Tủi thay, mọi chuyện không phải lúc nào cũng tốt đẹp; cũng như trong Vườn Địa Đàng vẫn luôn có những con rắn chực chờ. Trong tháng đầu tiên ấy có hai vấn đề nảy sinh mà chúng tôi gần như không thể vượt qua nổi.
Vấn đề đầu tiên có lẽ không quan trọng như tôi nghĩ. Tuy tiến bộ hơn rất nhiều so với những ngày đầu, nhưng Sheila vẫn nhất quyết không chịu làm bài tập. Hễ tôi đưa một mảnh giấy cho con bé thì nó sẽ xé nát ngay lập tức. Thỉnh thoảng khi bị tôi hay Anton nghiêm khắc dọa phạt, con bé sẽ không xé giấy ngay mà giả vờ như đang làm bài. Thế nhưng sau đó thì tôi cũng chẳng thấy bài tập của con bé đâu. Con bé sẽ xé nó thành từng mảnh, hoặc viết ngoằn ngoèo, hoặc vo lại một cục nhét dưới lò sưởi hay ném vào chuồng thỏ cho thỏ ăn.
Tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau để cải thiện tình hình. Tôi dán tờ giấy xuống bàn để con bé không thể cầm lên. Khi đó con bé liền viết nguệch ngoạc lên đó cho đến khi tờ giấy rách ra.
Tôi đặt giấy bài làm vào bìa nhựa, con bé sẽ ngồi nhìn và cương quyết không chịu cầm viết chì màu lên. Thậm chí có một lần con bé còn ăn luôn cả cây viết màu. Tôi thử dùng đến sổ tay nhưng chúng đắt tiền hơn và tôi càng tức giận hơn khi chúng bị tiêu hủy ngay trong lần đầu tiên. Tôi thử áp dụng cách của cô Barthuly là bọc nhựa vở bài tập lại, và may mắn là chúng tôi không có máy điều hòa không khí. Đó là một giải pháp khá tốn kém và mất nhiều thời gian hơn, nhưng khi mang đến cho con bé, Sheila chỉ ngồi yên, không chịu làm gì cả. Tôi viết bài tập của con bé lên bảng, con bé sẽ lén xóa nó đi khi tôi không chú ý. Không có cách nào tôi nghĩ ra mà con bé không phá được.
Tuy vậy, con bé không phải là không muốn làm bài tập. Bởi nếu bài tập đòi hỏi phải viết một câu trả lời, con bé sẽ không đụng đến, bất kể là môn nào; nhưng con bé không từ chối trả lời miệng để Anton, Whitney và tôi điền câu trả lời vào giấy cho nó. Bắt nó tự làm thì tuyệt nhiên không.
Chẳng cần phải nói cũng biết việc này gây ra nhiều xung đột giữa chúng tôi. Tôi đã dùng tất cả những kỹ xảo của mình. Tôi phạt con bé trong góc phòng. Nhưng con bé chỉ ngồi bất động và im lặng thật lâu khiến tôi cảm thấy cách này không giải quyết được vấn đề. Tôi không muốn con bé bỏ lỡ quá nhiều việc chỉ để ngồi trên ghế. Không như tuần đầu tiên khi góc phòng là một phương tiện để khống chế hành vi của con bé, việc này hoàn toàn khác. Góc phòng đó vốn không được sử dụng như một hình phạt, vì vậy tôi không quan tâm khi bọn trẻ ngồi đó khóc lóc hay giãy nãy. Đơn giản là chúng mất khả năng kiểm soát và tôi muốn chúng ngồi ở đó để bình tĩnh trở lại. Nhưng khi một đứa đi đến đó, ngồi bất động, thì bỗng nhiên nó trở thành một hình phạt. Đôi khi phạt một vài phút có thể chấp nhận được, nhưng mỗi lần như thế thường không kéo dài quá lâu. Thế nên khi tôi phạt con bé trong góc và con bé đến đó, vẫn không chịu làm bài tập sau khi ngồi khoảng hai mươi phút, tôi liền thôi. Nếu tôi có chiến thắng trong cuộc đọ sức này thì việc đó cũng không quan trọng bằng việc giữ cho con bé hoạt bát và tham gia vào các hoạt động trong lớp. Hơn nữa, tôi e rằng có điều gì đó ẩn sau hành động dứt khoát không làm bài tập của con bé, bởi trừ khi đang nổi giận, ít khi Sheila từ chối làm điều đúng. Từ lâu chúng tôi đã thống nhất ai là người nắm quyền trong lớp học, và tôi không hề thấy con bé gây khó dễ gì về điều này. Ngoại trừ chuyện dứt khoát không làm bài tập ra, những việc khác con bé đều nỗ lực một cách kỳ lạ để làm tôi hài lòng, thế nên tôi càng không hiểu tại sao con bé lại phản ứng như vậy khi tôi giao bài tập.
Đến cuối tuần thứ ba, tôi bị chuyện đó ám ảnh đến nỗi sau giờ học, tôi đã lao vào phòng nghỉ của giáo viên và trút giận lên những giáo viên khác. Đến tối anh Chad lại phải hứng chịu cơn giận dữ của tôi. Cuối cùng đến một ngày, tôi cố nỗ lực một lần cuối, ra cùng một bài tập viết sẵn lên hết một ram giấy. Đến giờ toán, tôi thận trọng gọi Sheila đến. Tôi đã quyết tâm là nếu chúng tôi có phải ngồi đó đến tận lễ Tình nhân và làm hết 500 tờ bài tập thì chúng tôi cũng phải làm.
- Sheila, hôm nay chúng ta sẽ làm mấy bài toán này. Cô chỉ cần con làm một tờ này thôi và những bài tập ở đây rất dễ.
Con bé nhìn tôi ngờ vực:
- Con không muốn làm.
- À, hôm nay con không có quyền lựa chọn. Tôi dằn mạnh tờ giấy xuống bàn.
- Nào, chúng ta bắt đầu.
Con bé ngồi nhìn tôi chằm chằm. Tôi có thể nhận ra con bé đang toan tính điều gì đó. Tôi chưa bao giờ ép buộc nó một cách trực tiếp như thế này và dường như con bé không đoán biết được tôi sẽ làm gì. Cơn nóng giận trong tôi cứ sôi sùng sục khiến tôi quặn cả người. Ruột gan tôi như thắt lại, tim đập mạnh. Trong một khoảnh khắc, tôi đã muốn bỏ cuộc nhưng sự giận dữ tích tụ suốt mấy tuần qua đã khiến tôi không thể kiềm lại.
- Làm đi!
Tôi có thể nghe thấy giọng mình lớn hơn và mang tính đe dọa hơn tôi muốn. Tôi khom người nhặt một cây viết chì lên, đặt vào tay con bé.
- Cô bảo làm bài đi. Làm ngay nào, Sheila.
Con bé vo tờ giấy đầu tiên lại ngay. Tôi cẩn thận vuốt nó thẳng ra và đặt lại xuống bàn. Con bé dùng bút chì đâm thủng nó. Chúng tôi đấu tranh với nhau một cách căng thẳng, tôi cứ đặt những tờ bài tập mới xuống, Sheila lại xé bỏ. Giờ toán đã kết thúc và đống giấy bài tập bị vo cục hoặc xé nát cứ mỗi lúc một cao dần quanh chỗ chúng tôi ngồi. Những đứa khác đã đứng dậy chơi đùa. Sheila liếc mắt nhìn quanh lo lắng. Giờ chơi tự do là khoảng thời gian con bé thích nhất, hơn nữa, nó đã nhìn thấy Tyler đang lấy mấy con búp bê đồ chơi nó rất thích ra.
- Làm xong tờ bài tập này đi rồi con có thể đi chơi.
Tôi vừa tuyên bố vừa đặt một tờ bài tập mới xuống. Tôi đã nguôi giận nhưng vẫn còn một chút cáu tiết khiến mạch tôi tiếp tục đập nhanh.
Sheila đã mất kiên nhẫn với tôi. Hơi thở nặng nhọc của em bắt đầu mang những tiếng gầm gừ khe khẽ. Chúng tôi lại tiếp tục với khoảng chục tờ giấy bài tập nữa. Tôi kéo ghế lại gần em hơn, ghì em ngồi sát vào bàn. Sau đó tôi đặt một tờ giấy mới xuống. Một tay tôi nắm lấy tay em, tay kia giữ chặt tay còn lại.
Tôi ngang ngạnh lên tiếng:
- Sheila, nếu con không thể tự làm một mình thì cô sẽ giúp con.
Tôi có thể cảm thấy mồ hôi mình thấm ra ướt đẫm lưng áo.
Sheila bắt đầu mất kiểm soát. Con bé thét lên với một tiếng hét chói tai. May mắn là con bé thuận tay trái giống tôi nên tôi có thể chủ động di chuyển tay con bé dễ dàng hơn. Tôi hỏi con bé đáp án cho câu hỏi đầu tiên. Lúc đầu con bé không chịu nói nhưng sau đó giận dữ hét to đáp án. Tôi đè tay nó xuống tờ giấy, nhúc nhích ghi ra số 3. Sheila cố sức vẫy vùng thật mạnh, cố thoát khỏi sự kìm giữ của tôi, cố gắng cắn tôi. Giờ đến câu hỏi thứ hai. Một lần nữa tôi lại moi được câu trả lời của con bé và cưỡng bức nó ghi ra.
Chúng tôi vùng vằng với nhau suốt giờ chơi tự do và hoàn tất tờ bài tập trong tiếng la hét phản kháng của con bé và sự ép buộc của tôi. Ngay khi tôi buông tay, con bé quờ quạng tóm vội lấy tờ giấy và xé ngay trước khi tôi kịp bắt lấy tay em. Con bé giận dữ ném tờ giấy vào mặt tôi và vùng vẫy thoát khỏi tay tôi, xô ngã chiếc ghế. Con bé chạy vụt qua phía bên kia lớp học rồi quay lại trừng mắt nhìn tôi.
- CON GHÉT CÔ!
Con bé lấy hết sức hét lên. Những đứa khác sắp ăn xong bữa ăn nhẹ và chuẩn bị ra chơi nhưng chúng chợt dừng lại quan sát chúng tôi.
- Con ghét cô! Con ghét cô! Con ghét cô! Dường như cơn cuồng nộ trong em đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của nó, nên con bé cứ đứng đó, trong góc phía sau mấy cái chuồng thú hét không thành lời.
Anton lùa mấy đứa khác ra ngoài nghỉ giải lao còn tôi vẫn ngồi lại bên bàn. Tôi nghĩ con bé đang nổi điên và sẽ lao vào phá hoại nên chuẩn bị tư thế sẵn sàng tóm lấy nó. Nhưng con bé không làm thế. Một lúc sau nó lấy lại bình tĩnh và thôi la hét. Tuy vậy, nó vẫn đứng bên kia phòng nhìn tôi đầy thù ghét. Trông con bé như sắp khóc, môi trề ra, cằm run run. Tôi bắt đầu cảm thấy mình là kẻ đệ nhất đê tiện. Sự thất vọng vì cách hành xử quá thù địch của tôi hiển hiện trong mắt con bé. Khi nhìn nó, tôi nhận ra mình đã làm sai. Tôi đã quá tuyệt vọng, bản năng sư phạm cần phải hoàn tất bài tập đã lấn át lý trí tôi. Lẽ ra tôi không nên để điều đó xảy ra. Như thế là sai trái. Tôi giận mình đã để cho một việc chẳng mấy quan trọng như thế khống chế.
Tôi nhìn con bé chăm chú. Những cảm giác tồi tệ xâm chiếm lấy tôi, tôi tự buộc tội mình, nghi ngờ bản thân mình. Phải chăng tôi đã phá hủy mối quan hệ tốt đẹp mới được hình thành giữa chúng tôi? Trong ba tuần kể từ khi con bé đến lớp, mối quan hệ của chúng tôi đã tiến triển rất tốt. Phải chăng tôi đã phá hỏng tất cả những điều đó chỉ trong một buổi sáng? Con bé vẫn nhìn tôi. Trong một khoảnh khắc tưởng chừng như bất tận, chúng tôi im lặng nhìn nhau.
Rồi Sheila từ từ tiến về phía tôi. Đôi mắt em vẫn luôn nhìn tôi, đôi mắt to tròn mang đầy sự cảnh giác, buộc tội. Con bé đến bên bàn tôi. Nó quan sát ngón tay mình đang di di vẽ một đường ngoằn ngoèo trên mặt bàn nhẵn thín trước khi nhìn lại tôi.
Giọng con bé chứa đầy cảm xúc.
- Cô thì không tốt với con.
- Ừ, cô nghĩ là cô không tốt, phải không con? Tôi cảm nhận sự yên lặng đáng sợ.
- Cô xin lỗi nhé Sheila. Lẽ ra cô không nên làm thế.
- Lẽ ra cô thì không nên ích kỷ với con. Con thì là một học trò của cô mà.
- Cô xin lỗi. Chỉ là cô rất buồn vì con không bao giờ chịu làm bài tập. Cô chỉ muốn con làm bài tập như mọi người vẫn làm. Việc con không chịu làm bài khiến cô nổi giận vì điều đó đối với cô rất quan trọng. Cô đã giận quá.
Con bé thận trọng quan sát tôi. Môi dưới con bé trề ra và đôi mắt nó trông hết sức đau lòng nhưng nó vẫn rụt rè tiến đến gần tôi hơn.
- Cô vẫn thương con chứ?
- Dĩ nhiên là cô vẫn thương con chứ.
- Nhưng cô thì giận con và la con.
- Đôi khi người ta vẫn nổi giận. Thậm chí đối với những người họ rất yêu thương. Điều đó không có nghĩa là họ không yêu thương người đó nữa. Chỉ là họ giận quá thôi. Một lúc sau khi cơn giận qua đi họ vẫn yêu thương nhau. Cô vẫn thương con như từ trước đến nay mà.
Con bé mím môi.
- Con không ghét cô thật sự.
- Cô biết rồi. Con cũng chỉ giận giống cô thôi.
- Cô la mắng con. Con không thích cô la con như vậy. Tai con đau lắm.
- Mèo con ơi, cô đã làm sai. Cô xin lỗi. Cô xin lỗi con. Ngay lúc này chúng ta sẽ không nhắc đến bài tập nữa. Lúc nào khác khi con cảm thấy thích có thể chúng ta sẽ làm sau.
- Con sẽ không bao giờ cảm thấy thích làm chuyện đó.
Vai tôi chùn xuống chán nản.
- Ừ, vậy thì có thể chúng ta không bao giờ làm nữa. Con bé nhìn tôi băn khoăn:
- Nhưng phải có bài tập mà. Tôi thở hắt ra mệt mỏi:
- Cô nghĩ cũng không cần lắm. Có những thứ còn quan trọng hơn. Hơn nữa có thể một ngày nào đó con sẽ thấy thích. Khi đó chúng ta sẽ làm.
Và thế là tôi bỏ qua cuộc chiến về bài tập. Hay ít ra là trận này.
Tôi không thể hiểu nổi vì sao con người lại muốn người khác phải lưu tâm đến những vấn đề nhỏ nhặt và nghĩ cả thế giới sẽ sụp đổ nếu mọi việc không diễn ra như ý họ muốn. Khi tôi đã loại bỏ vấn đề đó ra khỏi tư tưởng của mình, có lẽ tôi không thể nào hiểu được tại sao nó đã từng quá quan trọng với tôi như thế. Nhưng trong những tuần đầu tiên ấy, nó đã như thế.
Vấn đề thứ hai mà Sheila mang đến nghiêm trọng hơn và khó giải quyết hơn nhiều. Con bé đã hình thành một khả năng báo thù mạnh mẽ không biết đến giới hạn. Khi bị đối xử không tốt hay bị chiếm tiện nghi, Sheila trả đũa bằng một sức mạnh kinh hoàng. Sự thông minh của con bé khiến điều đó càng đáng sợ hơn vì con bé có thể nhanh chóng nhận ra những gì người khác quý trọng và đó là thứ con bé sẽ đánh vào để trả mối thù. Khi Sarah đá một đám tuyết vào con bé trong giờ giải lao, Sheila phá hủy một cách có hệ thống tất cả những tranh vẽ của Sarah treo trong phòng. Với một đứa thích vẽ như Sarah, đó thật là một đòn nặng nề. Có một hôm, Anton nổi giận vì Sheila chạy nhảy trong phòng trong giờ cơm trưa, thế là sau đó con bé đáp trả bằng cách bóp chết tất cả số chuột nhảy con mà Anton đã mượn của con trai mình mang đến trường sáng hôm ấy. Sự lạnh lùng, sáng suốt của con bé khi xác định điểm yếu của mọi người khiến tôi rùng mình.
Nhưng mọi việc không chỉ dừng lại ở chuyện xé bỏ tranh vẽ hay bóp chết mấy chú chuột con. Sự trả thù của con bé đầy toan tính và dai dẳng. Sheila cần được giám sát mọi lúc. Thế nhưng ngay cả khi chúng tôi tin rằng mình đã giám sát con bé rất cẩn thận, con bé vẫn tìm được cách thoát khỏi chúng tôi.
Giờ cơm trưa là khoảng thời gian nguy hiểm nhất trong ngày. Cả tôi lẫn Anton đều không muốn mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi duy nhất chỉ để giám sát Sheila. Mấy cô bảo mẫu rõ ràng vẫn còn sợ con bé dù họ đã miễn cưỡng chấp nhận chăm sóc con bé trở lại.
Một hôm trong khi tôi và Anton đang ở trong phòng nghỉ của giáo viên dùng nốt phần cơm trưa, một cô bảo mẫu vừa la hét vừa chạy vào, hổn hển gọi tên Sheila. Cơn ác mộng về ngày đầu tiên của Sheila sẽ lặp lại luôn ám ảnh chúng tôi nên chúng tôi vội vã đuổi theo.
Sheila đã vào được phòng học của một giáo viên khác. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng mười hay mười lăm phút, con bé đã phá hủy hoàn toàn căn phòng. Tất cả bàn học sinh đều bị xô ngã và móp méo, đồ dùng cá nhân vương vãi trên sàn nhà. Màn cửa sổ bị lôi xuống, sách rơi khỏi kệ, màn hình của một chiếc máy dạy học bị đập vỡ tan. Tôi không thể tưởng tượng được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như thế mà mọi thứ lại bị phá hoại khủng khiếp đến vậy.
Tôi kéo mạnh cửa:
- Sheila!
Con bé quay người lại, ánh mắt tối sầm thật ghê sợ. Con bé cầm chặt cây chỉ bản đồ trong tay.
- Bỏ nó xuống!
Con bé nhìn chòng chọc vào tôi một lúc lâu nhưng rồi vẫn buông cây chỉ bản đồ xuống. Con bé đã ở với chúng tôi ba tuần. Đến lúc này con bé đã biết khi nào tôi thật sự nghiêm túc. Tôi biết nếu tôi có thể khiến con bé dừng những gì đang làm lại và đến bên tôi, thì tôi có thể đưa con bé ra ngoài trong yên ổn. Tôi biết tốt hơn mình không nên làm con bé sợ hãi đến nỗi bỏ chạy. Khi bỏ trốn, con bé sẽ trở nên nguy hiểm hơn và sợ hãi quá độ đến mức không nghe lời nữa. Lúc này ánh mắt con bé sộc lên tia nhìn hoang dại thật đáng sợ và tôi nhận ra nỗ lực kiềm chế của nó mong manh đến dường nào.
Tôi liếc mắt nhìn quanh phòng để quan sát thảm họa ấy, tôi không thể tưởng tượng nổi chúng tôi sẽ làm gì. Trong tôi ngập lên nỗi chán nản ê chề khi trước mắt tôi bày ra một sự thật rằng chính con bé đã gây ra những chuyện kinh khủng này và chính tôi đã để cho mọi chuyện xảy ra. Hình phạt ngồi trong góc phòng chẳng thể tương xứng với tổn thất hàng trăm đô-la thế này. Mà đây lại không phải lớp tôi nữa. Căn phòng này thuộc về một giáo viên khác. Tôi biết vấn đề đã vượt ngoài khả năng kiểm soát của mình.
Đến lúc tôi dỗ ngọt được Sheila đến cửa, thầy Collins và cô Holmes, giáo viên phụ trách lớp học này, đã đứng sau lưng tôi. Ngay khi tôi tóm được tay Sheila, thầy Collins bắt đầu giận dữ gầm lên.
Tôi cho là ông có lý do rất chính đáng để nổi giận. Nhưng tôi cũng biết cách phản ứng này của ông sẽ đẩy mọi chuyện đi xa như thế nào. Thầy Collins thuộc tuýp người cổ hủ tin rằng tất cả những vi phạm sẽ chấm dứt, hay ít ra là giảm bớt, nếu can thiệp bằng roi vọt. Thế là ông tóm lấy cánh tay Sheila, nhưng tôi cũng đã kịp bấu chặt lấy hai dây đeo áo của con bé và nhất định không buông ra.
Chúng tôi lườm nhau, không ai nói tiếng nào. Sheila bị chúng tôi kéo căng ra.
Tôi không thể để ông mang Sheila đi được. Thời gian qua tôi đã luôn miệng vỗ về con bé rằng ở đây con bé sẽ không bao giờ bị đau. Quá khứ của con bé đã có quá nhiều roi vọt rồi. Và quá nhiều người đã phá vỡ lời hứa với nó. Tôi không thể để điều đó xảy ra.
Thầy hiệu trưởng và tôi vẫn không nói lời nào. Tuy nhiên, điều đó không hề làm giảm cường độ căng thẳng của cuộc đối đầu. Những ngón tay tôi bấu chặt lấy đôi vai của Sheila và tôi có thể cảm thấy cơ bắp của Sheila dường như đã căng cứng hết cỡ.
Cuối cùng, thầy Collins lên tiếng. Giọng ông nghe khàn khàn rít qua hai hàm răng nghiến chặt. Ông nói rõ rằng không chỉ Sheila phải xuống văn
phòng chịu phạt mà tôi cũng phải đi theo làm nhân chứng.
Ôi trời đất! - Tôi thầm than. Tất cả những gì tôi muốn làm lúc đó là cãi lại ông trong khi Sheila vẫn đang bị giằng co giữa chúng tôi, hệt như cảnh hai con chó tranh nhau một khúc xương vậy. Nhưng tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi không thể đồng ý với ông. Và dĩ nhiên tôi không muốn Sheila nghĩ là tôi đồng ý.
Chúng tôi rít qua rít lại với nhau, hầu hết chỉ là những câu trả lời một hai từ. Ông đang mất dần kiên nhẫn với tôi.
- Lạy Chúa, cô Hayden, cô đi với tôi ngay nếu không cô sẽ thất nghiệp ngay hôm nay. Tôi không chùn tay trước điều gì đâu. Cô hiểu không?
Tôi nhìn ông chằm chằm. Trong đầu tôi hiện lên đủ mọi thứ. Tôi có hợp đồng. Tôi thuộc công đoàn. Ông không có quyền đuổi tôi. Tất cả những điều đó hiện lên trong đầu tôi nhưng chỉ ở mức độ lý thuyết mà thôi. Điều thật sự mạnh mẽ là sợ hãi. Tôi sẽ ra sao nếu bị đuổi việc? Liệu tôi có thể tìm được một vị trí giảng dạy khác trong thị trấn không? Ai sẽ tiếp quản lớp tôi? Tôi vốn hay hành động vội vã và thiếu suy nghĩ. Lần này phải chăng cũng như vậy? Vì cái gì? Vì một đứa trẻ lẽ ra phải vào viện? Ngay lúc này đây tôi sắp mất việc vì một đứa nhóc tôi chỉ vừa biết được ba tuần, đứa mà dù không sớm thì muộn cũng sẽ phải chuyển đi đâu
đó khác và đứa chẳng là gì đáng kể với bất kỳ ai trên mọi mặt. Mọi người sẽ nghĩ sao nếu tôi mất việc làm? Liệu anh Chad có còn đến bên tôi? Tôi biết giải thích với mẹ như thế nào đây? Mọi người sẽ nghĩ gì? Vì một nguyên cớ tồi tệ nhất, tôi buông chiếc dây quần yếm ra.
Thầy Collins xoay người kéo Sheila đi dọc hành lang. Tôi theo sau cách một khoảng, cảm thấy mình giống như Benedict Arnold(4). Nhưng có thể họ đã đúng. Tôi đã không thể kiểm soát đứa trẻ này trong hai sự kiện lớn trong vòng ba tuần. Có thể con bé thật sự cần được đưa vào bệnh viện tiểu bang. Tôi không biết nữa. Mọi việc diễn ra vượt quá khả năng xoay xở của tôi.
Tôi thả người vào một chiếc ghế trong văn phòng thầy Collins. Sheila rất bình tĩnh. Bình tĩnh hơn tôi nhiều. Con bé đi bên thầy Collins vào phòng và đứng ung dung, không buồn nhìn tôi hay phát ra một âm thanh nào. Thầy Collins đóng cửa lại. Ông mở hộc bàn lấy ra một cây roi dài. Sheila không hề chớp mắt khi ông dứ dứ cây roi về phía nó.
Dù tâm trí tôi đang rất hỗn loạn, tôi vẫn chợt nhận ra và xúc động mạnh trước sự can đảm rất ngây ngô của Sheila. Con bé liếc qua tôi thật nhanh rồi nhìn lại thầy Collins. Ngay khoảnh khắc đó trông con bé rất giống với mọi đứa trẻ sáu tuổi khác. Đôi môi nó hé mở để lộ khoảng trống của mấy cái răng sún. Đôi mắt nó to tròn, nỗi sợ hãi được che đậy rất kín khiến cho một người không hiểu em sẽ không nhận ra đó là gì. Tôi quan sát mấy chiếc kẹp tóc hình con vịt màu trắng và cam cài trên tóc con bé và nghĩ nó thật sự rất thích chúng. Đó là mấy cái con bé thích nhất, mấy cái kẹp may mắn của nó – có hôm con bé đã nói với tôi như vậy. Tôi thầm nghĩ "lần này thì vận may của con kết thúc rồi, nhóc". Mấy chiếc kẹp tóc hình con vịt trông thật lạc lõng trong căn phòng này.
Dáng đứng con bé trông rất vững chãi, không một đứa bé sáu tuổi nào có thể làm thế trong hoàn cảnh này. Tôi không biết con bé thường xuyên bị đòn đến mức nào. Thế nhưng sự ương bướng của nó thật ngây ngô. Con bé đứng đó với chiếc kẹp tóc con vịt, mái tóc dài suôn thắt thành bím lớn, bộ quần yếm cũ kỹ nhàu nát. Tôi như muốn khóc. Nhưng nước mắt đó nên dành cho tôi vì tôi nhận ra mình không có sức mạnh như con bé.
Ruột gan tôi quặn thắt. Điều này không nên xảy ra.
Nhưng chính thầy Collins đã tuyên bố thẳng thừng là ông phải làm vậy. Liệu con bé có biết mình đã làm gì không? Không có câu trả lời. Ông còn nói có thể con bé sẽ bị đuổi học nữa. Tôi biết lời quở trách dành cho tôi cũng nặng nề như dành cho Sheila. Hai chúng tôi đều đang bị phạt. Thầy bảo với Sheila là em sẽ bị ba roi. Con bé bặm môi lại. Nó nhìn ông không hề chớp mắt.
- Cúi xuống nắm lấy mắt cá chân.
Con bé nhìn chằm chằm không nhúc nhích.
- Sheila, cúi người xuống và nắm lấy mắt cá chân!
Sheila không nhúc nhích.
- Nếu tôi phải nhắc lại một lần nữa, tôi sẽ tăng thêm một roi. Nào, mau cúi xuống.
Tôi lên tiếng:
- Sheila, làm ơn đi con. Làm theo lời thầy đi. Vẫn không có phản ứng. Đôi mắt em khẽ liếc về phía tôi.
Thầy Collins thô bạo đè con bé xuống và chiếc roi kêu vụt lên khi quất xuống người em. Con bé sụm hai đầu gối xuống sau roi đầu tiên nhưng nét mặt vẫn không thay đổi. Thầy Collins lôi con bé đứng dậy. Một roi nữa lại giáng xuống. Một lần nữa con bé lại sụm xuống. Hai roi sau con bé vẫn đứng vững và không ngã xuống nữa. Con bé không phát ra một tiếng nào, cũng không nhỏ một giọt nước mắt nào. Tôi biết điều này khiến thầy Collins tức điên lên.
Tôi câm lặng ngồi nhìn. Sau tất cả những lời vỗ về cam đoan của tôi, sự việc lại đến nước này. Tôi đã rất nỗ lực, cố hết sức mình đối với đứa trẻ này. Thông thường tôi không cho phép mình để ý đến những công sức mình đã bỏ ra cho bọn trẻ, đồng thời tôi cũng ép mình phải loại ra khỏi tâm trí những nỗi sợ hãi và nản lòng mà tôi phải đối mặt mỗi ngày. Tôi cũng không muốn nghĩ đến sự thật rằng bọn trẻ có ý nghĩa thế nào với mình. Bởi vì tôi biết rằng nếu tôi nhận thức điều đó, tôi sẽ càng thêm đau lòng khi học trò mình vấp ngã, hoặc khi tôi thất bại. Một trong những điều khiến nhiều người từng theo đuổi công việc như tôi phải bỏ cuộc đó chính là khi họ nhận ra mình quá yêu thương bọn trẻ. Càng yêu thương, càng gắn bó, càng đau lòng và khắc khoải. Vì thế tôi phải cố gắng để không thừa nhận điều đó. Trước giờ tôi vẫn là người hay mơ mộng, nhưng tôi nhận ra những mơ ước của mình quá xa vời. Xa vời đối với tất cả chúng tôi.
Thầy Collins yêu cầu tôi ký tên chứng nhận rằng tôi đã có mặt khi ông đánh con bé. Sau đó tôi chán nản nắm lấy tay Sheila bước ra hành lang.
Tôi không biết tiếp theo phải làm gì nữa. Đầu tôi quay mòng mòng. Khi tôi về đến cửa lớp, tôi lén nhìn qua cửa sổ. Anton đã bắt đầu những hoạt động buổi chiều và Whitney đã đến. Mọi thứ trông vẫn bình ổn. Tôi nhìn xuống Sheila.
- Chúng ta cần nói chuyện một chút, nhóc tì ạ.
Tôi gõ cửa và chờ Anton ra mở. Khi Anton ra, tôi nói rằng tôi muốn ở riêng với Sheila một lúc, rằng quá nhiều việc xảy ra và tôi cần giải quyết thẳng thắn một số việc. Tôi hỏi liệu anh và Whitney có thể xoay xở một lúc trong khi tôi vắng mặt không. Anh mỉm cười gật đầu. Thế là tôi để họ, một chàng di dân không học hành và một đứa trẻ mười bốn tuổi, phụ trách tám đứa trẻ tâm thần. Tình huống thật trớ trêu khiến tôi suýt bật cười. Nhưng lúc đó tôi không có tâm trạng để cười nổi.
Cuối cùng tôi dắt Sheila đến phòng chứa sách vì tôi không tìm được nơi nào khác chúng tôi có thể ở riêng với nhau mà không bị quấy rầy. Tôi lôi hai cái ghế bé tí ra, mở đèn và ngồi xuống, đóng cửa phòng lại. Chúng tôi nhìn nhau một lúc lâu.
- Tại sao con lại làm ra những việc như thế chứ?
Tôi cất tiếng hỏi, sự ê chề hiện rõ trong giọng nói.
- Cô đừng có bắt con nói.
- Ôi trời, thôi đi Sheila. Cô không đùa với con
đâu. Đừng làm vậy với cô.
Tôi không biết con bé có giận hay không nữa. Thật lòng, tôi muốn xin lỗi con bé vì tôi đã bỏ cuộc và để thầy Collins mang nó đi. Nhưng tôi không làm thế. Nhu cầu của tôi lớn hơn. Tôi muốn được tha thứ.
Chúng tôi quan sát nhau, không nói một lời và sự im lặng dường như kéo dài vô tận. Cuối cùng tôi lắc đầu, thở dài mệt mỏi:
- Rốt cuộc thì mọi chuyện đều chẳng ra sao cả. Cô rất tiếc.
Vẫn im lặng. Con bé không nói chuyện với tôi. Cái nhìn của con bé kiên định và tôi phải quay đi chỗ khác. Bên ngoài cánh cửa phòng chứa sách, tôi có thể nghe thấy các lớp đang chuẩn bị cho giờ giải lao, ồn ã và huyên náo, như thể tiếng ồn đập thẳng vào cửa vậy. Bên trong phòng lại im lặng đến nỗi không ai có thể biết chúng tôi đang ngồi đây.
Tôi nhìn con bé. Nhìn ra chỗ khác. Lại nhìn con bé. Con bé vẫn nhìn tôi chằm chằm.
- Ôi Chúa lòng lành! Sheila, con muốn gì ở cô nào?
Đồng tử trong mắt em mở to:
- Cô giận con hả?
- Con đoán đúng rồi, cô giận. Ngay lúc này đây cô hơi giận mọi người.
- Cô có đánh con không? Đôi vai tôi xuôi xị.
- Không, như cô vẫn nói với con hàng triệu lần rồi, cô không đánh trẻ con.
- Sao vậy?
Tôi nhìn con bé một cách buồn thảm:
- Sao cô lại đánh con? Điều đó chẳng có ích cho ai hết, đúng không?
- Có ích cho con.
- Thật không? Thật không Sheila? Những gì thầy Collins vừa làm với con thật sự có ích cho con sao?
Con bé nhỏ giọng:
- Cha con, ổng nói đó thì cách duy nhất để đưa con vào nề nếp. Ổng đánh đòn con và con phải ngoan tốt hơn, vì ổng không bao giờ bỏ con trên đường cao tốc như mẹ con làm.
Tim tôi thắt lại. Hẳn nhiên tôi không hề mong đợi điều đó. Tôi đã quá điên tiết với con bé vì tất cả những rắc rối nó gây ra. Nhưng tim tôi siết lại khi nghe nó nói. Tôi nghĩ thầm, Chúa ơi, đứa nhỏ này trông chờ người khác làm gì đây. Tôi đưa tay về phía con bé.
- Lại đây nào, Sheila, để cô ôm con nào.
Con bé bằng lòng bước tới, vụng về leo lên lòng tôi như một đứa trẻ mới lững chững tập đi. Con bé vòng tay quanh eo tôi và ôm tôi thật chặt. Tôi siết lấy con bé. Tôi làm như thế vì bản thân mình nhiều hơn là vì con bé, vì tôi không biết phải làm gì nữa. Ôi Chúa toàn năng, tôi đang hết sức đau lòng.
Chúng tôi sẽ phải làm gì đây? Con bé phải chấm dứt những trò tàn phá kiểu này đi, đó là điều chắc chắn. Nhưng bằng cách nào đây? Nếu họ tống con bé khỏi trường, đuổi học nó, nó sẽ không thể trở lại. Tôi đã làm nghề này đủ lâu để hiểu rõ điều đó. Không sớm thì muộn, con bé sẽ vào bệnh viện tiểu bang như kế hoạch. Rồi sao nữa? Một đứa bé sáu tuổi có cơ may nào rời khỏi bệnh viện tiểu bang để trở về cuộc sống bình thường không? Tôi ngờ rằng đó là việc chưa từng có. Chúng tôi sẽ mất con bé như thể nó chưa từng tồn tại. Bé gái nhỏ nhắn thông minh, sáng tạo chưa từng có một cơ hội trong đời này sẽ không bao giờ có được một cơ may nào cả. Một đống bàn ghế đổ nát có đáng giá đến vậy không?
Tôi nhẹ nhàng đu đưa con bé trong lòng và hỏi:
- Giờ chúng ta làm sao đây, Sheila? Con không thể cứ làm những việc như thế này và cô không biết làm sao để ngăn con lại.
- Con sẽ không làm thế nữa.
- Cô ước gì như thế. Nhưng lúc này chúng ta đừng hứa gì cả, được không? Cô chỉ muốn bắt đầu bằng cách con kể với cô tại sao con lại làm thế. Cô phải hiểu rõ chuyện đó.
- Con hổng biết. Con thì rất ghét cô ấy kinh khủng. Cô la con lúc ăn trưa mà đó không phải lỗi của con. Đó là lỗi của Susannah mà cổ lại la con. Con điên lên.
Giọng con bé run run:
- Có phải họ sẽ mang con đi không?
- Cô không biết nữa cưng ơi.
- Con không muốn họ làm vậy.
Giọng con bé chợt cao lên thành một tiếng the thé, để lộ ra con bé gần khóc.
- Con sẽ không bao giờ làm thế nữa. Con muốn ở lại. Con muốn ở lại trong trường này. Con sẽ không bao giờ làm thế nữa, con hứa mà.
Con bé dúi mặt vào người tôi.
Tôi khẽ vuốt tóc nó, nhận thấy mấy chiếc kẹp tóc con vịt dưới ngón tay mình. Tôi hỏi:
- Sheila, cô không bao giờ thấy con khóc. Con không bao giờ thấy muốn khóc sao?
- Con không bao giờ khóc.
- Tại sao vậy?
- Không ai có thể làm con tổn thương như vậy. Tôi nhìn xuống con bé. Sự bình tĩnh lạnh lùng trong lời tuyên bố của nó thật đáng sợ.
- Ý con là gì?
- Không ai có thể làm con tổn thương. Họ không biết con tổn thương nếu con không khóc. Vì vậy họ sẽ không thể tổn thương con. Cũng không ai có thể làm con khóc. Ngay cả cha con khi ổng đánh roi con. Ngay cả thầy Collins. Cô thấy rồi đó. Con không khóc khi thầy đánh con bằng roi. Cô thấy mà phải không?
- Ừ, cô thấy. Nhưng con không muốn khóc sao? Có đau lắm không?
Con bé im lặng một lúc lâu. Rồi con bé dùng cả hai tay nắm lấy tay tôi.
- Hơi đau.
Con bé nhìn lên, đôi mắt không thể hiện rõ điều gì cả.
- Cũng có khi con khóc một chút, nhiều khi vào ban đêm. Cha con, nhiều khi ổng không về nhà đến khi thật khuya và con phải ở một mình và con sợ. Đôi khi con khóc một chút, nó hơi ướt ngay chỗ này trong mắt con nè. Nhưng con lau nó đi liền. Khóc thì không tốt gì hết, mà nó lại khiến con nhớ Jimmie và mẹ con nếu con khóc. Nó khiến con nhớ họ lắm.
- Đôi khi khóc cũng tốt.
- Nó không bao giờ tốt cho con. Con sẽ không bao giờ khóc. Không bao giờ.
Con bé đã quay người lại ngồi lên chân tôi và đối diện với tôi. Tôi vòng tay sau lưng em. Con bé vừa mân mê mấy cái cúc áo của tôi vừa hỏi:
- Cô có bao giờ khóc không? Tôi gật đầu:
- Thỉnh thoảng. Hầu hết những khi cô thấy buồn, cô khóc. Cô không thể ngăn được. Cô cứ khóc thôi. Nhưng việc đó khiến cô khuây khỏa hơn. Thỉnh thoảng khóc cũng tốt. Nó xoa dịu nỗi đau, nếu con cho nó cơ hội.
Con bé nhún vai.
- Con không làm vậy.
- Sheila này, chúng ta sẽ làm gì để chuộc lại những gì con đã làm trong phòng cô Holmes?
Con bé lại nhún vai. Con bé giả vờ chăm chú xoay xoay cái cúc áo tôi.
- Cô muốn biết ý kiến của con. Cô sẽ không đánh đòn con và cô cũng không nghĩ rằng đuổi học con là tốt. Nhưng mình phải làm gì đó. Cô muốn biết ý kiến của con.
- Cô có thể bắt con ngồi phạt trong góc đến hết ngày và cô có thể cất hết hàng đồ chơi của con trong một tuần hay gì đó. Hay cô có thể cất đồ chơi búp bê của con đi.
- Cô không muốn trừng phạt con. Thầy Collins đã làm việc đó rồi. Cô muốn khiến cô Holmes cảm thấy dễ chịu hơn. Cô muốn chuộc lại những gì đã xảy ra trong đó.
Một sự im lặng.
- Con có thể nhặt nó lên.
- Cô nghĩ đó là một ý hay. Nhưng còn việc xin lỗi thì sao? Con có thể nói xin lỗi không?
Con bé giật giật cái cúc áo.
- Con không biết.
- Con có cảm thấy hối hận không? Con bé khẽ gật đầu.
- Con thì rất tiếc chuyện xảy ra ở đây.
- Xin lỗi là một điều con nên học cách làm. Việc đó khiến mọi người cảm thấy tốt hơn về con. Hay là chúng ta cùng nhau tập nói xin lỗi và đề nghị dựng bàn ghế lên, như thế sẽ dễ hơn? Cô sẽ làm cô Holmes và chúng ta sẽ tập.
Sheila nặng nề đổ xuống người tôi, dúi mặt vào ngực tôi.
- Con muốn cô ôm con một lúc trước. Mông con thì thật đau ghê lắm và con muốn chờ nó đỡ hơn. Giờ con không muốn suy nghĩ nữa.
Tôi mỉm cười ôm con bé vào lòng và chúng tôi ngồi trong ánh sáng mờ ảo của phòng chứa sách, chờ đợi – con bé đợi bớt đau ở mông và lấy can đảm cho những gì sắp diễn ra, tôi chờ thế giới thay đổi.