Ngày hôm sau tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Tôi mang theo ba chiếc khăn tắm, một bánh xà phòng, dầu gội và một chai kem dưỡng da cho em bé. Trước tiên tôi đi kiểm tra thùng đồ từ thiện trong văn phòng. Trong đó chỉ có đồ lót. Phần lớn những thứ trong đó quá to so với cô bé Sheila nhỏ nhắn. Khi tìm được một chiếc quần nhung và một chiếc áo thun khác, tôi trở về phòng.
Ngay khi Sheila đến, tôi mở nước xả vào chiếc bồn rửa mặt nằm ở phía sau lớp học. Chiếc bồn rửa mặt cỡ lớn, rộng rãi và tôi đoán mình có thể ngâm con bé vào. Chúng tôi còn đang rất thiếu thốn cơ sở vật chất. Ngay khi vừa nhìn thấy tôi, con bé vội cởi bung áo khoác và lon ton chạy tới. Đó là lần đầu tiên tôi thấy con bé di chuyển nhanh như vậy. Đôi mắt con bé mở to hào hứng khi cúi người nhìn xem tôi đang làm gì.
- Cô sẽ gắn kẹp lên tóc con ngay bây giờ chứ?
- Dĩ nhiên rồi. Nhưng trước tiên chúng ta phải cho con qua một quy trình làm đẹp đầy đủ đã. Chúng ta sẽ tắm gội cho con từ đầu đến chân. Vậy được không?
- Có đau không cô? Tôi phì cười:
- Không, ngốc ạ. Không đau đâu con.
Con bé cầm chai kem dưỡng da cho em bé tôi để trong giỏ lên và mở nắp.
- Cái này thì để làm gì cô? Có ăn được không? Tôi ngạc nhiên nhìn con bé:
- Không, đây là kem dưỡng da. Con thoa nó lên người.
Gương mặt con bé bỗng trở nên thư giãn.
- Cái này thì thơm, cô giáo ơi. Cô ngửi đi. Nó thơm và cô thoa nó lên người để ngửi cô thơm.
Ánh mắt con bé thật phấn khích.
- Giờ đứa con trai kia, ảnh sẽ không nói con hôi nữa hả?
Tôi mỉm cười với con bé:
- Không đâu, cô nghĩ là ảnh sẽ không nói vậy nữa. Nhìn đây này, cô đã tìm được mấy bộ đồ cho con mặc nè. Rồi chiều nay khi chị Whitney đến chị sẽ mang đồ của con qua tiệm giặt ủi nha.
Sheila quan sát chiếc quần nhung, thận trọng cầm lên.
- Cha con ổng sẽ không cho con giữ nó đâu. Cha không cho con lấy đồ cứu trợ.
- Ừ, cô hiểu rồi. Vậy con chỉ mặc chúng đến khi nào bộ kia khô thôi. Được không?
Tôi bồng Sheila đặt lên kệ cạnh bên bồn rửa mặt và cởi giày vớ con bé ra. Trong lúc đó, con bé quan sát tôi cẩn thận. Tôi cảm thấy áp lực về thời gian đè nặng vì mấy đứa khác sẽ đến lớp trong vòng chưa đến nửa tiếng nữa, và mặc dù chúng vẫn thường tắm và nhìn những đứa khác tắm trong bồn, tôi vẫn e Sheila sẽ không chịu được khi có người khác quan sát. Tôi hỏi con bé chuyện đó và em nói không sao, nhưng tôi vẫn cảm thấy tốt hơn hết mình nên xong việc trước khi mấy đứa khác đến.
Con bé ốm nhom ốm nhách, gầy giơ cả xương sườn. Tôi để ý thấy mấy vết sẹo trên mình con bé.
- Cái này bị gì vậy?
Tôi hỏi khi đang rửa một cánh tay cho con bé. Vết sẹo dài năm phân chạy dọc theo bên trong cánh tay.
- Đó là chỗ con đã làm gãy tay.
- Sao con lại bị như vậy?
- Chơi té ngã. Bác sĩ bó bột lại.
- Con té ngã khi đang chơi hả?
Con bé gật đầu quả quyết, mắt dõi theo vết sẹo.
- Con ngã lên vỉa hè. Cha con, ổng nói con thì
một đứa hậu đậu tồi tệ. Con hay tự làm mình bị thương lắm.
Một câu hỏi xẹt ngang đầu tôi, câu hỏi đáng sợ mà tôi đã học cách phải hỏi học trò mình. Tôi cất tiếng:
- Cha con có từng làm gì khiến con bị mấy vết sẹo như thế này không? Ví dụ như đánh con thật mạnh hay gì đó?
Con bé nhìn tôi, đôi mắt tối sầm lại. Con bé im lặng cảnh giác tôi một lúc lâu khiến tôi ước giá như mình đừng đặt ra câu hỏi ấy. Đó là một câu hỏi riêng tư và có lẽ tôi chưa tạo ra được mối quan hệ đủ vững chắc để thân mật quá như thế.
- Cha con ổng không làm vậy. Ổng sẽ không làm con đau. Ổng yêu thương con. Ổng chỉ đánh con một chút để dạy con tốt hơn thôi. Đôi khi phải làm vậy với con nít. Nhưng mà cha con, ổng yêu thương con. Chỉ là con thì một đứa hậu đậu nên bị nhiều sẹo thôi.
Giọng con bé chứa đầy sự phản kháng.
Tôi gật đầu và bế con bé ra khỏi bồn rửa mặt để lau khô. Con bé thôi không còn trò chuyện với tôi nữa. Tôi đang đặt con bé trong lòng và lau chân nó cho khô thì nó quay lại nhìn vào mắt tôi.
- Cô có biết mẹ con làm gì không?
- Không.
- Nè, để con chỉ cô xem.
Con bé giơ chân kia lên và chỉ vào một vết sẹo.
- Mẹ con mang con ra đường và bỏ con ở đó. Bả đẩy con khỏi xe và con té xuống làm một cục đá cắt vào chân con ngay chỗ này nè. Cô coi nè.
Con bé chỉ vào một vết trắng.
- Cha con, ổng yêu thương con. Ổng không bỏ con không trên đường. Đáng lẽ không được làm vậy với em bé nhỏ.
- Ừ, lẽ ra không được làm vậy.
- Mẹ con, bả không yêu thương con thật tốt. Tôi bắt đầu chải tóc cho con bé trong im lặng.
Tôi thật sự không muốn nghe thêm, vì nghe con bé kể thật đau lòng. Giọng con bé thật bình thản và hết sức sự-thật-nó-như-thế khiến tôi thấy như lẽ ra mình không nên nghe những điều đó. Việc đó giống như thể bạn đọc nhật ký của ai đó, sự yên bình thanh thản của con chữ khiến từ ngữ thêm phần thê lương.
- Mẹ con, bả mang Jimmie đi California. Họ thì đang sống ở đó, Jimmie là em trai của con và được bốn tuổi, tức là chỉ hai tuổi khi mẹ con bả bỏ đi. Suốt hai năm rồi con không được gặp Jimmie.
Con bé im lặng trầm ngâm.
- Con hơi nhớ Jimmie. Con ước gì có thể gặp lại em. Em thì một bé trai rất dễ thương.
Một lần nữa con bé quay lại để nhìn tôi.
- Cô sẽ thích Jimmie. Em là một bé trai dễ thương và không la khóc hay hư hỏng hay gì cả. Em sẽ là một bé trai dễ thương trong lớp học cho những các đứa trẻ điên khùng này. Mà con không nghĩ em thì điên khùng như con. Cô thích Jimmie. Mẹ con cũng thích. Bả thích Jimmie hơn con nên mang em đi và bỏ con lại. Cô nên có Jimmie trong lớp này. Em không làm những điều xấu như con làm.
Tôi ôm con bé vào lòng.
- Mèo con ạ, con chính là đứa cô muốn có. Không phải Jimmie. Một ngày nào đó em ấy sẽ có giáo viên riêng của mình. Cô không quan tâm những gì trẻ con làm, cô chỉ thích trẻ con, vậy thôi.
Con bé ngồi xuống và nhìn tôi, nét mặt hiện lên vẻ sửng sốt:
- Cô thì đúng là một cô giáo kỳ lạ. Con nghĩ cô cũng điên khùng như mấy đứa trẻ chúng con.
Thứ Sáu hôm đó, cũng là ngày thứ năm con bé đến trường, con bé vẫn không trò chuyện với những đứa trẻ khác dù khi được người lớn hỏi đích danh thì em vẫn sẵn sàng trả lời. Đến cuối ngày, sau khi mọi người đã dùng kem và hoàn tất bài tập trước khi ra về, chúng tôi đứng xếp hàng chờ xe buýt đến để đón những đứa trẻ khác. Chúng tôi kết thúc hơi sớm và mọi người phải đứng chờ trong bộ đồ chống lạnh nên tôi đề nghị hát một bài. Max la to bài mình thích "Nếu bạn vui thì hãy vỗ tay", một trong số rất ít những bài thằng bé chịu hát cùng chúng tôi. Đó là một bài hát cần làm động tác đơn giản, chỉ cần bọn trẻ vỗ tay rồi dậm chân rồi gật đầu. Tôi nhìn sang chỗ Sheila đang đứng phía ngoài đám đông, con bé không hát nhưng rất chú ý quan sát. Khi chúng tôi kết thúc những động tác, xe buýt vẫn chưa đến nên tôi lại hỏi bọn trẻ về những động tác mới. Tyler nêu lên "Nếu bạn vui thì hãy nhảy tưng tưng". Thế là chúng tôi hát và làm theo động tác của Tyler. Nhảy tưng tưng. Tôi lại yêu cầu những động tác mới nữa. Sheila rụt rè giơ tay lên. Tôi hiểu lớp học của mình, hiểu những khó khăn của bọn trẻ, và vì cũng có ít học trò nên tôi không bao giờ yêu cầu chúng phải đưa tay lên như thế trừ khi chúng tôi đang trong lúc lộn xộn quá. Nhìn thấy đứa trẻ ấy – đứa cho đến lúc này vẫn không hề trò chuyện với bạn nào, đứa có một tiểu sử bất hợp tác – đứng giơ tay lên quả là một khoảnh khắc khiến tim tôi ngừng đập.
- Sheila, con có ý kiến gì hả? Con bé rụt rè lên tiếng:
- Quay vòng?
Thế là chúng tôi vừa hát bài hát vừa quay vòng. Tuần đầu tiên trôi qua trong ngọn lửa chiến thắng.
Suốt tuần sau, Sheila dần trở nên hoạt bát hơn trong lớp học. Con bé bắt đầu trò chuyện, lúc đầu còn dè dặt, sau đó không còn nữa. Sheila suy nghĩ về mọi thứ và nói rất rõ ràng ý của mình khi có cơ hội. Tôi rất vui thích vì có một đứa học trò liến thoắng trong lớp mình. Những đứa trẻ khác cũng đón nhận Sheila và tôi rất thích thú vì con bé kể tôi nghe rất nhiều thứ.
Sheila không bao giờ đề cập đến sự việc thiêu cậu bé hồi tháng Mười một, từ lúc chúng tôi bắt đầu mối quan hệ, đến khi thân quen hơn, không bao giờ. Hầu hết những đứa khá tỉnh táo trong lớp đều nhận thức được một vài lý do tại sao chúng lại được đưa vào đây. Chúng tôi vẫn thường nói về những lý do đó vào những khoảng thời gian chúng tôi định trước hàng tuần, đôi khi là trong thời gian trò chuyện buổi sáng hoặc vào những lúc thân mật hơn: trong sân chơi khi chúng tôi đứng núp trong chỗ khuất gió mà run cầm cập, mải mê trò chuyện mà quên không vào lớp, trong bữa trưa hay giờ học vẽ hoặc giờ nấu ăn, nằm riêng với nhau bên gối trong góc tách biệt đặt mấy chiếc lồng thú. Dường như trong mỗi đứa trẻ đều có một nhu cầu mạnh mẽ được nói về những điều đó.
Những mẩu đối thoại rất tự nhiên và thường không quá sôi nổi. Tôi đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để có thể trò chuyện về những chủ đề như tự sát hay thiêu sống những con mèo một cách tự nhiên như thể tôi vẫn thường lập danh sách đồ cần giặt ủi hay hỏi tỉ số một trận bóng chày vậy. Bọn trẻ không cần biết những hành vi đó là sai trái hay mình đã khiến các bạn cùng lớp sợ hãi hoặc làm cho mọi người khó chịu – chúng đã biết điều đó. Nếu không thì ngay từ đầu chúng đã không phải vào lớp tôi. Thay vào đó, chúng cần khám phá và hiểu rõ bản chất của những hành động đó, cảm giác của chúng khi làm thế và vô số những chi tiết vô nghĩa liên quan đến chuyện đó. Hầu hết tôi chỉ lắng nghe, đặt ra một hai câu hỏi nếu có gì không rõ, ừ ừ để chúng biết tôi vẫn đang lắng nghe. Trong lúc đó tôi vẫn giữ cho chúng tôi bận rộn bằng hàng đống việc không cần suy nghĩ như tô màu hay làm giấy bồi để chúng tôi có thể trò chuyện mà không phải nhìn nhau, không nhận thức được mình đang trò chuyện.
Sheila biết rõ tại sao con bé ở đây. Bắt đầu từ ngày thứ hai đến lớp, con bé vẫn gọi chúng tôi một cách rất trìu mến là "lớp học điên khùng". Còn con bé là một đứa điên khùng làm toàn những điều xấu. Con bé vẫn thường tham gia trò chuyện cùng chúng tôi. Nhưng sự kiện ấy không bao giờ được nhắc đến. Không nói với bọn trẻ. Không nói với tôi hay người lớn nào khác. Không bao giờ. Tôi cũng không gợi câu chuyện ấy ra. Mặc dù ít khi tôi lảng tránh vấn đề gì, nhưng bản năng tôi cho biết mình nên để yên chuyện này vì một lý do duy nhất là tôi biết mình nên làm vậy. Vì vậy chúng tôi không bao giờ nói đến chuyện đó. Tôi không bao giờ biết được những gì diễn ra trong đầu Sheila vào buổi tối tháng Mười một giá rét ấy.
Tôi vẫn bối rối về cách diễn đạt của con bé. Con bé càng trò chuyện nhiều, sự khác biệt giữa cách nói của nó và cách tất cả chúng tôi nói càng thể hiện rõ ràng. Không có ghi nhận nào về việc cha con bé nói một loại phương ngữ nào khác. Khác biệt rõ nhất là con bé thường thêm từ khi nói, đặc biệt là "thì" và "làm", ngoài ra con bé cũng không dùng thì quá khứ. "Làm" được con bé sử dụng như một trợ động từ và em thêm vào câu bất cứ lúc nào em thích. Thay vì chia động từ theo chủ ngữ, con bé chỉ dùng đơn giản từ "thì". Đối với Sheila, thì quá khứ dường như không tồn tại trừ một số rất ít ngoại lệ. Mọi điều con bé nói dường như đều trong hiện tại hoặc tương lai. Điều này làm tôi bối rối mờ mịt vì con bé có thể diễn đạt chính xác những thì rất khó như câu điều kiện với "nên" và "sẽ", cũng như khả năng liên kết những câu phức tạp vượt xa hầu hết những đứa bé sáu tuổi. Tôi ghi âm lại những mẩu đối thoại của con bé và gửi cho các chuyên gia để phân tích. Trong khi chờ đợi, tôi để con bé trò chuyện theo cách nó muốn.
Thầy Allan, bác sĩ tâm lý của trường, đã cho Sheila làm kiểm tra IQ và khả năng đọc. Sheila vượt qua bài kiểm tra IQ với số điểm cao nhất trong giới hạn của bài kiểm tra. Thầy Allan vô cùng kinh ngạc trước chuyện này. Thầy chưa từng gặp đứa trẻ nào làm được như thế trong bài kiểm tra của mình và dĩ nhiên không hề mong đợi điều đó từ một đứa được đưa vào lớp học của tôi. Sheila đọc và hiểu tương đương trình độ lớp năm dù thực tế chưa ai từng dạy con bé đọc cả. Hôm ấy thầy Allan ra về, hứa hẹn sẽ tìm một bài kiểm tra khác đủ đánh giá chỉ số IQ của Sheila.
Mỗi buổi sáng trước khi giờ học bắt đầu, tôi lại làm vệ sinh cho Sheila. Tôi mua một cái xô nhựa ở cửa hàng giảm giá và cất lược, lược ống, đồ sạch, khăn tắm, xà phòng, kem dưỡng da và bàn chải đánh răng trong đó. Hầu như ngày nào Sheila cũng sẵn sàng tắm rửa và đánh răng nếu tôi đồng ý chải tóc cho con bé. Con bé rất thích mấy cái kẹp tóc. Tôi mua thêm một bộ giống loại tôi đang xài và Sheila canh giữ chúng như kho báu quốc gia. Mỗi buổi sáng con bé lại lấy ra kiểm tra, đếm đủ số và chọn cái nào sẽ dùng. Mỗi buổi chiều con bé lại gỡ kẹp ra khỏi tóc, đặt cẩn thận trong nếp gấp của chiếc khăn tắm. Rồi con bé đếm lại lần nữa để chắc là không ai lấy đi cái nào của mình. Quần áo của con bé lại là một vấn đề khó khăn khác. Tôi giữ sẵn mấy cái quần còn sạch ở trường và bắt con bé phải thay mỗi sáng. Chúng tôi không bao giờ nhắc đến vấn đề này vì sau ngày đầu tiên tôi đã nhận ra đây là một chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn con bé thay đổi. Cứ mỗi thứ Hai hàng tuần, Whitney lại mang đồ của Sheila đến tiệm giặt ủi tự động nằm cuối góc đường gần trường. Đó không phải là giải pháp tốt nhất nhưng ít ra Sheila không còn quá bốc mùi như trước. Dù sao đi nữa, giờ đây con bé cũng đã trở thành một bé gái kháu khỉnh và sạch sẽ. Con bé có mái tóc dài vàng óng, dày và điều khiến tất cả chúng tôi yêu thích là đôi mắt lấp lánh và nụ cười thường trực khoe ba khoảng trống của mấy cái răng sún ở hàm dưới.
Thật nhẹ cả người vì một vấn đề mà tôi rất lo ngại nhưng đến nay vẫn chưa xảy ra đó là cách cư xử của con bé khi nó đi xe buýt một mình từ khu trại của dân nhập cư đến trường và ngược lại. Với một tiểu sử kinh hoàng về sự mất kiểm soát hành vi như thế, tôi không thể tin nổi là Sheila sẽ hành xử tốt trên xe buýt khi không có người giám sát. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của tôi đã được chứng minh là vô căn cứ. Có lẽ việc nhét Sheila vào chung với bốn mươi học sinh trung học cũng đủ làm cho con bé sợ hãi.
Nhưng có một lần một việc đã xảy ra vào hồi cuối tháng Giêng, lúc đó con bé đã sử dụng tuyến xe buýt ấy được một thời gian. Chiều hôm đó, tôi đưa con bé ra trạm xe buýt như thường lệ. Sau khi chào tôi, nó đi thẳng xuống hàng ghế sau cùng. Tuy nhiên, khi xe về đến khu trại của dân di cư và các học sinh trung học đã xuống xe hết thì không thấy Sheila đâu. Bác tài nhìn xuống hàng ghế phía sau xe nhưng vẫn không thấy con bé. Vì chuyến xe chỉ ghé lại hai trạm trước khi về đến khu trại và bác tài hoàn toàn không thấy Sheila xuống xe nên rất lo ngại và đã gọi cho tôi để chắc rằng con bé có lên xe. Tôi khẳng định là có. Tôi cứ phập phồng lo lắng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với con bé. Sau đó thì bác tài gọi lại và báo đã tìm thấy Sheila. Thì ra Sheila đã nằm bẹp dưới sàn xe gần chỗ bánh sau, nơi có hơi ấm tỏa ra và cuộn mình ngủ thiếp đi. Sau lần đó, bác tài luôn kiểm tra kỹ để chắc rằng con bé đã thức dậy và xuống xe. Mấy cậu học sinh trung học lúc đầu chỉ cố chịu đựng sự hiện diện của con bé, giờ đã nhường cho nó một chỗ gần máy sưởi, cho nó mượn cặp hoặc áo khoác để gối đầu và đưa con bé về tận nhà vào những đêm con bé quá buồn ngủ.
Một vấn đề vẫn chưa được giải quyết là chuyện về cha của Sheila. Tôi đã rất cố gắng tìm ông để trao đổi. Ông không có điện thoại nên tôi gửi một giấy mời nhờ Sheila mang về nhà mời ông đến trường. Không có hồi âm. Tôi lại gửi thêm giấy mời thứ hai. Vẫn không có hồi âm. Thế là tôi gửi một bức thư ngắn nói rằng tôi sẽ đến thăm nhà ông. Khi tôi và Anton đến chiều hôm ấy, nhà không có ai. Tôi hơi có cảm giác rằng ông không muốn gặp tôi. Cuối cùng tôi liên hệ với cô nhân viên xã hội phụ trách Sheila. Chúng tôi cùng nhau đến nhà ông một lần nữa, nhưng chỉ có Sheila ra đón chúng tôi. Cha con bé đi vắng.
Tôi rất muốn gặp ông. Trước hết tôi muốn thu xếp để Sheila được mặc quần áo tử tế. Tôi đã đề cập việc này với cô nhân viên xã hội. Mặc dù Sheila chỉ có một bộ đồ duy nhất, nhưng tôi lại quan tâm đến áo ấm của con bé nhiều hơn. Con bé chỉ có một chiếc áo khoác bằng cotton mỏng dành cho con trai, hơi giống áo khoác của đội bóng chày
Windbreaker. Con bé không có găng tay, không nón, không ủng. Mà lúc đó lại là tháng Giêng. Hầu như ngày nào nhiệt độ cũng chỉ quanh 20 độ, thậm chí có lúc xuống dưới 0. Có những hôm Sheila đến trường mặt mày tím tái vì phải đi bộ từ trường trung học cách đó hai dãy nhà. Tình hình cấp bách đến nỗi vào những ngày tệ nhất tôi phải mang xe hơi đến đón em. Vào giờ giải lao, tôi còn mặc thêm cho em vài cái áo. Một lần, tôi đánh bạo gửi mấy bộ đồ để con bé mang về nhà thì ngay ngày hôm sau, em mang tất cả trả lại trong một cái túi giấy. Sheila xấu hổ nói rằng con bé đã bị đánh đòn vì dám nhận "của bố thí". Cô nhân viên xã hội cho biết họ đã nhiều lần cảnh cáo cha con bé về điều này và có lần còn buộc ông phải vào thị trấn để mua quần áo cho Sheila bằng tiền trợ cấp của mình. Nhưng có lẽ sau đó ông đã trả quần áo để lấy tiền lại. Không thể ép buộc ông ta được, cô nhún vai nói. Cô không muốn gây nguy hiểm cho Sheila khi tìm cách giải quyết vấn đề triệt để vì rõ ràng là ông ta sẽ trút giận lên đứa trẻ. Tôi đã hỏi rằng đó chẳng phải là ngược đãi trẻ em hay sao, nhưng câu trả lời là về mặt pháp lý thì không, vì chẳng có chút biểu hiện bị ngược đãi nào ở con bé cả. Sau khi cô nhân viên xã hội ra về, tôi đã giận dữ đóng sầm cửa lại. Không có chút biểu hiện nào ở con bé là sao? Vậy thì con bé làm cái quái gì trong lớp tôi? Nếu đó không phải là ảnh hưởng để lại thì tôi cũng chẳng biết đó là gì nữa.
Trong suốt thời gian ở lớp, tôi luôn cố hết sức mang đến cho con bé những điều mà nó đã bị tước đi do sự rối loạn và hoàn cảnh sống của mình. Con bé ngày càng trở nên sôi nổi. Từng giây từng phút trong ngày đều tràn ngập những khám phá và tiếng trò chuyện rôm rả. Trong những tuần đầu, con bé quanh quẩn bên tôi suốt ngày. Dù tôi đi đến đâu, khi quay lại đều thấy con bé đứng sau lưng, tay ôm một cuốn sách hay những khối vuông để học toán. Mỗi khi bắt gặp ánh mắt của tôi, con bé lại nở một nụ cười ngây thơ, trong sáng và lon ton chạy đến bên tôi. Tất nhiên tôi vẫn chia đều thời gian dành cho những đứa khác, nhưng điều đó cũng không làm con bé phiền lòng. Con bé kiên nhẫn đứng sau lưng đợi đến khi tôi xong việc. Thỉnh thoảng tôi còn cảm thấy một bàn tay ngập ngừng nắm lấy lưng quần mình khi con bé dạn dĩ hơn và muốn tiếp xúc gần gũi hơn. Anton luôn trêu chọc tôi rằng tôi trông giống một đầu tàu, bởi khi tôi di chuyển quanh phòng để giúp đỡ những đứa khác, Sheila luôn theo sau tôi, tay tóm chặt lưng quần tôi như hành khách đi xe buýt nắm lấy quai treo trên trần xe.
Suốt những tuần đầu tiên ấy, tôi vừa cảm thấy may mắn vừa cảm thấy không may về hai tiếng đồng hồ chúng tôi ở lại riêng với nhau sau giờ học. Thời gian chuẩn bị giáo án của tôi bị rút ngắn. Ngoài ra, tôi phải mang công việc về nhà và làm thêm vào buổi tối. Điều này khiến Chad cảm thấy như anh bị bỏ rơi. Anton thì cằn nhằn vì không thể trao đổi với tôi những vấn đề về công việc nữa trừ khi cả hai chúng tôi đều đến trường lúc bảy giờ rưỡi sáng. Nhưng đối với Sheila, khoảng thời gian ấy thật lý tưởng. Con bé cần sự quan tâm không san sẻ.
Suốt sáu năm trong đời mình con bé luôn bị xa lánh, ghẻ lạnh, thờ ơ. Bị tống khỏi xe, bị hất văng khỏi cuộc sống của mọi người. Giờ đây có người ôm con bé, trò chuyện với nó, vỗ về nó. Sheila đón nhận tất cả những cử chỉ yêu thương nhỏ nhất mà tôi có thể dành cho nó. Dù cũng hơi bất tiện khi mất đi hai tiếng dành để soạn giáo án, nhưng tôi cảm thấy bớt lo lắng hơn khi để con bé lò tò đi theo tôi, bám vào thắt lưng tôi khi tôi chưa thể chú ý đến nó vì phải dành thời gian cho những đứa trẻ khác, bởi vì sau giờ học tôi lại dành toàn bộ thời gian của mình cho riêng nó.
Cũng như Anton và tôi, mấy đứa trẻ khác cũng rất vui thích khi thấy Sheila trở nên tràn đầy sức sống. Chiếc hộp của con ma tinh nghịch ngập tràn các mẩu giấy nhỏ với những nét chữ ngô nghê nhận xét về chuyển biến tích cực này. Hầu hết bọn trẻ đều cảm thấy nhẹ nhõm vì con bé không còn nặng mùi như trước nữa. Không chỉ vậy, chúng còn đón nhận bất kỳ nỗ lực nào của Sheila, dù là nhỏ nhất.
Rõ ràng Sheila không có nhiều cơ hội để học phép lịch sự hay cách cư xử chừng mực với người khác. Con bé luôn phải cố gắng để tồn tại và lòng vị tha là một khái niệm xa lạ. Hậu quả là con bé đã quen với việc phải tranh đấu để giành được thứ mình muốn. Khi ai đó bước vào chỗ xếp hàng mà con bé đã chọn, con bé liền đấm người đó một phát thật mạnh để giành lại chỗ đó. Nếu đứa trẻ nào có món đồ chơi con bé thích, con bé liền tóm lấy, giật khỏi tay đứa kia và ôm món đồ chơi chạy vụt đi chỗ khác, rít lên giận dữ đe dọa bất kỳ ai muốn lấy lại món đồ. Xét trên nhiều mặt, những phản ứng trực diện như thế của con bé còn thô bạo và kinh khủng hơn cả Peter, nhưng thái độ đó hoàn toàn do bản năng, không một chút ác ý.
Tôi hiểu rằng sau sáu năm con bé hành xử theo thói quen đó, thì giờ đây việc giảng giải cho em hiểu nên ứng xử khác đi là cả một vấn đề. Những lời quở trách, cảnh cáo và cả phạt con bé đứng ở góc phòng không có ảnh hưởng đáng kể đến thái độ của nó. Vậy mà Chiếc hộp của con ma tinh nghịch lại làm được điều đó.
Mỗi buổi chiều, Sheila lại chăm chú lắng nghe khi tôi đọc những mẩu giấy và khen ngợi những đứa trẻ nào được nhắc đến. Mỗi lần như vậy, con bé đều hào hứng đếm những lời khen dành cho mình và nếu có thể liền đếm luôn cả lời khen dành cho những đứa khác để so sánh xem mình được nhiều hay ít hơn. Tôi đã cố ngăn hành động đó. Những đứa khác không hề ganh đua và không cảm thấy cần thiết phải đánh giá giá trị của mình bằng số lượng lời khen chúng nhận được. Tôi không muốn chúng như vậy. Nhưng Sheila không thể cưỡng lại điều đó. Cái tôi nhỏ bé của con bé không thể ngồi yên. Hết lần này đến lần khác, con bé luôn muốn chứng tỏ mình là đứa ngoan nhất trong lớp, thông minh nhất, chăm chỉ nhất, được tôi yêu thương nhất. Khi tôi nhất quyết không thừa nhận điều đó, con bé đặt ra mục tiêu sẽ chứng minh bằng những mẩu giấy trong Chiếc hộp của con ma tinh nghịch. Nhưng việc đó thật sự vượt quá khả năng của con bé. Con bé có thể chứng minh với tôi mình đọc giỏi đến mức nào. Rất đơn giản, chỉ cần mang một cuốn sách ra. Con bé có thể chứng minh với tôi mình giỏi toán đến mức nào. Việc đó cũng rất đơn giản. Nhưng con bé không biết làm thế nào để trở nên ngoan ngoãn, lịch sự hay ý tứ trước mọi người để giành được nhiều lời khen.
Một chiều sau giờ học, con bé rụt rè đến bên bàn nơi tôi đang phân tích một thí nghiệm khoa học và hỏi:
- Sao Tyler lại có nhiều mẩu giấy khen vậy cô? Chị ấy có nhiều hơn tất cả những người khác. Cô viết cho chị ấy phải không?
- Không, con biết rõ điều đó mà. Mọi người viết giấy khen đấy chứ.
Con bé nghiêng đầu:
- Vậy sao chị ấy lại có nhiều hơn? Chị ấy làm thế nào? Sao mọi người lại thích chị ấy nhiều vậy?
Tôi im lặng cân nhắc một lúc:
- À, chắc là vì chị lịch sự. Khi chị muốn cái gì, chị hỏi xin và hầu như lúc nào cũng nói "vui lòng". Và "cảm ơn" nữa. Việc đó khiến người khác sẵn sàng giúp đỡ chị và ở bên chị vì chị khiến mình cảm thấy dễ chịu.
Sheila chau mày, nhìn xuống đôi tay mình. Sau khi im lặng một lúc lâu, con bé nhìn tôi trách móc:
- Sao cô không bao giờ nói với con là cô muốn con nói vui lòng và cảm ơn? Con không biết cô thích như vậy. Sao cô lại nói với Tyler mà không nói với con?
Tôi ngẩn người ra nhìn con bé.
- Sheila ơi, cô không hề nói với chị Tyler. Đó là điều mọi người vẫn làm mà. Mọi người luôn thích người khác lịch sự mà.
Con bé hờn dỗi:
- Con không biết chuyện đó. Chưa ai từng nói với con điều đó. Con không biết cô muốn con làm vậy.
Nghĩ kỹ lại, tôi thấy con bé nói đúng. Có lẽ tôi chưa bao giờ nói thế với con bé. Đó là một trong những điều mà tôi tin chắc đứa trẻ nào cũng biết, nhất là với một đứa thông minh như Sheila. Tôi đã mặc nhiên xem như con bé biết điều đó. Nhưng giờ đây tôi đã nhận ra sai lầm trong giả định của mình. Có lẽ trong cuộc đời mình, Sheila chưa từng được nghe những từ đó. Hoặc trước đây đối với em những từ đó chẳng mang ý nghĩa gì.
- Cô xin lỗi Sheila nhé, cô tưởng con biết rồi.
- Con không biết. Con có thể nói những từ đó nếu con biết cô muốn con làm vậy.
Tôi gật đầu:
- Ừ, cô rất muốn con làm vậy. Đó là những từ rất tích cực vì nó khiến mọi người cảm thấy dễ chịu. Điều đó rất quan trọng. Việc đó sẽ làm mọi người thích con hơn.
- Liệu họ có nói với con con là một bé ngoan không?
- Việc đó sẽ giúp họ nhận ra con là bé ngoan.
Thế là từng chút từng chút một, con bé bắt đầu dõi theo cách mọi người làm thế nào để trở nên ngoan ngoãn và thân thiện hơn. Khi con bé không hiểu, nó sẽ hỏi. Nếu tôi nhận thấy con bé chưa biết điều gì, tôi sẽ nói với nó vào những lúc chúng tôi ở riêng với nhau.