Theo các nhà nghiên cứu cổ sử, hình ảnh người cầm cờ tín hiệu trên mũi thuyền cong khắc trên trống đồng Đông Sơn có thể là dấu hiệu của truyền tin bằng hiệu cờ. Quanh thành Cổ Loa hiện vẫn còn di tích các "hỏa đài", đây cũng là những di chỉ thể hiện cách thông tin thời xưa.
Khi Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long trên nền cũ của thành Đại La, vùng đất có thế "rồng cuốn hổ ngồi" đã trở thành kinh đô của nước Đại Việt. Vì Thăng Long rộng hơn, lớn hơn nên Lý Công Uẩn cho lập một đội phu chuyên chuyển lệnh dụ, chiếu chỉ đến các phường trong Thăng Long và đến các phủ, huyện. Khi Lý Thái Tôn lên ngôi (1028-1054), vị vua này bắt đầu đặt ra các nhà trạm. Để thuận tiện cũng như đảm bảo sức khỏe cho phu, năm 1043, Lý Thái Tôn đã cho phân chia các đường quan lộ ra từng cung, mỗi cung cho đặt một nhà trạm gọi là cung dịch hay trạm dịch. Phu từ Thăng Long đến trạm dịch đầu tiên, họ bàn giao công văn giấy tờ cho trạm đó rồi quay trở về và trạm này có trách nhiệm tổ chức cho phu chuyển tới trạm kế tiếp, cứ thế cho đến khi lệnh dụ, chiếu chỉ đến được nơi nhận. Theo chiều ngược lại, báo cáo của các phủ, huyện cũng theo các trạm dịch này được chuyển về triều đình.
Dù chỉ cai quản Đại Việt trong bảy năm, nhưng Hồ Quý Ly (1400-1407), đã có nhiều cải cách quan trọng trong đó cho mở thêm đường cái quan để thuận tiện cho việc giao thông liên lạc. Khi Lê Lợi tập hợp các hào mục kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1418) thì Trần Nguyên Hãn lúc đó còn đi bán dầu và thú chơi của Trần Nguyên Hãn là nuôi chim bồ câu, dạy chúng biết đưa thư. Khi đến Lam Sơn phò Lê Lợi, ông mang theo đôi chim câu này. Lúc đang đóng quân ở thành Võ Ninh thì bị quân Minh vây chặt, Trần Nguyễn Hãn đã viết thư gửi Lê Lợi rồi buộc vào chân chim. Nhờ thư do chim câu mang đến, Lê Lợi biết được tình hình nguy cấp đã cho quân tiếp viện đến Võ Ninh, phá vỡ vòng vây giải cứu Trần Nguyên Hãn. Sau khi đánh tan giặc Minh, vào thành Thăng Long và lên ngôi, vua mở ra triều đại nhà Lê, việc đầu tiên Lê Lợi cho làm là tổ chức lại hệ thống liên lạc. Hẳn là vì ngài nhận ra tầm quan trọng của nó khi có chiến tranh. Trên đường cái quan, ngài lập ra 54 cung dịch, các cung dịch này được xây tường gạch, xung quanh có hào nước và bốn góc có chòi canh. Mỗi trạm được biên chế 12 người, trong đó có một đội phu, một phó đội và 10 phu là người khỏe mạnh cùng bốn con ngựa lúc nào cũng no cỏ, trong tư thế chuẩn bị lên đường. Lính trạm ăn mặc như dân thường nhưng khi đi công vụ, phu trạm đeo lúc lắc đồng, khi đi qua làng mạc, họ lắc lên để dân biết mà tránh đường. Lúc qua đò hay qua phá, phu trạm được ưu tiên đi trước. Nếu không cần gấp, phu sẽ đi bộ, nếu công văn khẩn cấp thì họ đi ngựa. Và lúc cần chuyển giấy tờ mà quan phê hai chữ hỏa tốc, phu trạm sẽ cầm một nắm lông gà hay bó đuốc cháy dở để làm hiệu cho mọi người dừng lại và dạt sang bên đường. Sau này có tục tránh hòn than và lông gà là bắt nguồn từ việc phải tránh phu trạm. Nếu mang tin chiến thắng về kinh đô, phu trạm sẽ mang theo lá cờ hồng. Ngoài trạm dịch, triều đình còn sử dụng hình thức truyền tin khác, theo truyền thuyết, trên đỉnh núi Bài Thơ (tên cũ gọi là Núi truyền đăng hay Núi rọi đèn ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), nơi đây có phiến đá lớn dùng làm chỗ đốt lửa báo hiệu khi có biến ở biên thùy. Với cách này, các đồn binh thấy lửa cháy trên núi sẽ chuyển tiếp thông tin về triều đình để vua quan kịp thời ứng phó. Thế kỷ XVII, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh vẫn sử dụng cách đốt lửa.
Đến triều Nguyễn, số trạm dịch đã tăng lên rất nhiều. Tên trạm được xác định bằng cách ghép tên tỉnh với tên thôn nơi đặt trạm. Lý Văn Phúc có thơ:
Ba mươi sáu trạm đây là một
Hai chữ Hoàng Mai rõ biển treo
Từ trấn thành vào Huế có 36 trạm dịch thì tỉnh Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) có bảy trạm gồm: Hà Trung, Hà Mai, Hà Hồi (thôn Ngọc Hồi – Thường Tín), Hà Yên (thôn Yên Khoái – Phú Xuyên), Hà Phú (thôn Yên Phú – Kim Bảng). Dưới triều vua Minh Mạng (1820-1841), trên địa bàn Hà Nội có hai trạm là Hà Trung (ở thôn Yên Trung, tổng Tiền Nghiêm, sau đổi thành Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, nay là phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm). Trạm thứ hai nằm ngay bên đường làng Hoàng Mai là trạm Hà Mai (nay là phường Hoàng Mai, quận Hoàng Mai). Triều Nguyễn coi phu trạm là viên chức, được hưởng lương như lính và chịu sự quản lý của Bộ binh. Công văn được đựng trong ống tre, hai đầu có buộc giấy gắn nhựa thông, đóng triện nên gọi là ống công văn. Phu trạm được phát hỏa bài và khi đi công vụ, họ đeo trên cổ báo hiệu đi gấp. Hỏa bài làm bằng gỗ sơn trắng viền đỏ có khắc chữ mỗ huyện hỏa bài, nhờ đó mà công việc truyền tin có nhiều tiến bộ và chuyên nghiệp hơn. Từ Huế ra Hà Nội hơn 700 cây số nhưng phu chỉ đi tám ngày tám đêm là đến nơi. Nguyễn Hữu Dật, một tướng giỏi nhà Nguyễn, cũng xin lập "lạp đài" ở các cửa biển Quảng Bình để báo tin cho nhanh.
Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai và một năm sau, cơ bản Pháp đã chiếm hoàn toàn Hà Nội. Để phục vụ cho việc cai trị và tác chiến, năm 1884, họ đã lập Bưu cục Hà Nội cùng với các Bưu cục Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây và Ninh Bình. Đồng thời cho xóa bỏ trạm dịch Hà Trung và Hà Mai, kết thúc sứ mệnh truyền tin tồn tại 8 thế kỷ. Tuy nhiên, bưu cục đầu tiên do người Pháp mở ra tại Việt Nam không phải ở Hà Nội mà lại ở Sài Gòn. Bưu cục khai trương ngày 11-4-1860 nhưng chỉ để cho quân đội Pháp sử dụng. Ngày 17-3-1862, quân đội Pháp khánh thành đường dây thép (sau này gọi là hữu tuyến) đầu tiên ở Việt Nam là tuyến Sài Gòn – Biên Hòa, ngay sau đó, bức điện tín đầu tiên được đánh đi từ Biên Hòa lúc 6 giờ 53 phút, 3 phút sau ở Sài Gòn, tướng Bonard đã nhận được. Ngày 31-1-1863, thực dân Pháp khánh thành bưu điện Sài Gòn nhưng chỉ dành cho các cấp hành chính sử dụng. Đến năm 1864, cùng với việc phát hành tem thư đầu tiên ở Nam Kỳ thì chính quyền cũng cho phép người dân sở dụng dịch vụ bưu chính. Thời kỳ này cả khu Sài Gòn – Gia Định chỉ có một bưu tá, mỗi ngày bưu tá đi hai chuyến xe ngựa chuyển thư, ông ta dõng dạc kêu tên chủ nhà và trao thư rất trịnh trọng.
Hoạt động của Bưu cục Hà Nội và bưu cục một số tỉnh ở Bắc Kỳ chủ yếu là nghiệp vụ bưu chính, chuyển thư từ và công văn. Năm 1883, người Pháp đã phát hành tem chung trên toàn cõi Việt Nam. Tem có hình chim phượng hoàng, biểu tượng của hoàng đế Napoleon đệ tam. Việc sử dụng tem hạn hẹp, chỉ trong công sở, giới quan chức và số ít người giàu có, giá dịch vụ bưu chính rất cao, một con tem trong nước giá bốn xu, giá một tiếng điện báo là sáu xu, trong khi một cân gạo giá ba xu. Năm 1889, toàn quyền Đông Dương cho phát hành con tem đầu tiên dùng chung cho ba nước Đông Dương. Về đường dây hữu tuyến, ngay cuối năm 1884, Pháp cho xây đường dây Hà Nội – Sài Gòn dài gần 4000 km và hoàn thành vào năm 1888. Cũng trong thời kỳ này, họ xây dựng đường dây Hà Nội – Hải Phòng. Năm 1888 thông tin điện báo đã được thiết lập giữa Hà Nội với Sài Gòn, Vinh, Huế và Đà Nẵng. Năm 1889, Bưu điện Hà Nội có đầy đủ từ bưu chính, điện báo đến điện thoại. Làm việc trong bưu điện chủ yếu là người Pháp hoặc người ở các nước thuộc địa của Pháp. Nhân viên người Việt Nam hầu hết là người vào "làng Tây", cai hoặc lính giải ngũ; dù được tin tưởng nhưng họ vẫn phải tuyên thệ trước tòa sơ thẩm. Lời tuyên thệ của mỗi người được ghi vào biên bản tòa án và lưu trong hồ sơ cá nhân. Nội dung lời tuyên thệ như sau: "Tuyệt đối giữ bí mật những điều đọc được ở bức điện công hay tư, một công văn hay một bức thư. Nghe được cuộc điện thoại không nói cho ai biết dù là đồng nghiệp. Nếu vi phạm bí mật sẽ bị phạt tù." Lương của nhân viên người Việt chỉ bằng một phần mười, thậm chí một phần hai mươi so với nhân viên người Pháp.
Năm 1901, việc xây dựng nhà bưu điện Trung tâm Hà Nội nằm ngay bên Hồ Gươm (người dân gọi là Bưu điện Bờ Hồ) đã hoàn thành. Nó được xây trên nền chùa Báo Ân, trước đó năm 1883, lính Pháp chiếm chùa làm cơ quan hậu cần rồi phá phách trơ trọi. Chùa Báo Ân là một ngôi chùa đẹp do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai quyên tiền dân xây dựng vào năm 1842 trên nền lầu Ngũ Long do Trịnh Doanh xây để hóng mát mùa hè, năm 1787, Lê Chiêu Thống đã ra lệnh phóng hỏa đốt lầu. Vì tổng đốc Nguyễn Đăng Giai đứng ra quyên tiền nên dân còn là chùa Quan Thượng, trong chùa có hồ sen do vậy còn có tên là Liên Trì (ao sen). Chùa có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, khung cảnh rất đẹp, phía trước là hồ Tả Vọng ( hồ Gươm):
Phong quang cảnh trí trăm đường
Trong xây chín giếng ngoài tường lục lăng
Rõ mười cử động tưng bừng
Đền vàng cửa ngọc chất từng như nêm
Chính giữa bưu điện Trung tâm Hà Nội, người Pháp lắp chiếc đồng hồ có đường kính 1,5 mét nhưng lại lấy theo giờ Paris, trong khi đó chiếc đồng hồ ở nhà Godard (sau này là Bách hóa Tổng hợp và hiện là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền) cách bưu diện chừng hơn trăm thước lại lấy theo múi giờ Việt Nam. Nếu nhân viên trông coi để đồng hồ chạy nhanh hay chậm hơn so với đồng hồ đeo tay của vỉên thanh tra thì lập tức bị sa thải. Năm 1917, bưu điện Hà Nội bắt đầu tổ chức bưu chính nông thôn và cách thức tổ chức cơ bản gần giống với mô hình thời nhà Nguyễn. Phu trạm là người phụ trách đưa thư đến tư gia, lính trạm phụ trách việc chuyển thư từ các bưu cục đến làng xã, tá dịch quản lý các bưu cục và đội trạm có nhiệm vụ liên lạc với các cơ quan quản hạt, tỉnh lỵ. Do nhu cầu cần có phương tiện liên lạc nhanh giữa nước Pháp và Đông Dương, đồng thời hỗ trợ khi đường dây hữu tuyến nếu mất liên lạc, năm 1922, người Pháp tiến hành xây dựng đài phát vô tuyến tại ngã tư Vọng (tập thể 128C phố Đại La hiện nay) và tại số 4 Phạm Ngũ Lão (nay là Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Quốc gia). Đài còn có nhiệm vụ hàng ngày thông báo giá vàng quốc tế, tỷ giá giữa đồng France và đồng bạc Đông Dương.
Bưu điện Bờ Hồ là đầu mối về nghiệp vụ, kỹ thuật và vận chuyển bưu chính cũng như nhận điện thoại, điện báo từ các nơi về Hà Nội rồi chuyển từ Hà Nội đi các nơi. Thời kỳ đầu, bưu tá đi phát thư khu vực nội thành sử dụng xe tay, sau khi nhận thư từ bưu điện trung tâm Bờ Hồ, phu xe đưa bưu tá đến địa chỉ cần chuyển rồi lại trả họ về Bờ Hồ. Đầu thế kỷ XX, mỗi bưu tá được phát một chiếc xe đạp, ghi đông vểnh lên phía trên, bên tay trái có gắn chuông, khi cần xin đường thì lấy tay phải quay nắp trên sẽ phát ra tiếng "kính coong"; bên phải và bên trái của chỗ đèo hàng có treo hai bao da đựng thư từ, công văn, điện báo... Vì sợ những người yêu nước sử dụng thư tín liên lạc với nhau nên chính quyền thực dân đã lập ra bộ máy kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu nghi ngờ, mật thám sẽ mang thư, điện báo về Sở cảnh sát để kiểm tra.
Ngày 7-5-1954, bị thua trận ở Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam DCCH ở Geneva, sau đó phải ký hiệp định rút quân, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 10-10-1954, họ bàn giao bưu điện Bờ Hồ và ba bưu cục chợ Mơ, Ngã Tư Sở và ga Hàng Cỏ cho Chính phủ Việt Nam DCCH. Tài sản bàn giao chỉ còn một tổng đài 1500 số, khoảng 600 thuê bao, một máy đóng dấu cùng một mạng cáp ngầm và dây nổi. Sau năm 1954, thuê bao trước đó của tư nhân bị cắt số, chỉ có cán bộ cấp cao mới được lắp máy. Nhà máy, xí nghiệp cũng duy nhất một số. Mặc dù đất nước đang chiến tranh nhưng công trình xây dựng "Nhà Bưu điện mới" có ký hiệu 7138 (nghĩa công trình bắt đầu từ ngày 8-3-1971) do Trung Quốc viện trợ vẫn được triển khai. Và họ phá nhà giao dịch chính xây thời Pháp để xây công trình mới. Năm 1976, Trung tâm giao dịch hướng ra hồ Hoàn Kiếm cao năm tầng, mặt tiền dài 51 mét cơ bản hoàn thành. Trông nặng nề, cứng nhắc và thô vụng, nên các kiến trúc sư gọi là "cục bê tông", vì nó phá vỡ sự mềm mại nhẹ nhàng của không gian phía đông hồ Gươm với nhiều công trình có kiến trúc thanh thoát và sang trọng. Trên nóc tòa nhà chính, họ cho lắp một chiếc đồng hồ hình vuông bốn mặt do Trung Quốc sản xuất, mỗi cạnh dài 4,5 mét. Phía dưới có 16 chiếc loa chĩa ra bốn phương, tám hướng. Máy đồng hồ thì nằm trong một căn phòng rộng khoảng 30 mét vuông ngay phía dưới.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thư từ cũng hay bị kiểm duyệt, đó là việc đặng chẳng đừng, vì cần phải cảnh giác. Phóng viên Quốc Cường ở báo Hà Nội mới kể rằng, cách đây hơn bốn mươi năm, có gia đình nhận thư từ nước ngoài gửi về, khi xé phong bì lại thấy bên trong có cả giấy giới thiệu của ngành công an gửi cho bưu điện Bờ Hồ đề nghị được kiểm tra. Gia đình sợ quá mang trả lại, chắc là do sơ suất nên mới có chuyện đó.
Chắc chắn một trong những người sử dụng điện thoại di động đầu tiên ở Hà Nội đó là Nguyễn Thế Nam. Khi đó là năm 1994, Nam mở công ty chuyên bán thiết bị tin học và viễn thông. Gọi là điện thoại di động cho oai, thực ra phải có một máy thu phát sóng đặt trên cao và khi người sử dụng đi quá khu vực có sóng thì nó chỉ còn là một cục sắt. Năm 1995, Hà Nội chính thức có điện thoại di động như ngày nay. Giá một chiếc máy Motorola 9700 hay Ericson 638 cỡ khoảng 900 đô la Mỹ, giá sim khoảng 140 đô, nếu quy ra vàng thì xấp xỉ hai cây rưỡi vàng ba con chín. Hôm giới thiệu chiếc Motorola ở nhà hàng Opera ở 59 phố Lý Thái Tổ, giám đốc tiếp thị là một người Mỹ, nghe dịch không chuẩn, anh bảo: "Thôi để tôi nói tiếng Việt!" Thời kỳ đầu, điện thoại di động cả người gọi và người nghe đều phải mất tiền cước. Bây giờ thì điện thoại di là lựa chọn đầu tiên của giới trẻ rồi mới đến máy tính và thứ ba mới là ô tô!