“Tôi thích những thời hạn cuối cùng.
Tôi thích cái âm thanh khi chúng bay vụt qua.”
Douglas Adams (1952-2001)
Thiết lập mục tiêu là chủ đề đã được đề cập đến rất nhiều trong các cuốn sách về kinh doanh, chương này là sự kết tinh của năm thành phần tâm lý quan trọng có ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa mục tiêu.
Để bắt đầu, trong tự nhiên không hề có một khuôn mẫu chuẩn mực nào. Định luật bảo toàn khẳng định rằng sinh vật sẽ chết nếu chúng không phát triển. Hơn thế nữa, cũng giống như tất cả mọi người sinh ra đều không giống nhau – từ dấu vân tay, khuôn mặt đến nhiễm sắc thể – tất cả chúng ta đều được sinh ra với mục đích mỗi người là một cá thể duy nhất.
Để đạt được mức độ thực hiện ở mức độ tốt nhất – tự hoàn thiện – chúng ta cần tiến tới điểm mà tâm hồn mình luôn khao khát. Khi hiện thực hóa tiềm lực của mình, chúng ta gắn bản thân với quyền lực ổn định nhất có thể. Sống không nhất quán hoặc đối lập với bản chất thực sự của mình không chỉ là một cách sống không trọn vẹn mà còn khiến con người kiệt quệ.
Nếu không có cái nhìn rõ ràng về những điều mình mong muốn trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải chịu tác động ngược từ cuộc sống; chúng ta sẽ không bao giờ nhận thấy sức mạnh đầy đủ của ý chí tự do là nhân tố giúp chúng ta điều khiển cuộc sống theo hướng chúng ta đã lựa chọn.
Con người thường xuyên hạn chế lựa chọn của mình trong một không gian rất nhỏ không nhận ra hết những khả năng vốn có của mình ở ngoài vùng thoải mái. Cái tôi khiến con người tin rằng mình đang bị nhốt trong một cái hộp và không thể đi quá xa khỏi nơi chúng ta đang ở, hoặc chỉ có thể di chuyển một chút thôi và sẽ di chuyển rất chậm. Thiếu cảm hứng sẽ dẫn đến việc thiếu nhiệt tình với hướng đi mà chúng ta tin rằng mình có thể tiến lên.
Thành phần tâm lý 1 Động lực đúng đắn
Mỗi người đều phải thành thật về những điều mình muốn và lý do tại sao mình muốn những điều đó. Rất nhiều người vô cùng khổ sở bởi họ thiết lập mục tiêu dựa trên mong muốn của người khác. Họ có mọi lý do để làm những việc họ đã làm, trừ lý do chính đáng nhất là nó quan trọng với họ, nó phục vụ cho hạnh phúc cá nhân của họ.
Nếu bất cứ mục tiêu nào của chúng ta dựa trên sự đồng tình và chấp nhận của người khác thì chúng ta sẽ không bao giờ độc lập được; nếu chúng ta luôn chờ đợi để được ủng hộ về mặt cảm xúc từ người khác thì khi không nhận được sự ủng hộ ấy, động cơ thúc đẩy sẽ biến mất.
Đồng mạ vàng
Thế vận hội Olympics có ba loại huy chương: Vàng, bạc và đồng. Điều này có nghĩa là những người đứng thứ tư là những người thua cuộc. Trên thực tế, có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đoạt huy chương đồng lại cảm thấy vui hơn những người đoạt huy chương bạc. Nghiên cứu đã chỉ ra phản ứng cảm xúc của vận động viên bị điều khiển bởi việc so sánh với sự lựa chọn dễ nhận thấy nhất. Người đoạt huy chương bạc sẽ cảm thấy bức bối vì đã để mất huy chương vàng, nhưng người đoạt huy chương đồng thì lại cảm thấy rất thích thú vì đã đạt được huy chương thay vì không nhận được gì cả. (Medvec và đồng sự. 1995).
Nguyên nhân của hiện tượng tâm lý này được xác định bởi ý thức luôn tự coi mình là trung tâm và luôn phụ thuộc vào người khác để có thể có được cảm giác thành công. Nó tuyệt đối điên rồ và là công thức để phát triển sự bất ổn về tinh thần.
Thậm chí tinh vi hơn, một hiểu biết sai lầm về lòng tự trọng có thể dẫn con người đến niềm tin mù quáng vào công thức: tự trọng = tự tôn + tự hiệu quả (khả năng trở nên hiệu quả với những lựa chọn của bản thân). Theo mô hình này, chúng ta có thể cố gắng hết sức để làm những điều đúng đắn, nhưng cuối cùng mọi thứ diễn ra không như mong đợi (chẳng hạn như, nếu bản thân không có đủ sức khỏe), chúng ta sẽ không thể có được lòng tự trọng. Chúng ta sẽ cảm thấy điều này đúng với cuộc sống của mình. Nếu cố gắng làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác nhưng nỗ lực của chúng ta lại phản tác dụng, khiến người đó gặp nhiều khó khăn hơn thì sau đó chúng ta sẽ có cảm giác không tốt về bản thân.
Theo điều tra, chúng tôi nhận ra thực chất cái tôi chính là nguyên nhân ẩn mình đằng sau những suy nghĩ lộn xộn này. Cái tôi muốn những kết quả có thể khiến nó tự hào và yêu cầu bằng chứng của việc nó có hiệu quả với thưởng phạt hữu hình, dễ nhận thấy. (Trong khi cố gắng để thúc đẩy người khác cũng như bản thân, chúng ta cần phải lưu tâm đến việc cái tôi cần được chăm sóc. Chúng ta cũng cần nhớ rằng khi thấy mình đang làm điều đúng, chúng ta sẽ có nguồn cảm hứng cao hơn, mà không cần biết thế giới có phản hồi tích cực hay không.) Thái độ tự tôn trọng bản thân có thể chuyển hóa trực tiếp thành lòng tự trọng.
Một tâm hồn hạnh phúc
Một mục tiêu có thể trung hòa được cái tôi sẽ giúp con người có được sự linh hoạt. Điều này không chỉ mang lại cho mỗi người sự ổn định về mặt cảm xúc mà còn cho phép chúng ta dễ dàng định hướng được sự tập trung của mình. Khi làm theo cách này, chúng ta có thể dễ dàng quên đi việc mình chưa ăn hay chưa ngủ bởi khả năng tách bạch khỏi ảnh hưởng của những cảm xúc mang tính vật chất. Một người có thể dành nhiều giờ cho những sở thích của mình sẽ quên cả thời gian bởi anh ta tập trung cao độ vào mục tiêu chứ không phải vào bản thân mình. Định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng của Einstein là một ví dụ điển hình của ý tưởng này; như Einstein đã nói: “Khi người đàn ông ngồi với người phụ nữ của anh ta trong một giờ thì nó dường như chỉ kéo dài một phút. Nhưng hãy để anh ta ngồi trên lò nóng trong một phút, anh ta sẽ thấy một phút đó như thể một giờ.” Cho dù sở thích đó cách ly một người khỏi những người khác thì anh ta cũng sẽ không cảm thấy mệt mỏi bởi khi đó anh ta không hề có cảm giác cô đơn. Khi làm việc gì đó bằng cả trái tim, chúng ta sẽ cảm thấy mình đang sống, cảm thấy hào hứng với cuộc sống này và sẽ chẳng bao giờ có cảm giác nhàm chán.
Thành phần tâm lý 2 Một kế hoạch hành động
Không chỉ lựa chọn đường lối, chúng ta còn cần kế hoạch thực hiện để có thể đạt được mục tiêu của mình. Không ai đến sân bay và lên một chuyến bay bất kỳ đưa anh ta đến bất cứ nơi nào. Chúng ta thường lập kế hoạch cho chuyến đi của mình bằng cách đặt vé máy bay trước, sắp xếp phương tiện để đi từ máy bay đến khách sạn và thậm chí còn lập hẳn một bản ghi chép về cuộc hành trình, nhờ đó có thể biết đích xác mình muốn đạt được điều gì. Cũng tương tự như vậy, sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng ta có một ý tưởng chung cho những mục tiêu trong cuộc sống của mình nhưng lại không hề có một kế hoạch cụ thể về phương cách hành động để đạt được mục tiêu đó.
Trong khi có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến việc lập kế hoạch hiệu quả thì không gì có thể làm tổn hại thành công của một người nhiều hơn là từ bỏ con đường thẳng để ủng hộ một kế hoạch phức tạp, khiến mục tiêu của người đó thêm rắc rối một cách không cần thiết. Phương pháp Occam’s razor1 nói rằng: “Mọi thứ không nên bị làm quá.” Nói một cách đơn giản, nếu bạn có hai giải pháp gần giống nhau cho cùng một vấn đề, hãy chọn giải pháp đơn giản hơn. Một tuyến đường quanh co thường dựa trên nỗi sợ thất bại, sợ thành công hoặc cả hai và đó là một trong những công cụ ưa thích của cái tôi. Nó phỉnh lừa con người, khiến con người cảm thấy như mình đang tiến lên, trong khi thực tế, chúng ta đang chạy quanh một vòng tròn.
1 Cụm từ “Occam’s razor” được đưa ra từ năm 1852 dựa trên nguyên tắc của nhà thần học, tu sĩ và luật sư người Anh – Cha William Ockham (d’Okham) (ND).
Thành phần tâm lý 3 Một khung thời gian thực tế
Phần lớn mọi người quản lý cuộc sống của họ như thể họ đang ở trong kì nghỉ và viết bưu thiếp cho bạn bè. Khi kết thúc lời mở đầu cùng vài câu hỏi thăm là lúc ta nhận ra mình chẳng còn chỗ nào để viết những gì mình thực sự muốn viết.
Con người không điều hành vũ trụ nhưng lại điều hành cuộc sống của chính mình. Lập một thời gian biểu không có nghĩa là cần phải mong đợi những kết quả có thể đong đếm được mà chỉ đơn giản là chúng ta cần một khung thời gian để hoạt động dựa vào nó.
Bản năng tự nhiên khiến chúng ta chờ đợi tới khi các điều kiện trở nên thuận lợi, có thêm thông tin hoặc có một tâm trạng tốt hơn trước khi hành động. Nếu không lập một lịch trình thực tế cho những mục tiêu của mình (vào thời điểm thích hợp), chúng ta sẽ không những tự nhạo báng bản thân mà còn chống lại quy luật của bản chất con người.
Định luật Parkinson khẳng định: “Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó.” Ông giải thích định luật này bằng nhận định: “Sự nhìn nhận chung của thực tế này được chỉ ra trong một câu phương ngôn: ‘Người bận rộn nhất là người có thời gian để để dành’”, cùng với câu chuyện thú vị sau đây:
Như vậy, một người phụ nữ cao tuổi rảnh rỗi có thể dành cả ngày để viết và gửi đi một tấm thiệp cho đứa cháu gái ở Bognor Regis. Bà sẽ mất một giờ cho việc tìm thiệp, một giờ nữa cho việc tìm kính, nửa giờ để tìm địa chỉ, một giờ rưỡi nữa để viết, thêm hai mươi phút để quyết định xem có nên mang ô theo khi đi ra bưu điện gửi thư không. Toàn bộ thành quả đó sẽ chỉ chiếm mất của một người bận rộn cả thảy là 3 phút đồng hồ và có thể khiến một người khác kiệt sức sau cả một ngày băn khoăn, lo lắng và cực nhọc. Giả dụ, công việc đó (đặc biệt là những công việc bàn giấy) có tính đàn hồi theo yêu cầu về thời gian, có một điều hiển nhiên là có rất ít hoặc không có mối quan hệ nào giữa công việc cần hoàn thành và số lượng nhân viên được chỉ định để hoàn thành công việc đó. Chúng ta không làm gì không có nghĩa là chúng ta có thời gian rảnh rỗi. Tình trạng thiếu việc làm không nhất thiết phải biểu hiện qua sự lười biếng. Mức độ quan trọng và phức tạp của việc cần hoàn thành sẽ tăng theo tỉ lệ trực tiếp với thời gian dành cho nó (Parkinson 1958).
Không có thời gian biểu, những việc vụn vặt sẽ tràn ngập cuộc sống của chúng ta và sẽ trở thành những mối quan tâm vô nghĩa.
Thành phần tâm lý 4 Ổn định trong kết cấu
Khi tạo nên kết cấu cuộc sống của mình, con người tạo điều kiện cho sự phát triển. Chẳng hạn như, lược bỏ là một quá trình định hướng sự phát triển – tức là định hướng năng lượng – theo hướng bạn muốn. Mọi thực thể sống đều có một nguồn năng lượng giới hạn, bởi vậy việc lược bớt và loại bỏ những điều bạn không muốn sẽ giúp tối ưu hóa nguồn năng lượng hiện có. Không có quá trình này, sức mạnh của con người sẽ tiêu tan. Kết cấu giúp con người tiến lên theo định hướng có ý nghĩa và hiệu quả, ngăn chặn ảnh hưởng của những ý nghĩ bất chợt và mong muốn thoáng qua chúng ta.
Trong cuốn sách Sức mạnh của cam kết trọn vẹn (2004), Jim Loehr và Tony Schwartz đã miêu tả cách thức để lập một kế hoạch hoạt động thường xuyên là một trong số những yếu tố cần thiết nhất để phát huy tối đa sức mạnh và hoàn thành tốt nhất công việc trong một ngày. Bởi con người chỉ có một năng lượng giới hạn dành cho việc ra quyết định, việc thiếu kết cấu và tổ chức cho một ngày sẽ khiến chúng ta sử dụng những năng lượng quan trọng để ra những quyết định vô nghĩa.
Hãy tưởng tượng bạn bước vào một cửa hàng trang sức rộng lớn khi chỉ có năm phút để mua sắm. Nếu không biết trước được mình muốn mua cái gì, ánh mắt của bạn sẽ bị hút vào bất cứ món hàng nào trong cửa hàng và kết cục là bạn sẽ chẳng mua được gì hết. Thiếu kết cấu không mang lại cho con người tự do. Nó khiến chúng ta tê liệt.
Hầu như mỗi tín ngưỡng đều có một quy tắc ứng xử riêng. Có những việc được phép làm và những việc không được phép làm. Mặc dù có thể đồng ý hoặc không đồng ý với một số chi tiết cụ thể nhưng ranh giới vẫn cần thiết cho sức khỏe cảm xúc của chúng ta. Phần lớn những người cảm thấy mất tự chủ đều cần có một kết cấu.
Kết cấu giúp đơn giản hóa, làm hài hòa, đồng bộ hóa suy nghĩ và cuộc sống của con người. Chúng ta không nên chỉ đặt ra những điều quan trọng vào mỗi ngày; thay vào đó, nên thiết kế ngày của mình xoay quanh các mục tiêu. Khi thiết lập được thứ tự ưu tiên, cần sắp xếp lượng thời gian hợp lý cho chúng. Mặt trái của nguyên tắc này cũng không kém phần hấp dẫn. Để có đủ dũng cảm đi theo đúng hướng, chúng ta cần phải có đủ nghị lực để đóng cửa lại trước những gì không còn hiệu quả và không mang tính xây dựng nữa.
Nhiều hoặc ít hơn
Một nghiên cứu về mối tương quan giữa lựa chọn và quyền tự do lựa chọn ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau đã chỉ ra rằng: Quá nhiều lựa chọn thường khiến con người bị tê liệt. Một nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng những người mua hàng được lựa chọn giữa nhiều loại mứt khác nhau đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn tới gói mứt với nhiều loại khác nhau (24 loại). Nhưng khi thực sự quyết định mua, sự quan tâm của họ tăng gấp 10 lần khi được giới thiệu gói có sáu loại mứt thay vì 24 loại (Iyengar và Lepper 2000).
Sống trong sự mâu thuẫn với giá trị của bản thân khiến con người vô cùng mệt mỏi. Nó buộc mỗi người phải biện minh cho những hành động của mình theo vô số cách khác nhau, và cuối cùng, việc hợp lý hóa này làm chúng ta kiệt quệ. Nó tạo ra sự ngăn cách bên trong mỗi người, giống như một cuộc chiến cảm xúc. Chúng ta không thể đồng thời tin rằng X là tất cả và cực kỳ quan trọng với mình trong khi lại dành toàn bộ thời gian, năng lượng và nỗ lực cho Y. Để có thể giữ được khả năng loại bỏ những cảm xúc này, chúng ta cần phải sống, ít nhất là ở một mức độ nào đó, phù hợp với những giá trị của bản thân và những gì mình thật sự mong muốn trong cuộc sống.
Thành phần tâm lý 5 Hành động chính trực
Thiếu chính trực khiến năng lượng của con người bị giảm xuống. Nó giống như khi chúng ta vừa dận ga tăng tốc vừa bóp phanh. Chúng ta sẽ cháy rụi. Định luật đầu tiên về chuyển động của Newton đề cập đến xu hướng của một cơ thể đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động do tác động của quán tính. Điều làm nó chuyển động chậm hơn là ma sát còn điều làm chúng ta chuyển động chậm hơn là sự thiếu trung thực.
Hãy thành thật với bản thân và với người khác về động cơ, dự định và hành động của mình. Cho dù đó là việc giữ mồm giữ miệng hay hành động có đạo đức, chúng ta phải xác định rất rõ rằng chúng ta không được phép nghĩ mình sẽ thành công bằng bất cứ phương cách thiếu trung thực nào. Lý do rất đơn giản. Nếu dự định hoặc phương pháp của bạn ích kỉ và xảo quyệt, không những bạn không đạt được mục tiêu – mặc dù có thể sẽ đạt được thành công trong ngắn hạn – mà bạn còn làm tổn thương chính bản thân mình.
Tại sao lại thế? Nếu không đúng như thế – không cần biết bạn hợp lý hóa hay giải thích nó thế nào – tội lỗi vô thức sẽ ăn mòn lòng tự trọng và khiến cảm xúc của bạn mất thăng bằng, dẫn đến những hành vi tự hủy hoại bản thân.
Nếu những nguyên tắc của chúng ta bị phá vỡ, chúng ta sẽ mất đi lòng tự trọng và lại trở nên phụ thuộc.
Để đạt được mục tiêu, mỗi người hãy tham gia vào cuộc sống với những mục tiêu có ý nghĩa, một kế hoạch thực tế, một cấu trúc hợp lý và thời hạn cuối cùng để có thể đạt được những mục tiêu đó. Cuối cùng là tiến lên phía trước với tất cả sự chân thành và chính trực của mình.