PHẢI NÓI RẰNG TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC NHẬN ĐỦ CÔNG TRẠNG CHO NHỮNG GÌ MÌNH ĐÁNG ĐƯỢC NHẬN.
– DONALD TRUMP
Có một điều khá chắc chắn: rằng tên bà là Ivana. Còn sau đó, những dữ kiện khác đều khá mù mờ. Bà sinh ra ở đất nước Cộng hòa Tiệp Khắc thời kỳ sau chiến tranh, hoặc cũng có thể là nước Áo. Sau vụ kết hôn giả với một người Áo ở New York vào tháng Tư năm 1977, chỉ để đổi lấy tấm giấy thông hành, tên họ của bà được đổi thành Winklmayr. Nhưng bà vẫn luôn dùng tên thời con gái của mình – Zelnickova – và sau đó một bài báo trên tờ Montreal tiết lộ Ivana còn một người chồng khác nữa, một người Tiệp Khắc tên George Syrovatka, người bà đã từng gặp trong một cuộc trượt tuyết ở miền Tây.
Bên cạnh những thông tin về quê quán và tên tuổi, những bí ẩn khác về người phụ nữ đã từng phục vụ nguyên Bộ trưởng Norman Vincent Peale, kết hôn với Donald Trump ở nhà thờ Marble Collegiate là vô kể. Có thể bà là thành viên của đội tuyển Olympic Tiệp Khắc được gửi tới thi đấu lại giải Olympic Mùa đông năm 1972, hoặc cũng có thể, bà là một tay trượt tuyết cừ khôi mà chẳng có gì liên quan tới mấy cuộc thi đấu ở Sapporo. Ở Montreal, bà là người mẫu thời trang được săn đón nhiều nhất thành phố này, cũng có thể là một trong những cô gái trẻ thi thoảng dạo bước trên sàn diễn, hay làm người mẫu ở các phòng trưng bày của các nhà sản xuất, và đôi khi chụp ảnh bìa cho các tạp chí. Tất cả phụ thuộc ở ai là người kể chuyện.
Thông tin về thời trẻ của Ivana Trump có vẻ như lẩn tránh nhiều nhà báo đang cố công săn tìm để xác định sự thực. (Giữa những bãi mìn đó họ buộc phải tránh những câu chuyện như người bạn trai của bà tử nạn trong một vụ tai nạn xe hơi. Phần về cái chết của người đó trong vụ tai nạn thì đúng. Phần như Ivana từng nói mình đã ở trong xe và bị gãy lưng thì không). Tuy nhiên, con người mà bà thể hiện với thế giới – một phụ nữ đẹp, thành công và trên hết được người ta khao khát – vẫn không thay đổi. Kể từ lần đầu tiên lời của bà được trích dẫn trong một tờ báo ( Montreal Gazette, 1975 ), Ivana đã cho thấy hình ảnh một người phụ nữ có nhiều mặt tính cách và đạt nhiều thành tựu. Làm người mẫu chỉ là một phần trong cuộc đời bà, mà phần đó cũng chẳng quá quan trọng. Bà nói: “Với tôi đó chỉ là công việc, không phải là sự nghiệp. Tôi còn cuộc sống xã hội, chồng tôi, và gia đình của mình nữa”., như thể bà muốn tránh ấn tượng về việc mình quan tâm tới công việc. Người chồng bà nhắc tới ở đây là Syrovatka, không hẳn là chồng mà đúng hơn là người bạn trai bà sống chung. Nhưng ở vùng mang nặng tính Hồi giáo như Montreal vào khoảng năm 1975, nói là “chồng” thì dễ dàng hơn và đỡ phức tạp hơn nhiều, mà hơn nữa, bà thấy mình cũng gần như đã kết hôn rồi, cho tới khi gặp Donald.
Có lẽ đó là vào năm 1976, Ivana đang làm việc tại một show trình diễn thời trang quảng bá cho Olympic mùa hè sắp tới. Có lẽ chính tại cuộc trình diễn thời trang này mà Donald đã gặp bà. Chắc chắn ông đã gặp Ivana vào buổi chiều hôm đó, trong khi cùng vài người bạn đợi bàn ở một quán ăn/quán bar tên Maxwell’s Plum. Ông chủ quán là Warner LeRoy, người có ông nội Harry Warner – một trong những thành viên sáng lập hãng phim Warner Bros. Bố ông, Mervyn LeRoy, chính là người sản xuất bộ phim nổi tiếng Phù thủy xứ Oz. Warner LeRoy hay nói mình được biết đến điều kỳ diệu của sự đánh lừa ảo giác trong điện ảnh vào năm bốn tuổi khi tới thăm một phim trường, ông nhảy qua một con đường lát gạch vàng và lao thẳng vào tường.
Được trang hoàng lộng lẫy bằng đèn Tiffany, những con thú bằng gốm và trần kính sặc sỡ, quán Maxwell’s Plum đã đặt ra tiêu chuẩn cho việc trang trí nhà hàng mà sau này đã lan truyền tới tận các chuỗi cửa hàng bình dân khắp cả nước như TGI Fridays. Đây cũng là nơi thu hút rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như Warren Bettey, Barbra Streisand và những ca sĩ mà nhà văn Susan Jacoby thường gọi họ là “những ca sĩ hát acapella”, những ca sĩ này đã làm Maxwell’s Plum trở nên nổi tiếng tới mức thậm chí các người mẫu thời trang cũng phải chờ mới có bàn. LeRoy gọi nhà hàng của mình là “sân khấu sống”. Là nơi những ngôi sao nhạc pop ngồi lẫn với cả mấy kẻ giang hồ và cocain được dùng nhiều tới nỗi đáng lẽ nên được cho vào thực đơn.
Khi trông thấy Ivana ở cửa, Donald Trump vỗ nhẹ vai bà, và bà lấy làm khó chịu vì điều đó. Ông đề nghị giúp bà vượt lên trước hàng chờ đợi, nói: “Tôi khá thân với ông chủ”. Bà quay về nói với các bạn mình rằng: “Tớ có một tin tốt và một tin xấu. Tin tốt là chúng ta sẽ có bàn ngay lập tức. Tin xấu là anh chàng kia sẽ ngồi cùng chúng ta". Donald dời đi trước khi kết thúc bữa ăn, nhưng ông biến mất với một mục đích mãnh liệt trong đầu. Những người phụ nữ lấy làm vui mừng khi người bồi bàn nói hóa đơn đã được thanh toán. Và rồi, bên ngoài cửa hàng, họ thấy Trump đang ngồi sau tay lái chiếc Cadillac. Nhiều năm sau Ivana nhớ lại, “Ông ấy đưa chúng tôi về khách sạn. Ngày tiếp theo tôi nhận được 36 đóa hồng. Và chúng tôi đi ăn tối, ăn trưa ở Club 21, và tôi quay về Montreal. Donald nói ông ấy sẽ tới thăm tôi vào các buổi trình diễn thời trang, và đúng là ông ấy đã làm như vậy.”
Donald tiếp tục tán tỉnh Ivana bất chấp mối quan hệ của bà với George Syrovatka. Điều này khiến ông dành nhiều thời gian hơn ở Montreal và một chuyến thăm của Ivana tới New York để gặp bố mẹ của Donald. “Ông ấy mời tôi Giáng sinh đi đâu đó, và tôi nói với ông ấy rằng tôi dành kỳ nghỉ Giáng sinh trên núi Áo và đại loại như vậy. Tôi có một căn nhà gỗ ở Slovakia. Và thế là chúng tôi tới Aspen. Donald thuê một căn nhà gỗ tuyệt vời, anh biết đấy, với những tấm gương ở trên đỉnh và những thứ tương tự vậy. Rồi ông hỏi, 'Em có biết trượt tuyết không?'. Tôi đáp, ‘Có’. Ông ấy nói, ‘Giỏi không?’. Tôi lại đáp, ‘Giỏi chứ’”.
Trên núi, Trump trượt với thái độ cẩn trọng của một người mới tập. Ivana làm ông bất ngờ với những đường lướt ván vô cùng chuyên nghiệp và rồi vút qua ông. Rất lâu sau khi ngày hôm đó đã trở thành kỷ niệm, bà nhớ lại từng vẻ phản ứng của ông: “Tôi lướt đi mất. Donald rất giận dữ, ông ấy cởi bỏ ván trượt, giày trượt và đi bộ tới nhà hàng. Rồi khi trượt xuống, chúng tôi tìm thấy ván trượt của ông ấy ở chân núi cùng người hướng dẫn. Ông ấy đi chân trần về nhà hàng và nói, ‘Tôi không làm trò này vì bất cứ ai, kể cả Ivana’. Ông ấy không thể chịu được, rằng tôi có thể làm gì đó giỏi hơn ông ấy”.
Cái tôi bị dập vùi của Trump mau chóng hồi phục. Ông cầu hôn vào đêm giao thừa. Và Ivana nhận lời. Sau đó, ông trao cho bà chiếc nhẫn kim cương 3 cara ông đã mua ở Tiffany. Trong những tháng khoảng giữa lúc cầu hôn và đám cưới vào ngày 9 tháng Tư, Ivana có chút do dự, sau đó chia tay với Syrovatka, khẳng định cam kết trọn vẹn với Donald. Sau đó ông yêu cầu Ivana ký một thỏa thuận trước hôn nhân.
Hợp đồng trước hôn nhân là ý tưởng của Roy Cohn, mà ông đã đưa ra sau khi thuyết phục không thành thân chủ của mình rằng kết hôn không đem đến lợi ích cho ông. Các thỏa thuận về chuyển nhượng tài sản đất đai trong trường hợp ly hôn là bất hợp pháp trong hầu hết lịch sử Mỹ. Theo một khái niệm pháp lý được gọi là quyền được bảo hộ, là một phần thông luật của Anh, thì người vợ đánh mất quyền ký hợp đồng và nắm giữ tài sản khi kết hôn. Các nhà làm luật và thẩm phán liên bang bắt đầu xem xét lại vấn đề này vào thập niên 60, và khoảng cuối thập niên đó, hợp đồng tiền hôn nhân ký bởi Jacqueline Kennedy và Aristotle Onassis được đưa tin rộng rãi trên báo chí.
Dù không phải chuyện thường ngày xảy ra, hợp đồng trước hôn nhân vẫn trở nên nổi tiếng trong giới những người giàu có nhất nước Mỹ. Các ngôi sao điện ảnh Hollywood đôi khi cũng dùng cách này, nhưng ngoài những nhóm bất thường đó, ít có cuộc hôn nhân nào bắt đầu bằng một hợp đồng quy định một vụ ly hôn có thể xảy ra trong tương lai. Vào đầu năm 1977, một vị luật sư ly hôn nổi tiếng ở New York, Raoul L. Felder gọi các thỏa thuận trước hôn nhân này là “một cách máu lạnh để tiến tới hôn nhân” và cho rằng với áp lực của việc thỏa thuận hợp đồng, nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ trước cả khi bắt đầu.
Lời nhận xét của Felder đưa ra cũng chính vào ngày 18 tháng Ba – khi Ivana Winklmayr và Donald Trump gặp luật sư Roy Cohn để bàn về thỏa thuận trước hôn nhân của họ. Luật sư Lawrence Levner, được Cohn giới thiệu, làm luật sư đại diện cho Ivana (Levner và Cohn đã từng làm việc với nhau ở nhiều vụ kiện trước đây.) Khi nhóm người này cùng nhau bàn qua bản thỏa thuận sơ bộ của Cohn, bàn luận các thuật ngữ luật pháp bằng ngôn ngữ tiếng Anh đơn giản, Ivana hiểu ra rằng trong trường hợp xảy ra ly hôn, bà sẽ bị yêu cầu hoàn trả bất kỳ món quà nào từng được ông Donald tặng. Trong cuộc tranh luận sau đó, Ivana đáp lại bằng yêu cầu số tiền 150.000 đô được gửi vào một tài khoản ngân hàng dưới tên bà, mà bà có quyền sử dụng trong trường hợp hai người chia tay.
Với việc Ivana yêu cầu tiền mặt, Donald đối mặt với đòi hỏi mình phải chứng minh được về những tuyên bố trước công chúng về sự giàu có của mình – gia sản 200 triệu đô và 14 triệu đô các khoản lợi nhuận gần đây. Theo các tài liệu được công bố sau này, thu nhập chịu thuế của Donald vào thời điểm đó dưới 2.200 đô mỗi tuần. Ông nắm giữ một phần nhỏ cổ phần trong một công ty của bố mình và nhận khoản cổ tức đều đặn, nhưng những khoản tiền vừa phải đó là từ các quỹ tín dụng của gia đình. Rõ ràng, việc chạm tay vào 150.000 đô trong vòng vài tuần là cả một thử thách với Donald. Thế nên tranh luận về yêu cầu của Ivana trở nên nảy lửa tới mức bà đứng dậy bỏ đi và chỉ quay lại khi Donald chạy đuổi theo bà trên hè đường và thuyết phục bà tiếp tục bàn bạc. Tuy vậy vẫn chẳng có gì được giải quyết ổn thỏa.
Buổi bàn bạc thứ hai diễn ra tại tòa nhà của Roy Cohn, nơi ở và cũng là nơi kinh doanh của ông. Như Harry Hurt III kể lại trong cuốn The Lost Tycoon (Tạm dịch: Ông trùm thất bại ) Cohn chào đón các bên tham dự mà chẳng mặc gì ngoài một tấm áo choàng. Với tính cách của một người toan tính, chẳng có gì nghi ngờ sự lựa chọn trang phục của ông là để truyền tải thông điệp. Cũng giống như Lyndon Johnson, người từng nổi tiếng trước đó vì mời phóng viên vào nhà vệ sinh để tiếp tục cuộc nói chuyện trong lúc ông “giải quyết”, Cohn thể hiện sự tự tin và quyền thế của mình. Tự tin tới nỗi ông chẳng cần mặc quần dài, áo sơ mi để làm việc. Ông cũng uy lực tới mức chẳng ai dám nói những câu như “Roy, sao anh không mặc quần áo vào?”. Và lúc nào ông cũng thèm muốn sự chú ý tới mức sẵn sàng chào đón bất kỳ lời bàn tán hay mục tin tức báo chí nào xuất phát từ việc ông làm nhiệm vụ pháp lý trong lúc khiến các bên tham dự sẵn sàng tinh thần có thể nhìn thấy bất cứ thứ gì thấp thoáng hay ẩn giấu dưới tấm áo choàng của ông.
Trước buổi hẹn, Cohn đã cắt bỏ các điều khoản yêu cầu Ivana trả lại quà của Donald trong hợp đồng. Sự nhượng bộ này rõ ràng đủ để lay động Ivana giảm một phần ba khoản tiền bà yêu cầu cho quỹ dự phòng xuống còn 100.000 đô. Thỏa thuận cuối cùng cũng đạt được vào ngày 22 tháng Ba, yêu cầu rằng nếu cặp đôi ly hôn, Donald sẽ trả cho Ivana một khoản tiền mỗi năm. Giá trị khoản tiền sẽ phụ thuộc vào thời gian hai người bên nhau, với mức cao nhất là 90.000 đô một năm sau 30 năm kết hôn. Mặc dù xét những năm sắp tới, khoản tiền này trông có vẻ không đáng kể, nhưng nếu tính tổng thể thì vẫn lời hơn so với điều kiện đưa ra trong hợp đồng ban đầu, cũng cho thấy Ivana là một nhà thương thảo có tài, hiểu được những áp lực Donald phải chịu khi ngày cưới đến gần. Xét điều kiện tài chính thực tế của Donald, và mối liên hệ của chính luật sư của bà với Donald, có lẽ đây là thỏa thuận tốt nhất mà bà có thể đạt được.
Vào ngày 9 tháng tư, hơn 200 vị khách mời đến tham dự tiệc cưới của cặp đôi tại nhà thờ Marble Collegiate. Đó là ngày thứ Bảy trước lễ Phục sinh, ngày mà nhiều người đạo Cơ Đốc coi là trang nghiêm tới mức hoa được mang hết ra khỏi nhà thờ để tưởng nhớ ngày Chúa chết. Tại Marble Collegiate, nơi chủ nghĩa lạc quan vui vẻ trên thực tế là Điều răn thứ mười một(1), nhà thờ thánh này được trang trí đầy hoa huệ tây, và nhóm dự tiệc bao gồm cả Abe Beame, các chính trị gia thì ít hơn, và nhiều vị luật sư đã từng phục vụ cho các hạng mục kinh doanh của Trump. Chỉ một vài người bạn của Ivana từ Montreal đến. Bố bà, Milos, tới tham dự và cũng là đại diện duy nhất từ phía gia đình đến từ Tiệp Khắc; chi phí máy bay đơn giản là quá đắt để mẹ bà có thể tới. Sau đó, diễn viên hài kịch Joey Adams, với vợ là Cindy, người phụ trách chính của mục báo tán chuyện trên tờ Post, giải trí cho các vị khách ở tiệc chiêu đãi.
(1) Điều răn thứ mười một: Các ngươi phải yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các ngươi.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy đôi vợ chồng Trump trẻ rất hạnh phúc. Sau khi người vợ sinh đứa con đầu lòng Donald Jr. vào ngày 31 tháng Mười hai – Robert Utsey chở mẹ và cậu bé từ bệnh viện về – gia đình trẻ chuyển tới căn hộ tám phòng ở Đại lộ 5. Căn hộ không chỉ là một ngôi nhà, mà còn là địa điểm cho việc kiếm tìm truyền thông bởi gia đình Trump thường mời báo chí tới tham quan. Một phóng viên được chào đón tới thăm nhà đã chú ý tới giọng Anh - Áo của nữ chủ nhà, người chưa bao giờ sống ở Áo. (Đội tuyển trượt tuyết Olympic một lần nữa lại là một nhân tố trong tiểu sử của bà, chỉ có điều lần này, bà đại diện cho Áo, không phải Cộng hòa Séc.) Ý thức về thương hiệu trước cả khi từ “thương hiệu” này được nghĩ ra, gia đình Trump trả lời các câu hỏi về lai lịch của những đồ nội thất và cả chính tủ quần áo của họ. Người vợ thích những thương hiệu thời trang Galanos và Valentino. Còn những bộ com-lê của chồng là của những thương hiệu Pierre Cardin, Yves Saint Laurent và Bill Blass. Donald nhấn mạnh rằng Ivana, người đã sống ở Montreal khoảng bốn năm, là người mẫu “số một” của thành phố trong thời gian dài. Cũng như Donald, ở bà có “sự nhạy bén”. Bà đặt cho ông biệt danh "The Donald" mà đã theo ông đến hết đời.
Về phần mình, Trump phô bày những gì mình có, bên cạnh sự nhạy bén là sự khéo léo và quyết tâm chuyển đổi khách sạn Commodore gần như vô chủ thành một khách sạn hiện đại, hấp dẫn và sinh lời. Ông cũng bắt đầu theo đuổi những dự án lớn và tham vọng lớn, làm cho tên tuổi của ông được biết đến với cả những người dân New York không bao giờ đọc những mục báo tán chuyện.
***
Theo Donald Trump, địa điểm tốt nhất cho một tòa nhà nào đó ở bất kỳ thành phố nào là “vị trí Tiffany”. Như ông nói với The New York Times vào năm 1980, “Nếu bạn tới Paris, nếu bạn tới Duluth, địa điểm tốt nhất được gọi là ‘vị trí Tiffany.’ Đó là từ chuyên môn chuẩn về bất động sản”.
Thực ra chưa có bằng chứng nào về ai đó từng sử dụng cụm từ vị trí Tiffany trước Donald Trump. Người thợ kim hoàn không chiếm chỗ ở Đại lộ 5 và Đường 57 cho tới tận năm 1940 và cũng không giành được chỗ đứng của mình trong nền văn hóa đại chúng cho tới những năm 50, khi Marilyn Monroe (Trong phim hài kịch Quý cô tóc vàng ) và Truman Capote (Trong phim Điểm tâm ở Tiffany’s ) khiến cửa hàng trở thành một biểu tượng. Thậm chí kể cả khi đó, thật khó mà hình dung được một người môi giới bất động sản miêu tả một mảnh đất hấp dẫn ở Duluth, hay thậm chí là Paris, là một “vị trí Tiffany”. Dẫu vậy, cụm từ nghe rất thuyết phục và Trump bắt đầu sử dụng nó khi để mắt tới tòa nhà liền kề cửa hàng Tiffany - cửa hàng bán lẻ Bonwit Teller.
Như nhiều nhà bán lẻ khác ở New York, kể cả Tiffany, Bonwit Teller được thành lập ở khu Ladies Mile, Lower Manhattan thế kỷ XIX và dịch chuyển dần về phía bắc khi các chủ đầu tư xây dựng thêm nhiều khu dân cư thời trang ở Midtown. Từ lâu đã là nhà kinh doanh bán lẻ cao cấp và có lợi nhuận, Bonwit phát triển thịnh vượng vào những năm 40 và 50, mở thêm các chi nhánh ở Northeast và các cửa hàng theo mùa ở Florida. Tuy nhiên, khi công ty qua nhiều đời chủ sở hữu, cuối cùng rơi vào tay tập đoàn Genesco, lợi nhuận trở thành thua lỗ. Chuỗi cửa hàng mất đất vào tay các đối thủ như Lord & Taylor và Saks Fifth Avenue, và những người săn tìm các món mua hời bắt đầu vây lấy tài sản đất đai của nó.
Ý định của các chủ đầu tư với khu đất Bonwit đã bị Aristotle Onassis chặn đứng, với sự trợ giúp của các luật sư bất động sản có năng lực của thành phố, ở một địa chỉ trên Đại lộ 5, chỉ cách cửa hàng Tiffany vài tòa nhà về phía nam và ngay bên cạnh Nhà thờ Thánh Patrick. Địa điểm đó vốn là của nhà bán lẻ quần áo Best & Co., bắt đầu việc kinh doanh phục vụ thời trang trẻ em dưới cái tên Lilliputian Bazaar. Cửa hàng The Best là một cấu trúc trang nhã được lát ngoài bằng đá cẩm thạch trắng kiêu hãnh với những người khách hàng trung thành. Tuy nhiên, nó đã bỏ lỡ cuộc bùng nổ văn hóa trẻ thập niên 60, thay vào đó lại chọn phục vụ trẻ em và phụ nữ lớn tuổi hơn. Vào thời điểm ban quản trị Best bổ sung các cửa hàng thời trang cho thanh niên, các cô gái trẻ và đàn ông thì đã quá muộn. Cửa hàng trên Đại lộ 5 bị đóng cửa vào tháng 10 năm 1970. Chính quyền Lindsay phê duyệt kế hoạch cho tòa tháp Olympic Tower vào mùa hè năm 1971. Việc phá bỏ bắt đầu vào tháng Mười.
Dự án của Onassis phụ thuộc vào việc thu mua quyền tĩnh không từ những khu vực xung quanh mảnh đất của ông. Quyền tĩnh không kiểm soát độ cao tối đa các tòa nhà có thể đạt được theo bộ luật quy hoạch vùng của thành phố. Ở những khu đất nơi các công trình cao dưới mức giới hạn này, người chủ có thể chuyển nhượng quyền đó cho hàng xóm, nên xây dựng một tòa nhà có thể vượt xa chiều cao quy định. Cách này, không gian trống được giữ ở một mảnh đất này nhưng lại được khai thác ở mảnh đất bên cạnh. Onassis thu mua quyền tĩnh không được nắm giữ bởi các chủ cửa hàng kim hoàn Cartier, trong số nhiều người khác. Vì thế, với sự trợ giúp từ đối thủ của Tiffany, ông có thể xây dựng hàng trăm căn hộ chung cư, 19 tầng không gian văn phòng, và các cửa hàng bán lẻ ở tầng trệt. Tòa nhà hoàn thiện, bao bọc bởi lớp kính phản chiếu, cao tới 51 tầng, hay 620 foot (gần 189 mét) tính từ vỉa hè.
Mặc dù việc thu mua quyền tĩnh không là tối quan trọng đối với dự án Olympic Tower, Onassis cũng lợi dụng quy định của thành phố cho phép ông xây dựng cao hơn để đổi lấy việc xây dựng một tòa nhà có không gian hỗn hợp khu vực bán lẻ, văn phòng và nhà ở với một vòm che công cộng ở tầng trệt, bao gồm cả một thác nước. Các kiến trúc sư che chắn cư dân tòa tháp khỏi công chúng bằng cách xây cho họ lối vào riêng và thang máy đặc biệt. Đó là điều tối thiểu họ có thể làm, xét theo theo giá trả cho các căn hộ chung cư lên đến 650.000 đô la (2,7 triệu đô la năm 2015).
Kế hoạch “đa dụng” của Olympic Tower được quan chức thành phố khuyến khích, họ hy vọng rằng Đại lộ 5 sẽ giữ được nét pha trộn của không gian nhà ở và không gian thương mại. Onassis cũng lợi dụng chương trình giảm thuế của liên bang được thiết kế để khuyến khích tái đầu tư vào bất động sản lỗi thời hay chưa được sử dụng hết. Câu hỏi liệu mảnh đất của Best & Co. có lỗi thời hay chưa, được sử dụng hết hay không trở thành vấn đề tranh cãi khi cửa hàng bị phá bỏ. Onassis có được khoản giảm thuế, kéo dài trong vòng mười năm, và vị trí tòa tháp của ông trở thành mảnh đất phát triển đông đúc nhất ở Manhattan, và có thể là cả thế giới. Ít nhất một vị quan chức thành phố đã coi đó là “con quái vật” bị đánh thuế thấp, được tạo ra bởi sự khai thác chính sách của chính quyền được áp dụng khi không xem xét đầy đủ về khả năng ai đó có thể sử dụng tất cả chúng cùng một lúc, ở cùng một nơi.
Trong khi một vài người nhìn thấy một “con quái vật”, những người làm bất động sản tham vọng lại thấy một “sinh vật” tuyệt vời đem đến những khoản lợi nhuận khổng lồ cho một người vốn đã nằm trong tốp những người giàu nhất thế giới. Onassis sở hữu 50 tàu chở dầu, một hãng hàng không, đảo Scorpios của quần đảo Ionia, và bất động sản rải rác khắp nơi trên thế giới. Việc kết hôn của ông với người vợ góa của Tổng thống John F. Kennedy, Jacqueline Bouvier Kennedy, đã trở thành tin tức trên trang nhất khắp thế giới. Nhưng Olympic Tower, hay nói đúng hơn, sự thao túng của ông để vắt kiệt lợi nhuận từ vị trí tòa tháp, là điều gây ấn tượng nhất với một số người làm kinh doanh ở New York. Trong số đó có Donald Trump, người thực tế từng sống ở tòa nhà của Onassis trong một khoảng thời gian ngắn và vì thế mà hiểu được nó từ trong ra ngoài. Quyết tâm bắt chước công thức đó, ông bắt đầu tìm kiếm các nhà bán lẻ đang xuống dốc trên Đại lộ 5. Một trong những mối quan hệ chính trị của ông, một người gây quỹ chính trị với cái tên lạ lùng là Louise Sunshine, giới thiệu ông với một cổ đông lớn của công ty sở hữu cửa hàng Bonwit Teller trên Đại lộ 5. Trump biết rằng Bonwit đang gặp khó khăn và bắt đầu làm việc thu mua lại vị trí đó. Cùng lúc ấy, ông thăm dò quyền tĩnh không nắm giữ bởi cửa hàng Tiffany và xem xét mọi bước đi cần phải thực hiện để xây dựng nên đế chế mới ở Tòa Thị chính.
Các quan chức xây dựng của thị trưởng Ed Koch đã gặp Trump, và biết những cách thức lươn lẹo của ông gần như ngay lập tức sau khi chuyển vào Tòa Thị chính và hoàn thành việc thu mua Sân ga Penn Central, Đường 34 của thành phố. Lúc thảo luận ban đầu, Trump thông báo với họ rằng hợp đồng quyền mua mà mình làm việc với công ty của Palmieri yêu cầu thành phố trả ông khoản hoa hồng 4,4 triệu đô la, nhưng ông sẽ vui lòng bỏ qua số tiền đó nếu cơ sở mới được đặt tên Trung tâm Hội nghị Fred C. Trump. Với việc thành phố bận rộn lo trả tiền cho các sĩ quan cảnh sát và lính cứu hỏa, 4,4 triệu đô la đã đủ khiến quan chức chính quyền Koch phải ngập ngừng. Nhưng về sau, khi Phó thị trưởng Peter J. Solomon nhớ lại, “một ai đó cuối cùng đã đọc các điều khoản trong hợp đồng gốc giữa Penn Central và Trump”. Thỏa thuận yêu cầu ông được trả không phải 4,4 triệu đô la, mà đúng hơn là 500.000 đô la, cộng với chưa đến 90.000 đô la cho các khoản chi phí khác. Mặc dù Solomon ấn tượng với sự cả gan của Trump, lời đề nghị của Trump vẫn bị bác bỏ.
Tình tiết đó gợi lên những câu hỏi tại sao một điểm mốc lớn của thành phố lại có thể đặt theo tên một chủ đầu tư xây dựng căn hộ ngoại thành, người mà ngoại trừ một vài sự việc đã giúp ông tỏa sáng, cũng không phải một nhân vật công chúng nổi bật gì. Donald trả lời rằng gia đình mình xứng đáng danh dự đó vì “nếu không phải nhờ tôi, thì đã không có trung tâm hội nghị ở thành phố này”. Đây là một lời khẳng định không cách nào chứng minh được, nhưng một nhà phê bình Trump đồng ý rằng ông là một phần quan trọng trong việc lựa chọn vị trí Đường 43, vì lợi ích của chính mình mà thôi. Thành viên hội đồng thành phố Henry J. Stern nói với The New York Times “Donald làm việc cùng với những bè đảng vẫn đang tiếp tục đứng đằng sau thao túng mọi việc ở thành phố này. Ông ta có các mối liên hệ với bộ máy Đảng Dân chủ Brooklyn đã tạo ra Hugh Carey thông qua bố mình. Roy Cohn là luật sư của ông ta. Ông ta đổ rất nhiều tiền vào các chiến dịch chính trị”.
Tờ báo không trích dẫn bất kỳ ai phản đối phân tích của Stern. Xét khoản 135.000 đô la gia đình Trump quyên tặng cho Carey (tương đương 550.000 đô la năm 2015), Stern đã nói đúng về khoản tiền chính trị. Và Cohn, người không ngừng gây tranh cãi quả thực từng là luật sư của Trump. Quả vậy, Cohn quan trọng với Trump tới nỗi ông giữ một bức ảnh Cohn trong kiểu dáng một kẻ băng đảng bí hiểm – mắt đỏ ngầu, da sẹo, và biểu hiện vô cảm – chỉ để chìa ra cho những người ông muốn đe dọa xem. (Khi ông lôi nó ra khỏi ngăn kéo cho kỹ sư Barbara Res xem, nó gợi cho bà về một hình ảnh quỷ Satan.) Cohn, đáp lại cuộc gọi từ một phóng viên tờ The Times, xác nhận rằng tiền của Trump được đổ hào phóng vào các chiến dịch chính trị, nhưng chỉ vì “đó là một phần của cuộc chơi”, cuộc chơi của tất cả các chủ đầu tư xây dựng lớn. Độc giả dễ dàng tin vào điều này. Điều khó tin là khẳng định của Cohn rằng thân chủ của ông “không cố tình kiếm lợi gì từ việc đó”. Trong lịch sử lâu dài của chính trường Mỹ, ít có nhà quyên tặng lớn nào, và Donald Trump là một nhà quyên tặng lớn, đem ủng hộ tiền cho các ứng cử viên mà không kỳ vọng đổi lại lấy gì từ những người trúng cử. Ít nhất, họ kỳ vọng có thể tiếp cận những người họ giúp đưa vào chính quyền, trong trường hợp ví dụ như cuộc gặp gỡ với thị trưởng New York, có thể giúp làm mượt mà con đường dẫn tới một thương vụ bất động sản.
Cohn khiến công chúng tin rằng việc các chủ đầu tư đổ tiền cho các chính trị gia là quy luật rồi và không có việc này sẽ chẳng có gì được xây dựng cả. Thực tế mà nói, trong khi những người như Donald Trump chơi trò kịch nghệ lỗi thời như Cohn miêu tả, đó gần như không phải yêu cầu bắt buộc cho những ai tìm kiếm giấy phép xây dựng và phê duyệt quy hoạch. Ví dụ, Olympic Tower không dính dáng tới bất kỳ vụ quyên tiền nào, và khi Công ty Bất động sản Boston xây dựng một tòa tháp khổng lồ ở Đường 52 và Đại lộ Lexington, công ty đến từ ngoài thị trấn này không có mối liên hệ thực sự nào với chính quyền thành phố. Ở những dự án này cũng như các dự án khác, điều quan trọng là những quy tắc và quy định thực tế quản lý xây dựng chứ không phải đặc quyền chính trị hay thiên vị cá nhân. Thời kỳ sau vụ bê bối Watergate, thời kỳ của cải cách chiến dịch - tài chính và sự tiếp cận nhiều hơn của công chúng tới hồ sơ chính phủ, sự kết thân theo phong cách của Plunkitt mỗi năm qua đi càng ít có giá trị hơn.
Thành công của Trump ở khu đất Commodore đem đến cho ông uy tín lớn khi theo đuổi giấc mơ ở một tòa nhà trên Đại lộ 5. Công ty Bảo hiểm Equitable Life, một trong những chủ cho vay của ông trong dự án Hyatt, sở hữu mảnh đất dưới chân cửa hàng Bonwit Teller, và khi ông tiếp cận các nhân viên trong công ty, họ đồng ý giúp công ty trở thành đối tác của ông trong tòa nhà mới ở khu đất này. Tới tháng 11 năm 1978, Trump đã hoàn thành xong các buổi thảo luận với ban quản trị của công ty mẹ Bonwit và giành được miễn phí quyền chọn mua quyền thuê mảnh đất với giá 25 triệu đô la. Thỏa thuận này cho ông cơ hội sáu tháng để đàm phán, hấp dẫn, hoặc không thì thao túng để đạt được mục tiêu của mình. Nếu thất bại, ông cũng chẳng mất một đồng. Nếu thành công, ông có thể thay đổi cả đường chân trời Manhattan.
Trong lúc các đối tác của ông ở Equitable theo dõi và chờ đợi, Trump tuyển mộ Der Scutt để tác động tới lý trí và tình cảm vị chủ tịch tám mươi tuổi của Tiffany là Walter Hoving. Nhiều năm qua, thành công của Tiffany phụ thuộc vào tính kẻ cả của Hoving, điều giúp đảm bảo các khách hàng rằng họ đang nhận được những món hàng tốt nhất từ những nhà buôn danh tiếng nhất. (Hoving sở hữu một khí chất hơn người khiến khách hàng có thể cảm thấy may mắn vì có cơ hội được dâng tiền của mình cho ông ta.) Quyết tâm lợi dụng sự hết lòng của vị chủ tịch già với truyền thống và sự tao nhã tinh tế, Trump yêu cầu Scutt phác họa những bản vẽ gớm ghiếc về một tòa nhà trên mảnh đất Bonwit và đưa cho Hoving để minh họa về những thiết kế có thể dùng để tận dụng tốt nhất mảnh đất.
Bản vẽ của Scutt giúp Trump thực hành chút nghệ thuật đánh vào tâm lý đối thủ mà sau này trở thành một phần chiêu bài quen thuộc của ông. Bằng cách đề xuất thứ gì đó có vẻ đáng sợ hoặc thái quá, ông thể hiện được lập trường khiến mình trông có vẻ linh hoạt và hợp lý hơn khi thương lượng hướng về mục tiêu thực sự của mình. Trong cuộc trao đổi với Hoving, Trump đưa ra hình ảnh về một tòa nhà xấu xí và rồi giải thích rằng mình có thể xây dựng một công trình kiến trúc đẹp hơn nhiều, hợp với khung cảnh xung quanh hơn nhiều, nếu Hoving bán cho ông quyền tĩnh không của Tiffany. Hoving mau chóng trao cho Trump những gì Trump cần, thay mặt công ty nhận lời hứa 5 triệu đô la và sự bảo đảm rằng cửa hàng của ông sẽ không bị làm giảm giá trị bởi một vị hàng xóm xấu xí kề bên.
Tòa cao ốc Scutt vẽ cho khu đất Đại lộ 5 nghệ thuật hơn hay không là phụ thuộc vào thiết kế zigzag đem đến cho mỗi đơn vị nhà ở tầm nhìn thành phố từ hai hướng. Cách thức sáng tạo này khiến chi phí xây dựng đắt hơn cấu trúc khối hộp đơn giản, ví dụ như Olympic Tower, nhưng với tầm nhìn như vậy, các căn hộ có thể bán với giá cao hơn. Và cũng chính điều này khiến nó trở thành tòa nhà cột mốc. Từ xa, những tầng trên cao sẽ trông như lưỡi cưa làm từ những tấm kính đen. (Như Barrett đưa tin, Scutt sau này nói Trump từng dặn để riêng một căn hộ ở đây cho ông sử dụng trong trường hợp hôn nhân của ông, mới chỉ bắt đầu vài năm trước, kết thúc bằng cuộc ly hôn.)
Mặc dù nhìn từ xa trông có vẻ mảnh khảnh, người đi đường có thể thấy lớp nền móng khổng lồ nhô lên từ vỉa hè và dòng chữ TRUMP TOWER sơn vàng, in hoa treo trên cửa lối vào. Bên trong, ở tầng sảnh, các vị khách có thể thấy sân bên trong vút cao, một khu mái vòm mua sắm thượng lưu, và nước chảy xuống từ những bức tường. Được xây bằng đồng sáng bóng và đá cẩm thạch hồng sáng loáng, không gian cộng đồng gợi vẻ kiên cố và nét quyến rũ hào nhoáng, lại có chút gì đó như một sòng bạc lẫn với một ngân hàng.
Những điều luật quy hoạch cho phép Trump xây dựng tòa tháp cao 62 tầng cũng cho phép IBM và AT&T xây dựng với quy mô tương tự trong khu dân cư. Cả ba cấu trúc hùng vĩ này ngả bóng xuống những người hàng xóm xung quanh và bổ sung thêm dân số đáng kể vào một phần vốn đã đông đúc ở Manhattan. Một nhóm chống đối hòa nhã có tên gọi Ủy ban Cân bằng Bùng nổ Xây dựng New York chỉ ra những vấn đề này khi chỉ trích sự phát triển quá mức trong khu vực. Ủy ban được lãnh đạo bởi một người môi giới chứng khoán tài giỏi và một chủ ngân hàng đầu tư, nhưng chưa kêu gọi được quá nhiều sự ủng hộ. Khu dân cư họ tìm cách bảo vệ rất giàu có và riêng biệt, không có bất cứ kiểu người tầm thường nào muốn thu hút sự cảm thông của xã hội. Tại sao một người New York bình bình, đi tàu điện ngầm và sống ở khu phố ngoại ô, lại quan tâm triệu phú này đang ảnh hưởng xấu đến triệu phú khác chứ? Vài người thậm chí còn rất đề cao các dự án phát triển mới vì đã đem đến việc làm trong khi những người quyền lực và đặc quyền sống gần bên lại thấy phiền lòng và bực mình.
Là tòa tháp cao nhất, và rõ ràng là thiết kế khéo léo nhất trong số những tòa nhà lớn mới xây dựng, Trump Tower hứa hẹn với các đối tác phát triển rằng họ sẽ thu được những khoản lợi nhuận lớn trên khoản đầu tư. Tuy nhiên, là con trai của một người bố vẫn cẩn thận nhặt những chiếc đinh người thợ mộc làm rơi vãi, ông tiếp cận dự án 100 triệu đô la với thái độ coi trọng từng đồng tiền. Sau khi ban quản lý của Bonwit Teller thực hiện thương vụ bán phá sản và trao chìa khóa cho Trump, ông mời công chúng tới tòa nhà để mua lại ít đồ nội thất còn sót lại, bao gồm cả rèm mành, bóng đèn, và cả những tấm gương đã được khoan vít vào tường. Khi được hỏi về vụ bán hàng, Trump có thể nói nó mang đến khoản lời ròng bao nhiêu – 5.000 đô la – và gọi con số đó là “một sự ngạc nhiên bé nhỏ tuyệt vời”.
Sau khi tòa nhà Bonwit được kiểm tra kỹ lưỡng, việc phá dỡ được thực hiện bởi Kaszycki & Sons of Herkimer, New York, nhà thầu chào giá thấp nhất trong số mười hai nhà thầu muốn nhận công việc này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Vị trí của tòa nhà đã loại trừ khả năng sử dụng cầu phá bê tông hay thuốc nổ. Thay vào đó, tòa nhà sẽ phải dỡ từ trong ra ngoài, với đội phá dỡ bắt đầu từ tầng trên cùng và ném gạch theo trục thang máy. Công trình còn phức tạp hơn bởi những trang trí ở phía Đại lộ 5 của tòa nhà – một tấm lưới trang trí mạ kền đặc vô cùng tinh xảo, và hai dải trang trí khắc họa tượng phụ nữ bán khỏa thân – vô cùng có ý nghĩa về mặt nghệ thuật.
Các nhà môi giới nghệ thuật ở Đại lộ 5 đánh giá điêu khắc của Bonwit quan trọng ngang với công trình nghệ thuật kiến trúc của Trung tâm Rockefeller gần đó và so sánh giá trị của chúng với đôi cửa Lalique gần đây đã được bán với giá 200.000 đô la. Der Scutt thấy chúng đẹp đến nỗi muốn cho chúng vào trong bản thiết kế không gian cộng đồng lớn ở tầng trệt của tòa nhà mới. Trump lại muốn một vẻ đẹp hiện đại hơn và bảo Scutt ông không muốn một phần của Bonwit được sử dụng trong tiền sảnh của mình. Nhưng sau khi hiểu được giá trị của chúng, ông hứa sẽ cứu chúng và quyên tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Lời hứa này đã cứu các quan chức ban Kế hoạch Thành phố khỏi một phen thương lượng với Trump để bảo tồn các tác phẩm.
Thomas Macari, người làm việc cho Trump Organization, nói rằng có thể dỡ bỏ tấm lưới trang trí khá dễ dàng. Được cố định vào tấm đá trên lối vào cửa hàng, nó có thể dễ dàng với tới và được gắn vào tường bằng những cái chốt thô sơ. Dải trang trí lại là một vấn đề khác. Chúng được khắc từ đá vôi gắn chặt vào phía mặt trước của tòa nhà, cao hơn 50 foot tính từ vỉa hè. Tuy nhiên, Macari chắc chắn chúng có thể được cắt bỏ khỏi bức tường, đỡ trên một nền gỗ xây dựng đặc biệt, và hạ dần xuống đường bằng cần trục. William Kaszycki, một người di cư Ba Lan, người thành lập công ty phá dỡ này, lại không chắc chắn đến vậy. Khi được hỏi liệu ông có kéo xuống không, ông nhún vai và nói, “Để xem đã”.
Kaszycki đưa ra mức giá thầu thấp nhất cho công việc này dựa trên doanh thu có thể thu về từ việc mua bán phế liệu và việc sử dụng có kế hoạch hàng trăm lao động Ba Lan không giấy tờ, quản lý bởi hai mươi bốn người có kinh nghiệm đến từ Công đoàn Phá dỡ nhà Địa phương 95. (Công đoàn địa phương bị kiểm soát bởi ông trùm tội phạm có tổ chức Vincent “Chin” Gigante. Vào năm 1984, hai viên chức Công đoàn 95 bị buộc tội kiếm tiền phi pháp và tống tiền.) Họ được gọi là “Quân đoàn Ba Lan”, bắt đầu tháo dỡ tòa nhà Bonwit trước cả khi Kaszycki nhận được giấy phép phá dỡ. Họ làm việc trong điều kiện không có các biện pháp bảo hộ thông thường như mũ bảo hộ, kéo đổ hết các bức tường và sàn nhà cho đến khi chỉ còn lại thép, bê tông và đá.
Những người đàn ông trong “quân đoàn” làm việc bảy ngày mỗi tuần, mười tám giờ mỗi ngày để đáp ứng lịch trình của chủ. Khi không làm việc, họ nghỉ trong một căn nhà chật chội mà Kaszycki cung cấp, hoặc chính trên sàn nhà của tòa Bonwit. Tiền lương của họ, thường thấp hơn nhiều so với mức giá công đoàn, lâu lâu mới được thanh toán một lần. Đôi khi họ được trả lương bằng rượu vodka thay vì tiền. Những lời phàn nàn được đáp lại bằng những đe dọa trục xuất. Khi đình công giao thông diễn ra ở thành phố, nhiều người trong số này đi bộ mỗi ngày từ Brooklyn đến Midtown Manhattan chỉ để đến chỗ làm. Những người bỏ việc ngay lập tức được thay thế bởi một trong hàng tá người Ba Lan vẫn xuất hiện ở công trường mỗi ngày để tìm việc.
Kiệt sức, và bị đối xử tệ bạc, công nhân Ba Lan không được nhận tiền lương, lợi ích và những hình thức bảo hộ khác mà công nhân công đoàn vẫn được hưởng. Cuối cùng, một thẩm phán trong vụ kiện dân sự đã phát hiện việc bóc lột này được cho phép bởi “thỏa thuận ngầm” giữa Trump Organization và Công đoàn Phá dỡ nhà Địa phương 95, và các bên cuối cùng cũng dàn xếp được vụ việc. Nhưng vào thời điểm đó, người lao động Ba Lan phải làm việc với tốc độ quá nhanh dễ dẫn đến tai nạn trong khi vẫn phải khổ nhọc tận dụng đồng thau, đồng và thép để bán cho những người tái chế với giá vài đồng mỗi pound. Việc Kaszycki phụ thuộc vào những hóa đơn bán hàng này để có được phần lớn lợi nhuận cho thấy ông ta phải chịu áp lực thế nào trong việc cắt giảm chi phí. Ông nói với The New York Times rằng việc bảo tồn công trình nghệ thuật ở phía trước tòa nhà tiêu tốn ít nhất thêm 2.500 đô la chi phí lao động, hay một nửa khoản lợi nhuận ròng kiếm được từ việc bán bóng đèn và gương của Bonwit. Tuy nhiên, quyết định chính không phải được đưa ra bởi Kaszycki, mà là bởi Trump, người đã chọn tiết kiệm thêm chút thời gian và chi phí, nên quyết định phá bỏ công trình nghệ thuật đó.
Vào thứ Tư, ngày 4 tháng 6 năm 1980, Peter Warner nhìn qua cửa sổ văn phòng ở Đại lộ 5 và thấy những người công nhân dùng công cụ điện cắt qua một dải đá trang trí và đang bắt đầu cắt sang dải khác. Là chuyên gia nghiên cứu của một công ty kiến trúc, Warner thường ngắm nhìn các công trình nghệ thuật từ nơi làm việc ở tầng thứ mười hai của mình và đọc được tin rằng chủ mới của khu đất Bonwit sẽ cứu chúng. Ông lấy làm ngạc nhiên khi thợ của Kaszycki nhanh chóng cắt cả hai dải đá và đẩy chúng xuống dọc tòa nhà. Warner, người coi các tác phẩm đó là những di tích lịch sử của thành phố, sau đó nói với The Times rằng khi ông thấy chuyện đang xảy ra “Tôi không thể nào tin vào mắt mình”.
Việc phá hỏng những dải trang trí kiến trúc của Bonwit có thể sẽ chẳng thành vấn đề nếu Trump không hứa giữ gìn chúng. Nhưng ông đã đưa ra cam kết này, và khi các tác phẩm điêu khắc biến mất, báo chí bắt đầu đặt ra những câu hỏi. Những cuộc gọi tới Donald Trump đều không người nghe máy, nhưng một người tên John Baron, người nhận mình là Phó chủ tịch của Trump Organization, có nói chuyện với phóng viên. Ông giải thích rằng ba nhà thẩm định khác nhau đã thống nhất các công trình này “không có giá trị nghệ thuật” và nếu bán sẽ thu về chưa đến 9.000 đô la. Việc tháo dời, đóng gói và vận chuyển cẩn thận những tấm trang trí này sẽ mất tới 32.000 đô la, thêm nữa sự trì hoãn dự án phá dỡ sẽ làm tổn thất 500.000 đô la chi phí tăng thêm và doanh thu bị mất. Xét những khoản tiền liên quan, ông kết luận, “giá trị của những tấm đá này không đủ lớn để bù đắp lại nỗ lực cứu chúng”.
Ashton Hawkins của Bảo tàng Metropolitan phản đối kết quả thẩm định của Baron và nói, “giá trị tiền tệ của chúng không phải là những gì chúng tôi hứng thú. Phòng nghệ thuật thế kỷ XX muốn có là bởi giá trị nghệ thuật của chúng”. Với việc những tác phẩm đã trở thành gạch vụn, giá trị thực sự của chúng trở thành vấn đề bàn cãi. Nhưng nếu Ashton Hawkins muốn gặp John Baron để nói chuyện về sự trân trọng của mình với nghệ thuật hiện đại, ông có khi còn phải gặp những trở ngại lớn hơn. Trở ngại thách thức nhất trong số đó là John Baron, ít nhất là người đại diện của Trump Organization, không hề tồn tại.
Mặc dù thỉnh thoảng xuất hiện trên báo chí, John Baron (đôi khi là Barron) là cái tên mà Trump và ít nhất là một trong những nhân viên của ông giấu kín khi họ không muốn danh tính của mình gắn với một lời tuyên bố nào đó. John Baron từng gọi cho một luật sư và đe dọa kiện trả đũa ông ta vì những lời buộc tội chống lại Trump thay mặt các thành viên Công đoàn Phá dỡ nhà. Baron cũng đáp lại một lời đồn bằng cách nói “Dù ông Trump thích dùng bữa tại Club 21, ông hoàn toàn không có hứng thú mua lại nơi này”. Và John Baron đã nói, “Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra với nó”, khi phóng viên gọi để hỏi về dải trang trí của Bonwit, vốn được cho là sẽ được bảo tồn. The Times trong một bài báo đã nói rằng “nhiều nỗ lực liên lạc với ông Trump trong suốt ba ngày qua đều không thành công”.
Baron là một nhân vật hư cấu hữu dụng, một trong những chiêu bài của Fred Trump. Thời của mình Fred đã sử dụng cái tên Ông Green để giấu danh tính bản thân khi gọi cho một số người nhất định. Mưu mẹo này quen thuộc với cả đại gia đình tới mức một anh rể cũng là luật sư thường nói với Donald mình băn khoăn sau khi có trát gọi hầu tòa thì John Baron sẽ ốm và chết nhanh đến mức nào.
Bên ngoài gia đình và công ty, John Baron được trích dẫn trên báo chí như thể người thật như công trình bê tông đã bắt đầu mọc lên ở Đại lộ 5 ngay sau khi những mảnh vụn cuối cùng của tòa Bonwit được kéo đi. Công trình được giám sát bởi kỹ sư Barbara Res, người giám sát chính trong dự án Commodore/Hyatt, nơi bà là một trong ba phụ nữ duy nhất ở dự án và cũng là người duy nhất thực sự rời khỏi văn phòng và đi khảo sát công trường. Trong môi trường làm việc toàn đàn ông như vậy, nơi mà những người thợ dùng những cột trụ làm chỗ đi tiểu và vứt đầy thang máy với những tờ báo người mẫu khỏa thân, Res gần như liên tục bị quấy rối. Bà làm công việc của mình rất tốt, tranh luận ầm ĩ với người lao động công đoàn hay vô số các nhà thầu phụ, tới nỗi Trump thuê bà về để điều hành việc xây dựng tòa tháp Đại lộ 5 mặc dù bà khi đó mới chỉ ba mươi mốt tuổi. Điều này nghĩa là bà cũng tầm tuổi của Trump và có thể giải thích được tại sao ông sẵn lòng thuê bà, bất chấp sự thiếu kinh nghiệm.
Được xây dựng hầu hết bằng bê tông, nghĩa là những thay đổi về thiết kế có thể được kết hợp ít nhiều trong lúc đang xây dựng, Trump Tower bắt đầu mọc lên từ nền móng thậm chí trước cả khi bản vẽ các tầng bên trên của kỹ sư được phác thảo. Với chỉ hai năm để hoàn thành công trình, Res chịu sức ép bởi lịch trình và kế hoạch cạnh tranh của Trump. Theo Res, Trump muốn quảng bá tòa nhà của mình là đẹp nhất ở bất cứ nơi đâu, trong khi lại cũng muốn có thể tiết kiệm tiền bất cứ chỗ nào có thể. Trong cuốn sách năm 2013 của mình, Res viết rằng Trump trang bị cho một số căn phòng với những thiết bị và đồ đạc mà bà coi là quá bình thường.
Mặc dù Res bị ép phải tiết kiệm tối đa đối với phần thiết kế bên trong các căn hộ, không gian cộng đồng ở Trump Tower lại được xây dựng vô cùng ấn tượng. Đá cẩm thạch đỏ Breccia Pernice quý hiếm trở thành dấu ấn đặc trưng của tòa nhà. Res và Ivana Trump tới tận Ý để thăm mỏ đá và các cửa hàng sản xuất ra loại đá đó. Họ rẽ ngang tới Monte Carlo, nơi họ tới thăm Verina Hixon, một người bạn chuyên đi thăm thú thế giới bằng máy bay phản lực của Ivana. Mặc dù tham dự nhiều buổi giao lưu xã hội, Res chưa bao giờ cảm thấy mình lạc lõng như khi họ gặp nhau ở Riviera. Bà nhận thấy sự khác biệt nhiều nhất là khi ngồi đằng sau chiếc Rolls- Royce di chuyển chậm chạp qua đường phố chật chội. Người lái xe chỉ đám những “con sâu bệnh” không thuộc về Monte Carlo bởi họ không đủ giàu có và đăm chiêu nghĩ về việc bắn chết họ bằng súng trường để dẹp sạch đường. Khi Res sau này viết trong cuốn hồi ký tự xuất bản, những lời bình luận này khiến bà kinh hãi và buộc bà phải chấp nhận rằng “có những người trên thế giới này thực sự nghĩ mình tốt hơn kẻ khác”.
Cảm giác không thoải mái, thậm chí là mất phương hướng mà Res thỉnh thoảng cảm nhận khi tới thăm thế giới của gia đình Trump cũng được nhiều người làm việc cho gia đình ông cảm nhận. Mặc dù những chuyến bay vượt Đại Tây Dương trên chiếc máy bay Concorde và những cuộc gặp gỡ người giàu, người nổi tiếng là phần đi kèm công việc của Res, nhưng những thứ say mê này không thực sự làm bà thích thú. Chúng đi kèm với điều kiện kết quả công việc, và điều này nghĩa là có cả khả năng hòa hợp với Ivana, Donald, và cả bố ông. Năm 1980, Fred Trump đã bảy mươi lăm tuổi, và gần mười lăm năm trôi qua kể từ lần cuối cùng ông tự mình xây dựng gì đó. Ông đã làm tốt nhất để thể hiện bản thân là người chủ động và người đứng đầu. Ông nhuộm mái tóc hoa râm và bộ ria màu nâu đỏ, xông vào các buổi họp, và cố đốc thúc hết người này đến người kia. Fred Trump đặc biệt mạnh mẽ khi liên quan tới hợp đồng công trình bê tông của Trump Tower, mà ông hướng về công ty từng làm cho mình trong quá khứ, Dic- Underhill Concrete.
Giá bê tông ở Manhattan cao hơn bất cứ thành phố nào trên cả nước. Hầu hết khoản chênh lệch, cao tới tận 70%, bị gây ra bởi sự thống trị của tội phạm có tổ chức ở mọi khía cạnh của việc kinh doanh, mà theo địa lý thì dễ dàng kiểm soát tới mức ngạc nhiên. Bê tông phải được giao và đổ dưới hai tiếng sau khi được sản xuất. Yêu cầu kỹ thuật cộng thêm vấn đề đường phố tắc nghẽn ở Manhattan nghĩa là những nhà cung cấp đáng tin cậy chỉ có thể là con số ít ỏi nằm trong phạm vi khu phố hoặc ở quận Queens gần đó.
Số ít những nhà kinh doanh này thuộc về một liên hiệp bị nhóm băng đảng quản lý, lừa đảo bỏ thầu bằng cách chia công việc cho nhau trong hội. Các công đoàn cung cấp công nhân đổ bê tông và lái xe tải chở xi măng cũng chịu ảnh hưởng của nhiều ông trùm tội phạm khác nhau. Chủ đầu tư nào kháng cự lại liên hiệp sẽ phải chịu các vụ tấn công hỏa hoạn, trộm cắp thiết bị, vật tư và tạm dừng công trình. Xuôi theo là phương án an toàn hơn và sau cùng là rẻ hơn.
Mặc dù theo như Trump tuyên bố, tòa nhà không phải là tòa bê tông lớn nhất thế giới, Trump Tower cần 90 nghìn tấn bê tông ở mức giá 22 triệu đô la (63 triệu đô năm 2015). Khi can thiệp vào quyết định hợp đồng, Fred Trump có thể không biết liệu liên hiệp có ý định để công việc này cho Dic-Underhill làm hay không. Thực tế, thời điểm đó, giới băng đảng không còn kiểm soát việc kinh doanh bê tông như cách ở thời Fred vẫn còn làm kinh doanh. Tuy nhiên, Res nhận thấy hai vụ đốt phá ở công trường cho thấy có ai đó đang phật lòng. Vụ đầu tiên phá hủy một máy phát điện giá trị nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng. Vụ thứ hai, xảy ra vào ngày 29 tháng 1 năm 1982, nghiêm trọng hơn nhiều.
Res nhớ lại, bà bị đánh thức sáng hôm đó bởi cuộc gọi lúc năm giờ rưỡi sáng từ Ivana Trump, nói “Tòa nhà đang cháy”. Khi Res tìm được cách băng qua con đường bị chặn và những xe cứu thương thì vụ cháy đã được dập tắt. Một người điều khiển cần trục vào buồng lái chuẩn bị cho ngày làm việc bị mắc kẹt khi ngọn lửa nuốt chửng mấy khuôn bê tông cạnh chân cần trục. Res dõi theo thấy những người thợ cứu hộ đã giúp ông ta xuống đất an toàn.
Một tầng của tòa nhà bị phá hại nghiêm trọng bởi vụ hỏa hoạn. Những tầng khác cũng bị ảnh hưởng do nước dùng để dập lửa. Vụ việc này đã trì hoãn xây dựng mất hai tháng.
Mặc dù vụ hỏa hoạn mang đến truyền thông tiêu cực, các vấn đề cố ý đốt phá và mưu đồ quanh công trình bê tông là chuyện thường ngày với các chủ đầu tư ở New York thập niên 80. Điều bất thường hơn là những dàn xếp quanh co và vô cùng phiền phức Trump đã thực hiện để bán căn hộ cho Verina Hixon, người đã tài trợ cho Barbara Res và Ivana một chuyến thăm hoành tráng quanh Monte Carlo. Với sự trợ giúp các khoản thế chấp nhà đất chính Trump sắp xếp, Hixon mua vài căn hộ và bắt đầu xây dựng nội thất cầu kỳ bên trong, bao gồm cả một bể bơi trong nhà. Khi công việc hoàn thành, Hixon thường bắt gặp đi cùng với người đứng đầu các công đoàn xây dựng thành phố, John Cody, người đã cho bà 500.000 đô la để mua các căn hộ của Trump.
Là kẻ hung hăng có tiếng và có mối liên hệ với nhóm băng đảng, Cody có đủ quyền lực phá hủy cả một dự án của một chủ xây dựng bằng cách làm chậm trễ việc giao bê tông và phá hỏng bất cứ phần nào của công trình. Nếu ông ta không bằng lòng với một nhà thầu ống nước, những người vận hành thang máy có thể từ chối chở ống nước và đồ đạc tới các tầng cao hơn. Một đơn vị thi công sàn lách luật lệ có lợi cho thợ mộc công đoàn phát hiện ra khi mình không để ý thì các dụng cụ điện và gỗ ở công trường không cánh mà bay. Cody, người đã bị bắt tám lần và kết tội ba lần, coi Roy Cohn là bạn và là cố vấn luật pháp của mình. Cody nói Trump thích dùng Cohn làm người trung gian cho các cuộc gặp giữa họ. Trump thỉnh thoảng miêu tả Cody là “một kẻ tâm thần, kẻ điên…”. Nhưng khi cần thiết, Trump rất hợp tác với người đàn ông đó và làm vui lòng bạn gái của hắn ta là Hixon.
Mối quan hệ làm việc của Trump với Cody trở nên hữu dụng với Trump khi Cody thông báo trước cho ông vài tháng về một cuộc đình công sẽ làm bế tắc tất cả dự án xây dựng trên khắp thành phố mùa hè năm 1982.
Cody thường tới Trump Tower để giúp Verina Hixon xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình trang trí thái quá cho các căn hộ của bà. Trong số những danh mục đặc biệt bà thêm vào là bể bơi, bể bơi duy nhất trong cả tòa nhà cần phải đổ thêm bê tông. Những kế hoạch thay đổi không ngừng của Hixon khiến bà luôn xảy ra mâu thuẫn với người của Trump, nhưng nhờ sự trợ giúp của Cody, thường bà đều muốn gì được nấy. (Theo Hixon, khi bà và Cody yêu cầu khoảng trống vốn dành riêng cho tiền sảnh thêm vào khu nhà ở của mình, Trump nói, “Bất kỳ điều gì anh muốn, John ạ”.) Tất cả mọi đối xử đặc biệt chấm dứt vào tháng 12 năm 1982 sau khi Cody bị buộc tội và tống giam vì tội kiếm tiền phi pháp. Hixon và Trump sau đó đấu đá nhau với những trận tranh cãi pháp lý hơn nửa thập kỷ. Sau khi chậm thanh toán các khoản bảo dưỡng lên tới 300.000 đô la, Hixon phá sản và để mất các căn hộ vào tay chủ nợ.
Sinh ra ở châu Âu và dường như có tiền, Hixon là kiểu người mua mà Donald Trump muốn đưa tới Trump Tower. Ông đã hình dung tòa nhà như nam châm thu hút những người siêu giàu, bao gồm cả những người sống ở các tòa nhà rải rác khắp thế giới. Những người giàu có luôn tìm kiếm sự xa hoa và thoải mái, nhưng phần lớn đều theo đuổi những phần thưởng này với chút dè dặt, chỉ để trông có vẻ nhã nhặn quý phái. Thói quen này thống trị hàng thập kỷ sau Thế chiến II, khi khoảng cách giữa người giàu và những người còn lại được thu hẹp, và việc bàn luận về tiền lương hay tài khoản ngân hàng được coi là hành vi ứng xử kém. Thập niên 70, khi bùng nổ thời hậu chiến chấm dứt và người giàu bắt đầu chiếm phần lớn hơn tài sản trên thế giới, phong cách sống và hành vi của họ trở thành đối tượng cuốn hút công chúng. Truyền hình đem đến cho người Mỹ một loạt các chương trình – Dallas, Dynasty, Falcon Crest – đào sâu
vào đời sống như vở opera của những nhân vật giàu có, và Đại lộ Madison loại bỏ tầng lớp lao động khỏi các mục quảng cáo. Từ tỷ lệ cao 25% vào năm 1970, tỷ lệ quảng cáo mô tả đời sống người dân lao động Mỹ trượt xuống còn 11% vào năm 1980. Những người lao động chân tay ở Mỹ hiếm hoi xuất hiện trên tivi tới mức phim bộ Roseanne, mô tả một gia đình tầng lớp lao động ở Midwest, xuất hiện như một cuộc cách mạng khi được công chiếu lần đầu vào năm 1988.
Là một cựu diễn viên từng thuê biệt thự phô trương California từ những người bạn giàu có, Tổng thống Ronald Reagan là điển hình của nét tính cách “tốt nước sơn hơn tốt gỗ” của thời đại, mà nhà văn Kevin Phillips mô tả là “lễ ăn mừng phô trương sự giàu có”. Vào những năm 50, vợ của Richard Nixon, Pat, đã mặc bộ đồ nổi tiếng ông gọi là “áo choàng của một người Dân chủ tốt”, nhưng những năm 80 Nancy Reagan lại mặc đồ lông thú. Tiệc mừng nhậm chức của Reagan rất xa hoa lãng phí, đặc biệt là khi so với phong cách giản dị của người tiền nhiệm Jimmy Carter, cố vấn và bạn bè của Reagan đều đến từ những thành phần cấp cao của nền kinh tế. Bằng những cách này, và nhiều cách khác nữa, phong cách Reagan đặt dấu chấm hết cho ý niệm những năm 50, được tạo ra trên các tạp chí như Photoplay, rằng người nổi tiếng cũng giống như người thường. Tới những năm 80, tài sản lớn, hay ít nhất một lối sống ám chỉ như vậy, trở thành cột mốc của thành công thực sự và thậm chí còn là tính cách đạo đức. Tổng thống Carter, người thường chỉ trích chủ nghĩa vật chất là “tiêu xài và tự hưởng thụ”, được coi là sai lầm về nền kinh tế. Trong công thức của Reagan, mọi người có thể thả lỏng và cho phép cắt giảm thuế, tăng chi tiêu quốc phòng và giảm mạnh trợ cấp cho người nghèo để có thể thần kỳ vực dậy tầng lớp trung lưu. Khi các nhà kinh tế học nói rằng chính quyền không thể thực hiện được điều này, vị tổng thống không chỉ đưa ra những lập luận vững chắc mà còn dùng những từ ngữ khiến ông trông như một diễn viên đang đọc lời thoại từ kịch bản. “Có, chúng ta có thể”, ông nói với niềm tự tin lớn lao, “và, vâng, chúng ta sẽ làm được”.
Reagan chỉ nhiệt tình nửa vời với sự thật mà thôi. Ông vẫn tuyên bố mình tự viết những bài phát biểu, mặc dù sau đó người ta chỉ ra rằng ông không phải vậy, và ông thường có thói quen trích dẫn kinh ngụy tạo bên cạnh các sự kiện, thách thức người nghe dám phân biệt được chúng. Cuối cùng thì cách nói này được nghệ sĩ hài châm biếm Stephen Colbert gán là “sự thành thật”. (Ông giải thích, “nó đến từ cảm giác, không phải từ thực tế sách vở”.) Trong thời của Reagan, nhà báo James Reston mô tả đó là phong cách phát biểu được nghĩ ra “để lẩn tránh sự thật”. Với sự bực tức, Chánh văn phòng Donald Regan đã coi việc trả lời các câu hỏi chất vấn về phát ngôn của tổng thống giống như phục vụ trong “ đội dọn phân theo sau đoàn diễu hành” của đoàn voi.
Trong khi vị tổng thống tạo ra quá nhiều thứ để “dọn”, các phương pháp của ông hiệu quả tới mức bất chấp thâm hụt ngân sách lên tới mức kỷ lục, ông vẫn xây dựng được tiếng tăm không thể chối bỏ với tư cách một nhà bảo thủ tài chính. Cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông, tổng thâm hụt liên bang đã tăng gấp ba lần. Tiền lương theo giờ giảm dần trong những năm Reagan tại vị và những công việc lương cao trong nhà máy đã biến mất, những người làm việc bị sa thải phát hiện ra rằng những công việc dịch vụ mới, nếu có, được trả lương thấp hơn nhiều. Dưới hoàn cảnh như vậy, những người lao động không thể chu cấp được cho gia đình theo cách bố họ vẫn làm những năm 50 và 60. Sự khác biệt được tạo ra, một phần là do khoản thu nhập của những người vợ và người mẹ cùng tham gia vào lực lượng lao động với số lượng lớn hơn mỗi năm. Thêm vào đó, người ta cũng vay mượn nhiều hơn để duy trì mức sống tiêu chuẩn. Sau mức sụt giảm gây ra bởi cuộc suy thoái 1981– 1983, nợ thẻ tín dụng bắt đầu tăng cao và kéo dài không ngừng cho đến tận năm 2000.
Với tất cả công việc vất vả và việc chạy vạy vay mượn, người Mỹ cảm thấy bị áp lực khủng khiếp. Dẫu vậy giấc mơ về sự giàu sang bất ngờ, đạt được bằng cách khéo léo, vẫn giữ nguyên vẻ mê hoặc của nó. Các chương trình quay xổ số của chính phủ, trước đó chỉ có ở New Hampshire và Puerto Rico, đã lan nhanh khắp cả nước.
Với những người muốn nhiều cơ hội tốt hơn, những người quảng cáo trên truyền hình chào mời các khóa học đầu cơ bất động sản, thúc đẩy người xem sử dụng OPM (other people’s money) – tiền của người khác – để vay kết hợp các khoản đầu tư cá nhân vào bất động sản. Năm 1984, một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ là Nothing Down: How to Buy Real Estate with Little or No Money Down. Là một bản sao y hệt của ngôi sao phỏng vấn truyền hình Albert Lowry, tác giả Robert G. Allen khẳng định mình đã đào tạo hai người chọn ngẫu nhiên từ một dãy người xếp hàng ở văn phòng thất nghiệp đủ để kiếm mỗi người 5.000 đô la trong 90 ngày. Năm 1987, ông thừa nhận gặp phải rắc rối tài chính sau khi chính quyền liên bang thế quyền bất động sản của ông để thu về 412.000 đô la thuế và các khoản phạt chưa trả.
Trong khi người nghèo và tầng lớp trung lưu vất vả mưu sinh nơi đất Mỹ, chính sách của Reagan lại giúp 1% những người tốp đầu tăng 74% thu nhập trong nhiệm kỳ của mình. Hầu hết đều dưới dạng lợi nhuận thu về trên vốn từ các khoản đầu tư mà, nhờ các cải cách của Reagan, chịu thuế suất thấp hơn nhiều. Số người với giá trị tài sản ròng trên 100 triệu đô la tăng gấp đôi trong những năm của Reagan, và số tỷ phú tăng gấp ba. Đây là những người có thể và sẽ vứt ra một triệu đô hoặc hơn cho một căn hộ ở Trump Tower. (Mặc dù một số căn hộ có giá thấp hơn, hơn chín mươi căn hộ khác trong tòa nhà được định giá ở mức 1 triệu đô la hoặc hơn.)
Số tiền mà những người giàu có bên ngoài mang tới New York là vô cùng quan trọng khi nền kinh tế thành phố dịch chuyển cơ cấu dần về kinh tế tài chính và dịch vụ. Thực vậy, như tất cả các thành phố lớn khác ở Vành đai công nghiệp phía bắc, New York đang đánh mất dần các công việc nhà máy ở tốc độ rất nhanh. Với tình hình như vậy, người giàu đại diện cho thứ gì đó như tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác để trợ giúp những người bán hàng, tài xế, người trông cửa và thợ làm tóc. Những người làm dịch vụ này kiếm được ít hơn nhiều so với người làm tương đương trong ngành sản xuất, nhưng xu hướng này là không tránh khỏi. Những công việc tầng lớp trung lưu được trả lương cao đang biến mất khi của cải và thu nhập tập trung vào tầng lớp cao hơn của xã hội. Với tình cảnh như vậy, tốt hơn hết là nên sống và làm việc ở New York, nơi mà người giàu đầy rẫy và còn có thể vớt vát gì đó từ những con người này.
Ở nền kinh tế theo học thuyết của Darwin, việc Donald Trump sốt sắng theo đuổi những người có thể chi trả những khoản tiền lớn cho khu dân cư chỉ ở bán thời gian là một chiến lược kinh doanh khôn ngoan. Việc bán một căn hộ 2 triệu đô la cũng đòi hỏi thời gian và nỗ lực cũng gần bằng với việc bán một căn hộ 100.000 đô la. Thực tế thì những vụ mua bán cao cấp không mất nhiều nỗ lực lắm bởi người mua chỉ cần ký séc là có thể hoàn thành thương vụ. Nhưng giàu có không có nghĩa là khách hàng của Trump tinh tế và trải đời. Rất nhiều người vẫn phản ứng với những chiêu quảng cáo vốn hấp dẫn và lôi kéo họ vào thói hư vinh hay cảm giác không an toàn. Với suy nghĩ này trong đầu, Trump cho lan truyền tin đồn rằng Charles, hoàng tử xứ Wales, và vợ mình, Diana đang xem xét một thương vụ ở Trump Tower. Do Điện Buckingham từ chối bình luận những lời đồn về đôi vợ chồng, không ai trong giới chính quyền bác bỏ nó cả. Trump tán thưởng những khách hàng tiềm năng của mình bằng cách nói rằng Trump Tower được xây dựng “cho những người tuyệt nhất trên thế giới”, và ông hiếm khi bỏ lỡ cơ hội mượn danh tiếng người uy tín trong các nỗ lực marketing của mình. Những người tới thăm văn phòng kinh doanh căn hộ Trump Tower được xem một đoạn trình chiếu – hình ảnh của tòa nhà và môi trường xung quanh – với nhạc đệm là đoạn băng hát của Frank Sinatra.
Cuốn sách bán hàng giới thiệu các căn hộ hứa hẹn rằng Trump Tower (không phải 1600 Đại lộ Pennsylvania) là “địa chỉ danh giá nhất thế giới” và khuyến khích người đọc “hình dung về cuộc sống ở đây” trong một tòa cao ốc màu đồng được tách biệt an toàn với thế giới bên ngoài. Sau khi gợi nhớ người mua triển vọng rằng các gia tộc Astor, Whitney và Vanderbilt từng gắn bó với cả khu dân cư, bài quảng cáo nhấn mạnh cư dân sẽ vào Trump Tower qua lối vào “người ngoài hoàn toàn không thể vào được” và sẽ được chào đón bởi đội ngũ nhân viên tận tình chu đáo. Mỗi căn nhà, người viết quảng cáo chốt lại, là “một viên kim cương trên nền trời”. Theo Trump, tòa nhà cao 68 tầng. Tuy nhiên, theo Hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA), những người đánh giá Trump Tower là một trong mười tòa nhà xấu nhất ở New York, đưa ra số liệu nó chỉ cao 58 tầng.
Barbara Res ước tính khoảng một nửa số căn hộ trong tòa tháp được mua bởi người nước ngoài. Nhiều căn hộ khác được mua bởi các tập đoàn, các ngôi sao nhạc pop và những người nổi tiếng Hollywood. Trong số đó có Michael Jackson, Steven Spielberg, và Johnny Carson, người Trump từng ngưỡng mộ nhưng dần trở nên không ưa thích nữa. Trump nhớ lại, Carson là một người hống hách và không kiên nhẫn, có lẽ còn là “một gã rất xấu tính, rất khó ưa”. Những điều này trở nên rõ rệt khi Carson, người vừa mới mua căn hộ của ông, gọi điện thoại cho Trump. Theo lời Trump, Carson đã nói, “Donald, có hai nhân viên chết tiệt làm việc trong tòa nhà ăn trộm áo choàng của tôi”.
Chiếc áo choàng đó là một loại áo khoác đắt tiền làm từ lông động vật giống lạc đà vùng Andes được gọi là vicuna. Được sản xuất với số lượng vô cùng ít ỏi, lông vicuna hiếm tới nỗi nếu không vì vụ bê bối chính trị những năm 50, hầu hết người Mỹ sẽ chẳng bao giờ nghe tới. Tuy nhiên, khi Chánh văn phòng của Tổng thống Eisenhower bị buộc từ chức sau khi nhận quà là một chiếc áo khoác lông vicuna, cũng là lúc tất cả mọi người bắt đầu liên hệ từ áo khoác lông vicuna với sự phung phí ngông cuồng.
Áo khoác lông vicuna của Carson, theo ông ta khẳng định, đã biến mất sau khi hai người thợ bảo dưỡng tới làm việc trong căn hộ, và muốn Trump phải làm gì đó. Trump gọi hai người đó và họ phủ nhận vụ việc. Ông gọi Carson và nói rằng những người công nhân, hai người đến từ Queens, “không mặc áo lông vicuna” và “họ sẽ chạy khỏi khu dân cư nếu họ làm như vậy”. Không thỏa mãn, Carson yêu cầu hai người này phải bị đuổi việc. Như sau này ông giải thích, Trump kết luận rằng mình “không còn lựa chọn nào khác” bởi nhân vật quan trọng vừa đưa ra tối hậu thư. Trump gọi hai người thợ vào văn phòng và nói, “Các anh bạn, ông ta nói các anh trộm nó, nên các anh bị sa thải”. Những người thợ rời bỏ tòa nhà, cắt đứt khỏi công việc của mình. Nhiều tháng sau Carson phát hiện tấm áo choàng ở phía đằng sau tủ áo. Ông điện cho Trump để báo lại đã tìm thấy với chút xấu hổ, nếu không muốn nói là hối hận, vì yêu cầu đuổi việc hai người thợ. Trump đáp lại, “Chết tiệt! Nhưng tôi đã đuổi hai người đó vì ông”.
Rằng việc ông đuổi hai người thợ dựa trên buộc tội sai lầm của một người nổi tiếng vẫn còn như mới trong tâm trí của Donald gần 20 năm về sau. Nhưng khi nói về điều này, ông có vẻ chắc chắn mình đã làm điều đúng đắn; chống lại Carson và bảo vệ công nhân là một sai lầm. Những người nổi tiếng đáng những rắc rối vì sự có mặt của họ thu hút những người mua sẵn sàng trả tiền, trong trường hợp Trump Tower, lên tới 10 triệu đô la cho căn nhà của mình. Tuy nhiên, những người mua này không phải lúc nào cũng có lợi nhuận từ những thương vụ họ thực hiện. Carson kêu la om sòm với kế toán của mình khi ông bị thua lỗ khi bán căn hộ vào năm 1989.
Trump, mặt khác, lại đạt được vô kể từ sự kết giao với Carson, Spielberg và một loạt những người nổi tiếng khác, bao gồm cả ông hoàng nhạc pop, người đã mua căn hộ ở Trump Tower. Bên cạnh tiền của họ, ông cũng được hưởng chút hào quang phản chiếu. Sau khi Trump Tower được bán hết, ông bắt đầu khẳng định rằng tên tuổi của mình, tên ông gắn với bất kỳ dự án nào, ngay lập tức làm nó có giá trị hơn. (Đôi khi ông lượng tính “hiệu ứng Trump”, nói nó tăng thêm 25%, 50% hoặc 100% vào giá trị tổng thể của một dự án xây dựng.) Với sức mạnh của danh tiếng luôn ở trong tâm trí, ông cũng tăng gấp đôi cam kết của mình trong việc tận dụng nó.