Trước khi lên ngôi, thái tử Đảm đã nhận ra ba nguy cơ tổn hại cho dân tộc và ngai vàng triều Nguyễn là thuốc phiện, sức lan tỏa ngày càng tăng của đạo Thiên chúa và sự trì trệ bộ máy hành chính. Lên ngôi vào tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), lấy niên hiệu là Minh Mạng, việc đầu tiên mà vị vua thông minh, học cao biết rộng này làm là "cứu giống nòi" nên ông chọn chống buôn bán và hút thuốc phiện trong chốn quan trường và dân chúng bằng một chỉ dụ, thông điệp rất rõ ràng: "Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng, lúc mới hút là phong lưu rồi chuyển thành thói quen, thường nghiện thì không thể bỏ qua được. Vì nó mà quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật, thậm chí tổn thương cơ thể, sinh mạng nên bàn để cấm đi." Đại Nam thực lục chép: "Không kể quan hay dân, ai hút thuốc phiện hoặc cất giấu để nấu nướng, buôn bán thì xử tội đồ. Ai bắt được mà tố cáo thì thưởng hai mươi lạng bạc, cha, anh không răn cấm con, em, xóm làng biết mà không tố giác đều bị xử trượng." Việc vua Minh Mạng ra chỉ dụ chứng tỏ buôn bán, hút thuốc phiện đã có ở Việt Nam.
Trước khi nói về thuốc phiện ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX thì cần phải biết thuốc phiện ở nước láng giềng Trung Hoa thế nào. Từ xa xưa, Trung Hoa đã trồng cây thuốc phiện và gọi là cù túc, họ dùng nhựa của nó làm vị thuốc gọi là phúc thọ cao. Thế kỷ thứ VIII, người Ả Rập đã nhập cù túc để bào chế ra một số loại thuốc an thần. Đến thế kỷ thứ XV, người Bồ Đào Nha cũng nhập cù túc từ Trung Hoa sau đó tái chế rồi bán ra nước ngoài. Thế kỷ XVI, người giàu có ở Trung Hoa bắt đầu dùng tẩu để hút và coi đó là thứ thuốc làm đầu óc minh mẫn hơn. Đến thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn của Anh bắt đầu sản xuất thuốc phiện rồi đưa vào quốc gia này. Do bị cấm cập cảng nên họ cho tàu đỗ ngoài khơi và tối tối các thuyền buôn nhỏ ra lấy hàng mang vào đất liền bán nên thời kỳ đó, Trung Hoa có nhiều người nghiện nhất thế giới. Ở Việt Nam, đến cuối thế kỷ XVIII chưa thấy tài liệu nào nói về hút thuốc phiện, song với thực trạng buôn bán và hút thuốc phiện diễn ra sôi động ở nước láng giềng thì Việt Nam không thể không có. Tại Thăng Long, theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đầu thế kỷ XV, Thăng Long có phố "Đường nhân", tức là phố của Hoa kiều, họ buôn bán, làm ăn bên cạnh người Việt. Trong Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX, tác giả PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ viết: "Đầu thế kỷ XIX, đặc biệt là thời vua Gia Long đã có chính sách nhượng bộ nhà Thanh, ưu đãi Hoa kiều vì thế người Hoa ồ ạt sang Việt Nam." Cũng theo sách này thì ở Hội quán Việt Đông (phố Hàng Buồm) trước kia có tấm bia khắc năm 1801 ghi: "... Thành phố Thăng Long là thành phố đầu tiên của An Nam, từ lâu đã buôn bán nhiều đồ quý của Quảng Đông, tàu thuyền đã mang đến đây tất cả mọi thứ hàng hóa." Vì thế cũng không loại trừ thuốc phiện xuất hiện ở các phố Hoa kiều Hà Nội từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX?
Do chỉ dụ dường như không có hiệu lực nên tệ nạn thuốc phiện sinh ra ngày càng nhiều, năm 1824, Minh Mạng đã ban hành quy định mới với hình phạt nghiêm khắc hơn. Sách Đại Nam thực lục chép: "Phàm khách buôn ngoại quốc trên đường bộ hay đường thủy đều đã biết rõ lệnh cấm mà còn cố ý giấu thuốc phiện để buôn bán riêng thì phải xử tội mãn lưu ba nghìn dặm. Hàng xóm biết mà không tố giác; cha, anh không ngăn cấm được con, em mình đều phải tội mãn trượng (đánh một trăm gậy), quan chức hút trộm thuốc phiện thì phải tội trượng và cách chức mãi mãi không được tái bổ nhiệm, gia sản người phạm tội bị tịch thu và thưởng cho người cáo giác." Nhưng kết quả không như mong đợi và Minh Mạng nhận rõ thuốc phiện vào Việt Nam có sự bao che, tiếp tay của quan địa phương các tỉnh ven biển. Năm 1831, ông tiếp tục quy định: "Bắt đầu từ năm nay, phàm những quan thuyền từ ngoại quốc về, tạm đỗ ở hạt nào thì quan địa phương phái quân lính phải để ý. Nếu có kẻ mang thuốc phiện lên bờ lập tức bắt cả người và tang vật lên tâu vua. Thuyền nào đỗ hẳn ở cửa biển Đà Nẵng thì do quan trấn, đỗ ở kinh kỳ thì do phái viên hai bộ Binh, Hình cử Hội đồng thị vệ đến lấy cung chắc chắn, cẩn thận nếu vì tình riêng mà bao che cho nhau khi bị phát giác thì người phạm tội sẽ bị trị tội nặng mà viên kiểm sát cũng bị nghiêm xử hoặc ăn tiền mà cố ý tha thì tính theo tang vật mà kết án." Năm 1832, hai quan là Hoàng Công Tài và Lê Văn Huyên hút vụng thuốc phiện bị tố giác, Minh Mạng xử tội trảm giam hậu và ban lệnh: "Từ hoàng thân quốc thích đến các quan lớn nhỏ trong kinh ngoài tỉnh đều nên khéo giữ gìn, tránh cho xa để thân danh được toàn vẹn, nếu kẻ nào còn vi phạm sẽ bị bắt tội không tha."
Rõ ràng giai đoạn đầu triều vua Minh Mạng, thuốc phiện lén lút mà công khai ở Việt Nam đến mức lo ngại. Tại Hà Nội, Đại Nam nhất thống chí chép: "Một số phú thương Hoa kiều (tại Hà Nội), lại tập trung vào mấy ngành buôn bán, xuất nhập khẩu chính: gạo, thuốc phiện, muối, thiếc và một số mặt hàng khác như tơ, lụa, giấy." Năm 1835, Minh Mạng định lệ một cách cụ thể hơn: "Phàm những người biết ai giấu thuốc phiện, nấu thuốc phiện, bán mua thuốc phiện hoặc hút thuốc phiện thì phải báo quan. Bắt được quả tang từ không đầy một cân trở xuống vẫn theo lệ trước thưởng cho người báo quan hai mươi lạng bạc, còn từ một cân trở lên thưởng thêm ba mươi quan tiền, năm cân trở lên thưởng năm mươi quan tiền, mười cân trở lên một trăm quan tiền... Ba mươi cân trở lên thưởng bốn trăm quan tiền." Năm 1836, tỉnh Quảng Ngãi khám bắt được thuyền buôn nhà Thanh chở lậu sáu mươi lăm cân thuốc phiện sống, hai mươi lăm lạng thuốc phiện chín đem về nội phủ, trong số người bị bắt có cả cháu của Âu Dương Phong là Âu Dương Cảnh Tồn làm thông dịch tiếng Pháp. Âu Dương Cảnh Tồn bị xử giảo (thắt cổ). Rồi chiến tranh nha phiến nổ ra giữa Anh và Trung Hoa năm 1840-1842, phần thua thuộc về Trung Hoa nên nước này đã phải ký hiệp ước Nam Kinh năm 1842 với 12 điều khoản nhưng trong đó có 5 điều khoản trọng yếu mà người Trung Hoa gọi là "Ngũ khẩu thông thường điều ước" trong đó có việc cắt Hương Cảng cho nước Anh và người Anh được tự do buôn bán thuốc phiện. Vì triều Nguyễn khó bề kiểm soát trên biển cũng như biên giới trên đất liền nên hiệp định này là cơ hội tốt cho những kẻ chuyên tuồn thuốc phiện vào Việt Nam. Năm 1847, tàu chiến Pháp ngang nhiên gây sự ở cửa biển Đà Nẵng đòi mở cửa thông thương nhưng vua Thiệu Trị vẫn cương quyết duy trì lệnh cấm và cho rằng: "Thuốc phiện là thuốc mê, cái hại rồi khuynh gia bại sản, hại tính mệnh người. Hai việc ấy đều nghiêm cấm ở nước ta. Ta sẽ giáng dụ để ghi vào quốc sử truyền lại cho đời sau để nghiêm tuyệt xa đi mà ngăn chặn mối lo ở ngoài." Lệnh ban bố như thế, nhưng các tàu buôn vẫn chở thuốc phiện đến bán. Còn về trồng cây thuốc phiện, có tài liệu nói người Mông ở các tỉnh tây bắc Việt Nam đã trồng từ thế kỷ thứ XVII, thực ra là không chính xác. Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, tác giả Philippe Papin viết: "người Mông bắt đầu di cư từ Trung Hoa sang sinh sống ở các vùng núi cao ở phía bắc và tây bắc Việt Nam vào thời kỳ Tự Đức mới lên ngôi (khoảng năm 1850)." Với số người di cư ban đầu không đông và họ trồng thuốc phiện chỉ để đáp ứng nhu cầu của họ nên sản lượng cũng không lớn.
Ba năm sau khi chiếm Đà Nẵng, ngày 28-12-1861, Thiếu tướng Hải quân Pháp Bonar đã ban hành một văn bản gồm 84 điều quy định liên quan đến việc mua bán thuốc phiện tại Nam Kỳ. Theo bản quy định này, việc nhập khẩu thuốc phiện vào Nam Kỳ thông qua hai cảng Sài Gòn và Chợ Lớn, chính quyền thu thuế 10% trị giá nhập khẩu và hàng năm họ tổ chức đấu thầu việc nhập khẩu, mua, bán thuốc phiện. Người trúng thầu sẽ được độc quyền nhập khẩu, quản lý mạng lưới bán lẻ, tổ chức các tụ điểm hút, tổ chức một đội ngũ "Viên chức Sở trúng thầu" để giám sát mạng lưới bán sỉ. Trong những năm 60 của thế kỷ XIX, một người Hoa là Ban Hạp ở Chợ Lớn thường xuyên trúng thầu và được quyền tổ chức buôn bán thuốc phiện tại Nam Kỳ. Doanh số thuốc phiện nhập khẩu vào Nam Kỳ hàng năm lên đến 500.000 quan Pháp, chiếm 50% trị giá tổng số hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Số thuốc phiện từ nước ngoài nhập vào Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Hoa. Năm 1862, Pháp cho nhập vào Nam Kỳ 260 thùng thì có tới 185 thùng do các thuyền buôn Trung Hoa chuyển đến.
Trước việc thực dân Pháp "mở cửa cho thuốc phiện nhập vào Việt Nam", vua Tự Đức đã bỏ lệ cấm hút thuốc phiện do Minh Mạng, Thiệu Trị ban hành trước đây mà cho đấu thầu, đánh thuế để tăng nguồn thu mà ước tính là trên 300.000 quan mỗi năm. Năm 1863, trong Quốc triều chính biên, Tự Đức quy định: "Nay thôi cấm mà đánh thuế thật nặng để người bán ít đi, từ đó người hút cũng ít theo." Lối giải thích gượng ép như vậy có lẽ do Tự Đức nhận thấy Thực dân Pháp đã hợp pháp hóa việc mua bán thuốc phiện nên có cấm cũng không hiệu quả. Tự Đức cho lập Ty Thuốc phiện ở miền Bắc và nhượng quyền khai thác cho các thương gia người Hoa để thu một khoản thuế.
Sau khi đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873 và dù Garnie bị quân Cờ Đen giết chết nhưng triều đình nhà Nguyễn buộc phải cấp đất cho Pháp lập khu nhượng địa ở Hà Nội. Ngày 20-7-1874, trong thương ước ký với Pháp, triều đình Tự Đức buộc phải chấp nhận cho Pháp được tự do buôn bán thuốc phiện ở miền Bắc. Song trước khi có thương ước thì thuốc phiện lậu đã khá nhiều ở Hà Nội, đặc biệt là các khu phố Hoa kiều. Nhóm cướp nào cần vũ khí, cứ mang thuốc phiện đổi cho quân Cờ Đen là được đáp ứng đầy đủ. Trong Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin, Paris, 1896) Hocquard kể lại lần đến khám thương cho một người lính Bắc Kỳ bị thương do cãi cọ ở tiệm thuốc phiện trên phố Tạ Hiện: "Thuốc phiện được bán theo trọng lượng của bạc. Người ta cân thuốc bằng một chiếc cân nhỏ trước quầy. Người mua đặt lên đĩa cân một thỏi bạc hay đồng bạc Mehico. Người bán thì đặt thuốc phiện lên một đĩa cân khác. Tôi biết một người Trung Hoa tiêu tới một đồng một ngày để thỏa mãn sự đam mê này. Trên chiếc sập kiểu An Nam có đầy đủ đồ đạc cần thiết cho người hút được bầy trên một cái khay lớn bằng gỗ mun khảm xà cừ. Người hút không phải với tay ra xa. Người ta ngửi thấy trong bầu không khí một mùi của caramen trộn lẫn với nhựa hương. Đó là thứ hương thơm của thuốc phiện hảo hạng khi đốt cháy. Một chiếc đèn nhỏ dùng để đốt nóng chất thuốc hồng lên dưới quả cầu pha lê và chiếc tẩu hút, cái ống tẩu được đóng bạc tận cùng bằng một mẩu to hổ phách màu vàng vẫn còn đang nóng. Trong một căn phòng lớn, những người hút nằm trên chiếc gường gấp kê dọc theo tường. Vừa bước vào phòng tôi đã thấy lợm giọng vì mùi hắc và mùi nồng do đốt các loại thuốc phiện kém chất lượng. Gần cửa ra vào, một ông già cao lớn có chùm râu bạc gầy giơ xương đang nằm dài trên giường. Giấc ngủ đến bất chợt, ông ta để tuột chiếc tẩu rơi xuống gần mình. Đôi môi của ông há ra như bị cứng đờ trong một kiểu cười nhếch mép. Cơ thể ông ta là một màu vàng khè của sáp được che phủ bởi bộ quần áo cũ và rách. Hai người đàn ông trẻ nằm kê đầu trên một chiếc gối họ đang chuẩn bị những tẩu thuốc của mình. Thuốc phiện làm họ mê muội, họ gần như không nhận thấy sự có mặt của tôi..."
Hocquard còn miêu tả rất kỹ về các đồ nghề, cách hút và còn phỏng vấn một số người vì sao họ đam mê cái thú này: "Chiếc tẩu với những chiếc nõ của nó có thể thay đổi, chiếc đèn nhỏ, những cái kim được làm nóng, chiếc lọ bằng ngà đựng thứ thuốc gây mê này. Chiếc tẩu được làm bằng một đoạn trúc rỗng dài ba đến bốn mươi phân bịt kín một đầu bằng nắp vặn. Cách nắp một vài phân là lỗ để đặt nõ di động. Một chiếc tẩu càng được sử dụng nhiều càng được tay chơi ưa thích. Đoạn trúc lúc đầu có màu trắng ngà, dùng lâu có màu socola. Như vậy chiếc tẩu mới có giá trị lớn. Một chiếc tẩu còn mới giá một đồng thì chiếc dùng lâu có giá hai mươi đồng". Tùy theo độ chơi của người hút mà dọc tẩu có thể bịt vàng, gắn ngọc và có hoa văn uốn lượn tinh tế nhưng cơ bản vẫn phải có tam khí (3 kim loại khác nhau) và bàn hút phải có ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Dọc tẩu tuyệt nhất chính là làm từ thân cây ớt già nhưng thân cây ớt dáp ứng được theo tiêu chuẩn vô cùng hiếm.
Không phải ai hút thuốc phiện cũng biết tiêm vì công việc này đòi hỏi không chỉ biết cách mà còn phải khéo tay, nếu không rất lãng phí thuốc vì thế mới sinh ra những người tiêm chuyên nghiệp. Những tin đồn thổi hút thuốc phiện ở các tiệm cô đầu phố Khâm Thiên được gác đầu lên đùi trắng nõn của các cô tiêm thuốc chỉ đúng một phần vì nếu ống điếu ngắn thì các cô không duỗi chân ra được, còn ông điếu dài thì chỉ gối lên cẳng chân. Về những người tiêm thuốc Hocquard viết: "Anh ta hơ nóng trên chiếc đèn nhỏ một cái kim bạc có tra cán gỗ, sau đó anh ta đặt nó vào lọ thuốc phiện. Một lượng nhỏ của thuốc kết lại dưới sức nóng và bám vào đầu kim. Sau đó chiếc kim này lại được hơ nóng trên ngọn đèn với sự cẩn trọng bằng cách xoay nhè nhẹ. Thuốc tự chảy ra phồng lên có hình dạng giống như một loại bi, rồi đập bẹp và kéo dài bằng cách ấn nó xuống mặt chiếc khay đựng tẩu. Khi bi thuốc được nhào đủ thì anh ta đặt nó vào trong chiếc lỗ nhỏ của nõ và hơ chiếc nõ này lên ngọn đèn". Như vậy thuốc phiện đã tan chảy và biến thành hơi và người hút sẽ hít vào cho đến khi hết khói thì thôi. Trung bình cần phải mất năm sáu phút để chuẩn bị thuốc cho một lần hút và mất năm đến sáu giây để hút. Khi nõ điếu đầy, người tiêm lấy que sắt nhọn đầu tỉ mỉ móc phần thuốc cháy không hết bám ở thành nõ ra, đó chính là xái. Chủ tiệm bán xái cho người ít tiền. Người tiêm cho xái vào trong lọ đánh nhuyễn với một hai giọt rượu sau đó viên thành từng điếu cỡ hạt đậu xanh, đó là xái nhất, nạo lần thứ hai là xái hai, cho đến xái thứ mười vì thế có câu:
Nhất dương sinh
Nhị dương sinh
Tam dương khai thái
Tứ đại đồng đường
Ngũ phúc lâm môn
Lục xuất Kỳ Sơn
Thất cầm Mạch Hoạch
Bát tiến quá hải
Cửu thế đồng cư.
Đến xái thứ mười không đánh được nữa thì thì vun vào lòng bàn tay vỗ vào miệng gọi là thập toàn đại bổ. Thực ra đến xái thứ tám cũng đã cháy khô khốc chẳng còn gì. Thuốc tốt mới có xái còn thuốc tạp thì đến xái thứ hai là không còn gì. Hút xái đỡ tệ hơn là phải uống nước "cam lồ" (nấu bã xái cùng với giẻ lau chùi tiêm, lọ và khay đèn). Ấy vậy mà vẫn ca tụng: "Chết kèn trống, sống xái bao." Trong các tiệm hút còn có những người phục vụ nước chè và nếu nước chè được pha trộn với một số thảo mộc khác sẽ có tác dụng chống nôn. Thiên hạ gọi người hút thuốc phiện là dân bẹp (vì nằm bẹp bên bàn đèn cả ngày) hay dân "chấm chiếu". Người đã nghiện thì nóng đến mấy cũng không biết nóng, oi ả đến mấy cũng sợ gió. Nghiện rồi không có tiền hút sinh ra hư hỏng, ban đầu lấy đồ nhà đi bán, hết đồ nhà sinh ra trộm cắp, giết người.
Có nhiều chuyện truyền miệng về gián, chuột, thạch sùng do kiếm ăn ở trong phòng hút thuốc phiện nên cũng sinh nghiện. Trong truyện ngắn Người rơi xuống hố đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy nhà văn Ngọc Giao: "Sau khi làm hơn chục điếu, anh móc túi xem còn tiền để mua thêm thuốc bỗng thấy con chuột nhắt, lôi nó ra mà nó còn ngây ngây cứ bò vòng tròn. Con chuột này mắc nghiện và nó chui vào túi vừa ấm lại được thưởng thức mùi thuốc." Thế nhưng câu chuyện hổ nghiện thuốc phiện mới là đáng kể, nó lưu truyền trong dân gian do Nguyễn Hạnh kể lại, không kiểm chứng được thật bịa thế nào. Chuyện là cuối thế kỷ XIX, có một thanh niên là Phạm Tình quê ở Hưng Yên lên Hà Nội làm nghề chạy bàn cho một người Hoa chuyên bán cơm rang ở phố Hàng Buồm. Khi quán vãn khách, Tình lại ngửi thấy mùi thơm khai khai, nằng nặng luẩn quất trong cửa hàng, hỏi người nấu bếp là Vũ A Linh, người bản Vang Hồ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên ngày nay) thì A Linh bảo mùi khai khai đó là thuốc phiện. Cha của A Linh nghiện thuốc phiện nặng lại không làm ra tiền nên con cái tứ tán. Thấy Tình hỏi, A Linh xui Tình làm quen với các bà nạ dòng người Hoa hút thuốc phiện xin sái hút thử khắc biết. Tình nghe theo và lâu dần sinh nghiện. Vì nghiện nên lúc lên cơn Tình chạy bàn không còn nhanh nhẹn như trước nữa đã bị chủ đuổi việc. Đang bơ vơ thì người Hoa ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) lập Hội quán, để có tiền hoạt động, họ cho thuê trụ sở của hội. Thấy Tình quen với bà người Hoa đang không có việc nên cho làm chân trông coi. Sẵn nhà, lại ăn gian được tiền thuê, A Linh và Tình lén lút mua thuốc về hút. Bị phát hiện, Tình bị một trận đòn thập tử nhất sinh, bị cấm không được vào phố của người Hoa. Thế là cả hai bỏ Hà Nội về Mường Nhé. Ở Mường Nhé, hai người ngày ngày vào đào giun làm mồi câu, bóp chân tay cho bố đẻ một quan Pháp, tối đến về hút thuốc phiện ở cái lán nhỏ tại bản Lèng Xu Xìn. Hai người hút thuốc phiện khiến một con hổ tối tối vào bản rình bắt lợn nghiện mùi thơm đó, thế là đêm đêm nó mò đến nằm dưới sàn, gần sáng lại bỏ đi. Rồi A Linh trộm tiền của quan Pháp nên bị đánh chết, Tình cũng bị đuổi, không chốn nương thân Tình chạy sang Mường Tè, nằm bẹp trong hang, con hổ đi theo, không còn mùi thuốc phiện và trong lúc đói nó xông vào vồ Tình ăn thịt. Lại còn những chuyện đại khái như bà phán đang hồi xuân mà ông phán lại không đáp ứng được nên bà xui chồng đi hút thuốc phiện, thứ mà người ta đồn đại có khả năng giúp đàn ông kém cỏi được viết đầy trên các tờ báo ba xu.
Dân Hà Nội biết tác hại của thuốc phiện và họ phản kháng bằng thơ ca. Một ông tú ở phường Diên Hưng (phố Hàng Ngang ngày nay) có bài Giới yên ca:
Câu tục ngữ sát nhân vô kiếm
Thực khen hay nha phiến có danh
Ấy ai thầy thợ mối manh
Làm cho đổ quán siêu đình bỗng dưng
Lúc đầu họ tưởng nha phiến sinh ra ở Mãn Châu:
Ra chi thuốc Mãn Châu nhựa cống
Mà đem thân vàng ngọc hút vào
Hút vào lợi chẳng thấy đâu
Nhưng nay cái hại theo sau báo liền.
Không chỉ thơ, mà còn có cả văn tế thuốc phiện: "Kìa những kẻ buôn hương bán phấn nhờ ôn hương mà dụ khách phồn hoa, bao nhiêu người kế lợi công thương, mượn thức tỉnh để tiện khi sổ sách. Chốn quyền môn quý khách càng che, đoàn vũ nữ ca nhi cũng mộ. Cũng có kẻ giận công danh trắc trở, bạn cùng người cho khuây nợ tang bồng, lại có người buồn quán xa xôi, chơi cùng người cho vui niềm vân thụ. Vui anh em một khi một điếu, nếm mùi đời cho đủ thứ mà chơi, nào ngờ phút bén phút quen, giục lòng khách đến cơn lại nhớ. Ho hen ngáp vặt, mặt mũi lừ đừ, xổ mũi dạ đau, chân tay buồn bã... Gái thuyền quyên nên mặt bủng da chì, trai tráng sỹ cũng so vai rụt cổ..."
Lái buôn Pháp là Jean Dupuis ngang dọc đất Bắc Kỳ, sang cả Vân Nam (Trung Quốc) làm ăn, y đã đổi thuốc phiện cho quân Cờ Đen lấy vũ khí. Nhưng thuốc phiện đạt lên đỉnh cao của sự tự do buôn bán và hút sách khi Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902, đề ra chính sách Công quản Nha phiến vào năm 1899. Ông ta cải tổ việc khai thác thuốc phiện khi sáp nhập năm ty thuốc phiện thành một Công quản Nha phiến duy nhất và cho xây một lò nấu hiện đại ở Sài Gòn để chế thuốc phiện Ấn Độ thành dạng keo đen hút được ngay. Trong cuốn Đông Dương ngày ấy, 1898-1908 của Claude Bourrin, tác giả kể rằng khi ông được điều lên cửa khẩu Lạng Sơn làm nhân viên thuế đã chứng kiến những người Thổ (ở Trung Quốc) gùi thuốc phiện sống (thuốc chưa tinh chế bị cấm) ngang nhiên đi qua cửa khẩu để bị bắt, sau đó thuốc phiện này đàng hoàng được nhập vào kho rồi sau đó chuyển vào nhà máy chế biến ở Sài Gòn. Sau này Claude Bourrin mới hiểu đó là đường dây buôn bán thuốc phiện từ Trung Quốc đến Sài Gòn.
Cuốn Hà Nội, giai đoạn 1873-1888, Audré Massan (tác giả là lưu trữ viên của Sở lưu trữ và Thư viện Đông Dương) trích từ cuốn Ở Bắc Kỳ (Au Tonkin, Paris, 1885) của P.Bonnetain (phóng viên báo Le Figaro ở Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX): "Từ một con đường nhỏ rộng chưa đầy ba mét đầy những hố nước hôi thối vào năm 1883, phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Tràng Thi) trở thành một con đường mới rất rộng... Cứ khoảng mười mét lại có một quầy ghê tởm bán thứ hàng đếm từng giọt (thuốc phiện) của các con buôn đáng xấu hổ trong nền thương nghiệp của chúng ta lúc đó." Số cửa hàng bán thuốc phiện tăng nhanh và đến khi chính sách của Paul Doumer ra đời cộng thêm việc cấm rượu nấu thủ công nên Hà Nội ngày càng có nhiều các cửa hàng bán rượu ty R.A (Régie Alcool – rượu quan quản) kèm theo bán thuốc phiện ty R.O ( Régie Opium – thuốc phiện quan quản), họ phải treo bảng hiệu hai mặt có hai dòng chữ này cùng với cờ ba sắc (cờ Pháp). Nhìn thấy gai mắt, nhà thơ Nguyễn Khuyến có bài Thơ mừng một ông ký rượu:
Rày xem bác thỏa lòng chưa
Phút chốc làm nên biển với cờ.
Thuốc phiện ty đựng trong hộp nên còn gọi là thuốc phiện hộp để phân biệt với thuốc ngang. Có ba loại hộp, loại một lạng (mười đồng cân tương đương với 37,5 gam), loại năm đồng cân và loại hai đồng cân. Nha thương chính của nhà nước độc quyền bán thuốc phiện, thuốc lậu còn gọi là thuốc ngang bị cấm, nếu nhân viên thu thuế bắt được dù chỉ một vài đồng cân thì tiền phạt có thể lên đến bạc trăm. Trong năm năm Paul Doumer làm toàn quyền, số tiền thuế thu được từ thuốc phiện đã chiếm hơn một phần ba số tiền thu nhập được từ thuộc địa. Trong cuốn Lịch sử Hà Nội, nhà sử học người Pháp Philippe Papin viết: "Thuế muối, rượu và thuốc phiện đem lại 80% nguồn thu cho ngân sách của chính phủ toàn quyền trong đó thuốc phiện chiếm hơn 50%. Những người tiêu thụ thuốc phiện chủ yếu là người Hoa với khoảng 20% vì thế đã tạo ra ngân sách Đông Dương khoảng 20% thu nhập." Đến năm 1918, ở Việt Nam đã có 1.512 tiệm hút và 3.098 tiệm bán lẻ thuốc phiện. Tuy nhiên người ta ước tính số tiệm lậu, số người hút thuốc ngang cũng tương đương với từng ấy. Còn tại Hà Nội, theo thống kê của đốc lý Virgitti năm 1938 Hà Nội có khoảng 400 tiệm công khai nằm rải rác khắp thành phố nhưng nhiều nhất ở phố hàng Buồm, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây...Trong các xóm trọ tồi tàn cũng có các tiệm hút rẻ tiền nằm sát bên nhà thổ lậu thuế .
Hút thuốc phiện không chỉ có tiện dân, trí thức Nho học cũng nhiều người chơi món này và cả các nhà văn, trong hồi ký của nhạc sỹ Phạm Duy có đoạn "Một trong những người anh họ của tôi là Ôn như Nguyễn Văn Ngọc, con bác Hai phố Hàng Đường. Tôi thường được ngồi ngắm tác giả "Cổ học tinh hoa", "Tục ngữ phong dao" nằm hút thuốc phiện. Trong đại gia đình tôi không chỉ có anh Ngọc mới là bạn của nàng tiên nâu. Tôi có bao nhiêu ông chú, ông cậu có bao nhiêu ông anh hay em họ là có bấy nhiêu "ông tiên". Thậm chí sau này,con của cậu tôi tên là Bá còn mở hẳn một tiệm hút ở phố Hàng Dầu, không có nhà văn Hà Nội nào là không tới để gặp nhau. Ở đây tôi có gặp Đồ Phồn, Lan Sơn, Đàm Quang Thiện..." Lưu Thần là bạn của Nguyễn Tuân, Thần bị vợ bắt phải về quê ở Thanh Hóa ăn giỗ. Nguyễn Tuân khuyên Thần về nhưng hắn xin ở lại một ngày để vợ con về trước. Tối ấy, Nguyễn Tuân và Thần đi hút, họ tâm tình, nói xấu những người vắng mặt, sáng hôm sau Nguyễn Tuân tiễn Thần ra bến tàu, lỡ tàu, họ đi ăn trưa, hút thuốc phiện đến năm giờ chiều. Rồi lại tiễn Thần ra ga, khi tàu chạy Nguyễn Tuân mừng thầm đã giao Thần về quê với vợ. Nhưng sáng sau chị vợ từ quê lên cáu gắt với Nguyễn Tuân, bảo ông cùng chị đi tìm anh chồng mất nết. Họ cùng đi tìm tại các tiệm hút, sau thấy Lưu Thần ở tiệm hút hôm trước, chị vợ day dứt chồng vì tội mê thuốc phiện. Khi ấy Nguyễn Tuân mới biết Lưu Thần đã nghiện nặng nên cố bám ở lại Hà Nội không chịu về Thanh ăn giỗ, anh ta đã đánh lừa Nguyễn Tuân, lên tàu rồi nhưng đến Thường Tín thì xuống và lên ô tô trở lại Hà Nội. Đó là một câu chuyện trong phóng sự Tàn đèn dầu lạc của nhà văn Nguyễn Tuân do NXB Mai Lĩnh in năm 1941.
Nguyễn Vỹ sinh năm 1912 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Thời thanh niên đã từng cắt tóc đi tu, tu không thành, phá giới đi gánh cát thuê ở bãi sông, bán kẹo ở Hà Nội, bán báo ở Sài Gòn. Sau thời gian lăn lộn trong cuộc sống khắc nghiệt, lam lũ cảm thấy đủ "vốn sống’’, Nguyễn Vỹ quyết định ra Hà Nội hành nghề viết văn, làm báo cùng bạn văn đất Hà Thành. Ông cùng họa sĩ Nguyệt Hồ, thi sĩ Nguyễn Bính thành lập nhóm Việt-Pháp, ra tờ báo tiếng Pháp Le Cygne với mục đích truyền bá tư tưởng tiến bộ góp phần nâng cao dân trí. Le Cygne có rất nhiều bài viết công kích chính sách, đường lối cai trị hà khắc của Pháp. Vì có xu hướng dân chủ, tự do, bác ái, là những điều ngoài mong muốn của chính phủ Pháp nên nhóm Việt-Pháp bị mật thám đưa vào tầm ngắm. Trong cuốn Nguyễn Bính – Thơ và Đời (NXB Văn học, HN.2000), ông Đỗ Đình Thọ kể lại chuyện Nguyễn Vỹ cùng Nguyễn Bính, Nguyệt Hồ hút thuốc phiện và đối thơ với René Creyssac, trưởng phòng kiểm duyệt báo chí của Sở Mật thám Bắc Kỳ. Trong một lần viên mật thám này đến "thăm" nhóm Việt-Pháp, ba người quyết định tìm cách đánh tan ấn tượng xấu về Le Cygne của R. Creyssac. Họ hội ý rất nhanh và thống nhất mời R. Creyssac đi nhậu rồi "chiêu đãi" thuốc phiện ở tiệm Phi Yến Thu Lâm tại phố Mã Mây. Tiệm hút này nổi tiếng Hà Thành và để quảng bá cho thương hiệu mình, chủ tiệm cho kẻ bảng hiệu chữ Phi Yến Thu Lâm không có dấu nên khách hút tán ra là Phiện Thú Lắm (Phi Yến = Phiện. Thu Lâm = Thú Lắm). R. Creyssac giỏi tiếng Việt, tiếng Hán, thuộc Truyện Kiều, am hiểu văn hóa phương Đông và rất biết các thú chơi của văn nghệ sỹ Hà Thành. Cao hứng và cũng muốn thử tài văn sĩ Bắc Hà, khi hít xong một hơi, R. Creyssac nói: "Tôi ra một đề các ông cùng làm thơ, nếu hay sẽ được thưởng." Mọi người tán thành, và R. Creyssac ề à đọc:
Phi yến Thu Lâm... nghĩ cũng hay.
Rồi giơ tay làm điệu bộ mời đối, lập tức Nguyễn Bính nối ngay:
Nằm trên giường tựa nằm trên mây.
Nguyễn Vỹ nối tiếp bằng tiếng Pháp nhưng lại hợp cảnh, hợp tình đúng niêm luật của thơ Đường:
Uyn, đơ, troa, cát-Ken-cờ-Píp’’ (quelques Pipes)
Còn Nguyệt Hồ kết:
Quật ngã A nam, ngã cả Tây!
(Phi Yến Thu Lâm nghĩ cũng hay
Nằm trên giường tựa nằm trên mây
Uyn đơ, troa, cát-Ken cờ Píp
Quật cả An Nam, ngã cả Tây)
Bài thất ngôn tứ tuyệt, liên hoàn của cả bốn người nói về cảnh hút thuốc và câu tiếng Pháp nghĩa là một hai ba bốn (đều) hút thuốc lại rất đúng ý nghĩa, vần điệu. R. Creyssac tỏ ra khó chịu với câu cuối nhưng Nguyễn Bính nhanh trí giải thích rằng, chúng ta làm tình nàng ấy thì ai cũng bị quật ngã chả cứ An Nam hay Tây. Còn Nguyễn Vỹ đế vào: "Ha ha... Moa ngã, Toa ngã chúng ta đều bị nàng tiên nâu quật ngã cả!" R. Creyssac hậm hực nhưng miễn cưỡng gật gù đồng tình. Tuy vậy, y vẫn chưa chịu, muốn thử tiếp nên chậm rãi lí giải: "Hay thì có hay nhưng là của bốn người. Cần phải xác định thực tài của thi sĩ Bắc Hà, nghĩa là chỉ từng người một." Nguyễn Vỹ hỏi luôn: "Nếu chúng tôi làm được thì sao?" R. Creyssac cười nhạt: "Nếu hay sẽ thưởng bốn điếu chính hiệu con nai vàng." Nguyễn Vỹ giục: "Vậy ngài ra đề đi." R. Creyssac liền đọc: "Á phiến, Á phiện!" Nguyệt Hồ nháy với Nguyễn Bính: "Ông Bính chiều quan đi chứ?" Nguyễn Bính đọc luôn:
Phảng phất hồn mơ nấm mộ đen.
Tai nghe giọt nhựa khóc trên đèn.
Mê li cả một trời đông Á.
Nhè nhẹ tâm hồn, lỏng khóa then!
Nếu ai đã từng chứng kiến các con nghiện đang hút mới cảm thấy ý nghĩa của bài thơ: trong căn phòng kín gió, mờ tối (người nghiện thuốc phiện rất sợ nước, sợ gió), khói thuốc mù mịt, ta cảm thấy như đang ở trong ngôi mộ đen. Tai ta nghe thấy người bồi thuốc đưa cục nhựa hơ trên lửa của ngọn đèn đốt bằng dầu lạc, phát ra tiếng xèo xèo, rin rít... cứ như tiếng khóc nỉ non của "hồn ma"... rồi khi hít khói vào, con nghiện phê thuốc, cảm thấy người như bay lượn trong không gian, tâm hồn rạo rực, kích thích... cơ thể hưng phấn đến lỏng khóa... then. R. Creyssac chịu tài Nguyễn Bính, và giữ đúng lời hứa.
Khi Khâm Thiên trở thành phố cô đầu thì thuốc phiện cũng theo chân về đây. Hầu hết các nhà hát cô đầu đều có bàn thuốc phiện. Thực ra trong giới văn sỹ và báo giới Hà Thành, không chỉ có Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Vũ Bằng... và Đái Đức Tuấn với tuyên ngôn: "Đời là rượu, phiện, gái"... là đệ tử của nàng tiên nâu, mà còn có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nhà báo nổi tiếng đất Bắc Kỳ. Cũng như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng có tác phẩm về thuốc phiện. Năm 1937, khi mới hai mươi bốn tuổi, Vũ Bằng đã in tiểu thuyết đầu tay Một mình trong bóng tối, sau đó là Hai người (1940) rồi Ba truyện mổ bụng (1941) và Bèo nước (1944)). Cai xuất bản năm 1942, nhưng trước đó ông cho đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Chủ nhật từ năm 1940 đến 1942. Họa sỹ Tạ Tỵ, bạn thân của Vũ Bằng, đã viết trong một bút ký chân dung: "Vũ Bằng bước chân vào văn nghiệp với một thế hệ đàn anh sa ngã, trụy lạc trong những đêm dài ca quán, trong hương khói quê nâu, trong vòng môi ân tình đĩ điếm. Vì muốn tỏ ra mình cũng xứng đáng là tay tiểu tướng trong chốn giang hồ lạc phách của ‘trường văn trận bút’, Vũ Bằng, với tự ái tuổi trẻ, lao đời mình vào đam mê để hủy hoại đời sống và tin rằng mình đã làm một việc đáng làm, không ân hận gì hết, nếu ngày nào đó thân xác mình bị vùi lấp bởi ô nhục thì cũng cứ được đi. Cái tâm trạng chán đời của lứa tuổi thanh niên những năm 1930-1940, nó là mẫu số chung cho bài toán của một dân tộc bị đô hộ... Ở giữa cái không khí ấy, chả riêng gì Vũ Bằng ‘bị’ mà có rất nhiều thanh niên làm văn nghệ ‘bị’, nhưng họ không có cái can đảm và sự may mắn kinh qua như Vũ, cũng chính vì thế, họ chết dập vùi ở một xó xỉnh nào đó giữa cuộc đời ngàn vạn lối đi vào quên lãng..." Lần đầu tiên Vũ Bằng phê thuốc lại ở chính nơi đẹp nhất Hà Nội, đó là cầu Thê Húc sơn đỏ uốn cong nối từ Tháp Bút ra đền Ngọc Sơn, nơi thờ Văn Xương, ông viết trong Cai: "Nửa giờ đi qua, tôi cứ đứng vịn thành cầu mà rỏ dãi xuống hồ. Toàn thân tôi không còn là da, thịt hay gân, sụn. Nó là một cái gì rỗng và nhẹ. Bảo là một con búp bê nhựa có lẽ đúng, bởi vì chân tôi như không còn bám được trên mặt đất. Giá lúc đó có một vài cơn gió to, tôi bay lên không mất..."
Hầu hết người nghiện thuốc phiện là đàn ông, đàn ông dễ nghiện vì bản tính ham thích cái lạ, cái mới, trong cuốn tiểu thuyết Thuốc phiện (L’Ompium) mà bối cảnh là Bắc Kỳ, tác giả P.Bonnetain viết: "Sau cái lông mày xếch, cánh tay gân guốc là một tâm hồn yếu đuối. Còn đàn bà khó nghiện hơn và nếu có nghiện chỉ là dân giang hồ." Trường hợp như Liên Hường trong Cai của Vũ Bằng là hiếm gặp. Liên Hường là con gái xứ Huế, xinh đẹp, trong trắng, biết ngâm thơ, hát bội, nghiện thuốc phiện chỉ vì Vũ Bằng. Liên Hường đã bỏ Huế ra Hà Nội để được gần nhà văn trẻ mà nàng ngưỡng mộ. Hàng ngày, cô theo Vũ Bằng đến tiệm hút chỉ là để xem, rồi châm lửa cho nhà văn và rồi hút lúc nào không hay. Thời kỳ này, Vũ Bằng chỉ tôn thờ ba thứ: văn chương, Liên Hường và thuốc phiện. Đã nhiều lần ông muốn bỏ nhưng ý chí không thắng nổi thói quen. Cuối cùng ông chia tay với nàng tiên nâu do trận ốm thập tử nhất sinh. Ông viết vào tờ giấy treo đầu gường "Cha ta sống lại mà bảo hút thuốc phiện ta cũng không hút". Ở cuối giường cũng có dòng chữ sám hối: "Thuốc phiện giết chết cả dân tộc mày, làm cho bao nhiêu người xung quanh mày sống ai oán, chết khổ sở, mày có nhớ không". Một lần tự đến tiệm hút để thử thách bản thân và ông đã gặp Liên Hường đang nằm bên bàn đèn, ông mô tả trong Cai: "Đôi đứa chúng tôi vẫn nằm bên khay đèn như hồi trước. Ngọn đèn dầu lạc vẫn soi bóng tờ mờ vào đôi mái đầu xanh. Nhưng Liên Hường thực của tôi đã đi dâu mất rồi? Nằm đối diện tôi bây giờ chỉ còn lại một Liên Hường gầy guộc, xanh xao, má trát phấn tô son không đủ che được một làn da quá bủng. Chung quanh đôi mắt bồ câu, những đường nhăn đã bắt đầu và những những nét buồn. Gân chằng mạng nhện ở cổ. Tay nàng khô hanh và bé như xương gà. Toàn thân tiết ra một sự tàn phá làm cho ta ghê sợ..." Bỏ thuốc phiện không dễ nhưng đàn ông dễ nghiện thì dễ bỏ, còn phụ nữ khó nghiện và cũng khó bỏ. Phụ nữ nghiện bị tắt kinh, không còn khả năng sinh đẻ, khi thiên quyền không còn thì họ cũng chẳng cần thiết phải bỏ nó. Năm 2009, tôi hỏi ông Vũ Tuấn, con trai cả của Vũ Bằng và Nguyễn Thị Quỳ, có biết gì về chuyện cha ông hút thuốc phiện không, ông Tuấn nói rằng khi đó còn quá bé.
Theo nhà văn Nguyễn Tuân, thời kỳ 1930 đến 1945 là đỉnh cao của thuốc phiện ở Hà Nội. Cánh văn sĩ nghiện không dám rời Hà Nội vài ngày vì sợ đến các vùng quê không có bàn đèn. Mà có đi thì đêm xuống ra sân ngước về Hà Nội lẩm bẩm rủa đám bạn đang "bẹp". Giai đoạn này Hà Nội có khoảng 400 tiệm hút. Có tiệm sang trọng, song không thiếu tiệm kê các tấm phản xộc xệch, không khí hôi hám. Hà Nội cũng có ba tiệm hút dành cho người nước ngoài, đến đây chủ yếu là người Pháp. Ấy là chưa kể nhiều người có địa vị xã hội, không ra tiệm mà sắm đồ hút tại gia. Tại sao Hà Nội nhiều tiệm bán và hút công khai trong khi các tỉnh khác có rất ít và nếu có thì lén lút? Nguyên nhân bởi Hà Nội là thuộc địa nên luật Pháp quốc chi phối tất cả các hoạt động, trong khi các tỉnh Bắc Kỳ chỉ là vùng bảo hộ. Các tỉnh Bắc Kỳ tuy đặt dưới quyền kiểm soát của viên toàn quyền có nhiệm vụ giữ trật tự và thu thuế nhưng triều đình Huế vẫn tiếp tục cử quan lại ra cai trị, đồng thời người nông dân vẫn sống theo quy định của triều đình và phong tục tập quán của họ. Ở hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ, hút thuốc phiện là xấu xa, bị cộng đồng lên án nên hoạt động này diễn ra lén lút. Vì thuốc phiện được chính quyền cho phép nên không ai thống kê số người nghiện. Tuy nhiên, tính trung bình mỗi ngày một tiệm có ba mươi khách thì Hà Nội có khoảng hơn một vạn người nghiện.
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam DCCH ra đời, cùng với diệt "giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm", chính quyền mới cấm thuốc phiện và mại dâm. Một số tiệm đóng cửa nghe ngóng, một số tiệm hoạt động bí mật. Khi Pháp tái chiếm Hà Nội đầu năm 1947, các tiệm hút mở lại. Nhưng khi nước CHND Trung Hoa thành lập vào ngày 1-1-1949 thì nguồn cung từ Trung Quốc không còn, vì chính quyền mới nghiêm cấm thuốc phiện. Nguồn cung từ miền Nam vẫn đủ cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ và đáp ứng nhu cầu của khoảng trên một vạn người nghiện. Khi đứng ra làm đám cưới cho cấp dưới ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1951, Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục quân nhu, vẫn cho mua đủ thứ như một đám cưới xa xỉ ở thành phố: thuốc lá thơm, rượu Tây, cà phê, ban nhạc và Châu còn thiết kế hẳn một gian nhà lá bên cạnh hội trường cho khách chơi thuốc phiện. Để khỏi mất thời gian, Châu cho mời một đội tiêm thuốc lành nghề từ Hà Nội lên. Trong số khách hút thuốc phiện tại đây có cả cán bộ trung cấp. Ngày 10-10-1954, đoàn quân từ chiến khu về tiếp quản Hà Nội, theo thống kê khi đó Hà Nội có 2000 tiệm hút thuốc phiện lớn nhỏ. Chính quyền mới quan niệm thuốc phiện là tệ nạn xã hội nên nhiều người tự cai. Theo ông Nguyễn Bắc, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội từ năm 1954 đến 1977 thì các thầy bói phải tập trung học tập ở đền Ngọc Sơn, còn các chủ tiệm thuốc phiện tập chung học tập cải tạo ở 19 phố Hàng Buồm. Họ buộc phải làm kiểm điểm nhận tội tổ chức hút thuốc phiện là có tội với nhân dân. Với người nghiện, ngoài số bị dân tố cáo, cơ quan công an thấy ai lảng vảng qua lại nơi từng là tiệm hút là bị giữ luôn rồi đưa đi cai ở trại Xuân Phương (huyện Từ Liêm). Để người nghiện cai thuốc, cán bộ trại không dùng bất cứ bài thuốc Nam nào mà họ dùng thuốc của họ, tức là yêu cầu người nghiện xếp hàng một và người đứng sau đẩy người đứng trước xuống hồ, người cuối hàng thì tự nhảy xuống trong mùa đông giá buốt. "Bài thuốc" này rất hiệu quả, lạnh đến sưng phổi còn nghĩ gì đến ả phù dung. Nhưng có người cai được về nhà vẫn không chừa. Nhà văn Nguyễn Tuân dù cai từ lâu và đi theo kháng chiến nhưng vẫn bị một nhà phê bình văn học – sau này làm Viện trưởng Viện Văn học, lôi phóng sự Tàn đèn dầu lạc ra đấu và kết án ông là dân cô đầu, thuốc phiện rồi cho rằng Nguyễn Tuân đề cao chủ nghĩa hưởng lạc cá nhân bằng lối ích kỷ, trụy lạc của tầng lớp tiểu tư sản Hà Nội.
Sau năm 1954, cứ ngỡ tưởng miền Bắc sẽ không còn kẻ buôn nhưng thập niên 60-70 thuốc phiện từ Tây Bắc vẫn về Hà Nội với cái tên là "cơm đen". Ngoài một phần do bà con dân tộc trồng còn thì từ Lào chuyển qua. Có "cơm đen" là vẫn còn người cần nó như cơm trắng. Chính quyền làm gắt gao nên họ tìm đến các khu lao động An Dương (quận Ba Đình ngày nay), Mai Hương, nơi tập trung dân tứ chiếng như Trại Găng (nay thuộc quân Hai Bà Trưng), ra bãi sông Hồng, lập tiệm và bán lẻ. Lãi bao nhiêu chui cả vào ống điếu. Phần lớn thuốc không có chất lượng nên dân nghiện phải tán viên C và B1 rồi trộn lẫn với thuốc mới có xái. Trước năm 1975, dân nghiện Hà Nội chỉ hút mà không có tiêm chích, sau 1975, một số người vào miền Nam học được cách nấu thuốc với nước cất để chích. Thập niên 90, xóm liều Công viên Thanh Nhàn có nhiều ổ chích thứ này. Nghiện nặng, lại ít tiền mà hút ít không đủ phê nên chỉ cần năm mươi nghìn chích một phát vào tĩnh mạch là lơ mơ cả ngày. Còn tại bãi tẩm quất Cửa Nam, non nửa trong số thợ ở đây là dân nghiện. Chập tối đã mang chiếu ra trải, đấm được một hai khách là họ rủ nhau đi bẹp.
Bây giờ nghiện thuốc phiện phần lớn là trung niên và người già, còn thanh niên ít dùng món này, vì hút thuốc phiện phải có đồ nghề trong khi các dạng ma túy mới lại rất nhiều và thuận tiện, có thể "chơi" ở bất cứ chỗ nào khi lên cơn. Ma túy thời nay thực sự trở thành vấn nạn cho không ít gia đình, gánh nặng cho xã hội và cho nòi giống Việt.