Việc giải quyết vấn đề đó hóa ra lại chẳng hề đơn giản tí nào. Sheila và tôi đã sang lớp của cô Holmes, và Sheila đã xin lỗi đồng thời mong cô cho phép được chuộc lại lỗi lầm. Đúng như hy vọng của tôi, sự ngây thơ hồn nhiên của Sheila, vóc dáng nhỏ nhắn của con bé, nét đẹp tự nhiên của nó – tất cả đều khơi dậy tình mẫu tử nơi cô Holmes. Cô sẵn sàng chấp nhận những nỗ lực chuộc lỗi của Sheila.
Nhưng mọi việc không dễ dàng như thế với thầy Collins. Đối với thầy thì đó là giọt nước làm tràn ly, không chỉ với Sheila, mà với cả lớp của tôi nữa. Mọi vấn đề trong quá khứ đều được lôi ra – bao gồm cả những điều mà thậm chí chẳng liên quan gì đến mấy trò phá hoại của Sheila cả. Hai người chúng tôi đơn giản là có những hệ giá trị khác nhau, và cả hai đều cho rằng mình đúng còn người kia sai. Tất cả đều bùng nổ thành một cuộc chiến thực sự sau rắc rối do Sheila gây ra, để rồi cuối cùng Ed Somers phải xuất hiện và làm trung gian hòa giải. Rõ ràng là thầy Collins muốn Sheila ra khỏi trường. Theo lời thầy thì đứa trẻ này thật bạo lực, không được kiểm soát, vô cùng nguy hiểm và rất phá phách. Nó làm những đứa trẻ khác, cũng như các giáo viên và nhân viên trong trường sợ chết khiếp bằng những hành động của mình. Chỉ tính trong lớp của cô Holmes thôi thì con bé đã làm thiệt hại đến 700 đô-la. Cần lưu ý rằng xã hội có quyền tự bảo vệ mình khỏi những mối đe dọa, thầy nói thêm. Một mối đe dọa đã được xác định như đứa trẻ này không được phép đi loăng quăng trong một ngôi trường công. Con bé thuộc về bệnh viện liên bang. Tại sao người ta không tống nó vào đó?
Tôi cố gắng giải thích những tiến triển tích cực của Sheila trong lớp học của tôi. Tôi giải thích rằng chỉ mất có ba ngày để làm cho đứa trẻ này hiểu ra vấn đề, học tập và sinh hoạt hiệu quả như tôi muốn. Tôi nói về chỉ số IQ của con bé, về cái quá khứ bị ngược đãi và bỏ rơi của nó. Tôi cầu khẩn Ed cho tôi giữ con bé lại. Đây chỉ là một sự cố nhỏ, tôi nói thế. Tôi sẽ để mắt đến con bé cẩn thận hơn sau chuyện này. Nếu phải hy sinh giờ ăn trưa của mình, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận. Nhưng hãy cho tôi một cơ hội nữa, tôi đề nghị. Hãy để tôi thử lại một lần nữa. Tôi sẽ không bất cẩn như trước nữa đâu.
Thái độ của ông ta vẫn không hề lay chuyển. Ed giải thích với tôi rằng họ đã phải gánh chịu một áp lực vô cùng nặng nề từ những bậc phụ huynh quan tâm đến chuyện này. Khi chuyện này lọt ra ngoài, thông qua những học sinh trong lớp của cô
Holmes, thì cha mẹ chúng đã gọi điện tới trường. Và tòa cũng đã có những quyết định riêng trước khi chúng tôi nhúng tay vào việc này. Lớp của tôi là một lớp cá biệt. Tôi không nên để mình dấn sâu vào rắc rối như thế, Ed nói với tôi điều này một cách lịch sự nhưng kiên quyết. Nó đang làm ảnh hưởng đến óc suy xét mọi chuyện của tôi. Ông ấy mỉm cười buồn bã. Thật tốt khi con bé đang có những tiến bộ nhất định, nhưng đó không phải là lý do mà con bé được giao đến cho tôi. Con bé được đưa đến đây để chờ khi nào bệnh viện có chỗ trống thì vào. Thế thôi.
Khi nghe những lời ông ta nói, tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn đắng lại, và khóe mắt cay xè. Tôi không muốn khóc trước mặt bọn họ. Tôi không muốn họ biết rằng họ đã ảnh hưởng tới tôi nhiều đến thế. Nhưng tôi có thể cảm thấy nước mắt chực trào ra. Lý trí cứ không ngừng thúc giục tôi phải bình tĩnh. Họ không cố ý cư xử một cách tàn nhẫn như thế. Mà thực ra, có thể họ chẳng hề tàn nhẫn một chút nào cả. Nhưng tôi có cảm giác như thế. Khốn kiếp thật, họ đã làm gì tôi thế này? Tôi là một giáo viên. Công việc của tôi là giảng dạy. Tôi không phải là một viên cai ngục. Hay đó là tất cả những gì mà Ed muốn khi ông ta cho thành lập lớp của tôi? Trong đầu tôi đầy rẫy những lời cáo buộc. Họ nghĩ họ đã trao cho tôi cái gì kia chứ? Nó chỉ là một đứa bé gái – một đứa bé gái hoảng sợ, tổn thương và bị đối xử tàn tệ. Ở con bé có điều gì khiến nó trở nên đáng sợ như thế? Giờ họ lại bảo tôi rằng tôi không phải lo cho nó nữa; nó chỉ ở bên cạnh tôi trong thời gian chờ vào bệnh viện thôi. Nó có thể ngồi trong cái ghế ấy của mình, dù có phải qua bao nhiêu tháng trời đi chăng nữa, để đợi đến khi bệnh viện có một chỗ trống dành cho nó, và sau đó nó có thể ra đi. Rõ ràng là tôi đã hiểu nhầm mọi việc. Tôi đã nghĩ rằng tôi là giáo viên của nó.
Ed chồm người tới trước, hai khuỷu tay chống xuống mặt bàn. Ông cố gắng trấn an tôi, bảo tôi đừng buồn bã làm gì. Ông ta cảm thấy bối rối vì tôi đã khóc, và trong một khoảnh khắc tôi đã hài lòng khi thấy ông ta như thế. Tôi muốn mọi người ai ai cũng phải cảm thấy bất hạnh như tôi vậy. Nhưng rồi khoảnh khắc ấy cũng trôi qua, và bóng tối lại bao trùm lên tất cả bọn tôi.
Tôi rời khỏi phòng, vẫn chưa thôi khóc. Tôi đi thẳng đến chỗ đậu xe và lái xe về nhà. Lòng tràn ngập cảm giác cay đắng và thù ghét, tôi sợ rằng bộ phim Star Trek tối hôm đó cũng chẳng thể làm tôi nguôi ngoai. Cái chủ nghĩa lý tưởng của tôi đã phải hứng chịu một cú đòn trời giáng. Tôi đã hiểu được rằng có những con người thậm chí còn không đáng giá tới 700 đô-la.
Như thường lệ, Chad vẫn luôn là chốn yên bình để tôi tìm về giữa cơn cuồng phong bão tố. Vừa lắng nghe cơn thịnh nộ của tôi, anh vừa lắc đầu một cách đôn hậu. Anh nhẹ nhàng trấn an tôi rằng có thể mọi chuyện sẽ không đến nỗi quá tồi tệ như tôi nghĩ, rằng dẫu tôi đang cảm thấy tồi tệ thế nào thì tôi cũng không phải đơn thương độc mã chống lại tất cả mọi chuyện. Và rồi mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy, chuyện gì cũng thế mà thôi. Vì đang trong tâm trạng không tốt, cũng chẳng muốn được vỗ về nên tôi tự nhốt mình trong phòng tắm và khóc nức nở trong đó suốt bốn mươi lăm phút. Lúc tôi bước ra, Chad vẫn đang ngồi ở phòng khách chơi đùa với chú mèo cưng của chúng tôi. Chad mỉm cười. Và rồi tôi mỉm cười. Lúc này đây, tôi không cảm thấy hạnh phúc, nhưng tôi đã sẵn sàng chấp nhận.
Hóa ra mọi việc không đến nỗi tồi tệ như tôi hình dung. Đứa trẻ nào cũng cần được giáo dục, và khi đó thì tôi là sự giáo dục duy nhất của Sheila. Để thỏa hiệp, Ed nói với thầy Collins rằng ông sẽ điều thêm một nhân viên nữa làm việc trong giờ ăn trưa để giám sát lớp của tôi, và rằng Sheila sẽ không bao giờ được phép rời khỏi lớp trừ khi con bé chịu sự giám sát trực tiếp của tôi. Ít nhất thì vấn đề này cũng đã tạm thời được giải quyết ổn thỏa.
Bất chấp những tranh cãi quyết liệt về chuyện Sheila được tiếp tục ở lại lớp tôi, mọi chuyện sau đó vẫn diễn ra rất suôn sẻ. Lớp tôi tiếp tục là một nhóm gắn bó, và đã kịp thích nghi lại với sự có mặt của Sheila. Tháng Hai về, tiết trời lạnh và khô, báo hiệu mùa đông sẽ kéo dài thêm sáu tuần nữa. Sheila đang hòa nhập tốt với lớp, và chúng tôi là một nhóm mười hai người khá hạnh phúc. Tôi rất trân trọng những ngày tháng yên bình ngoài mong đợi đó, vì chúng rất hiếm khi xảy ra trong lớp tôi.
Về mặt học hành, Sheila đang tiến bộ rất nhanh. Phải khó khăn lắm tôi mới giữ được đầu óc lanh lợi của con bé luôn bận rộn. Tôi đã thôi không còn ép con bé làm bài tập nữa, đành thừa nhận nó là người chiến thắng, mặc dù thú thực rằng tôi vẫn luôn suy nghĩ về chuyện đó. Whitney, Anton và tôi kiểm tra vấn đáp với con bé và trao đổi với nó về những điều nó đang làm. Con bé đọc rất tốt, nó ngốn sách còn nhanh hơn tôi tìm sách. Tôi rất vui mừng trước mối quan tâm mới này của con bé, vì nếu không có vụ làm bài tập - phần việc chiếm phần lớn thời gian của con bé - thì con bé luôn hoàn tất phần công việc được giao rất nhanh.
Về các mối quan hệ xung quanh thì Sheila tiến triển chậm hơn, nhưng vững chắc. Con bé và Sarah đã trở thành bạn của nhau, đã bắt đầu chia sẻ những niềm vui thường thấy trong tình bạn giữa các cô bé. Tôi cũng giao cho Sheila nhiệm vụ dạy Susannah Joy học phân biệt màu sắc. Việc này có nhiều tác dụng: tôi có thêm một trợ thủ đắc lực, nó khiến Sheila có việc để làm trong những lúc rảnh rỗi, và giúp con bé trở nên có trách nhiệm hơn; đồng thời nó cũng làm Sheila hiểu được những điều tốt đẹp của một mối quan hệ giữa người với người. Một lợi ích khác của việc này là giúp Sheila có thêm sự tự tin. Con bé rất phấn khởi khi được là một người cho đi và có ai đó cần đến nó. Có những buổi chiều sau giờ học, con bé lại lúi cúi làm những dụng cụ hỗ trợ cần thiết và bàn bạc thật hăng say
với Anton hay tôi về những điều mà nó có thể làm với Susannah để giúp con bé học tốt hơn. Nhìn nó, tôi luôn muốn bật cười, tự hỏi không biết nếu có người nào đó đang quan sát tôi trong lúc tôi làm việc, thì liệu trông tôi có giống như vậy không. Nhưng con bé làm việc này với một sự nghiêm túc ngây ngô đến nỗi tôi buộc phải kìm mình lại.
Sheila bắt đầu không còn cảm thấy cần thiết phải lò tò đi theo tôi suốt ngày nữa. Con bé vẫn thường quan sát tôi, và đương nhiên sẽ đến ngồi gần tôi nếu có quyền lựa chọn, nhưng nó đã cảm thấy không còn cần phải đụng được vào tôi mới yên tâm như trước nữa. Vào những ngày không mấy suôn sẻ, khi con bé gặp vài chuyện tồi tệ ở nhà, khi mấy đứa trẻ khác làm nó không vui, hay khi tôi la rầy nó, con bé lại miết tay ngang eo tôi, và lại lẽo đẽo theo tôi vòng vòng quanh lớp trong lúc tôi làm việc. Tôi không ngăn cản nó làm điều này; tôi muốn con bé cảm thấy an toàn và biết chắc rằng tôi sẽ không bỏ rơi nó. Có một ranh giới rất rõ ràng giữa sự phụ thuộc và quá phụ thuộc đến mức dựa dẫm, nhưng tôi nhận thấy rằng hầu hết những học sinh của tôi đều phải trải qua giai đoạn ban đầu vô cùng căng thẳng và cứ bám lấy tôi như thế. Dường như đây là giai đoạn hoàn toàn tự nhiên, và nếu mọi thứ diễn ra bình thường, thì đứa trẻ sẽ vượt qua được giai đoạn này, nó sẽ có niềm tin hơn vào các mối quan hệ của mình và không cần bằng chứng cụ thể chứng tỏ chúng vẫn đang được quan tâm nữa. Với Sheila cũng vậy.
Ít nhất thì cũng có một điều tốt đẹp đã xảy đến từ sau sự cố xảy ra ở lớp cô Holmes. Tôi đã lần ra dấu vết của cha Sheila. Vào một buổi tối đầu tháng Hai, sau khi đã xong việc ở trường, tôi và Anton lái xe đến trại tập trung của dân nhập cư. Sheila và cha con bé sống trong một căn nhà nhỏ lụp xụp bên cạnh đường ray xe lửa.
Cha Sheila là một người đàn ông cao lớn, chừng một mét tám, dáng nặng nề với cái bụng to tướng và hơi thở có mùi rất kinh khủng. Lúc chúng tôi đến, trên tay gã còn đang cầm một lon bia, và có vẻ như gã đã ngà ngà say.
Anton chui vào cái nhà bé xíu ấy. Thực ra thì đó chỉ là một cái buồng nhỏ, được ngăn đôi ra bằng một tấm rèm. Bên này buồng là một cái ghế dài màu nâu cũ nát, còn bên kia là một cái giường. Ngoài ra chẳng còn đồ đạc gì khác. Cả căn buồng khai ngấy mùi nước tiểu lâu ngày.
Cha của Sheila vào nhà sau chúng tôi và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống cái ghế dài. Sheila đang ngồi trên cái giường phía bên kia buồng, mắt con bé mở thao láo và trông thật hoang dại. Con bé không nhận ra cả tôi và Anton, và nó đang ngồi co rúm người hệt như những ngày đầu tiên đến trường. Tôi gợi ý rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu Sheila không có mặt ở đó, vì tôi cần phải trao đổi một số điều với cha con bé, những điều mà nếu nghe thấy có thể nó sẽ bị tổn thương.
Gã lắc đầu và phẩy tay về phía Sheila.
- Con bé sẽ ở yên trong góc đó. Cô không thể để cho con oắt đó biến ra khỏi tầm mắt của mình dù chỉ năm phút. Đêm hôm nọ nó đã cố đốt trụi một căn nhà trên con phố này. Nếu tôi không nhốt nó trong nhà, thì cảnh sát sẽ lại đến đây.
Gã tiếp tục kể thật chi tiết cho chúng tôi nghe.
- Thực ra nó đâu phải là con của tôi. – Gã vừa nói vừa chìa cho Anton một lon bia. Cái con mụ đàn bà khốn kiếp đã bỏ đi mới là mẹ nó, nó là con của mụ ta. Nó không phải con tôi, và mấy người có thể chắc chắn như thế. Cứ nhìn nó mà xem. Và cái con oắt này là một đứa hư thân mất nết đến tận xương tủy rồi. Từ lúc mở mắt chào đời tới giờ tôi chưa từng thấy một đứa con nít nào gây nhiều rắc rối đến thế.
Anton và tôi chỉ còn biết ngồi yên nghe, không nói được lời nào. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho Sheila vì con bé cũng đang ở trong phòng. Nếu ngày nào hắn ta cũng nói những điều thế này với con bé, thì chẳng có gì lạ khi con bé lại tự ti về bản thân mình như thế. Dù sao thì chuyện đó cũng là chuyện riêng tư. Nói chuyện này trước mặt nó chẳng hay ho gì. Nó giống như một phân cảnh được trích ra từ một cuốn tiểu thuyết tồi tệ vậy. Anton cố gắng bác lại ý kiến của gã, nhưng việc này chỉ làm hắn ta nổi giận với chúng tôi mà thôi. Thế nên chúng tôi cứ im lặng để cho gã nói, sợ rằng nếu chúng tôi làm gã phật ý, gã có thể sẽ gây tổn hại đến Sheila.
- Còn thằng Jimmie, nó mới là con trai tôi. Trên đời này không có thằng bé nào ngoan như thằng Jimmie của tôi. Nhưng cái đồ chó cái khốn kiếp ấy đã mang nó đi. Đúng, mụ ta đã làm thế đấy, mụ đã mang Jimmie đi ngay trước mũi tôi như thế đấy. Và nhìn xem mụ ta đã làm gì này? Mụ ta để lại cái đồ oắt con khốn kiếp này cho tôi.
Gã thở hắt ra.
- Tôi đã bảo nó rồi, nếu có thêm một người nào nữa ở trường đến đây để mắng vốn nó, tôi sẽ không bỏ qua đâu.
- Tôi không đến để mắng vốn điều gì cả. - Tôi vội lên tiếng. – Ở trường, cháu nó rất ngoan.
Gã khịt mũi.
- Nó nên như thế. Trong một cái lớp đầy nhóc tụi điên khùng, nó nên biết phải cư xử thế nào. Lạy Chúa, cô em à, tôi chịu hết nổi con nhóc đó rồi.
Cuộc nói chuyện chẳng đi đến đâu cả. Máu trong người tôi như đông cứng lại vì kinh sợ, và tôi thầm mong đất dưới chân mình sẽ nứt ra để tôi có thể rơi xuống, để Sheila không cảm thấy nhục nhã khi những người mà nó quan tâm phải nghe thấy những lời nói của gã đàn ông này. Nhưng tôi không thể làm thế, và tôi cũng không làm sao để ngăn hắn ta lại được. Gã cứ nói liên hồi. Thỉnh thoảng tôi cố chen ngang để nói với hắn rằng Sheila là một đứa trẻ có khả năng thiên phú và vô cùng thông minh. Nhưng hình như điều đó không tồn tại trong thế giới của hắn. Hắn hỏi con bé cần những thứ đó để làm gì, khi chúng chỉ làm con bé có thêm cơ hội để nghĩ ra nhiều trò tai quái khác. Cuối cùng, cuộc nói chuyện lại quay về với đề tài cũ là thằng bé Jimmie yêu quý đã bị bắt đi của hắn. Hắn bắt đầu rú lên khóc, những giọt nước mắt rơi lã chã trên hai gò má nung núc mỡ. Ôi, Jimmie đáng thương của hắn đã bị đưa đi đâu cơ chứ, và tại sao hắn lại bị bỏ lại một mình với cái con oắt con này, đứa bé mà thậm chí hắn còn không nghĩ là con của mình?
Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy buồn cho gã đàn ông này. Có lẽ hắn yêu thương Jimmie thật, và sự mất mát này là quá lớn đối với hắn. Và bằng cái nhận thức hàm hồ, rối bời của mình, có vẻ như hắn thấy rằng Sheila phải chịu trách nhiệm cho việc Jimmie bị đem đi. Nếu con bé không bất trị như vậy thì biết đâu người đàn bà ấy đã không bỏ đi. Hắn không biết phải làm gì với Sheila, cũng không biết làm gì với chính bản thân mình. Vậy nên hắn đã hoàn toàn đánh mất mình sau vài lon bia, rồi nức nở kể cho hai người xa lạ về quãng đời ba mươi năm đã qua, quãng đời hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của hắn.
Mặc dù cuộc sống của Sheila với cha con bé thật tệ hại, nhưng tôi biết nếu muốn con bé thoát khỏi sự kiểm soát của cha, chúng tôi phải trải qua một quá trình đầy chông gai. Chúng tôi đang sống trong một cộng đồng mà phần lớn cư dân là những kẻ thua cuộc. Những người dân nhập cư, trại cải tạo, bệnh viên liên bang, tất cả đều kết hợp lại để hình thành một thành phố trong lòng một thành phố khác, đó là mô hình xã hội quá lớn, đến mức những người làm cha làm mẹ không thể đáp ứng được nhu cầu của nó. Không có đủ nhân viên xã hội, cô nhi viện và tiền phúc lợi xã hội để chỉ ra những tệ nạn và khắc phục những thiệt hại do chúng mang lại. Chỉ có những đứa trẻ bị ngược đãi tồi tệ nhất mới có cơ hội thoát khỏi mái nhà địa ngục của chúng, bởi không có nhiều chỗ trống cho những trường hợp nhẹ hơn. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy mình buộc phải hỏi cha con bé rằng liệu hắn có nghĩ đến việc cho con bé vào sống trong trại trẻ mồ côi không vì cuộc sống của gã đang gặp quá nhiều khó khăn.
Câu hỏi của tôi là một sai lầm. Từ chỗ đang khóc lóc, gã nổi cơn thịnh nộ, nhảy chồm lên và vung vẩy tay chân trước mặt tôi. Tôi là ai mà có quyền đề nghị gã từ bỏ đứa con của mình cơ chứ? Tôi là loại người gì vậy? Trước giờ gã chưa bao giờ chấp nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai; gã là một người đàn ông đủ bản lĩnh để giải quyết những vấn đề của riêng mình mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào, cảm ơn. Tiếp theo, gã đề nghị Anton và tôi ra khỏi nhà gã ngay lập tức. Chúng tôi thất thểu bước ra, lòng tràn ngập buồn đau và tiếc nuối, chỉ hy vọng sao mình không gây nguy hiểm gì cho Sheila. Đó là một chuyến ghé thăm thật ác nghiệt, và tôi ước sao mình đã không đi.
Sau đó, tôi lái xe băng ngang qua trại tập trung của dân nhập cư để đến nơi ở của Anton. Anh cũng sống trong một căn nhà nhỏ, chỉ lớn hơn túp lều một chút. Căn nhà có ba phòng, và anh sống với vợ cùng hai đứa con trai nhỏ. Đối với một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, thuộc giới trung lưu, thì cảnh sống này có vẻ quá thiếu thốn; tuy nhiên, nơi ở của Anton rất sạch sẽ và ngăn nắp. Những đồ vật giản dị đi cùng với thảm thủ công và mấy cái gối châm kim. Một bức tượng Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá treo trên tường phòng khách. Vợ của Anton rất niềm nở và hiếu khách, mặc dù cô ấy không nói tiếng Anh còn tôi thì không biết nói tiếng Tây Ban Nha. Hai đứa con trai của anh là những cậu nhóc hiếu động và nhanh mồm nhanh miệng, chúng trèo lên người tôi và hỏi tôi lia lịa về lớp học mà cha chúng đã kể cho chúng nghe. Chúng thật hay chuyện và nhanh nhạy dù vẫn còn nhỏ tuổi, đến mức chúng giống như những thiên tài trong mắt tôi vậy. Cũng có thể là vì tôi đã quen với việc nhìn nhận những học sinh của mình là những đứa trẻ bình thường.
Trong lúc năm người chúng tôi cùng chia nhau ba chai Coke và một tô bánh bắp thì Anton rụt rè hỏi về khả năng anh quay lại trường để lấy được tấm bằng dạy học. Thậm chí anh còn chưa có bằng phổ thông, nhưng anh háo hức nói với tôi rằng anh đang học để lấy được tấm bằng GED(5). Trước đây tôi chưa từng nghe anh nói gì về ước mơ anh vẫn luôn ấp ủ này. Mặc cho những e ngại ban đầu, cuối cùng anh đã hình thành một tình yêu đối với những đứa trẻ trong lớp của chúng tôi, và anh hy vọng rằng một ngày nào đó anh có thể dạy lớp học của riêng mình. Tôi thấy xúc động trước những mơ ước của Anton, bởi đó chính là những gì mà tôi thấy lo sợ. Tôi ngờ rằng anh khó có thể nhận thức hết được lượng thời gian và tiền của mà anh cần phải bỏ ra để đạt được trình độ học vấn ấy. Nhưng nhìn vợ anh cười rạng rỡ khi nghe chồng nói về những kế hoạch tuyệt vời như thế, và nhìn hai đứa con anh nhảy nhót vui sướng vì cái ý tưởng cha chúng sẽ trở thành một giáo viên thực sự, và một ngày nào đó chúng sẽ được sống trong một ngôi nhà đúng nghĩa, sẽ có xe đạp để đi…tôi không thể nói đến những khó khăn đang chờ đón gia đình họ phía trước. Bên cạnh đó, cảm xúc của tôi vẫn chưa hoàn toàn bình thường trở lại, và tâm trí tôi vẫn còn vơ vẩn ở bên kia trại tập trung dành cho dân nhập cư, bởi tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra trong căn nhà xập xệ bên cạnh đường ray xe lửa ấy.