Tính từ khi Lý Công Uẩn dời Hoa Lư ra Thăng Long vào mùa thu năm 1010 đến khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn lập ra triều Nguyễn đã chuyển kinh đô vào Phú Xuân thì gần như liên tục, Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt gần 800 năm. Từ triều Lý, Trần đến Hậu Lê có ngót trăm vị vua cai trị và trong đó không thiếu "vua sáng, tôi hiền". Điều đó không chỉ dân chúng được nhờ mà còn là sức mạnh chống lại thế lực ngoại xâm. Tuy nhiên cũng có vua, chúa không minh, cậy thế làm vua là ngồi đầu thiên hạ đã ăn chơi, hưởng lạc, bỏ bễ dân chúng khi lũ lụt làm mất mùa, khiến lòng dân oán hận...
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lý Cao Tông chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, bỏ bê con dân dẫn đến đói kém liền nhiều năm và giặc cướp nổi như ong, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy mà suy. Năm 1179, cũng không biết vì sao Cao Tông lại xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên đổi bán ở đầu nguồn, điều này chẳng khác gì ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng làm cho kẻ làm ra muối khóc trên đống muối, còn dân đầu nguồn thiếu cái ăn từ đó mà kinh tế không phát triển. Mùa thu, tháng 7-1199, nước sông Cái dâng to gây lũ lụt, lúa ngoài đồng ngập hết, dân khắp vùng đói khổ nhưng vua không đưa ra phương sách nào để cứu giúp dân chúng mà còn chu du khắp nơi. Kiệu vua đến đâu thấy nơi nào có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ, đến phủ Thanh Hóa, vua còn bắt voi để cưỡi chơi, chế nhạc Chiêm Thành có giọng điệu ai oán để nghe. Năm 1203, lại cho xây dựng rất nhiều cung điện làm hao tốn của cải. Tăng phó Nguyễn Thường nói: "Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn. Nay dân loạn, nước nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là hiệu bại vong." Trong Kinh thi có câu: "Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm phải một trong các điều ấy tất phải bại vong." Trong khi đó, Lý Cao Tông đã phạm phải quá nhiều điều cấm kỵ đã dẫn đến sự nổi dậy của dân chúng ở nhiều địa phương.
Năm 1209, Cao Tông nghe theo lời gian thần Phạm Du giết oan tướng Phạm Bình Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đang trấn thủ Hoan Châu mang quân ra đánh Thăng Long báo thù cho chủ. Vua Cao Tông và thái tử Sảm bỏ chạy mỗi người một nơi. Quách Bốc lập con nhỏ của vua là Thậm lên ngôi. Thái tử Sảm chạy đến nương nhờ gia tộc họ Trần ở duyên hải và nhờ sức họ Trần mang quân về dẹp Quách Bốc. Dù loạn được dẹp nhưng từ đó quyền lực của họ Trần dần hình thành, bắt đầu từ Trần Tự Khánh và sau đó là vai trò của Trần Thủ Độ. Năm 1210, vua Cao Tông chết, thái tử Sảm lên thay (tức Lý Huệ Tông) nhưng triều chính hoàn toàn nằm trong tay họ Trần. Cuối năm 1225, con gái thượng hoàng Huệ Tông (bị ép truyền ngôi đầu năm) là Lý Chiêu Hoàng đã bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, thượng hoàng Lý Huệ Tông sau đó còn bị Trần Thủ Độ ép tự tử vào năm 1226 đã chấm dứt hơn hai thế kỷ trị vì Đại Việt của nhà Lý và nhà Trần thay thế từ năm đó.
Nhà Trần trị vì đất nước vào lúc các dân tộc châu Á đứng trước mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm là đế chế Đại Nguyên, và triều đại Trần đã ghi công lao vào sử sách dân tộc với ba lần đánh tan đội quân xâm lược của đế chế này. Triều Trần cũng có nhiều công lao xây dựng Đại Việt, song như một quy luật của vương triều, sau một thời gian hưng thịnh, nhà Trần đi vào con đường suy thoái và sụp đổ, mà người làm cho chế độ này sụp đổ nhanh hơn là Trần Dụ Tông. Trần Dụ Tông tên thật là Trần Hạo sinh 1336 (năm Bính Tý) mất 1369 (năm Kỷ Dậu), lên ngôi năm 6 tuổi, đặt hai niên hiệu là Thiệu Phong (1341-1357) và Đại Trị (1358-1369), làm vua 28 năm (1341-1369). Khi Thái thượng hoàng Trần Minh Tông qua đời vào tháng 2-1357 (năm Đinh Dậu), Trần Dụ Tông được toàn quyền trị nước, dù được đánh giá là vị vua thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục, nhưng ông đã không phát huy được những thành tựu trong thời gian đầu làm vua mà lại bỏ bê triều chính, ham mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, ra lệnh cho xây nhiều cung vàng, điện ngọc, thu sưu cao, thuế nặng làm cho dân chúng vô cùng khổ sở và ca thán. Trần Dụ Tông nghiện rượu, thích rủ các quan cùng thi uống, ai uống thắng thì được thăng chức. Một lần, nghe nói có viên quan đang giữ chức Chánh chưởng phụng ngự cung Vĩnh An tên là Bùi Khoan uống rượu rất giỏi, thế là vua cho gọi vào cùng thi uống rượu. Khoan lập mẹo, uống dối hết 100 thăng rượu, được thưởng tước hai tư. Cũng về chuyện rượu Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 4-1364 (năm Giáp Thìn), vua đi hóng gió chơi trăng. Vì uống rượu say quá nên lội xuống sông tắm, vì thế bị ốm. Sai quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh thay nhau hầu thuốc thang đến tận tháng Bảy năm đó mới khỏi bệnh." Chưa hết, vào một đêm mùa hạ tháng 6-1366 (năm Bính Ngọ), vua đi chơi ở hương Mễ Sở (nay thuộc Hưng Yên) đến canh ba mới trở về kinh, khi đến sông Chử Gia thì bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả gươm báu lẫn ấn. Cho rằng đó là điềm chẳng lành nên Trần Dụ Tông lại càng thả sức chơi bời. Không chỉ uống rượu, Dụ Tông còn mê đánh bạc, có lần cho họp các nhà giàu của làng Đình Bảng ở Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai vào cung đình đánh bạc làm vui, một tiếng bạc đặt gần 300 quan tiền, ba tiếng thì đã đặt gần 1000 quan. Chuyện Dụ Tông đánh bạc cả Thăng Long biết nên dân chúng cũng bắt chước cái dở ấy, các quan không thể ngăn cấm được họ đánh bạc. Ngân khố hạn hẹp, nhưng Dụ Tông vẫn bỏ tiền để thỏa mãn thú chơi ngông của mình, tháng 10-1363 (năm Quý Mão), Trần Dụ Tông sai đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Rồi lại làm hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ, đặt chức khách đô để trông coi. Khi ngân khố không còn một nén bạc thì Dụ Tông đã nghĩ ra cách kiếm tiền mà các đời vua trước không bao giờ nghĩ đến, mà nghĩ đến cũng không thể làm. Tháng Giêng năm 1362 (Nhâm Dần), Trần Dụ Tông sai tư nô cày một miếng đất bên bờ bắc sông Tô Lịch để trồng hành, tỏi rau dưa đem bán, gọi tên phường ấy là vườn Tỏi và làm quạt đem bán cũng như thế. Đây có lẽ là kiểu vua kiếm tiền có một không hai trong lịch sử.
Đánh tan quân xâm lược nhà Minh, vào ngày 29-4-1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế khôi phục quốc hiệu Đại Việt. Nhà Lê làm được nhiều việc cho Đại Việt với những vị vua thông tuệ nhưng những năm cuối của triều đại nhà Lê, Đông Kinh là nơi diễn ra những cuộc ăn chơi trác táng của vua "quỷ" Lê Uy Mục (1505-1509), vua "lợn" Lê Tương Dực (1509-1516). Lê Tương Dực chỉ lo ăn chơi và thích mở mang thổ mộc, đắp thành dài mấy ngàn trượng, bao bọc cả điện Trường Quang, quán Trấn Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa. Thành này kéo dài từ phía đông nam đến phía tây bắc, chặn ngang sông Tô Lịch, trên có hoàng thành, dưới có mở cửa cống, xây bằng gạch và đá, lại có sắt chắn suốt chiều ngang... Vua sai chế thuyền chiến để đi chơi Hồ Tây vốn là nơi thừa lương của vua chúa và những người quyền quý, bắt phụ nữ cởi trần bơi chèo, cho thuyền qua trước mặt để ngắm nhũ hoa, lấy đó làm sự thỏa thích. Lê Tương Dực còn nghe lời tâu xằng bậy của quan Hiệu úy là Hữu Vĩnh mà giết chết 15 người tôn thất, toàn tước vương và tước công. Trăm họ lấy việc hoang chơi của nhà vua làm mối lo hàng đầu. Năm 1516, Trịnh Duy Sản giết chết vua Lê Tương Dực. Vào cuối triều đại, vua Lê chỉ có hư vị. Dù đã xây phủ ở phía đông thành, nơi có nguyệt đài, điếu ngư đài, thủy tạ... nhưng chúa Trịnh vẫn lên Bắc cung ở Hồ Tây để chơi. Trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và trong Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ – Nguyễn Án) cũng kể về chuyện chơi trăng rằm của Tĩnh đô vương Trịnh Sâm năm Giáp Ngọ 1774: "Sắp đến tết Trung thu, chúa sai xuất gấm trong khi làm đèn lồng hàng trăm chiếc, giá đến mấy chục lạng vàng. Ngày hôm đó, chúa ngự bên ly cung Thụy Liên bên Tây Hồ, binh lính hầu chung quanh vòng bốn mặt. Dưới là hồ sen, trên là trồng phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông Trấn Vũ hoặc ẩn ở bóng cây bến đá nào đó mà tấu nhạc. Bọn nội giám đầu bịt khăn mặc giả đàn bà, bày bán các thứ hoa quả bánh trái bách hóa trên bờ hồ. Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán như các cửa hàng mua bán trong chợ..."
Đó chỉ là vài trong số các ông vua chỉ biết sướng mình mặc dân. Từ xưa đến nay, hễ vua sáng tôi hiền thì quốc gia thái bình thịnh trị, dân chúng ấm no hạnh phúc. Bằng ngược lại, thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Vua đã không minh lại không nghe lời trung vì lời trung khó nghe, chỉ thích nghe nịnh thần thì sớm muộn sẽ gặp họa.