Nỗi lo cân nặng của người mẹ mới sinh
Mối quan tâm hàng đầu của hầu hết phụ nữ sau sinh là giảm đi số cân đã tăng lên trong giai đoạn mang thai. Điều này có thể chỉ mất vài tuần với người này, nhưng lại kéo dài đến vài năm đối với người kia. Áp dụng các biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng lấy lại vóc dáng ngay sau khi sinh có thể khiến bạn bị kiệt sức do không đáp ứng đủ dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi sức khỏe. Điều bạn cần chính là kết hợp ăn uống cân bằng dưỡng chất với tập luyện đều đặn.
→ Mẹ và bé: Sau khi sinh, người mẹ cần hấp thu nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn, không chỉ giúp cơ thể hồi phục sau thời gian dài mang thai và sinh con, mà còn để tạo sữa trong trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ.
Thời gian đầu sau sinh khá căng thẳng đối với các bà mẹ. Sự xáo trộn về tâm sinh lý lẫn trách nhiệm chăm sóc bé khiến bạn không ngủ đủ giấc. Việc quan trọng lúc này là phải giữ cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh. Bạn phải ăn ba bữa chính mỗi ngày, cố gắng tránh bỏ bữa dù có bận rộn đến mức nào (hay đang nỗ lực để giảm cân). Thậm chí chỉ cần ăn vội một khúc bánh mì thịt chả và một miếng trái cây cho bữa điểm tâm cũng còn tốt hơn là để bụng đói.
Không nên ép mình phải tuân theo chế độ ăn kiêng giảm béo ngay sau sinh, nhất là khi bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Việc giảm cân nên thực hiện từ từ.
Thông thường, người mẹ sẽ giảm 6,8 kg trong tuần đầu sau sinh và sẽ giảm 450 – 900 g mỗi tháng trong 4 – 6 tháng đầu của giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Sự giảm cân này diễn ra nhanh hơn so với ở những phụ nữ nuôi con bằng sữa bình.
Việc sút hơn 700 g cân nặng mỗi tuần ở những bà mẹ cho con bú sữa mẹ không chỉ có thể làm giảm lượng sữa tạo ra, mà còn đặt cả mẹ và bé trước nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Một số bà mẹ duy trì mức cân nặng hoặc thậm chí tăng cân trong suốt giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng lại có thể giảm lượng cân thừa sau khi cai sữa cho bé.
Nhu cầu cần thiết cho giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ
Những người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến cáo nên ăn uống cân bằng, đa dạng để nhận đủ dưỡng chất và uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
Tương tự như lúc mang thai, người mẹ đang trong giai đoạn cho con bú cũng có nhu cầu cao đối với năng lượng và thực sự là tất cả các dưỡng chất, đặc biệt là chất đạm, vitamin A, vitamin C và canxi.
Canxi
Mẹ đang cho bé bú nên nhận đủ 1.250 mg canxi mỗi ngày. Khoảng 2 – 8% tổng lượng canxi trong cơ thể người mẹ sẽ được dùng cho quá trình tạo sữa.
Sau thai kỳ, cơ thể người mẹ sẽ bù đắp lại lượng canxi đã mất; tuy nhiên, đối với những phụ nữ có nhiều con hoặc thời gian giữa các lần mang thai ngắn, có thể họ sẽ không nhận đủ canxi thay thế cho lượng đã mất. Ðiều này khiến họ phải đối mặt với chứng loãng xương khi lớn tuổi.
Thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất
Trong suốt giai đoạn cho bé bú mẹ, nhu cầu đối với tất cả các chất dinh dưỡng đều tăng cao. Ví dụ, mỗi ngày cơ thể cần thêm 350 mcg vitamin A, 30 mg vitamin C, 2 mg niaxin, 60 mcg folate và 50 mg magiê. Trong bốn tháng đầu, lượng kẽm cần bổ sung thêm là 6 mg, thời gian sau đó lượng cần thêm là 2,5 mg.
Thuốc bổ sung vitamin tiền sản thường được chỉ định dùng cho phụ nữ đang cho con bú để đảm bảo rằng họ nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất như khuyến nghị.
Thực phẩm nên tránh
Một số chất có trong thực phẩm mà người mẹ ăn có thể truyền sang sữa và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé. Một số triệu chứng thường gặp ở bé là đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, tiêu chảy, nôn mửa, thở khò khè, chảy nước mũi, phát ban…
Những thực phẩm gây ra hiện tượng này có thể là sữa bò và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, trứng, các sản phẩm làm từ bột mì, trái cây họ cam quýt, thực phẩm chứa caffeine, sô-cô-la, tỏi, bắp cải, dưa leo…
Tình huống nghiên cứu
MỘT NGƯỜI MẸ TRẺ BỊ SÚT CÂN TRẦM TRỌNG
Tên nhân vật: Suzie
Tuổi: 26
Vấn đề: Ngay từ lúc mới sinh xong, Suzie luôn tất bật với cậu con trai nhỏ của mình.
Cô không có thời gian để chuẩn bị những bữa ăn bổ dưỡng cho bản thân, nhưng cũng cố gắng không bỏ bữa. Vào bữa sáng, Suzie thường ăn bánh ngũ cốc với sữa ít béo.
Bữa trưa của cô là lát bánh mì sandwich kẹp dưa chua và nửa miếng phô mai, kèm một ly cam ép. Bữa tối, cô ăn vài miếng ức gà kèm khoai tây nướng và cola dành cho người ăn kiêng. Ban đêm, nếu có thời gian giữa các cữ cho con bú, cô thích ăn kem lạnh.
Giai đoạn này cô cảm thấy đói hơn cả khi mang thai, nhưng cô rất khó tìm được khoảng thời gian rảnh rỗi để ăn. Thậm chí cô còn biết mình không uống đủ nước, vì môi cô khô tróc cả lên. Suzie lo rằng nguồn sữa của cô không đủ để đáp ứng nhu cầu của con, bởi bé thường xuyên quấy khóc đòi bú, và bé cũng không bụ bẫm như những đứa trẻ cùng lứa được nuôi bằng sữa bình. Mẹ của Suzie bảo cô không nên ăn rau củ và sô-cô-la vì chúng có thể làm cho bé khó chịu và gây ợ hơi.
Tình trạng mẹ và bé: Bé trai của Suzie nặng 3,7 kg khi mới sinh; và giờ đây khi được sáu tuần tuổi, bé nặng 5 kg. Ðây là lần sinh nở đầu tiên của cô. Sau khi sinh, Suzie xuống được 9 kg và hiện tại nặng 63,5 kg. Trước khi mang thai, cô cao 1,7 m và nặng 59 kg.
Lời khuyên: Suzie đang có nguy cơ không thu nhận đủ calo để duy trì trọng lượng cơ thể và tạo đủ sữa nuôi con. Trong giai đoạn cho bé bú sữa mẹ, nhu cầu về calo của cô tăng lên khoảng 550 calo một ngày. Ðặc biệt, cô cần bổ sung thêm chất đạm, vitamin (A, B12, folate…), khoáng chất (canxi, kẽm…).
Ðể “nạp” thêm calo, Suzie nên ăn theo khẩu phần được khuyến nghị với đầy đủ các nhóm thực phẩm chính. Vì không có đủ thời gian cho việc nấu nướng cầu kỳ, cô nên mua các phần ăn sẵn lành mạnh, chỉ cần h âm nóng lại là bữa ăn đã sẵn sàng.
Với bữa điểm tâm, Suzie có thể ăn cháo ăn liền từ ngũ cốc nguyên hạt, kèm thêm một ly sữa ít béo và một quả chuối hay vài quả dâu tây. Với bữa trưa, cô có thể bổ sung vài khúc cà rốt và một ly sữa đi kèm với món bánh sandwich. Bữa tối, cô nên ăn thêm một mẩu bánh mì (làm từ bột nguyên cám) cùng một dĩa salad trái cây trộn.
Tất cả những thức ăn bổ sung lành mạnh này đều có thể chế biến nh anh chóng và dễ dàng.
Ngoài ra, sữa ít béo, sữa chua hay trái cây khô giàu sắt có thể được dùng như bữa lỡ. Suzie cũng nên uống bổ sung vitamin tổng hợp và uống nhiều nước (khoảng 3 lít mỗi ngày).