Trên đất Thăng Long – Hà Nội, nếu chùa Khai Nguyên và đình Quán La có lịch sử khá rõ ràng, thì cho đến nay, động Thông Thiền vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà sử học, khảo cổ học.
Tảo xã (vùng đất nay thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ) nằm ở phía tây thành Thăng Long được khai phá từ thời Trần. Xuân La có hai di tích nằm sát bên nhau là chùa Khai Nguyên và đình Quán La. Đình Quán La và chùa Khai Nguyên được xây trên một khu đất cao được gọi là thất tinh (bảy quả núi). Đình và chùa có cảnh quan đẹp, theo sử sách, đứng ở đây có thể nhìn thấy sông Thiên Phù (sông này còn có tên khác là Già La nay là khu vực phía tây của Hồ Tây), nên xưa kia cụm di tích này còn có tên gọi là quán Già La. Đình thờ thành hoàng làng là Duệ Trang cùng hai người em bà, gọi là hai Chầu Bà – những người đã có công khai phá đất đai ở vùng Tảo và dạy dân cày cấy. Cho đến nay chưa tìm thấy tài liệu nào nói đến thời gian xây đình, nhưng so sánh với chính sử và dã sử thì đình Quán La có từ rất sớm, vào khoảng đầu đời Trần. Đình hiện còn lưu giữ 18 sắc phong do các triều đại phong kiến phong cho thành hoàng làng xã Quán La xưa. Trong đó có các sắc phong có giá trị như sắc phong năm 1653 đời vua Lê Thần Tông, sắc Cảnh trị bát tiên đời vua Lê Huyền Tông, sắc Dương đức tam niên đời vua Lê Gia Tông (1674)... Các sắc phong tặng bà là "Đại vương thượng đẳng thần", "Duệ Trang trung dũng uy mục", "Liệt nữ tôn thần"... Trước cửa đình và cổng chùa hiện vẫn còn cây đa cổ thụ và một cây thị, có thể khẳng định đó là cây thị lâu năm và to nhất Việt Nam. Do thân cây đa bị rỗng nên trong kháng chiến chống Pháp, có cán bộ hoạt động trong nội thành bị lộ đã ở đây đến mấy tháng. Dân làng bí mật làm xếp cây làm gác trong thân cây, khi có động thì cán bộ này kéo chiếc thang lên.
Phía dưới đình Quán La có một cái động (hoặc hang) gọi là động Thông Thiền. Cửa động nằm sau hậu cung đình nhưng hiện tại đã bị đất và gạch ngói vỡ lấp gần kín miệng. Bên trong động được xây khum khum hình múi bưởi bằng gạch có chạm trổ hình hoa khế và tứ linh (long, ly, quy, phượng). Chiều ngang động đủ cho một người lớn chỉ cần hơi khom lưng một chút là có thể vào sâu bên trong. Đi sâu chừng hai chục thước có hai nhánh rẽ. Từ nhiều đời nay, dân làng vẫn truyền nhau là vào mùa mưa, thả quả bưởi ở cửa hang thì thấy quả bưởi ở Hồ Tây, nghĩa là động kéo dài ra tận Hồ Tây (ngày trước Hồ Tây chỉ cách làng vài trăm mét, không xa như bây giờ). Khoảng năm 1943, Viện Viễn Đông Bác Cổ cho người xuống khảo sát hang nhưng chỉ vào được gần ba chục mét phải quay ra vì thiếu ô-xy và đèn mang theo không đủ ánh sáng để rọi đường. Lại có thông tin, đầu những năm 1980, một nhóm các nhà khảo cổ cũng có ý định vào động nhưng việc không thành. Năm 1964, một đơn vị của quân đội đóng quân ở đình, chiếc máy phát điện được đặt gần cửa hang. Đơn vị này đóng quân ở đây cho đến năm 1970 thì chuyển đi nơi khác. Vì là núi nên cao hơn hẳn các vùng xung quanh, vào những năm lũ trên sông Hồng lên cao, dân làng gánh gồng đồ đạc và đưa con trẻ đến đây tránh lũ. Những đứa trẻ nghịch ngợm nhất cũng chỉ dám chui vào chừng vài chục mét là phải quay ra. Hiện tại, chính quyền xã cho dọn sạch đất và gạch ngói vỡ ở cửa động, nhưng bên trong thì gần như bị bịt kín.
Có nhiều giả thiết khác nhau về động này. Theo cụ Hoàng Đạo Thúy, một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội đáng kính, thì động do vua Lý Thần Tôn xây. Tuy nhiên cụ Hoàng Đạo Thúy cũng không nói rõ là vua Lý Thần Tôn xây động Thông Thiền để làm gì. Có nhà nghiên cứu khác tiếp ý cụ Thúy đã lý giải Lý Thần Tôn xây động, vì các vua triều Lý đều mộ đạo Phật và đạo Phật trở thành quốc đạo, nên việc xây động mang ý nghĩa tâm linh: "Thông Thiền nghĩa là âm dương hòa hợp thì việc triều chính sẽ hanh thông." Nhưng các nhà khảo cổ học dựa vào việc hang có ngách lại cho rằng đây là ngôi mộ có niên đại từ đời Hán, ngách dùng để đồ thờ cúng. Hơn nữa vùng đất này vào năm 930 là nơi mà Lý Khắc Chính và Lý Tiến của triều đình Nam Hán khi chiếm nước ta đã đóng quân nên lý giải của các nhà khảo cổ nghe có vẻ logic. Bên cạnh đó, căn cứ vào niên đại của các loại gạch dùng để trùng tu đình và sửa hang, các nhà nghiên cứu lại đưa ra một giả thiết khác: Thông Thiền được làm từ đời Trần để ém quân đánh giặc Nguyên Mông. Đến đầu thế kỷ XV, khi Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh xâm lược đã sử dụng hang này làm nơi cất giấu lương thực...
Ngày 23-11-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Xuân La, Người vào thăm đình rồi tập hợp bà con trước cây đa cổ thụ và Người căn dặn: "Cây đa cổ thụ cũng như ngôi đình này là di tích lịch sử, kiến trúc có giá trị cao, phụ lão và toàn dân phải giữ gìn và bảo vệ cho thật tốt." Và đúng bảy năm sau, cũng vào ngày 23-11-1965, Bác Hồ lại về thăm nhân dân trong xã và lại ghé thăm đình Quán La. Năm 1959, khi Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành thăm nước ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã mời ông Kim Nhật Thành đến thăm đình và ông cũng được cụ từ trông coi đình cho biết dưới đình có một cái động. Cho đến nay, những người quan tâm đến sự kiện này vẫn không hiểu tại sao Nhà nước lại mời Kim Nhật Thành lên thăm di tích này và muốn gửi thông điệp gì, trong khi Hà Nội có quá nhiều di tích lịch sử và văn hóa hàng trăm năm có giá trị.
Cho dù các sách sử, bia, chùa của nước ta bị giặc phương Bắc đốt và phá sau mỗi lần chiếm Thăng Long, song nhiều di tích lịch sử, văn hóa vẫn được các nhà nghiên cứu "giải mã" sau thời gian dài thu thập tư liệu nhưng chỉ riêng động Thông Thiền dưới móng đình Quán La vẫn còn là bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.