“Khi giao tiếp với con người, hãy nhớ rằng bạn đang giao tiếp với những con người có cảm xúc chứ không phải những cỗ máy lôgíc.”
Dale Carnegie (1888-1955)
Mỗi công sở đều có ít nhất một người khó tính, một số nơi còn có vài người như vậy. Theo Robert D. Ramsey, những người ở vị trí quản lý dành khoảng 18% trong quỹ thời gian của mình để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân bùng nổ giữa nhân viên của họ (Mâu thuẫn cá nhân – 2005). Con số này đồng nghĩa với việc mỗi năm người quản lý lại mất hai tháng cho việc giải quyết những vấn đề hoàn toàn vô nghĩa này.
Vũ khí tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn cá nhân là hiểu chính xác xem lý do tại sao và làm thế nào những người này trở nên khó tính đến thế. Làm được việc này, bạn sẽ có đủ khả năng biến người khó tính thành người có thể hòa nhập với môi trường công việc ở công ty bạn.
Tâm lý học nơi làm việc
Để có được tâm lý vui vẻ, những mối quan hệ tốt và sự cân bằng tâm lý, con người cần phải có cảm giác tốt về bản thân họ. Cảm giác về giá trị bản thân này được chúng ta gọi là lòng tự trọng.
Làm thế nào để con người có được lòng tự trọng? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều phải lựa chọn. Chúng ta sẽ có những cảm giác tốt đẹp về bản thân mình khi lựa chọn làm những gì mình tin là đúng và sẽ có cảm giác tội lỗi, bối rối và xấu hổ khi làm những việc mình biết là sai.
Tuy nhiên, hãy nhìn lại một chút thôi. Khi ra một quyết định trong cuộc sống, dù là quyết định nào đi chăng nữa thì bạn luôn luôn có một hoặc sự kết hợp của ba động lực dưới đây:
Hai động lực đầu tiên làm tổn thương cái tôi của mỗi người và động lực thứ ba khiến chúng ta có những cảm giác tốt đẹp về bản thân mình và về việc chúng ta là ai. Dưới đây là một cách nhìn cụ thể hơn về cách thức và lý do điều đó xảy ra.
Khi lựa chọn làm một điều gì đó chỉ vì bạn cảm thấy nó tốt – thậm chí là khi bạn biết rằng nó có thể là sai, hình ảnh cá nhân của bạn sẽ bị bóp méo. Chẳng hạn như, khi ăn quá nhiều, bạn sẽ có cảm giác khó chịu, rồi sau đó có thể sẽ cảm thấy tội lỗi và giận dữ. Hoặc nếu thức khuya trong khi cần phải dậy sớm làm việc gì đó, bạn có thể sẽ cảm thấy bực bội với chính bản thân mình. Khi ra một quyết định đi ngược lại những mong muốn thực sự bên trong của mình – ăn uống điều độ hoặc dậy sớm – trên thực tế, bạn đang trở thành nô lệ của những ham muốn của mình. Do đó, bạn không còn tự do và độc lập nữa.
Tuy nhiên, khi lựa chọn làm một việc đúng đắn, bạn có cảm giác tốt đẹp về bản thân. Đó là bởi để có cảm giác tốt, bạn cần làm việc tốt, chứ không phải là cảm thấy tốt hay trông thấy tốt. Chỉ khi có đủ khả năng lựa chọn những trách nhiệm của mình trong cuộc sống, bạn mới có được lòng tự trọng. Sau đó cảm xúc của bạn được tự do và bạn mới có những cảm giác tốt về bản thân mình.
Để mọi thứ cùng hòa hợp
Một phần trong mỗi chúng ta tìm kiếm sự tôn trọng từ người khác, đó chính là cái tôi. Cái tôi là biểu hiện cụ thể của cách thức chúng ta muốn và cần thế giới nhìn nhận mình. Với cái tôi đang thường trực, khi nhận được phản hồi tốt và tích cực, chúng ta có cảm giác tốt đẹp về bản thân. Và khi điều ngược lại xảy ra, chúng ta không có được những cảm giác tốt đẹp về bản thân nữa.
Điều quan trọng ở đây là lòng tự trọng của chúng ta càng cao, chúng ta càng ít phụ thuộc vào người khác để có những cảm xúc tốt đẹp về bản thân mình. Chúng ta càng không yêu quý bản thân mình, chúng ta lại càng phụ thuộc vào người khác trong việc nuôi dưỡng cảm xúc của mình.
Tình yêu mà chúng ta cần luôn đi cùng với sự tôn trọng. Nếu được người khác tôn trọng, chúng ta sẽ cảm thấy mình có thể tôn trọng bản thân vì chúng ta chuyển hóa sự tôn trọng của mọi người dành cho mình thành tình yêu bản thân. Lòng tự trọng và cái tôi xoay quanh sự tôn trọng bản thân. Chúng ta cần nó và nếu không thể có được nó từ bản thân mình, chúng ta sẽ muốn nó từ người khác.
Nếu lòng tự trọng của bạn thấp, theo định nghĩa về lòng tự trọng thì rõ ràng là bạn đang mất kiểm soát. Khi càng ít kiểm soát được bản thân thì chúng ta lại càng cố gắng để kiểm soát cuộc sống của người khác và trở nên tức giận khi những người xung quanh không như mong muốn của mình. Bạn sẽ không ngồi im nhìn ai đó đến và cướp đi nốt một chút sức mạnh và độc lập cũng như cảm giác kiểm soát còn sót lại trong bạn. Nếu bạn mới chỉ đọc lướt đoạn này, hãy đọc lại, bởi nó là nền tảng của tất cả những mâu thuẫn cá nhân.
Bất cứ tình huống nào khiến bạn cảm thấy không được tôn trọng sẽ khiến bạn phản ứng tiêu cực. Nếu bạn cảm thấy vẫn đang kiểm soát được tình hình, tức là vẫn còn lòng tự trọng bạn sẽ không phản ứng với cơn giận. Càng tự trọng bạn sẽ càng ít giận dữ dù ở trong những tình huống tiêu cực đến đâu đi chăng nữa.
Tại sao giận dữ lại là phản ứng tinh thần?
Khi không được người khác tôn trọng, chúng ta giận dữ bởi điều đó làm tổn thương cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình. Nó cắt đứt mọi nguồn cung cấp thức ăn – thực phẩm nuôi dưỡng tinh thần của chúng ta. Phản ứng tinh thần trước sự mất kiểm soát này là nỗi sợ hãi. Và phản ứng trước nỗi sợ hãi – sự nỗ lực của cái tôi để bù đắp cho những mất mát – là thái độ giận dữ. Nguồn gốc của tất cả những cảm xúc tiêu cực – đố kị, thèm khát, ghen tị, đặc biệt là cảm giác giận dữ – là nỗi sợ hãi. Và nguồn gốc của nỗi sợ hãi là sự thiếu tự trọng. Đó là lý do tại sao những người đang giận dữ có lòng tự trọng thấp. Đó là lý do tại sao họ luôn tranh cãi, ngoan cố và không chịu tha thứ. Sự tức giận khiến chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ. Nó cho chúng ta cái ảo tưởng rằng mình vẫn đang kiểm soát được mọi thứ, tự do và độc lập. Nhưng trên thực tế, nó khiến chúng ta mất kiểm soát.
Nếu một người không tôn trọng bản thân mình, anh ta sẽ vô thức kết luận rằng người khác cũng không tôn trọng anh ta. Anh ta cảm thấy những người đó cố tình đối xử tệ với mình và hiếm khi cho rằng họ có những động cơ tốt đằng sau hành vi của mình. Bất cứ khi nào mọi thứ không theo ý mình, anh ta cũng cảm thấy tức giận, cả với bản thân mình và người khác.
Khi thiếu tự trọng, những ham muốn bốc đồng sẽ xé toạc và bóp méo suy nghĩ của chúng ta, khiến tinh thần của chúng ta luôn ở trạng thái phiền muộn. Khi cô đơn, để làm yên lòng giọng nói vô thức đang thì thầm rằng: “Tôi không thích chính mình”, chúng ta làm bất cứ điều gì có thể để cảm thấy tốt hơn và xoa dịu nỗi đau. Người có những hình ảnh xấu về bản thân thường tìm kiếm một chỗ trú ẩn tạm thời cho cảm giác hài lòng tạm bợ và những điều này khiến anh ta trở nên bốc đồng hơn.
Khi cái tôi thống trị, cảm xúc làm vẩn đục suy nghĩ của chúng ta, do đó những lựa chọn lúc này của chúng ta sẽ không có hiệu quả và đôi khi còn có hại. Khi không thích bản thân mình – điều này đúng với tất cả mọi người, ở rất nhiều mức độ khác nhau – chúng ta trừng phạt bản thân với những hành động được ngụy trang như những thú vui: ăn thật nhiều, uống rượu hoặc hút thuốc phiện – những hành động điên rồ và hết sức vô nghĩa. Chúng ta tha thiết muốn yêu bản thân mình, nhưng thay vào đó, chúng ta lại đánh mất mình. Khi không có khả năng đầu tư để có được hạnh phúc đích thực, chúng ta sẽ thay thế tình yêu bằng những ảo tưởng. Những niềm vui không có thật này che khuất sự tự coi thường bản thân của chính chúng ta. Kết quả là thay vì tìm kiếm nguồn an ủi, chúng ta phải chấp nhận những nỗi đau lớn hơn và chìm sâu hơn xuống vũng lầy tuyệt vọng.
Những người không thích chính con người mà họ đã trở thành sẽ thấy mọi thứ trong cuộc sống của mình thật cằn cỗi. Điều đó giống như phải làm việc với ông chủ mà họ khinh miệt. Thậm chí việc nhỏ nhất cũng tạo ra sự khó chịu. Liệu bạn có sẵn sàng làm việc chăm chỉ cho hoặc đầu tư vào một người không hề dễ chịu và không có khả năng kiểm soát?
Nhân cách của chúng ta được hình thành
Do lòng tự trọng và cái tôi loại trừ lẫn nhau, bạn sẽ không thể tìm được một người vừa có lòng tự trọng cao vừa có một cái tôi lớn. Khi lòng tự trọng bắt đầu đi xuống, tầm nhìn của một người sẽ bị thu nhỏ và cá tính được thể hiện, sự bất an sẽ xâm nhập người đó. Kết quả là: Hai tâm tính khác biệt của chúng ta được hình thành: một người có lòng tự trọng thấp và cái tôi sứt mẻ – đây là kiểu người kiêu ngạo. Vì thế, hai con người này, với lòng tự trọng thấp, có thể bộc lộ một hoặc hai thái độ khác nhau với cùng một tình huống. Sự khác nhau mang tính đối đầu đó được sinh ra từ cùng một cái khuôn, trong khi người có cái tôi sứt mẻ không có khả năng thể hiện sự không hài lòng và khẳng định bản thân, họ có thể sẽ tìm kiếm những phương thức tích cực-thụ động để cân bằng điểm số.
Những tâm lý này không phải lúc nào cũng cố định. Một người có lòng tự trọng thấp thường bị dao động giữa tính cách tự ti (tâm lý bị coi thường) và tự tôn (sinh ra sự kiêu ngạo), tùy thuộc vào lúc đó tính cách nào đang chiếm ưu thế. Sự tự ti sẽ tạo nên tâm lý tiêu cực từ bên trong, biểu hiện ra ngoài cảm giác đau đớn và nỗi buồn; sự tự tôn bộc lộ cảm xúc tiêu cực ra ngoài, kết quả là tạo nên sự giận dữ.
Tâm trạng của tất cả chúng ta luôn thay đổi. Người ta vẫn nói: Một người nên có hai mẩu giấy trong ví của mình, một mẩu ghi: “Tôi chỉ là một hạt bụi” còn mẩu kia thì ghi: “Thế giới được tạo ra chỉ nhằm phục vụ mục đích của tôi.” Quan trọng là biết khi nào cần sử dụng mẩu giấy nào.
Đúng là một câu nói dường như đơn giản lại cho thấy sự thông thái của con người. Khi lòng tự trọng thấp, chúng ta phản ứng với mọi tình huống với thái độ, hay “mẩu giấy” sai lầm. Trong trường hợp cái Tôi bị đe dọa, nếu có lòng tự trọng cao, chúng ta có đủ khả năng để nhìn nhận bản thân “chỉ là một hạt bụi”. Nhưng trong trường hợp lòng tự trọng thấp, chúng ta sẽ phạm phải sai lầm khi tin rằng thế giới được tạo ra chỉ nhằm phục vụ mục đích của mình và sẽ cảm thấy bị coi thường hay bị tổn thương bởi bất cứ ai muốn thử thách năng lực của chúng ta.
Bài kiểm tra lòng tự trọng
Có một cách rất nhanh để kiểm tra lòng tự trọng của một người là quan sát cách anh ta đối xử với bản thân và người khác. Một người thiếu tự trọng thường chiều theo những mong muốn của bản thân để thỏa mãn nhu cầu của riêng mình và sẽ không cư xử tốt với mọi người. Hoặc cũng có thể anh ta lại quá quan tâm đến nhu cầu của mọi người đến mức quên mất nhu cầu của bản thân bởi anh ta khao khát có được sự xác nhận và tôn trọng từ họ. Chỉ có những người thực sự có lòng tự trọng cao mới cư xử tốt với chính bản thân mình và mọi người. Và nói tốt ở đây không ám chỉ những người chỉ cố gắng để có được sự hài lòng trong thời gian ngắn. Hơn thế nữa, anh ta đầu tư để có được hạnh phúc bền lâu, đồng thời cư xử tốt và thân thiện với tất cả mọi người, không phải chỉ để chờ mong mọi người thích mình mà còn bởi anh ta rất thích họ và bởi đó là những việc thực sự nên làm.
Bạn nên nhớ rằng không ai muốn nói chuyện với một người có tính cách khó chịu; nhưng ngược lại với những gì mọi người nghĩ, con người này đang có những nỗi đau trong lòng. Khi hiểu được tại sao người này lại khó chịu đến thế, chúng ta sẽ có được phương pháp tiếp cận tốt để có thể có một mối quan hệ tích cực với anh ta. Những chiến thuật cụ thể được trình bày trong chương tiếp theo sẽ thực sự có ích với bạn.
Xem thêm: