N
gọn gió lạnh cóng không ngừng quật vào lớp vải lều ThermaTech, nhưng Delta-Một hầu như không để tâm. Hắn cùng Delta-Ba tập trung cả vào người đồng đội đang điều khiển cần gạt trong tay mình, khéo léo như một bác sĩ phẫu thuật. Màn hình trước mặt họ chiếu những hình ảnh được truyền trực tiếp từ một chiếc máy quay siêu nhỏ gắn trên đầu con vi rô bốt.
Đúng là công cụ do thám tối tân, Delta-Một thầm nghĩ, vẫn chưa hết kinh ngạc mỗi lần họ khởi động nó. Gần đây, trong thế giới vi cơ khí, thực tế dường như đã vượt trước cả óc tưởng tưởng.
Các hệ thống máy điện tử siêu nhỏ (gọi tắt là MEMS1) - những con vi rô bốt - là công cụ mới nhất trong ngành do thám công nghệ cao - họ gọi nó là “công nghệ ruồi bay bám tường.”
1 Micro Electro Mechanical Systems.
Theo đúng nghĩa đen.
Mới nghe qua, câu chuyện về những rô bốt siêu nhỏ được điều khiển từ xa tưởng như chỉ có trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng thực ra chúng đã xuất hiện từ thập niên 90. Tạp chí Discovery đã dành hẳn một câu chuyện trang bìa vào tháng Năm năm 1997 về vi rô bốt, mô tả cả loại “bay” và loại “bơi.” Những thiết bị lặn - những chiếc tàu ngầm siêu nhỏ chỉ bằng kích cỡ một hạt muối - có thể được tiêm thẳng vào mạch máu người giống như trong phim Fantastic Voyage. Giờ đây, chúng được các bệnh viện hiện đại sử dụng để giúp bác sĩ đánh dấu các động mạch bằng thiết bị điều khiển từ xa, quan sát những đoạn phim truyền trực tiếp trong tĩnh mạnh và định vị các chỗ tắc động mạch, mà không cần phải đụng đến dao kéo.
Trái với suy nghĩ thông thường, chế tạo một con vi rô bốt biết bay thậm chí còn dễ dàng hơn. Công nghệ khí động học để nâng một cỗ máy lên không trung đã có từ thời Kitty Hawk1, vấn đề còn lại chỉ là làm sao để thu nhỏ vật mẫu. Thế hệ vi rô bốt bay đầu tiên, được NASA thiết kế làm công cụ thám hiểm không người lái trên Sao Hỏa trong tương lai, chỉ dài khoảng chục phân. Tuy nhiên, ngày nay, những tiến bộ trong công nghệ nano, các vật liệu siêu nhẹ tiết kiệm nhiên liệu và vi cơ khí đã biến những con vi rô bốt biết bay này thành hiện thực.
1 Kitty Hawk: tên một thành phố ở North Carolina, Mỹ, nơi anh em Wright thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên
Đột phá thực sự xuất phát từ một lĩnh vực mới - ngành sinh học mô phỏng - bắt chước Mẹ thiên nhiên. Hóa ra, mô hình chuồn chuồn lại là nguyên mẫu lý tưởng cho những con vi rô bốt biết bay mong manh và hiệu dụng này. Mô hình PH2 mà Delta-Hai đang lái chỉ dài có 1 phân - bằng cỡ một con muỗi - và mang cặp cánh kép trong suốt bằng silicon cho phép nó có khả năng di chuyển với hiệu quả khó bì kịp trong không trung.
Cơ chế nạp nhiên liệu cho các vi rô bốt lại là một bước đột phá khác. Thế hệ vi rô bốt đầu tiên chỉ có thể sạc pin bằng cách bay lơ lửng ngay dưới luồng sáng mạnh, một điều kiện không hề lý tưởng vì do thám hay được dùng ở những nơi tối tăm. Tuy nhiên, các thế hệ về sau có thể sạc chỉ bằng cách đậu gần chỗ có từ trường khoảng vài phân. Tiện lợi ở chỗ, trong xã hội hiện đại, hầu như chỗ nào cũng có từ trường ở những nơi khuất tầm nhìn - các ổ điện, màn hình máy tính, động cơ điện, loa ngoài, điện thoại di động - dường như không lúc nào thiếu thốn các trạm sạc pin bí mật. Một khi con vi rô bốt đã tiếp cận thành công địa điểm tác nghiệp, nó có thể truyền tín hiệu âm thanh và hình ảnh gần như không ngừng nghỉ. Chiếc PH2 của đội Delta đã gửi tín hiệu về suốt một tuần nay mà không gặp bất cứ rắc rối nào.
***
Lúc này, giống một loài côn trùng bay vo ve bên trong chuồng gia súc, con vi rô bốt đang lặng lẽ treo mình trong không trung nơi căn phòng trung tâm của khối kiến trúc khổng lồ. Bằng tầm mắt tinh tường của một chú chim nhìn xuống khoảng không bên dưới, con vi rô bốt âm thầm vờn quanh những chủ thể không mảy may nghi ngờ về sự tồn tại của nó - các kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia trong vô số lĩnh vực nghiên cứu. Trong lúc chiếc PH2 lượn vòng, Delta-Một chỉ vào hai khuôn mặt quen thuộc đang mải mê trò chuyện. Họ sẽ là manh mối. Hắn bảo Delta-Hai hạ xuống thấp và ghi âm.
Thao tác trên cần điều khiển, Delta-Hai bật các cảm biến âm thanh trên con rô bốt, hướng chảo khuếch đại âm lượng và giảm độ cao đến khi nó chỉ còn cách đầu hai nhà khoa học khoảng 3 mét. Tín hiệu khá nhỏ nhưng vẫn nghe được.
“Tôi vẫn không thể tin nổi,” một nhà khoa học nói. Sự kích động trong giọng nói không hề giảm bớt kể từ lúc ông ta đến đây từ 48 giờ trước.
Người đàn ông đang cùng chuyện trò với ông ta rõ ràng cũng chia sẻ niềm phấn khích này. “Trong đời… có bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ được chứng kiến điều gì tương tự không?”
“Không bao giờ,” nhà khoa học khẳng định, đôi mắt hấp háy. “Tất cả chuyện này là một giấc mơ kỳ vĩ.”
Delta-Một đã nghe đủ. Rõ ràng mọi chuyện bên trong đang được tiến hành đúng như dự định. Delta-Hai điều khiển con vi rô bốt tránh xa khỏi bộ đôi và bay trở lại chỗ trốn của nó. Anh ta bí mật đỗ thiết bị tí hon gần một trục máy phát điện. Bộ pin của PH2 lập tức nạp năng lượng cho nhiệm vụ tiếp theo.