đầu tiên và người con bé bốc mùi nước tiểu nồng nặc. Tôi dám cá rằng sáng nào con bé cũng làm ướt giường và quần áo mà không hề tắm rửa hay giặt giũ gì cả. Và hậu quả tất yếu là việc ở gần bên con bé trở thành một điều cực kỳ khó chịu dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Cả tôi và Anton đều đã quen với những chiếc quần không thay bốc mùi khủng khiếp vì cả Max, Freddie và Susannah đều chưa được tập đi vệ sinh, nhưng Sheila thậm chí còn bốc mùi hơn cả những gì chúng tôi đã từng cố gắng làm quen. Không chỉ vậy, những vết lấm lem hàng ngày vẫn đóng đầy trên mặt và tay con bé. Hôm nấu ăn, khi tôi đưa con bé vào nhà vệ sinh để rửa sạch vết sô-cô-la, trên cánh tay nó hiện rõ những lằn ngang phân biệt vùng da sạch và bẩn. Những lằn đó vẫn hiện rõ đến nay. Mái tóc dài của con bé buông xuống nửa lưng, bết lại từng đám lớn. Ngay từ bữa đầu tiên tôi đã kiểm tra xem em có chí rận gì không. Chúng tôi đã hai lần vất vả đối phó với chí và tôi không có hứng thú đụng độ thêm lần nào nữa. Tôi từng bị lây chí và phải mất một thời gian khá lâu mới trị dứt hẳn. Nhưng có vẻ như Sheila không bị chí rận gì, chỉ có điều con bé bị lở quanh miệng và tôi hy vọng những đứa khác sẽ không bị lây.
Mỗi tuần, cô y tá của trường lại ghé qua lớp tôi một lần vào buổi chiều thứ Năm. Tôi đã thử giao mấy đứa học trò của mình cho cô. Hầu hết chúng đều bị lở, bị chuột cắn hay bị những căn bệnh do sống trong hoàn cảnh nghèo khó khác. Nhưng cuối cùng thì cô chỉ đưa tôi thuốc mỡ và dầu gội Kwell rồi tôi cũng phải tự chăm sóc lấy bọn trẻ, đơn giản là chỉ một buổi chiều thứ Năm mỗi tuần thì không đủ để xử lý tất cả những vấn đề của bọn trẻ.
Sau giờ tan học, tôi đợi mấy đứa khác về hết để giải quyết vấn đề vệ sinh của Sheila. Con bé vẫn ngồi trong ghế trong khi những đứa khác chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng ra về. Tôi đến mở tủ lấy mấy chiếc lược và cọ ra. Tối hôm trước tôi đã ghé qua tiệm tạp hóa để mua một bọc kẹp tóc nhỏ.
Tôi gọi:
- Sheila, lại đây nào. Cô có cái này cho con. Con bé đứng lên đi đến chỗ tôi. Đôi mày con bé
nhíu lại vừa ngờ vực vừa tò mò. Tôi đưa một gói nhỏ cho con bé. Con bé cứ cầm cái gói trong tay một lúc lâu và nhìn tôi bối rối. Tôi giục con bé mở ra và nó nghe theo. Con bé lấy mấy cái kẹp ra, nhìn chúng, rồi nhìn tôi. Trán con bé vẫn nhăn lại vì bối rối.
- Cái này dành cho con đó, bé con ạ. Cô nghĩ chúng ta có thể chải tóc cho con thật đẹp rồi kẹp lên. Giống như cô vầy nè.
Tôi vừa nói vừa xoay lại cho con bé thấy mái tóc của mình.
Con bé tỉ mỉ mân mê mấy cái kẹp qua lớp bọc nhựa. Con bé nhíu mày nhìn tôi chăm chú.
- Sao cô lại làm vậy?
- Làm gì?
- Làm tốt với con?
Tôi nhìn con bé, không thể tin nổi nó có thể nghĩ và nói ra điều đó.
- Vì cô thương con.
- Sao vậy? Con thì một đứa trẻ điên khùng. Con làm đau cá của cô. Sao cô thì lại tốt với con?
Tôi cười để khỏa lấp sự lúng túng của mình:
- Chỉ là cô thích vậy thôi, Sheila. Chỉ vậy thôi. Cô nghĩ là con sẽ thích có một thứ đẹp đẹp gắn lên tóc.
Con bé tiếp tục sờ nắn mấy cái kẹp qua lớp giấy bọc, cảm nhận lớp nhựa thay đổi hình dạng dưới ngón tay mình.
- Trước giờ chẳng ai cho con không cái gì cả. Chẳng ai thật sự đối xử tốt với con cả.
Tôi hoang mang đứng đó nhìn con bé. Tôi chưa từng trải qua chuyện gì tương tự như vậy. Tôi chỉ có thể nói với con bé:
- À, mọi thứ ở đây đều khác cả, nhóc tì ạ.
Tôi cẩn thận chải mớ tóc rối bù của con bé. Việc đó mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ vì tôi không muốn làm đau con bé dù chỉ một chút. Tôi rất sợ sẽ vô tình phá hoại mối quan hệ mỏng manh đang hình thành giữa chúng tôi vì chúng tôi đến từ những thế giới quá khác biệt. Con bé ngồi yên rất kiên nhẫn, tay vẫn nắm chặt mấy cái kẹp nhưng không hề mở chúng ra khỏi bao. Nó cứ mân mê vuốt ve chúng mãi nhưng vẫn không chịu mở ra. Tóc con bé rất đẹp, mềm và thẳng không thể tưởng, và thật may mắn không có chỗ nào quá rối. Khi chải ra hết, tóc nó buông thành một lớp dày và dài quá nửa lưng. Tôi cũng không quên chải phần tóc mái cho em. Chúng dài quá, phủ xuống cả mắt. Con bé là một bé gái kháu khỉnh với những đường nét thanh mảnh, đáng yêu. Con bé sẽ còn dễ thương hơn nữa sau khi được tắm gội sạch sẽ.
- Rồi đó con. Nào, đưa cô mấy cái kẹp để cô kẹp lên tóc cho con.
Con bé thu mấy cái kẹp về ôm trong ngực.
- Nào, mình cài nó lên tóc con nhé. Con bé lắc đầu.
- Con không thích kẹp lên hả?
- Cha con, ổng sẽ lấy mất của con.
- Cha con sẽ không làm vậy đâu. Con chỉ cần nói với cha là cô tặng chúng cho con.
- Ổng sẽ nói con ăn cắp chúng. Trước đây không ai cho con không cái gì cả.
Con bé nắm chặt lấy mấy cái kẹp, ngắm nghía mấy chú chim sơn ca và vịt bằng nhựa qua lớp giấy bọc.
- Vậy bây giờ mình có thể để mấy cái kẹp ở trường đến khi cô gặp cha con và nói là cô tặng chúng cho con. Vậy được không?
- Cô có sửa tóc con lại đẹp đẹp nữa không? Tôi gật đầu:
- Sáng mai khi con đến lớp cô sẽ lại chải tóc đẹp cho con.
Con bé ngắm mấy cái kẹp một lúc lâu rồi ngập ngừng đưa trả chúng cho tôi.
- Nè, cô giữ cho con nha.
Tim tôi đập mạnh trong lồng ngực khi tôi nhận lại mấy cái kẹp. Rõ ràng con bé thấy hết sức khó khăn khi phải đưa trả chúng lại cho tôi. Ngay lúc đó, Anton vào phòng, nhắc tôi đã gần đến lúc anh phải đưa Sheila qua trường trung học để đón xe buýt về nhà. Tôi rất ngạc nhiên vì thời gian trôi qua quá nhanh. Thậm chí chúng tôi chưa kịp rửa ráy gì cả và con bé vẫn bốc mùi khinh khủng.
Tôi hỏi:
- Sheila nè, ở nhà có khi nào con tự tắm rửa không?
Con bé lắc đầu:
- Nhà con không có bồn tắm.
- Con có rửa mặt không?
- Cũng không có cái gì để rửa mặt luôn. Cha con, ổng lấy một thùng nước cho hai cha con ở trạm xăng.
Con bé ngập ngừng nhìn xuống sàn nhà:
- Cái đó chỉ để uống hết thôi. Ổng sẽ giận con kinh khủng nếu con làm bẩn chúng.
- Con có bộ quần áo nào khác không? Con bé lắc đầu.
- Ừm, để mai cô xem thử mình có thể làm gì không, được không bé con?
Con bé gật đầu rồi đi đến chỗ treo áo tìm chiếc áo khoác mỏng dính của mình. Tôi thở dài nhìn theo con bé. Còn quá nhiều việc phải làm, tôi thầm nghĩ. Còn quá nhiều thứ phải thay đổi.
- Tạm biệt con, Sheila. Chúc con buổi tối tốt đẹp. Sáng mai cô trò mình lại gặp nhau nhé.
Anton nắm tay con bé và mở cửa bước ra vùng tối âm u của tháng Giêng lộng gió. Ngay khi Anton chuẩn bị đóng cửa lại, Sheila chựng lại, nhìn qua cánh tay anh về phía tôi. Con bé khẽ mỉm cười:
- Tạm biệt cô, cô giáo.