CHƯƠNG 13
Tháng Ba đến cùng những cơn gió nhẹ và tiết trời ấm áp. Khí hậu thế này tương đối dễ chịu so với thời tiết đông giá khắc nghiệt của phương Bắc. Cuối cùng tuyết cũng đã tan, lớp bùn nâu mát lạnh dần hiện ra trên mặt đất đầy cỏ và loang loáng nước. Tất cả chúng tôi đều rất háo hức đón chào mùa xuân năm ấy, vì trước đó chúng tôi đã phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt khi tuyết rơi dày đặc và khí trời lạnh lẽo hơn mọi năm.
Tháng Ba trôi qua rất bình yên, và mọi thứ ở trường học cũng thế; có thể nói là yên bình với một lớp như lớp của tôi. Không có kỳ nghỉ, không xảy ra xô xát gì, cũng không có thay đổi ngoài mong đợi nào cả. Những người dân nhập cư từ phương Nam đang dạt về đây, vì thế khu trại dành cho dân nhập cư được mở rộng để có đủ chỗ cho họ ở. Ngồi trong phòng giáo viên, các thầy cô khác không ngừng càu nhàu khi bọn trẻ nhập cư đang dáo dác tìm lớp học. Đối với tôi thì chuyện này chẳng có gì phải lo cả. Lúc mấy chiếc xe tải đầu tiên chở đầy dân nhập cư vừa đến nơi, Anton bỗng trở nên im lặng và xao lãng hơn bình thường. Tôi hơi ngần ngại, nhưng cuối cùng cũng quyết định hỏi anh. Tôi không biết liệu anh có luyến tiếc cái lối sống ít phức tạp hơn đó không.
Nghe tôi hỏi, anh mỉm cười. Anh nhìn tôi đầy bao dung, kiểu mà người ta vẫn nhìn khi một vấn đề của mình hoàn toàn vượt quá khả năng hiểu biết của người khác. Rồi anh lôi một cái ghế bé xíu ra và buông phịch cái thân người kềnh càng của mình xuống. Không, anh giải thích với tôi, anh không thấy nhớ cuộc sống của dân nhập cư. Chẳng có gì trong một cuộc sống như thế đáng cho người ta nhớ cả. Anh lại mỉm cười, nhưng giống như tự cười mình hơn là cười với tôi. Anh nói điều ảnh hưởng đến anh nhiều nhất chính là anh nhận thức được rằng anh đã thay đổi nhiều như thế nào kể từ sau khi những chiếc xe tải lăn bánh rời đi vào mùa thu năm ấy. Anh đã trở nên khác biệt so với họ ra sao. Cũng giống như cảm giác của Rip Van Winkle
(7) sau khi tỉnh dậy, anh nói thế, rồi phá lên cười như không tin được những chuyện đã xảy ra. Mới năm ngoái đây thôi, anh thậm chí còn không biết Rip Van Winkle là ai, nhưng bây giờ thì anh thấy mình có nhiều điểm chung với Rip hơn cả với những con người có cùng nguồn gốc với mình.
Tôi quan sát anh khi anh nói. Tôi ngắm những đường nét đặc trưng của người Latin nơi anh, dáng người xương xẩu, những dấu vết của thời gian, của một cuộc đời phải bươn chải từ quá sớm. Cả hai chúng tôi đều đã thay đổi, theo những cách mà tôi không biết phải diễn đạt bằng lời như thế nào. Tôi rùng mình khi nghĩ rằng chúng tôi lại có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn lao đến thế đối với cuộc đời của người khác mà chính chúng tôi lại không nhận thức được điều này cho trọn vẹn. Chúng tôi cứ ngồi nhìn nhau như thế suốt mấy phút đồng hồ, cởi mở lòng mình, cảm thấy khâm phục nhau. Có quá nhiều điểm khác biệt giữa chúng tôi: tầng lớp xã hội, giới tính, trình độ học vấn, quá nhiều. Vậy mà làm thế nào đó, theo một cách nào đó, chúng tôi đã chạm đến được tâm hồn nhau. Ánh sáng của sự thấu hiểu ấy làm hai chúng tôi chỉ biết im lặng khi ngồi bên chiếc bàn đó. Từ ngữ không còn cần thiết nữa.
Như những đóa thủy tiên, Sheila bừng nở, rực rỡ và đầy sức sống, mặc cho mùa đông khắc nghiệt. Mỗi ngày quay lại lớp học, con bé càng cho thấy những tiến bộ rõ rệt. Trong giới hạn hoàn cảnh sống của mình, giờ đây con bé đã khá sạch sẽ tươm tất. Mỗi sáng đến trường, nó đã biết rửa mặt mũi sạch sẽ và đánh răng cẩn thận. Nó rất chú ý đến vẻ ngoài, luôn xem xét mình thật cẩn thận trong gương. Thỉnh thoảng, tôi lại thử làm vài kiểu tóc mới cho nó. Sau giờ học, chúng tôi thường chơi trò làm đẹp với nhau. Tôi để nó nghịch mái tóc dài của mình, và nó cũng để tôi chơi đùa với mái tóc mềm mượt của nó, chải và tết tóc cho nó. Con bé đã trở thành một đứa trẻ thật xinh đẹp, khiến ngay cả những giáo viên khác cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Sarah và Sheila nhanh chóng trở thành bạn của nhau, và thỉnh thoảng tôi bắt gặp chúng chuyền thư cho nhau trong lớp học. Có những hôm trong khi đợi xe buýt đến đón, Sheila đã về nhà Sarah chơi. Còn khi về nhà ở khu trại dành cho dân nhập cư, Sheila vẫn thường chơi cùng Guillermo. Còn Tyler thì Sheila thấy hơi khó chơi, và con bé thường từ chối những hành động thể hiện sự quan tâm quá đáng của Tyler. Tôi rất hài lòng khi thấy con bé nhìn chung đã được bạn bè trong lớp quý mến.
Về mặt học hành, Sheila tiến bộ rất nhanh. Con bé sẵn sàng làm hầu như tất cả những bài tập mà tôi giao cho. Thỉnh thoảng vẫn có một tờ giấy bị xé vụn, nhưng việc này rất hiếm khi xảy ra. Nếu tuần nào nó xé hai lần thì đó là trường hợp ngoại lệ. Thậm chí ngay cả khi nó đã xé rồi thì con bé vẫn đến chỗ tôi để xin một tờ giấy khác. Tôi đã có thể giao cho nó những bài tập đọc của lớp ba và bài tập Toán lớp bốn. Nó thừa sức làm những bài tập này, nhưng do hiểu hoàn cảnh sống của con bé, hiểu luôn nỗi sợ thất bại của nó, nên tôi cảm thấy cứ cho nó những dạng bài tập vừa sức, có thể củng cố kiến thức và sự tự tin của nó một cách vững chắc thì sẽ tốt hơn.
Mỗi khi con bé làm sai, bị chỉnh sửa, nó vẫn nhạy cảm một cách thái quá. Những lúc đó, nó lại vùng vằng giận dỗi, hoặc buông ra những tiếng thở dài não nuột. Có hôm nó lại gục đầu cả ngày vào hai cánh tay, thất vọng ê chề khi làm sai một vài chỗ trong bài tập Toán. Nhưng nói chung thì những điều tồi tệ thế này cũng không thường xảy ra lắm. Sau một lúc được an ủi vỗ về, thường là con bé sẽ thử làm lại một lần nữa.
Có một điều rất lạ, đó là sự cố về quãng thời gian hai ngày vắng mặt của tôi không có vẻ gì là ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định về mặt cảm xúc của Sheila cả. Vài ngày sau khi tôi quay về, con bé vẫn thường xuyên bám dính lấy tôi, nhưng không lâu sau, nó không còn cư xử như thế nữa. Con bé không bao giờ làm thế nữa. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều về chuyện này. Dường như con bé cần phải xào đi xào lại chuyện đó nhiều lần thì nó mới chịu được. Tôi đã bỏ rơi nó. Tôi quay lại. Nó đã nổi giận và phá phách. Tôi đã nổi giận và không còn giữ được bình tĩnh. Tôi đã bảo nó rằng tôi đã sai và tôi xin lỗi. Từng mảnh nhỏ của vở kịch ấy đều khiến con bé muốn nói đi nói lại nhiều lần. Nó kể tôi nghe nó đã cảm thấy như thế nào, điều gì đã khiến nó bị nôn, nó đã cảm thấy sợ hãi ra sao. Cái trường thiên tiểu thuyết này được lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ được nghe thấy hồi kết của nó. Câu chuyện hàm chứa một ý nghĩa bí mật nào đó với con bé mà tôi không tài nào hiểu thấu được, và cái việc kể lại câu chuyện đã thành nghi thức này dường như làm nó cảm thấy yên lòng hơn. Dĩ nhiên, việc tôi đã quay lại là rất quan trọng, nhưng đó không phải là khía cạnh duy nhất mà con bé quan tâm. Việc chúng tôi đã nổi giận với nhau rồi sau đó lại làm hòa dường như cũng có một ý nghĩa quan trọng tương đương trong tâm trí của con bé. Có lẽ nó cảm thấy yên tâm khi đã nhìn thấy tôi trong tình trạng tồi tệ nhất. Giờ đây con bé đã có thể tin tưởng tôi, biết rằng tôi sẽ cư xử như thế nào ngay cả khi tôi không hài lòng với nó. Dù là gì đi nữa, thì con bé cũng đang học cách giải quyết những vấn đề của mình bằng cách nói chuyện. Con bé không cần có những đụng chạm về mặt thể xác nữa; chỉ cần lời nói thôi là đủ rồi.
Lạ lùng thay, tất cả những trò phá phách của nó đều biến mất sau sự việc tôi đi vắng và quay về ấy. Khi con bé tức giận, nó không còn nổi cơn thịnh nộ nữa, không còn ném đồ đạc xuống sàn nhà hay phá phách khắp nơi nữa. Việc trả thù không còn quá quan trọng với nó nữa. Tôi ước sao mình có thể hiểu được một cách trọn vẹn tầm quan trọng của sự cố này, bởi vì chính chuyện đó đã thay đổi cách cư xử của Sheila hoàn toàn. Nhưng toàn cảnh sự việc vẫn luôn là một bí ẩn. Sheila vẫn có rất nhiều vấn đề, nhưng những vấn đề đó ngày càng dễ giải quyết và dễ kiểm soát hơn rất nhiều.
Một trong những điều vẫn làm tôi suy nghĩ đó là cách nói năng của con bé. Sau lần ghé thăm cha con bé, tôi có thể khẳng định cách nói chuyện kỳ lạ của nó - rất ít khi dùng thì quá khứ và dùng rất nhiều "thì, là" - không phải do ảnh hưởng từ gia đình. Tôi biết con bé rất sáng dạ, chính vì thế tôi không hiểu được vì sao nó vẫn giữ cách nói chuyện kỳ cục như vậy, mặc dù theo thời gian thì có vẻ như nó đang bắt đầu nói chuyện bình thường hơn. Cuối cùng, cũng trong tháng Ba năm ấy, tôi quyết định hỏi nó về điều này, giải thích cho nó hiểu rằng nếu muốn đề cập đến một điều đã xảy ra trong quá khứ thì sẽ có vài từ buộc phải nói khác đi. Con bé đón nhận những điều tôi nói với một thái độ phản kháng đến mức đáng ngạc nhiên, nó hỏi rằng tôi vẫn hiểu được nó, có phải không? Khi tôi nói đúng thế, tôi hiểu nó, nó lại nói rằng nếu tôi hiểu nó thì nó nói sao mà chả được. Câu trả lời này làm tôi hoàn toàn bị động, bởi vì tôi cảm thấy cách cư xử này của con bé đã được suy tính trước ở một mức độ kỹ càng hơn so với những gì tôi nghĩ trước đó.
Không ai có thể đưa ra được lời giải thích khả dĩ nào về vấn đề này cả. Tất cả những chuyên gia về ngôn ngữ mà tôi đã gửi mấy cuốn băng thu lại những câu Sheila nói đều trả lời rằng đó là một dạng phương ngữ, và hỏi xem con bé có phải là người da đen không. Khi tôi trả lời rằng không, nó không phải là người da đen, và cách nó nói chuyện cũng không phải là kiểu nói chuyện mà gia đình nó sử dụng, thì họ chẳng còn biết giải thích thế nào nữa. Một đêm nọ, Chad và tôi nói chuyện về việc này, và anh đưa ra một ý kiến rằng: có thể với việc không dùng thì quá khứ, con bé đang cố gắng để cho mọi thứ được neo giữ trong hiện tại, khái niệm thời gian mà nó có thể kiểm soát mọi thứ được tốt hơn. Càng suy nghĩ về những gì Chad nói, tôi càng thấy có vẻ như đây là một lời giải thích thỏa đáng.
Sau cùng, tôi tạm kết luận rằng đó là một vấn đề xuất phát từ tâm lý và không suy nghĩ gì thêm nữa. Chúng tôi hiểu được những gì con bé nói, và có thể một ngày nào đó nó sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tự mình thay đổi. Nhưng ngay lúc này thì con bé vẫn chưa sẵn sàng.
Vấn đề vẫn luôn hành hạ trong tâm trí Sheila chính là việc con bé bị bỏ rơi. Con bé luôn bị ám ảnh về mẹ và em trai nó, cứ tự hỏi không biết họ ở đâu và đang làm gì. Những cuộc nói chuyện của con bé thường được nhấn mạnh bằng những câu kiểu như nếu nó làm điều này hay điều kia tốt hơn, có lẽ gia đình nó vẫn sẽ còn ở bên nhau. Tôi nghĩ tất cả những điều này đều có mối liên hệ trực tiếp với nỗi sợ thất bại của con bé.
Một lần nọ, sau khi học xong, Sheila ở lại để giải mấy bài toán. Nó rất thích toán và học môn này tốt nhất so với tất cả những môn còn lại. Lúc mới đến đây, nó chỉ có thể làm được những bài tính nhân chia đơn giản. Nhưng sau đó, chúng tôi đã cùng nhau giải quyết được những kỹ thuật làm toán phức tạp hơn. Con bé đã tìm ra một loạt những bài kiểm tra toán của lớp năm trong thùng rác vào giờ ra chơi và mang về để làm sau giờ học.
Khi làm xong, Sheila mang cho tôi xem. Đó là những dạng toán về phép chia phân số. Tôi chưa từng giúp con bé làm những bài thế này bao giờ. Kết quả là tất cả những bài toán đều sai, vì con bé chưa đảo số chia.
- Cô xem thử coi. Con làm đúng hết rồi phải không? - Con bé đưa tờ bài tập toán vừa làm cho tôi xem và hỏi.
Nhìn tờ giấy, tôi tự hỏi không biết liệu có nên chỉ ra lỗi sai của nó hay không.
- Sheil, cô muốn chỉ cho con cái này.
Tôi lật mặt sau của tờ giấy và vẽ một hình tròn rồi chia thành bốn phần.
- Bây giờ, nếu cô muốn biết có bao nhiêu phần tám trong đó…
Con bé lập tức hiểu ra rằng cách nó giải những bài toán này sẽ không đưa ra đáp số đúng.
- Con đã làm sai rồi, có phải không?
- Cưng ơi, con chưa biết làm dạng bài này mà. Đã có ai chỉ con làm đâu.
Con bé ngồi phịch xuống bên cạnh tôi và lấy tay ôm mặt.
- Con muốn làm đúng và cho cô thấy rằng con có thể làm được mà không cần ai giúp cả.
- Sheil, không có gì phải buồn bã như thế đâu.
Con bé cứ ngồi che mặt như thế một lúc. Sau đó nó từ từ vuốt lại cho thẳng tờ giấy mà nó đã vò nhàu.
- Con cá là nếu hồi đó con làm toán giỏi hơn, thì mẹ con đã không có bỏ con lại trên đường cao tốc như vậy. Nếu con có thể giải được toán lớp năm, thì bà ấy sẽ tự hào về con lắm.
- Cô không nghĩ là bài tập toán có liên quan gì tới chuyện này đâu, Sheila. Chúng ta thật sự không hiểu vì sao mẹ con lại bỏ đi. Rất có thể là vì bà ấy có quá nhiều vấn đề riêng mà mình không thể biết được.
- Bà ấy bỏ đi như vậy là bởi vì bà ấy không có thương con nữa. Cô đâu có bỏ đi để lại đứa con mà cô thương trên đường cao tốc. Và con đã làm đứt chân con nè. Cô thấy không?
Con bé đã cho tôi xem đi xem lại vết sẹo ấy chắc cũng cả trăm lần rồi.
- Nếu con mà là một đứa con gái tốt hơn, thì bà ấy sẽ không làm thế rồi. Thậm chí nếu mà con ngoan hơn thì bây giờ bà ấy vẫn sẽ thương con.
- Sheil, thực sự chúng ta không biết được đâu. Đó là một chuyện tồi tệ, nhưng mà chuyện đó qua rồi. Cô không nghĩ việc con ngoan hay hư có liên quan gì đến chuyện này đâu. Mẹ của con có những vấn đề của riêng bà ấy. Cô nghĩ là bà ấy thương con lắm, thường thì các bà mẹ đều thế mà. Cô nghĩ là lúc đó thì bà ấy không thể đối mặt với việc có một đứa con gái nhỏ như con được.
- Nhưng mà bà ấy đã mang Jimmie theo đó. Làm sao mà bà ấy có thể mang Jimmie đi và bỏ con lại cơ chứ?
- Cô không biết, cưng ạ.
Sheila nhìn tôi. Đôi mắt nó ánh lên vẻ đau đớn và đầy ám ảnh. Lạy Chúa, tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ tôi không bao giờ lấp đầy được khoảng trống này hay sao? Con bé lơ đãng nghịch một cái bím tóc của mình.
- Con nhớ Jimmie lắm.
- Cô biết.
- Tuần sau là sinh nhật của nó rồi. Nó sẽ được năm tuổi, mà con thì không gặp nó từ hồi nó hai tuổi đến giờ. Thật là một khoảng thời gian dài kinh khủng.
Con bé quay người đi đến chỗ cửa sổ, nhìn chằm chằm ra ngoài. Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông tháng Ba ẩm ướt.
- Thực ra thì con nhớ Jimmie hơn mọi thứ trên đời. Con không thể quên được nó.
- Cô biết.
Con bé quay lại nhìn tôi.
- Liệu mình có thể tổ chức một buổi tiệc sinh nhật cho nó được không? Vào ngày mười hai tháng Ba, sinh nhật của nó đó. Mình có thể tổ chức một một buổi tiệc như buổi tiệc sinh nhật của Tyler hồi tháng Hai không?
- Cô không nghĩ thế đâu, mèo con ạ.
Mặt nó xụ xuống, rồi nó lê bước lại chỗ tôi.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì Jimmie không có ở đây, Sheil ạ. Jimmie sống ở tận California và không có ở đây với chúng ta.
- Chỉ cần một bữa tiệc sinh nhật nhỏ thôi mà. Có thể chỉ cần có cô, con, và chú Anton thôi. Có thể sau giờ học cũng được.
Tôi lắc đầu.
- Nhưng con muốn như thế.
- Cô biết.
- Vậy thì tại sao lại không được? Chỉ là một buổi tiệc nhỏ, nhỏ xíu thôi mà? Làm ơn đi?
Mặt nó cau lại, còn giọng nó thì nài nỉ.
- Con sẽ là đứa bé gái ngoan nhất trên đời. Con sẽ không phá hỏng thêm tờ giấy làm toán nào nữa đâu.
- Vấn đề không phải chỗ đó, Sheila ạ. Cô không đồng ý bởi vì Jimmie không có ở đây, Jimmie đã đi rồi. Dù rất đau lòng, nhưng cô nghĩ có thể Jimmie sẽ không quay lại đâu. Cô biết con rất nhớ nó, cưng ạ, nhưng cô không nghĩ con cứ nhớ về nó theo kiểu như thế này là một ý hay đâu. Thế này thì con chỉ đau đớn thêm mà thôi.
Con bé lại lấy tay ôm mặt.
- Sheil, đến đây cho cô ôm con nào.
Tay vẫn ôm mặt, nó tiến đến chỗ tôi. Tôi ôm nó vào lòng.
- Cô biết con cảm thấy việc này rất kinh khủng. Cô có thể cảm nhận được nỗi đau của con. Đó là một việc rất khó khăn đối với con.
- Con nhớ nó. – Giọng con bé ngắt quãng với những tiếng thút thít khô khốc, và nó nắm chặt lấy áo tôi, vùi đầu vào ngực tôi. – Con chỉ muốn nó ở đây mà thôi.
- Cô biết vậy, cưng ạ.
- Tại sao chuyện này lại xảy ra vậy hả Torey? Tại sao bà ấy đã mang nó theo và đã bỏ con lại? Có chuyện gì mà bà ấy coi con là một đứa con gái hư hỏng như vậy?
Nước mắt lấp lóa trên khóe mắt nó. Nhưng như thường lệ, chúng không bao giờ trào được ra ngoài.
- Ôi, cưng ơi, không phải tại con đâu. Hãy tin cô đi. Chuyện đó không phải là lỗi của con. Không phải bà ấy bỏ con vì con là một đứa con gái hư đâu. Chỉ là bà ấy có quá nhiều vấn đề của riêng mình thôi. Không phải lỗi của con.
- Cha con, ổng nói thế. Ổng nói nếu con ngoan hơn thì bà ấy sẽ không bao giờ làm thế.
Tim tôi thắt lại. Có quá nhiều thứ cần phải chiến đấu mà trong tay lại có quá ít vũ khí. Tại sao nó lại phải tin tôi và không tin cha nó? Tôi có thể làm gì để cho nó thấy rằng cha nó đã sai về chuyện này? Tôi cảm thấy nản lòng.
- Về việc này thì cha con đã sai rồi, Sheil ạ. Chính ông ấy cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, và ông ấy không biết làm một đứa bé gái là như thế nào. Ông ấy đã sai trong chuyện này. Hãy tin cô, làm ơn, vì đó là sự thật.
Và chúng tôi ngồi trong im lặng suốt vài phút đồng hồ. Tôi ôm con bé, cảm nhận được hơi thở không đều, nóng hổi của nó phả lên da mình. Tim tôi đau nhói. Tôi có thể cảm thấy cái khối đau buốt ấy trong ngực mình; nó làm tôi đau đớn. Nỗi đau của con bé đã thấm qua áo, qua da, qua xương cốt tôi để ngấm vào tim tôi. Lạy Chúa, thật đau đớn!
Cuối cùng nó ngước nhìn lên.
- Đôi khi, con thật cô đơn. Tôi gật đầu.
- Có khi nào nó ngừng lại không? Tôi lại khẽ gật đầu.
- Có. Cô nghĩ một ngày nào đó nó sẽ ngừng lại. Sheila thở dài và đứng dậy.
- Một ngày nào đó chẳng bao giờ thực sự đến cả, có phải không?
Mặc dù những khoảnh khắc đau buồn ấy thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, nhưng Sheila làm tôi ngạc nhiên vì lúc nào con bé cũng tràn ngập niềm vui. Con bé có một khả năng tận hưởng niềm vui thật tuyệt vời. Tiếp xúc với những đứa trẻ mà cuộc sống của chúng là những tấn bi kịch hỗn độn càng khẳng định niềm tin trong tôi rằng con người sinh ra vốn là những sinh vật vui vẻ. Tâm trạng của Sheila thay đổi rất thất thường. Con bé không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi cái cảm xúc tuyệt vọng mà nó đã phải trải qua, nhưng đồng thời, nó vẫn vui vẻ.
Chỉ một điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể làm lóe lên tia sáng hạnh phúc rạng ngời trong đôi mắt nó, và không một ngày nào trôi qua mà chúng tôi không nghe thấy tiếng cười líu lo như chim hót của con bé. Nó đã bị khiếm khuyết về mặt tình cảm trong một quãng thời gian quá dài, nên giờ đây mọi thứ đều mới mẻ đối với nó. Con bé không bao giờ hết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu của cuộc sống. Có lẽ khám phá lớn nhất của con bé trong tháng Ba là những bông hoa.
Vùng chúng tôi sống trở nên sinh động hẳn lên vào tháng Ba, với những bông nghệ tây và thủy tiên vàng mọc lên khắp nơi. Sheila thật sự bị những bông hoa ấy cuốn hút. Chưa có bông hoa nào thuộc những loại này mọc trong trại tập trung dành cho dân nhập cư cả. Và tôi thật sự không thể tin được rằng trước đây con bé chưa bao giờ thấy một bông hoa thủy tiên vàng ở khoảng cách gần cả. Một buổi sáng nọ, tôi mang đến lớp một bó hoa rất lớn cắt từ trong vườn của bà chủ cho tôi thuê nhà.
Vừa nhìn thấy tôi, Sheila lao đến, miệng vẫn còn dính kem đánh răng. Con bé chỉ mặc có chiếc áo thun và quần lót. Nó chạy lép bép trên sàn nhà.
- Những thứ này là cái gì vậy? - Nó lục ục hỏi, cố không làm bắn bọt kem đánh răng.
- Là những đóa hoa thủy tiên, ngốc ạ. Con đã nhìn thấy chúng trước đây rồi, có phải không?
Con bé nhìn bó hoa và lắc đầu.
- Không, con chỉ thấy trong mấy quyển sách thôi. Những thứ này là hoa thật hả cô?
- Dĩ nhiên chúng là hoa thật. Con chạm vào chúng thử xem.
Con bé đặt cái bàn chải đánh răng xuống, thận trọng đưa tay ra, dùng đầu ngón tay chạm khẽ vào cánh của một bông hoa.
- Ồ!!!!! - Nó kêu lên hạnh phúc, làm bắn cả kem đánh răng ra xung quanh. Con bé nhảy tưng tưng vì vui sướng. Sau đó, nó đột ngột dừng lại, rồi lưỡng lự chạm vào một bông hoa khác. Sau đó lại là một điệu nhảy đầy hạnh phúc nữa.
- Đi đánh răng cho xong và mặc quần áo của con vào đi, rồi sau đó con có thể giúp cô cắm hoa vào lọ.
Nó lao vụt đi, nhổ phần kem đánh răng còn lại trong miệng ra, nhưng không thể kìm nén sự vui sướng của mình đủ lâu để mặc quần áo nghiêm chỉnh vào. Nó chạy lại chỗ tôi.
- Chúng thật là mềm làm sao. Cho con chạm vào lần nữa nào.
- Con ngửi thử xem. Hoa thủy tiên không có mùi thơm như một số loài hoa khác, như hoa hồng chẳng hạn. Nhưng chúng có một mùi hương rất đặc biệt.
Con bé hít một hơi thật sâu rồi nói:
- Con muốn ôm chúng quá. Tôi bật cười.
- Những bông hoa không thích được ôm lắm đâu.
- Nhưng chúng thơm quá và lại còn thật là đẹp nữa. Chúng làm con muốn ôm chầm lấy chúng luôn nè.
- Ừ, chúng thật tuyệt phải không nào?
Tôi lấy ra một cái bình hoa mà một đứa học trò đã làm cho tôi cách đó mấy năm. Có quá nhiều hoa nên cái bình ấy không thể chứa hết được. Sheila vẫn đứng bên cạnh tôi nhảy tưng tưng vì vui sướng. Cả cơ thể con bé đều thể hiện rất rõ niềm vui đó.
- Sheil, con có muốn có một bông hoa cho riêng mình không?
Con bé nhìn tôi, mắt mở to hết cỡ.
- Con có thể có một bông sao?
- Phải, có quá nhiều hoa nên bình của cô không thể chứa hết. Chúng ta có thể cắm bông hoa dành cho con trong một cái hộp sữa bằng giấy các-tông và để ở chỗ cái bàn mà con vẫn ngồi.
- Nó có thể thực sự thuộc về con sao? Tôi gật đầu.
- Cho con sao?
- Phải, ngốc ạ, cho con đấy. Con có một bông hoa rồi nhé.
Bỗng mặt nó xụ xuống.
- Cha con, ổng sẽ không cho con giữ nó đâu. Tôi mỉm cười.
- Hoa thì khác. Chúng không tươi được lâu lắm đâu, thậm chí chưa tới một ngày. Cha con sẽ không quan tâm đến một bông hoa như thế này đâu.
Con bé nhẹ nhàng đưa tay ra và nâng niu một đóa thủy tiên vàng.
- Cô có nhớ cuốn sách về con cáo và hoàng tử bé không? Cô có nhớ, hoàng tử có một bông hoa và cậu ta đã cảm hóa nó. Cô có nhớ không?
Nó nhìn tôi, ánh mắt ngời lên sự kỳ diệu khó tả.
- Cô có nghĩ là con có thể cảm hóa một bông hoa không? Nó sẽ là bông hoa thật đặc biệt của riêng con và con sẽ chịu trách nhiệm với nó và mọi thứ. Con có thể cảm hóa nó chỉ cho riêng mình.
- Nhưng con sẽ phải nhớ rằng những bông hoa không tươi lâu lắm đâu. Tuy vậy chúng rất dễ cảm hóa. Cô nghĩ là con có thể làm được chuyện này. Con thích bông nào? – Tôi chỉ vào những bông hoa chưa được cắm vào lọ.
Con bé cân nhắc thật cẩn thận rồi chọn một bông, mà với tôi thì trông nó chẳng khác gì những bông còn lại, nhưng hẳn bông hoa đó có một ý nghĩa thật đặc biệt nào đó với con bé. Có thể sự cảm hóa đã được bắt đầu, bởi vì cũng giống như hoàng tử bé và đóa hồng của cậu, đóa thủy tiên vàng này là của Sheila, và nó không giống với bất cứ bông hoa nào khác trên đời này.
Con bé cầm bông hoa thật nhẹ nhàng, khẽ vuốt lên những cánh vàng của nó, rồi con bé mỉm cười. Tôi đi lấy cái quần yếm cho nó, rồi giục nó mặc vào. Những đứa học trò khác đang lục tục vào lớp, ồn ào và tò mò không biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng Sheila vẫn đứng yên, để tôi mặc quần áo cho nó, tuyệt nhiên không nhìn những đứa khác. Nó cắn môi để cố không mỉm cười.
- Trái tim của con thật lớn. – Nó thì thầm. – Nó thật lớn và con thấy rằng con là đứa trẻ hạnh phúc nhất.
Tôi hôn lên một bên thái dương mềm mại của con bé và mỉm cười. Sau đó, tôi bê bình hoa thủy tiên vàng đến bàn của mình.