Nhu cầu tăng cao trong suốt thai kỳ
Ăn cho hai người không có nghĩa là ăn gấp hai lần. Trong thai kỳ, tốc độ chuyển hóa giảm đi và cơ thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Đó là lý do vì sao nhu cầu calo của thai phụ không tăng quá nhiều, còn nhu cầu đối với vitamin và khoáng chất chỉ tăng nhẹ.
So với nhu cầu bình thường, thai phụ nên “nạp” thêm 200 calo mỗi ngày trong suốt ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Trong suốt ba tháng đầu, những thai phụ khỏe mạnh chỉ cần tăng ít hoặc không cần tăng thêm calo.
Thai phụ cần nhận đủ lượng chất béo cần thiết. Axit docosahexanoic (DHA) và axit arachidonic (ARA) là hai loại axit béo đặc biệt quan trọng cho sự phát triển não bộ và thị lực của bé. Nguồn cung cấp tốt nhất các axit béo này là các loại cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ…).
→ Nhu cầu tăng: Khi mang thai, bạn cần nhiều calo hơn bình thường – cho cả bản thân và em bé đang phát triển trong bụng. Do vậy cần đảm bảo những thực phẩm bạn chọn lựa đều giàu dinh dưỡng.
Khuyết tật ống thần kinh
• Ống thần kinh là một cấu trúc tồn tại trong thời kỳ phôi thai, sẽ phát triển thành não và cột sống của thai nhi.
• Nếu trong quá trình phát triển mà ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn thì sẽ dẫn đến khiếm khuyết ở não và cột sống, còn gọi là khuyết tật ống thần kinh.
• Dạng phổ biến nhất của khuyết tật ống thần kinh là tật nứt đốt sống, tật vô sọ và thoát vị não – màng não.
Nhu cầu về các chất dinh dưỡng khác cũng có thể được đáp ứng thông qua chế độ ăn uống đa dạng hoặc dùng thêm thuốc bổ tiền sản.
Nếu thai phụ không tăng đủ cân, bé có thể có nguy cơ bị sinh non hoặc thiếu cân khi sinh.
Mặt khác, tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc phải những vấn đề sức khỏe như đau lưng, giãn tĩnh mạch, những biến chứng như tiền sản giật. Những sản phụ tăng cân nhiều cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giảm cân sau khi sinh.
Thực phẩm NÊN ĂN khi mang thai
Thực phẩm tốt nhất nên ăn khi mang thai là những loại cung cấp các vitamin cần thiết, khoáng chất, đạm và năng lượng.
• Chất đạm: Mỗi ngày th ai phụ nên ăn khoảng từ 2 – 3 phần thực phẩm giàu đạm, như thịt nạc, ức gia cầm, cá (chỉ ăn chín), trứng, đậu đỗ…
• Canxi: Nên ăn hoặc uống ít nhất 3 phần thực phẩm giàu canxi mỗi ngày.
• Folate: có nhiều trong rau xanh (bông cải xanh, đậu bắp, xà lách…), các loại đậu hạt, gan động vật, cam và thịt gia cầm. Hãy bổ sung thêm các loại đậu vào món ăn; ăn ít nhất 5 phần rau củ quả mỗi ngày; và tuyệt đối không bỏ bữa sáng.
• Sắt: Cần thiết cho quá trình sản xuất tế bào hồng cầu của người mẹ lẫn thai nhi. Thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, đậu đỗ, trái cây khô, rau xanh (cải bó xôi, rau đay, rau lang)... Vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt từ thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật tốt hơn.
• Chất xơ: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt) để phòng tránh táo bón.
• Nước: Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp chất lỏng cho quá trình tạo máu và hỗ trợ tiêu hóa.
Thực phẩm NÊN TRÁNH khi mang thai
Nguy cơ thai nhi bị nhiễm trùng trong suốt thai kỳ là rất nhỏ, tuy nhiên, bạn cũng nên nhận biết những thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ để phòng tránh.
• Listeriosis: Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây nên bệnh Listeriosis – một bệnh truyền nhiễm lây qua đường ăn uống, có thể lan truyền qua nhau thai gây nguy hiểm cho thai nhi. Ðể tránh nhiễm trùng, người mẹ cần tránh ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa chưa tiệt trùng, đặc biệt là các loại phô mai lên mốc tự nhiên.
• Gan động vật: Gan và các sản phẩm chế biến từ gan (như pa-tê) có hàm lượng vitamin A cao, do đó nên tránh ăn các thực phẩm này.
• Toxoplasmosis: Dạng nhiễm trùng sinh vật đơn bào, gây ra bởi ký sinh trùng Toxoplasma gondii. Các nang (thể ngủ) của ký sinh trùng Toxoplasma gondii được bài tiết qua đường phân của mèo bị nhiễm bệnh. Ký sinh trùng được truyền sang người khi tiếp xúc với mèo bị nhiễm bệnh hoặc chất thải của chúng, ăn rau củ quả bị nhiễm bẩn chứa các nang này, hoặc do ăn thịt những con vật đã ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn này. Hãy giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng khi mang thai bằng cách tránh tiếp xúc với mèo, rửa sạch rau củ quả trước khi ăn, tránh ăn các loại thịt chưa được nấu chín, và mang găng tay khi làm vườn.
• Salmonella: Ðây là dạng ngộ độc thực phẩm phổ biến, do vi khuẩn Salmonella gây ra, thường không nguy hại cho bé, nhưng nếu bệnh trở nên nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai thì có thể dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non. Ðể phòng ngừa, thai phụ nên tránh ăn trứng sống, trứng luộc lòng đào và thịt gia cầm chưa được nấu chín.
• Các nhiễm khuẩn khác: Phụ nữ đang mang thai nên tránh ăn hải sản sống vì chúng có thể gây viêm gan và nhiễm ký sinh trùng đường ruột.
• Nhiễm độc kim loại nặng: Loại bỏ kim loại nặng từ rau củ bằng cách rửa rau củ trực tiếp dưới vòi nước hoặc gọt bỏ vỏ khi ăn. Nên tránh ăn cá mập, cá kiếm và cá cờ vì thịt những loại cá này chứa hàm lượng thủy ngân cao. Hàm lượng thủy ngân trong cá ngừ tuy ít hơn nhưng thai phụ chỉ nên ăn không quá 2 lát mỗi tuần.
Bia rượu và thức uống chứa caffeine
Tốt nhất chỉ nên uống bia rượu và thức uống chứa caffeine ở mức vừa phải khi đang mang thai. Uống bia rượu quá mức có thể khiến cho trẻ sinh ra bị mắc hội chứng nhiễm độc rượu bào thai, còn hấp thu caffeine với hàm lượng cao có thể tăng nguy cơ sẩy thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Bia rượu gây ra tác động nghiêm trọng nhất trong hai tháng đầu, khi các cơ quan của thai nhi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Chỉ một lần “chè chén” quá độ trong giai đoạn này cũng có thể gây hại cho thai nhi như uống rượu quá nhiều suốt thai kỳ.
Phụ nữ có thai nên giảm hấp thu caffeine từ tất cả các nguồn (cà phê, trà, ca cao, nước ngọt có ga) xuống mức 300 mg một ngày. Hàm lượng caffeine cao hơn mức này gây trở ngại cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, cũng như trẻ sinh ra có thể bị thiếu cân.
Khi nào thai phụ cần dùng thuốc bổ tiền sản?
Các bác sĩ chỉ kê đơn thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất khi thai phụ không ăn uống đủ chất để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, nhất là nhu cầu về folate.
Canxi
Mặc dù cơ thể không đòi hỏi phải tăng hấp thu canxi trong thai kỳ, nhưng thai nhi cần canxi ngay từ tuần thứ tư đến tuần thứ sáu sau khi thụ thai, vì đó là thời điểm răng và xương bé bắt đầu hình thành. Vào tuần thai thứ 25, nhu cầu canxi của thai nhi thậm chí còn cao hơn nữa do hệ xương phát triển đáng kể vào thời điểm này.
Trong suốt quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tự thích ứng để hấp thu nhiều canxi hơn từ thực phẩm, nhưng việc chú trọng ăn nhiều loại thức ăn giàu canxi thì vẫn rất quan trọng. Nếu không thường xuyên uống sữa hoặc dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa mỗi ngày, có lẽ thai phụ cần phải uống thêm viên bổ sung canxi.
Sắt
Sắt rất cần cho quá trình sản sinh hồng cầu trong cơ thể người mẹ và thai nhi đang phát triển. Suốt thai kỳ, lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng lên đến 50%, đòi hỏi lượng sắt cần bổ sung thêm khoảng 500 mg. Bào thai cũng cần bổ sung thêm một lượng khoảng 300 mg sắt nữa, với nhu cầu phần lớn tập trung trong tam cá nguyệt thứ ba.
Khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm sẽ hiệu quả hơn khi mang th ai. Vì vậy nếu đã dự trữ đủ lượng sắt cần thiết ngay trong thời kỳ đầu của thai kỳ, bạn không cần phải tăng cường hấp thu thêm sắt nữa. Ngược lại, nếu lượng sắt dự trữ của bạn ở mức thấp do các chu kỳ kinh nguyệt trước khi mang thai hay do chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, bạn có thể sẽ cần uống bổ sung sắt để ngăn ngừa thiếu máu. Vitamin C cũng góp phần giúp cho cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Folate
Folate tham gia vào quá trình tạo tế bào hồng cầu và có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Bổ sung đầy đủ folate, đặc biệt trong giai đoạn trước và mới thụ thai, sẽ giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ. Chính vì vậy, ngay từ khi có ý định mang thai, bạn nên bổ sung folate cho cơ thể.
Từ thời điểm thụ thai cho đến hết tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ, thai phụ được khuyến cáo nên bổ sung 400 mcg folate mỗi ngày. Trong suốt thời gian mang thai còn lại, mức ăn vào khuyến cáo là 300 mcg mỗi ngày (đối với phụ nữ không mang thai là 200 mcg/ngày). Những phụ nữ đã từng có thai bị khuyết tật ống thần kinh được khuyên bổ sung nhiều folate hơn, mức cụ thể sẽ do bác sĩ kê toa.
Các vấn đề về sức khỏe của thai phụ
Những thay đổi của cơ thể trong suốt thai kỳ có thể gây ra những vấn đề tạm thời về sức khỏe, bao gồm: ốm nghén, ợ nóng và khó tiêu, táo bón, và tiểu đường trong thời kỳ mang thai.
Ợ nóng và khó tiêu
Ợ nóng và khó tiêu xảy ra khi thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây khó chịu ở ngực. Khi “bầu bí”, nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thay đổi vị trí của các cơ quan ở bụng để nhường chỗ cho thai nhi ngày một lớn dần.
Cách xử lý:
• Ăn ít một; ăn thực phẩm ít chất béo trong các bữa chính và bữa phụ; ăn từ từ và đúng giờ.
• Tránh các thực phẩm kích thích dạ dày như cà phê, bạc hà (húng lủi), trái cây có vị chua, thức ăn cay nồng, thức ăn nhiều dầu mỡ, các sản phẩm làm từ cà chua…
• Uống nước giữa các bữa ăn.
• Vận động nhẹ (như đi dạo) sau các bữa ăn.
• Tránh ăn hay uống trong vòng 1 – 2 giờ trước khi nằm nghỉ.
→ Ăn từ tốn các món ăn vặt có vị dịu nhẹ, như dưa hấu hoặc sữa chua ít béo, có thể giúp xoa dịu chứng ợ nóng.
Sữa chua còn là nguồn cung cấp canxi rất tốt.
Ốm nghén
Ốm nghén xảy ra do hormone HCG – một chất do nhau thai tiết ra – tăng cao khi có thai. Nồng độ HCG đạt đỉnh trong khoảng 12 tuần sau khi thụ thai.
Cách xử lý:
• Ăn vài chiếc bánh quy, hoặc một lát bánh mì lót dạ vào buổi sáng.
• Tránh ăn những món có mùi “nặng”, khó chịu bằng cách ăn thức ăn để nguội; mở cửa hoặc mở quạt hút mùi trong lúc nấu nướng để loại bỏ mùi thức ăn.
• Tránh những mùi hương có thể kích thích gây buồn nôn (như nước hoa, nước lau sàn, nước xịt phòng…)
• Uống một tách trà gừng.
• Ngửi tinh dầu bạc hà hoặc chanh.
Táo bón
Nhu động ruột giảm trong thời kỳ mang thai, đồng nghĩa với việc thức ăn di chuyển trong ruột chậm hơn và lượng nước mà ruột hấp thu từ thức ăn tăng lên, có thể gây ra chứng táo bón.
Thai phụ có thể khắc phục tình trạng này bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (như cải bó xôi, khoai lang, rau đay, rau dền, mồng tơi, chuối tiêu… những thực phẩm này cũng chứa nhiều magiê có tính năng làm mềm chất thải và kích thích nhu động ruột) và càng phải hạn chế bia rượu, thức uống chứa caffeine.
Tiểu đường trong thời kỳ mang thai
Ðối với chứng tiểu đường khi mang thai, nồng độ đường glucose trong máu tăng cao trong suốt thai kỳ. Hiện tượng này xảy ra do các hormone từ nhau thai sinh ra có tác động kháng insulin của tuyến tụy, trong khi insulin lại là hormone giúp điều hòa glucose.
Rối loạn này chiếm khoảng 4% tất cả các trường hợp thai nghén, thường được chẩn đoán trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Các triệu chứng có thể xuất hiện là khát nước quá mức, tiểu nhiều và mệt mỏi. Tuy nhiên, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Trong khoảng 90% các ca bệnh, nồng độ đường glucose trong máu sẽ trở về mức bình thường sau khi sinh, nhưng vẫn có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh tiểu đường khi lớn tuổi.
Ở những người bị bệnh tiểu đường, cơ thể họ không thể chuyển đường glucose thành năng lượng một cách hiệu quả, mà thay vào đó cơ thể sẽ chuyển hóa năng lượng bằng cách phá vỡ chất béo, sản sinh ra các “thứ phẩm” có tên gọi là ketone. Sự tích tụ ketone trong cơ thể (chứng nhiễm ketone) gây ra các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây.
Thai phụ bị tiểu đường sẽ được bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng và lên kế hoạch ăn uống linh hoạt trong suốt thai kỳ, tùy thuộc vào nồng độ đường huyết thực tế. Mục tiêu là cung cấp đủ lượng calo để tăng cân hợp lý và duy trì nồng độ đường máu ở mức bình thường.
Nhìn chung, 40 – 45% calo trong chế độ ăn nên lấy từ tinh bột. Bạn nên có bữa ăn nhẹ vào buổi tối để tránh nhiễm ketone trong đêm. Cơ thể không chấp nhận tinh bột vào bữa sáng tốt như các bữa chính khác, vì vậy bạn nên hạn chế ăn thực phẩm chứa tinh bột trong bữa sáng.
Nếu đường huyết ở mức cao kéo dài, rất có thể bạn cần tiêm insulin. Ðây là liệu pháp tốt nhất cho thai nhi; và với những biện pháp chăm sóc tiền sản tốt, bạn vẫn có thể có được một thai kỳ khỏe mạnh.