Trong một báo cáo vắn tắt gửi cho giáo hội khi đi truyền giáo ở Đàng Trong (1618-1622), giáo sỹ Cristoforo Borri viết, dân bản xứ biết dùng thuốc lá, tuy không nhiều bằng ăn trầu. Từ điển Việt-Bồ-La của giáo sỹ Alexandre de Rhodes xuất bản ở Roma năm 1651 có ghi thuốc lào theo tiếng Bồ Đào Nha là tabaco, tiếng Latinh là betum, từ điển này cũng có các từ ăn thuốc và hút thuốc. Và từ điển Việt-Bồ-La cũng giải thích, thuốc lào là từ ghép giữa thuốc chữa bệnh và nước Lào, có nghĩa là thuốc nhập qua Lào, vì người ta gán cho loại thảo mộc này có công dụng chữa bệnh, nên mới gọi là thuốc.
Theo Vân đài loại ngữ của học giả Lê Quý Đôn thì: "Sách Thuyết linh chép: thuốc lá (tiếng Hán là Yên diệp) sản xuất từ đất Mân (dân Bách Việt ở Phúc Kiến). Người ở vùng biên giới bị bệnh hàn, nếu không có thứ thuốc này thì không trị được. Vùng quan ngoại thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem đổi một con ngựa lấy một cân thuốc. Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh Tý (1660) đời vua Lê Thần Tông, người Ai Lao mới đem đến, dân ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất." Như vậy có thể nói, dân Đàng Ngoài biết hút thuốc sau dân Đàng Trong và Đại Việt biết hút thuốc lào bằng điếu cày và điếu bát từ cuối thế kỷ XVII. Thân của điếu cày có thể làm bằng gióng tre, nứa đường kính trong khoảng từ năm đến bảy phân, chiều dài thường không quá bốn mươi phân, trên thân điếu người ta khoét lỗ để cắm nõ nhưng nõ cách đáy điếu tối đa là bảy phân. Ngày xưa người ta thường làm nõ bằng gỗ, thời bao cấp người ta thay nõ gỗ bằng nõ nhôm vì nõ gỗ dùng lâu lửa bén vào làm nõ rộng hoác. Người hút đổ nước vào để khói qua nước hút sẽ không nóng cổ, nhưng lượng nước phải luôn thấp hơn nõ. Những chiếc điếu đẹp và cầu kỳ thường do tù nhân làm. Có lẽ do họ có thời gian. Trong chiến tranh chống Mỹ, bộ đội lấy ống pháo sáng làm thành điếu, người khéo tay còn làm điếu bằng mảnh đưa ra lấy từ xác máy bay Mỹ bị bắn cháy. Trên thân điếu họ chạm khắc con rồng chạy vòng quanh trông khá lạ mắt và còn chạm cả câu:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Nếu điếu cày có thể mang đi làm đồng thì điếu bát chỉ hút ở nhà. Điếu bát hình quả dưa hấu bằng sứ tráng men có nhiều dạng hoa văn. Nõ gắn ở trên bằng đồng, cách nõ chừng hai đến ba phân có lỗ tròn để cắm xe điếu. Xe điếu bình thường làm bằng thân cây trúc, nhà khá giả mua loại bằng đồng còn nhà giàu sang dùng xe điếu bằng bạc. Vì nước trong điếu bát nhiều hơn điếu cày nên năm bảy ngày là phải thay nước, nếu không mùi hôi rất khó chịu, khiến "ăn" điếu thuốc mất ngon. Ở quê, cùng với chuối xanh, nước điếu dùng để chữa hắc lào khá hiệu nghiệm.
Nhà báo Tô Phán (báo Hà Nội mới) kể rằng lúc còn làm việc ở báo Lao Động, ông đi công tác Nam Phi cùng với nhà báo Xuân Ba (báo Tiền Phong) và ông Xuân Ba làm náo loạn khách sạn năm sao chỉ vì chiếc điếu cày. Chuyện là ông ra ngoài chơi khi trở về phòng thì không thấy chiếc điếu cày đâu, lúc ấy anh em trong đoàn công tác đi tác nghiệp cả, tiếng Anh thì ú ớ, cơn thèm thuốc lào nổi lên thế là ông tìm nhân viên trực phòng nói "bằng tay", dịch ra "tao để trong phòng một đoạn tre ngắn, tròn, Việt Nam gọi là cái điếu, thế nó đâu rồi?" Cô nhân viên lắc đầu không hiểu. Tức quá Xuân Ba quát oang oang: "Đó là tài sản cá nhân, nếu không tìm thấy, khách sạn của cô phải đền ba mươi nghìn đô la." Thấy khách nổi nóng cô nhân viên càng sợ. Vừa lúc phiên dịch của đoàn đi chơi về dịch lại câu của Xuân Ba là "cái điếu cày của tôi cô để đâu", cô nhân viên lắc đầu. Xuân Ba đề nghị cho gặp giám đốc khách sạn và tức tốc giám đốc điều hành đến ngay tức khắc. Khi nghe phiên dịch mô tả cái vật đã mất, ông giám đốc cho nhân viên đi tìm, cuối cùng thì tìm thấy trong thùng rác. Té ra nhân viên dọn phòng tưởng là đồ bỏ đi nên cho vào thùng rác. Có một nhà báo khác cũng nghiện thuốc lào nặng là ông Hữu Ước, Tổng biên tập báo Công an Nhân dân. Trong bút ký "Một hành trình nước Mỹ" (đăng trên báo An ninh thế giới), nhà báo Hữu Ước kể về chuyến đi Mỹ tháng 4-1998, đoạn về thuốc lào ông viết: "Biết cái tính xấu của mình là bỏ cái gì thì được chứ thuốc lào với tôi nó là ‘ruột’; không có nó, tim, gan cứ lộn phèo, đầu óc thì lơ lửng và chân tay cứ thiếu thừa thế nào nên trong túi ‘đồ nghề’ đi Mỹ, tôi đã thủ sẵn 5 gói thuốc lào hiệu Con gà Hàng Bồ chính gốc và chiếc điếu cày nhỏ, dài một gang, nhét kỹ vào chiếc túi nilon in mác An ninh thế giới. Dẫu biết rằng ở Mỹ, người có văn hóa là người không hút thuốc ở các công sở và trong gia đình nhưng tôi lại được thấy, được nghe và được xem trên báo đàng hoàng; và chụp cả ảnh cảnh nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Giang Minh Sài – Lê Lựu đang ‘bắn’ điếu cày giữa thanh thiên bạch nhật ở đường phố Boston và ở cả cổng Trường đại học Harvard trước một lũ trẻ Mỹ ngó nhìn hai ông như ‘người Sao Hỏa’ nữa kia. Vậy mà tới tôi, khi sang tới đất Mỹ, tôi không biết hút ở đâu và hút vào lúc nào? Trong ba mươi sáu kế, suy đi tính lại tôi quyết định áp dụng kế sách... chuồn ra khỏi nhà bạn ban đêm và ra đường đứng ‘bắn’ một bi cho đỡ nhớ. ‘Đã’ được cơn ghiền thuốc lào, nhưng hút xong rồi thì một vấn đề khác lại nảy sinh: Vậy thì giải quyết cái ‘bã’ của bi thuốc lào sao đây... tôi đã ‘nhả’ bã thuốc lào vào chiếc túi nilon và tôi đã mang cả chiếc điếu cày về và bỏ vào thùng rác sân bay Nội Bài..." Té ra qua thuốc lào có thể phần nào biết tính cách của người hút. Hút thuốc lào bằng mồm là chuyện quá bình thường nhưng nghiện mà lại hút bằng mũi thì đến nay tôi chỉ thấy có một người. Những ai hay đi tàu điện tuyến Bờ Hồ-Mơ chắc còn nhớ từ 1973 đến 1975, có một ông bán điếu cầy và một anh chàng lùn tịt bán sáo, tiêu; mỗi người trấn một cửa ở tháp Hòa Phong. Họ bán hàng ở đó vì nó là bến tàu điện. Khi tàu đỗ, anh bán tiêu, sáo lại thổi bài Quảng Bình quê ta ơi bằng... mũi còn ông bán điếu hút thuốc cũng bằng mũi và thở khói ra đằng mồm. Tiếng điếu kêu to đến mức khách ngồi trên tàu cũng nghe thấy. Có người mượn điếu hút thử nhưng không được vì đuối hơi. Ông Hoàng Giáp nhà phố Tràng Tiền, phóng viên báo Hà Nội mới nghỉ hưu năm 1986 kể rằng, ông từng tỷ tê hỏi chuyện người đàn ông bán điếu, ông ta tên là Nguyễn Văn To, quê ở huyện Hưng Hà, Thái Bình, lúc bé đẻ ra chim đã to nên ông bố đặt luôn là To. Lớn lên lại bị bệnh sa đì nên chim càng to, bệnh này không làm được công việc nặng vì thế To bỏ quê ra Hà Nội bán hàng rong từ năm 1956. Năm 1976, anh bán sáo tiêu thì vẫn còn nhưng ông bán điếu hút thuốc lào bằng mũi không thấy đâu nữa. Đó là hai trong các kỳ nhân kiếm sống quanh hồ Gươm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, một Việt kiều Pháp thì thuốc lá có nguồn gốc Nam Mỹ và người châu Âu đầu tiên được thưởng thức thuốc lá là Colombo – người khám phá ra châu Mỹ năm 1492, khi ông đến Cuba đã được dân bản xứ mời hút thuốc với ống điếu rất dài gọi là tobago. Năm 1556, linh mục André Thévet người Pháp đã mang thuốc lá về trồng trong vườn của ông sau chuyến đi thám hiểm ở Brasil. Nhưng người phổ biến thuốc lá ra châu Âu lại chính là Jean Nicot khi ông này đi sứ tại Bồ Đào Nha năm 1559. Dần dà thuốc trở nên một thứ khoái lạc thanh nhã trong giới thượng lưu ở châu Âu với các kiểu hút là cho vào pipe, quấn thành điếu như xì gà ngày nay (cigare), hoặc cho vào mũi hít.
Điếu thuốc lá như ngày nay (cigarette) xuất hiện vào năm 1830, và dây chuyền sản xuất mang tính công nghiệp ra đời năm 1843 đã cho phép thuốc lá đi khắp thế giới. Sau khi Hà Nội thành nhượng địa của Pháp năm 1888, sáu năm sau, năm 1894 thì xuất hiện nhà máy thuốc lá đầu tiên do chủ Pháp xây dựng tại dốc phố Cửa Bắc, với viên giám đốc là Leacheux. Nhà máy thuê đàn bà Việt làm ở các bộ phận chọn lá, dọc, ủ, sấy, thái, quấn còn đàn ông thì làm thợ mộc, điện và thợ đốt lò sấy. Công nhân chủ yếu là người ở các làng xa nhà máy như Thụy Khuê, Bưởi và Yên Phụ, sợ mang tiếng nên đàn bà, con gái các làng gần nhà máy không làm vì hết giờ, Tây gác cửa hay nắn bóp khắp người xem có lấy thuốc không. Nhà máy Thuốc lá Cửa Bắc sản xuất xì gà hộp gỗ, thuốc điếu hiệu Métropole, Favorite. Trước những năm 20 của thế kỷ trước, thuốc được nhiều người biết đến và bán khắp xứ Đông Dương. Chính quyền thu thuế không dựa vào lượng sản xuất mà thu theo số lượng tiêu thụ, hàng ngày có nhân viên thuế ngồi ở kho, xuất ra bao nhiêu thì đánh thuế bấy nhiêu. Không rõ vì lý do gì mà nhà máy đóng cửa vào năm 1929. Bên cạnh các nhà máy, nhiều nhà nhập khẩu đã nhập thuốc Cotab từ Pháp về bán tại nhiều phố Hà Nội, lớn nhất là hiệu buôn Vĩnh An ở phố Hàng Phèn. Như vậy, một số người Hà Nội hút thuốc lá từ cuối thế kỷ XIX, nhưng trước khi có thuốc lá thì người Hà Nội hút thuốc lào là chủ yếu. Thế kỷ XIX, phố Hàng Điếu có bán điếu cày và điếu bát, nhưng sau đó thì không bán nữa, và chuyển qua làm đồ da.
Tại sao con người lại thích hút thuốc lá? Người Inca ở Nam Mỹ thường dùng thuốc lá như một thứ thần dược để liên lạc với thần linh. Còn A.Thévet đã gửi thuốc lá cho hoàng hậu Catherine de Médicis để chữa chứng nhức đầu cho con bà. Sau đó thuốc lá trở thành dược liệu để chữa nhiều bệnh như hen suyễn, ho... Với người Trung Hoa, Ngô Nghi Lạc – đời vua Càn Long nhà Thanh, làm sách Bổn thảo tùng tân đã liệt thuốc lá vào loại độc dược vì "tính của nó cay mà ấm trị được bệnh phong hàn tê thấp trệ khí, ngăn đờm và lam sơn chướng khí. Hơi thuốc lá hút vào miệng thì không theo thường độ, chốc lát chạy khắp cơ thể khiến người ta thấy khoan khoái khắp người. Người ta lấy thuốc lá thay rượu thay trà mà không chán. Cho nên thuốc lá có một tên nữa là: tương tư thảo..." Còn ở Đại Việt, sách Vân đài loại ngữ chép: "Quan dân đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc đến nỗi có câu: Có thể ba ngày không ăn chứ không thể một giờ không hút thuốc lá!"
Dù thuốc lá chữa được một số bệnh, nhưng người ta cũng sớm phát hiện ra tác hại nên cấm không cho sử dụng. Năm 1604 vua Anh là James I đã ra chỉ thị cấm thuốc lá khắp vương quốc. Tiếp đó năm 1642, giáo hoàng Urbain VIII cũng cấm và dọa rút phép thông công nếu con chiên hút thuốc. Năm Quý Tỵ (1643) vua Tống Tư Tông (Trung Hoa) hạ lệnh cấm thuốc lá, người nào trồng riêng bị tội, nhưng phép thì nhẹ mà lợi thì to nên dân vẫn trồng. Ở Đại Việt thời hậu Lê, năm 1665, đời vua Lê Huyền Tông, triều đình hai lần ra chỉ dụ nghiêm cấm và lùng bắt những người trồng thuốc và hút vụng trộm nhưng rút cuộc cũng không cấm được. Tuy bị cấm nhưng ngày càng có nhiều người hút, nên thuốc lá trở thành ngành hái ra tiền. Ở Pháp, người ta đánh thuế thuốc lá vào năm 1629.
Khi thấy đàn ông Thăng Long say mê thuốc lào, có vị đi đâu còn sai gia nhân ôm theo cái điếu nên nữ sỹ Hồ Xuân Hương tức cảnh làm bài về hút thuốc lào bằng điếu bát:
Mông tròn vành vạnh đít bảnh bao.
Mân mân, mó mó đút ngay vào.
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục.
Âm dương nhị khí sướng làm sao.
Còn dân gian thì có khá nhiều thơ ca hò về về thuốc lào
Nhớ ai như nhớ thuốc lào.
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không hút thuốc lá như các bạn văn, bạn thơ mà ông hút thuốc lào. Nhà thơ Nguyễn Vỹ coi ông như thần tượng và rất muốn được gặp mặt. Một lần ông đi qua phố Hàng Da nơi đặt trụ sở của An Nam Tạp chí ngó vào không thấy người, Nguyễn Vỹ thấy có một chiếc điếu cày, bên cạnh có chiếc đèn dầu riu riu và bó đóm. Trên tường dán miếng giấy có câu thơ:
Đi ra rồi lại đi vào.
Vẩn vơ chỉ tốn thuốc lào mà thôi.
Chắc là Tản Đà đang định viết gì, nhưng bí quá nên tiện tay viết vậy, bởi hai câu thơ chẳng có ý nghĩa gì. Thực ra nhiều lúc không có điếu, không có cọng đu đủ hay không có giấy để quấn thành sâu kèn vẫn có thể hút được. Cho một cục thuốc vào hõm giữa ngón tay cái và ngón tay chỏ, châm lửa rồi ghé mồm chỗ ngón tay út vẫn có thể hút một hơi làm giảm cơn thèm. Nhưng nói về điếu, không thể không nói đến bài Điếu đức tụng của cụ Tú Mỡ:
Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc túy
Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân
Từ vua quan đến hạng bình dân
Ai là chẳng bạn thân với điếu...
Từ ông thừa trở lên cụ thiếu
Đi ngoài đường phi điếu bất thành quan
Ngồi công đường vin xe trúc nhênh ngang
Hút mồi thuốc óc nhà quan thêm sáng suốt
Nhà thi sỹ gọt câu văn cho chuốt
Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ
Lại những khi óc mỏi mắt mờ
Nhờ khói thuốc mới có cơ tỉnh tớm
Dân thuyền thợ thức khuya dậy sớm
Phải cần dùng điếu đóm làm vui
Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi
Vớ lấy điếu kéo dài một hơi cũng sảng khoái
Dân cày cấy mưa dầm nắng dãi
Bạn tâm giao với chiếc điếu cày
Lúc nghỉ ngơi ngồi dưới bóng cây
Rít mồi thuốc say ngây say ngất
Rồi ngả lưng trên đám cỏ xanh tươi mát
Dễ thiu thiu một giấc êm đềm
Bạn nhà binh canh gác thâu đêm
Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật
Nội các thức say sưa nghiện ngập
Ngẫm mà coi thú nhất là thuốc lào
Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao
Chẳng hại tiền mà chẳng hao sỹ diện
Chốn phòng khách anh em khi hội kiến
Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên
Tấm lòng ta tư lự không yên
Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút
Nghe tiếng điếu kêu giòn,nhìn khói bay nghi ngút
Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên
Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền
Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết
Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít
Vùi điếu đi cho hết đa mang
Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng
Chút nghĩa cũ lại đa mang tận tụy
Cho nên: bảo điếu thuốc lào là quốc túy
Thật là lời chí lý không ngoa
Thuốc lào ta hút điếu ta
Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm.
Đọc thấy vui và phục khả năng bao quát của cụ, nhưng ngẫm thấy buồn, những gì gọi là hồn cốt nước Nam đang bị giã dần bởi văn minh phương Tây. Các tiệm cà phê, quán bar, tiệm nhảy ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội cuối thập niên 30, thanh niên, nhà giàu vào quán bar hút thuốc lá trông lịch sự hơn. Thời đó có câu hát nghe mà não lòng:
Bà ơi cho cháu một xu
Cháu mua bánh gù cháu gửi vào Nam
Bố cháu đi làm
Chè tàu thuốc lá
Mẹ cháu ở nhà khổ lắm bà ơi.
Rồi ở Hà Nội, việc hút thuốc lào chỉ còn lớp người cao tuổi, dân ở quê ra làm ăn. Nhưng dù sao thì trên những chuyến tàu điện chạy từ Bờ Hồ đi Hà Đông hay ngược lại vẫn thấy tiếng rao bán thuốc lào lanh lảnh:
Thuốc lào chồng hút vợ say
Thằng cu châm đóm lăn quay ra sàn
Có cô hàng xóm đi qua
Hít phải khói thuốc say ba bốn ngày
Ai thuốc lào đi... thuốc lào Tiên lãng đi...
Hay:
Một thằng hút bốn thằng say
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay
Bà già vác củi loay hoay
Rít phải hơi thuốc lăn ngay xuống đồi
Ngọc Hoàng thấy vậy phán: hay
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào
Ai thuốc lào nào...
Thời bao cấp, các vùng đất trồng thuốc lào phải vào hợp tác xã. Làm ra thuốc phải xuất cho ngành thương nghiệp, nhân viên gói vào giấy đen thui, bán một gói hai hào.
Thập niên 60 thế kỷ trước, các nước trong phe XHCN viện trợ một số hàng tiêu dùng cho miền Bắc trong đó có thuốc lá. Bungari viện trợ thuốc lá Beraty, Cộng hòa dân chủ Đức thì cho thuốc Diamon. Thuốc đầu lọc hẳn hoi nhưng hút phèo phèo vì sợi thuốc không phải sợi tự nhiên mà là giấy tẩm hương liệu, bán hai hào một bao, nhưng cũng không ai mua, và tiện mồm dân gian có ngay câu: "Beraty vừa đi vừa vứt." Đầu những năm 70, ở phố Hàng Buồm có vài nhà người Hoa bán loại thuốc lá tên là Nhân sâm. Thuốc có đầu lọc vàng chóe, dưới dòng chữ có hình củ sâm, hút vào hơi ngòn ngọt. Trong khi phở mậu dịch bốn hào một bát thì thuốc lá Nhân sâm hai hào một điếu mà vẫn có người mua. Hà Nội có Nhà máy thuốc Thăng Long chuyên sản xuất các loại: Trường Sơn, Tam Đảo, Điện Biên, Thủ Đô, Sapa... họ sản xuất theo kế hoạch nên chỉ cần hoàn thành mà ít quan tâm tới chất lượng. Sản xuất xong là chuyển sang cho ngành thương nghiệp, để ngành này phân phối theo tiêu chuẩn. Cán bộ thường được mỗi tháng ba bao, nên họ phải xoay các kiểu mới có đủ thuốc để hút. Thậm chí thuốc vụn như cám, lẫn cả bụi bẩn, lẽ ra bỏ đi nhưng nhà máy vẫn đóng túi ni lông, mà mua cũng không dễ. Vì thuốc vụn nên không bao giờ cuốn được tròn. Rít mạnh thì sợi vụn tụt cả vào họng, rít nhẹ thì không có khói nên cần phải kiên nhẫn. Mà cả giấy cuốn thuốc lá cũng khan hiếm, người ta khắc phục bằng nhiều cách. Có người cuốn thuốc bằng giấy pơ-luya để bán. Hút điếu thuốc cuốn bằng giấy pơ-luya, thi thoảng ở đầu điếu thuốc lại bùng ngọn lửa đỏ lòm, khói nghi ngút. Riêng loại thuốc cuốn bằng giấy pơ-luya đã qua sử dụng thì bốc lửa xanh lè, vì người ta tẩy mực hoặc chữ in trên giấy bằng vôi. Một dạo, hễ thấy có tờ giấy trắng là dân nghiện thuốc lá lại đem ra đốt thử, nếu tàn trắng và không khét thì dùng làm giấy cuốn thuốc. Thế nên có anh đã xé cuốn Từ điển Triết học dày hàng nghìn trang làm giấy cuốn thuốc lá, vì tàn giấy của cuốn Từ điển này rất trắng! Dân thì thiếu nhưng tiêu chuẩn thuốc lá của cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp lại dồi dào. Một tháng hai cây, không có Thủ Đô thì thay bằng Điện Biên, mua ở cửa hàng giao tế ở phố Lê Thái Tổ, giá một bao Điên Biên bao bạc là ba hào, Thủ Đô là bốn hào, mua xong ra cửa "con phe" trả gấp bốn lần.
Năm 1994, tôi vào nhà máy tìm hiểu liên doanh sản xuất thuốc Vinataba, được chứng kiến ba ông trung niên, hàng ngày chuyên làm mỗi một việc là thử thuốc. Nếu họ thấy nhạt hay đậm thì nhà máy phải điều chỉnh ngay mẻ đó để chất lượng đồng đều. Ba ông gầy như que củi, lặng lẽ rít, không biết tiền lương bao nhiêu nhưng ngày nào cũng rít từ sáng đến chiều, chắc khó mà thọ được.
Thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, ở Hà Nội, nhiều gia đình làm thêm nghề cuốn thuốc lá. Thuốc sợi Lạng Sơn vàng hươm, lúc đầu cuốn bằng lá cờ, sau đó có người phát minh ra bàn quấn thì tốc độ cuốn nhanh hơn. Cứ hai mươi điếu thuốc thì bó thành một bó, rồi đi giao cho hàng nước, gọi là thuốc cuốn. Phải nói là một dạo, thuốc cuốn đã góp phần quan trọng thỏa mãn nhu cầu của người hút thuốc. Vì thế, sinh ra chuyện buôn lậu thuốc lá sợi từ Cao Bằng, Lạng Sơn về Hà Nội, rồi buôn giấy cuốn thuốc lá, trong đó loại giấy cuốn được cho là an toàn là giấy hiệu "Con gà". Một dạo, dân Hà Nội truyền tai nhau, người vẽ vỏ bao thuốc Tam Thanh đích thị là "phản động". Vì, nếu quay ngược chiều bao thuốc, nhìn vào vỏ bao sẽ thấy hình dạng nhang nhác như người đàn bà chửa, trên đầu có "khăn tang trắng". Hình dạng người đàn bà chờ chồng mà chửa, lại có khăn tang thì đích thị là "phản động" rồi! Thời kỳ này, thuốc lá cũng là một phương tiện để phân biệt đẳng cấp. Trường Sơn, Nhị Thanh chỉ dành cho người ít tiền, hơn một chút là Tam Đảo, hơn nữa là Điện Biên và "đỉnh" nhất phải là Thủ Đô. Tuy nhiên, tuy cùng nhãn thuốc nhưng loại thuốc bọc giấy bạc thì sang hơn loại không bạc, vì thế thanh niên đi tán gái hay ra đường thường bỏ bao thuốc lá Thủ Đô, Điên Biên bao bạc vào túi ngực áo sơ mi trắng bằng vải pha ni lông. Nếu cài thêm bút máy Kim Tinh nữa thì rõ ràng là trí thức! Khi miền Nam giải phóng, một số thuốc lá đóng bao tràn ra Hà Nội như Ruby "đỏ", Capstan và một số loại khác. Người hút Capstan thường đọc mấy câu mà dân chơi miền Nam sáng tác:
Cho anh phát súng tim anh nát
Nhưng anh tin số phận anh còn
Chiếc áo phơi sương tặng anh nhé...
Nhiều khi, việc hút thuốc lá cũng thay đổi theo "gu" của số đông, dẫn tới sự lên ngôi của từng loại thuốc. Ví như một thời, với số đông dân nghiện, thuốc lá Tam Đảo được hâm mộ, sau đó được thay thế bằng Sông Cầu. Sau năm 1975, thuốc lá Du lịch "đỏ" có đầu lọc lại giữ vị trí ưu thắng. Hơn chục năm trở lại đây ở Hà Nội, là thuốc lá Vinataba. Rồi khi thấy hậu quả của việc hút thuốc có vẻ nguy hiểm, người ta theo nhau hút Esse điếu thuốc bé tý. Nhìn rộng ra, "gu" hút thuốc như còn có quan hệ với vùng miền. Như các tỉnh phía nam, dân hút thuốc hâm mộ thuốc Zet, Hero... trong khi dân nghiện ở miền bắc lại khoái Vinataba. Nhà máy thuốc lá Sài Gòn sản xuất thuốc lá Vinataba nhưng chỉ phục vụ nhu cầu ở phía bắc; thuốc lá Điện Biên sản xuất tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long, nhưng chỉ phục vụ người hút thuốc ở Thái Bình, Nam Định,... còn thuốc lá Bông Sen sản xuất tại Thanh Hóa, lại chỉ có người ở vùng Quảng Ninh ưa thích...
Ở Hà Nội, cùng với sự có mặt của một số loại thuốc lá mới thì nhiều nhãn hiệu thuốc lá cũng đi vào lịch sử, vì thế ngày nay, hẳn là ít người còn biết tới các loại thuốc lá như Đồ Sơn, Nhị Thanh, Đ’rao, Phù Đổng,... Sau này, nhiều loại thuốc lá của Anh, Mỹ được nhập vào Hà Nội. Một thời thuốc Mo dài ngoẵng, đen xì thịnh hành, rồi thuốc của các nước trong khu vực như Summit (Thái Lan), A (Lào) lên ngôi. Đạo đức xã hội sa sút, thuốc lá trở thành thứ quá biếu, để giao dịch và một số quan hệ xã hội lại tỷ lệ thuận với giá trị của loại thuốc. Thế nên, nếu một dạo dân gian có câu: "Sông Cầu là đầu câu chuyện" thì về sau, sự lên ngôi của các loại thuốc đắt tiền, và cả từ thói vọng ngoại nữa, đã làm cho vị trí của bao thuốc lá trong quan hệ xã hội (nhất là quan hệ làm ăn) thay đồi theo:
Sông Cầu còn lâu mới tiếp
Summít nói ít hiểu nhiều
Ba số nhí nhố cũng xong
Những câu rất nôm na, nhưng phản ánh một sự thật, quà càng giá trị thì chuyện sẽ được giải quyết nhanh hơn!