Gần Tết năm 1994, Công ty Chiếu sáng đô thị Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo nhưng mục đích chính không phải là báo cáo thành tích công ty đã làm được trong năm mà họp báo chỉ là cái cớ để công ty tặng quà cho anh chị em phóng viên ăn Tết. Sắp đến giờ họp, cánh phóng viên bỗng thấy nhà thơ Phạm Tiến Duật xuất hiện, mọi người nhìn ông thì thào bởi ông làm ở báo Văn Nghệ, tờ báo chuyên đăng thơ, truyện ngắn, chẳng liên quan gì đến đèn đường. Nhưng cũng không sao, có người nổi tiếng đến anh em dễ ăn theo, có khi phong bì lại dày hơn!
Phải thừa nhận từ khi thực hiện đổi mới, Công ty chiếu sáng Hà Nội đã làm thay đổi hệ thống chiếu sáng cả thành phố, từ những bóng đèn dây tóc với chao đèn tráng men xù sì, Công ty đã thay bằng đèn cao áp sáng trưng với hàng cột gang được đúc với hoa văn trông rất đẹp. Đọc báo cáo xong, ông Tuyển, Giám đốc công ty mời anh chị em phóng viên góp ý. Mọi ánh mắt quay cả sang nhà thơ Phạm Tiến Duật vì ông không chỉ nổi tiếng mà còn là bậc trưởng lão. Ai dám qua mặt. Hẳn ông cũng biết điều đó, rồi ông phát biểu: "Tôi không hài lòng với các anh." Cả phòng họp ngơ ngác, Pham Tiến Duật nói tiếp: "Thời tôi mới ở Trường Sơn ra, dẫn người yêu đi chơi, đưa nàng về chúng tôi hôn nhau túi bụi lúc chia tay, hôn nhau trước trước mặt bà con dân phố nhưng chẳng ai biết vì đèn đường còn tối hơn đèn gầm ô tô lúc tôi ở Trường Sơn. Còn bây giờ có bồ, đèn sáng thế này mà dung giăng dung giẻ thì lộ hết bí mật." Mọi người ồ lên vì ông nịnh quá khéo. Sau này mới biết ông Tuyển cùng đơn vị với nhà thơ khi cả hai người ở đường dây 559. Trong buổi họp báo đó, không ai biết 110 năm trước, công sứ đầu tiên của Hà Nội là Bonnal đã khánh thành trụ đèn đường thắp bằng dầu đầu tiên ở Hà Nội trước tòa đốc lý (nay là UBND Thành phố).
Trước khi Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882, ở Hà Nội còn nhiều nhà lá, gọi là phố nhưng không phải như phố kiểu phương Tây có vỉa hè và đèn đường. Bài viết của phóng viên Charles Labarthe đăng trên Tạp chí Địa dư năm 1883 ở Paris có đoạn: "Về ban đêm, quang cảnh trong những khu phố đẹp nhất của thủ đô Bắc Kỳ còn buồn chán hơn cả những làng mạc ở tận cùng của nước Pháp. Ở đó còn có ánh sáng hắt ra dù nó lờ mờ đến một giờ sáng. Còn ở đây thì tối mò, không giống như ở Quảng Châu (Trung Quốc)." Dân ở các khu buôn bán chưa lặn mặt trời đã đóng cửa hàng, ăn cơm xong là tìm chỗ giấu tiền, đóng cửa, tắt ngọn đèn dầu lạc là đi nằm, ai gọi cửa cũng kệ vì thành phố rất loạn, trộm cắp, cướp của hoành hành vào ban đêm.
Năm 1883, công sứ Bonnal đã lên kế hoạch mở rộng đường ở phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền, Hàng Khay), xây nhà công vụ ở phía đông Hồ Gươm và làm đường xung quanh hồ. Công việc do các nhà thầu ở Pháp sang được thực hiện khá nhanh. Khi con đường xung quanh hồ đã hình thành, tòa đốc lý đã gần xong, cuối năm 1884 Bonnal cho dựng trụ đèn thắp dầu trước tòa đốc lý và đây là trụ đèn đường đầu tiên ở Hà Nội. Sau đó lần lượt cho lắp các trụ đèn ở một số điểm quanh hồ Gươm, trước cổng bưu điện Bờ Hồ, dinh Thống sứ và đặc biệt là trên tuyến đường huyết mạch từ khu nhượng địa Đồn Thủy đến thành Hà Nội, nơi có khá nhiều binh lính Pháp đang đồn trú. Trụ đèn đúc bằng thép có hoa văn rất đẹp, đèn có bốn mặt kính, chiều chiều có phu đi đổ dầu và thắp đèn, sáng ra họ lại đi tắt. Năm 2006, vẫn còn thấy một cột đèn kiểu này ở phố Hàng Trống, đoạn gần báo Nhân Dân, nhưng sang năm 2007 thì không thấy đâu nữa, không biết ai đã dỡ bỏ.
Ngày 6-12-1892, nhà máy đèn Bờ Hồ có công xuất 0,5Mw chạy bằng dầu khởi công xây dựng. Sở dĩ người ta gọi là nhà máy đèn mà không gọi là nhà máy điện vì điện phát ra chỉ để dùng thắp đèn đường và phục vụ một vài công sở quanh khu vực Bờ Hồ. Công suất của nhà máy đèn Bờ Hồ được nâng dần lên đến năm 1897 là 300 mã lực và dự kiến lên tăng lên 850 mã lực vào năm 1899, do có thêm hai tổ máy phát điện đang lắp để dáp ứng nhu cầu của mọi người thuê bao trong thành phố. Tính đến ngày 1-1-1897, Hà Nội đã có 523 bóng điện thắp sáng cường độ 8 ampe trong đó đã có 55 bóng hồ quang để chiếu sáng 1200 mét đường kè bờ sông. Mạng lưới đang được mở rộng bởi một hợp đồng đặt thêm những bóng đèn dây tóc mới giữa thành phố và công ty phát điện. Bên cạnh khu trung tâm, các phố mới đang xây dựng ở phía nam Hồ Gươm mà bây giờ là phố Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt cũng đã được chuẩn bị kéo dây điện và lắp đèn chiếu sáng. Báo Tương lai Bắc Kỳ ra ngày 15-4-1893 viết: "Từ người già đến trẻ con ngơ ngác trước thứ ánh sáng kỳ diệu, trong khi người lớn bàn tán thì lũ trẻ con chơi các trò chơi của chúng dưới chân cột đèn." Cũng tính đến ngày 1-1-1897, cả thành phố còn 584 đèn dầu đã được sử dụng để thắp sáng khắp vùng ngoại thành và một phần khu phố bản xứ (quận Hoàn Kiếm ngày nay). Số đèn dầu sẽ được tăng lên 30 ngọn đèn mới nữa để chiếu sáng những con đường vẫn chưa được cung cấp. Trong báo cáo Tình hình Đông Dương 1897-1901 của Toàn quyền Paul Doumer có đoạn: "Đèn điện đối với hệ thống chiếu sáng nhiều thành phố lớn của nước Pháp sẽ phải ghen tỵ với thành phố thủ phủ của Bắc Kỳ. Phần lớn các đường phố trung tâm và những nhà đều được hưởng điện thắp sáng." Tuy thế các phố nhỏ, ngõ ngách vẫn chưa có đèn. Nhưng đây là những chỗ tốt để cánh xe tay đánh Tây say rượu đi xe quịt tiền.
Năm 1925, chính quyền khởi công xây nhà máy điện Yên Phụ và hai năm sau thì hoàn thành đã cung cấp điện cho hầu hết khu vực nội thành và một phần khu vực ngoại thành. Các cột điện bằng sắt hình thang được dựng nên khắp nơi và lúc này tàu điện mới thay điện máy phát bằng điện lưới. Hà Thành ngọ báo năm 1929 đưa tin về cái chết do điện giật của cô bé làm thuê ở phố Hàng Dầu: "Ông Ký Thiên đến sở, còn bà ký đi chợ Đồng Xuân, con sen ở nhà với mấy đứa trẻ, nó bật rồi lại tắt bóng đèn, lũ trẻ cười sằng sặc, rồi bỗng nhiên nó lăn đùng ra, mấy đứa trẻ tưởng chị Canh đùa, xông lại giật tay, co chân nhưng Canh bất động..." Không biết Canh có phải nạn nhân đầu tiên của văn minh nước Pháp không vì trước đó chưa thấy báo nào đưa tin về chuyện này.
Thập niên 60 thế kỷ trước, khi các đoàn kịch nói dựng vở về đề tài Hà Nội thì trang trí sân khấu không thể thiếu cột đèn điện. Cũng trong những năm này, nhà văn Trần Dần đã viết tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, bản thảo lưu lạc mãi đến năm 1988 mới trở lại với ông và được xuất bản năm 2011. Từ những năm 1973 đến 1976, do điện ở nhà quá yếu chỉ đủ để dùng chiếc quạt cóc ba lăm đồng nên học sinh lớp 10 (nay là lớp 12) ôn thi tốt nghiệp và thi đại học ra ngồi dưới cột đèn học thi. Tất nhiên là phải sau mười hai giờ đêm vì trước đó ánh sáng của bóng đèn dây tóc không đủ để nhìn thấy chữ. Ai gần khu vực lăng Bác là sướng nhất vì đèn ở đây rất sáng. Đoạn ngã tư Vọng đến ngã tư Đại Cồ Việt, đèn còn tệ hơn trên phố và đêm đêm nhìn chị em công nhân nhà máy dệt 8-3 đi làm ca về lầm lũi đạp xe qua đường này thấy tương lai họ như bóng đèn đêm. Cũng vì đèn đường như đom đóm mà tháng 12 năm 1974, có bà cụ bị lọt xuống hầm cá nhân trên hè phố Đại La, đoạn gần cầu Đổ. Sáng hôm sau người đi đường mới phát hiện ra nhưng cụ đã chết, không ai biết nhà cụ ở đâu, nên công an đưa xác vào bệnh viên Bạch Mai.
Có thể nói thời bao cấp, dưới mỗi cột đèn là thân phận của một con người, đa phần là cao tuổi, họ làm nghề bơm vá xe đạp. Bây giờ thì không còn vì xe đạp rất ít, nhưng cột đèn kiểu Pháp vẫn còn và không han rỉ.