Chỉ một ngày sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết vào tháng Giêng năm 1973, dân Hà Nội sơ tán ở các tỉnh thành lục tục kéo về. Mơ ước của người lớn là hòa bình rồi húp cháo cũng sướng. Còn trẻ con, mong về thành phố để mùa hè được bắt ve, chơi sô-vê, chơi xèng và nhất là chơi cá chọi. Dấu vết đổ nát vẫn còn và những căn nhà bằng tre lợp giấy dầu do các tỉnh giúp những hộ mất nhà bắt đầu mọc lên ở Khâm Thiên, Phương Liệt, Giáp Bát, ngõ Mai Hương, An Dương... Các cửa hàng gạo, thực phẩm đông đúc hơn. Lũ trẻ, trong lúc xếp hàng chờ cô mậu dịch viên mở cửa tranh thủ chơi cá chọi.
Buổi sáng, sau khi đã tập thể dục ở một khoảng trống nào đó trong khối (nay gọi là phường) xong là đám trẻ vội trở về nhà uống hàng lít nước đun sôi để nguội vì nghe nói chữa được nhiều loại bệnh. Những đứa trẻ bụng phưỡng ra vì nước dù chưa có bát mì sợi vào bụng nhưng sốt ruột chờ cho người lớn đi làm để bắt đầu trò chơi của chúng. Đứa thì mang vợt làm bằng mảnh vải xô ra các rãnh thoát nước vợt bắt hồng trần hay cầm móc sắt bắt giun về cho cá ăn. Đứa nào chưa có cá chọi mà ở mạn Vọng hay Làng Tám, Giáp Bát thì ra chợ Mơ, đám ở trên phố ra chợ Hôm, chợ Hàng Bè hay ra Hàng Da. Dân mạn quanh Hàng Khoai, Hàng Đường, Hàng Giấy, Hàng Than...ra chợ Đồng Xuân. Máu hơn, có đứa mặc quần đùi, áo may ô ba lỗ nhảy tầu điện trốn vé lên tận đầu đường Thanh Niên rồi đi bộ vào Yên Phụ, làng chuyên gây giống cá cảnh mua cho rẻ. Tiền được giấu kỹ trong cạp quần vì sợ bị đầu gấu trấn lột. Đám con gái thích nuôi cá vàng, khổng tước, xe can hay kiếm,... nhưng đám con trai đứa nào cũng thích nuôi cá chọi. Cá chọi có hai mầu là xanh lá mạ và xanh tím. Các bể cá ở chợ Đồng Xuân những năm đó bao giờ cũng ríu rít lũ choai choai, chúng chỉ chỏ, khen con này, chê con kia và cuối cùng chọn được những con mà chúng cho là máu chiến. Có đứa xuýt xoa tiếc vì không đủ tiền. Lại có đứa lần đầu chơi chọi, mang về nhà mới biết mua phải con cái cho dù được đám trẻ ở phố phổ biến là con đực bao giờ cũng trường mình và sẫm mầu hơn con cái.
Cá cảnh thời đó được nuôi ở làng Yên Phụ. Cho ăn, sưởi ấm về mùa đông ai cũng làm được nhưng ép cho chọi đẻ thì chỉ có cánh đàn ông trong gia đình nắm bí quyết. Lộ ra không chỉ mất nghề mà còn bị dân làng lên án. Thế nhưng, một vài chị về làm dâu làng Nghi Tàm cũng trộm được nghề, xúi chồng xây bể nuôi cá. Lúc đầu dân Yên Phụ bực lắm, nhưng sau cũng thôi vì có cái nghề nhà chồng không coi thường vả lại đất nông nghiệp của Nghi Tàm cũng ít. Những năm 1924, đất Yên Phụ còn rộng nên cũng trồng hoa vì làng có mấy người làm công trại ươm Lafo học mót được bí quyết trồng các giống hoa Tây. Đất hẹp dần nên lại chuyển từ trồng hoa sang làm hương, làm hương vất vả, ngày nắng phải tranh nhau lên đê phơi nên nhiều người bỏ nghề. Khoảng năm 1930, Yên Phụ có nhà Hương Hồi, thuộc hàng khá giả ở làng trong lần đi sang Hồng Công mua giống hoa thủy tiên đã mua cá vàng về chơi. Ban đầu là chơi sau thấy có thể kinh doanh được đã mầy mò cho đẻ và sau nhiều lần thất bại thì Hương Hồi đã thành công. Hương Hồi đã đặt hãng thủy tinh Thanh Đức làm cóng tròn để nuôi trong đó. Nhiều người làng cũng muốn bắt chiếc Hương Hồi nhưng khó nhất là khâu sinh sản và cuối cùng thì có hai người có máu mặt trong làng là Trưởng Thành và Trưởng Hán cũng học được nghề này. Nhưng cũng phải đến năm 1948-1950 thì mốt nuôi cá vàng, cá cảnh mới mới loang ra khắp thành phố, thời điểm này thì nhiều gia đình ở Yên Phụ cũng đã học được nghề và họ sang Hồng Công để tìm mua các giống cá mới trong đó có giống cá chọi. Ngoài gây cá chọi, họ còn gây được cá kiếm, mã giáp, khổng tước, xe can, thần tiên,... thậm chí cả loài đẻ liên tục là mây triều.
Sau khi có búi giun, đám trẻ lọc sạch đất rồi thả vào bể. Bể cá thời đó làm khung bằng tôn, loại to nhất cũng chỉ dài khoảng 30 phân vì người ta không dám làm to hơn vì kính 5 ly rất hiếm, chỉ có kính 3 ly, đổ nước nhiều áp lực lớn bể sẽ vỡ. Bể được làm ở phố Hàng Thiếc. Làm bể cá thì thợ thiếc vụng cũng làm được vì nó đơn giản, không phức tạp như làm tầu thủy. Kính được cắt vừa, sau đó lắp vào khung, người ta trộn cát với sơn đắp vào các chỗ nối. Vài ngày khô sơn là thành bể. Lại có người nuôi bằng cóng nhưng vì thể tích của chiếc cóng nhỏ nên không nuôi được nhiều loại cùng một lúc. Hồi đó trẻ con Hà Nội dựa theo một bài hát rồi đặt lời mới gồm toàn tên các loại cá
Trong khi ru em bé thơ đang ngủ
Vẫn mơ về bể cá vừa mua
Chú Ngựa vằn lấy anh Khổng tước.
Anh Xe can bóp vú cô Thần tiên.
Nhưng khi khi có giặc đến Chọi đánh...
Nếu Mã giáp kia còn xông đến đất này
Tiêu diệt ngay!
(điệp khúc)
Đôi Kiếm đỏ, chú Kiếm xanh lượn quanh cô Hắc quần.
Mún đầu đen
Tham ăn nhất là cá vàng. Bụng loài này bao giờ cũng tròn căng. Cá được nhiều người nuôi có đuôi rất đẹp và mỗi khi chúng bơi nghiêng qua cành rong, vẩy vàng ánh lên loang loáng tựa như kiếm vàng của vua Lê rời khỏi vỏ bay về phía thần Kim Qui ở hồ Lục Thủy. Song nuôi cá vàng phải thay nước liên tục vì loại này ị ra nhiều phân và thiếu ô xy là ngáp chết ngay. Trẻ con thích nhất cá chọi, vì ăn loài này ăn ít và càng ít cho ăn thì chúng chọi nhau càng hăng. Trước khi mang đi thi đấu, đứa nào cũng phải cho cá tập giương vây, vè nhiều lần bằng cách để một chiếc gương con ngay bên cạnh lọ. Nếu không dùng gương thì để hai lọ sát nhau. Đặc điểm của cá chọi là cứ thấy bóng nó là tự giương vây lên để gây chiến. Khi chọi, thường đám trẻ phải chọn nhưng con tương ứng nhau, vì để con to chọi với con nhỏ thì con nhỏ sợ và chạy quanh bình. Mỗi lần con nào bị xé vây trước là đám trẻ hò reo sung sướng. Con nào không bị rách vây hay đuôi hoặc bị ít hơn là con đó thắng. Phần thưởng cho chủ cá chiến thắng đôi khi cũng rất đơn giản, kẻ bị thua phải trả một cục giun. Có trận đấu xong, vây và đuôi cả hai con nát bươm, lại còn xây sát khắp người và không bỏ chạy thì trận đó coi như hòa.
Chỉ có vậy thôi mà trẻ con chơi mãi không chán. Cá của đứa nào thua là phải dành dụm từng xu bằng cách không ăn xôi xéo buổi sáng để có tiền mua con mới. Chơi cá cảnh cùng với ngủ trưa là "đặc sản" của trẻ con nội thành Hà Nội. Bây giờ trẻ con ít chơi cá chọi. Dù chơi chọi có hấp dẫn chúng cũng không có thời gian để chăm bởi trẻ suốt ngày phải học.