Mặc dù tôi đã thôi không còn ám ảnh về cuộc chiến xoay quanh mấy bài tập mà con bé cần phải viết nữa, nhưng chuyện này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tâm trí tôi. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn khi muốn giữ cho Sheila bận rộn mà không cần phải có người lớn kè kè bên cạnh. Tôi còn lo nó sẽ không được bất kỳ một giáo viên bình thường nào chấp nhận nếu nó cứ dứt khoát không chịu làm bài tập như thế. Khi còn học với tôi thì tôi có thể bỏ qua chuyện đó, nhưng một giáo viên bình thường phụ trách hai mươi lăm đứa trẻ khác với một thời khóa biểu học tập nghiêm túc cần duy trì thì sẽ không bao giờ chấp nhận cái kiểu như thế. Sau cùng, tôi lo rằng cái cách cư xử hiện thời của con bé sẽ khiến rất nhiều người lớn chú ý đến nó. Con bé hoàn toàn có đủ khả năng để trả lời bất cứ câu hỏi nào mà chúng tôi đặt ra, nhưng nó rất hay bắt bẻ Anton, Whitney hoặc tôi và cố tình nói dông dài những câu trả lời của mình. Điều này cũng là một cách cư xử khó có thể chấp nhận được, ngay cả trong lớp của tôi.
Tôi vẫn không biết vì sao con bé lại có thái độ chống đối như thế mỗi khi làm các bài tập viết. Tôi cho rằng việc này có gì đó liên quan đến nỗi sợ thất bại. Nếu nó không bao giờ viết cái gì ra giấy, thì sẽ không ai có thể chứng minh được là nó mắc lỗi. Sheila hoàn toàn suy sụp nếu có ai đó phát hiện lỗi sai của con bé và điều chỉnh lại cho đúng, cho dù cách điều chỉnh ấy có nhẹ nhàng thế nào đi chăng nữa. Tôi đã ngờ đến chuyện này do một lần nghe con bé nói vài câu vu vơ sau khi nó mang giấy viết về nhà và gặp chút rắc rối với cha. Nhưng do con bé cũng thường gặp rất nhiều vấn đề khác với ông ta, nên tôi nghĩ rằng phản ứng đó của con bé chỉ là do một nỗi ám ảnh nào đó của nó mà thôi. Có thể đơn giản là con bé đủ ranh mãnh để hiểu được rằng cách này giúp nó tránh được rất nhiều việc phải làm, và khiến nó có được sự chú ý mà nó luôn mong muốn. Tôi không thường suy nghĩ như thế, bởi vì có rất nhiều cách dễ dàng hơn để một đứa trẻ sáng dạ có thể đạt được kết quả tương tự. Nhưng chính Anton đã bày tỏ những cảm xúc này với tôi sau một ngày đặc biệt vất vả với Sheila.
Tuy vậy, có một điều mà dường như Sheila càng lúc càng không thể cưỡng lại được. Đó là việc tôi khuyến khích bọn trẻ sáng tạo bằng cách viết một cái gì đó. Bọn trẻ đứa nào cũng có một quyển nhật ký, trong đó chúng ghi lại những cảm xúc của mình, những chuyện đã xảy ra với chúng và những sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống của chúng. Thường khi cô trò chúng tôi gặp rắc rối với nhau, và khi một trong hai, hoặc cả hai cùng tức giận, thì sau đó chúng sẽ bày tỏ cảm xúc của mình trong quyển nhật ký. Cứ như thế, bọn trẻ viết nguệch ngoạc trong cuốn sổ nhật ký của mình suốt cả ngày. Mỗi tối, tôi đều đọc qua tất cả những ghi chép của bọn trẻ và ghi chú vài lời nhận xét. Đó là một cách giao tiếp giữa chúng tôi, và mỗi người chúng tôi đều trân trọng cơ hội đó để có thể hiểu được đối phương cảm thấy như thế nào. Cũng bằng cách đó, tôi bắt đầu ra những bài tập viết chính thức hầu như mỗi ngày, yêu cầu bọn trẻ viết về một đề tài có sẵn. Tôi phát hiện ra rằng sau khi bọn trẻ học được cách viết thuần thục và biết cách liên kết từ ngữ với những cảm xúc đang gợi lên trong lòng, thì chúng - kể cả Susannah, đều bày tỏ tình cảm, cảm xúc của bản thân trên giấy tốt hơn là trò chuyện trực tiếp. Thế là mỗi ngày, lớp chúng tôi đều có rất nhiều bài tập liên quan đến viết lách.
Khỏi phải nói, Sheila, với mối ác cảm cố hữu với việc viết lách, nhất định không viết gì cả. Việc này có vẻ khiến nó hơi bực mình. Trong giờ viết sáng tạo, thay vì ngồi ở góc phòng đọc sách hoặc đi đâu đó chơi, nó lại nghển cổ hoặc lại gần mấy đứa trẻ khác để nhìn xem chúng đang viết gì. Cuối cùng, vào một ngày giữa tháng Hai, sự tò mò của con bé đã chiến thắng nó.
Hôm đó, sau khi tôi phát giấy để bọn trẻ chuẩn bị viết bài, con rụt rè bước đến chỗ tôi.
- Nếu cô phát cho con một tờ giấy, con sẽ viết một cái gì đó.
Tôi nhìn nó. Tôi chợt nhận ra rằng tôi có thể giải quyết được toàn bộ vấn đề liên quan đến việc viết lách này chỉ bằng một đòn tâm lý. Thế là tôi lắc đầu và nói:
- Không, đây là bài tập viết. Con không chịu làm bài tập viết, có nhớ không?
- Thì con sẽ làm bài này.
- Không, cô không nghĩ thế. Cô không thể phung phí thêm bất cứ tờ giấy nào với con nữa. Đằng nào thì con cũng đâu có thích việc này. Con đi chơi đi. Đi chơi vui hơn đấy.
Con bé đi ra chỗ khác một lúc. Rồi nó quay lại. Khi đó tôi đang đứng cạnh William để giúp thằng bé đánh vần một từ. Sheila giật giật thắt lưng tôi.
- Con muốn làm bài này, Torey. Tôi lắc đầu.
- Không, con không muốn. Không thực sự muốn.
- Có, con có muốn.
Tôi lờ con bé đi và quay lại với William.
- Con sẽ không làm phí giấy nữa đâu.
- Sheila, giấy chỉ dành cho những đứa trẻ muốn làm bài tập viết. Con không chịu làm, nên bài tập viết này không phải dành cho con.
- Con có thể viết. Có thể là một chút, nếu con có một tờ giấy để viết lên đó.
Tôi lắc đầu.
- Không, con không thích việc đó. Chính con đã nói với cô như thế mà. Con không phải viết đâu. Bây giờ thì con đi chỗ khác chơi đi, để cô giúp William nào.
Con bé vẫn đứng bên cạnh tôi. Sau một lúc không đạt được kết quả gì, con bé đi hỏi xin giấy Anton. Anton chỉ tay về phía tôi:
- Cô Torey là người giữ giấy. Con phải hỏi cô ấy thôi.
- Cổ không chịu phát giấy cho con. Anton nhún vai và đảo mắt một lượt:
- Chà, vậy thì tiếc quá. Chú không có tờ giấy nào mà con có thể dùng được cả.
Sheila quay lại chỗ tôi. Con bé đang nổi giận nhưng cố gắng không thể hiện điều đó ra.
- Con muốn cô phát cho con một tờ giấy, Torey. Phát cho con một tờ giấy ngay đi.
Tôi nhướn một bên mày để cảnh cáo con bé.
Con bé dậm một chân đầy giận dữ và trề môi dưới ra. Tôi lại quay về phía William.
Con bé liền thay đổi chiến thuật.
- Làm ơn! Làm ơn đi mà! Con sẽ không phá
hỏng nó đâu. Con sẽ không xé nữa đâu. Con thề đó. Làm ơn đi mà cô!
Tôi quay lại với nó:
- Cô không thể tin con được. Có thể nếu mai con làm một vài bài tập viết để cô thấy là con không xé nữa, thì cô sẽ phát giấy cho con trong giờ tập viết sáng tạo vào chiều mai.
- Nhưng mà con muốn nó bây giờ cơ, Torey.
- Cô biết là con muốn thế. Nhưng nếu con cho cô thấy là cô có thể tin tưởng con thì ngày mai con sẽ được phát giấy. Đằng nào thì hôm nay chúng ta cũng sắp hết giờ học rồi.
Con bé nhìn tôi một cách thận trọng, cố gắng tìm ra cách nào đó để khiến tôi khoan nhượng nó.
- Nếu cô phát cho con một tờ giấy thì con sẽ viết một điều cô chưa biết về con. Con sẽ viết cho cô một bí mật.
- Con sẽ viết cho cô một bí mật đó vào ngày mai.
Đến lúc này thì con bé làu bàu giận dữ rồi đùng đùng đi ngang qua phòng để đến một cái bàn khác. Nó lôi một cái ghế ra và ngồi phịch xuống, miệng vẫn lầm bầm những tiếng khụt khịt nhỏ ngắt quãng. Tôi cười thầm. Cách con bé nổi giận trông thật đáng yêu, và bây giờ thì nó đang học cách kiểm soát cơn giận của mình một cách đúng đắn hơn. Thỉnh thoảng nó lại lườm tôi hằn học, nhưng vẫn ngồi nguyên trên cái ghế của mình.
Một lúc sau tôi bước tới chỗ nó và nói:
- Cô nghĩ rằng nếu con viết nhanh, thì hôm nay cô có thể phát cho con một tờ giấy.
Con bé ngước nhìn tôi, ánh mắt đầy trông đợi.
- Nhưng con không được xé nó.
- Con sẽ không xé đâu.
- Nếu con xé tờ giấy thì sao đây?
- Không đâu. Con sẽ không làm thế đâu mà. Con hứa đấy.
- Nếu hôm nay cô phát giấy cho con, con sẽ làm những bài tập viết khác cho cô chứ?
Con bé gật đầu một cách dứt khoát.
- Con sẽ làm bài tập toán luôn chứ? Con bé nhăn mặt giận dữ.
- Con sẽ không còn thời gian nữa nếu cô cứ nói chuyện với con cả ngày như thế.
Tôi phì cười và đưa cho nó một tờ giấy.
- Tốt hơn thì những gì con sắp viết phải là một bí mật hay ho đấy nhé.
Con bé cầm tờ giấy bằng cả hai tay rồi chạy gấp đến chỗ một cái bàn khác và nhón lấy một cây bút. Con bé đã nhắm trước mấy cây bút được một lúc rồi, và giờ đây với cây bút và tờ giấy mà phải vất vả lắm mới có được, nó chạy về phía bên kia phòng. Nằm bò ở phía dưới chuồng thỏ, nó bắt đầu viết.
Con bé viết rất nhanh. Tôi đã nghĩ rằng con bé sẽ gặp khó khăn khi viết, vì đã lâu rồi nó không viết. Nhưng Sheila đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. Chỉ vài phút sau nó đã trở lại chỗ tôi, tờ giấy được gấp lại chỉ còn một hình vuông nhỏ. Nó rón rén đến bên cạnh tôi khi tôi không để ý và ấn tờ giấy vào tay tôi.
- Bây giờ thì ở trong đây là một bí mật. Cô không được cho ai xem nó đâu đấy. Chỉ có cô mới được biết bí mật này thôi.
- Được rồi. – Tôi nói và bắt đầu mở mẩu giấy ra.
- Không, đừng đọc bây giờ. Cô để sau rồi đọc. Tôi gật đầu và cho mẩu giấy nhỏ hình vuông
ấy vào túi.
Tôi đã quên khuấy tờ giấy đó đi. Mãi cho đến tận đêm hôm ấy, lúc tôi đang thay đồ chuẩn bị đi ngủ, mẩu giấy rơi xuống sàn nhà. Tôi cẩn thận nhặt nó lên và vuốt lại cho thẳng. Nhìn những dòng chữ được viết bằng bút lông xanh, cùng với thái độ chững chạc của con bé lúc chiều, tôi biết hẳn đây phải là một lời nhắn rất riêng tư.
Một điều đặc biệt mà con muốn cô biết nhưng không được nói với ai.
Cô biết không đôi khi các bạn khác Trêu chọc con và gọi con bằng những cái tên xấu xí và chước đây con từng không có mặc Quằn áo xạch. Nhưng mà
có lúc con không như thế bởi vì cô biết là con đã làm gì nhưng mà làm ơn đừng có nói với ai là con đái dầm ra giường. Con không có ý như thế Cha đánh con nếu ổng biết con làm thế nhưng thường là ổng không có biết. Con cũng không biết tại sao nữa Torey ơi con đã rất cố gắng để Không như thế nữa. Cô sẽ không giận con chứ phải không cô. Cha con ổng giận con nhưng con không có ý như thế Thật đấy. Việc này làm rất buồn nhưng mà nó Làm con thấy tự xấu hổ về bản thân mình. Cha con ổng nói con là một đứa bé sơ sinh nhưng mà con sắp 7 tuổi rồi khi mà con được thế thì sẽ không còn quần lót bẩn và các bạn sẽ không chế giễu con nữa. Làm ơn đừng nói với mấy bạn về việc này được không. Mà cũng đừng có nói với thầy Colinz. Hay Anton hay Whitney hay bất cứ ai được không. Con chỉ muốn cô biết mà thôi.
Tôi đọc xong tờ giấy, xúc động trước sự ngây thơ đáng yêu của con bé và ngạc nhiên vì khả năng viết lách của nó. Nhìn chung thì mẩu lời nhắn này được viết rất tốt, rõ ràng và khá đúng về mặt đánh vần. Tôi thầm cười một mình rồi ngồi xuống và viết lại cho nó một lời nhắn.
Thế là đợt đình chiến đầu tiên của cuộc chiến liên quan đến những bài tập viết đã diễn ra. Ngày hôm sau, với sự giúp đỡ của người lớn, con bé đã hoàn thành được một bài tập toán. Con bé làm bài rất cẩn thận, và tôi gợi ý là nên dán bài đó lên bảng danh dự, nơi tôi lưu lại tất cả những việc làm tốt của các học sinh. Thế nhưng việc này có vẻ quá sức chịu đựng của Sheila, bằng chứng là sau đó tôi đã tìm thấy bài tập Toán này bị vò nhàu và vứt vào thùng rác. Sau việc đó thì tôi cẩn thận hơn. Sheila đã bắt đầu làm được hai hoặc ba bài tập viết mà không cần có người giám sát. Thỉnh thoảng nó cũng bỏ cuộc và lại vò giấy ném đi khi đang làm bài hoặc sau khi đã làm xong, đặc biệt là với những bài quá khó với nó. Nhưng nếu tôi đưa cho nó một tờ giấy thứ hai, con bé sẽ thử lại lần nữa. Tôi không nói gì đến những chỗ con bé làm sai, bởi nỗ lực mà nó đang thể hiện để hoàn tất các bài tập viết là hết sức mong manh. Vào thời điểm đó thì tôi nghĩ không nên đưa ra bất cứ lời phê bình nào, cho dù đó là những lời nhận xét với mục đích tốt thế nào đi nữa. Thay vào đó, Anton và tôi luôn để mắt đến con bé trong khi nó làm bài tập viết, trao đổi với nó để gợi ý các lựa chọn khác khả thi hơn cho những câu mà nó trả lời chưa chính xác. Mặt khác, tôi cũng rất kín tiếng về khả năng ngày càng tiến bộ của con bé trong việc này, bởi tôi không muốn con bé nghĩ rằng tôi đánh giá nó thông qua số lượng bài tập mà nó làm được. Nhưng chắc là có ai đó đã gieo vào đầu nó suy nghĩ này, và tôi muốn con bé nhận thức rõ ràng rằng điều đó là hoàn toàn không đúng, đặc biệt là trong lớp học của chúng tôi. Cho dù con bé có cảm thấy thoải mái khi làm bài tập viết thì nó cũng cần phải biết rằng không ai đáng bị mang ra so sánh hay đánh giá chỉ với một xấp giấy bài tập cả.
Thú vị là ở chỗ, Sheila lại vô cùng thoải mái trong giờ tập viết sáng tạo. Trong giờ học này thì những nỗi sợ trước đây dường như đã tan biến, và con bé có thể viết một cách rất thoải mái và dễ dàng. Những dòng chữ hơi cẩu thả của con bé liên tục xuất hiện rất nhanh trên mặt giấy, kể về những điều có vẻ như quá riêng tư để có thể nói chuyện trực tiếp. Tôi vẫn thường tìm thấy trong giỏ đựng bài viết của tôi năm hay sáu trang giấy kín chữ của con bé thay vì chỉ cần một tờ.
Tôi không biết động lực nào đã thúc đẩy Sheila vượt qua được nỗi ám ảnh sợ viết của mình. Những lần nói chuyện với con bé sau đó và cả những câu nói vu vơ của nó càng khiến tôi tin rằng con bé sợ viết vì sợ thất bại. Nhưng tôi không bao giờ biết chắc được. Tôi cũng không cảm thấy một nhu cầu bức thiết cần phải biết, chỉ bởi vì có rất ít hành động của con người có thể được tối giản hóa thành những ý nghĩa mang tính nguyên nhân–kết quả đơn giản như vậy. Có nhiều điều khác quan trọng cần phải lo nghĩ hơn là cứ sục sạo tìm kiếm một cái lý do "vì sao" đầy bí ẩn và quá trừu tượng như thế.
Allan, bác sĩ tâm lý của trường, đã trở lại không lâu sau ngày lễ Tình nhân với rất nhiều bài kiểm tra dành cho Sheila, bao gồm cả một bài kiểm tra chỉ số IQ Standford-Binet. Tôi hơi do dự một chút khi gặp thầy và mớ bài kiểm tra của ông trong văn phòng vào buổi sáng hôm đó. Tôi biết Sheila là một đứa trẻ có khả năng thiên phú; con bé đã chứng minh điều đó mỗi ngày. Có khác biệt nào không nếu chỉ số IQ của con bé là 170, 175 hay 180? Tất cả đều quá cao so với mức bình thường đến độ những con số đã trở thành vô nghĩa. Thậm chí nếu có sự cách biệt lên đến ba mươi điểm cũng không có vấn đề gì cả. Nếu chỉ số IQ của con bé là 150 hay
180 thì tôi cũng không biết sẽ phải dạy dỗ con bé bằng bất cứ cách nào khác; con bé quá khác biệt. Nhưng tôi ngờ rằng Allan cảm thấy phấn khích trước một cuộc thí nghiệm thú vị như vậy và muốn kiểm tra Sheila để làm giàu cho kiến thức của ông ta nhiều hơn là vì lợi ích của con bé. Tôi cảm thấy đỡ lo hơn bởi tôi biết rằng sắp đến lúc chúng tôi phải đối mặt trực tiếp với những quyền lực đã chỉ định con bé phải vào bệnh viện bang. Con bé không thuộc về nơi đó, bây giờ thì tôi chẳng còn nghi ngờ gì về điều này nữa. Tôi hy vọng rằng chỉ số IQ cao ngất ngưởng như vậy sẽ có ích cho chúng tôi sau này.
Con bé đạt điểm rất cao trong bài kiểm tra Stanford-Binet cũng như với những bài kiểm tra khác. Điểm ngoại suy cho nó chỉ số IQ là 182. Khi nhìn vào con số này, tôi chợt rùng mình. Chỉ số này tương đương với một thiên tài, cũng như chỉ số IQ 18 tương đương với một người chậm phát triển. Ai cũng biết một đứa trẻ có chỉ số IQ 18 khác biệt với người bình thường như thế nào, nhưng người ta lại hiếm khi nhận ra sự khác biệt giữa một đứa trẻ có chỉ số IQ 182 với một đứa bé bình thường.
Điều khiến tôi xúc động nhất đó là làm thế nào mà con bé có thể có được những kiểu kiến thức như thế. Tôi gần như đã nhìn nhận rằng cứ như thể nó là một dạng dị tật gì đó, chẳng hạn như tổn thương não có tác dụng ngược vậy. Cha của con bé – nếu thực sự ông ta là cha con bé – có trí thông minh bình thường, và theo những gì tôi đoán, thì mẹ của nó cũng thế. Vậy thì trong sáu năm trời bị ngược đãi và khốn khổ của mình, làm thế nào con bé có thể biết những từ như "động sản" có nghĩa là gì? Làm sao mà chuyện đó xảy ra được? Đây gần như là một điều bất khả mà tôi chưa từng kinh qua bao giờ. Tâm trí tôi cứ quẩn quanh với những suy nghĩ rằng con bé hẳn phải là bằng chứng của sự tái sinh. Tôi không còn cách giải thích nào khác với đứa trẻ lạ thường này.
Trước khi tôi nhận thức được điều mà mình đang nghĩ, một cảm xúc khác lại xuất hiện trong tôi. Tôi nhớ lại một bài hát của một mẩu quảng cáo trên ti-vi mà tôi đã từng xem; "Trí tuệ là một thứ mà nếu lãng phí thì sẽ vô cùng khủng khiếp". Lòng tôi thắt lại. Có quá nhiều việc phải làm với đứa trẻ này, và có quá ít thời gian. Tôi không biết liệu mình có đủ thời gian hay không đây.