CHƯƠNG 16
Tháng Tư đến cùng với một trận bão tuyết. Mặc dù mọi người đều ca cẩm về trận đòn cuối cùng mà mùa đông giáng xuống này, nhưng những bông tuyết trắng xóa trông thực sự rất đáng yêu. Dù vậy, bão tuyết khắc nghiệt đã làm ngừng trệ mọi thứ, thế là trường học phải đóng cửa trong hai ngày.
Khi chúng tôi quay trở lại với lớp học, Sheila thông báo trong buổi nói chuyện mỗi sáng của lớp rằng chú Jerry của nó đã đến sống cùng với hai cha con nó. Theo lời Sheila thì hồi trước ông ấy ở trong tù, dù con bé không nhớ được vì sao ông ta phải vào đó, và bây giờ ông ta đã được thả ra và đang tìm việc làm. Con bé có vẻ hết sức phấn khởi với thành viên mới này của gia đình. Nó líu lo kể chúng tôi nghe chú Jerry đã chơi với nó suốt cả ngày trong lúc trận bão tuyết xảy ra như thế nào.
Chúng tôi nhanh chóng quay lại với thời gian biểu hàng ngày của mình. Cảm giác lâng lâng từ chiến thắng của chúng tôi trong phiên tòa vẫn còn đọng lại. Dù bọn trẻ không biết được chuyện gì đã xảy ra, nhưng cả Anton và tôi đều ở trong tâm trạng rất phấn chấn. Và nếu chúng tôi hạnh phúc, thì có thể nói Sheila trong bộ đầm mới của mình đã tỏa sáng rực rỡ.
Mỗi ngày con bé đều mặc cái đầm đỏ trắng ấy diễu qua diễu lại trước mặt những đứa trẻ khác, với một ý đồ rõ ràng là làm sao để Susannah cũng phải ghen tị như nó đã ghen tị với Susannah trước kia. Con bé kể với chúng bạn rằng trong ngày "xử án" nó đã chiến thắng như thế nào, rồi được đi ăn tối với Chad và tôi, và cuối cùng là được mua cho một cái đầm. Không lâu sau, bọn trẻ đứa nào cũng muốn có một phiên tòa xử mình, và tôi phải đề nghị Sheila đừng có nhắc đi nhắc lại chuyện này nữa. Thế là nó cũng ít nhắc đến chuyện này với bọn trẻ, nhưng khi chỉ còn lại tôi và nó sau giờ học, nó lại lôi chuyện đó ra làm chủ đề chính. Cũng giống như sự cố tôi đã bỏ nó đi vắng hồi tháng Hai, việc lần này cũng được nó lặp đi lặp lại quá mức cần thiết, chi tiết đến từng phút một: chúng tôi đã đến nhà hàng Shakey, chúng tôi đã ăn một cái bánh pizza thật to, Sheila đã ăn rất rất nhiều. Sau đó chúng tôi đi mua cái đầm và giả vờ rằng chúng tôi là một gia đình thực sự. Con bé liên tục lặp lại những chi tiết ấy, nét mặt nó biến đổi tùy theo ký ức của nó về việc này. Tôi để cho nó nói, vì dường như lặp đi lặp lại những chuyện như thế có một tác dụng chữa bệnh nào đó đối với con bé, cũng giống như sự việc hồi tháng Hai vậy. Một điều thú vị là con bé hoàn toàn quên lãng Jimmie. Đã nhiều ngày trôi qua tôi không còn nghe nhắc đến tên của thằng bé nữa. Hôm đó là một buổi tối đầy hạnh phúc, thật hoàn hảo với Sheila, và có vẻ như con bé chưa thưởng thức được nó một cách trọn vẹn. Tôi cho rằng những khoảnh khắc như vậy thật xa vời và nó hiếm khi có được, thế nên tôi vẫn kiên nhẫn lắng nghe nó nói, hết lần này đến lần khác.
Một buổi sáng giữa tháng Tư, Sheila đến trường với vẻ buồn bã ủ ê hiển hiện. Anton đã đón nó ở trạm xe buýt, nhưng hôm đó xe buýt tới trễ, nên con bé vào lớp sau khi buổi nói chuyện ban sáng đã bắt đầu. Hôm đó nó lại mặc cái quần yếm và cái áo thun cũ của mình, trông nó xanh xao vô cùng. Con bé ngồi xuống phía ngoài rìa của cả nhóm, lắng nghe nhưng không tham gia.
Chỉ trong nửa giờ đồng hồ khi cuộc nói chuyện diễn ra, nó đứng dậy hai lần để vào toa-lét. Tôi lo là con bé đang bị ốm, vì trông nó rất xanh xao và uể oải. Nhưng những đứa trẻ khác đang la hét chí chóe đòi tôi chú ý đến chúng, nên tôi chưa thể tập trung vào nó được.
Lúc phát bài tập toán cho bọn trẻ, tôi không thấy Sheila đâu cả. Sau đó tôi phát hiện ra con bé lại đang ở trong toa-lét.
- Cưng ơi, hôm nay con thấy không khỏe à?
- Con không sao. – Nó đáp rồi nhận tờ giấy bài tập toán và đi đến chỗ bàn học của mình. Tôi quan sát nó. Giờ đây nó đã nói nhiều hơn, chia động từ đúng quy tắc hơn, và tôi hài lòng với việc này.
Khoảng gần một giờ đồng hồ sau, ngay trước giờ nghỉ, tôi ngồi xuống bên cạnh Sheila và chỉ nó cách giải một số dạng bài tập toán mới. Tôi bế nó đặt vào lòng mình. Khi tôi ôm nó, cơ thể nó cứ đờ ra rất lạ. Tôi sờ trán nó xem nó có bị sốt không, nhưng nó không sốt. Tuy nhiên rõ ràng là nó đang hành động rất kỳ quặc.
- Có chuyện gì không vậy, Sheil? Con bé lắc đầu.
- Cả người con cứng đờ ra nè.
- Con không sao. – Nó nhắc lại, và tiếp tục giải bài tập toán.
Khi nó giải bài tập toán xong, tôi bế nó ra khỏi lòng và đặt nó xuống đất. Trên ống quần jeans của tôi là một đốm màu đỏ. Tôi nhìn nó chằm chằm, không biết đó là cái gì. Máu sao? Tôi nhìn Sheila.
- Có chuyện quái gì đang xảy ra vậy? Sheila lắc đầu, gương mặt con bé vô cảm.
- Sheila, con đang chảy máu!
Ống quần bên phải của nó có một vết màu đỏ đang lan rộng xuống dưới. Tôi bế thốc nó lên, lao vào toa-lét và đóng sầm cửa lại. Tôi mở nút cái quần yếm của nó và cởi nhanh ra. Máu thấm ướt đẫm quần lót của nó, chảy ròng ròng xuống cả hai bên cẳng chân của con bé. Có mấy miếng khăn giấy được nhét vào trong quần lót của nó. Rõ ràng thứ này giải thích cho những lần con bé liên tục vào toa- lét trước đó. Nó đã cố cầm máu lại để không ai thấy.
- Trời ơi, lạy Chúa tôi, có chuyện gì vậy? – Tôi thốt lên bằng cái giọng thất thanh và hoảng loạn. Sự kinh hoàng trào dâng trong tôi khi tôi lấy miếng khăn giấy cuối cùng ra. Máu đỏ tươi từ âm đạo nó chảy nhỏ giọt ra.
Nhưng Sheila vẫn đứng như trời trồng. Gương mặt con bé không biểu lộ chút cảm xúc nào. Mắt nó vô hồn, nhìn tôi bằng con mắt đứng tròng. Con bé xanh xao hơn cả lúc tôi thấy nó dưới ánh đèn mờ mờ của lớp học. Lạy Chúa, trông nó trắng bệch như tờ giấy. Tôi không biết nó đã mất bao nhiêu máu rồi. Tôi chộp lấy vai nó rồi lay thật mạnh, cố gắng đánh thức nó thoát khỏi trạng thái thất thần ấy.
- Sheila, chuyện gì đã xảy ra vậy? Con phải nói cho cô biết. Bây giờ con không thể bày trò được. Chuyện gì đã xảy ra với con?
Con bé chớp mắt như vừa thức dậy từ một giấc ngủ sâu đầy mộng mị. Nó đã phải trả một cái giá rất đắt để thoát khỏi nỗi đau đớn và trạng thái cảm xúc của mình.
- Chú Jerry – nó khẽ nói – sáng nay ổng đã cố nhét con cu của ổng vào người con. Nhưng nó không vừa. Thế là ổng đã lấy một con dao. Ổng nói con không cho ổng vào, thế nên ổng nhét một con dao vào người con để con không làm thế nữa.
Tôi cứng đờ người.
- Hắn ta đã nhét một con dao vào chỗ đó của con ư?
Nó gật đầu:
- Một con dao ăn. Ổng nói con sẽ hối tiếc vì không để ổng nhét con cu của ổng vào người con. Ổng nói cái này sẽ làm con đau hơn rất nhiều và con sẽ hối tiếc.
- Chúa ơi Sheila, sao con không nói cho cô biết? Tại sao con không cho cô biết?
Vì sợ rằng nó đã mất quá nhiều máu, tôi quấn một cái khăn tắm quanh người nó rồi bế nó lên.
- Con sợ. Chú Jerry bắt con không được nói với ai. Ổng nói ổng sẽ tiếp tục làm như thế nếu con nói. Ổng nói nếu mà con nói ra thì ổng sẽ còn làm những điều tồi tệ hơn nữa.
Tôi bế Sheila lao ra khỏi nhà tắm và bảo Anton trông lớp. Tôi chộp lấy chìa khóa xe rồi chạy vội vào văn phòng. Tôi cố gắng giải thích một cách ngắn gọn rằng tôi sẽ đưa Sheila đến bệnh viện, và nhờ ai đó liên lạc giúp tôi cha con bé rồi bảo ông ấy tới đó. Thời gian ngưng đọng như tốc độ của một cuộn phim quay chậm như nó vẫn luôn thế trong những trường hợp khẩn cấp. Mọi người xung quanh tôi phản ứng chậm chạp như thể họ đang ở trong một thước phim chiếu chậm vậy. Có chuyện gì đang xảy ra vậy? Những nhân viên phụ trách cấp phổ thông cơ sở nhìn ra ngoài phòng làm việc. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Trong khi đó thì tôi có thể cảm thấy dòng máu nóng của Sheila đang rỉ ra trên tay mình. Máu đang thấm qua áo tôi.
Lúc này Sheila đã trắng bệch ra. Nó chỉ mặc có cái áo thun và chân đi giày, cùng tấm khăn mà tôi đã quấn quanh người nó – đó là lớp vỏ bảo vệ duy nhất của nó. Con bé đang trở nên lờ đờ, nó nhắm mắt lại và dựa hẳn vào người tôi. Tôi chạy ra chỗ đỗ xe. Vẫn ôm nó khư khư trong lòng mình, tôi mở máy xe và cài số lùi.
- Sheila? Sheila? Hãy cố gắng tỉnh táo đi con. – Tôi gọi khẽ, cố vừa điều khiển xe vừa ôm nó. Lẽ ra tôi phải nhờ ai đó đi cùng với mình, tôi lơ đãng nghĩ, nhưng lúc ấy không có thời gian. Tôi không có thời gian để nói cho họ biết chuyện gì đã xảy ra.
- Con tỉnh mà. – Sheila thì thào. Những ngón tay nhỏ bé của nó bấu chặt vào da tôi. Khi nó túm áo tôi, nó đã véo vào ngay vùng nhạy cảm trên ngực tôi mạnh đến phát đau lên được. – Nhưng mà con đau quá.
- Ôi, dĩ nhiên là phải đau rồi, cưng ơi. – Tôi đáp. – Nhưng cứ nói chuyện với cô thế này nhé, được không?
Quãng đường đến bệnh viện tưởng chừng như dài vô tận. Xe cộ trên đường chật như nêm cối. Lẽ ra tôi nên chờ một cái xe cứu thương mới phải. Tôi không biết con bé đã mất bao nhiêu máu, hay thế nào mới gọi là mất quá nhiều máu, hay tôi có thể làm gì cho nó. Tôi tự nguyền rủa mình vì đã không theo sát khóa huấn luyện sơ cấp cứu lúc trước.
- Chú Jerry của con, ổng nói ổng sẽ yêu con. Ổng nói ổng sẽ chỉ cho con thấy người lớn yêu như thế nào. – Giọng nó nhỏ xíu và nghe thật trẻ con. - Ổng nói tốt hơn là con nên biết người lớn yêu như thế nào. Và khi con hét lên, ổng nói sẽ không bao giờ có ai yêu con nếu bây giờ con không học được cách yêu.
- Chú Jerry của con không biết cái gì hết, cưng ạ. Ổng không có biết mình đang nói gì đâu.
Con bé cắn môi và thút thít khóc mà không chảy được nước mắt ra ngoài.
- Ổng nói đó là cách mà cô và Chad yêu nhau. Ổng nói nếu con muốn cô và Chad yêu con, thì con phải để cho ổng chỉ con cách, thì con mới biết được.
Chúng tôi đã đến gần bệnh viện.
- Ôi cưng ơi, hắn nói sai rồi. Cô và Chad đã yêu con rồi mà. Hắn chỉ nói thế để hắn có thể làm một điều sai trái với con. Hắn không có quyền chạm vào con như vậy. Những gì hắn nói và những gì hắn làm là hoàn toàn sai trái.
Hai người hộ lý trẻ chạy trên bệ dốc dành cho xe đến cấp cứu với một cái cáng. Rõ ràng thầy Collins đã báo cho bệnh viện là chúng tôi sắp tới. Khi tôi đặt con bé lên cáng, lần đầu tiên nó thể hiện được nỗi đau và sự hoảng loạn của mình. Nó rên rỉ và bắt đầu khóc rất to nhưng không có nước mắt. Nó không chịu buông áo tôi ra, nó vùng vẫy rất dữ dội khi hai người hộ lý cố gỡ ngón tay nó ra.
- Đừng có bỏ con! - Nó gào lên.
- Cô đi ngay bên cạnh con đây, Sheila. Nhưng hãy nằm xuống. Nào, buông cô ra đi.
- Đừng bỏ con! Đừng để họ bắt con đi mất! Con muốn cô ôm con.
Bốn người chúng tôi và cái cáng chật vật di chuyển về phía cửa ra vào khu cấp cứu. Sheila vẫn kinh hoàng túm chặt lấy áo tôi, xé rách luôn cái túi áo. Tôi không biết điều gì đã khiến con bé tỉnh táo lại như thế. Có lẽ con bé sợ tôi sẽ bỏ nó lại với những người lạ này; có thể cuối cùng nó cũng đã có thể cảm nhận được cơn đau của mình. Dù lý do là gì đi nữa, con bé đã chiến đấu một cách can đảm đến mức cuối cùng tôi thấy bế nó lên và ôm nó sẽ dễ dàng hơn là gỡ tay nó ra và nghe tiếng gào thét của nó.
Viên bác sĩ trực phòng cấp cứu kiểm tra nó thật nhanh trong khi tôi ôm nó. Cha của nó vẫn chưa tới, thế nên tôi phải ký vào một tờ đơn nói rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm cho các biện pháp cấp cứu cho đến khi cha nó xuất hiện.
Một y tá cầm kim tiêm đến và chích cho nó một mũi. Sheila trở nên dễ bảo hơn và im lặng như trước, thậm chí còn không phản ứng gì khi mũi kim đâm vào người nó. Chỉ trong một quãng thời gian ngắn sau mũi tiêm ấy, tôi có thể cảm thấy những ngón tay nhỏ xíu của nó đã buông lỏng ra. Tôi đặt nó nằm lên bàn khám bệnh. Một y tá khác bắt đầu truyền dịch vào một cánh tay của nó, trong khi một bác sĩ thực tập người Mỹ gốc Mexico treo một túi máu lên trên bàn khám bệnh. Bác sĩ ra hiệu cho tôi ra ngoài. Tôi nhìn Sheila lần cuối, con bé đang nằm đó, mắt nhắm nghiền, trông thật xanh xao và nhỏ bé trên cái bàn khám bệnh. Tôi đi theo vị bác sĩ ra ngoài. Ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra, và tôi kể cho ông nghe tất cả những gì tôi biết. Đúng lúc đó chúng tôi thấy cha của Sheila tập tễnh chạy vào hành lang cùng với nhân viên hoạt động xã hội. Ông ta say mèm.
Vị bác sĩ giải thích rằng Sheila đã mất một lượng máu rất lớn, và trước hết họ phải giúp con bé ổn định lại đã. Sau khi kiểm tra con bé xong, ông thấy rõ ràng là con dao đã đâm thủng thành âm đạo và vào đến trực tràng. Đó là một vết thương rất nghiêm trọng vì khả năng nhiễm trùng rất cao và tổn thương là quá lớn. Sau khi họ đã ổn định xong lượng máu trong người con bé, vị bác sĩ báo rằng sẽ phải có một ca phẫu thuật. Cha của Sheila cứ đứng loạng choạng bên cạnh chúng tôi trong khi vị bác sĩ nói những điều này.
Tôi không thể làm gì được nữa. Hẳn lớp học của tôi ở trường đang hỗn loạn. Nếu Susannah nhìn thấy máu, Anton sẽ có nhiều việc cần phải làm hơn, mà lại chỉ có mình anh ở đó, hay thậm chí ngay cả khi anh có những người khác giúp đỡ đi chăng nữa thì cũng sẽ rất khó khăn. Và bọn trẻ sẽ trở nên hoảng loạn vì tôi đã bỏ đi quá đột ngột như thế. Tốt nhất là tôi nên quay về với công việc của mình. Tôi nhìn bộ quần áo mình đang mặc trên người. Máu đã loang khắp mặt trước cái áo của tôi. Vết máu đầu tiên trên quần jeans của tôi đã khô đi thành một đốm sẫm màu. Tôi nhìn nó chằm chằm. Tôi đang mặc một phần cuộc sống của một người khác trên cơ thể mình, một vết loang cỡ bằng cái muỗng cái thứ chất lỏng còn quý hơn vàng ấy. Tôi cảm thấy khó chịu với việc này, giật mình khi thấy cuộc sống thực sự mong manh như thế nào, nó nhắc tôi nghĩ đến cái chết của mình một cách rõ ràng nhất.
Tôi về đến trường lúc mười một giờ. Khi nhìn lên đồng hồ và thấy thực ra mới chỉ có một khoảng thời gian ngắn trôi qua, tôi đã bị sốc. Kể từ lúc tôi bế Sheila ra khỏi lòng mình và nhìn thấy vết máu đến giờ, chỉ mới có chưa đầy một giờ đồng hồ trôi qua. Toàn bộ tấn bi kịch này đã xảy ra chỉ trong vòng có năm mươi phút. Thậm chí tôi đã kịp về nhà thay đồ trước khi quay lại lớp học. Tôi không thể hình dung được điều này. Tôi có cảm giác như hàng trăm năm trời đã bị nén vào năm mươi phút đó. Tôi đã già thêm rất nhiều tuổi.
Đêm hôm ấy tôi không quay lại bệnh viện. Sau giờ tan học, tôi gọi cho bác sĩ và ông ấy bảo rằng họ vừa đưa con bé vào phòng phẫu thuật và nó vẫn chưa ra. Mặc dù đã được truyền máu, nhưng tình trạng của con bé chưa ổn định lại và vẫn còn rất nguy kịch. Ông bảo có lẽ phải đến khuya con bé mới được chuyển vào phòng hồi sức. Gần như suốt cả ngày hôm ấy nó ở trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, và ông không nghĩ là nó nhận biết được ai đang có mặt bên cạnh mình. Sau khi phẫu thuật xong Sheila sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo rằng nó không còn xuất huyết nữa, và người ta sẽ đợi nó ổn định lại trước khi đưa nó vào khu dành cho trẻ em. Tôi hỏi liệu tôi có thể ghé qua không, và giải thích với ông bác sĩ rằng tôi cũng giống như một thành viên trong gia đình của đứa bé này, ngoài gia đình thực sự của nó là cha nó. Ông khuyên tôi nên đợi đến ngày hôm sau. Tối nay con bé vẫn chưa đủ tỉnh táo để nhận ra tôi, và tôi sẽ làm vướng chân các đơn vị chăm sóc chuyên sâu. Họ sẽ cố gắng giúp con bé cảm thấy dễ chịu nhất có thể, ông trấn an tôi như thế.
Tôi hỏi xem cha con bé có còn ở đó không, vị bác sĩ trả lời là không. Họ đã đưa ông ta về nhà không lâu sau khi tôi đi. Ông ấy không đủ tỉnh táo để ở đó. Em trai của ông ta, Jerry, đã bị bắt giữ.
Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải quay lại đó. Mọi việc đã xảy ra quá nhanh, và tôi vẫn chưa thể nhận thức được sự nghiêm trọng của tình huống này. Sáng hôm đó con bé đã nói chuyện với tôi. Nó đã đi bộ suốt quãng đường từ chỗ trường phổ thông đến lớp của chúng tôi, đã ngồi trong lớp suốt một giờ đồng hồ. Nó còn nói chuyện với tôi khi tôi lái xe đưa nó đến bệnh viện. Con bé không thể bị tổn thương nặng như thế được. Tôi không thể tin được chuyện này.
Bộ quần áo dính đầy máu nằm một đống ở góc nhà. Tôi ngâm cái quần jeans vào bồn tắm, nhưng giữ lại cái áo, kiểm tra vết rách chỗ túi áo mà con bé đã xé khi nó vật lộn với mấy người hộ lý phòng cấp cứu. Tôi nhẹ nhàng gấp cái áo lại rồi cất nó vào một góc trong nhà kho. Tôi không thể vứt nó đi được. Tôi cũng không thể cho nó vào bồn và ngâm được. Tôi biết có quá nhiều máu thấm trong đó, và nếu tôi làm thế thì nước sẽ đổi màu. Lúc đó thì tôi sẽ không thể giặt sạch hết máu, không thể nhìn nước chuyển sang màu đỏ và chảy xuống lỗ thoát như một thứ rác rến bẩn thỉu được. Tôi sẽ không thể chịu nổi chuyện đó.
Sau bữa tối, Chad ghé qua và tôi kể lại những chuyện đã xảy ra cho anh nghe. Chad nổi cơn thịnh nộ. Ban đầu anh đi vòng quanh phòng, không nói gì cả, lắc đầu liên tục như không thể tin được những điều mình vừa nghe. Anh đau đớn như vậy không phải chủ yếu vì vết thương của con bé quá trầm trọng, mà vì cái cách mà chuyện đã xảy ra. Chad trở nên giận dữ đến điên lên, ánh mắt anh long lên sự thù hận; anh còn dọa sẽ đập Jerry một trận. Anh không thể thông cảm hay còn chút lòng trắc ẩn nào với người có thể làm một việc tày trời như thế với một đứa bé gái, và tôi hoảng sợ vì thay đổi này nơi Chad. Chưa bao giờ tôi thấy anh giận dữ đến thế.
Dù vô cùng đau khổ vì sự việc này, nhưng một cảm giác lạ lùng vẫn dấy lên trong tôi. Năm tháng trước đó, chính Sheila là người gây ra một chuyện kinh khủng, và một người khác là nạn nhân của con bé. Hẳn lúc đó cha mẹ của cậu bé kia đã cảm thấy chính cái cảm xúc mà Chad đang có lúc này với Jerry. Dù việc này không hề có nghĩa là tôi muốn bào chữa cho sự bất nhân gớm ghiếc của tội ác này, nhưng nó đã làm tôi nhận thấy được rằng nỗi đau đớn và tổn thương mà tôi thấy nơi Sheila hẳn cũng tồn tại trong Jerry. Không ai vô tội cả, nhưng cũng không ai hoàn toàn là quỷ dữ. Tôi thấy vô cùng buồn bã khi biết rằng chắc hẳn Jerry cũng là một nạn nhân giống như Sheila vậy. Cái suy nghĩ đó của tôi khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Tối hôm đó cảnh sát gọi đến và hỏi xem liệu tôi có thể đến cung cấp lời khai cho họ hay không. Chad và tôi cùng đi đến đồn cảnh sát. Trong một căn phòng màu xám, bên một cái bàn cũng màu xám, tôi kể lại cho một viên cảnh sát nghe điều đã xảy ra trong lớp học của tôi vào buổi sáng hôm ấy. Tôi lặp lại những điều Sheila đã nói với tôi và những gì tôi đã làm. Đó là một sự thuật lại thật tàn nhẫn về một sự việc còn tàn nhẫn hơn.
Vào giờ giải lao sáng hôm sau, tôi lại gọi cho bệnh viện để xem Sheila ra sao rồi. Lần này thì giọng nói của vị bác sĩ nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn. Con bé đã vượt qua được cuộc phẫu thuật và đã ổn định lại sau khi được chăm sóc cẩn thận đêm qua. Đến sáng con bé đã tỉnh táo và nhận thức được, thế nên họ đã chuyển nó xuống khu dành cho trẻ em. Tôi có thể gặp nó bất cứ lúc nào tôi muốn. Tôi hỏi xem cha con bé có vào không. Bác sĩ nói ông ta vẫn chưa vào. Tôi nhờ ông nhắn cho con bé biết là tôi sẽ đến đó ngay khi hết giờ học. Bác sĩ đồng ý, giọng ông thật ấm áp. Ông nói con bé là một đứa bé thật kiên cường. Đúng thế, tôi đáp, trên đời này không có đứa bé nào kiên cường như nó đâu.
Có lẽ nhiệm vụ khó khăn nhất là giải thích chuyện đã xảy ra với Sheila cho bọn trẻ trong lớp tôi hiểu. Trước đây đã có lần chúng tôi nói về việc bị lạm dụng, cả về mặt thân thể lẫn tình dục. Những học sinh của tôi xuất thân từ một bộ phận dân cư mà chúng có nguy cơ bị lạm dụng rất cao, và tôi cảm thấy việc chúng biết phải làm gì khi rơi vào một tình huống như thế, hay nhìn thấy việc đó xảy ra với người khác, là vô cùng quan trọng. Dù vậy, rất khó để nói về sự lạm dụng tình dục. Ở một vùng mà việc giáo dục giới tính không được phổ biến lắm trong trường học, thì lạm dụng tình dục là một chủ đề cấm kỵ. Tôi đã tổ chức được một buổi nói chuyện cho các học trò của mình, trong đó chúng tôi chỉ nói về những cách "chạm vào" phù hợp và không phù hợp. Một người lớn ôm và hôn chúng thì không sao. Một người lớn vừa cầm dương vật vừa ôm chúng thì không được. Chúng tôi thảo luận xem nên làm gì khi chuyện đó xảy ra với mình, bởi vì có những chỗ trên thân thể một đứa bé trai hay bé gái mà không ai được chạm vào cả. Người ta cũng không được yêu cầu chúng chạm vào những chỗ ấy. Chúng tôi đã tổ chức buổi nói chuyện này hồi tháng Mười, và từ đó đến nay đã tổ chức thêm được vài buổi như thế. Việc này mang lại một bầu không khí thoải mái để bọn trẻ có thể nói về những chuyện như thế, để chúng bày tỏ nỗi sợ hãi về việc không biết phải làm gì khi ai đó chạm vào mình, khi những đụng chạm ấy khiến chúng cảm thấy thật "nhộn".
Nhưng với trường hợp của Sheila thì tôi không biết phải giải thích thế nào đây. Tình dục kết hợp với bạo lực không phải là đề tài có thể bàn đến dễ dàng đối với những đứa trẻ có vấn đề. Nhưng tôi vẫn phải nói một cái gì đó. Bọn trẻ đã nhìn thấy chúng tôi đi một cách vô cùng đột ngột như thế, và chúng đã nhìn thấy máu. Rồi sau đó chúng thấy tôi quay lại mà không có Sheila. Tôi nói với chúng một cách ngắn gọn rằng Sheila đã bị đau ở nhà, thế nên cô phải đưa bạn ấy đến bệnh viện. Ngoài ra tôi không nói thêm gì nữa cả.
Chiều hôm sau, khi bọn trẻ đang làm cho con bé những tấm thiệp chúc mau bình phục, tôi nói với chúng rằng tôi đã gọi cho bệnh viện, Sheila đang ở trong khu dành cho trẻ em và đang cảm thấy khá hơn. Những thông điệp cảm động được viết bằng bút sáp chất đống trong cái rổ đựng bài viết chính tả. Dù vậy, sự việc này đã ảnh hưởng đến bọn trẻ nhiều hơn là tôi tưởng. Lúc sắp tan học, Williams bỗng òa lên khóc.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi hỏi và ngồi xuống sàn nhà.
Lúc đó bọn trẻ đang bu xung quanh Chiếc hộp của con ma tinh nghịch. Williams cũng ở đó, nhưng bỗng nhiên nó òa lên khóc nức nở.
- Con sợ cho Sheila. Con sợ bạn ấy sẽ chết trong bệnh viện. Một lần ông con cũng vào bệnh viện và ông đã chết trong đó.
Bất ngờ thay, Tyler cũng bắt đầu thút thít:
- Con nhớ bạn ấy. Con muốn bạn ấy quay lại.
- Này các con. – Tôi nói. – Sheila đang hồi phục rất tốt. Sau bữa trưa cô đã nói với các con như thế mà. Bạn ấy đang khá lên. Bạn ấy sẽ không chết hay bị gì đâu.
Nước mắt cũng ràn rụa trên mặt Sarah dù con bé không nói gì. Max cũng bắt đầu rống lên khóc, tuy nhiên tôi nghĩ thằng bé không hề biết vì sao mọi người lại khóc. Thậm chí cả Peter cũng ngân ngấn nước mắt, mặc dù thằng bé và Sheila hầu như lúc nào cũng chí chóe nhau.
- Nhưng cô không để cho tụi con nói về việc này. – Sarah nói. – Thậm chí cô còn không nhắc đến tên Sheila suốt cả ngày nay nữa. Thật là đáng sợ.
- Phải rồi. – Guillermo đồng tình. – Con cứ nghĩ về bạn ấy suốt, còn cô cứ hành động như thể bạn ấy chưa bao giờ ở đây vậy. Con nhớ bạn ấy.
Tôi nhìn chúng. Trừ Freddie và Susannah, thì tất cả đều đang khóc. Tôi không nghĩ tất cả đều thật sự có tình cảm sâu nặng như thế với Sheila, nhưng những gì xảy ra đã làm chúng kinh hoàng. Hơn nữa, nó đã làm ảnh hưởng đến tôi. Tôi đã lo lắng, và khi cố gắng để giữ cho mọi thứ được bình thường, tôi đã không nói gì cả. Suốt thời gian bảy tháng rưỡi của năm học, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để học về sự cởi mở và biết tự đặt mình vào vị trí của người khác. Có lẽ chúng đã học được điều này rất tốt, bởi vì tôi không thể che giấu chúng chuyện gì cả.
Vậy là những thủ tục thông thường để kết thúc buổi học không diễn ra. Thay vào đó, tôi ngồi xuống nói chuyện với chúng, kể cho chúng nghe những cảm xúc của mình và tại sao tôi không thành thật như tôi vẫn thường thế. Chúng tôi ngồi xuống sàn nhà, tất cả đều ngồi bên nhau, và nói chuyện với nhau một cách bình đẳng.
- Có những chuyện hơi khó nói một chút. – Tôi nói. – Chuyện xảy ra với Sheila là một trong những chuyện như thế.
- Sao vậy? – Peter hỏi. – Cô không nghĩ là tụi con đã đủ lớn rồi sao? Mẹ con luôn nói thế khi bà ấy không muốn kể con nghe một điều gì đó.
Tôi mỉm cười.
- Đại loại thế. Và một phần cũng là vì có những chuyện rất khó nói. Thậm chí cô cũng không hiểu tại sao. Cô đoán là vì chúng làm ta sợ. Thậm chí cả những người lớn như cô cũng cảm thấy sợ. Và khi người lớn sợ một cái gì đó, họ không muốn nói về chúng. Đó là một trong những vấn đề rất thường gặp khi phải làm người lớn.
Bọn trẻ nhìn tôi chăm chú. Tôi nhìn chúng. Từng đứa một. Tyler với những vết sẹo dài đáng sợ trên cổ họng nó. Thằng bé Peter da đen đẹp đẽ. Guillermo, đứa có đôi mắt chẳng bao giờ thật sự nhìn vào bất cứ đâu, thậm chí ngay cả khi nó đang chú ý. Max thì lúc nào cũng lắc lư, vặn vẹo ngón tay. Sarah. William. Freddie. Và con bé xinh đẹp như một cô tiên, Susannah.
- Các con có nhớ là cô đã kể với các con rằng Sheila bị thương ở nhà chứ? Và các con có nhớ lúc trước chúng ta cũng có nói về cách mà người khác có thể chạm hay không được phép chạm vào chúng ta không? Lúc ấy cô đã nói với các con rằng có những người lớn thỉnh thoảng lại muốn chạm vào những bộ phận mà họ không được phép chạm vào trên cơ thể của một đứa bé.
- Đúng rồi, dưới đó là chỗ riêng tư của mình mà, phải không? - William nói.
Tôi gật đầu.
- Một người trong gia đình của Sheila đã chạm
vào bạn ấy ở chỗ mà lẽ ra ông ta không nên chạm, và khi Sheila không hài lòng với chuyện này, thì ông ta đã làm đau bạn ấy.
Trán bọn trẻ nhăn lại. Chúng chăm chú nhìn tôi. Thậm chí Max cũng không còn lắc lư nữa.
- Ông ta đã làm gì bạn ấy? - William hỏi.
- Cắt người bạn ấy.
Khi đang kể lại câu chuyện cho bọn trẻ nghe, tôi tự hỏi không biết mình có đang làm đúng hay không. Theo bản năng mách bảo, tôi cảm thấy mình đã đúng. Mối quan hệ của chúng tôi chủ yếu dựa vào sự thật, dù sự thật ấy có tồi tệ như thế nào đi chăng nữa. Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng việc bọn trẻ biết chuyện lại tệ hơn việc chúng không biết, hay có thể tệ hơn rất nhiều thứ mà những đứa trẻ này đã từng phải trải qua trước đây. Cái sự thật mà tôi vẫn luôn nhắc đi nhắc lại với bọn trẻ rằng không có bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc sống của chúng lại tồi tệ đến mức không thể nói ra vẫn luôn là một điều quan trọng cần nhớ trong cái lớp này. Vậy mà giờ đây, từ sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn có cảm giác rằng tôi đã vi phạm những quy tắc mà tôi được dạy, đã vượt qua lằn ranh của những thực tiễn giáo dục và tâm lý từng được chứng minh là đúng đắn. Cũng như những lần phải tự đấu tranh trước đây, trong tôi dâng lên một nỗi lo lắng rằng lần này có thể là cột mốc đánh dấu sự sa sút của tôi; tôi sẽ gây tổn thương nhiều hơn là giúp đỡ bọn trẻ. Cuộc chiến giữa sự an toàn và sự thành thực lại một lần nữa nổi lên.
- Ai đã làm điều đó với bạn ấy vậy? – Guillermo hỏi. – Có phải là cha bạn ấy không?
- Không. Là chú bạn ấy.
- Chú Jerry của bạn ấy ư? - Tyler hỏi. Tôi gật đầu.
Một phút trôi qua trong im lặng. Rồi Sarah nhún vai.
- Ít nhất thì đó cũng không phải là cha của bạn ấy.
- Việc đó không làm chuyện này đỡ tồi tệ hơn tí nào đâu, Sarah. – Tyler nói.
- Có chứ. - Sarah nói lại. – Lúc tớ chưa đến tuổi đi học, thỉnh thoảng cha tớ lại vào phòng tớ khi mẹ tớ đi làm và… - Con bé ngừng lại, nhìn từ Tyler sang tôi, rồi cúi xuống nhìn tấm thảm trên sàn nhà. – Ông ấy đã làm những chuyện như thế. Tớ nghĩ sẽ tệ hơn nhiều khi người làm chuyện đó là cha của mình.
- Đừng có nói về chuyện này nữa được không?
- William nói. Nó nhăn mặt vì sợ, và xua tay.
- Không, tớ muốn nói. – Sarah nói. – Tớ muốn biết Sheila thế nào rồi.
- Không. – William lại nói. Nước mắt ngân ngấn trên mắt nó.
- Cậu sợ, William. – Guillermo nói. – Cậu sợ cái gì thế?
Tôi đưa một tay về phía William.
- Con đến đây với cô nào.
Thằng bé đứng dậy và bước đến chỗ tôi. Tôi vòng tay ôm nó.
- Đây là một việc thật đáng sợ khi phải nói đến, phải không nào?
Nó gật đầu.
- Thỉnh thoảng khi mẹ con chưa kịp hút bụi thì dưới gầm giường của con hay có bụi lắm.
- William, đó không phải là chủ đề chúng ta đang nói tới. – Peter nhắc.
- Đám bụi đó làm tớ sợ. Đôi lúc tớ nghĩ chúng từng là những con người. Có thể đó là những người chết dưới gầm giường của tớ.
- Tào lao quá.
- Không hề. Điều này được viết ngay trong Kinh Thánh đấy, Peter ạ, rằng cậu sinh ra từ cát bụi và sau khi chết đi sẽ trở thành cát bụi. Trong đó nói thế mà. Mẹ tớ đã cho tớ xem câu đó. Cậu cứ hỏi Torey mà xem.
- Cô không nghĩ những câu trong Kinh Thánh có ý đó đâu, William. - Tôi nói.
- Và có thể có người dưới đó, cái đống bụi đó đó. Có thể đó là ông của con sau khi ông vào bệnh viện. Có lẽ giờ đây ông đang ở dưới gầm giường của con. Cũng có thể đó là Sheila.
- Không, không phải Sheila đâu. Sheila không có chết, Will. Bạn ấy đang ở trong bệnh viện và bạn ấy sẽ khá hơn. – Tôi đáp.
- Torey ơi? - Tyler lên tiếng.
- Sao?
- Làm sao mà chú của Sheila có thể làm như thế với bạn ấy được cơ chứ? Hôm nọ bạn ấy còn kể cho tụi con nghe là ông ấy rất tử tế và đã chơi với bạn ấy. Làm sao mà ông ấy có thể cắt vào người bạn ấy được?
Tôi nhìn con bé. Tôi không có câu trả lời. Dù có chờ đợi bao lâu đi chăng nữa, thì mãi mãi tôi cũng sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi này.
- Cô cũng không biết nữa, Ty ạ.
- Ông ấy có vấn đề sao? – Sarah hỏi. – Như cha của con ấy? Người ta đã nhốt ông ấy vào bệnh viện bang vì ông ấy có vấn đề. Mẹ con đã nói với con như thế. Ông ấy không bao giờ quay về cả.
- Phải, cô nghĩ các con có thể nghĩ rằng ông ta có vấn đề. Ông ta không biết cách chạm vào những đứa bé gái. Hoặc cũng có thể ông ta biết, nhưng có những lúc người ta làm mà không suy nghĩ. Họ chỉ làm những điều mà khi đó họ thấy thích thú thôi.
- Ông ta sẽ vào bệnh viện bang giống cha con chứ?
- Cô không biết. Làm tổn thương người khác là trái pháp luật.
- Khi nào Sheila sẽ quay lại? - Peter hỏi.
- Ngay khi bạn ấy khá hơn.
- Bạn ấy vẫn sẽ như cũ chứ?
- Ý con là sao? - Tôi hỏi. Peter cau mày:
- Thì, nếu bạn ấy bị cắt chỗ dưới đó thì bạn ấy vẫn sẽ như cũ chứ?
- Cô vẫn chưa hiểu ý con, Peter. Hãy giải thích ý của mình kỹ hơn đi.
Thằng bé lưỡng lự, nhìn mọi người xung quanh một cách hồi hộp, rồi lại nhìn tôi.
- Liệu con có thể nói vài từ tục tĩu không? Con phải nói chúng ra để cô hiểu là con đang nói gì. Con cần phải dùng những từ tục tĩu thì con mới nói cho cô hiểu được ý con.
Tôi gật đầu:
- Chuyện này khác với việc mình hét những từ đó vào mặt người khác. Chúng không tục tĩu khi chúng mang một ý nghĩa nào đó trong một trường hợp nào đó. Con cứ nói đi.
Lại lưỡng lự.
- Thì, dưới đó, là bộ phận sinh dục của con gái, đúng không?
- Đúng rồi.
- Và dưới đó là chỗ mà con gái đi tiểu. Vậy thì nếu ông ta đã cắt bạn ấy ở chỗ đó thì sao? Đó là nơi em bé chui ra. Nếu ông ta cắt bạn ấy ở chỗ đó thì sao?
Tôi vẫn không hiểu được chính xác câu hỏi của Peter. Tôi quyết định hỏi ngược lại nó câu hỏi này để xem liệu tôi có thể rút ra được thông tin gì khác từ nó không.
- Nếu ông ta cắt bạn ấy như thế thì sao, Peter? Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?
Mắt nó mở to đầy sợ hãi.
- Nếu bạn ấy lớn lên và có em bé thì sao?
- Nếu thế thì sao?
Nước mắt ngân ngấn trên mắt nó.
- Bạn ấy sẽ ị lên chúng khi sinh chúng ra. – Miệng thằng bé méo xệch đi. – Mẹ con đã làm thế với con. Đó là lý do vì sao con bị điên.
- Ôi, Peter, không phải như thế đâu. – Tôi vội nói.
Nó bò đi. Tôi ngồi xếp chân bằng tròn trên sàn nhà, William ngồi bên phải tôi. Peter gối đầu vào lòng tôi.
- Đúng, đúng như thế mà.
- Không, không phải thế đâu. Cô không biết con lấy cái ý tưởng này ở đâu ra, nhưng nó không đúng đâu.
- Peter, cậu đâu có điên. – William nói. – Không ai thực sự điên cả. Đó chỉ là một từ thôi. Phải không, Torey? Chỉ là một từ thôi. Và không ai chỉ là một từ cả.
Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Chuông báo tan học vang lên, những chiếc xe buýt đến rồi đi. Chúng tôi vẫn nói chuyện. Về sự lạm dụng tình dục. Về Sheila. Về chúng tôi.
Sau đó, tôi cho cả tám đứa vào trong xe mình và chở chúng về nhà. Chúng tôi vẫn nói chuyện rất nghiêm túc và hết sức tập trung. Thậm chí ngay cả trong xe hơi, bọn trẻ vẫn tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi. Không ai đùa giỡn hay cư xử ngu ngốc cả. Những gì chúng tôi đang nói không có gì buồn cười cả. Nhu cầu phải nói về những chuyện đó đã vượt qua tất cả những nhu cầu khác trong buổi chiều hôm ấy, và đã xóa nhòa những khác biệt giữa chúng tôi.
Sau khi đưa bọn trẻ về nhà, tôi gom những tấm thiệp chúc mau bình phục và vài cuốn sách mà tôi biết là Sheila đặc biệt thích, rồi đến bệnh viện. Con bé đã được chuyển vào một phòng chăm sóc ngay bên cạnh phòng y tá, và người ta chỉ cho tôi lối vào. Tôi bước vào phòng.
Con bé chỉ có một mình trong một căn phòng rộng có cửa kính gắn dọc cả một mặt tường, giống như một cái chuồng trong sở thú vậy. Nó đang nằm trong một cái cũi có thành cao bằng kim loại. Một túi truyền dịch được treo trên một cái cây dựng kế bên cũi, và kế đó là một đơn vị máu
(9). Cánh tay châm kim truyền dịch của con bé được cột vào một thanh cũi cùng với một cái nẹp để cố định. Con bé trông thật bé bỏng.
Nước mắt tôi trào ra trước khi tôi kịp ngăn nó lại. Điều duy nhất tôi đang nghĩ đến là tại sao người ta lại cho nó vào một cái cũi cơ chứ? Dù chỉ là một đứa bé, nhưng Sheila rất tự trọng. Tôi biết chuyện này sẽ làm con bé thấy xấu hổ. Tôi biết nó sẽ bối rối khi tôi thấy nó trong đó. Tại sao họ không cho nó nằm trên một cái giường? Không phải một cái cũi. Cũi là dành cho em bé.
Tôi bước vào. Sheila quay đầu về phía tôi. Nó nhìn tôi trong im lặng.
- Đừng khóc, Torey. – Nó khẽ nói. – Không đau lắm đâu. Thật đấy. Không đau đâu.
Tôi bàng hoàng trước sự can đảm của con bé. Tôi nhìn nó đăm đắm.
- Tại sao người ta lại để con vào một cái cũi nhỉ? – Tôi hỏi nó, đầu tôi trống rỗng. Tôi ngồi xuống cạnh chiếc cũi và chạm vào tay nó. – Người ta không nên để con vào một cái cũi.
- Con thực sự không thấy phiền đâu. – Nó nói. Tôi biết điều đó không đúng. Chúng tôi đã là bạn của nhau đủ lâu để tôi biết ý thức về giá trị bản thân của con bé được bảo vệ cẩn thận đến nhường nào. Nó mỉm cười, như thể tôi mới là người cần được vỗ về, và chạm vào mặt tôi. – Đừng khóc, Torey. Con không thấy phiền đâu.
- Khóc làm cô thấy đỡ hơn. Con làm cô sợ quá, và cô lo cho con lắm Sheil à. Cô cảm thấy đỡ hơn khi khóc một chút, và cô không thể ngăn mình lại được.
- Nó không thực sự đau lắm đâu. – Đôi mắt con bé đã mất đi nét biểu cảm vốn có của chúng. Có thể những loại thuốc điều trị đang gây ra những phản ứng phụ làm con bé đờ đẫn. – Nhưng cũng có lúc con thấy rất sợ. Chỉ một chút thôi. Như tối qua nè, con không biết mình đang ở đâu. Chuyện đó khá đáng sợ. Nhưng mà con thì không có khóc hay gì hết. Và không lâu sau thì cô y tá đến và nói chuyện với con. Cổ thì rất là dễ thương. Nhưng con vẫn hơi sợ. Con muốn gặp cha con.
- Chắc rồi. Để cô xem, nếu không ai có thể ở bên con lúc con sợ thì cô sẽ nhắn cha con vào với con.
- Con muốn cha con.
- Cô biết cưng à. Cha con sẽ đến đây ngay khi có thể mà.
- Không đâu. Ông ấy thì không có thích bệnh viện đâu.
- Ừ thì mình cứ chờ xem nào.
- Con muốn cô ở lại với con. Tôi gật đầu:
- Cô sẽ cố gắng ở lại với con nhiều nhất có thể. Và thỉnh thoảng chú Anton cũng sẽ ghé qua. Và cô biết chú Chad cũng muốn ghé thăm con nữa. Cả ngày nay chú ấy cứ hỏi cô là con thế nào rồi. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức. Cô không muốn con sợ, cưng ạ. Cô sẽ cố gắng hết sức để giúp con.
Con bé quay sang hướng khác một thoáng rồi nhìn lên túi truyền dịch.
- Tay con hơi đau.
Mắt nó lại đờ đẫn nhìn tôi. Bỗng nhiên sự đau đớn và sợ hãi hiển hiện một cách đầy sống động trong đôi mắt ấy. Mặt con bé nhăn nhó.
- Con muốn cô ôm con. – Nó rên rỉ. – Tay con đau quá, và con thật cô đơn. Con muốn cô ở đây và ôm con và không có đi đâu hết.
- Cưng ơi, cô không nghĩ là họ cho phép cô ôm con đâu. Cô nghĩ nó sẽ làm lộn xộn hết mấy thứ mà người ta đã gắn cho con. Cô có thể nắm tay con, nếu con muốn.
- Không. – Con bé van nài. – Con muốn cô ôm con. Con đau lắm.
Tôi vuốt mái tóc nó, và cúi xuống thật gần nó.
- Ôi, cô biết chứ cưng, và cô rất muốn thế. Nhưng chúng ta không được làm như vậy.
Con bé nhìn tôi một lúc thật lâu, và rồi một sự cam chịu, quyết đoán hiện lên trong mắt nó. Nó hít một hơi thật sâu, run rẩy, và thôi không rên rỉ nữa. Một lần nữa nó lại bị động, lại phải kìm nén một cảm xúc nữa mà nó không thể chịu nổi.
- Cô mang cho con mấy cuốn sách. Có thể con muốn cô đọc chúng cho con nghe. Nó sẽ làm con bớt suy nghĩ lung tung.
Nó khẽ gật đầu.
- Cô đọc cho con nghe quyển sách về con cáo và hoàng tử bé và bông hoa hồng của cậu ta đi.