Đền Ngọc Sơn xưa là đảo nhỏ trên hồ Lục Thủy. Khi hồ bị ngăn thành Tả Vọng và Hữu Vọng thì đảo Ngọc Sơn nằm ở phía bắc của Tả Vọng (sau này là hồ Hoàn Kiếm). Tương truyền ở đây từng có một ngôi đền được dựng lên để thờ những người đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735-1739), chúa Trịnh Giang đã cho dựng cung Khánh Thụy và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội.
Lê tồn Trịnh tại
Lê bại Trịnh vong
Câu ca dao ấy nói lên mối quan hệ ràng buộc nhau giữ các đời vua Lê và các chúa Trịnh. Khi nhà Lê đã mạt và Trịnh cũng đã vong thì Lê Chiêu Thống cầu cứu giặc phương Bắc để giữ ngôi. Lợi dụng sức mạnh của giặc phương Bắc, Lê Chiêu Thống phóng hỏa đốt cung Khánh Thụy khiến đảo Ngọc Sơn tan hoang. Rồi một người tên là Tín Trai đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn trên nền cung cũ. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương Đế quân (sao chủ của khoa cử và văn chương) vào thờ và đổi chùa thành đền. Tuy nhiên ra đền vẫn phải dùng thuyền vì không có cầu.
Trước sự xuống cấp của đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu, một nhà thơ và nhà văn hóa lớn của Hà Nội, người có câu nói nổi tiếng đến nay vẫn còn nguyên giá trị: "Có hai loại văn chương, loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú vào văn chương. Còn loại đáng thờ là loại chuyên chú vào con người" đã đứng ra cải tạo và nâng cấp vào năm 1865. Ông cho xây dựng đình Trấn Ba với ý nghĩa như ngăn các văn hóa ngoại bang (thời điểm này Pháp đã chiếm Nam Bộ), trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao chín mét, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút. Để nối bờ với đảo ông đã cho dựng cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Để có chiếc cầu đẹp, ông cho mời thợ Nam Định (dân gian có câu: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài", cầu ở xứ Bắc không đâu đẹp bằng Nam Định,chùa thì không đâu bằng Bắc Ninh và đình thì không đâu bằng Sơn Tây). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Năm 1802, nhà Nguyễn Ánh lên ngôi lập ra triều Nguyễn, chuyển kinh đô vào Huế, Hà Nội không còn là kinh đô nhưng triều Nguyễn vẫn tổ chức kỳ thi Hương tại trường thi Hà Nội (nay là Thư viện Quốc gia, phố Tràng Thi). Vì đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương nên trong đời vua Tự Đức (1847-1883), nhất là từ khi có cầu Thê Húc thì sỹ tử thi Hương chen nhau vào đền thắp hương cầu khấn. Vào mùa thi (tháng 10 âm lịch) cầu Thê Húc lúc nào cũng chật cứng người nên cụ từ trông đền phải cho người ra nhắc nhở sỹ tử không chen lấn vì sợ sập cầu. Nhiều sỹ tử phải trọ ở phố Cầu Gỗ tới ba ngày mới vào được đền.
Sau khi hạ thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp. Thời điểm đó, quân Cờ Đen (một đám thổ phỉ từ Quảng Tây – Trung Quốc do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu nhận tiền của vua Tự Đức để đánh Pháp) hoành hành ở Hà Nội, sợ quân Cờ Đen tấn công nên cổng đền lúc nào cũng có một đám lính Pháp gác cả ngày lẫn đêm. Lính Pháp cấm tuyệt đối dân chúng Hà Nội vào cúng lễ. Khi quân Cờ Đen phải giải thể năm 1885 thì việc canh gác có phần lơi lỏng. Trước cảnh ngang trái ấy có một thanh niên tên là Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh), học trò trường Đại tập Liên Đình của cử nhân Nguyễn Huy Đức đã nảy ra ý định đốt cầu để cảnh cáo Thực dân Pháp xúc phạm cõi tâm linh. Sau nhiều đêm theo dõi, Hai Minh nhận thấy lính gác chỉ canh đến nửa đêm là đóng cửa rồi rút vào đền. Cậu âm thầm lên kế hoạch. Giấu cha mẹ, Hai Minh nhặt nhạnh và thu gom rẻ rách và dầu cặn. Để công việc nhanh chóng, cậu đã nhờ Trưởng Nghi nhà ở phố Hàng Dầu, Nghi vừa là bạn học, vừa là em con ông cậu ruột giúp một tay. Theo gia phả của họ Nguyễn Đình (ở Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), dòng họ định cư lâu đời trên đất Thăng Long thì khoảng nửa đêm cuối đông năm 1887, Hai Minh gọi Trưởng Nghi dậy nhưng cậu em ngại gió rét không đi, cũng vừa lúc ấy em trai Trưởng Nghi là Hai Nguyên mới 14 tuổi trước đó nghe lỏm được câu chuyện thức dậy đã tình nguyện đi thay. Hai anh em mang theo thúng giẻ, giấy bản và bấc tẩm dầu lặng lẽ lên cầu. Lúc đó lính canh đã rút hết vào trong đền và đóng cửa. Hai anh em nhét giẻ, giấy bản và bấc đèn tẩm dầu vào khe ván rồi tưới dầu cặn lên mặt cầu, sau đó nhanh chóng rải than hoa (than củi) đang cháy đựng trong nồi đất. Xong việc cả hai nhanh chóng về nhà ở phố Hàng Dầu. Giẻ dầu gặp than lại có gió đông bắc nên lửa bùng lên rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn cả chiếc cầu cháy đùng đùng. Khi lính trong đền phát hiện ra thì các tấm ván mặt cầu đã thành than. Viên quan tư cảm thấy bất an nên sai quân chuyển đồ đạc đi nơi khác không dám ở đền Ngọc Sơn nữa.
Tin cầu Thê Húc bị đốt vì xúc phạm nơi tôn nghiêm của văn hóa Hà Nội khiến quân Pháp đóng ở đền Trấn Quốc, chùa Châu Long và đình làng Yên Phụ phải vội vã rút quân đi chỗ khác. Do còn quá trẻ, Hai Nguyên đã kể chuyện đốt cầu cho một người bạn và cậu này kể lại với bố là Cả Nghệ nhà ở phố Hàng Mắm. Có ngờ đâu Cả Nghệ đi báo cho quan Pháp, thế là hai ngày sau, lính Pháp ập đến nhà bắt Hai Minh. Còn Hai Nguyên do chưa đến tuổi thành niên nên được tha. Vì mới 17 tuổi nên Hai Minh không bị tử hình nhưng bị bắt tù rồi sau đó chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ đã đưa vào nhóm tải đạn, tải lương phục vụ cho lính Pháp đánh chiếm các tỉnh miền núi phía Bắc. Mùa đông năm 1888, Minh bị đày lên Thái Nguyên theo cuộc hành quân của lính viễn chinh đánh vào chợ Chu (tỉnh Bắc Cạn). Lợi dụng lính canh mệt mỏi ngủ quên, Hai Minh trốn thoát nhưng vì không thông thạo địa hình cuối cùng cậu bị bắt lại và bị tử hình. Năm đó Hai Minh tròn 18 tuổi.
Sau khi cầu bị Hai Minh đốt người ta sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để cho dân chúng vào lễ. Bức ảnh chụp cầu Thê Húc với những tấm ván lát dọc trên trang web về Hà Nội xưa là của Pierre Dieulefils (ông nổi tiếng nhờ những bức ảnh chụp Hà Nội và Bắc kỳ). Trong cuốn "Hà Nội và những vùng phụ cận" của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892,tác giả viết: "Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1887 (thực ra là năm 1888 – NV) để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng." Cầu Thê Húc trước khi bị đốt cũng đã đẹp như Claudius mô tả chiếc cầu trùng tu, chỉ có điểm khác là cầu được trùng tu cong hơn để chịu lực tốt hơn.
Không chỉ các sĩ tử vào đền khấn bái trước kỳ thi Hương, sau này các văn sĩ cũng thường xuyên vào đền vãng cảnh và thắp nén hương, nhà văn Vũ Bằng kể lại trong thiên phóng sự Cai kỷ niệm của ông với cầu Thê Húc. Lần đầu tiên hút mấy bi thuốc phiện ở phố Mã Mây, ông lững thững đi vào đền Ngọc Sơn nhưng đến giữa cầu Thê Húc thì ông phê thuốc: "Nửa giờ đi qua, tôi cứ đứng vịn thành cầu mà rỏ dãi xuống hồ. Toàn thân tôi không phải bằng da, thịt hay gân sụn..." Sau này khi cai được, ông ân hận vì đã phê thuốc giữa cây cầu duyên dáng nhất Hà Nội.
Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền quá đông và cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm Cầu giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu ông thiết kế bằng gỗ.
Nhà văn Lê Bầu tốt nghiệp đại học Trung văn tại Trung Quốc, ông làm phiên dịch rồi trở thành giáo viên Đại học Sư phạm, nhờ tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn, ký Thông reo (NXB Văn học HN.1962), ông chuyển về Sở Văn hóa Hà Nội làm công việc nghiên cứu văn hóa dân gian. Chưa vợ, lại không có nhà riêng, sở cho tạm trú ở khu tập thể tầng hầm 47 phố Hàng Dầu. Khi khu tập thể này quá đông, sở quyết định lấy căn phòng một thời là nơi rút quẻ xem bói làm "khu tập thể đền Ngọc Sơn". Lê Bầu chuyển sang đây cùng với Huyền Tâm từ năm 1963 và ở đến năm 1972. Trong thời gian sống ở đền Ngọc Sơn, ông cho ra mắt các tác phẩm: Đi thực tập, Dòng sữa trắng, Hoàng hậu Vàng Anh, Đèn kéo quân, Sau mươi ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân, Ngã ba cô đơn, Độc hành... Sau này ông dịch nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc nổi tiếng, đặc biệt là của nhà văn Giả Bình Ao, như: Tể tướng Lưu Gù, Quê cũ, Thành phố hoa, Hoài niệm sói... Tác phẩm văn học dịch Quỷ thành của ông cũng đã nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004. Lê Bầu còn được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm Người ở buồng bên kia và tác phẩm văn học dịch Trở về.
Sống ở đền Ngọc Sơn nên ông đi bộ sang sở làm việc, trưa về nghỉ nửa tiếng, lại sang ăn ở bếp tập thể rồi lại về, buổi chiều cũng vậy nên một ngày, ông phải đi cầu Thê Húc ít nhất là tám lần. Lúc còn sống ông đã làm con tính, một năm đi làm 300 ngày nên ông phải qua lại cầu Thê Húc 2.400 lần và nhân lên với 10 năm là 24.000 lần. Ông tự hào là một trong những người qua lại cầu Thê Húc nhiều nhất Hà Nội. Vì thế ông đã nhiều lần chứng kiến rùa làm đám ma nhau dưới chân cầu Thê Húc hay dìu nhau bơi vào đền. Có một nhà văn với số phận chìm nổi khi về hưu mở tiệm cắt tóc ở đền Bà Kiệu, từng sống ở "khu tập thể đền Ngọc Sơn" từ năm 1964 đến 1967 đó là Nguyễn Dậu. Nguyễn Dậu viết văn từ khi 25 tuổi, tác phẩm đầu tay của ông Ánh đèn trong lò ( NXB Văn học HN.1955). Năm 1959, ông cho ra mắt tiểu thuyết hai tập Mở hầm (NXB Thanh niên HN.1959), cuốn tiểu thuyết làm nên một nhà văn Nguyễn Dậu nhưng nó cũng gây cho ông nhiều phiền toái. Thời gian sống ở đền ít hơn Lê Bầu nhưng một ngày Nguyễn Dậu cũng qua cầu tám lần nên cho ông những trải nghiệm để sau này ông viết những truyện ngắn rất hay về hồ Gươm và rùa.
Hồ Gươm làm cho Hà Nội duyên dáng và mềm mại hơn nhưng cầu Thê Húc lại là đồ trang sức quý giá của hồ Gươm.