TÔI ĐÃ CỨU CẢ KHU DÂN CƯ ĐÓ. THẬT LÀ MỘT NƠI THẢM HỌA.
– DONALD TRUMP nói về khu dân cư Grand Central
Trong bối cảnh thị trường nhà đất ảm đạm ở New York những năm 1970, Victor Palmieri và Ned Eichler là tiêu biểu cho một cơ hội sáng ngời. Danh mục đầu tư bên ủy thác Penn Central thuê họ bán gồm nhiều bất động sản có giá trị lớn bên cạnh những sân ga không được tận dụng hết tại Manhattan. Trong số những tài sản nắm giữ đó còn có vài khách sạn nổi tiếng đã hết thời huy hoàng – khách sạn Barclay, Biltmore, Commodore và Roosevelt – cũng như rất nhiều tòa nhà thương mại và cơ sở đường sắt khác. Penn Central sở hữu tòa nhà Yale Club lâu đời cổ kính cũng như mảnh đất dưới tòa nhà tối tân Pan Am (sau này được đặt tên là tòa MetLife).
Một chủ đầu tư xây dựng người Ý Renzo Zingone đề xuất dự án một khu phức hợp công nghiệp 40 triệu đô la trên khu đất rộng một trăm mẫu của Penn Central ở Nam Bronx, được biết đến với cái tên Sân ga sông Harlem. Zingone nói mình đang thương lượng với các công ty châu Âu để xác định vị trí đặt các nhà máy sản xuất trên khu đất này, có thể tạo công ăn việc làm cho con số lên tới năm nghìn người. Với gần năm nghìn việc làm ngành công nghiệp rời bỏ New York mỗi năm, các quan chức lên tiếng ủng hộ Zingone, dù ông ta muốn thành phố mua đất cho mình. (Phương thức này rất khác thường, nhưng không phải là chưa từng nghe đến. Quyền sử dụng đất được coi là một dạng tài sản của một người cho vay, người này sau đó có thể cho Zingone tiếp cận các khoản vay xây dựng.)
Nhiều người chơi khác trong cuộc tranh giành bất động sản của Penn Central ở New York là một vài ngân hàng, tộc trưởng Ả-rập, chuỗi khách sạn Hilton và các nhà đầu tư Iran. Thương vụ đầu tiên Palmieri hoàn thành là việc thu mua tòa cao ốc ba mươi bốn tầng ở số 230 Đại lộ Park của Ngân hàng Tiết kiệm New York. Với diện tích một triệu foot vuông và mái trần đồng, mạ vàng, tòa nhà cột mốc gần như trải dài cả đại lộ. Đường đi chạy qua các cổng chính, mặt bắc được trang trí với tượng và một chiếc đồng hồ mạ vàng. Giá thương vụ này là 26 triệu đô la, xấp xỉ 115 triệu đô la trong năm 2015. Xét việc nơi này được bán với giá hơn một tỷ đô la vào năm 2007, đó hẳn là một khoản hời lớn.
Giá cả tuột dốc với tốc độ chóng mặt, và những thương vụ trở nên hiếm hoi tới mức Đức cha Sun Myung Moon – người đang bị chỉ trích nhiều về hoạt động tôn giáo – trở thành tin tức quan trọng khi mua cả khách sạn New Yorker hai nghìn phòng và khu nhà hát gần đó trên Đường 34 với giá chưa đến 8 triệu đô la. Trong thị trường đình trệ này, hầu hết bất động sản Penn Central thu hút chào giá thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà ủy thác hoặc đi kèm các điều kiện phức tạp phải đáp ứng trước khi nhận được thanh toán. Khách sạn Commodore to lớn đồ sộ nằm phía trên nhà ga Grand Central ở góc phía tây bắc giữa Đại lộ Lexington và Đường 42, ở vòng đấu thầu đầu tiên, không hề nhận được bất kỳ một chào giá nào.
Được đặt theo tên Cornelius Vanderbilt quá cố, nhà tài phiệt thế kỷ XIX vốn không phải là một phó đề đốc thực sự, khách sạn này tôn vinh một trong những doanh nhân nổi tiếng đầu tiên ở Mỹ. Vanderbilt đã đi lên từ người quản lý bến phà, vươn lên thành nhà tư bản giàu có nhờ tính sáng tạo và nhẫn tâm không ai bì kịp. Tài sản của ông, ban đầu được tích lũy qua những tuyến đường tàu thủy và đường sắt, sau này phụ thuộc hầu hết vào mưu mẹo tài chính và các vụ tấn công pháp lý đối thủ của mình. Vị “Phó đề đốc” thắng thế ở gần như mọi cuộc ẩu đả, và tài sản của ông lớn dần cho tới khi vượt quá tài sản của hai ông trùm hiện đại Bill Gates và Warren Buffett cộng lại. Gia tài để lại của Vanderbilt – ông mất năm 1877 – bao gồm Công ty đường sắt New York Central Railroad, đã xây dựng và điều hành khách sạn lớn này.
Khách sạn Commodore mở cửa hoạt động vào năm 1919 với một nghìn chín trăm phòng và các tiện nghi bao gồm nhà tắm riêng và một tiền sảnh là phòng đơn lớn nhất ở thành phố New York. Được thiết kế và trang trí để gợi vẻ đẹp sân vườn của Ý, tiền sảnh khắc họa một thác nước trong nhà, điểm chấm bằng những tán cọ vươn ra từ những bình hoa. Phòng dạ vũ lớn tới nỗi có thể, và cũng đã từng, chứa một rạp xiếc với cả những chú voi. Khi Commodore mở cửa, đã có nhiều tiện nghi hiện đại, như phòng điện tín trong nước, văn phòng cáp quốc tế, và phòng chờ nơi giá chứng khoán được đăng trên những chiếc bảng lớn treo trên đường.
Dù Commodore vẫn giữ nguyên nét quyến rũ của mình qua hàng thập kỷ, nhưng các đối thủ cạnh tranh dần xây những khách sạn mới với những căn phòng lớn hơn và đồ đạc hiện đại hơn. Tới năm 1960, khách sạn đã đánh mất hầu hết việc kinh doanh du lịch vào khách sạn Americana và các đối thủ khác, chỉ phục vụ chủ yếu những người đến tham dự hội nghị và khách đi du lịch vừa với túi tiền của mình. Những người du lịch giàu có hơn thường thích Plaza hay Park Lane của Harry Helmsley. Khi những thảm họa kinh tế của New York bắt đầu ập đến vào những năm 70, những người quản lý khách sạn Commodore thương lượng với hiệp hội công đoàn để giảm thiểu chi phí bằng cách bỏ bớt một số dịch vụ và cắt giảm nhân viên. Tất cả các khách sạn ở New York cũng đều chịu cảnh tương tự, với tỷ suất sử dụng phòng giảm sâu tới 62,5% trong năm 1971, con số thấp nhất trong vòng ba mươi năm. Bảy khách sạn bị đóng cửa và chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Commodore cho thuê chỉ một nửa số phòng trống vào năm 1972, và sự rộng lớn của nó lại trở thành một gánh nặng. Các nhà quản lý bắt đầu đóng cửa toàn bộ nhiều tầng để tiết kiệm chi phí bảo dưỡng. Mặc dù họ dành 500.000 đô la để nâng cấp phòng dạ vũ, rất nhiều việc kinh doanh buôn bán từng thuê ở tầng chính của Commodore đã rời bỏ nơi này mà đi. Một vài vị trí bị bỏ không. Một số khác bị chiếm bởi các cửa hàng bán hàng hóa và dịch vụ giảm giá bao gồm mát xa và các dịch vụ khác ở nơi được gọi là Thư giãn bổ sung. Vào những ngày cuối tuần, phần lớn tiền sảnh khách sạn trở thành chợ trời. Một người trong ngành nói, “Giá trị của khách sạn đó bằng giá trị thực sự của mảnh đất trừ đi chi phí dỡ bỏ”.
Bên cạnh sự sa sút của Commodore, khu Grand Central cũng thiệt hại khi những chủ nhân của tòa nhà Chrysler, một biểu tượng của phong cách art deco, bị các chủ nợ buộc tịch thu tài sản, và người thuê chủ yếu của tòa nhà, công ty Texaco, chuẩn bị di dời tới khu ngoại ô. Việc dời đi của Texaco kéo theo hàng trăm công nhân ra khỏi khu dân cư, cướp đi của các cửa hàng kinh doanh địa phương khoản tiêu dùng của những người công nhân này. Chủ của nhà hàng Schrafft nổi tiếng, vốn lấp đầy hầu hết tầng trệt của Chrysler, quyết định đóng cửa trước khi thua lỗ. Là nơi trú ẩn được lợp bằng ván gỗ thông trong gần 45 năm, nhà hàng đem đến cái gì đó rất riêng cho các vị khách tới đây với phòng ăn riêng biệt, quầy hàng đồ uống, và tầng hầm Men’s Grill. Khi nhà hàng dừng hoạt động, dân cư địa phương, nhân viên văn phòng, khách du lịch và những người đi du lịch trong ngày đã mất đi một điểm dừng chân trang nhã nơi một thành phố dường như ngày một nguy hiểm hơn.
Mặc dù chưa đến mức bị tàn phá như ở quảng trường Thời đại, nơi ngập tràn các rạp chiếu phim khiêu dâm, khu vực xung quanh Grand Central cũng trở nên ngột ngạt. Chỉ trong một năm, 1974 - 1975, các vụ phạm tội tăng tới 18,5% ở Nam Midtown, gồm các dãy nhà quanh sân ga. Lượng hành khách trên các chuyến tàu điện ngầm vốn nuôi sống Grand Central đã giảm 20%.
Tất cả những rắc rối ở Midtown khiến Fred Trump cảnh giác với bất kỳ thương vụ nào liên quan tới khách sạn kề Grand Central. “Mua lại Commodore vào thời điểm thậm chí tòa nhà Chrysler đang phải chịu giám sát tài sản”, ông nói, “giống như đấu tranh giành lấy một ghế ngồi trên tàu Titanic”. Con trai ông lại cảm thấy khác. Giữa những lo lắng và sợ hãi đang lớn dần về khu Grand Central, Donald lại nhìn thấy một cơ hội trong khách sạn Commodore đổ nát. Là bến cuối của những người đi lại từ những vùng khu ngoại ô quận Westchester và những góc phố sang trọng hơn ở Connecticut, sảnh nhà ga lớn gần khách sạn vẫn chuyên chở hàng chục ngàn người tới Midtown mỗi ngày. Bất kể những khó khăn của Penn Central, sự tắc nghẽn giao thông muôn thuở ở Manhattan khiến người đi lại không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ phương tiện tàu hỏa để đi làm. Hơn nữa, Trump tin rằng khu phố vẫn sẽ là một địa điểm kinh doanh vượt bậc của cả nước, kể cả khi Texaco và những công ty khác như American Airlines và UPS rời đi. Ở các thành phố khác, Detroit, St. Louis và New Orleans, nhiều tập đoàn lớn cũng đang bỏ đi với tốc độ còn lớn hơn. Là một trung tâm tài chính quan trọng toàn cầu, với sự tập trung cao độ các tài năng kinh doanh, Manhattan nhất định sẽ hồi phục và phát triển thịnh vượng kể cả khi các thành phố khác tiếp tục sa sút. Tòa nhà Chrysler sẽ được cứu và cải tạo lại. Nhiều tòa cao ốc sẽ mọc lên để thay thế các tòa nhà văn phòng già nua, và tất cả các vị quản lý điều hành cùng người bán hàng tới làm kinh doanh sẽ cần phòng khách sạn, phòng họp và các bữa ăn. Một Commodore được hồi sinh sẽ có thể cung cấp tất cả những điều đó và, với sự sắp xếp đúng đắn, sẽ đem đến lợi nhuận tốt.
Sự sắp xếp đúng đắn, trong suy nghĩ của Trump, bao gồm sự giúp đỡ hào phóng đến từ phía chính quyền. Cũng như người bố đã được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp của bang và liên bang cho các dự án xây dựng nhà ở, Donald nghĩ người nộp thuế sẽ giúp mình kiếm tiền. Dự án cũng sẽ cần một người điều hành khách sạn hàng đầu làm đối tác ở mỗi một giai đoạn phát triển. Sau thất bại trong việc mời chuỗi khách sạn Westin làm đối tác, Trump để mắt tới chuỗi khách sạn Hyatt, sở hữu bởi gia tộc Pritzker giàu có ở Chicago. Mở ra vào năm 1957, Hyatt, đi đầu trong thiết kế tiền sảnh khách sạn “sân trong” – bao gồm thang máy lồng kính – điều hành hơn sáu mươi khách sạn lớn nhỏ, gồm cả vài bất động sản ở nước ngoài. Công ty, đã phát triển nhanh chóng từ một địa điểm sân bay ở Los Angeles, là chuỗi kinh doanh lớn duy nhất chưa có mặt ở New York.
Là một phần chiến dịch gây ấn tượng với Hyatt, Trump mời chủ nhà băng gia đình Pritzker là Benjamin Lambert tới dùng bữa trưa. Trump sắp xếp xe Limo của bố đưa đón ông. Vừa bước vào xe, Lambert phát hiện Trump đã mở sẵn bản vẽ kiến trúc nổi của khách sạn Commodore cải tạo. Lambert đã đủ ấn tượng bởi sáng kiến của chàng trai trẻ, nếu không thì cũng ấn tượng trước bản phác họa của Trump, để giới thiệu người chủ tiệc với gia đình Pritzker. Nhưng bất kể sự nhiệt tình hay vẻ cuốn hút trẻ trung của mình đến đâu, Trump cũng không thể lay chuyển được Lambert đồng ý thuyết phục gia đình Pritzker về quan điểm Commodore mới sẽ là khách sạn tuyệt vời nhất ở Manhattan. Nếu Trump tin điều này, ông sẽ phải tự chứng minh lấy. Tuy nhiên, sự thổi phồng chẳng ảnh hưởng gì tới quyết định đưa ra bởi gia đình Pritzker và các thành viên quản trị khác của Hyatt. Họ ấn tượng hơn với việc Trump có thể giành được khoản giảm thuế bất động sản đáng kể từ thành phố, điều mà sẽ cải thiện triển vọng của khách sạn qua nhiều năm.
Thương lượng đồng thời với cả Hyatt, thành phố và Penn Central, Trump sử dụng bên này làm đòn bẩy cho bên khác. Tiếng tăm của Hyatt với tư cách chủ đầu tư xây dựng và điều hành khách sạn có thể làm yên lòng Palmieri, Ned Eichler, và đồng nghiệp John Koskinen của họ (sau này là ủy viên của Sở Thuế vụ) rằng Trump có thể quản lý dự án Commodore. Thành viên quản trị của Palmieri trao cho Trump vị trí mua đầu tiên không chính thức cho mảnh đất, dựa trên giá mua cuối cùng là 10 triệu đô la. Nhưng họ không ký thỏa thuận mang tính ràng buộc phải thực hiện thương vụ. Với Trump, người không có đủ 250.000 đô la cần thiết để chốt quyền chọn mua tài sản đất, đây không phải là vấn đề thực sự. Ông tuyên bố với báo giới rằng mình đã có “quyền mua” và một “hợp đồng mua bán” cho khách sạn Commodore, và không ai phủ nhận ông. Khi quan chức thành phố yêu cầu bản sao thỏa thuận của ông với Penn Central, ông gửi cho họ giấy tờ, trừ việc không có các chữ ký ràng buộc. Sự bỏ sót này hoặc không được ai chú ý tới hoặc chẳng ai quan tâm, bởi đội ngũ quan liêu vẫn tiếp tục tiến hành công việc, như thể các bên đã ký và Trump đã thực sự trả tiền. Sau đó ông sử dụng việc hợp tác của thành phố để đảm bảo với Hyatt rằng mình đang mang đến giá trị thực sự cho mối quan hệ hợp tác này.
Chìa khóa cho tất cả những điều đó là sự khéo léo trong công việc giấy tờ, điều mà, nhiều năm sau, trở thành niềm kiêu hãnh của Trump. Ông nói, “Họ chỉ yêu cầu xem một bản thỏa thuận, không nói nó phải được ký”.
Vẫn tiến hành với những thông tin cốt yếu của thương vụ chưa được giải quyết, Trump quảng bá với một sự tự tin mạnh bạo. Ở đây ông thể hiện nhiều nét tính cách mà các nhà khoa học xã hội sau này quy là nét tính cách của người có thành tựu lớn. Đầu tiên, ông đặt ra một mục tiêu tham vọng. Sau đó ông tập trung vào mục tiêu ấy không ngừng nghỉ, dành hàng năm trời nỗ lực cho công việc ấy và kiên quyết không để bị cản trở bởi những chướng ngại vật có thể cản bước những người ít tự tin hơn. Trump giữ một hình ảnh sống động trong tâm trí về khách sạn mới và chối bỏ bất cứ ám chỉ nào rằng tuổi đời non nớt, thiếu kinh nghiệm, hay điều kiện thị trường có thể ngăn cản nó trở thành sự thật. Khi còn là một cậu bé, ông đã dõi theo những dự án xây dựng của bố mình vươn cao từ mảnh đất sỏi đá, trở thành những công trình kiên cố làm nhà ở cho hàng nghìn hộ gia đình. Ông không hề nghi ngờ rằng mình có thể làm được điều tương tự, và còn có thể tốt hơn, và rằng thành công trên Đường 42 sẽ dẫn tới những thành tựu lớn hơn và xuất sắc hơn nữa.
Tháng 5 năm 1975, sau khi ban quản trị Hyatt đồng ý hợp tác kinh doanh, ông triệu tập báo giới tới buổi gặp gỡ nơi ông và Jay Pritzker trình bày các bản phác họa và tuyên bố họ sẽ dành 70 triệu đô la để phá dỡ Commodore cho đến chỉ còn khung thép và xây dựng một khách sạn sang trọng mới. Khách sạn này sẽ có 1.400 phòng, một phòng dạ vũ lớn, khu quầy bán hàng 70 nghìn foot vuông, một sân trong theo phong cách Hyatt, và một quán bar tầng hai nhô ra trên phía vỉa hè Đường 42. Bên ngoài tòa nhà sẽ được bao quây bởi cửa có độ phản chiếu cao. Họ tuyên bố, khách sạn sẽ được mở cửa vào năm 1978.
Các bản vẽ phác thảo được tiến hành bởi kiến trúc sư Der Scutt, người khởi nghiệp khi làm việc chung với kiến trúc sư tiên phong của chủ nghĩa tối giản Philip Johnson. Vào cuối những năm 1960, Scutt đã thiết kế một tòa nhà 44 tầng, xây dựng trên khu đất quảng trường Thời đại trước đây là của khách sạn Astor. Là một kiệt tác theo phong cách Beaux-art được lát ngoài bằng gạch và ngói đá đen; Astor xưa cũ từng chào đón các vị khách tới thăm khu vườn thượng xanh tươi và thanh bình, nơi họ có thể thưởng thức bữa tối và khiêu vũ giữa hoa cỏ, nhành dương xỉ và dây nho rủ xuống từ trên giàn. Công trình của Scutt với One Astor Plaza đã thu hút sự chú ý lớn bởi nó thay thế một địa điểm cột mốc từng được nhiều người yêu quý. Ông kết hợp một rạp chiếu phim lớn và một nhà hát kịch Broadway trong thiết kế của mình. Nhưng phong cách này vô cùng khắc khổ, với nền móng lớn làm bệ đỡ cho nhà hát. Tòa tháp mọc lên từ phía sau công trình được bao phủ bằng kính đen và phía trên cùng có những tấm đá trắng nhọn sắp đặt trông như một vương miện. Nhìn từ phía New Jersey sông Hudson, chúng tạo cảm giác một chiếc khăn tay cứng ngắc của một người đàn ông bị gấp lại thành nếp nhọn và nhét vào túi áo trước.
Tòa nhà của Scutt đã làm rất nhiều người yêu khách sạn Astor xưa tức giận và không thấy được nét quyết rũ của công trình kiến trúc khối hộp đội một vương miện nghiêng nghiêng trên đỉnh. Donald Trump không nằm trong những người hoài cổ. Ông yêu thích những góc cạnh sắc nét, bề mặt sáng bóng và thiết kế thoáng gọn, ông ngưỡng mộ sự hữu dụng êm trôi của One Astor Plaza. Ông coi Der Scutt là một ngôi sao mới nổi của ngành kiến trúc, có chút nét của người nổi tiếng, và thuê Scutt phụ trách cải tạo Commodore. Như ô61 mình đã từng tuyển mộ được Morris Lapidus và thêm vẻ rực rỡ cho đề án công viên giải trí mái vòm ở đảo Coney, Trump tin tưởng Scutt có thể thêm vẻ huy hoàng cho những ý tưởng của mình với Commodore.
Chìa khóa cho cả dự án nhiều triển vọng này là khoản giảm thuế lớn, điều mà Trump trước hết cố gắng giành lấy từ chính quyền liên bang ở Albany, nơi ông có những người bạn cũ trong hội Brooklyn là thống đốc Hugh Carey và chủ tịch Hội đồng lập pháp bang Stanley Steingut. Khi cách thức tiếp cận này thất bại, Trump đổi hướng về bộ máy quan liêu thành phố, nơi các quan chức xây dựng giúp ông với một kế hoạch khéo léo. Theo kế hoạch này, Tập đoàn Phát triển Đô thị (UDC) của nhà nước, đã hoạt động ngắc ngoải khi trái phiếu nghĩa vụ đạo đức của công ty không bán được nữa, sau cùng sẽ sở hữu khách sạn và cho Trump thuê lại. Cơ quan này, vốn được miễn thuế, có thể giúp đưa mảnh đất ra khỏi sổ tính thuế của thành phố. Trump và Hyatt có thể tiết kiệm được hơn bốn triệu đô la mỗi năm.
Những viên chức quan liêu của thành phố nghĩ ra kế hoạch giảm thuế có lợi cho Trump đã thể hiện nó như một thứ gì đó lớn lao hơn – một Chương trình Thúc đẩy Đầu tư Kinh doanh mới – có thể được dùng cho các dự án xây dựng và tái phát triển có lợi nhuận. Chủ tịch UDC, Richard Ravitch (ông được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch sau vụ điều tra) thúc ép sửa đổi chương trình để thương vụ có lợi hơn cho tiểu bang. Hội đồng Đánh giá cũng đồng quan điểm với Richard, họ là những người nhận ra một công ty có mối quan hệ đặc biệt – Trump Organization – sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình khuyến khích này. Điều hiển nhiên này không phải các chủ khách sạn khác không thấy. Mario di Genova, chủ Khách sạn Americana, khiếu nại thương vụ là “vô đạo đức và không công bằng”. Harry Helmsley lớn tiếng kêu rằng gia đình Trump “có lẽ được ưu ái quá nhiều”.
Khi nghe những lời phàn nàn đó, Donald dọa rút lại đề xuất của mình và khẳng định chẳng còn ai muốn đầu tư vào Commodore nếu ông bỏ đi. Điều này không hoàn toàn đúng. Đầu năm 1976, chuỗi khách sạn Carter, một nhà kinh doanh nhỏ trong khu vực, đề nghị cải tạo khách sạn và giúp cứu khu dân cư Grand Central với những điều khoản có lợi hơn cho thành phố. Penn Central không thể xem xét chào thầu này khi mà Donald Trump vẫn kiểm soát quyền chọn mua, nhưng việc kiểm soát này không được thiết lập trên cơ sở pháp lý. Đội ngũ của Palmieri có thể đồng ý với sự dàn xếp này và mọi người sẽ làm theo như thể đó là thật, nhưng thực tế Trump vẫn chưa trả tiền cho quyền mua đó và chưa hề có giấy tờ nào được ký.
Những người chỉ trích trong Hội đồng Đánh giá cũng như những người điều hành khách sạn khác đã được xoa dịu khi Trump đồng ý chia sẻ lợi nhuận hàng năm của khách sạn với thành phố, lên tới ngang mức ấn định thuế bất động sản. Với sự xoa dịu này, Ravitch và UDC cũng đồng ý với kế hoạch. Sau này, khi thông tin chi tiết chỉ ra rằng Trump có rất nhiều cách điều chỉnh sổ sách kế toán để giới hạn khoản phải trả cho thành phố, Ravitch nói đây là một quyết định sai lầm.
Khi UDC chấp nhận quyền chọn mua của Trump, đồng hồ bắt đầu điểm tích tắc khi nó chỉ có thời hạn hiệu lực mười tám tháng. Cả Trump và ban quản trị Palmieri đều muốn nhanh chóng kết thúc dàn xếp này. Họ cùng nhau dùng các biện pháp thúc ép Hội đồng Đánh giá. Về phần mình, Trump cho người làm ở khách sạn tháo dỡ những tấm gỗ dán còn sạch bong và thanh gỗ hai nhân bốn inch từng được dùng để dựng cửa sổ tầng trệt của những cửa hàng đã đóng cửa. Họ thay thế những vật liệu này bằng những mảnh gỗ đầu thừa đuôi thẹo vớt vát để người đi ngang qua đường thấy Commodore đang là một mớ hỗn độn và phàn nàn với quan chức thành phố. Cùng lúc đó John Koskinen đột nhiên thông báo rằng Commodore, trước đó đã được mở cửa kinh doanh sau khi thận trọng cân nhắc, sẽ đóng cửa trong vòng vài ngày.
Trước đó, công ty Palmieri đã nói với quan chức thành phố khách sạn sẽ vẫn mở cửa trong suốt mùa hè, khi có sự kiện kỷ niệm hai trăm năm đất nước độc lập và Đại hội bầu cử ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ sẽ đem đến một làn sóng kinh doanh ồ ạt. Vậy mà trong ba tháng đầu năm, tỷ lệ thuê phòng ở Commodore đã giảm sâu xuống 33%. Với mức tỷ lệ này, Koskinen nói, khách sạn sẽ thiệt hại nhiều hơn – 4,6 triệu đô la trong năm nay – nếu mở cửa hơn là đóng. Bằng việc đóng cửa khách sạn và sa thải năm trăm nhân viên của Commodore, Koskinen đem đến cú sốc lớn cho quan chức thành phố, những người nuối tiếc những việc làm bị mất và sợ hãi về viễn cảnh tòa nhà khổng lồ trống rỗng bên cạnh nhà ga Grand Central. Chủ tịch hội đồng nhân dân địa phương nói, “Tôi nghĩ có lẽ ai đó đang cố gắng thúc ép việc này”.
Vào thứ Ba, ngày 18 tháng 5 năm 1976, vị khách cuối cùng của Commodore đã trả phòng. Ông W. J. Schaap đến từ thành phố St. Louis, Missouri tới New York thăm các địa điểm du lịch cùng vợ và em dâu của mình. Ông đã phải thốt lên vì những căn phòng nơi đây “quá đẹp”. Vào thứ Năm ngày 20, Hội đồng Đánh giá đồng ý cho Donald Trump một khoản giảm thuế. Và như vậy, ông đã sẵn sàng quản lý một khu tòa nhà cột mốc của đất nước, nếu không nói là của thế giới, ở thành phố quan trọng bậc nhất. Với tất cả những điều này trong tay, ông ấy vẫn chưa tròn ba mươi tuổi.
***
Thậm chí với khoản tương đương gói trợ cấp bốn triệu đô la mỗi năm từ người nộp thuế, Donald Trump vẫn phải làm việc rất vất vả để xoay xở tài chính cho việc phá dỡ khách sạn cũ và xây dựng khách sạn mới. Đã nhiều tháng trôi qua khi ông thương lượng khoản vay với ban quản trị Công ty Bảo hiểm Equitable Life, công ty đã đầu tư dần dần tiền mặt vào bất động sản. Các khoản đầu tư của Equitable phản ánh sự dịch chuyển đáng kể trong ngành xây dựng quy mô lớn, mà cho tới năm 1970, chỉ những cá nhân có tiền của mới được nhận các khoản vay từ các ông chủ ngân hàng bảo thủ. Mô hình mới này cho phép vay nợ “không truy đòi”, giúp một chủ xây dựng như Trump vay các khoản tiền lớn kể cả khi không có tài sản để trả nợ trong trường hợp vỡ nợ. Trong trường hợp này, các chuyên gia tài chính coi những mảnh đất giá trị là tài sản thế chấp, và họ tính mức lãi suất cao hơn cho khoản tiền đó, kỳ vọng sẽ mang đến dòng thu nhập dài hạn. Nhưng thậm chí với cả mô hình vay mượn mới này, nhân viên Equitable vẫn do dự khi đánh giá hồ sơ của Trump.
Nhiều tháng trôi qua Trump càng trở nên bực bội. Cuối cùng, Equitable chính thức từ chối ý định cấp vốn cho toàn bộ dự án – với mức chi phí 75 triệu đô la – và nói rằng họ sẽ không cho vay quá một phần ba số tiền này. Cố vấn tài sản thế chấp của Trump, Henry Pearce, quân sư của Trump về tình hình bất động sản địa phương, khuyên ông hãy tiếp tục đấu tranh. Sau cùng ông giành được các khoản vay dài hạn – ngược lại với tài trợ xây dựng tạm thời – từ cả Equitable và Ngân hàng Bowery Savings. Sự dàn xếp này có nghĩa cả hai đơn vị đều không nhận hết mọi rủi ro về phía mình, và rằng dự án sẽ phải chịu sự giám sát bởi hai nhóm nhà quản lý tài chính khác nhau.
Khi những tổ chức cho vay chậm chạp xử lý bản thẩm định dự án và sau đó là đến giấy tờ pháp lý, người bảo trợ chính trị của Trump ở Tòa Thị chính đang phải đối mặt với thách thức từ trong chính nội bộ đảng. Những người đứng đầu Đảng Dân chủ kỳ vọng thị trưởng Abe Beame đương nhiệm, chỉ phục vụ một nhiệm kỳ và nhường đường cho Percy Sutton trở thành thị trưởng da đen đầu tiên của New York. (Là một cựu chiến binh từng được tặng thưởng huy chương và là một lãnh đạo phong trào dân quyền, Sutton đã giành được 80% số phiếu bầu và trở thành quận trưởng của Manhattan vào năm 1965. Ông nắm giữ vị trí này suốt mười hai năm.) Tuy nhiên, Beame đã quyết định rằng trong công cuộc xử lý khủng hoảng tài chính của thành phố, và việc phải chịu đựng những sự bẽ mặt đi kèm, ông xứng đáng có cơ hội tham gia tái ứng cử. Lựa chọn của Beame khởi động một cuộc đấu tranh tự do cho tất cả chống lại Sutton, trưởng ngoại giao bang New York Mario Cuomo, và ba thành viên Quốc hội. Đa dạng về đạo đức và tôn giáo, nhóm những người thách thức này đã tấn công Beame như là kẻ bất tài khi lãnh đạo một thành phố trong sự hỗn loạn. Những lời buộc tội của họ càng thêm có sức nặng khi vụ cắt điện giữa mùa hè dẫn tới cướp bóc xảy ra khắp nơi. Ở một thành phố vốn đã khiếp hãi với một tên giết người hàng loạt tự gọi mình là Con trai của Sam, vụ cắt điện đã chốt số phận của Beame là vị thị trưởng một nhiệm kỳ.
Hai người nhận được số phiếu đứng đầu vào tháng 9 năm 1977 trong cuộc bầu cử sơ bộ là Mario Cuomo, người được đồng minh lâu năm của Beame là thống đốc Carey ủng hộ, và Dân biểu hạ viện Edward I. Koch, người đã chộp lấy vấn đề tội phạm làm chủ đề cho chiến dịch và cân bằng bản thành tích tự do của mình với những lời tuyên bố liên tục về việc ủng hộ án tử hình. Ở các điểm dừng chân vận động cho chiến dịch, ông thách thức người nghe cùng các chính trị gia với những câu hỏi như “Bao nhiêu người ở đây ủng hộ án tử hình? – sau đó tự nói rằng mình cũng ủng hộ điều này.
Như Koch từng thú nhận, lập trường ủng hộ án tử hình là một nước cờ chính trị mở màn ông dùng để làm mình khác biệt với các ứng viên Đảng Dân chủ khác và để chiếm lấy sự ủng hộ của những cử tri đầy sợ hãi. Điều này cũng giúp ông tạo ấn tượng mình táo bạo và hùng hổ tới mức khó chịu – nói cách khác, ông là kiểu người New York thẳng thắn – người quyết tâm thể hiện mình theo một cách quyết đoán. Cũng vì lý do chính trị tương tự mà Koch, người gần như chắc chắn là đồng tính, không bao giờ trả lời các câu hỏi về xu hướng giới tính của mình và sát cánh với cựu Hoa hậu Mỹ Bess Myerson trong các cuộc vận động tranh cử. Là người vô cùng nổi tiếng, Myerson nắm tay vị ứng cử viên và để yên cho ông dự đoán về tương lai của bà là “đệ nhất phu nhân” của thành phố New York. Sức mạnh nổi tiếng của ngôi sao Myerson giúp Koch vượt qua sự thật rằng ít ai biết tới ông ngoài hạt bầu cử. Cuối cùng, ông cũng nhận được sự trợ giúp đúng lúc bởi bài xã luận công nhận trên tờ the New York Post, vốn được thu mua vào năm trước đó bởi ông trùm truyền thông quốc tế Rupert Murdoch.
Việc Murdoch thu mua tờ báo lá cải New York Post mang đến phong cách báo chí giật gân, gào thét của Anh quốc đến với thành phố. (Tuy vậy, ông không du nhập phương thức cho một bức ảnh khiêu dâm trong mỗi số báo như từng làm với tờ lá cải Anh The Sun.) Dưới sự lãnh đạo của Murdoch, New York Post đem đến cho người New York những câu chuyện tội phạm rùng rợn và hình ảnh người nổi tiếng ám chỉ rằng thành phố của họ là một địa ngục trần gian nơi những người nổi tiếng và xuất sắc có thể mua được quyền lực và sự an toàn, còn tất cả mọi người khác sống dưới mối đe dọa của tai ương bất ngờ. Ví dụ, vụ mất điện năm 1977, theo tờ New York Post, là 24 GIỜ KINH HOÀNG. Khi cảnh sát thành phố vật lộn để bắt giữ kẻ sát nhân Con trai của Sam, tờ New York Post tuyên bố, KHÔNG AI ĐƯỢC AN TOÀN cả.
Quan điểm méo mó về thế giới mà tờ báo thể hiện đã thúc đẩy Osborn Elliott, Hiệu trưởng Trường Đại học Báo chí Columbia phải lên tiếng, “Tờ New York Post không đơn thuần chỉ là vấn đề báo chí. Đó là một vấn đề xã hội – một thế lực đại diện cho cái ác”. Elliott cũng đang nói tiếng nói chung của toàn ngành. Biên tập viên tờ Times A. M. Rosenthal nói rằng tờ New York Post đang thực hiện “thói viết báo hèn hạ, xấu xa và bạo lực”. Tuy vậy, như Elliott chỉ ra, phương thức của Murdoch làm tăng lượng báo phát hành, và sự có mặt của ông ta ở New York, quê hương của nhiều tạp chí quốc gia lớn, các hãng tin tức, và các dịch vụ mạng, đã cho ông ta sức ảnh hưởng quá mức đối với bối cảnh cả nước. Một số người khác nhận thấy và bắt chước công thức đưa chuyện và khích bác của Murdoch, đem đến cho người đọc một phiên bản kích thích, thỏa mãn trong chốc lát và khiến họ thèm khát nhiều hơn.
Lập trường về vấn đề an ninh trật tự của Koch ngày càng trở thành lợi thế trong những tuần trước cuộc bầu cử tháng Mười Một, khi mỗi vụ phạm tội khiến báo chí lại cho ông một cơ hội để nói về sự trừng trị thẳng tay những kẻ khiến nhiều nơi trong thành phố trở nên nguy hiểm như những vùng chiến. Nỗi sợ hãi rằng New York đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát đã lên đến đỉnh điểm trong trận đấu thứ hai của giải bóng chày World Series 1977, khi bình luận viên truyền hình Howard Cosell quan sát thấy khói bên ngoài sân vận động Yankee và đã thốt lên một câu rất nổi tiếng, “Hỡi các bạn, đằng kia Bronx đang cháy rụi”. Lời của ông và hình ảnh khói mù trên bầu trời khiến nhiều người băn khoăn tại sao lại có người muốn làm thị trưởng thành phố New York và đã góp phần vào chiến thắng của Koch với cách biệt gần 10%.
Còn sáu tuần để rời nhiệm sở, Abe Beame quay sang lo đảm bảo cho tương lai của mình và bạn bè. Ông nhận vị trí bán thời gian gần như mang nghĩa danh dự trong chính quyền Carter, bổ nhiệm một vài thẩm phán mới, và chỉ định phó thị trưởng Stanley Friedman vào vị trí trọn đời trong Cục cấp thoát nước thành phố. Công việc này yêu cầu phải tương tác nhiều hơn một chút – Friedman sẽ phải tham dự các cuộc họp ủy ban mỗi một hoặc hai tuần một lần – so với vị trí của Beame trong Ủy ban Cố vấn tổng thống về Quan hệ Liên chính phủ. Tuy nhiên, công việc kéo theo một khoản tiền lương 25.000 đô la mỗi năm, có xe hơi và tài xế riêng.
Friedman cũng không hẳn cần tiền. Là một nhà hoạt động chính trị vô cùng hăng hái, luôn miệng nhóp nhép xì gà, và vô cùng thực tế, Friedman đã chấp nhận lời mời mức lương sáu con số về làm việc cho hãng luật của Roy Cohn. Nhưng ông vẫn sẽ ở Tòa Thị chính chừng nào Beame còn tại nhiệm. Vì thế ông có lý do chính đáng để đầu tư vào việc trợ giúp khách hàng của Cohn là Donald Trump. Trong những tuần nhiệm kỳ cuối cùng của Beame, Friedman quyết tâm làm việc để hoàn tất vai trò của tiểu bang và thành phố trong thương vụ Commodore để Koch, người đã thực hiện chiến dịch với lời hứa chấm dứt thiên vị chính trị, không thể ngăn cản được nó. Cuối cùng, Friedman đã lái dự án qua chín cơ quan quản lý khác nhau, bao gồm cả Sở Cứu hỏa, Ủy ban Kế hoạch, Cục Khí ga và Điện lực để hoàn thành một chồng giấy tờ ràng buộc thành phố và tiểu bang với sở hữu của UDC đối với khách sạn mới, với thỏa thuận cho Trump thuê cùng khoản giảm thuế. Một điều kỳ lạ là trong khoảng thời gian chín tháng, chủ đầu tư được phép bỏ dự án mà không bị phạt nếu mọi thứ không thành công đối với đơn vị đó.
Hiếm khi – nếu có – bất kỳ ai với thành tích ít ỏi đến vậy và không hề có tiền mặt được thành phố tin cậy nhiều đến thế. Các bên có lẽ đã nghĩ vậy khi gấp rút hoàn thành mọi việc trước lễ nhậm chức của Koch. Trong tuần lễ trước Giáng sinh, Friedman mời các luật sư thành phố, Trump và UDC cùng nhau tới một buổi họp nhanh gọn. Được ủy quyền vắng mặt của thị trưởng, ông tự mình ký các giấy tờ thay mặt chính quyền thành phố. Điều duy nhất vẫn chưa được giải quyết đó là sự phê duyệt đặc biệt cần có cho nhà hàng/quán bar trên vỉa hè Đường 42. Friedman đã giải quyết vụ việc vào ngày 29 tháng 12 năm 1977, đảm bảo rằng Trump lấy được giấy phép dài hạn đặc biệt – 25 năm thay vì 10 năm thông thường – và một mức giá giảm cho việc sử dụng không gian công cộng. Cả hai đều có khả năng bởi UDC thực sự nắm giữ quyền sở hữu đất và, nếu diễn dịch lỏng lẻo các quy định thì nó đủ tiêu chuẩn để được ưu đãi đặc biệt. Một người kinh doanh bình thường điều hành một công ty bình thường sẽ bị giới hạn trong mười năm và phải trả phí đầy đủ. Nhưng Donald Trump không phải là người kinh doanh bình thường, ông có mối quan hệ gần như độc nhất với những người nắm giữ đòn bẩy quyền lực chính trị và vì thế mà được hưởng lợi, nhờ Cohn, Friedman, Beame, và những người khác nữa, một kiểu thiên vị mà George Washington Plunkitt được hưởng. “Roy có thể ‘sắp đặt’ bất kỳ ai ở thành phố này”, Friedman giải thích với nhà văn Marie Brenner trong bữa trưa ở 21 Club. Trump, người cũng đang ngồi cùng bàn, nói về Cohn, “Ông ta là một luật sư tệ hại, nhưng lại là một thiên tài”.
Loại “sắp đặt” mà Friedman nhắc đến thường liên quan đến những chính trị gia có thể bị tác động bởi những đặc ân hoặc đe dọa. Những ông chủ nhà băng cố chấp yêu cầu đòi tài sản cầm cố, mà Trump thì không có. Khi không thể tự mình giành được khoản vay nợ xây dựng, Trump kêu gọi sự trợ giúp của bố mình và tập đoàn Hyatt, và cả hai đều hỗ trợ ông bằng cách nhận trách nhiệm cho khoản tiền cung cấp bởi ngân hàng Manufacturers Hanover. (Khoản tiền sau này được trả lại bằng khoản nợ dài hạn từ Equitable và Bowery.) Nếu không có sự đảm bảo từ những đồng minh này, những người cam kết hoàn thành dự án nếu Donald thất bại, thì công trình ở khu đất Commodore đã không thể được bắt đầu.
Khi việc phá dỡ bắt đầu vào tháng 5 năm 1978, mối đe dọa tàn phá quanh khu vực Grand Central, vốn được dùng để biện minh cho ưu ái của chính quyền với Trump và Hyatt, đã bốc hơi nhờ những dự án được cấp vốn bình thường, không trợ cấp. Ở Đại lộ Lexington, ngang qua Đường 42 từ Khách sạn Commodore, dự án cải tạo phục hồi tòa nhà Chrysler trị giá 23 triệu đô la đang được triển khai, nhờ có Công ty Bảo hiểm Massachusetts Mutual Life, đơn vị đã trả 34 triệu đô la giúp tòa nhà khỏi bị tịch thu tài sản thế nợ. Cả công ty Mobil và Pan Am đều mua lại những tòa nhà trước đây mình là đơn vị thuê chính, và chỉ cách Grand Central vài dãy nhà, các công trình lớn ở bảy khu vực khác đã bắt đầu triển khai. Không một dự án nào trong số này cần tới sự trợ giúp đặc biệt của các cơ quan nhà nước hay khoản giảm thuế từ thành phố. Mỗi một dự án đều thể hiện quyết định sáng suốt, theo đuổi mục đích lợi nhuận, coi thường ý tưởng rằng khu dân cư đã đến ngày tàn rồi và không có trợ cấp chính phủ thì không thể làm gì để cứu vãn nó nữa.
Khi thương vụ của Trump đã hoàn thành, ưu ái và trợ cấp thôi không còn là những vấn đề quan tâm chính nữa. Khi nhà phê bình kiến trúc Paul Goldberger hướng sự chú ý của mình tới những thay đổi đang đến trên khu đất của khách sạn lớn xưa cũ, ông mô tả con đường biến chất của sự dàn xếp đó là “một trong những thương vụ bất động sản phức tạp nhất từng có”, nhưng mối quan tâm chính của ông nằm ở vấn đề thẩm mỹ. Ông thận trọng về một công trình kiến trúc kính cao 30 tầng mọc lên giữa những khối đá và bê tông thanh nhã dọc Đại lộ Park. Một khách sạn Hyatt được bao quanh bởi những tấm gương phản chiếu có thể trông hơi giống thành phố Houston bị siết chặt giữa khu dân cư. Đầu năm 1978, ông phát biểu trên tờ The Times, rằng lớp bên ngoài bằng đá vôi “sẽ đem đến hình ảnh mới như mong ước và sẽ hòa hợp mềm mại hơn với những người bạn hàng xóm thanh nhã”.
Khi đội phá dỡ tiến vào khách sạn Commodore cũ, họ phát hiện ra vài điều. Giữa lòng tòa nhà, những người vô gia cư đã đột nhập vào phòng nồi hơi và chiếm hết chỗ ở. Bên dưới tầng trệt, chuột lớn tới nỗi cắn giết cả những con mèo được thả ra để xử lý chúng. Khi những bức tường ở các tầng bên trên được tháo dỡ, kỹ sư phát hiện ra rằng hầu hết bộ khung sắt ban đầu, vốn dự tính sẽ làm trụ cho cấu trúc mới, đã mục nát, hư hại và cần phải được thay thế. Thép hỏng lại đẩy giá dự án tăng cao.
Dù Fred Trump cố gắng để mắt tới mọi việc, nhưng những quyết định hàng ngày vẫn nằm ở Donald. Lần đầu tiên trong đời, Donald chịu trách nhiệm cho thành công hay thất bại của một dự án, và dự án này phức tạp và rủi ro hơn nhiều so với bất kỳ công trình nào bố ông từng làm qua. Với việc những người cho vay luôn trông chừng để mắt tới Donald, và còn đặc biệt sắp xếp để quản lý giám sát mọi khoản thanh toán nhỏ nhất cho các nhà cung cấp và nhà thầu, ông nóng lòng kìm hãm chi phí lại. Khi cố gắng giữ những gì còn sót lại của cấu trúc cũ, với hy vọng tiết kiệm tiền, ông lại gặp phải rủi ro chi phí tăng cao do sự trì hoãn và thay đổi thiết kế. Một trong những kỹ sư cốt cán trên công trường, Barbara Res, nhớ về những quyết định của Donald, trình bày rất sinh động về việc không ai lên tiếng phản đối thách thức ông, dẫn đến chi phí vượt mức vô cùng lớn. Một dự án ước tính ở khoảng 40 triệu đô la đã lên tới 70 triệu đô la.
Để bù đắp cho các khoản vượt mức, Trump và Hyatt phải tái dựng lại hình ảnh khách sạn của mình, ban đầu được cho là sẽ phục vụ tầng lớp trung lưu của thị trường, nay thành một điểm đến cao cấp. Bằng cách này, họ có thể tính giá cao để bù đắp lại chi phí. Việc này được thực hiện qua những thay đổi thiết kế và trang trí để đem đến cho khách sạn một không gian trang trọng hơn. Thời điểm Hyatt mở cửa, hơn hai năm sau đó, mối lo ngại của Goldberger đã gần như không còn nữa. Ông cho rằng khách sạn là một thành công “mượt mà” trong đó sự lựa chọn “vật liệu lòe loẹt” cuối cùng đã được điều chỉnh. Ông đánh giá nhìn bên ngoài tòa nhà còn đẹp hơn cả khách sạn New York Hilton và Sheraton ở quảng trường Thời đại. Ông phát hiện tiền sảnh của khách sạn, với kiến trúc sân trong mang thương hiệu Hyatt và những đồ đạc bằng đồng, thì “ồn ào hơn là thực sự yên tĩnh”, nhưng phỏng đoán rằng Der Scutt và Trump muốn đánh thức sức sống của Manhattan và họ đã đạt được mục tiêu này. Ông để ý thấy những căn phòng khách sạn được trang trí nội thất khéo léo nhưng không mang đến được sự xa hoa hàng đầu như Helmsley Palace, khách sạn vừa mở gần đó cách chỉ bảy dãy nhà. Tuy nhiên, giá thuê khởi điểm ở Palace là 140 đô la, so với 95 đô la của Hyatt, và chạm mức đỉnh là 1.500 đô la một ngày.
***
Ở tuổi bảy mươi, Harry Helmsley đã làm việc cật lực từ vị trí đáy của ngành – ông từng là một nhân viên tạp vụ khi mới mười sáu tuổi – vươn lên tới vị trí đồng sở hữu công ty bất động sản lớn thứ hai cả nước. Những năm đầu thập niên 1970, khi kết hôn với người vợ hai, Leona, ông tuyên bố mình nắm giữ 3 tỷ đô la tài sản (tương đương 17 tỷ đô la năm 2015). Cũng như gia đình Trump, Helmsley rất tích cực trong hoạt động chính trị. Ông ủng hộ 48.000 đô la cho chiến dịch tranh cử đầu tiên của Thống đốc Carey. Ông bắt đầu đặt tên họ của mình cho những tài sản mua được ở 230 Đại lộ Park, một động thái rõ ràng là một phần nỗ lực để tòa nhà được biết đến nhiều hơn. (Trước đó, như một sự khoe khoang cái tôi, nhưng ít rõ rệt hơn, quán bar ở khách sạn Park Lane đã được đặt tên Harry’s.) Helmsley và Leona đồng ý thực hiện các cuộc phỏng vấn với cánh phóng viên mà trong đó Helmsley tuyên bố của cải là “cách duy nhất để đo đếm thành công trong kinh doanh” còn Leona thì thể hiện sự hết lòng tận tụy với người chồng. Khá bí mật về quá khứ của mình – bà bỏ học từ khi còn ở trường trung học, thay đổi tên vài lần – Leona đã đưa ra một số lời khẳng định, bao gồm cả sự nghiệp người mẫu, nhưng gần như không thể xác nhận đúng sai. Bà từ chối nói về những người chồng trước, con trai hay các cháu của mình. Nhưng bà nhiệt tình phô bày cuộc sống hiện tại, đầy đặc quyền và hào nhoáng, bao gồm những cuộc du ngoạn tới bãi biển Palm trên trực thăng riêng, những bữa tiệc với Frank Sinatra, và một ngôi nhà ở Manhattan với cả bể bơi trong nhà.
Gia đình Helmsley giới thiệu về Leona không chỉ là người quản lý của đế chế khách sạn, mà còn là nữ hoàng của vương quốc nơi các khách hàng là “gia đình hoàng gia” của bà. Leona đảm bảo các vị khách có thể trải nghiệm “ lối sống vương giả” ở Palace, và viết những bài quảng cáo về khách sạn. Để không ai có thể nghi ngờ điều đó, Leona với giọng khàn khàn quyết tâm “hào phóng” sự chú ý của mình cho người khác, bà mời một phóng viên tới để nghe bà điện thoại cho một người đàn ông ở California phàn nàn về việc phục vụ kém trong bữa sáng ở Helmsley Park Lane. Tỏ vẻ vô cùng quan tâm, bà trấn an người đàn ông rằng “phòng ăn tối xinh đẹp” nổi tiếng tới nỗi đội ngũ nhân viên đôi khi phải vất vả mới theo kịp. Lần kế tiếp, bà đảm bảo với ông, dịch vụ sẽ được cải thiện hơn. Kết thúc cuộc gọi, bà tuyên bố, “Ông ta sẽ quay trở lại”.
Với tất cả những sự xuất hiện trên báo chí này cùng những bài quảng cáo trả tiền, Harry và Leona Helmsley trở nên nổi tiếng, nhất cử nhất động của họ đều được nhà báo Liz Smith ghi lại, trên những trang thông tin về người nổi tiếng, và tạp chí People, khiến họ trở thành “người nổi tiếng”. Trong lịch sử, đàn ông và phụ nữ được tôn vinh vì những thành tựu anh hùng của họ hoặc vì đã lãnh đạo quần chúng theo con đường chính nghĩa cao quý. Sự tôn vinh rộng rãi trước truyền thông được dành riêng cho những người đại diện cho những phẩm hạnh và tính cách đạo đức mà xã hội coi trọng. Joan of Arc là người nổi tiếng theo đúng nghĩa này. Trong thời đại truyền thông đại chúng, “sự nổi tiếng tự tạo” mới, như nhà sử học Barbara Goldsmith đã gọi, bắt đầu trỗi dậy. Truyền thông ở bất cứ dạng nào cũng đủ để biến một người thành người nổi tiếng, đem đến cho họ những sự chú ý, tiền bạc và quyền lực. Như Goldsmith đã nói, vụ phạm tội Watergate của Richard Nixon và lính của ông ta đã nổi tiếng lên tới 100 triệu đô la cho khoản hợp đồng và bán sách. Thậm chí kể cả những tay sai của Nixon đã vào tù, như G. Gordon Liddy, cũng nhanh chóng đi từ tai tiếng tới nổi tiếng và lợi nhuận. Cuốn sách đầu tiên trong nhiều tác phẩm khác của Liddy đã bán được một triệu bản.
Là những người nổi tiếng tự tạo khôn khéo, gia đình Helmsley quảng bá bản thân như những bức biếm họa dễ hiểu. Chồng là một người đàn ông lớn tuổi, dễ mến có nhiều của cải, một người có thể được ngưỡng mộ vì đã xây dựng sản nghiệp của mình bởi chăm chỉ làm việc. Vợ là một phụ nữ trẻ trung say đắm chồng, xinh đẹp, và là người chăm sóc tài sản chung với ý chí sắt đá mà cuối cùng đã mang đến cho bà biệt danh "Bà hoàng keo kiệt". Nhưng dù Leona chỉ dính đến những điều tiêu cực, xét cho cùng, gia đình Helmsley đều hưởng lợi từ mọi sự chú ý, giúp họ nổi bật giữa thị trường chật chội và chuyển biến thành việc kinh doanh bất động sản tăng cao và vì thế chỉ càng vỗ béo thêm lợi nhuận của họ.
Con đường dường như có vẻ đơn giản mà Leona và Harry đi qua, từ tiền bạc cho tới danh tiếng và nhiều tiền bạc hơn, là một con đường được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Trong trường hợp của Leona, cần có sự xây dựng cẩn trọng một cái tôi dựa trên những phẩm chất bà hy vọng thể hiện và những điều bỏ qua – bà từ chối tiết lộ tuổi của mình – làm mờ nhòa quá khứ. Bà thể hiện cái tôi này trước thế giới với sự trợ giúp của những phóng viên được chọn lọc và không chỉ trích, những người có thể được tin tưởng để tiết lộ chỉ những khía cạnh khắc họa phiên bản Leona mà bà đã xây dựng. Trong nỗ lực kiểu này, những người nổi tiếng tinh tế cũng để cho các phóng viên “chộp” được những khoảnh khắc đã lên kế hoạch sẵn về những sai sót và nhược điểm của họ, mà cho thấy họ có vẻ “con người” hơn và vì thế mà hấp dẫn công chúng hơn. New York những năm 70, những nhà báo phụ trách chuyên mục tán chuyện cung cấp dịch vụ này đáng tin cậy nhất, nhưng truyền thông giá trị nhất lại nằm ở sự công nhận của The New York Times. Khi The Times công bố một hồ sơ cá nhân, nó đem đến cho đối tượng một mức độ chính thống không đâu có thể làm được. Ở tờ The Times, Judy Klemesrud, người bắt đầu làm việc ở tòa báo từ “chuyên mục dành cho phụ nữ”, tiết lộ rằng Leona Helmsley là một người phụ nữ táo bạo nhưng vẫn rất truyền thống. Trong cuộc phỏng vấn, Leona với lối thể hiện hoa mỹ, lôi ra từ một hộp bạc “giải thưởng tuyệt vời nhất của tôi”. Như Klemesrud nghiêm túc tường thuật lại, đó là giấy đăng ký kết hôn của bà.
Những lời nhận xét tự tán thưởng của Leona Helmsley về những người bạn nổi tiếng, tài năng và sự giàu có của bà – “Giờ tôi đang phải ở nhóm nộp thuế rất nhiều đây” – được thể hiện theo một cách hiển nhiên đang dần được đón nhận nhiều hơn trong xã hội chìm ngập trong marketing và quảng cáo. Ý niệm rằng một người có thể và nên xây dựng cái tôi để thu hút sự chú ý gần như không còn bị giới hạn trong giới người giàu và nổi tiếng nữa. Như nhà văn Tom Wolfe đã thể hiện rất rõ ràng trong số đặc biệt của tạp chí New York có tiêu đề “Thập kỷ cái tôi”, người Mỹ hầu hết bị mê hoặc bởi viễn cảnh “thay đổi tính cách một người – tái tạo lại, tu sửa lại, nâng tầm và đánh bóng chính cái tôi của một người…và quan sát, nghiên cứu và mê mẩn nó. (Cái tôi!)”. Mọi người khắp các tầng lớp đều đồng ý hết mình với kiểu quyền lợi bản thân vốn cho phép đàn ông “vứt bỏ những người vợ già và tìm những cô gái tươi trẻ hơn” và khuyến khích phụ nữ giải quyết bất hạnh của mình trong những mối quan hệ ngoại tình và tay ba. Yếu tố chính ở đây, Wolfe nhấn mạnh, là để người khác chú ý tới bạn khi hoàn thành sự chuyển hóa bản thân tự ý thức này.
Không nơi nào trên đất Mỹ sự thôi thúc đi tìm nổi tiếng lại rõ rệt hơn ở thành phố New York, nơi nhiều người thèm khát chút khoảnh khắc nổi tiếng tới mức muốn đạt được điều đó phải nỗ lực thực sự. Những nỗ lực đó có thể được thấy hàng đêm ở các câu lạc bộ như Studio 54, nơi các ngôi sao điện ảnh, nghệ sĩ, vận động viên và những kẻ băng đảng đắm chìm vào tình dục, ma túy và làm dáng để thu hút sự chú ý của thợ chụp ảnh. Những người giàu có và quyền lực, và những người có tiềm năng trở thành những người đó, tất cả đều được chào đón. Vì vậy, Roy Cohn và Donald Trump đều là những vị khách thường xuyên. Ma túy và trụy lạc là chuyện hiển nhiên, như Trump sau này nhớ lại với nhà văn Timothy O’Brien: “Tôi thấy những cô siêu mẫu đang hoan lạc, và cả những cô siêu mẫu nổi tiếng nữa, ở một chiếc ghế dài ngay giữa phòng. Có bảy người họ và mỗi người đều đang giao hoan với một người khác nhau. Sự việc xảy ra ngay chính giữa căn phòng”.
Mặc dù Tom Wolfe băn khoăn liệu “Thế kỷ cái tôi” có phải thể hiện một cuộc khủng hoảng tinh thần không, nhà sử học Christopher Lasch lại coi đó là phản ứng tâm lý đám đông của một xã hội thống trị bởi các bộ máy quan liêu to lớn, bão hòa với những hình ảnh – quảng cáo, chương trình truyền hình, phim ảnh – và phải sống giữa những sự kiện ngụy tạo được dàn xếp như những vở kịch. Trong cuốn sách năm 1979, The Culture of Narcissism (Tạm dịch: Văn hóa Tự luyến ), Lasch mô tả một nước Mỹ trong đó người ta chấp nhận hình ảnh của một cá nhân, dù được truyền tải qua truyền hình hay trong bộ ảnh gia đình, cũng đều là nguồn thể hiện cá tính và quyền lực vô cùng quan trọng. Nhưng đồng thời, công việc trong những tập đoàn lớn và cuộc sống trong những khu ngoại ô ngổn ngang khiến người ta cảm thấy tách biệt và lạc lõng. Cùng nhau, những sự phát triển này khiến số đông người cảm thấy không thỏa mãn và quyết tâm xây dựng hình ảnh để cuốn hút người khác, dùng tài sản và trải nghiệm – những kỳ nghỉ tuyệt vời chụp lại qua những bức ảnh – để người khác phải ngưỡng mộ. Việc xây dựng hình ảnh trở nên quan trọng trong cuộc sống hàng ngày tới nỗi những bức ảnh gia đình và những đoạn phim quay tại nhà thường được soạn trước và sau đó biên tập lại để bắt chước tác phẩm của giới chuyên nghiệp. Và nếu những người chuyên nghiệp có xuất hiện để thực hiện phỏng vấn, họ thường phát hiện đối tượng phỏng vấn biết mình cần làm gì khi máy quay hướng tới và người phóng viên sẽ nghiêng micrô theo hướng đó. Trừ những trường hợp báo cáo trực tiếp tại hiện trường các thảm họa thiên nhiên, người đàn ông dọc đường cũng sẽ khổ nhọc để thể hiện bản thân thật tốt trước người xem.
Theo giả thuyết Lasch ủng hộ, mỗi một nền văn hóa giúp con trẻ thích nghi theo những cách riêng biệt, để đáp ứng nhu cầu của thời đại và nơi chốn, và vì thế mà tạo nên những kiểu tính cách rõ rệt. Khi xã hội Mỹ thời hậu chiến chia rẽ một bên là những người thắng cuộc và một bên là những người thua cuộc được xác định như là người tiêu dùng, người được trang bị tốt nhất để “chiến thắng” là những người được thúc đẩy nhất bởi nhu cầu có tài sản và sự chú ý. Ông đưa ra lý thuyết về chứng cuồng vĩ, nghĩa là nhìn thấy tất cả mọi điều tốt đẹp ở bản thân mình còn tất cả ở người khác đều xấu xa, chính là kết quả tự nhiên của xu hướng này và là căn bệnh tâm lý vào cuối thế kỷ XX. Nơi người Mỹ từng đơn thuần chỉ rối loạn thần kinh, hay ám ảnh, giờ theo như quan điểm của Lasch, họ đã trở nên đam mê lạc thú và đánh lừa bản thân một cách nguy hiểm.
Trích dẫn nghiên cứu bởi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đa dạng như nhân chủng học và quản trị kinh doanh, Lasch lập luận rằng chứng cuồng vĩ là một bệnh dịch. Ông nói các bác sĩ tâm lý đang thấy số bệnh nhân mắc chứng loạn thần kinh ngày càng giảm và chứng ái kỷ tăng mạnh. Dù đôi khi có phần hiểm ác, nét tính cách này không nhất thiết là dấu hiệu của bệnh tâm thần. Nó cũng có thể là một phản ứng chức năng với nơi làm việc và cộng đồng, nơi thành công đòi hỏi khả năng tạo ấn tượng mạnh mẽ và biết lôi kéo người khác. Nhưng với những người muốn trở thành nhân vật thực sự quan trọng, chỉ thành công thôi là chưa đủ. “Thành công trong xã hội của ta”, ông viết, “phải được truyền thông công nhận”.
Truyền thông đến với Donald Trump vô cùng tự nhiên, người đã từng chứng kiến bố mình đón nhận kỷ niệm chương và đưa người mẫu mặc đồ bơi trình diễn trước giới báo chí háo hức, tới nỗi ông có thể đạt được nhiều hơn cả bố mà gần như không phải cố gắng. Ông thu hút được sự chú ý của phóng viên tờ New York Times Judy Klemesrud năm 1976, từ rất lâu trước khi thu mua bất kỳ mảnh đất nào ở Manhattan, hay, theo cách nói dân trong nghề của ông, “xếp hai viên gạch vào với nhau”.
Mùa hè năm 1976, Klemesrud liên lạc với Trump để viết một bài sơ lược về người nổi tiếng. Như bà từng giải thích, những bài báo này bắt đầu bằng việc bà nghĩ ra những câu hỏi thú vị và gọi điện cho những người nổi tiếng cho tới khi có đủ câu trả lời để hoàn thành một bài báo. Vào tháng Bảy, bà nhắc đến Trump trong một bài viết nhằm giới thiệu khách du lịch “những chuyến đi yêu thích” của “những người New York nổi tiếng”. Vui mừng vì được coi là người New York nổi tiếng, Trump đề xuất với khách du lịch nên đi tới Brooklyn hay Queens để nhìn và cảm nhận chân trời nơi đây, địa điểm ưa thích của ông ở New York. Trong đoạn kế tiếp, Harry Reems, ngôi sao của nhiều bộ phim khiêu dâm, gợi ý cổng mái vòng ở khu phố người Hoa, nơi trong vòng mười lăm phút, ai cũng có thể xem một màn biểu diễn điệu nhảy con gà trực tiếp.
Vài tháng sau, Klemesrud theo chân Donald Trump quanh Manhattan, lấy ông làm hình tượng một ngày điển hình trong cuộc sống một người trẻ với “hàm răng trắng lóa”, người “nhìn qua trông rất giống Robert Redford”. (Redford gần đây đã khoe hàm răng trắng bóng trên màn hình, với vai Jay Gatsby bí ẩn.) Mặc dù được chở đi trong chiếc Limo gắn biển tự chọn DJT và thường tới những địa điểm nóng trong bộ com-lê sáng loáng và một đôi giày da hợp với bộ trang phục – ngày đi cùng The Times, ông chọn màu nâu sẫm – Trump nhấn mạnh mình là người tránh né truyền thông. Ông cũng nói với Klemesrud tài sản của mình đáng giá “hơn 200 triệu đô la” và “có lẽ sinh lời 14 triệu đô la” với những thương vụ đất đai ở California “trong vòng hai năm qua”.
Vượt qua sự ngại ngần, Trump giải thích với cô phóng viên rằng “sự nhạy bén” là một trong những chìa khóa dẫn tới thành công cho một người đàn ông trẻ ở New York và tiết lộ rằng ông tốt nghiệp đứng đầu khóa ở trường Wharton. Ông nói mặc dù mình hay bị nhầm lẫn là người Do Thái, ông thực ra là người Thụy Điển. Kể cả thế, Bệnh viện Quốc gia Do Thái Denver vẫn tôn vinh ông là “người đàn ông của năm” trong buổi tiệc sắp tới ở khách sạn Waldorf-Astoria.
Klemesrud, xuất thân từ một thị trấn nhỏ tiểu bang Iowa, có phong cách viết tâm tình khiến thành phố lớn và con người nơi đó tỏa sáng có chút gì đó như xứ Oz. (Ở đây cái nhìn của bà về New York và con người nơi này đã có thể khiến người đọc cảm thấy thành phố là một nơi thật đặc biệt.) Bà công bố những phát ngôn của Trump với sự cả tin lớn, khiến The Times nghĩ rằng ông là người xứng đáng có mặt trên báo. Bà cũng để bố ông bày tỏ, “Donald là đứa trẻ thông minh nhất mà tôi biết”.
Những ngờ vực duy nhất với bài báo về ngài Trump xuất chúng được đưa ra bởi một chủ ngân hàng giấu tên và kiến trúc sư Der Scutt, người đồng ý ông chủ mình “thổi phồng vì lợi ích bán hàng”. Ở tuổi bốn hai, Scutt nhiều hơn Trump mười hai tuổi. Ông được sinh ra gần Reading, Pennsylvania, và cũng như Trump, ông tham gia vào việc kinh doanh của bố mình và nỗ lực vượt lên cái bóng đó. Ông đổi tên mình từ Donald Clark thành Der, có nghĩa là “ngài” trong tiếng Đức và rõ ràng thể hiện khao khát vượt xa người bố. Ông cũng có thói quen hút tẩu. Ông nói về Trump là một chàng trai xa hoa lãng phí hơn là một kẻ nói dối hiểm độc.
Nhìn chung, nỗ lực của Klemesrud đem đến bức tranh về sự giàu có, nguy hiểm, dục vọng và sự nhiệt tình trai trẻ, như thể Trump là James Bond của giới bất động sản. Klemesrud viết ông hẹn hò với những người mẫu thời trang “lả lơi” và là thành viên của “những câu lạc bộ thanh lịch nhất”. Khi bà hỏi ông có dự định kết hôn không, ông đáp lại như thể vợ là một loại phụ kiện trang trí hoặc để thu mua. “Nếu tôi gặp được đúng người phụ nữ, có thể tôi sẽ kết hôn, nhưng hiện giờ tôi đã có mọi thứ mình cần”. Bà cũng cho người đọc biết rằng tài xế của Trump là một nhân viên cảnh sát thành phố New York, người đã bị sa thải do cuộc khủng hoảng tài chính của thành phố và luôn mang theo mình một khẩu súng lục đã nạp đạn.
Tại sao Donald Trump lại cần một tài xế có vũ trang và được đào tạo nghiệp vụ cảnh sát? Không có sự giải thích nào được đưa ra, nhưng người đọc có thể tự do suy luận rằng có lẽ cũng giống như nhân vật tiểu thuyết Jay Gatsby, nếu không thì là Robert Redford thực, Trump cũng đang sống bên bờ bạo lực. Thực tế, việc xây dựng ở New York thập niên 70 vẫn đang chịu sự ảnh hưởng của những nhân vật phạm tội có tổ chức, những kẻ kiểm soát vài công đoàn cũng như giá cả và nguồn cung bê tông khắp thành phố. Việc Trump cần một lái xe có vũ trang là hoàn toàn hiểu được, khiến nó trở thành một trong những khẳng định đáng tin cậy trong bài báo. Tài sản 200 triệu đô la ư? Tài sản của bố Donald có thể đáng giá nhiều đến vậy, nhưng ông thì không. Xếp hạng ông trong cả khóa ở trường Wharton ư? Chẳng ai biết.
Đương nhiên, chẳng ai lần theo bài báo của Klemesrud để xác định liệu nó có chính xác hay không. Đây là một bản lý lịch mờ ảo, không phải là một bài bóc trần sự thật. Một nhà báo cũng chẳng đạt được gì qua việc theo đuổi sự thật về một người đàn ông trẻ, người có thể hoặc không, chứng tỏ là một nhân vật quan trọng. Hơn nữa, The Times được biết đến là “Quý bà tóc bạc” đáng kính của ngành kinh doanh tin tức, một nguồn tin định hình nên thực tế cho mọi người khác. Nếu tờ báo quyết định Donald Trump xứng đáng, thì ông là xứng đáng.
Nhiều ngày sau, bài báo đem đến kết quả hằng khao khát bởi bất kỳ ai tìm cách trở thành người nổi tiếng – đó là nhiều truyền thông hơn. Trump được mời xuất hiện trong chương trình trò chuyện buổi sáng của Stanley Siegel chiếu trên Kênh 7. Là một hiện tượng thu hút sự chú ý, Siegel nổi tiếng với việc khiêu khích các vị khách và thường xuyên sử dụng liệu pháp tâm lý trên chương trình truyền hình trực tiếp. Ông còn hơn cả Klemesrud, thổi phồng Trump là “ông trùm bất động sản”. (Bà Klemesrud gọi Trump là “nhà phát triển bất động sản”.) Một quan điểm tham chiếu dễ dàng, cụm từ ông trùm giúp mọi người hiểu Trump là một người nổi tiếng. Việc nó không đúng với ông thì cũng chẳng quan trọng. Ở thời đại khi gần như mọi người đều tìm cách tạo dựng hình ảnh, hầu hết họ chẳng thèm nhìn xem đằng sau từ ngữ mô tả thực sự là gì. Donald Trump, người tốt nghiệp trường quân sự, người đã vất vả đánh bóng bộ đồng phục, sở hữu một trực giác cực nhanh nhạy khi liên quan tới vấn đề hình ảnh của mình. Ông không thể để bất kỳ ai bỏ qua nó. Bố ông, người mà Klemesrud đã dẫn lời, cũng đầu tư nhiều tương đương vào việc quảng bá cho con trai mình. Nhưng nếu bà tìm tới tài xế của Trump, Robert Utsey, có thể bà sẽ có một cái nhìn sâu hơn vốn có thể phá vỡ bức tranh khuôn sáo, đồng thời khiến Trump trở thành đối tượng người hơn và cũng đáng mến hơn. Nhiều thập kỷ sau khi rời vị trí làm việc của Trump, người vệ sĩ/tài xế đầu tiên của ông, Robert Utsey nhớ về ông là một người rất quan tâm, hào phóng và chân thành:
"Công việc ông ấy thuê tôi được thông báo trên Ngân hàng việc làm của sở cảnh sát, được triển khai vì mục đích giúp các sĩ quan cảnh sát bị thành phố cho nghỉ việc. Lúc đó tôi là lính mới, chỉ đang trong thời gian thử việc ở Trạm cảnh sát 43, Bronx, nên bị cho nghỉ.
Tôi tới văn phòng của gia đình Trump ở Brooklyn để phỏng vấn. Có khoảng bảy người khác đang ở đó. Tôi đợi đến lượt mình, và khi ông ấy phỏng vấn tôi, tôi nói tôi là tài xế giỏi nhất trong khóa mình ở học viện, và đó là sự thật. Họ kiểm tra chúng tôi. Tôi có thời gian lái nhanh nhất với ít lỗi nhất. Tôi cũng có nền tảng học võ karate, điều mà ông ấy khá thích. Và tôi được nhận vào làm việc.
Tiền công ngang với tiền lương cảnh sát, và đó là bao gồm cả làm thêm giờ vào ban đêm. Khá nhiều đêm vì ông ấy ra ngoài rất nhiều, nhưng tôi còn độc thân nên mọi chuyện vẫn ổn. Khi tôi kết hôn, ông tới dự tiệc cưới và tặng chúng tôi một món quà rất đẹp, mặc dù ông ấy không cần phải làm vậy. Khi vợ tôi mang bầu, cô ấy chọn một vị bác sĩ không có trong kế hoạch bảo hiểm y tế, nhưng ông ấy đã thanh toán tiền, bằng khoảng một tháng tiền lương. Khi con tôi chào đời, ông ấy mua tặng chúng tôi ghế cho trẻ ngồi trong xe, để chúng tôi chở bé về nhà.
Ông ấy là một người tử tế, và chẳng có gì ngoài rất tốt với tôi. Ông ấy kỳ vọng sự trung thành nhưng đổi lại ông ấy cũng trung thành ngược lại. Sau này, tôi có cơ hội quay về sở cảnh sát, đó là một quyết định rất khó khăn bởi tôi thích làm việc cho ông ấy. Sau này, khi mọi người bắt đầu nói những điều tiêu cực về ông, tôi không thể hiểu nổi. Người đàn ông tôi biết khi đó là một người tốt."