SAU 11 NĂM LÀM VIỆC cho một ngân hàng lớn, Annie cảm thấy chán chường, mệt mỏi và muốn thay đổi. Đam mê của cô là làm bánh chứ không phải làm ngân hàng. Annie hạnh phúc nhất khi làm những chiếc bánh cupcake ngon (và đẹp) cho bạn bè và gia đình của mình. Cô mơ mộng về việc bỏ công việc hằng ngày và mở một cửa hàng bánh mì. Dù vậy nhưng như thế nghe thật rủi ro.
Annie quyết định chuyển sang từng bước sở hữu một doanh nghiệp nhỏ. Cô chuyển đổi công việc của mình tại ngân hàng sang một vị trí bán thời gian để có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nướng bánh trong căn bếp ăn công nghiệp mà cô thuê theo giờ. Annie nhận đơn đặt hàng từ bạn bè và bạn bè của bạn bè, và rồi lời khen tặng về những chiếc bánh nướng nhỏ tuyệt vời của cô ấy bắt đầu được lan truyền.
Trong khi đó, Annie đã chia sẻ hành trình kinh doanh nhỏ của mình trên một trang Facebook mà cô đã thiết lập cho ý tưởng kinh doanh của mình. Cô chia sẻ hình ảnh và video hậu trường về những việc mình làm, đồng thời viết một cách chân thực về những thăng trầm của quá trình khởi nghiệp. Nó thực sự gây được tiếng vang với những người theo dõi trên mạng xã hội của cô ấy, từ đó dẫn đến một cộng đồng người hâm mộ tận tụy.
Sau hai năm làm việc bán thời gian tại ngân hàng và tiệm bánh của mình, Annie đã xây dựng đủ lượng khách hàng để thực hiện một bước nhảy vọt. Cô thuê một mặt bằng để làm cửa hàng, nghỉ việc và kinh doanh tiệm bánh mì. Annie cho rằng phần lớn thành công ban đầu của cô là nhờ mạng xã hội.
* * *
TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI sẽ còn phát triển lâu dài. Chỉ trong hơn một thập kỷ, nó đã thay đổi cách các cá nhân tương tác với nhau và cách các công ty kinh doanh, có nghĩa là nó đang định hình lại cách chúng ta sống và tương tác với nhau. Không thể đánh giá thấp tác động của mạng xã hội đối với truyền thông hiện đại.
Bạn chắc chắn có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để xây dựng thương hiệu và giúp bạn tiến gần hơn đến việc đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình, bất kể quy mô tổ chức của bạn. Đó là một trong những lợi ích chính của mạng xã hội – một sân chơi bình đẳng. Cho dù bạn là một doanh nghiệp nhỏ nhưng hùng mạnh hay một tổ chức toàn cầu, mọi tài khoản mạng xã hội đều bình đẳng, ít nhất là ở thời điểm ban đầu. Ai cũng nắm trong tay tiềm năng lớn mạnh mà không phải chi tiền.
Truyền thông xã hội rất kỳ quặc, với các quy tắc và văn hóa riêng của nó. Nó di chuyển nhanh và thay đổi nhanh chóng. Quan trọng nhất, truyền thông xã hội phải mang tính xã hội. Khi cân nhắc sử dụng nó, và tất cả những điều bạn cần làm để đưa mạng xã hội vào doanh nghiệp hoặc tổ chức của mình, bạn phải tự tin rằng bạn muốn sử dụng nó. Nếu bạn không hào hứng với mạng xã hội, nó sẽ không mang lại hiệu quả.
Tất nhiên, điều quan trọng là phải đến được nơi mà khách hàng mục tiêu của bạn đang đứng và hoạt động tích cực trên các nền tảng mà họ đang hoạt động. Nhưng nếu bạn không thích nền tảng truyền thông xã hội, nó sẽ giống như một công việc vặt và bạn sẽ không thể thành công ở đó. Bạn có biết cảm giác khi tham dự một bữa tiệc mà bạn cảm thấy lạc lõng và tất cả những gì bạn muốn làm là rời đi không? Một số mạng xã hội cũng giống vậy. Hãy khám phá chúng để tìm ra một lựa chọn phù hợp với bạn và khách hàng của bạn. Cá nhân tôi không thể tiếp cận LinkedIn. Tôi biết tại sao việc đó lại quan trọng và tôi chắc chắn có thể phát triển doanh nghiệp của mình ở đó, nhưng đối với tôi, điều đó thật nhàm chán. Nó không phù hợp với tôi và dù đã thử một số lần, nhưng tôi không cảm thấy hòa hợp ở đó. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy tôi tích cực chia sẻ trên Twitter và Instagram, nơi tôi cảm thấy như đang ở nhà.
Nền tảng truyền thông xã hội nào phù hợp với bạn?
Bạn có thể phát triển danh tiếng của mình trong cộng đồng xã hội mà bạn đã chọn ở bất cứ chỗ nào nơi khán giả tiềm năng của bạn sinh sống.
Chúng tôi sẽ điểm qua tất cả các nền tảng chính ở đây và nói về ai sống ở đâu, cần gì để thành công trên mỗi nền tảng. Sau khi chúng tôi xem qua danh sách, bạn sẽ biết nhiều hơn về nơi bạn nên dành thời gian để phát triển doanh nghiệp của mình trên phương tiện truyền thông xã hội.
Như bạn có thể biết, Facebook là mạng truyền thông xã hội lớn nhất trên thế giới. Người dùng tạo một hồ sơ cá nhân mà họ có thể liên kết với hồ sơ của bạn bè cũng như với các doanh nghiệp, tổ chức, sự kiện và các nhóm khác dựa trên sở thích. Họ cũng có thể gửi tin nhắn và cập nhật hồ sơ cá nhân để thông báo cho bạn bè về bản thân. Ngoài ra, người dùng có thể tham gia các mạng lưới được tổ chức bởi thành phố, khu vực, tổ chức, v.v.
Facebook nổi bật so với các ứng dụng truyền thông xã hội khác do hai yếu tố: mức độ nhân khẩu học của lượng người dùng nói chung và thực tế rằng phần lớn người dùng có xu hướng chuyển sang Facebook trước bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác vào thời điểm hiện tại.
• Khán giả mục tiêu: Tất cả mọi người. Nghiêm túc đấy. Dù gần đây người ta bàn tán về chuyện mọi người từ bỏ nền tảng này, nhưng vẫn có hàng tỷ người sử dụng nó mỗi ngày. Đối tượng cốt lõi của Facebook nghiêng về nhân khẩu học già hơn một chút. Nhóm tuổi thống trị trên Facebook không phải là thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 – họ có nhiều khả năng sử dụng Instagram hoặc Snapchat hơn (Tôi không khuyên bạn nên sử dụng Snapchat trong bối cảnh kinh doanh). Nhưng vẫn có rất nhiều thanh thiếu niên và những người 20 tuổi hoạt động trên Facebook, cũng như mọi đối tượng nhân khẩu học khác.
• Hạn chế: Thuật toán của Facebook ưu tiên nội dung từ bạn bè và gia đình, khiến việc cập nhật tin tức kinh doanh khó hiển thị. Phần sau của chương sẽ bàn thêm về điều này.
• Cách bắt đầu: Bạn cần một hồ sơ Facebook cá nhân (miễn phí) để đăng nhập và từ đó bạn có thể xây dựng một trang công ty (miễn phí).
• Tần suất đăng bài: Đăng ít nhất ba lần một tuần.
• Các công ty sử dụng Facebook tốt truyền cảm hứng cho bạn: Michelle Bridges 12 Week Body Transformation (facebook. com/12WBT), Seventh Generation (facebook. com/seventh-generationca) và Harry’s Razors (facebook.com/hapo strophe).
YouTube
Tất cả chúng ta đều quen thuộc với YouTube – đó là mạng xã hội dành cho video. Và đây là trang web xã hội lớn thứ hai và cũng là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên thế giới. Đó là nơi mọi người có thể thử nghiệm bằng video và cung cấp những cách mới để quan sát thế giới qua con mắt của một cá nhân, thay vì thông qua một tổ chức như truyền hình hay mạng lưới. Theo cách này, nó rất sáng tạo. Hơn hết, khi bạn tạo video, mọi người có thể biết đến bạn nhiều hơn với tư cách cá nhân, điều này có thể rất có lợi cho việc xây dựng thương hiệu của bạn.
• Khán giả mục tiêu: Thế hệ Millennials và các khán giả nhỏ tuổi
• Hạn chế: Tạo video rất khó!
• Cách bắt đầu: Thiết lập một tài khoản miễn phí, sau đó tạo các video ngắn, đơn giản bằng điện thoại thông minh của bạn. Nội dung của video quan trọng hơn chất lượng sản xuất – khán giả sẽ tha thứ cho bạn nếu video của bạn bị rung hoặc âm thanh không hoàn hảo miễn là những gì bạn đang chia sẻ mang tính giải trí hoặc giáo dục.
• Tần suất đăng: Đăng 1 lần/tuần.
• Các công ty sử dụng tốt YouTube truyền cảm hứng cho bạn: Sephora (youtube.com/ sephora), Red Bull (youtube.com/redbull) và Expedia (youtube.com/expedia).
A, Twitter. Ngay cả khi không sử dụng nó, bạn có thể đã nghe nói về nó. Và bạn có thể bị Twitter gây bối rối – bởi trong tất cả các mạng truyền thông xã hội lớn, đó là mạng có các quy tắc tương tác cụ thể nhất và văn hóa độc đáo của riêng nó. Một số người (như tôi) thích nó, và một số người ghét nó. Twitter mang tính tách biệt.
Twitter đã xuất hiện được một thời gian và từng có lúc nó được coi là công cụ thiết yếu đối với chiến lược truyền thông xã hội của một doanh nghiệp. Giờ thì không, vì các mạng xã hội khác đã phát triển nhanh hơn Twitter trong những năm gần đây. Vào cuối năm 2018, Twitter đã công bố họ có 321 triệu người dùng hoạt động hằng tháng trên toàn thế giới. Con số đó chiếm khoảng 33% người dùng hoạt động hằng tháng của Instagram và khoảng 14% của Facebook cùng thời điểm.
Nếu khán giả mục tiêu của bạn ở trên Twitter, bằng mọi cách, bạn nên ở đó để tương tác với họ. Nhưng nếu bạn không hoàn toàn chắc chắn hoặc bạn không có thời gian mà Twitter yêu cầu (đây là mạng xã hội sử dụng nhiều thời gian nhất trong số các mạng xã hội được liệt kê ở đây), thì bạn có quyền bỏ qua nó.
• Khán giả mục tiêu: Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà báo, chính trị gia, Gen X và những người thuộc thế hệ Millennials lớn tuổi hơn.
• Hạn chế: Bạn phải đăng rất nhiều (nhiều lần trong ngày) và phản hồi các câu trả lời cũng như tweet của người khác. Twitter là sự tương tác.
• Cách bắt đầu: Thiết lập một tài khoản miễn phí – không có sự khác biệt giữa tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp trên Twitter.
• Tần suất đăng bài: Đăng ít nhất 20 lần một tuần và đăng nhập để phản hồi và retweet ít nhất ba lần một ngày.
• Các công ty sử dụng Twitter tốt truyền cảm hứng cho bạn: Grammarly (twitter.com/ grammarly), Wendy’s (twitter.com/ wendys) và Charmin (twitter.com/charmin).
LinkedIn là kết nối mạng lưới chuyên nghiệp trong bối cảnh truyền thông xã hội. Thêm vào đó, nó đăng các tin tuyển dụng. LinkedIn thúc đẩy các mối quan hệ công việc, nơi mọi người có thể chia sẻ suy nghĩ với đồng nghiệp, cũng như thông tin kinh doanh liên quan đến các công ty và tổ chức cá nhân, chẳng hạn như trang trình bày và sách trắng. Trang web này hoạt động thực sự hiệu quả nếu bạn đang làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp như kế toán, bất động sản hoặc luật.
• Khán giả mục tiêu: Các tổ chức từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.
• Hạn chế: Rất tập trung vào kinh doanh; khá buồn tẻ.
• Cách bắt đầu: Thiết lập một tài khoản miễn phí cho chính bạn, sau đó xây dựng một trang cho công ty của bạn.
• Tần suất đăng bài: Đăng ít nhất một lần một tuần, đăng nhập mỗi ngày để tương tác với bài đăng của người khác.
• Các công ty sử dụng LinkedIn tốt truyền cảm hứng cho bạn: Jack Welch Management Institute (linkedin.com/school/the-jack- welch-management-Institute), WeWork (linkedin.com company/wework) và Tesla (linkedin.com/ company/tesla-motors).
Instagram là một trang web truyền thông xã hội dựa trên nhiếp ảnh đang phát triển nhanh nhất trong số các phương tiện truyền thông xã hội. Nếu công việc của bạn hoàn toàn liên quan đến hình ảnh, nếu bạn bán sản phẩm hoặc nếu khán giả mục tiêu của bạn có xu hướng trẻ hơn, thì đây là nơi để bạn bắt đầu. Mục đích của bạn sẽ là chụp và chia sẻ hình ảnh của những thứ và ý tưởng đại diện cho thương hiệu của bạn.
• Khán giả mục tiêu: 68% nữ; Instagram phổ biến với những người từ 30-49 tuổi và rất phổ biến với thanh thiếu niên và từ 18 đến 29 tuổi.
• Hạn chế: Bạn cần nội dung trực quan mạnh mẽ để chia sẻ.
• Cách bắt đầu: Đăng ký tài khoản doanh nghiệp miễn phí.
• Tần suất đăng bài: Đăng 3-5 lần một tuần; hằng ngày trong Instagram Stories.
• Các công ty sử dụng Instagram tốt truyền cảm hứng cho bạn: Starbucks (instagram. com/starbucks), Brit+Co (instagram.com/ britandco) và TSA – không đùa đâu, Cục quản lý bảo mật giao thông có rất nhiều người theo dõi trên Instagram (instagram. com/tsa).
Pinterest cũng là một trang web truyền thông xã hội dựa trên nhiếp ảnh nhưng có thể nói, nó hướng về cộng đồng hơn là kinh doanh. Ý tôi là gì? Chà, với tư cách là một doanh nghiệp, bạn chắc chắn có thể có một trang Pinterest và đăng các loại hình ảnh tương tự như bạn sẽ làm trên Instagram, cũng như các ảnh chụp sản phẩm trực tiếp. Nhưng người ta chỉ thu thập chúng mà thôi. Đối với khán giả của bạn, ghim hình ảnh là thêm hình ảnh đó vào một nhóm cụ thể gồm các hình ảnh ưa thích khác của họ. Pinterest có thể là một công cụ tuyệt vời đối với SEO (vì nó có thể thúc đẩy nhiều lưu lượng truy cập vào trang web của bạn hơn bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác) và xây dựng tiếng vang cho các thương hiệu trực quan. Đây là một nền tảng tuyệt vời cho các công ty sản phẩm và những người muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng.
• Khán giả mục tiêu: 81% người dùng Pinterest là phụ nữ; thế hệ Millennials là những người hoạt động tích cực nhất trên nền tảng này.
• Hạn chế: Bạn cần hình ảnh để tham gia.
• Cách bắt đầu: Đăng ký tài khoản doanh nghiệp miễn phí.
• Tần suất đăng bài: Đăng nhập ít nhất một lần mỗi ngày để ghim và tham gia vào các nhóm.
• Các công ty sử dụng Pinterest tốt sẽ truyền cảm hứng cho bạn: HomeAway (pinterest. com/homeaway), West Elm (pinterest.com/ westelm) và Ziploc (pinterest.com/ziploc).
Lựa chọn khôn ngoan
Ngay cả khi một trong những nền tảng này là nền tảng hấp dẫn nhất, bạn có thể muốn thử nghiệm với một số nền tảng xã hội khác nhau để xem cái nào phù hợp với bạn. Nó có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy hãy thoải mái tham gia và thử nghiệm.
Tuy nhiên, trước khi thực sự sử dụng, bạn phải nhớ một điều. Đừng tham gia vào bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào mà bạn không cam kết dốc lòng. Nếu bạn thấy một nền tảng truyền thông xã hội không phù hợp với bạn – bạn không thích nó, nó giống như một công việc vặt và sẽ không giúp bạn đạt được mục tiêu kinh doanh của mình – thì hãy từ bỏ. Điều duy nhất tôi yêu cầu bạn không làm là để lại một loạt các “tài khoản thây ma” trên mạng xã hội. “Tài khoản thây ma” có nghĩa là gì? Chúng không chết, nhưng chúng chắc chắn không sống.
Tốt hơn hết là xóa tài khoản và không sử dụng một kênh truyền thông xã hội cụ thể đó hơn là để tài khoản bị đình trệ.
Đăng gì trên mạng xã hội
Mạng xã hội là một con thú đói khát, thèm muốn nội dung. “Tôi không biết phải đăng gì” là điệp khúc phổ biến nhất mà tôi nghe được từ các chủ doanh nghiệp nhỏ khi nói đến phương tiện truyền thông xã hội.
Được rồi, vậy bạn thực sự đăng gì trên mạng xã hội? Tôi rất thích quy tắc 80/20 dù không biết nó xuất phát từ đâu. Quy tắc 80/20 cho biết khoảng 80% những gì bạn đăng trên mạng xã hội phải mang tính xã hội và 20% nên mang tính quảng cáo. Hãy nhớ rằng mạng xã hội là mạng xã hội, trước hết và quan trọng nhất. Dù kinh doanh đang diễn ra trên mạng xã hội, nhưng những người tạo dựng thành công danh tiếng trên đó lại là những người rất nhân văn. Bạn có thể hài hước, tốt bụng, nhiệt tình, ngốc nghếch, đồng cảm, bình thường, thậm chí là cáu kỉnh nếu bạn muốn, nhưng hãy nhân văn. Các thông báo có tính chất rập khuôn, bị gián đoạn hoặc cứng nhắc sẽ không gây được tiếng vang.
15 ý tưởng cho nội dung mạng xã hội
Nếu bạn đang không biết chính xác phải chia chia sẻ gì trên mạng xã hội, thì đây là 15 ý tưởng có thể khơi nguồn sáng tạo cho bạn.
1. Liên kết đến nội dung của riêng bạn. Đây là điều hiển nhiên đối với việc chia sẻ trên mạng xã hội – nội dung của bạn được tạo ra để chia sẻ! Nếu bạn đang tạo bất kỳ nội dung nào mà chúng ta đã nói trong Chương 6 (những thứ như bài đăng trên blog, podcast hoặc video), thì hãy chia sẻ nội dung đó thường xuyên trên mạng xã hội.
2. Cuộc thi và quà tặng. Ai mà không yêu thích một cuộc thi hoặc chương trình tặng quà? Điều này thực sự hiệu quả nếu bạn bán một sản phẩm và có thể tặng hàng mẫu trực tuyến, nhưng ngay cả khi bạn không có sản phẩm thực, bạn vẫn có thể thực hiện một cuộc thi trên mạng xã hội. Nếu đang cung cấp dịch vụ, hãy cho đi một giờ giá trị của dịch vụ của bạn. Hoặc tạo một số vật phẩm quảng cáo thú vị có in logo của công ty bạn và tặng những vật phẩm đó thông qua một cuộc thi trực tuyến. Không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để cho đi ư? Thẻ quà tặng luôn là một lựa chọn an toàn. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì mọi người sẽ làm để tham gia cuộc thi giành thẻ quà tặng tại quán cà phê trị giá 25 đô-la. Lưu ý một chút về vấn đề pháp lý: các cuộc thi và quà tặng trực tuyến cần có các điều khoản và điều kiện, đồng thời bạn sẽ cần kiểm tra luật trò chơi trong khu vực của mình.
3. Hướng dẫn quà tặng và danh sách mong muốn. Ý tưởng này hiệu quả đối với các doanh nghiệp sản phẩm (tạo danh sách các lựa chọn hàng đầu cho kỳ nghỉ sắp tới và đảm bảo đưa sản phẩm của bạn vào danh sách cùng các sản phẩm khác). Đính kèm hình ảnh và để nó trở thành một phần dải ảnh trên Instagram hoặc danh sách kèm liên kết trên Facebook. Hãy biến nó thành ảnh ghép và đăng lên Pinterest!
4. Cảnh hậu trường doanh nghiệp của bạn. Mọi người đều thích nhìn lén vào sau bức màn. Chụp một vài bức ảnh hoặc thậm chí viết một vài câu về những gì bạn đang làm hôm nay và đăng lên mạng xã hội. Nó thể hiện cá tính và tính xác thực khi bạn thực sự chân thành với khách hàng và khách hàng tiềm năng của mình.
5. Số liệu thống kê, dữ liệu và xu hướng. Nếu bạn tiếp cận được số liệu thống kê hoặc dữ liệu ngành, bạn có thể chia sẻ điều đó cho khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng (đặc biệt là trên LinkedIn, vốn rất tập trung vào kinh doanh). Tuy nhiên, đừng giới hạn bản thân trong thông tin toàn ngành – nếu bạn biết thông tin gì, hãy chia sẻ chúng. Ví dụ, doanh số của một sản phẩm thông thường ở hiện tại có cao hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái không? Đó là một xu hướng và những người theo dõi trên mạng xã hội của bạn có thể thấy điều đó thật thú vị và cần tìm hiểu.
6. Nội dung do người dùng tạo. Nội dung do người dùng tạo là một thuật ngữ marketing phức tạp dùng để đăng lại hoặc chia sẻ những gì người khác đã đăng về bạn. Đây là một trong những ý tưởng nội dung truyền thông xã hội hiệu quả nhất vì a) nó hầu như không cần nỗ lực từ phía bạn và b) nó khiến người đăng tin lần đầu cảm thấy đặc biệt khi được gọi tên. Điều này thực sự hiệu quả trên Instagram và Twitter, nơi bạn có thể đăng lại bài viết của ai đó – và thêm ghi chú “cảm ơn rất nhiều vì đã nhắc đến chúng tôi”.
7. Các bài đăng #ThrowbackThursday hoặc #FlashbackFriday. #ThrowbackThursday (còn được gọi là #TBT) và #FlashbackFriday (còn gọi là #FBF) là các thẻ bắt đầu bằng # thường gặp trên Instagram, Facebook và Twitter, nơi mọi người chia sẻ ảnh cũ vào thứ Năm hoặc thứ Sáu. Tìm ảnh hoặc video về việc bạn đã làm cách đây một thời gian (thậm chí một năm hoặc vài tháng trước cũng được – không nhất thiết phải là thật lâu). Để dành nó cho thứ Năm hoặc thứ Sáu, sau đó đăng kèm với chú thích và gắn thêm thẻ bắt đầu bằng #ThrowbackThursday, #TBT, #FlashbackFriday hoặc #FBF.
8. Bài viết hướng dẫn hoặc chỉ dẫn. Video hướng dẫn là một số video phổ biến nhất trên YouTube và có một lý do tuyệt vời là: chúng thực tế và hữu ích. Tạo một video ngắn hướng dẫn cách sử dụng một trong các sản phẩm của bạn hoặc một phần giải thích nhanh về cách hoạt động của một bộ phận cụ thể trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của bạn.
9. Phát trực tiếp với Hỏi & Đáp hoặc AMA. Facebook, Instagram, Twitter và YouTube Truyền thông xã hội 193 đều có khả năng để bạn tổ chức sự kiện trực tiếp, trò chuyện video tương tác với những người theo dõi của bạn. Bạn có thể thực hiện việc này một cách tự phát hoặc lên kế hoạch thực hiện một video trực tiếp và thông báo trước. Nếu mọi người biết và tham gia với bạn, bạn có thể sử dụng thời gian để thực hiện một phiên hỏi đáp hoặc AMA (“hỏi tôi bất cứ điều gì”).
10. Chia sẻ về các thành viên nổi bật trong nhóm của bạn. Tôi thích ý tưởng này vì nó là nội dung hậu trường tuyệt vời và nó cũng rất hiệu quả với tinh thần công ty. Thực hiện một loạt các bài đăng trên mạng xã hội có ảnh và thông tin thú vị về từng thành viên trong nhóm của bạn.
11. Đăng tin nổi bật về khách hàng thân thiết hoặc khách hàng trung thành. Điều này tương tự như khái niệm ở trên, nhưng lần này, hãy nhấn vào một số khách hàng hoặc khách hàng yêu thích hoặc trung thành nhất của bạn. Yêu cầu họ chụp ảnh hoặc chụp ảnh họ với sản phẩm của bạn hoặc đến thăm bạn tại văn phòng. Chia sẻ nó kèm tên của họ và một câu chuyện ngắn về lý do bạn thích họ làm khách hàng của mình. Việc đó không chỉ khiến người đó trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt, người sẽ nói với mọi người họ biết mà còn cho những người theo dõi trên mạng xã hội khác của bạn biết rằng bạn quan tâm đến khách hàng của mình.
12. Trích dẫn và lời chứng thực từ khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng. Nói về khách hàng và khách hàng tiềm năng của bạn, hãy yêu cầu họ trích dẫn hoặc chứng thực. Hoặc, nếu ai đó để lại đánh giá tuyệt vời về doanh nghiệp của bạn trên Google Reviews hoặc Yelp (hoặc một số nền tảng xếp hạng hoặc bài đánh giá khác), bạn chắc chắn có thể chia sẻ điều đó trên phương tiện truyền thông xã hội. Chụp ảnh màn hình bài đánh giá hoặc sao chép và dán câu trích dẫn vào một chương trình thiết kế đồ họa đơn giản rồi tạo hình ảnh lời chứng thực của riêng bạn.
13. Thăm dò ý kiến khán giả của bạn hoặc tạo một câu đố. Các cuộc thăm dò hoặc câu đố trên mạng xã hội có thể rất thú vị. Twitter và Instagram Stories có tích hợp chức năng thăm dò ý kiến. Bạn đang giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ mới? Thăm dò ý kiến đối tượng truyền thông xã hội của bạn để xin quan điểm của họ. Bạn cũng có thể thực hiện một cuộc thăm dò gắn liền với một sự kiện văn hóa đại chúng, chẳng hạn như đội nào bạn hy vọng sẽ vô địch World Series hoặc bộ phim bạn nên xem vào cuối tuần. Instagram Stories cũng có chức năng đố vui.
14. Chia sẻ một cột mốc quan trọng. Điều này tương tự như ý tưởng hậu trường, nhưng ý tưởng này tập trung đặc biệt vào một cột mốc quan trọng. Bạn có thể tạo ra tiếng vang nếu làm tốt và chân thành. Kỷ niệm năm năm ngày thành lập? Mới mở một chi nhánh thứ hai? Chia sẻ nó và cảm ơn cộng đồng của bạn đã hỗ trợ bạn trong suốt chặng đường.
15. Tìm các doanh nghiệp khác để quảng bá trên phương tiện truyền thông xã hội. Ý tưởng này xuất phát từ Camp Tech – đó là khái niệm “bạn bè trên Internet” mà tôi đã mô tả trong Chương 7. Đó là chiến lược mà chúng tôi đã sử dụng để phát triển sự hiện diện trên mạng xã hội của mình trong những ngày đầu và hiện tại chúng tôi vẫn sử dụng nó để tiếp tục phát triển. Chúng tôi đã lập một danh sách các tổ chức cơ quan nhắm mục tiêu đến cùng một phân khúc khách hàng mà chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp. Chúng tôi theo dõi họ trên mạng xã hội, liên tục thích và chia sẻ những gì họ đăng. Bằng cách khuếch đại thông điệp của họ đến những người theo dõi của chúng tôi, chúng tôi đã giúp họ. Không lâu sau, họ nhận ra và trả ơn. Đó là một cách tuyệt vời để trao đổi thông điệp marketing của bạn với một tổ chức khác.
Văn hóa và nghi thức truyền thông xã hội
Sau câu “Tôi không biết đăng gì”, điệp khúc phổ biến thứ hai mà tôi nghe được từ các chủ doanh nghiệp nhỏ trên mạng xã hội là “Tôi không có thời gian nghĩ ra các nội dung khác nhau để đăng trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Tôi có thể đăng cùng một thông điệp ở khắp mọi nơi không?”
Tôi xin lỗi, các bạn, nhưng bạn không thể. Hãy coi mỗi nền tảng truyền thông xã hội giống như một bữa tiệc, mỗi nền tảng có văn hóa và nghi thức riêng. Bạn sẽ không mặc một bộ lễ phục đến một bữa tiệc lửa trại bên bãi biển hay không mặc một bộ đồ tắm và những bộ đồ ngắn cũn cỡn đến một buổi dạ tiệc. Vì vậy, loại nội dung hoạt động tốt trên Instagram sẽ không hiệu quả trên Twitter và loại nội dung có tác dụng trên Twitter sẽ không tạo được tiếng vang trên LinkedIn. Đọc vị mạng xã hội và biết điều gì phù hợp với từng ngữ cảnh. Bạn chắc chắn có thể đăng cùng một thông điệp chung trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhưng hãy điều chỉnh giọng điệu, cách viết trước và chi tiết của bài đăng cho phù hợp với tình huống.
Đăng chéo từ nền tảng này sang nền tảng khác là một điều không thể. Ý tôi là gì khi sử dụng từ đăng chéo? Đó là khi bạn thực hiện một bài đăng ở đâu đó (chẳng hạn như Instagram), sau đó bạn đặt hệ thống tự động đưa ra cùng một thông báo trên một nền tảng xã hội khác (chẳng hạn như Twitter ). Nghe giống như một cách tiết kiệm thời gian, phải không? Đúng vậy, nhưng cách này trông không hợp với bạn. Nó cho thấy bạn không thực sự “ở trong phòng”. Một bài đăng trên Instagram được đăng chéo lên Twitter sẽ bao gồm một liên kết đến Instagram bên trong tweet. Điều đó buộc mọi người phải nhấp vào, rời khỏi Twitter, truy cập Instagram, xem bài đăng của bạn và sau đó quay lại Twitter. Yêu cầu khán giả của bạn rời khỏi nền tảng này và chuyển sang nền tảng khác chỉ để xem thông điệp của bạn là yêu cầu quá nhiều – đặc biệt là khi bạn không tự làm điều đó. Nếu bạn muốn chia sẻ trên Twitter, hãy vào Twitter và chia sẻ ở đó. Đừng đứng trong Phòng Instagram và hét vào phòng Twitter, “Này! Tôi ở đây!”
Và trong khi chúng ta đang nói về chủ đề tiết kiệm thời gian, hãy nói về tự động hóa mạng xã hội. Sử dụng các công cụ truyền thông xã hội để lên lịch cho các bài đăng bạn đã viết là một chuyện nhưng sử dụng bot để đăng các trang được tạo tự động lại là một chuyện khác. Đây là một ví dụ về những gì tôi đang nói đến. Bạn đã bao giờ theo dõi ai đó mới trên Instagram hoặc Twitter và ngay lập tức nhận được một tin nhắn DM (tin nhắn trực tiếp) có nội dung “Này! Hãy để tôi giới thiệu về bản thân” hay đại loại như vậy? Khả năng đó là một tin nhắn tự động gửi đến những người theo dõi mới là rất cao. Dù việc chào hỏi và giới thiệu bản thân chắc chắn là một ý tưởng hay, nhưng việc gửi một tin nhắn tự động thì không. Nếu bạn không làm điều đó trong thế giới thực, tại sao bạn có thể làm điều đó trực tuyến? Các tin nhắn tự động thật thô thiển và tôi khuyên bạn nên tránh chúng.
Nếu bạn không có điều gì tốt đẹp để nói...
Bạn không phải tỏ ra tử tế trên mạng xã hội, nhưng đó chắc chắn là một cách đặt cược an toàn đối với hầu hết các doanh nghiệp, trừ khi hoài nghi hoặc bất kính là một phần trong thương hiệu của bạn. Và tất nhiên, ngay cả khi bạn tử tế, không phải ai khác cũng sẽ như vậy. Bạn sẽ làm gì nếu ai đó nói điều gì đó tiêu cực với bạn trên mạng? Đầu tiên, không xóa bình luận của họ và không cự cãi! Thừa nhận những gì họ đang nói và trả lời một cách chuyên nghiệp.
Sẽ không phải là một ý tưởng tồi nếu biên soạn một bộ hướng dẫn truyền thông xã hội cho mọi người trong tổ chức của bạn. Việc sở hữu một tài liệu hướng dẫn truyền thông xã hội nếu bạn có nhiều người thay mặt cho doanh nghiệp của mình đăng bài là việc vô cùng hữu ích. Không cần đặt nặng việc tạo ra một tài liệu kiểu này. Viết một danh sách ngắn các từ và cụm từ bạn sử dụng và không sử dụng cùng các ví dụ về những điều mà công ty của bạn sẽ nói hoặc không nói trên trực tuyến. Bổ sung thêm thông tin trong quá trình này. Trước khi bạn biết điều đó, bạn sẽ có một tài liệu chính sách mà mọi người có thể tham khảo.
Các công cụ quản lý mạng xã hội
Viết, đăng bài và phản hồi trên mạng xã hội có cảm giác như một công việc toàn thời gian (và đối với một số người, nó là như vậy!). Có một vài công cụ có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
Tôi là một người yêu thích các lịch nội dung biên tập. Chúng không cần quá cầu kỳ – một bảng tính là tất cả những gì bạn cần. Tạo một cột cho từng nền tảng truyền thông xã hội mà bạn muốn đăng lên và tạo hàng cho ngày và giờ. Sau đó, bắt đầu điền nội dung vào bảng tính. Tôi thích viết các bài đăng có giá trị trong một tuần mỗi lần và tôi thấy nếu tôi pha một tách cà phê mới, ngồi và suy nghĩ, tôi có thể hoàn thành công việc trong khoảng một giờ. Bạn có thể làm việc cộng tác với đồng nghiệp trên lịch nội dung của mình nếu điều đó hữu ích. Điểm mấu chốt ở đây là dành thời gian để viết nội dung trên mạng xã hội của bạn, vì vậy bạn có thể chuẩn bị sẵn nội dung đó khi cần.
Các chuyên gia truyền thông xã hội vẫn đang tranh cãi về việc bạn có nên hay không nên lên lịch cho nội dung của mình. Về mặt cá nhân, tôi đang có lịch trình của nhóm. Tôi không ngại lên lịch cho các bài đăng trên mạng xã hội bởi, đối với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ mà tôi biết, đó là cách duy nhất để truyền tải thông điệp. Bạn có thể sử dụng công cụ quản lý mạng xã hội như Sprout Social, Buffer hoặc Hootsuite để đăng nhập vào tất cả các tài khoản của mình ở một nơi tập trung và đặt tin nhắn gửi đi theo lịch trình thời gian trong tương lai từ đó. Đối với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cả tôi, khả năng viết trước các bài đăng trên mạng xã hội, sau đó chuyển sang một công cụ và lên lịch cho chúng tạo nên sự khác biệt. Tôi có hai lưu ý quan trọng cho bạn về việc lên lịch cho các bài đăng trên mạng xã hội.
1. Lên lịch đăng bài không thay thế cho tương tác trên các nền tảng truyền thông xã hội. Bạn vẫn cần đăng nhập vào từng nền tảng mà bạn đang sử dụng ít nhất một lần một ngày (nếu không phải hai hoặc ba lần một ngày) để trả lời nhận xét về bài đăng của bạn và phản hồi những gì người khác đang đăng.
2. Hãy lưu tâm đến những gì đang diễn ra trên thế giới. Nếu có thiên tai hoặc một số thảm họa khác, hãy truy cập công cụ lập lịch của bạn và tạm dừng các bài đăng của bạn để chúng không xuất hiện. Nhiều người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền đạt thông tin về một cuộc khủng hoảng và điều quan trọng là phải “tách bạch mọi thứ”. Các bài đăng quảng cáo về doanh nghiệp của bạn không thuộc về các mục tin tức cần thiết và nếu bạn đã lên lịch gửi tin nhắn trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể bị chỉ trích gay gắt vì thiếu tế nhị.
THẬN TRỌNG: CẠM BẪY MANG TÊN MẠNG XÃ HỘI
THƯỜNG THÌ MỌI NGƯỜI trở nên quá hào hứng và bị cuốn hút vào phần xã hội của mạng xã hội, đến nỗi cuối cùng họ chỉ “nói chuyện” với bạn bè hoặc những người không thực sự là đối tượng mục tiêu của họ. Và bị ám ảnh bởi việc mạng xã hội của họ đang diễn ra như thế nào, họ không chỉ mất thời gian mà còn theo dõi sai số liệu (hoặc không buồn đo lường xem họ đang hoạt động như thế nào). Tôi thường thấy các chủ doanh nghiệp trên phương tiện truyền thông xã hội, nhưng vô định. Họ đang đăng rất nhiều và cố gắng tiếp cận mọi người và tạo ra sự tương tác trên các nền tảng, nhưng có rất ít hoặc không có tác dụng. Họ giống như ai đó đang đạp nước: họ đang di chuyển tay và chân (và có thể đang kiệt sức vì cố gắng), nhưng họ không thể vào gần bờ hơn. Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một xao lãng đội lốt sự ngọt ngào, nhưng sau một thời gian dài đạp nước, nếu bạn không đến được bờ, bạn sẽ chết đuối.
Chắc chắn bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp bằng cách sử dụng mạng xã hội, nhưng bạn cần chú ý đến cách bạn đang làm và liệu những nỗ lực trên mạng xã hội có thực sự giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu kinh doanh của mình hay không. Các chỉ số và phương tiện đo lường bên trong phân tích mạng xã hội không ở đó để phục vụ sự phù phiếm của bạn. Tập trung vào họ để xây dựng doanh nghiệp của bạn, không phải cái tôi của bạn.
Đo lường phương tiện truyền thông xã hội
Trong số tất cả các tùy chọn marketing kỹ thuật số theo ý của bạn, tôi thấy mạng xã hội là phương tiện truyền thông xã hội khó đo lường nhất về mặt tác động. Gần như rất khó thấy mối tương quan trực tiếp giữa một tweet duy nhất và một đơn hàng. Đó là bởi vì khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng thường phải trải qua quá trình tìm hiểu về doanh nghiệp của bạn trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Quy trình đó đưa họ từ lần đầu tiên biết đến thương hiệu của bạn, tìm hiểu thêm và tương tác với bạn, đến chuyển đổi thành khách hàng. Nó thường yêu cầu họ tương tác với bạn một vài lần (ví dụ: bằng cách truy cập trang web của bạn, nhận bản tin email hoặc xem tin nhắn trên phương tiện truyền thông xã hội).
Một trong những phần khó nhất của việc đo lường tác động của marketing kỹ thuật số là sự đóng góp: khả năng quy kết chính xác vai trò của một đơn hàng vào kênh marketing đã mang lại đơn hàng đó. Chắc chắn, bạn có thể xem dữ liệu giới thiệu cho bạn biết ai đó đã nhấp vào liên kết nào trước khi mua hàng. Nhưng nếu ai đó nhấp vào liên kết đến trang web của bạn từ Facebook và tiếp tục mua một thứ gì đó trên trang web của bạn, điều đó không có nghĩa là nỗ lực dành cho các bài đăng trên Facebook chiếm 100% công sức mang lại đơn hàng đó. Khách hàng có thể đã thực hiện tìm kiếm trên Google và truy cập trang web của bạn cách đây vài tuần, hoặc họ nói chuyện với một người bạn trên mạng xã hội và tên doanh nghiệp của bạn xuất hiện, cuối cùng họ đã thấy bài đăng trên Facebook và nhấp vào. Thật khó xác định phần công sức đóng góp vì theo dõi là một khoa học chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, thường thì một khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng đã nghe nói về bạn hoặc tương tác với doanh nghiệp của bạn nhiều hơn một lần trước khi thực hiện đơn hàng đó.
Đó là lý do tại sao, khi nói đến đo lường phương tiện truyền thông xã hội, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn các chỉ số chuyển đổi. Tất nhiên, chuyển đổi (thời điểm ai đó chuyển đổi thành khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng, hay mua hoặc sử dụng dịch vụ/sản phẩm của bạn) là điều rất quan trọng, nhưng đó không phải là điều duy nhất có thể đo lường được. Với phương pháp đo lường trên mạng xã hội, chúng tôi thường xem xét các chỉ số cho thấy ai đó đang trên đường chuyển đổi. Và có một số chỉ số nhất định được sử dụng tốt nhất cho thấy vị trí của ai đó trong hành trình khách hàng của họ. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn vấn đề này trong Chương 11.
TÓM TẮT
Phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ công nghệ thấp và chi phí thấp tuyệt vời để xây dựng một doanh nghiệp nhỏ, nhưng nó phát triển nhanh chóng và có các quy tắc và văn hóa riêng.
Rất khó để có mặt trên tất cả các kênh truyền thông xã hội. Xác định khán giả mục tiêu của bạn ở đâu và chọn một hoặc hai kênh để tham gia, dựa trên vị trí của đối tượng của bạn.
Nếu bạn cần nguồn cảm hứng để khơi nguồn sáng tạo của mình, hãy thử 15 ý tưởng của tôi về nội dung đăng mạng xã hội.
Các nghi thức truyền thông xã hội rất quan trọng. Không đăng chéo giữa các nền tảng hoặc gửi phản hồi tự động. Cân nhắc tạo tài liệu hướng dẫn truyền thông xã hội cho doanh nghiệp của bạn.
Sử dụng lịch biên tập và công cụ lập lịch để giúp quản lý mạng xã hội dễ dàng hơn.
Khi đo lường tác động của mạng xã hội, hãy nhớ tập trung vào KPI của bạn, không phải các chỉ số phù phiếm.