CHƯƠNG 14
Chúng tôi đã cười rất nhiều.
Những việc xảy ra trong lớp học của tôi không phải lúc nào cũng buồn cười. Thường những việc mà tôi thấy buồn cười là những vấn đề mà nếu tôi suy nghĩ cho thấu đáo, lại là những bi kịch. Có thể phép màu kỳ diệu nhất trong sức mạnh tinh thần của con người là khả năng biết cười. Tự cười mình, cười nhau, và cười những tình cảnh mà đôi khi là vô vọng. Tiếng cười làm cuộc sống của chúng ta cân bằng trở lại.
Hơn ai hết, Whitney là người đã giữ cho chúng tôi luôn ở trong giới hạn của cái gọi là bình thường. Tôi vô cùng yêu mến cô gái ấy vì phẩm chất này. Whitney không bao giờ chấp nhận khi Anton hay tôi nói rằng đây là một lớp học dành cho những đứa trẻ không bình thường.
Mặc cho tính e thẹn vốn dĩ của mình, Whitney có một khiếu hài hước mà đôi khi không có giới hạn. Sự dí dỏm của cô bé có thể rất phô và lắm khi trần trụi đến mức gây sốc, đặc biệt là những khi chỉ có mình cô bé với Anton và tôi. Dù vậy, Whitney bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình khi đang đùa. Có lẽ tôi sẽ chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho việc này nếu nó phù hợp hơn với vẻ ngoài nhu mì, vụng về của cô. Hoặc nếu lớp chúng tôi là một nơi phù hợp hơn cho những trò đùa như vậy. Nhưng dù sao đi nữa, Whitney luôn làm tôi ngạc nhiên. Thỉnh thoảng tôi lại giật nảy mình với con rắn lò xo nhảy bật ra từ hộp bút màu của Susannah, hay bãi nôn giả trên bàn khi Peter và William và Guillermo bất ngờ lên cơn đau bụng vờ vịt.
Từ lúc Sheila xuất hiện, cái tính thích đùa ấy của Whitney được dịp phát huy lên đến đỉnh điểm. Những đứa trẻ khác rất thích mấy trò đùa của Whitney và sẵn sàng tham gia cùng. Nhưng Sheila thì đủ thông minh để nắm bắt được Whitney đang có kế hoạch gì trong đầu. Con bé cũng đưa ra những lời gợi ý rất sáng tạo của riêng mình; và thỉnh thoảng nó cũng đủ ngây thơ để làm vài trò điên rồ mà Whitney là kẻ đầu têu.
Tháng Ba dần trôi qua và không có chuyện gì xảy ra cả. Điều này khiến tôi đâm ra nghi ngờ. Mỗi sáng tôi đều kiểm tra ngăn kéo và cái ly sứ của mình, kiểm tra luôn những thứ mà tôi nghĩ sẽ làm mồi ngon cho mấy trò đùa của hai người này. Thường thì tôi hay hỏi Sheila để lường xem sắp có chuyện gì xảy ra, đơn giản bởi vì con bé không biết giữ bí mật cho lắm. Ngay cả khi nó có cố giữ bí mật thế nào đi nữa, thì nó cũng không tìm mọi cách để che giấu những chuyện mà nó sắp làm. Dù vậy, vẫn chẳng có gì xảy ra cả. Tôi thường bắt quả tang hai người bọn họ khúc khích cười với nhau nhiều lần, thế nên tôi càng cảnh giác. Nhưng thời gian trôi qua, vẫn chẳng có gì xảy ra. Có thể là vì khoảng thời gian đó, Whitney bị cảm lạnh khá nặng và phải nghỉ làm suốt một tuần lễ.
Vào một ngày trung tuần tháng Ba, bà Crum, mẹ của Freddie, đến trường gặp tôi sau giờ học. Là một người đàn bà nhỏ nhắn như một chú chim sẻ và khá nhút nhát, bà len qua khe cửa để vào lớp và xin lỗi vì đã làm phiền tôi. Lúc đó, tôi đang chơi xe hơi với Sheila, và tôi trấn an bà rằng tôi thấy không phiền gì khi bà cắt ngang như thế. Khi tôi hỏi liệu tôi có thể giúp gì được cho bà, bà cúi đầu, hai tay siết chặt vào nhau, và liên tục xin lỗi vì đã làm phiền tôi vì những vấn đề của mình. Tôi bảo Sheila đi xuống văn phòng và giúp Anton một tay, anh đang cắt giấy nến cho máy rô-nê-ô
(8) dưới đó. Còn lại một mình trong lớp, tôi mời bà Crum ngồi.
Bà ấy đến để hỏi tôi xem thời gian gần đây bọn trẻ có ăn thứ gì lạ ở trường không. Tôi suy nghĩ. Hôm ấy là thứ Tư, vậy là chúng tôi vừa có giờ nấu ăn. Chúng tôi đã nấu món trứng bác của người Hoa, tôi bảo bà ấy như thế. Ngoài món đó ra, thì bọn trẻ chẳng ăn gì nữa hết. Ngoại trừ bữa trưa, dĩ nhiên. Bà ấy nhíu mày. Trong tuần trước, sau khi đi học về, Freddie đã bị nôn ba lần. Bà ấy còn nói chuyện đó sẽ không khiến bà quá bận tâm nếu như bà có thể biết thằng bé đã nôn ra cái gì. Chúng là những viên bi nhỏ màu đỏ tươi, xanh lục, xanh lam và vàng, đường kính chừng tám li. Mỗi lần thằng bé nôn ra đều có khoảng hai chục viên bi như thế.
Tôi thật sự bối rối. Tôi không thể nghĩ ra cái gì giống như cái bà đang mô tả. Không chỉ bởi vì chúng tôi không trữ kẹo trong lớp cho học sinh ăn, mà còn vì tôi không để những đồ vật có kích thước nhỏ như thế trong lớp, đơn giản là vì những đứa như Freddie, Max hay Susannah sẽ bốc cho ngay vào miệng. Không, thằng bé không thể nuốt phải những thứ ấy ở trường được, tôi trấn an bà ấy. Nhưng để cho chắc chắn, tôi hứa sẽ để mắt đến thằng bé.
Một vài ngày sau đó vẫn diễn ra bình thường. Whitney vẫn vắng mặt, còn tôi thì bận ngập đầu với đống phiếu liên lạc cuối kỳ. Thế là tôi đành cho Sheila chơi một mình sau giờ học, để tôi còn tranh thủ thời gian làm việc. Những ngày cuối tuần trôi qua. Lại một tuần mới bắt đầu.
Một buổi chiều nọ, sau khi đã đưa bọn trẻ ra xe buýt xong, tôi quay trở về lớp và thấy Sheila đang quỳ gối trước cái tủ ly bên dưới bồn. Con bé có một kho ngôn ngữ đầy màu sắc mà chỉ vào những lúc đặc biệt rối loạn thì nó mới dùng. Khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn của nó, thì dù tôi có làm gì đi nữa, con bé vẫn sẽ liên tục lặp đi lặp lại những câu có sẵn trong cái kho ngôn ngữ đó của nó. Tôi đến gần, nghe thấy con bé đang lầm bầm gì đó.
- Có chuyện gì vậy, Sheil?
Con bé đứng bật dậy và quay người lại:
- Không có gì.
- Con đang chửi rủa cái gì vậy?
- Không có gì.
Tôi bước đến chỗ cái bồn.
- Nghe không có vẻ là không có gì lắm. Chuyện gì đang xảy ra vậy?
- Ai đó đã lấy đồ của con.
- Đồ gì?
- Vài món đồ. – Nó tỏ vẻ khó chịu. – Con tính làm một tác phẩm nghệ thuật với mấy món đó. Con đang tìm chúng, mà có ai đó đã ăn trộm mất rồi. Con đã cất ở đây, mà giờ chúng không còn ở đây nữa.
- Tại sao lúc đầu con lại để nó ở đó? Lẽ ra con nên cất đồ của mình ở trong tủ đựng đồ cá nhân chứ. Con biết thế mà. Không ai biết mấy cái món đồ ở dưới đó là đồ của con cả. Mà rốt cục thì nó là cái gì thế?
- Vài món đồ ấy mà.
- Đồ gì mới được? Con bé nhún vai:
- Chỉ là những món đồ thôi. Đồ của con.
- Vậy con đến chỗ cái hộp đựng đồ vẽ xem. Có thể trong đó có vài món đồ thừa con có thể dùng đấy.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, bà Crum lại đến gõ cửa. Ôi xin thứ lỗi cho tôi, bà ấy lại bắt đầu xin lỗi, nhưng Freddie lại nôn nữa. Lần này lại là những viên bi nhỏ nhiều màu. Bà ấy có đem theo vài viên, tất cả đều được gói lại trong một cái khăn giấy. Mặc dù rất rụt rè, nhưng bà ấy cứ khăng khăng bảo tôi xem thử chúng là cái gì, để xem chúng có phải ở trong lớp tôi không.
Tôi nghiến răng, mở cái khăn giấy ướt nhoét ấy ra. Trong đó có chừng mươi viên bi nhỏ không tròn lắm, có màu tươi. Tôi lấy viết chì chọc vào một viên. Nó dễ dàng nát ra để lộ phần nhân màu xanh lục thẫm. Tôi không thể hình dung được chúng là cái gì.
Anton bước vào phòng, nãy giờ anh ấy ở trong phòng giáo vụ. Tôi ra hiệu cho anh lại gần.
- Anh có thấy bất cứ thứ gì giống như thế này quanh đây không? - Tôi hỏi.
Anh chồm người qua vai tôi để nhìn cho rõ hơn.
- Cái quái gì vậy nhỉ?
Anh cầm lấy cây viết chì trong tay tôi rồi chọc vào một viên thứ hai. Viên này cũng vỡ vụn ra dễ dàng.
- Rõ ràng là Freddie đã tìm thấy chúng ở đâu đó, nuốt vào rồi khi đi học về thì nôn ra. Bà Crum nghĩ là chúng xuất phát từ lớp của chúng ta.
- Chúng là cái gì vậy? - Anton hỏi, bộc lộ sự hoài nghi không giấu giếm.
- Tôi cũng không biết nữa.
Sheila tò mò tiến lại gần. Con bé giật gấu quần jeans của tôi.
- Cho con xem nào. Tôi đẩy nó ra.
- Chờ một chút nào.
- Cô biết không, nghe có vẻ khùng điên, nhưng tôi thấy chúng giống như phân thỏ vậy. – Anton vừa nói vừa nhíu mày nhìn cái khăn giấy với mấy viên bi bí ẩn bên trong.
- Anton, chúng có màu đỏ, màu lục, và màu lam mà. - Tôi đáp.
- Tôi biết chứ. Nhưng hãy nhìn phần nhân của chúng mà xem. Chẳng lẽ cô không thấy giống sao?
Tôi phì cười. Tình huống kỳ quặc này làm tôi hơi mất kiểm soát.
Sheila cứ bập bênh trên một cái ghế bên cạnh tôi, một tay vịn cánh tay tôi, tay kia túm lấy cổ áo tôi.
- Cho con xem đi, Torey.
Anton ngả người về phía con bé và cho nó xem
cái khăn giấy. Khi nhìn thấy thứ được gói trong cái khăn giấy, nó đột ngột giật bắn người ra đằng sau. Cả nó và cái ghế lăn kềnh ra sàn.
- Con có sao không? - Tôi hỏi khi đỡ con bé dậy.
Nó gật đầu. Có cái gì đó trong cách nó nhìn tôi làm tôi nghi ngờ. Hay nói chính xác hơn, cái cách mà nó không nhìn tôi làm tôi nghi ngờ.
- Con có biết gì về chuyện này không, Sheil? Mấy cái thứ này là gì vậy?
Nó bước lùi một bước và nhún vai thật mạnh.
Anton cau mày lại theo cái kiểu tôi-đang- nghiêm-túc của mình:
- Sheila, con có đưa cái gì đó cho Freddie không?
Con bé ngước nhìn chúng tôi. Gương mặt nó đầy vẻ ngây thơ. Hai mắt con bé to tròn như những cái đĩa sứ. Mấy sợi tóc bung ra khỏi cái bím của nó, lòa xòa quanh mặt. Con bé cắn môi và vẫn tiếp tục lùi lại. Với Sheila thì thái độ ngây thơ như vậy nghĩa là nó biết nó có tội.
- Sheila, cô muốn con kể cho cô nghe về việc này. - Tôi nói.
Vẫn không có câu trả lời.
- Chúng ta biết là con biết. - Anton thêm vào. Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm.
- Sheila. – Tôi nói bằng giọng nghiêm khắc nhất của mình. Phải khó khăn lắm tôi mới nói kiểu như thế được. Con bé trông quá ngây thơ với một tội lỗi rõ ràng đến vậy.
Cuối cùng tôi tiến đến gần nó, thật chậm, bởi vì trong cách cư xử của nó đã bắt đầu có dấu hiệu của sự sợ hãi, và thông thường thì con bé vẫn hoảng loạn nếu có ai đó lao đến nó. Tôi đặt một tay lên vai nó, rồi đẩy nó quay lại cái bàn nó thường ngồi. Tôi vẫn giữ những ngón tay của mình trên lưng con bé và đứng đằng sau nó, để nó không thể vụt chạy đi.
- Bây giờ thì tốt hơn là con nói cho chúng ta nghe cái này là gì đi, cưng ạ. Cô muốn biết, và cô muốn biết ngay bây giờ.
Con bé nhìn chằm chằm vào cái khăn giấy ướt nhẹp đầy những viên bi nhỏ nhiều màu mà bà Crum đã bày ra trên mặt bàn. Tôi có thể cảm thấy Sheila đang tựa hẳn vào tay mình. Tôi hích nhẹ vào vai nó.
- Cô đang mất kiên nhẫn rồi đây, Sheil. Đừng làm cô giận. Những thứ này có thể làm tổn thương Freddie và chúng ta cần phải biết nó là cái gì. Bây giờ thì nói cô nghe xem nào.
- Phân thỏ. - Nó khẽ nói.
- Vậy làm sao mà chúng có nhiều màu sắc như thế này?
- Con sơn chúng bằng màu keo.
Câu trả lời này làm Anton không chịu nổi nữa, và anh ấy bắt đầu khúc khích cười. Anh lấy một tay che miệng, cố nén cười.
- Trời ạ, Sheila. – Tôi nói. – Tại sao con lại đi sơn màu lên phân thỏ làm gì?
- Cho Whitney.
Khi đã moi được toàn bộ câu chuyện từ Sheila, chúng tôi mới biết rằng con bé và Whitney đã bày ra một trò đùa. Vào ngày lễ Phục sinh, chúng tôi sẽ làm một tấm tranh khảm thật lớn ở góc lớp học, sau đó bức tranh sẽ được treo trên hành lang của tòa nhà chính trong trường vào Đêm của phụ huynh. Tấm tranh khảm này được đặt tên là "Lần theo dấu vết chú thỏ". Rõ ràng Whitney đã nghĩ là sẽ thật buồn cười nếu thay những miếng khảm bằng những cục phân thỏ được sơn màu. Hoàn toàn là một trò đùa của những đứa mới lớn. Con bé đã sơn màu lên mấy cục phân, rồi phơi chúng ở dưới cái bồn, nơi không ai chú ý đến nhiều. Hẳn là Freddie đã phát hiện ra tất cả những hành động vụng trộm này, và cho rằng chỗ phân ấy là kẹo. Hay một cái gì đó. Rồi thằng bé đã ăn chúng. Theo cái cách mà Sheila kể khi liên hệ toàn bộ sự việc lại, tôi nghĩ rằng đó hẳn là một tuần lễ vô cùng khó chịu và bực bội với con bé. Con Onions không có thái độ hợp tác cho lắm, Whitney thì không đến lớp, và đống phân thỏ sơn màu của Sheila thì biến mất một cách bí ẩn. Thế nên chẳng có gì lạ khi tôi bắt gặp con bé đang làu bàu chửi rủa với cái tủ ly sau giờ học.
Anton phải kiềm chế lắm mới không phá lên cười trong lúc nghe kể lại chuyện này. Anh cắn chặt môi, mắt thì cứ đảo nhìn lên trời suốt, và thỉnh thoảng lại ho khù khụ. Bà Crum thì không thấy có gì đáng cười trong toàn bộ câu chuyện này cả. Hẳn là tôi cũng sẽ không cảm thấy như thế, nếu đó là con trai tôi. Không ai trong chúng tôi biết cái hợp chất mà Freddie ăn phải có độc không. Tôi biết màu keo thì vô hại, nhưng còn về phân thỏ thì tôi lại mù tịt thông tin. Anton gọi cho trung tâm nghiên cứu về các chất độc hại để hỏi thêm. Tuy nhiên, vì Freddie đã ăn mấy cục phân đó suốt tuần vừa rồi và rõ ràng là không bị ốm đau gì ngoài cái bụng giở chứng, cho nên tôi cũng không thấy lo lắng cho lắm. Ngoài ra, khi thằng bé nôn ra thì mấy cục phân đó cũng chưa bị nhai và chưa bị tiêu hóa.
Tôi chỉ tay ra hiệu cho Sheila đi về phía góc lớp, và bảo nó hãy ngồi đó trong suốt quãng thời gian còn lại. Con bé không phản đối gì cả, nhưng lại thở dài thườn thượt một cách hơi quá đà, đến mức tôi sợ con bé sắp sửa lên cơn hen đến nơi. Anton quay lại sau khi đã được trung tâm nghiên cứu các chất độc hại bảo đảm rằng Freddie sẽ không sao cả. Tôi xin lỗi bà Crum vì sự ngốc nghếch của học trò mình rồi tiễn bà ấy ra cửa.
Anton và tôi bàn bạc với nhau về sự việc này, và quyết định rằng chúng tôi nên gọi Whitney tới ngay. Cô ấy sống gần trường học, và tôi cảm thấy tốt hơn là giải quyết vấn đề này khi không có lũ trẻ ở đây. Mặc dù việc này chỉ thuần túy là một trò đùa, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tôi muốn nói rõ mọi việc cho Whitney hiểu.
Anton đi gọi Whitney. Tôi bước đến chỗ cái ghế trong góc phòng. Sheila ngước nhìn lên.
- Nghe này, đã đến lúc con đi đón xe buýt rồi đấy. Con đi lấy áo khoác rồi đi đi nào. Cả cô lẫn Anton đều bận không dẫn con đi tối nay được, thế nên con phải tự lo cho mình thôi. Cô không muốn nghe bất cứ một lời nào từ bất cứ ai về việc con lại gây ra trò rắc rối nào trên đường từ đây đến trạm xe buýt đâu đấy. Rõ chưa nào?
Sheila gật đầu.
- Vậy thì tạm biệt. Cô sẽ gặp lại con vào ngày mai.
- Con rất là xin lỗi.
- Được rồi. Chúng ta đã nói về chuyện đó, và bây giờ thì nó qua rồi.
- Cô giận con hả?
- Cô sẽ ổn thôi. Cô biết tụi con làm việc này như là một trò đùa thôi, và không có ý làm tổn thương bất cứ ai cả. Cô hiểu điều đó. Và bây giờ thì con biết rồi đấy, việc này thật là ngốc nghếch. Thế nên chúng ta sẽ quên nó đi, bây giờ thì xong xuôi rồi.
Con bé đứng dậy nhưng không rời khỏi chỗ cái ghế.
- Nhanh lên, nếu không con sẽ nhỡ xe buýt đấy.
- Cô giận con hả?
- Không, Sheil, cô không có giận con. Giờ thì con đi đi.
- Nếu mà cô không giận con thì làm sao mà cô lại không có cười với con? – Con bé hỏi, sự lo lắng thể hiện rõ mồn một trong đôi mắt nó.
Tôi mỉm cười, và quỳ xuống để nhìn vào mắt nó, rồi ôm nó vào lòng. Tôi hôn lên má nó một cái thật kêu.
- Con vẫn chưa tin là cô không giận con hả? – Tôi gạt mớ tóc lòa xòa trên trán nó. – Bây giờ con cứ về nhà đi và đừng có lo lắng gì cả, bởi vì cô không có giận gì hết. Ban đầu cô cũng không có giận lắm đâu, bởi những gì con làm là không hề cố ý. Chủ yếu là cô chỉ lo cho Freddie thôi, và khi mà cô lo quá thì nó giống như cô đang giận vậy. Nhưng mọi chuyện qua rồi. Được chứ? Như thế đã ổn với con chưa?
Con bé gật đầu.
- Được rồi, vậy thì nhanh chân lên kẻo nhỡ xe buýt bây giờ.
Whitney lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Sau khi Sheila đi khoảng mười phút thì Whitney đến cùng với mẹ của mình. Tôi không có ý biến việc này thành một vấn đề nghiêm trọng đến như thế. Tôi chỉ đơn giản là muốn nói chuyện với cô bé. Tôi không giận. Như đã nói với Sheila, tôi chưa bao giờ thực sự tức giận cả. Chủ yếu là tôi lo lắng, và cũng cảm thấy hơi bối rối trước mặt bà Crum nữa. Tuy nhiên vẫn có một mối nguy hiểm tiềm ẩn trong sự việc này, và tôi cảm thấy rằng Whitney cần phải nhận thức được điều đó. Dù vậy, mẹ của Whitney đã khiến mọi chuyện trở nên nghiêm trọng quá mức cần thiết.
Anton đã nói chuyện với bà ấy trong điện thoại, đã giải thích cho bà hiểu một phần của vấn đề. Bà ta đùng đùng đến trường, lôi xềnh xệch Whitney như thể cô bé là một đứa trẻ con vậy. Là một người đàn bà cao lớn với mái tóc vàng cứng quèo, mẹ của Whitney lao vào phòng tôi và yêu cầu tôi kể lại cho bà ấy nghe chuyện gì đã xảy ra. Tôi cố giải thích vấn đề một cách nhẹ nhàng nhất. Ngay sau đó thì bà quay sang Whitney với một sự giận dữ mà tôi không thể tưởng tượng được, cứ như thể Freddie đã tử vong vì cái thứ ấy đến nơi vậy.
- Bà Blake? Bà Blake? – Tôi cố gắng chen vào cơn thịnh nộ của bà ta. – Xin cho phép tôi nói… Bà Blake?
Anton cũng đang lúng túng không biết phải thế nào, anh cố làm bà ta mất tập trung:
- Bà có muốn một tách cà phê không, bà Blake?
Trong suốt quãng thời gian ấy thì Whitney chỉ biết ngồi trên một cái ghế nhỏ và khóc nức nở.
Tôi cũng không nhớ làm thế nào mà chúng tôi làm cho mẹ của Whitney thôi không nói nữa. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi cũng làm được chuyện này, và Anton dẫn bà ấy xuống phòng khách để uống cà phê.
Chỉ còn Whitney và tôi trong phòng. Tôi thấy thật bối rối khi có mặt ở đó và chứng kiến mẹ cô nói chuyện với cô kiểu như thế. Hẳn Whitney phải cảm thấy mình bị sỉ nhục lắm. Tôi bối rối đến mức không biết phải nói gì nữa. Tôi mang đến cho cô một hộp khăn giấy, và đặt nó lên cái bàn trước mặt cô. Tôi lưỡng lự một thoáng, tự hỏi xem liệu tôi có nên xin lỗi hay gì đó không. Tôi lầm bầm nói chuyện một mình và giả vờ đi phân loại đống giấy tờ để cho cô bé có vài phút để bình tĩnh trở lại.
Khi quay lại, tôi ngồi xuống cạnh Whitney và vòng tay ôm vai cô. Whitney quay lại và ôm chặt lấy tôi. Cử động này đột ngột quá khiến cái ghế tôi đang ngồi lắc lư vì sức nặng cô ấy tựa lên người tôi, nhưng tôi đã vòng tay kia qua ôm lấy Whitney. Whitney đang cần được an ủi vỗ về biết bao.
- Nghe này, mọi chuyện không đến nỗi tệ như thế đâu, Whitney. – Tôi vén mớ tóc rối lòa xòa trên khuôn mặt cô bé ra. – Anton và chị không có giận gì em đâu. Chị không hề giận tí nào cả.
Whitney ngồi thẳng người dậy và rút một tờ khăn giấy.
- Em chỉ đùa thôi mà.
- Chị biết chứ. Và chị không có giận. Chị không cố ý lôi em vào một rắc rối như thế này. Tin chị đi, chị sẽ không gọi em tới nếu chị biết chuyện này sẽ tệ hại đến thế với em.
- Ôi, cái gì cũng làm mẹ em nổi điên lên được.
- Đúng rồi, mà chuyện này đâu có gì to tát. Chị chỉ muốn em biết là em phải cẩn thận hơn một chút khi ở đây. Bọn chúng không phải là những đứa trẻ bình thường, Whitney à. Em phải cẩn thận hơn rất nhiều khi ở bên chúng.
- Em không nghĩ là có ai sẽ bị tổn thương cả. Em không có ý để việc này xảy ra.
- Ôi, cưng ơi, chị biết chứ. Và lần này chẳng có ai bị tổn thương gì cả đâu. Suýt tí nữa thì lớn chuyện thôi. Đây là một việc ngớ ngẩn em đã làm mà không suy nghĩ. Chị rất thích cái tính hài hước của em, Whitney, và chị rất thích cái cách em làm cho bọn trẻ cười đùa. Nhưng đây là những đứa trẻ đặc biệt. Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận chăm nom chúng.
Cô tựa đầu vào hai lòng bàn tay và nhìn chằm chằm vào mặt bàn.
- Em chẳng bao giờ làm được việc gì cho ra hồn cả. Việc gì em cũng làm hỏng bét hết.
- Bây giờ thì mọi việc có vẻ như thế thôi. Chứ em biết là không phải như vậy mà.
- Mẹ em sẽ giết em mất.
- Đây không phải là việc của mẹ em. Đây là việc giữa em và chị thôi. Anton sẽ giải quyết vấn đề với mẹ em. Nếu anh ấy không nói được thì chị sẽ nói chuyện với bà ấy.
- Em xin lỗi, Torey.
- Ừ, chị biết mà.
- Chuyện gì sẽ xảy ra với em đây?
- Không gì cả.
Whitney không nhìn tôi, cô ấy vẫn nhìn chằm chằm vào mặt bàn trước mặt. Tôi đặt một tay lên vai cô và có thể cảm nhận được hơi ấm của cô qua lớp áo. Chúng tôi ngồi trong im lặng suốt một lúc lâu.
- Em có thể kể với chị chuyện này được không, Torey?
- Được.
Cô ấy vẫn chưa thể nhìn tôi.
- Đây là nơi duy nhất trên đời này mà em muốn ở. Mọi người ai cũng trêu chọc em về chuyện này. Chọc hoài. Họ nói: Tại sao cô lại muốn giao du với một lũ người lúc nào cũng dở dở ương ương thế? Họ nghĩ là chính em cũng bị điên. Mà chị biết đấy, không phải điên theo nghĩa gì tốt đẹp đâu, mà là điên khùng đó. Bởi vì nếu không thế thì tại sao em lại muốn ở đây đến vậy?
- Ừ thì – tôi đáp – vậy thì hẳn họ cũng nghĩ
Anton và chị như vậy. Bọn chị chắc cũng điên hết rồi.
- Có bao giờ người ta nói thế với chị chưa? - Lần đầu tiên trong buổi tối hôm đó, cô ấy nhìn tôi.
- Không nói với chị. Nhưng chị nghi là cũng không ít người nghĩ chị điên đâu.
- Tại sao chị lại ở đây? Tôi mỉm cười.
- Chị nghĩ là vì chị thích những mối quan hệ chân thành. Cho đến lúc này thì những người duy nhất mà chị thấy thành thật như thế là những đứa trẻ con và những người điên. Thế nên nơi này có vẻ là nơi thích hợp với chị.
Whitney gật đầu.
- Phải, em đoán đó cũng là điều mà em thích – cách mà mọi người bày tỏ chính xác những cảm xúc của mình. Thế nên chí ít là nếu ai đó ghét mình, thì mình cũng biết được điều đó.
Cô uể oải cười rồi nói tiếp:
- Buồn cười là ở chỗ, đôi khi em không thấy bọn trẻ điên như những người bình thường ngoài kia. Ý em là… - Giọng cô lạc đi.
Tôi gật đầu.
- Đúng thế, chị hiểu ý em mà.
Lúc tôi về đến nhà, Chad đang ngồi đợi tôi.
Trông anh có vẻ hơi sốt ruột. Anh đã mua vài hộp gà xào nấm ở cửa hàng bán đồ ăn Tàu.
- Em đã ở đâu vậy chứ? Gần 7 giờ tối rồi còn gì.
Anh đã cố gắng giữ nóng cho chỗ đồ ăn ấy bằng cách cho mớ hộp và tất cả đồ ăn bên trong lên một cái chảo chiên. Cả nhà bếp nồng nặc mùi hộp giấy cháy.
- Ở trường.
- Đến tận giờ này sao? Lạy Chúa, anh ngồi đây đợi em gần cả tiếng đồng hồ rồi. Em làm gì ở đó thế?
- À, một đứa học trò của em nôn ra mấy viên bi nhỏ nhiều màu khi ở nhà. Mẹ nó nghi là nó ăn phải mấy thứ đó trong trường. Thế là bà ấy mang đến trường một cái khăn giấy ướt nhẹp đựng toàn mấy thứ mà thằng nhỏ nôn ra.
Chad bắt đầu khúc khích cười. Anh quay người để xóc nhẹ cái chảo chiên với mớ hộp đồ ăn trong đó. Tôi có thể nhìn thấy hai vai anh đang run lên.
- Thế là em và Anton bắt đầu kiểm tra xem mấy viên bi nhỏ đó là gì, và hóa ra chúng là phân thỏ.
Những tiếng cười khúc khích của Chad bật thành những tiếng cười lớn. Và nó truyền sang tôi. Thế là tôi cũng cười theo.
- Thật là hết chỗ nói. Sheila đã lấy chỗ phân đó từ chuồng của con Onions và lấy keo màu tô lên chúng. Chỉ có Chúa mới biết con bé làm chuyện đó lúc nào, nhưng rõ ràng là Freddie đã tìm thấy chúng và đã xơi chúng. Em đoán thằng bé nghĩ chúng là kẹo hay gì đó.
Cả hai chúng tôi đều bật cười. Phải khó khăn lắm tôi mới nói được chữ cuối cùng. Mùi hộp giấy cháy nồng nặc quanh phòng, nhưng lúc đó thì cả hai chúng tôi đều cười chảy cả nước mắt. Tôi cười đến tức cả hai bên sườn. Vậy mà chúng tôi vẫn cười.
- Xin lỗi vì anh đã hỏi… – Cuối cùng Chad cũng nói được một câu.