“Chỉ một sự thay đổi nhỏ trong cách nhìn nhận cũng có thể thay đổi cả một cuộc đời. Chỉ một sự điều chỉnh nhỏ trong thái độ cũng có thể thay đổi cả thế giới của bạn.”
- Oprah Winfrey
Vào những năm loạn lạc cuối thập niên 40, ngay sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, có một gia đình người Hungary di cư đến New York đã tìm mọi cách liên lạc với họ hàng của mình ở cố hương. Vấn đề là việc liên lạc ở thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Thư từ thường bị thất lạc còn tin nhắn bằng điện báo thì thiếu chính xác. Để gửi một lá thư từ Mỹ sang châu Âu, người ta thường phải mất từ vài tuần đến vài tháng và thêm chừng ấy thời gian nữa để nhận được hồi đáp. Gần như không có cách trao đổi tin tức nào đáng tin cậy vào thời đó.
Gia đình ở Mỹ không biết họ hàng của mình ở Hungary có sống sót qua chiến tranh không và hiện tại những người họ hàng đó đang sống ở đâu. Trong lúc đang hoang mang, may mắn thay họ đã nhận được một lá thư mà bác Lazlo - một trong những người họ hàng may mắn sống sót qua chiến tranh - gửi cho họ từ một thị trấn nhỏ gần Budapest, thủ đô của Hungary. Trong quá trình vận chuyển, lá thư đã bị lạc mất vài trang nên gia đình ở Mỹ không biết toàn bộ nội dung thư. Thế nhưng, từ những trang thư còn lại, họ biết gia đình bác Lazlo đang phải chịu cảnh đói khổ và ốm đau. Thức ăn và nhu yếu phẩm đang vô cùng khan hiếm ở Hungary. Người dân ở đó phải mua mọi thứ ở chợ đen với giá cắt cổ; tiền mặt bị mất giá trầm trọng và gần như không còn chút giá trị nào. Những người họ hàng ở Hungary của họ đang phải vật lộn để sống qua ngày.
Gia đình ở New York cảm thấy đau đớn vô cùng khi biết được hoàn cảnh khốn khổ của họ hàng mình. Ngay sau khi nhận được thư, họ quyết định gửi một số nhu yếu phẩm sang giúp đỡ gia đình bác Lazlo. Vì không có thông tin đầy đủ về hoàn cảnh hiện tại của gia đình bác, họ đành cố đoán xem những con người khốn khổ ấy đang cần gì và muốn có gì. Thế nhưng vì chưa bao giờ trải qua chiến tranh, họ cứ loay hoay mãi mà vẫn chưa lên được danh sách những món thiết yếu. Họ chắc chắn rằng thịt hộp, rau củ và sô-cô-la là những món nhất định phải có. Những nhu yếu phẩm khác như giấy vệ sinh và băng cá nhân cũng vậy. Cuối cùng, họ quyết định gửi tất cả mọi thứ họ nghĩ ra và đã phải dùng đến vài thùng các-tông lớn để đóng gói toàn bộ số hàng hóa ấy; thùng nào cũng đầy tràn, nặng trịch. Những chỗ trống trong các thùng các-tông ấy được nhồi nhét mọi món đồ nho nhỏ họ có thể cho vào được: kẹo, khăn giấy, giấy viết thư và viết chì.
Cuối cùng, những thùng các-tông này được niêm phong cẩn thận rồi được gói lại bằng giấy nâu và dây ràng để đảm bảo kiện hàng không bị phá hư trong quá trình vận chuyển. Sau khi được chuyển đến bưu điện, các thùng các-tông này đã vượt qua một quãng đường rất dài để đến Hungary. Gia đình ở New York cứ chờ, rồi lại chờ suốt hàng tháng liền. Họ không biết liệu kiện hàng mình gửi đi có bị thất lạc hay bị trộm mất không, hay liệu gia đình họ ở Hungary có gặp phải chuyện tồi tệ gì không. Sẽ thật trớ trêu nếu những con người khốn khổ ấy đã xoay xở để sống sót qua chiến tranh để rồi lại ra đi vào thời hậu chiến vì cảnh đói khổ. Cả nhà lo lắng, mất ăn mất ngủ nhiều ngày để ngóng trông, chờ đợi tin tức. Họ cũng lo rằng mình đã không gửi đúng những thứ gia đình bác Lazlo cần. Dù không nhận được hồi đáp và cũng không phải dạng khá giả gì, tháng nào gia đình ở New York cũng đều đặn gửi những kiện hàng sang Hungary cho họ hàng mình trong nỗi lo lắng, bất an.
Cuối cùng, sau nhiều tháng chờ đợi, họ cũng nhận được một lá thư từ bác Lazlo. Lá thư đã trở nên nhàu nhĩ sau quá trình vận chuyển, nhưng ít nhất họ vẫn đọc được nội dung thư. “Cháu yêu quý”, lá thư mở đầu bằng lời chào quen thuộc của bác Lazlo, “chúng ta đã nhận được ba kiện hàng các cháu gửi. Chúng ta mang ơn các cháu mãi mãi vì những kiện hàng quý giá này. Các cháu không biết số hàng hóa này đến đúng lúc thế nào đâu. Thực phẩm đang cực kỳ khan hiếm và Anna thì cứ bệnh mãi, con bé bị sốt liên miên. Số thức ăn này đã cứu sống gia đình bác. Dù cảm thấy rất có lỗi nhưng bác đã bán một ít đồ các cháu gửi ngoài chợ đen để có tiền trả tiền nhà.”
Phần tiếp theo của lá thứ nói về từng món đồ họ gửi sang cho nhà bác và những món này đã giúp ích cho gia đình bác ra sao. Thế rồi họ đọc được một câu chuyện bí ẩn.
“Bác không tìm được lời nào đủ tha thiết để bày tỏ lòng biết ơn đối với các cháu vì số thuốc các cháu đã gửi cho gia đình bác. Ở đây gần như không có chút thuốc men nào, nếu có thì cũng là thuốc kém chất lượng và không có chút hiệu quả nào. Em họ Gesher của cháu đã đau ốm suốt mấy năm qua vậy mà thằng bé đã khỏi bệnh nhờ uống thuốc các cháu gửi! Trước đây thằng bé phải chống gậy mới đi lại được vì đầu gối thằng bé quá yếu. Thế mà nhờ uống mấy viên thuốc của các cháu mà thằng bé đã đi đứng bình thường trở lại. Chứng đau lưng của bác và chứng đau đầu của Lizabeta cũng khỏi hoàn toàn nhờ thứ thuốc này.
Mỹ quốc và khoa học công nghệ ở đó thật tuyệt vời. Bác mong các cháu gửi thêm cho bác một ít thuốc nữa vì gia đình bác sắp dùng hết rồi.
Cảm ơn các cháu lần nữa. Cả nhà bác yêu tất cả các cháu và nguyện cầu được gặp lại các cháu.”
Cả gia đình ở New York hoang mang đọc đi đọc lại lá thư của bác Lazlo. Họ đã gửi thuốc gì nhỉ? Họ cố lục lọi trí nhớ nhưng đành phải xấu hổ thừa nhận rằng họ đã quên không gửi chút thuốc men nào sang cho bác! Vậy bác Lazlo đang nói về thuốc gì? Có khi nào họ đã vô tình nhét vào các thùng hàng một ít thuốc? Nhưng nếu họ đã làm vậy thì đó là thuốc gì? Cuối cùng, họ đành gửi sang chỗ bác những kiện hàng như bình thường cùng vài thứ thuốc cơ bản họ tìm được. Vài ngày sau, vì vẫn không tìm ra loại thuốc bác nói, họ đành gửi thêm một lá thư nhờ bác gửi tên loại thuốc bác đang cần.
Cả nhà lại tiếp tục chờ đợi. Tuy nhiên, lúc này họ đã thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều vì các kiện hàng họ gửi sang Hungary đã giúp ích cho gia đình bác Lazlo. Thế nhưng, họ vẫn không tài nào biết được loại thuốc kỳ diệu bác nói đến là gì. Hai tháng sau, họ nhận được thư hồi âm từ bác:
“Cháu yêu quý, chúng ta vô cùng biết ơn khi được nghe tin từ cháu lần nữa. Bác đã nhận thêm hai kiện hàng cháu gửi, rồi sau đó là lá thư của cháu. Cháu đã gửi đúng loại thuốc kỳ diệu đó. Gói thuốc không có hướng dẫn sử dụng nhưng gia đình bác có thể ước lượng được liều lượng phù hợp. Ở đây không có ai biết tiếng Anh trừ thằng nhóc Sandor từng học một chút tiếng Anh ở trường mấy năm trước. May mắn thay, thằng bé có thể dịch được tên của loại thuốc này. Loại thuốc ấy có tên ‘Vị cứu tinh’. Các cháu hãy gửi thêm thuốc sang đây nhé. Yêu các cháu, bác Lazlo.”
Những gói kẹo mà gia đình ở Mỹ dùng để nhét đầy các thùng các-tông chính là một loại kẹo cho trẻ em nổi tiếng ở Mỹ có tên Life Savers - “Vị cứu tinh”. Lối dịch sát nghĩa đã biến một loại kẹo ngọt ở Mỹ trở thành một niềm hy vọng lớn lao cho những con người khốn khổ ở Hungary.