TÔI TỪNG TỚI CÂY CẦU ĐÓ VÀ NÓI, “MỘT NGÀY NÀO ĐÓ MÌNH MUỐN Ở MANHATTAN”.
– DONALD TRUMP
Căn hộ đầu tiên của Donald Trump ở Manhattan cho ông tầm nhìn của một con chim săn mồi từ tầng 17 tính từ vỉa hè xuống dưới thành phố. Hoàn thành vào năm 1959, tòa nhà 196 East, Đường 75 được lát gạch trắng, thứ gạch được sử dụng rộng rãi hồi giữa thế kỷ XX, khi các chủ xây dựng bắt chước phong cách kiến trúc tòa nhà Manhattan House của Gordon Bunshaft ở Đường 66 và Đại lộ 3. (Sau này Manhattan House cuối cùng cũng được chọn làm điểm mốc chính thức.) Chàng trai trẻ Trump chẳng mấy quan tâm tới kiến trúc thẩm mỹ thời hậu chiến ở East Side. Điều chính yếu mà ông quan tâm là giành được một khu đất ở nơi đã chiếm trọn hình dung của mình kể từ khi biết điều gì đang chờ đợi ở phía bờ tây cầu Queensboro. Đáng mừng cho ông khi đã giành được một trong những khu đất đẹp sang trọng trong khu phố, và nhờ luật kiểm soát tiền thuê nhà, khu đất là một món mua hời.
Đi đi về về trong chiếc Cadillac mui trần, Donald cùng bố ông dành nhiều ngày ở Brooklyn, nơi mà ai cũng có thể thấy được sự tàn phá đang lan tràn từ các khu nghèo đói và đe dọa các cộng đồng dân cư từng một thời ổn định. Nếu đợt suy thoái lần này là một phần đặc thù của vòng chu kỳ bất động sản, giá giảm sẽ rất hấp dẫn đối với một nhà đầu tư có sẵn tiền mặt trong tay. Tuy nhiên, vấn đề ở Brooklyn mang tính căn bản hơn nhiều. Hầu hết sự sụt giảm dân số của thành phố New York đều xảy ra ở những khu vực này. Khi những người mới đến cư ngụ ở các căn nhà, căn hộ bị bỏ trống bởi những người chuyển tới sống vùng ngoại ô, những người này ít giàu có hơn và ít giáo dục hơn.
Diễn biến tương tự đang xảy ra khắp đất nước khi các thành phố dần bị bỏ hoang và sự phát triển nhà đất ở khu ngoại ô thì bùng nổ. Sự tương phản giữa ngoại ô và đô thị đặc biệt rõ rệt đối với tầng lớp trung lưu. Ở các thành phố, giá trị những ngôi nhà tầm trung ngưng trệ và thậm chí còn giảm xuống do nhu cầu giảm. Ở nhiều vùng ngoại ô, những người mua nhà với khoản tiền trả trước thấp thường chứng kiến giá trị ngôi nhà của mình tăng lên nhanh chóng và rồi đổi nó lấy một căn nhà lớn hơn và khang trang hơn. Khi người ta nắm bắt được điều tưởng như là phép màu của việc “tăng giá” nhờ giá trị tăng, nhà ở trở thành không chỉ là nhà, mà là tài sản có thể dùng làm đòn bẩy đầu cơ vay nợ để tạo ra tiền của. Ở California, nhà đầu cơ bất động sản Albert J. Lowry bắt đầu thuê các phòng dạ vũ ở khách sạn, nơi người ta trả tiền để tham dự hội thảo của ông mang tên “Làm thế nào để thành công tại Mỹ”.
Lowry rao giảng rằng với một chút tiền và sự táo bạo, bất kỳ ai cũng có thể đạt được thành công bằng cách phát hiện những tài sản đất đai bị định giá thấp so với giá trị hoặc bị tịch thu thế nợ, nâng cấp chúng bằng cải tạo và sửa chữa với chi phí thấp, rồi bán ở mức giá lời. Hiển nhiên, nếu tất cả người tham gia hội thảo của Lowry đều ngay lập tức đưa bài học vào thực tiễn, họ sẽ giành được cùng một số ngôi nhà giá hời. Cung sẽ vượt xa cầu và các khoản hời sẽ biến mất. Nhưng chỉ vài phần trăm số học sinh của ông thực sự làm theo đến cùng. Một số người thành công tới mức họ trở thành đối tượng trong những câu chuyện Lowry kể trong lớp học của mình. Một số ít khác trở thành đối tác trong việc kinh doanh đào tạo của ông. Việc kinh doanh thành công tới nỗi Lowry diện bộ com-lê ba mảnh và một bộ tóc giả, ghi hình một đoạn quảng cáo truyền hình dài ba mươi phút và trả tiền cho các nhà đài để phát sóng vào lúc nửa đêm.
Khi tới thành phố New York, Lowry tổ chức các buổi hội thảo vào các buổi tối trong tuần, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người ở vùng ngoại ô tới tham dự. Trên chuyến tàu trở về nhà, họ băng qua những khu vực Bronx, Brooklyn và Queens, nơi gần như chẳng ai đầu tư vào bất động sản ở đây. Mặc dù vào thời điểm ấy, chẳng mấy ai biết rằng thành phố New York đã bước vào giai đoạn nền kinh tế chuyển biến sâu sắc. Khu vực lao động tư nhân, đạt đỉnh cao vào năm 1969, bắt đầu trượt dốc và không thể hoàn toàn phục hồi cho tới tận hơn 40 năm sau. Hầu hết trong cùng khoảng thời gian đó, tầng lớp có thu nhập tốp đầu tăng lên nhận được sự chú ý quá mức từ báo chí, nhưng thu nhập trung bình của người dân thành phố vẫn giữ dưới mức trung bình của cả nước. Sau cùng, những người giàu có ở Manhattan cũng vượt ra khỏi thành lũy của mình ở Midtown và tới East Side để tuyên đòi hết dãy nhà này đến dãy nhà khác, các vùng đất mới cho những căn hộ xa xỉ và các cửa hàng cao cấp. Sự thay thế tầng lớp người nghèo và trung lưu được coi là một mối đe dọa đối với nền văn hóa phong phú của khu phố. Tuy nhiên, vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70, mối đe dọa tàn phá là mối lưu tâm khẩn cấp hơn nhiều.
Nóng lòng bảo vệ trung tâm kinh tế của thành phố, các quan chức chính quyền thị trưởng Lindsay thúc đẩy một loạt ý tưởng để trợ giúp xây dựng ở Manhattan. Nhiều đường cao tốc mới được đề xuất thay thế những đường Quốc lộ West Side trên cao đổ nát và để nối đường hầm Holland và các cây cầu tới Brooklyn. Theo những người đề xuất, các dự án đường cao tốc này sẽ tạo việc làm, và được cho là, cũng trợ giúp việc kinh doanh. Tuy nhiên, họ cũng phải di dời hàng chục nghìn người dân, đó là lý do vấp phải sự chống đối mãnh liệt từ người dân địa phương. Phe phản đối được sự tham gia của những người bảo thủ, những người đồng tình với nhà phê bình kiến trúc Ada Louise Huxtable. Bà nhấn mạnh rằng tuyến đường quốc lộ xuyên Lower Manhattan có vẻ được thiết kế để tạo sự “thiệt hại lớn nhất về kiến trúc và lịch sử”. Khi kế hoạch đường quốc lộ được đưa ra ở các cuộc họp khu dân cư, người dân giận dữ gào thét át cả tiếng của quan chức thành phố khi họ cố gắng trình bày.
Sau cùng, bất kể số tiền lớn được đầu tư vào việc lên kế hoạch và nghiên cứu, không một đường cao tốc nào ở Manhattan được xây dựng. Thay vào đó, ngành công nghiệp xây dựng vẫn sống sót nhờ phát triển các văn phòng và tòa nhà dân cư. Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ban đầu, đã trở thành tòa nhà cao nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 1973, đã dẫn đầu cho xu hướng này. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, điều này đã gây nên sự ganh tỵ trong giới bất động sản cao cấp. Chủ sở hữu tòa nhà Empire State, khi chứng kiến sự thống trị bốn mươi năm là “tòa nhà cao nhất thế giới” của mình chấm dứt khi tòa tháp đôi hoàn thành, thậm chí còn tuyên bố kế hoạch bổ sung thêm mười một tầng nữa để đoạt lại danh hiệu này. Nhưng ý tưởng đó chẳng bao giờ tiến triển vượt quá những lời nói suông. Trong khi đó, chính quyền Cảng New York và New Jersey, cơ quan sở hữu Trung tâm Thương mại, cũng đã vất vả để lấp đầy nơi đây với những người thuê nhà. Tòa tháp đôi càng góp phần làm dư thừa không gian văn phòng, tạo sức ép về mức tiền thuê.
Xây dựng nhà cửa những năm đầu thập niên 70 cũng rơi vào tình trạng đình đốn. Chỉ có hai dự án xây dựng lớn được hoàn thành trong thời kỳ này, bao gồm một khu tổ hợp 1.470 căn hộ với tên gọi Waterside Plaza và dự án xây dựng nhà ở cho 20 ngàn người ở đảo Roosevelt, sông Đông. Cả hai dự án đều được giám sát bởi Richard Ravitch, mà chính Công ty Xây dựng HRH của ông đã hoàn thành dự án xây dựng Trump Village. Cả hai dự án đều được cấp vốn bởi công trái giá rẻ.
Bất chấp những tia hy vọng mỏng manh đem đến bởi các dự án của HRH ở East Side, tâm lý “pháo đài Manhattan” vẫn áp đảo trong nhiều cuộc thảo luận về tương lai của thành phố khi các báo cáo đáng sợ về tội phạm và tình cảnh tuyệt vọng từ các quận ngoại thành đưa về. Ở Nam Bronx, nơi 40% dân số sống phụ thuộc vào phúc lợi xã hội, người dân sống tuân thủ luật pháp vẫn sợ ra khỏi căn hộ của mình ngay cả vào ban ngày. Trong những tòa nhà bị chính chủ nhà bỏ hoang, người ở trọ sống vật lộn qua những ngày đông không có lò sưởi. Cuối cùng, 80 nghìn người thấy mình trong tình cảnh không có nguồn nước tin cậy và, đôi khi, buộc phải kéo những xô nước từ vòi nước cứu hỏa. Những đàn chó lang thang khắp các con đường. Rác thải chất đống ở những khu đất trống. Một bác sĩ ở địa phương từng gọi Bronx là “một nghĩa địa”. Người dân Manhattan cũng thấy bóng dáng nghĩa địa ở những khu vực Harlem, Lower East Side và trong những khu tội phạm, mại dâm quanh quảng trường Thời đại. Năm 1975, những người làm bất động sản phải chiến đấu chống lại cảm giác hoang mang khi giá cả một số khu nhà ở dân cư giảm tới 50% và nhu cầu thuê mua gần như biến mất.
Trong khi những người kinh doanh bất động sản khác thấy sợ hãi và lo lắng, Donald Trump lại thấy những cơ hội. Trong chuyến khám phá từng dãy nhà ở Manhattan, ông đã nhận thấy vài địa điểm mình có thể sử dụng tốt hơn. Bài toán này đòi hỏi cái đầu sáng tạo có thể nhận ra một khu dân cư cần nhiều ngôi nhà cao cấp hơn hay một dãy nhà thấp đã sẵn sàng cho một dự án xây dựng lớn và nhiều mục đích sử dụng hơn. Dòng xe cộ lưu thông, dễ tiếp cận giao thông công cộng, và giá trị của các mảnh đất xung quanh đều được đưa vào tính toán. Những hình dung này đều mới chỉ bắt đầu. Một khi đã xác định được địa điểm, Trump sẽ tiến hành thu mua, và việc đó nghĩa là thương thảo với nhiều chủ sở hữu, những người có thể tăng giá ngay lập tức khi hiểu trò gì đang diễn ra.
Do những điều kiện vô cùng khó khăn của những khu đất có nhiều chủ sở hữu, các chủ đầu tư xây dựng ở Manhattan hứng thú nhất với những mảnh đất lớn, hiếm có, nắm giữ bởi một cơ quan chủ quản duy nhất. Nhiều trường hợp, chủ sở hữu là các cơ quan chính phủ và tập đoàn lớn, những đơn vị hiếm khi bán tài sản đất đai của mình. Ở Manhattan vào đầu những năm 1970, một ngoại lệ duy nhất là những gì còn sót lại của đường sắt Penn Central. Từng bao gồm nhiều tuyến đường lớn trước đó, Penn Central giờ đang đâm đầu vào con đường phá sản. Nhưng tuyến đường sắt vẫn kiểm soát hàng trăm mảnh đất động sản có thể bán để quyên tiền. Trump, cũng như những người khác trong giới bất động sản New York, đặc biệt hứng thú với những sân ga ít sử dụng của đường ray tàu hỏa ở West Side, Manhattan. Một sân ga ở Midtown. Sân ga còn lại ở Upper West Side. Đó là những dải đất lớn nhất cuối cùng chưa được xây dựng ở khu phố. Hệ thống đường ray bị phá sản có thể giúp mua được sân ga ở mức giá cực kỳ hấp dẫn đối với một người mua có tầm nhìn xa trông rộng.
Nhiều năm trôi qua, Penn Central giảm dần giá trị tài sản và đang chết dần chết mòn. Trump chờ đợi thời cơ, tận hưởng những gì New York có thể đem đến cho một chàng trai trẻ có thu nhập tốt, một người cha giàu và chẳng có trách nhiệm thực sự gì. Mùa đông năm 1969 - 1970, ông chuyển sang ngành kinh doanh giải trí với vai trò đồng sản xuất một vở kịch Broadway. Các nhà phê bình không thấy gì nhiều để thích thú trong Paris Is Out !, vở kịch kể về câu chuyện của một đôi vợ chồng trung niên, sống ở ngoại ô và hay cãi vã. Walter Kerr viết, “Tôi chẳng thích mà cũng chẳng ghét vở kịch. Tôi chỉ đơn giản ngồi đấy và xem thôi”. Kết thúc chóng vánh sau khi mở màn, vở kịch chí ít thành công trong việc đem đến cho Donald Trump danh hiệu “nhà sản xuất kịch Broadway” mà ông mang theo khi du ngoạn một vòng các hộp đêm bao gồm 21, Bốn mùa và Le Club.
Le Club nổi tiếng với nhiều phụ nữ xinh đẹp và hấp dẫn, những người chiếm lấy sự chú ý của Trump theo cách mà rượu và chất kích thích không thể. (Ông sau cùng cũng thú nhận rằng tình dục là một ham mê thực sự của mình.) Như ông viết, “Một vài trong số họ rỗng tuếch, một số thì điên rồ, một số hoang dại, và phần nhiều trong số họ đều giả tạo”. Trump vẫn sống đúng theo danh hiệu NYMA dành cho mình, “người đàn ông của phụ nữ”, dành nhiều thời gian và sức lực theo đuổi các cô người mẫu, tiếp viên hàng không, và những người phụ nữ ông thấy hấp dẫn. Ông cũng rất nhanh chóng làm bạn với những người đàn ông quyền lực và lớn tuổi hơn, những người giúp ông thăng tiến trong đời. Người đầu tiên trong số đó là ông chủ đội Yankees New York, George Steinbrenner. Là một kẻ bắt nạt khoa trương và đối tượng hoàn hảo cho mấy tờ báo lá cải, Steinbrenner đã từng sử dụng tính bộc phát và cơn giận dữ để biến mình thành cái tên quen thuộc với mọi nhà, một việc làm hiếm có đối với các ông chủ đội bóng chày thời đó. Ông không hề nghi ngờ rằng danh tiếng cá nhân tốt cho việc kinh doanh, và sự công nhận đó hợp với cái tôi của ông.
Toàn bộ mục đích của Le Club là muốn được ghi nhận là quyền lực hoặc xinh đẹp, và để được chụp ảnh với người nổi tiếng, để từ đó bạn cũng trở thành người như vậy. Nơi này được lập nên và quản lý bởi nhà thiết kế thời trang Oleg Cassini và anh trai ông, Igor, người trước đây từng viết cho chuyên mục tán chuyện người nổi tiếng với bút danh Cholly Knickerbocker. Igor khẳng định chính mình là người sáng tạo nên thuật ngữ jet set và trong khoảng thời gian ngắn đã xuất bản tạp chí được gọi đơn giản là Status (Địa vị). Le Club tất cả chỉ là về địa vị. Hộp đêm này tuyên bố có tên mười ba vị hoàng tử và bốn vị nam tước trong danh sách hội viên, và ban giám đốc bao gồm Hoàng tử xứ Jaipur và Công tước xứ Bedford. Mặc dù Le Club có tới 1.200 thành viên, một nửa trong số đó không phải người thành phố, và nơi đây nhỏ tới nỗi không chứa được hơn hai trăm người trong một buổi tối. Câu lạc bộ chỉ dành riêng cho thành viên có nghĩa là một khi đã vào được bên trong, bạn có cơ hội lớn gặp được những người nổi tiếng hàng đầu – Diana Ross, Al Pacino, người nhà Kennedy hay một trong những vị khách quen thực sự. Nhóm những người khách quen này bao gồm Trump, Steinbrenner, và vị luật sư nổi tiếng và cũng tai tiếng nhất ở thành phố New York, Roy Cohn.
Với những phiên điều trần McCarthy xa vời trong quá khứ, Roy Cohn của những năm 70 là một vị luật sư vô cùng khéo léo trong thương thảo. Gần như theo nghĩa đen mà nói, được nuôi dưỡng trong chính những hội chính trị, nơi cha ông thường giao dịch trên sự thiên vị và ảnh hưởng, Cohn những năm còn ở trường trung học đã bắt đầu mặc cả giấy phạt vượt quá tốc độ. Khi đã là luật sư trưởng thành, ông dành nhiều thời gian và sức lực để chứng tỏ mình có mối liên hệ vô cùng tốt với những người quyền lực có khả năng làm được mọi việc. Không ngừng thu thập và phát tán những tin đồn nhảm cũng như những thông tin có ý nghĩa, Cohn dành nhiều thời gian nói chuyện điện thoại với các thẩm phán địa phương, quan chức thành phố, Đức Hồng y ở New York, và các chính trị gia khắp đất nước. Ông ghi âm lại những cuộc nói chuyện và về sau sử dụng nội dung của những cuộc gọi đó để gây áp lực lên các đối tượng. Khi không thể xử lý một vấn đề thông qua các mối quan hệ, hay qua tiền bạc của thân chủ, ông tới tòa, nơi mà trong hầu hết các vụ án, ông đều thể hiện khá xuất sắc, cho dù là bào chữa cho những nhân vật tội phạm có tổ chức hay cho chính mình khỏi lời buộc tội ứng xử thiếu chuyên nghiệp. “Thực sự là một thiên tài”, Donald Trump miêu tả Cohn, và thêm vào, “Nhưng vì một ai đó ông yêu quý, ông sẵn sàng giết người”.
Phần lớn đời mình, Cohn phải đối mặt với mối đe dọa bị khởi tố gần như không ngớt dựa trên những buộc tội liên quan tới việc khai thuế thu nhập – quan chức Sở Thuế vụ cuối cùng chốt khoản nợ của ông là 7 triệu đô la – và hành vi ứng xử thiếu chuyên nghiệp. (Ông từng nhét cây bút vào tay của một người đang hôn mê để cố gắng lấy chữ ký vào bản sửa đổi di chúc.) Mặc dù nhiều nỗ lực lặp đi lặp lại được thực hiện để khởi tố hoặc kỷ luật ông thông qua luật sư đoàn, tất cả đều thất bại trừ một trường hợp. Nỗ lực cuối cùng, kết thúc với sự thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của Cohn, xảy ra ngay trước cái chết của ông vào năm 1986 ở tuổi 59.
Hơn cả, Cohn là người đàn ông của những mâu thuẫn dường như không thể dung hòa. Mặc dù là người đồng tính, ông kết bạn với những người kỳ thị đồng tính luyến ái, phản đối các nỗ lực đấu tranh đòi quyền đồng tính, và còn góp phần ngược đãi những người đồng tính khác. Bản thân là người Do Thái, nhưng ông vẫn thường đưa ra những bình luận bài Do Thái. Đôi mắt lồi ra của ông được bao quanh bởi quầng thâm, và gương mặt ông, nhám như da thuộc dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, cộng thêm vết sẹo do phẫu thuật chỉnh hình. Nhưng cách ăn mặc của ông thì không chê vào đâu được – những bộ com-lê sang trọng, chiếc cà vạt lụa, khăn tay đi kèm – và phù phiếm tới mức ông sẽ không đi đâu mà chưa chỉnh tề. Ông trông giống như một kẻ xã hội đen, nỗ lực vươn lên vị trí cao một cách vất vả. Ông nói chuyện bằng một giọng nhẹ nhàng, bí ẩn, và ngữ điệu của ông, dù hòa nhã vẫn để lộ một chút phong cách đường phố New York. Một vài cụm từ yêu thích của ông như “cùng với những lời nói đó” và “tại một thời điểm cụ thể”, khiến ông giống như một người đang khó nhọc cố gắng để tỏ vẻ là một vị luật sư hay ho. Mặc dù rõ ràng rất xuất sắc, thỉnh thoảng ông vẫn bị vấp với những cụm từ thông thường. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ông trả tiền để quảng bá cho một cuốn sách của mình, Cohn nói rằng vấn đề chính của Joseph McCarthy là ông ta “không chịu quan sát thái độ của xã hội”.
Phong cách của Cohn hấp dẫn với những người nghĩ họ cần một người cứng rắn về phe mình, và nó cũng giúp ông hòa nhập với nhóm khách hàng bao gồm rất nhiều tay giang hồ thực sự. Trong số nhiều khách hàng, ông đại diện cho những ông trùm tội phạm có tiếng và những nhân vật mờ ám ông đã giúp để thu tiền miễn phí từ những nơi chiếu phim cho đối tượng trên 18 tuổi. Bởi cơ quan chính quyền không bao giờ được phép cài máy nghe trộm trong văn phòng luật sư, văn phòng của ông đôi khi còn để tội phạm tình nghi dùng làm nơi tìm cách trốn tránh sự giám sát. Chính việc kinh doanh của Cohn có cả âm mưa lừa đảo thành phố New York lấy phần tiền thuê thu trên hợp đồng thuê khu đỗ xe. Người quản lý nhân viên khu vực đỗ xe đó sau cùng cũng thú nhận Cohn là người hưởng lợi lớn nhất trong kế hoạch và rằng mỗi tuần ông bỏ túi hàng nghìn đô la.
Cũng như nhiều tên xã hội đen mà ông đại diện, Cohn sở hữu một kiểu cuốn hút mà nhiều người muốn ghét ông lại thấy vô cùng hấp dẫn. Trung thành và hào phóng, những câu chuyện tầm phào ông chia sẻ qua những chén rượu hay ở ghế ngồi đằng sau chiếc Rolls-Royce cà tàng – tên viết tắt của ông RMC có trên chiếc biển xe tự chọn – khiến bất kỳ ai lắng nghe đều cảm thấy vinh dự và còn có chút gì đó quyền lực. Ở Le Club, Cohn và Trump có thể đã trao đổi những câu chuyện về mối quan hệ và bạn bè chung, bao gồm một loạt ông lớn chính trị như người bạn cũ Abe Beame của Fred Trump, người Cohn đã quen biết nhiều năm. Cohn và Trump cũng được gắn kết bởi lợi ích chung về kết quả vụ kiện phân biệt chủng tộc trong vấn đề nhà ở chống lại Trump Organization vào mùa thu năm 1973 bởi chính quyền liên bang.
Dựa trên các khiếu nại từ các quan chức Trung tâm Nhà ở mở của Hiệp hội Thành phố, tổ chức đã cử những người da trắng và da đen nộp hồ sơ thuê nhà tới thử hoạt động kinh doanh của các chủ cho thuê, Bộ Tư pháp yêu cầu các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều tra hoạt động kinh doanh của gia đình Trump. Việc làm này dẫn tới Bộ Tư pháp kiện công ty bất động sản gia đình, Trump Management Corporation, buộc tội công ty từ chối những người thuê nhà tiềm năng “bởi lý do chủng tộc và màu da”. Gia đình Trump không phải là đối tượng duy nhất bị chú ý. Vào năm 1971 Ban Dân quyền của Bộ Tư pháp đã xử lý một khiếu nại tương tự đối với công ty được sở hữu bởi Samuel J. LeFrak, một nhà kinh doanh căn hộ nhà ở thậm chí còn lớn hơn công ty của Trump ở Brooklyn và Queens. (Ông ta sở hữu hai mươi mốt nghìn căn hộ. Số căn hộ nắm giữ của gia đình Trump, theo như báo cáo, với các con số khác nhau là mười bốn nghìn, mười lăm nghìn, hoặc mười sáu nghìn căn.) Nhưng trong khi LeFrak nhanh chóng thương lượng hòa giải, gia đình Trump lại thuê Cohn và ra hiệu sẵn lòng nghênh chiến cho một cuộc chiến dài.
Vào ngày 12 tháng 1 năm 1974, Cohn và Donald Trump, người giờ đã trở thành gương mặt đại diện của công ty gia đình, mời báo chí tới phòng họp báo ở khách sạn New York Hilton. (Một địa điểm ưa thích cho những người muốn săn đón truyền thông, là nơi vừa mới diễn ra cuộc gọi điện thoại di động đầu tiên trong lịch sử, được thực hiện bởi giám đốc điều hành của một công ty phát triển công nghệ.) Cohn nói với các phóng viên rằng chính phủ liên bang đã thất bại trong việc cung cấp tên của người được cho là bị phân biệt chủng tộc bởi gia đình Trump; và tuyên bố rằng ông đã đệ đơn phản tố, khiếu nại rằng gia đình Trump đã thiệt hại 100 triệu đô la do các cáo buộc “vô trách nhiệm và không có căn cứ” của Ban Dân quyền. Khi Donald Trump phát biểu, trông ông có chút gì đó hơi giống một luật sư khi ông bác bỏ những cáo buộc theo cách vốn để cho mình một đường lui nếu bằng chứng cho thấy ông sai: “Tôi, hay bất kỳ ai trong công ty của tôi, mà theo như tôi được biết, chưa bao giờ phân biệt đối xử hay tỏ thái độ thành kiến trong việc cho thuê các căn hộ của mình”.
Khi Trump và FBI bất đồng ý kiến, ông nói, tiêu chuẩn của chủ thuê nhà là cơ sở để đồng ý hoặc từ chối một người thuê. Các luật sư chính phủ, hành động dựa trên lời khiếu nại của những người thuê tiềm năng, nói những người nộp đơn da đen có cùng điều kiện tài chính như những người da trắng nhưng vẫn bị chối từ trong khi những người da trắng lại nhận được hợp đồng. Donald Trump khăng khăng rằng điều này không đúng và công ty của ông chỉ cố gắng loại trừ những người nhận trợ cấp, đối tượng mà ông sợ rằng sẽ không trả tiền thuê nhà và dọn đi trong “một hoặc hai tháng”. Trump nói vụ cách hòa giải của Samuel LeFrak yêu cầu ông cho những người sống bằng phúc lợi thuê nhà, và nói rằng nếu Trump đồng ý cùng cách hòa giải đó, người thuê nhà của ông sẽ rời bỏ tòa nhà và cả “toàn thể cộng đồng”. Mặc dù LeFrak cố gắng biện luận cho việc sắp xếp này, Trump thực tế đã nói đúng. LeFrak đã đồng ý những người muốn thuê không làm việc nhưng nhận đủ tiền trợ cấp để trả tiền thuê nhà vẫn có thể sống trong các tòa nhà của ông.
Khi được hỏi về kết quả kinh doanh công ty, Donald ước tính khoảng bảy trăm, hay 4,3% số căn hộ của công ty được cho người da đen thuê. Vào thời điểm đó, người da đen chiếm 25% dân số ở Brooklyn và 13% ở Queens. Sự chênh lệch giữa số liệu dân cư và kết quả kinh doanh của Trump có thể được giải thích bởi vị trí địa điểm. Nhiều tòa nhà của Trump nằm ở những cộng đồng đa số người da trắng như đảo Coney, với 85% người da trắng theo điều tra năm 1970. Cũng có khả năng ít người da đen tìm cách sống trong những khu vực này. Tuy nhiên, nhà ở thì đang thiếu và tiền thuê tại các khu nhà Trump khiến thậm chí cả những người thu nhập thấp vẫn có thể thuê được. Và khiếu nại từ Hội đồng Thành phố thể hiện các khiếu kiện phân biệt chủng tộc rõ rệt.
Ở một thời điểm lịch sử khác, chính quyền liên bang có lẽ chẳng thèm bận tâm săm soi cơ cấu chủng tộc người thuê nhà của Trump. Tuy nhiên, sau cuộc tái đắc cử tổng thống vang dội vào năm 1972, các quan chức chính quyền Tổng thống Nixon đã quyết định thắt chặt việc thi hành Đạo luật Công bằng Gia cư năm 1968. Đạo luật này, được Quốc hội phê duyệt một phần để đối phó với xung đột chủng tộc đang xảy ra khắp đất nước, đã ngăn chặn kỳ thị chủng tộc trong vấn đề nhà ở, kể cả các hành động của chủ cho thuê khi “lái” người xin thuê nhà ra khỏi những tòa nhà này và hướng họ về những khu nhà khác do vấn đề chủng tộc. (Công ty của LeFrak đã bị buộc tội vì đã đẩy những người xin thuê nhà là dân tộc thiểu số tới những tòa nhà chủ yếu có người da đen sinh sống.) Có vẻ quan ngại làn sóng thù địch của người da trắng sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tái tranh cử của mình, Nixon chỉ thể hiện sự ủng hộ hờ hững với các sáng kiến hành động tích cực do vị Bộ trưởng Bộ Gia cư George Romney đề xuất. Nhưng sau khi Nixon quay trở lại chức vụ sau chiến thắng vang dội, chính quyền của ông bắt đầu tập trung thắt chặt việc thực thi đạo luật gia cư và đưa ra hàng trăm khiếu nại chống lại các chủ thuê nhà khắp đất nước.
Ít bị cáo chủ thuê nhà nào đáp lại Bộ Tư pháp bằng vụ kiện phản tố như lời khiếu kiện 100 triệu đô Roy Cohn đệ trình thay mặt gia đình Trump. Cohn cũng khiếu nại rằng quan chức liên bang là “đội trấn áp của Đức quốc xã” đã sử dụng “chiến thuật giống Gestapo”. Thẩm phán liên bang Edward Neaher nổi giận trước những lời nói của Cohn, nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên ông từng nghe thấy một người buộc tội FBI có hành vi giống Đức quốc xã. Ông bác đơn kiện phản tố, coi đó là một sự lãng phí “thời gian và giấy tờ” và buộc hai bên phải hòa giải. Trong cuộc nói chuyện với các luật sư liên bang, Cohn cố uy hiếp Donna Goldstein, một nữ luật sư chính phủ trẻ được giao vụ kiện. Kết quả, như Stanley Pottinger, Trưởng Ban Dân quyền của Bộ Tư pháp khi đó nhớ lại, đã cho thấy giới hạn tầm ảnh hưởng của Cohn.
“Tôi đang ngồi ở văn phòng cũ của J. Edgar Hoover, mà bằng cách nào đó tôi đã được giao lại, thì phó phòng Jim Turner của tôi bước vào và nói ‘Chúng ta có một vấn đề. Anh gặp Donna Goldstein chút được không? Cô ấy đang vô cùng lo lắng vì biết rằng anh sẽ đuổi việc cô ấy.’”
Theo Pottinger, Roy Cohn đã hét vào mặt Goldstein, cho rằng cô đã làm sai trong công việc giấy tờ. Cohn cũng đã nói mình là người có vai vế trong Đảng Cộng hòa và sẽ điện cho Nhà Trắng và Tổng chưởng lý để sa thải cô ta.
Pottinger nghi ngờ Richardson sẽ chẳng bao giờ nhận điện thoại từ Cohn. “Vấn đề về Tổng chưởng lý cũng như Nixon là, họ thực sự muốn làm điều đúng đắn trong vấn đề này. Chúng tôi còn được trao quỹ ngân sách lớn – tôi có khoảng hai trăm luật sư làm việc dưới quyền – và tôi đã tới một cuộc họp ở Nhà Trắng nơi Ehrlichman nói với chúng tôi, ‘Đến thời điểm rồi. Làm thôi.’ ”
Trong vụ kiện của Trump, Pottinger rất chắc chắn với những bằng chứng, bao gồm cả lời khai của các nhân viên hiện tại và nhân viên cũ từng làm việc tại công ty Trump, nói rằng họ buộc phải báo cáo chủng tộc của người tìm đến các căn hộ và được hướng dẫn phải khiến những người thuê nhà da đen thoái lui. Một người nói rằng Fred Trump bảo với anh ta hãy từ chối người da đen nào nộp hồ sơ. “Donna đã kể cho tôi Cohn đe dọa cô ấy thế nào. Tôi nói, ‘Kệ xác hắn. Đi làm việc của cô đi và đừng lo gì cả.’”
Với việc chính phủ cứng rắn giữ vững lập trường, Cohn bắt đầu thương lượng nghiêm túc. Cuối cùng, thân chủ của ông cũng đồng ý một vụ hòa giải trong đó yêu cầu lời cam kết công khai không phân biệt chủng tộc. Sau này Donald Trump nói, “Nó chẳng có ý nghĩa gì cả vì trên hết chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc”. Tuy nhiên, vụ hòa giải cũng áp đặt một hệ thống quy tắc cho một công ty, đó là việc chưa từng xảy ra ở thành phố New York. Trong vòng hai năm, gia đình Trump bị yêu cầu phải cung cấp danh sách theo tuần các căn hộ trống cho Trung tâm Nhà ở mở của Hiệp hội Thành phố. Khi các căn hộ trống được mở ở các tòa nhà ít hơn 10% người da đen hay người Hispanic, trung tâm sẽ có ba ngày để nộp hồ sơ từ các khách hàng dân tộc thiểu số muốn thuê những căn hộ đó. Nếu đủ tiêu chuẩn, họ sẽ được ưu tiên trước.
Khi xoay xở các vụ thương lượng của công ty với chính quyền liên bang, Donald đã thiết lập nền tảng cho hầu hết các cuộc tranh chấp pháp lý mình phải đối mặt sau này. Mỗi khi có thể, ông đều theo phong cách của Roy Cohn, cư xử theo hướng công kích. Ông sẽ không thừa nhận làm sai bất cứ điều gì và chỉ ra va chạm để khẳng định mình là nạn nhân, chứ không phải thủ phạm của hành động vô đạo đức hay trái pháp luật nào. Ví dụ, trong vụ kiện quyền công dân, ông nói chính phủ đã chọn riêng Trump Organization bởi một công ty quy mô lớn là một đích ngắm dễ dàng. Ông cũng nói FBI đang cố ép buộc công ty ông nhận những người nhận phúc lợi thuê nhà. Cả hai lời khiếu nại này đều không chính xác. Chính phủ đang khởi kiện các chủ thuê nhà cả lớn và nhỏ. Và mặc dù những người quản lý có ý định chấm dứt sự phân biệt chủng tộc đối với những người nhận phúc lợi, họ không hề cố gắng yêu cầu Trump hay bất kỳ ai khác phải cung cấp nơi ở cho những người này. Họ chỉ muốn các chủ cho thuê công nhận rằng khoản tiền phúc lợi là một khoản thu nhập có thể dùng để trả tiền nhà.
Khi nói về khoản tiền phúc lợi thay vì chủng tộc, Trump ngả theo định kiến của những người có xu hướng nghĩ rằng các khoản tiền trợ cấp là khoản bố thí cho những gia đình người da đen không đáng được hưởng. Mối liên hệ giữa hai từ phúc lợi và người da đen đã bắt đầu từ những năm 1950 khi người da đen ở miền quê miền Nam chuyển tới thành thị miền Bắc và trở nên có đủ tư cách hưởng các chương trình phúc lợi của chính phủ. Khi Tổng thống Johnson tuyên bố “cuộc chiến chống nghèo đói” trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang năm 1964, công chúng nước Mỹ chứng kiến một sự gia tăng lớn các bài báo trên khắp cả nước về vấn đề liên quan tới người nghèo. Mặc dù người da đen đại diện khoảng 30% danh sách người nhận phúc lợi, khi báo chí quốc gia công bố các bức hình người nhận, hầu hết – khoảng 75% vào năm 1967 – đều là hình ảnh người da đen. Khi báo chí đưa tin các vụ lạm dụng bởi một số người nhận phúc lợi, trong tâm trí của nhiều người, phúc lợi đã bị hình tượng hóa bởi hình ảnh những người phụ nữ da đen đang độ tuổi lao động với những đứa con, duy trì mối quan hệ bí mật với những người đàn ông từ chối không chăm sóc vợ con. Những “bà chúa phúc lợi” này chỉ là một số ít thành phần tội phạm trong số những người nhận trợ cấp, nhưng sự tồn tại của họ, và những bài báo đi kèm về họ, đã đủ để khiến phúc lợi trở thành một từ hiệu ám chỉ các nhận định mang tính phân biệt chủng tộc.
Liệu Donald Trump có biết rằng khi đang khiếu nại về việc bị ép nhận những người thuê nhà sống dựa vào phúc lợi, ông đang sử dụng từ hiệu ám chỉ – sau này được gọi là ngôn ngữ đánh lừa công luận – để chơi chữ thù địch chủng tộc? Ông khăng khăng mình không bao giờ có ý như vậy, và phàn nàn với tờ The New York Times rằng những nỗ lực để thử các hoạt động của các nhà quản lý bất động sản chẳng khác gì là “một dạng quấy rối khủng khiếp”. Nhưng trong việc chọn Cohn chống lại chính phủ và khiếu nại FBI cố ép buộc ông chấp nhận các khách hàng nhận phúc lợi, Trump đã thực sự dùng chơi chữ định kiến. (Định kiến của chính Cohn – ông thường sử dụng những từ như spic và nigger và fag – tất cả đều được báo chí đưa tin rộng rãi.) Khi vụ kiện cuối cùng cũng được dàn xếp, Trump đồng ý quy trình giúp người thiểu số chuyển vào khu tòa nhà của ông dễ dàng hơn. Dạng thỏa thuận này là tất cả những gì bên khởi tố liên bang muốn ngay từ đầu khi tiếp cận gia đình Trump, và nó đã có thể đạt được mà không cần phải đe dọa chính trị chống lại Donna Goldstein hay các cuộc họp báo ở khách sạn New York Hilton.
Vụ kiện tụng có thể đã khiến người dân New York biết đến cái tên Trump nhiều hơn và càng thêm tiếng tăm cho Cohn. Cohn hiểu rằng các thủ tục tố tụng pháp lý đem đến cơ hội dồi dào để liên hệ với cánh báo chí – những vụ kiện thường là những tin tức đáng đưa lên mặt báo – và gần như chẳng quan trọng một người này đang đưa ra lời buộc tội hay bào chữa chống lại người khác. Khi đang là trưởng cố vấn luật của vị thượng nghị sĩ bị buộc tội McCarthy, Cohn đã phát hiện mình có thể dễ dàng thao túng những người phụ trách mục báo có quyền lực như Walter Winchell và Westbrook Pegler, những người tự xem mình là đồng đội của Cohn trong một kiểu trò chơi đối đầu với vô số nhân chứng. Winchell thực tế còn đe dọa Murrey Marder, phóng viên tờ Washington Post, người đã bền bỉ vạch trần chiến thuật “săn lùng phe cộng” của McCarthy. “ Chúng tôi sẽ tóm được anh”, Winchell thầm thì với Marder trong một thang máy đông người. Cohn và công ty chưa bao giờ “tóm” được Marder, nhưng sự việc đã cho thấy mức độ liên hệ của một số người nhất định trong giới báo chí với người cung cấp thông tin về những kẻ tình nghi ở Hollywood hay Washington, mà sau đó họ dùng để trang trí thêm cho các mục tán chuyện của mình và thu hút thêm độc giả.
Sau thất bại ở Washington, Cohn sử dụng cùng những chiến thuật bạn bè và tin tức rò rỉ đối với những người phụ trách mục báo mà ông quý mến ở thành phố New York. Năm 1973, khi giúp gia đình Trump đối đầu với FBI, Cohn cũng đồng thời trợ giúp người bạn chung của họ là Abe Beame bằng cách nói với các nhà báo tờ The New York Times rằng hạ nghị sĩ Mario Biaggi đã trích dẫn quyền không tự tố giác của ông, theo Tu chính án số 5, khi được triệu tập trước đại bồi thẩm đoàn liên bang. Thời điểm đó, Biaggi là đối thủ gay go nhất của Beame trong cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới quyết định ai là người đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử chức thị trưởng vào tháng Mười Một. Các biên bản kiện tụng của đại bồi thẩm đoàn vốn được coi là tuyệt mật, và theo như người ta vẫn nói là “dùng quyền Tu chính án Số 5”, thì không được coi là dấu hiệu có tội. Khi The Times tới tìm Biaggi với thông tin có được từ Cohn, Biaggi phủ nhận điều đó. Sự bác bỏ này phản tác dụng khi các nguồn khác đã xác nhận thông tin tiết lộ của Cohn. Một làn sóng các bài báo hùa theo, đào sâu chi tiết vào các cuộc điều tra tài chính và tham nhũng chính trị có khả năng của Biaggi. Bản lời khai của đại bồi thẩm đoàn công bố chứng tỏ Biaggi đã nói dối về việc từ chối trả lời các câu hỏi, và chiến dịch tranh cử của ông cũng vì thế mà bị hủy hoại. Vào tháng 11 năm 1973, Beame, người từng hai lần giữ vai trò kiểm soát tài chính thành phố, đã giành được chức thị trưởng bằng một chiến thắng sát sườn với chỉ hơn bốn mươi điểm.
***
Sau cuộc vật lộn tám năm trời với nỗ lực trở thành nhà cải cách của John Lindsay, cuộc bầu cử của Beame đã chuyển quyền kiểm soát chính quyền thành phố về tay hội Dân chủ của Brooklyn, những người có mối quan hệ lâu dài và lợi ích đôi bên với gia đình Trump. Một năm sau, sự giúp đỡ của Beame đảm bảo một người Đảng Dân chủ khác ở Brooklyn và cũng là bạn của Trump, Hugh Carey, sẽ trở thành thống đốc tiểu bang New York. Nhưng khi cả hai người đàn ông hiện thực hóa những tham vọng lớn lao của mình, họ cảm thấy bị choáng ngợp trước cuộc khủng hoảng tài chính đã đưa thành phố New York, vốn từ lâu hiệu quả quản lý đã yếu kém và thiếu một hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ, tới bờ vực phá sản.
Khoảnh khắc nhiều người dân Mỹ nhớ lại cuộc khủng hoảng xảy đến là khi Tổng thống Đảng Cộng hòa Gerald Ford từ chối giúp đỡ thành phố và tờ Daily News Post công bố tin tức này với dòng tiêu đề lớn, FORD GỬI ĐẾN THÀNH PHỐ: HÃY CHẾT ĐI!. Mặc dù vị tổng thống không bao giờ thốt ra những lời như vậy, nhưng chúng cũng thể hiện thái độ của ông khi từ chối lời đề nghị của chính phủ liên bang về việc đứng ra đảm bảo cho phát hành trái phiếu thành phố. Sau đó, ông còn thuyết giảng về trách nhiệm tài chính và nói rằng thành phố cần phải cắt giảm chi tiêu chính quyền. Nhiều quan chức Đảng Cộng hòa coi các thành phố lớn miền bắc, những nơi vẫn thường do bộ máy Đảng Dân chủ kiểm soát là thối nát không thể cứu vãn nổi. Bạo loạn những năm 1960 chỉ xác nhận thêm nghi ngờ của họ về thành thị nước Mỹ.
Beame thực tế cũng có ban hành các biện pháp cắt giảm chi phí, nhưng lại bị buộc phải đảo ngược một số các động thái này. Ví dụ, một cuộc biểu tình đường phố của các công nhân xây dựng đã phá vỡ việc đóng băng ông áp đặt lên các dự án xây dựng của thành phố. Việc phá bỏ đóng băng chi tiêu xây dựng Beame đưa ra chỉ đem đến yên ổn tạm thời. Không lâu sau đó các tổ chức cho vay của thành phố siết chặt tiếp cận tín dụng của thị trưởng, và các nhà làm luật ở Albany, mà nhiều người trong số đó cùng chung tư tưởng chống đối đô thị, yêu cầu phí cầu đường mới, tăng phí giao thông công cộng, và thậm chí là tuần làm việc bốn ngày đối với người lao động thành phố để giảm tiền lương. Khi cuộc chiến giữa những ý tưởng này với những ý tưởng khác diễn ra ác liệt, nhân viên cảnh sát và các hiệp hội lính cứu hỏa đi in và phân phát tờ rơi cảnh báo khách du lịch về mối nguy hiểm gây ra bởi cắt giảm lao động trong thành phố. Với tiêu đề “Chào mừng đến với Thành phố của Nỗi sợ”, tờ rơi khuyên các vị khách tới thăm “tránh khỏi đường phố sau 6 giờ tối, thậm chí cả ở khu trung tâm Manhattan”. Công nhân vệ sinh đình công liều lĩnh tới mức để hàng đống rác thải bốc mùi trên đường phố, và nhân viên đường quốc lộ chặn đường giao thông bằng những cuộc biểu tình hai bên đường. Tắc nghẽn giao thông trở thành cơn ác mộng khi ba cây cầu sắt được kéo lên và rồi những người điều khiển chúng biến mất.
Hàng tháng trời tranh cãi cùng các quan chức thành phố, chuyên gia tài chính và chính trị gia ở Albany, Abe Beame chịu hết sự bẽ mặt này đến sự bẽ mặt khác khi các công đoàn, chủ ngân hàng và các viên chức khác yêu cầu ông phải đáp ứng yêu cầu của họ trước khi họ giúp đỡ. Khi ký lệnh đóng băng tiền lương áp cho công nhân thành phố, ngài thị trưởng đã phải chịu những tiếng huýt réo và kêu inh ỏi với những câu hỏi gào thét: “Ai là chủ? Là người dân hay là ngân hàng? Ai là người có quyền quyết định?”.
Cuối mùa hè năm 1975, các quan chức liên bang và tổ chức cho vay là người đưa ra quyết định khi các cơ quan đặc biệt được thành lập để đảm bảo các khoản thanh toán trái phiếu của thành phố cũng như kiểm soát hoạt động chính quyền. Một phương án gần như là biện pháp cuối cùng cho khủng hoảng vẫn không có được cho tới khi các công đoàn đồng ý mua 500 triệu đô la trái phiếu thành phố, và Tổng thống Ford, dưới áp lực từ các nhà lãnh đạo thế giới, những người lo sợ hiệu ứng dây chuyền của nguy cơ vỡ nợ, đã đảo ngược lập trường của mình đối với các khoản đảm bảo vay nợ liên bang.
Những vết thương của thành phố, hậu quả của cuộc khủng hoảng, bao gồm sự sụt giảm mạnh các chương trình nhà ở công, cắt giảm các chương trình nuôi dưỡng trẻ em nghèo, cắt giảm nhân lực trong lực lượng cảnh sát, và bắt đầu yêu cầu sinh viên các trường đại học trong thành phố phải đóng tiền học phí. Thêm vào đó là số lượng bảo vệ đưa học sinh qua đường và dịch vụ đi phà ở đảo Staten cũng giảm đi và người New York thấy mình có cuộc sống ít dễ chịu và nhiều thách thức hơn. Có lẽ tồi tệ hơn cả là sự sụt giảm mạnh trong xây dựng nhà ở, hạ xuống tới mức chưa từng thấy từ cuộc Đại khủng hoảng. Trong năm 1975, giấy phép được trao cho chưa đến bốn nghìn căn nhà.
Với thị trưởng Beame, người đã hứa mang đến “niềm tự hào mới” cho New York, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến ông bẽ mặt khi quyền lực của ông mất dần và rồi ông trông có vẻ như, theo miêu tả của một nhà báo địa phương, là “người đàn ông vỡ nợ”. Mặc dù bị đánh giá là một trong những thị trưởng tồi tệ nhất của thành phố, do sự bất lực về tài chính của ông, Beame không bị nhìn nhận là quá thái cực như một vài người đồng cấp của mình. Hai vị thị trưởng đáng chú ý khác những năm 1970, Sam Yorty của Los Angeles và Frank Rizzo của Philadelphia, tự làm mình khác biệt với lối hùng biện làm bùng cháy tình trạng thù địch chủng tộc và góp phần vào bạo lực đường phố. So với những người này, Beame là một mẫu mực của sự điềm tĩnh, luôn tìm cách để vỗ về và xoa dịu tất cả mọi người, từ những người khổng lồ phố Wall cho tới những người dân mở tivi xem ông khó nhọc giải thích tình hình khủng hoảng tài chính và kế hoạch giải quyết của mình.
Nếu ngài thị trưởng có thể hiện chút tức giận, thì cũng có thể hiểu được. Chưa bao giờ là một nhân vật có sức hút, ông không thể đi con đường dễ dàng đến với quyền lực như cựu thị trưởng ăn ảnh Lindsay. Thay vào đó, ông làm việc vất vả trong bộ máy Đảng Dân chủ hơn ba mươi năm, nhẫn nại phục vụ người khác và chờ thời cơ của mình tới vị trí lớn lao kia. Khi ông cuối cùng cũng đạt được, thì cũng là lúc những quả bom tài chính hẹn giờ được cài đặt từ nhiều năm trước khi ông đảm nhiệm vị trí bắt đầu phát nổ. Beame cũng bị tổn hại bởi cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 1973 và đánh dấu chấm hết cho một thời đại vàng son của nền kinh tế Mỹ. Bị làm trầm trọng thêm bởi lệnh cấm vận từ các nước sản xuất dầu mỏ, đẩy giá dầu lên gấp bốn lần trong vòng hai năm, cuộc suy thoái đã hủy hoại các doanh nghiệp, giảm thuế thu, và khiến người người mất việc khi nền kinh tế quốc gia co hẹp trong suốt năm đầu nhiệm kỳ của Beame.
***
Dõi theo thị trưởng Beame loay hoay xoay xở trong lúc thành phố bị nhấn chìm trong tình cảnh khủng hoảng, Donald Trump lại cảm nhận được cơ hội đến trong tầm tay. Beame đã đưa ra một vài đề xuất xây dựng một trung tâm hội nghị mới trong thành phố để duy trì địa vị của New York như một điểm đến hàng đầu cho những cuộc hội họp lớn. Các quan chức Chicago gần đó cũng đã mở một trung tâm hội nghị lớn mới ở McCormick Place và sẽ mau chóng mở rộng nơi này. Một trung tâm hội nghị cũng lớn tương tự đã được lên kế hoạch ở San Francisco. Ở New York, mặc dù du lịch giảm đều từ năm 1969 tới năm 1975, nhưng ngành này vẫn mang đến hơn một tỷ đô la mỗi năm cho thành phố. Quyết tâm vực dậy nền công nghiệp, Beame cho dự án xây dựng trung tâm hội nghị vào ngân sách năm 1977 - 1988 và xác định được ba địa điểm hợp lý. Lựa chọn hàng đầu là Sân ga Penn Central với diện tích 44 mẫu (gần 18 hecta) trải dọc sông Hudson giữa Đường 30 và 39, và quyền xây dựng mảnh đất này thuộc kiểm soát của Donald Trump. Câu chuyện ông làm thế nào để thu mua được chúng đã thể hiện niềm tin của ông vào tinh thần hết mình vì bạn bè, tính cố chấp và một kiểu cuốn hút lạ lùng. Công thức này, vốn hoa mỹ hơn là thực chất, nhưng đã cho ông sức mạnh trong suốt một đời thương thảo.
Một phần sân ga Penn Central Midtown nằm trong khu Hell’s Kitchen khét tiếng, một khu dân cư bên bờ sông với bến tàu đậu, quán rượu chui, nhà kho, và những căn hộ rẻ tiền nơi bọn tội phạm đã lớn mạnh rầm rộ qua nhiều thế hệ. Mặc dù việc bãi bỏ đạo luật Cấm rượu chấm dứt việc buôn lậu đồ uống có cồn, nó cũng không khiến các băng đảng Hell’s Kitchen “thất nghiệp”. Vào những năm 1960 và 1970, tổ chức tội phạm thống trị ở khu dân cư, nhóm người Mỹ gốc Ailen với tên gọi Westies, bắt tay với gia đình băng đảng tội phạm Ý Gambino. Nhóm Westies tàn bạo kinh hoàng trong vòng mười năm đã dính líu tới hơn năm mươi vụ giết người.
Mặc dù hầu hết người dân New York đều né tránh Hell’s Kitchen, đặc biệt là khi màn đêm buông xuống, thì Donald Trump lại bị cuốn hút tới Sân ga Penn Central trước cả khi Beame nhận ra đây là vị trí tiềm năng cho trung tâm hội nghị. Nhận thức này của Trump cũng chẳng đến mức thiên tài. Các chủ đầu tư xây dựng New York từ lâu đã thèm thuồng mảnh sân ga ở khu Hell’s Kitchen và một cơ sở tàu hỏa ở West Side thứ hai được biết đến là sân ga Đường 60 bởi đó là những mảnh đất lớn duy nhất do tư nhân nắm giữ còn sót lại ở Manhattan. Hàng thập kỷ qua, họ dõi theo việc vận chuyển hàng hóa giảm sút – từ khoảng hai trăm nghìn xe hàng mỗi năm đến dưới hai nghìn rưỡi xe – chờ đợi thời cơ có được những mảnh đất này. Thời cơ đó đã đến vào năm 1973, khi những người ủy thác của đường sắt thuê một cố vấn tên Victor Palmieri bán bất động sản nhằm thỏa mãn các chủ nợ trong vụ phá sản lớn nhất lịch sử Mỹ vào thời điểm đó.
Là luật sư tự kiếm tiền trang trải học phí khi học ở Stanford bằng công việc xây dựng ở Alaska, Palmieri nói mình thích làm việc trong những tình huống khủng hoảng vì nó giúp ông bỏ qua mấy trò quan liêu và đạt đến “thành công hay thất bại trong khoảng thời gian ngắn”. Tòa án phá sản chấp thuận việc chỉ định Palmieri, với mức lương 150.000 đô la mỗi năm và tiềm năng kiếm hàng triệu đô la tiền hoa hồng thu về từ bất động sản ước tính trị giá hơn một tỷ đô la. Đây là khoản tiền kiếm được dễ dàng. Trong một vụ phá sản, những người ủy thác kiểm soát một tập đoàn thường ít có động cơ kiếm tìm giá tốt nhất khi bán tài sản. Số tiền trả sẽ không được dùng cho hoạt động kinh doanh trong tương lai hay tìm đường quay về túi tiền của họ. Nên thay vào đó họ muốn tiến hành thật nhanh chóng, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất của tòa án giám sát thanh lý tài sản, và biến khỏi cái công ty mục nát. Vì vậy, công việc của Palmieri là tìm kiếm người mua và thực hiện giao dịch nhanh nhất có thể.
Có nhiều mối quan hệ chính trị ở những cấp độ cao nhất, Palmieri từng nắm giữ nhiều vị trí lớn trước đó. Ví dụ, trong năm 1967 - 1968, ông đã giúp tổ chức và điều hành Ủy ban Kerner, một hội đồng quan trọng trong lịch sử do tổng thống lập ra, tiến hành báo cáo về những cuộc bạo loạn chủng tộc đang diễn ra khi đó. Đối với công việc ở Penn Central, ông tập hợp một nhóm các chuyên gia về luật và nhà đất. Trách nhiệm về sân ga ở Manhattan rơi vào tay Edward “Ned” Eichler, người có công ty gia đình là công ty xây dựng và cải tạo nhà ở tại khu vực vịnh San Francisco. Eichler Homes nổi tiếng với những căn nhà mức giá phải chăng và thiết kế khéo léo dưới bàn tay và độ nhạy bén của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Những căn nhà của Eichler giúp định hình phong cách kiến trúc hiện đại của California, và công ty đã bán được hơn mười một nghìn căn như vậy, bao gồm ngôi nhà mà Paul và Clara Jobs đã nuôi dưỡng người con nuôi Steven nên người. Khi công ty làm ăn có lãi, Eichler cũng ngầm theo đuổi một chương trình xã hội, từ chối làm theo phương thức mua bán kỳ thị chủng tộc không chính thức trong quá khứ, mà bán nhà cho tất cả người mua đủ tiêu chuẩn. Kết quả là, mọi phân nhánh của công ty kể từ khi ổn định đều mở cửa cho mọi chủng tộc. Công ty cũng định vị mình trên thị trường với những sự tinh tế của những năm 50. Năm 1956, Eichler xây dựng và trưng bày một căn nhà thử nghiệm hoàn toàn bằng sắt với cái tên như từ thời đồ đá: X-100. Căn nhà được xây dựng với hai cửa bên trong dẫn vào khu vườn, cửa sổ mái vòm bằng nhựa, và nhiều cửa trượt lắp động cơ.
Ned Eichler rời bỏ công ty gia đình sau cuộc tranh cãi nảy lửa với cha. Sau đó, ông tới làm việc cho Palmieri ở New York. Vừa yên vị trong văn phòng, ông nhận được một bức thư từ Donald Trump, công ty Trump Organization ở Brooklyn. Mặc dù không nhận ra cái tên, ông cũng khá vui vẻ khi nghe tin ai đó có hứng thú với sân ga. Dù là những khu đất mở rất hấp dẫn, khu sân ga cũng đòi hỏi một nỗ lực vô cùng lớn ở bất kỳ chủ đầu tư nào, họ cần phải thương lượng với các tầng lớp bộ máy quan liêu và xử lý những rắc rối sẽ phát sinh từ các tổ chức khu dân cư chống lại sự thay đổi này. Các vấn đề tài chính của thành phố cũng như thị trường bất động sản tụt dốc nhanh chóng cũng chỉ thêm phần thách thức. Khi lượt qua toàn ngành, Eichler chỉ thấy vài chủ xây dựng với đủ kinh nghiệm và táo bạo cần có để sử dụng tốt nhất những khu đất lớn ở một nơi như Manhattan. Thậm chí kể cả William Zeckendorf, một giang hồ gạo cội của làng bất động sản, cũng phải tạm hoãn chiến dịch của mình để thoát khỏi vụ phá sản gần đó và lui về hậu trường.
Sau khi nói chuyện qua điện thoại với Trump, Eichler chấp nhận lời mời tới thăm Đại lộ Z vào một ngày cuối tháng Một. Tại đây, ông thấy một người đàn ông trẻ gần như bùng nổ với tham vọng. Ở tuổi bốn mươi hai, Eichler lớn hơn vị chủ nhà của mình mười lăm tuổi, và ông coi chàng trai Trump mảnh khảnh, tóc vàng hoe này vô cùng bồng bột và tham vọng kỳ quặc. Ông miêu tả Trump với nhà văn Gwenda Blair “tràn đầy cái tôi, muốn tự làm con đường của mình ở thành phố”. Eichler bị ấn tượng với năng lượng của chàng trai trẻ hơn mình này, mặc dù đôi khi cậu ta nói chuyện bằng những lời lẽ mang tính định mệnh. Ông nhớ Trump giải thích sự mất kiên nhẫn của mình khi dự tính sẽ chết trước tuổi bốn mươi. Trump cũng nói với Eichler, “Tôi sẽ không bao giờ kết hôn”.
Tham quan một vòng đế chế khu ngoại thành của gia đình Trump, Eichler nhận thấy các tòa nhà đều được thiết kế, xây dựng và bảo dưỡng rất tốt. Nhưng ông lo lắng việc xây dựng một khu phức hợp tòa nhà lớn ở Manhattan sẽ có rắc rối về mặt chính trị, và ông cũng không quên được rằng khi hỏi bất kỳ ai ở khu văn phòng Penn Central có biết gia đình Trump hay không, chẳng ai biết. Khi nói với Trump ông lo ngại một công ty có trụ sở khiêm tốn ở Brooklyn thiếu những ảnh hưởng cần thiết, Trump khẳng định công ty mình có khả năng đảm đương tốt công việc. Eichler lại nói sẽ rất có ích nếu Trump có thể tới Tòa Thị chính và yêu cầu Thị trưởng Beame đứng ra đảm bảo cho gia đình Trump. Trump hỏi, “Khi nào ông muốn gặp ngài thị trưởng?”. Đáp lại sự ra vẻ bạo dạn của Trump, Eichler đáp, “Hai giờ chiều ngày mai”. Trump nói sẽ gửi xe tới đón Eichler vào lúc một giờ rưỡi. Trump không muốn người từ Penn Central đến muộn.
Vào đúng giờ hẹn, Eichler bước vào văn phòng thị trưởng và thấy nhà Trump, cả bố và con trai, đang đợi cùng Beame và John Zuccotti của Ủy ban Kế hoạch thành phố New York. Sau vài lời xã giao lịch sự, ngài thị trưởng nói với Eichler, “Bất kỳ điều gì những người bạn Fred và Donald của tôi muốn ở thành phố này, họ sẽ có được nó”.
Như một phần của vở kịch, buổi gặp mặt ở Tòa Thị chính đáng đạt giải Tony. Buổi hẹn xác nhận một điều rằng gia đình Trump có quan hệ tốt tới nỗi họ có khả năng hơn bất kỳ ai khác có được sự phê duyệt của thành phố cho các dự án xây dựng trên mảnh đất của Penn Central. Quyền lực chính trị này rất có ý nghĩa với Eichler và Palmieri, những người mà tiền phí và hoa hồng – khoản mà tổng sau cùng hơn 21 triệu đô la – phụ thuộc vào những lựa chọn có khả năng trở thành thương vụ mua bán bất động sản thực sự. Xét về mặt cá nhân, Eichler bị thu hút hơn với mối quan hệ thân thiết rõ ràng giữa hai cha con Donald và Fred. Trong khi Eichler phải khổ sở do thiếu sự ủng hộ của cha mình, ông thấy sự hết lòng không gì làm lung lạc được của Fred dành cho Donald và tham vọng của con. Sự ủng hộ của người cha già trọn vẹn tới mức Eichler nhiều năm về sau vẫn nhớ lại, coi đó là yếu tố chính trong việc đánh giá gia đình Trump với tư cách chủ đầu tư xây dựng. Nhưng dù Eichler cảm thấy tự tin về năng lực của nhà Trump khi làm việc với thành phố và xây dựng các căn hộ, thương vụ bán sân ga cũng cần phải làm hài lòng tòa án phá sản ở Philadelphia, nơi các tài sản còn lại của Penn Central đang được phân loại.
Thẩm phán tòa án phá sản John P. Fullam chịu trách nhiệm thanh lý tài sản Penn Central trừ việc kinh doanh chở hành khách và hàng hóa được đảm nhận bởi hai cơ quan do liên bang thành lập là Amtrak và Conrail. Fullam phải cố gắng thu được khoản bồi thường lớn nhất có thể cho các chủ nợ, những người này được đại diện bởi một đoàn luật sư, trong đó có vị luật sư đi đầu trong các vụ kiện tập thể tên David Berger. (Có trụ sở văn phòng luật tại Philadelphia, Berger sau này đại diện cho những hộ quanh nhà máy điện hạt nhân ở đảo Three Mile sau khi nhà máy xảy ra hiện tượng tan chảy một phần lõi lò phản ứng hạt nhân.) Khi Eichler và Palmieri cùng làm việc để đưa ra đề xuất kế hoạch cho sân ga trình lên thẩm phán, họ chịu áp lực phải tối đa hóa khoản tiền mà sẽ tới tay các thân chủ của Berger. Những triển vọng về lợi nhuận dường như tăng lên khi họ nhận được yêu cầu thông tin về khu đất từ tập đoàn Starrett Corporation, một chủ xây dựng và cũng là một đơn vị kinh doanh bất động sản có tiếng.
Nổi tiếng với việc xây dựng tòa nhà Empire State trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, Starrett là một công ty đáng gờm. Cùng với nhiều dự án khác, công ty này đã xây dựng mười hai nghìn căn hộ Parkchester ở Bronx cũng như thị trấn Stuyvesant và làng Peter Cooper ở khu East Side, Manhattan. Các dự án xây dựng này hoàn toàn có thể sánh được với kiểu xây dựng các cộng đồng nhiều tòa nhà rất phù hợp với các sân ga và vượt qua bất cứ công trình nào gia đình Trump từng thực hiện. Starrett cũng sẵn sàng tiến hành thương vụ, với những điều kiện phù hợp, và sẽ trả Penn Central gần như nhiều hơn 40 triệu đô la số tiền tối đa mà gia đình Trump có thể trả được. Tuy nhiên, Starrett và gia đình Trump từng làm việc cùng nhau ở Brooklyn trong khu phức hợp căn hộ mang tên Thành phố Starrett. Vào tháng Tám năm 1974, Donald tới thăm Robert Olnick, Giám đốc điều hành của Starrett, và gợi nhắc ông ta về mối quan hệ này. Olnick sau đó đã điện cho người môi giới đang làm việc với mình về thương vụ Penn Central và bảo ông ta bỏ vụ đó đi. Mặc dù vậy, trước khi cuộc gọi kết thúc, ông nói rằng nếu cha con Trump chùn bước, Starrett sẽ tiếp tục tiến hành dự án, với cùng các điều kiện như cũ.
Với việc Starrett rút lui, Eichler hết lòng dốc sức với Donald Trump, coi ông như “con ngựa” mà Penn Central sẽ cưỡi, nghĩa là ông sẽ được hưởng sự xem xét và bảo hộ đặc biệt. Ông và Trump cũng cố gắng xã giao nhiều hơn. Cả hai tới chơi gôn ở câu lạc bộ dành riêng cho thành viên Winged Foot ở quận Westchester và dùng bữa tối với Roy Cohn ở nhà hàng Bốn Mùa. Eichler không thấy thích thú Cohn cho lắm và để ý khi vị luật sư tuyên bố mình đã từng gặp Hugh Carey, người đang chạy đua chức thống đốc, Donald đã nói về Carey, “Ông ta sẽ làm bất cứ điều gì cho chủ đầu tư nào góp tiền cho chiến dịch của mình”. Gia đình Trump đã quyên góp 135.000 đô la (556.000 đô la năm 2015) cho chiến dịch thắng lợi của Carey. Chỉ có anh em của ứng cử viên mới đóng góp nhiều hơn thế.
Như nhà báo Wayne Barrett ở New York đưa tin, lời nhận xét của Trump về Carey là kiểu lời nói khiếm nhã khiến bất kỳ người thận trọng nào như Eichler cũng phải cảm thấy khó chịu. Eichler cũng có phản ứng tương tự khi Trump, cũng như các chủ xây dựng đã lót tay các vị quan quan liêu của FHA với nhiều món quà, gửi ông một chiếc tivi làm quà Giáng sinh. Eichler đã gửi trả lại nó. Nhiều năm sau Eichler nói, “Cá nhân tôi chưa bao giờ cảm thấy thích Donald, nhưng điều đó chẳng liên quan tới việc liệu cậu ta có phải là người thích hợp” để xây dựng sân ga Penn Central.
Biết chắc chắn rằng khát khao và nguồn năng lượng vô tận của Donald sẽ khiến các tòa nhà nở rộ trên những mảnh đất West Side, Eichler hối hả triển khai đề xuất của Trump. Luật sư của các chủ nợ là David Berger và các luật sư đồng sự của ông chất vấn những người liên quan về thương vụ và phát hiện Eichler đã biệt đãi gia đình Trump bởi nghĩ rằng gia đình này có những mối quan hệ chính trị đặc biệt. Hãng luật của Berger cũng phát hiện bản định giá các khu đất được dựa trên khoảng đất tương tự ở Brooklyn và Bronx chứ không phải ở Manhattan. Thực tế, các mảnh đất xung quanh khi đó đã được bán gấp sáu lần mức giá 4 đô la/ foot vuông được ước tính cho khu sân ga. Thông tin này được ghi trong tờ khai dài mà Berger và đồng sự gửi tới thẩm phán Judge Fullam. Cũng gần như vào lúc đó, Richard Ravitch của công ty HRH Construction viết thư cho thẩm phán Fullam để chào giá cho các khu đất.
Trong thư, Ravitch nói mình đã để mắt tới khu sân ga cho công trình xây dựng phải đến gần một thập kỷ rồi, vậy mà ông chỉ biết chúng đang được rao bán chỉ khi thỏa thuận của Trump được nộp lên tòa. Donald Trump nghi ngờ điều này không đúng, bởi vụ phá sản của Penn Central có lẽ là sự kiện kinh doanh được đưa tin rộng rãi nhất vào những năm 70, và việc đất đai của nó được đem đi bán cũng được biết đến. Nhưng điều này cũng gần như chẳng có ý nghĩa gì bởi Ravitch quyết định tiếp nối bức thư trước bằng một đề xuất mà xét nhiều khía cạnh, là một thỏa thuận tốt hơn cho các chủ nợ của Penn Central. Chào thầu của HRH, cùng với những chỉ trích của David Berger, đe dọa lật ngược tình thế mà Eichler và Trump đã rất vất vả để xây dựng.
Mặc dù Eichler và Palmieri muốn nhanh chóng hoàn thành công việc của mình và lãnh khoản hoa hồng từ những người ủy thác Penn Central, họ có thể phải chờ thẩm phán xử lý các vấn đề liên quan tới khu sân ga. Nhưng Donald Trump thì không kiên nhẫn đến vậy. Ông cũng nhận ra ở David Berger cùng kiểu chướng ngại vật bố mình đã vấp phải khi cố gắng thu mua công ty kinh doanh thế chấp Lehrenkrauss phá sản vào năm 1933 và quyết định dùng chiêu bài cũ đó. Ông tới Philadelphia và, theo lời Wayne Barrett, “xông vào văn phòng của Berger với chiếc áo choàng dài, xanh thẫm, quàng quanh đôi vai, bồn chồn và phấn khích”.
Sau khi Trump tìm thấy Berger trong phòng họp, hai người đàn ông lui về bàn chuyện riêng. Khi kết thúc, cả hai đều đồng ý rằng Penn Central, và các chủ nợ của nó, sẽ nhận được các điều khoản tốt hơn, có thể lên tới 20 triệu đô la hoặc hơn nếu tầm nhìn của Trump trở thành hiện thực. Họ cũng đồng ý rằng đường sắt sẽ trả tiền cho Donald Trump cho khoảng thời gian ông bỏ ra và bất kỳ các khoản chi phí nào phát sinh khi ông cố gắng làm gì đó cho khu đất. Có lẽ Berger cũng sẽ nhận được một khoản tiền cao hơn cho dịch vụ của mình từ các chủ nợ nếu tổng số tiền họ nhận được tăng lên. Suy cho cùng, ông làm việc cũng vì một phần tiền lợi nhuận. Nhưng ngoài khoản lợi nhuận tiềm năng này, vốn dĩ đã không thu về được trong nhiều năm trời, chẳng có gì khác trong thỏa thuận có vẻ như mang lại ích lợi cho Berger. (Một công tố viên liên bang sau này đã xem xét vấn đề và đi đến kết luận tương tự.)
Sự rẽ ngoặt sang chiều hướng khác làm choáng váng vị đồng sự trẻ của Berger tên là Edward Rubenstone, người đã hết lòng đấu tranh cho các chủ nợ của Penn Central và tin rằng họ có thể làm được tốt hơn với một cuộc cạnh tranh mở thực sự cho khu sân ga West Side. Về phần mình, Eichler lấy làm ngạc nhiên trước tài xoay xở của Trump. Sau này ông nói, “Bất kể điều gì Donald làm, đấy là giả sử cậu ta làm gì đó, thì đó là một thành tựu vô cùng khôn ngoan”. Khi được thông báo về sự thay đổi diễn biến tình hình vào tháng 11 năm 1974, thẩm phán Fullam ngờ vực đáp lại, “Tôi không hài lòng chút nào từ những điều mình nghe thấy rằng các chào giá cạnh tranh đã được xem xét đầy đủ”, ông nói với các bên khi họ tập trung trình diện trước ông vào tháng 3 năm 1975. Cụ thể, Fullam muốn nghe nhiều hơn từ Richard Ravitch. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian giữa các cuộc điều trần, vị thống đốc mới đắc cử Hugh Carey, người mà Donald Trump coi là dễ dàng bị mua chuộc, đã chỉ định Ravitch lãnh đạo việc điều tra cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng của Tập đoàn Phát triển Đô thị (UDC) của chính phủ. Cơ quan này đã lao đầu vào thị trường và rồi không thể thu hút thêm người mua trái phiếu. Cam kết nợ của công ty đã vượt quá doanh thu kỳ vọng hơn 500 triệu đô la.
Rắc rối của UDC một phần được gây ra bởi hoạt động ngoài hệ thống kiểm soát và đối trọng quyền lực thông thường cho phép các nhà lập pháp và những người khác quản lý giám sát các cơ quan nhà nước. UDC được xây dựng nhằm mục đích đặc biệt giúp các viên chức chính phủ tránh những điều luật yêu cầu họ phải có được sự chấp thuận của cử tri, thông qua bỏ phiếu trưng cầu dân ý, trước khi bán trái phiếu để gây quỹ cấp vốn cho nhiều dự án, trong đó có các dự án nhà ở thực hiện do các công ty tư nhân đảm nhiệm, bao gồm cả HRH. Trái phiếu thường được coi là khoản đầu tư an toàn bởi nhà nước không thể trốn được nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư, cộng thêm cả lợi tức. Loại trái phiếu UDC bán được nghĩ ra bởi luật sư Phố Wall John N. Mitchell, người đã gọi chúng là trái phiếu “nghĩa vụ đạo đức” và cuối cùng giải thích rằng “mục đích của chúng” là giúp các nhà cầm quyền tránh được trách nhiệm giải trình với cử tri. Mặc dù có nghĩa vụ về mặt đạo đức phải trả những món nợ này, nhà nước không bắt buộc phải tôn trọng những nghĩa vụ nợ đó về mặt pháp lý. Khi thành phố New York vướng vào rắc rối tài chính, các nhà đầu tư xem xét tới khả năng các quan chức chính phủ có thể không hành động theo đạo đức và dừng việc mua trái phiếu.
Khi được giao trách nhiệm điều tra UDC, Ravitch không thúc ép thẩm phán Jullam về khu sân ga ở West Side nữa. Tháng 3 năm 1975, tòa án phá sản Philadelphia phê chuẩn thỏa thuận dàn xếp giữa David Berger và Donald Trump. Các viên chức của Penn Central tỏ ra nhún nhường trong việc định giá triển vọng, cho rằng nếu mọi thứ suôn sẻ, vụ mua bán có thể đem đến khoản 62 đến 120 triệu đô la. Donald Trump, lần đầu tiên được trao cơ hội thực hiện quảng cáo rùm beng, nói rằng đường sắt/các chủ nợ sẽ có khả năng nhận được 300 triệu đô la từ hai dự án xây dựng quy mô lớn. Ông nói mình sẽ xây dựng hai mươi nghìn căn hộ ở mảnh đất khu phố trên. Khu đất nhỏ hơn ở Hell’s Kitchen sẽ chứa khoảng mười nghìn căn nhà hay một loại hình xây dựng khác.
Trước công chúng, Trump nói về một trung tâm công nghiệp hoặc trung tâm vận chuyển, nhưng khi nói chuyện riêng tư, ông nói về nơi này như địa điểm hoàn hảo cho một trung tâm hội nghị do thành phố cấp vốn. Ông ước tính một tỷ đô la sẽ được sử dụng cho hai khu đất, và việc xây dựng bắt đầu trong vòng mười tám đến hai mươi bốn tháng.
Trump cũng tuyên bố công trình này sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, và ông hy vọng sẽ giành được quỹ trợ cấp nhà nước theo các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người thuê tầng lớp trung lưu. Tiền thuê nhà sẽ rơi vào khoảng 100 đến 115 đô la/phòng mỗi tháng.
Sau khi đã sử dụng các mối quan hệ chính trị và địa vị của người trong cuộc để chiếm ưu thế trong thương vụ lớn đầu tiên của mình, Trump có lẽ đã nhận ra xung quanh mình có nhiều bằng chứng cho rằng nhiều người coi một số quy tắc là không bắt buộc. Vào chính ngày chiến thắng của ông được công bố, các công tố viên liên bang ở Trenton đang lựa chọn bồi thẩm viên cho phiên tòa xét xử trong đó các chủ đầu tư xây dựng bị buộc tội cố ý hối lộ thị trưởng của Fort Lee – ở bờ bên New Jersey cầu George Washington – để được phê duyệt cho một dự án 250 triệu đô la. Ở thành phố New York, hai người cảnh sát bị truy tố vì tội bắn một nhân viên bán hàng và trộm 2.000 đô la từ một cửa hàng tạp hóa vốn là bình phong cho việc buôn bán ma túy. Và ở Neward, một nhân viên ngân hàng thú tội biển thủ gần 400.000 đô la để trả món nợ bài bạc. Jeffrey Miller nói mình định trả lại số tiền bằng cách chọn những con ngựa thắng cuộc ở mấy trường đua địa phương, nhưng kế hoạch không thành.
Đương nhiên, Miller và những người khác là những người bị bắt và do đó chỉ thể hiện một phần nổi của tảng băng tham nhũng. Các vụ phạm tội cáo buộc của họ khá mờ nhạt so với những sự lừa gạt chồng chéo của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến với Việt Nam và chính quyền Nixon trong vụ bê bối Watergate. Vụ gián điệp chính trị được tiến hành liên quan đến Nixon tại tòa nhà Watergate dẫn tới vụ từ chức tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Rất nhiều quan chức, bao gồm cả tổng chưởng lý John N. Mitchell (người nghĩ ra trái phiếu nghĩa vụ đạo đức) đều bị cáo buộc vi phạm trọng tội. Niềm tin của công chúng vào thể chế, được đo lường bằng các cuộc thăm dò ý kiến, bắt đầu giảm sút và không bao giờ có thể khôi phục lại hoàn toàn được nữa. Toàn bộ 70% người bỏ phiếu những năm đầu 1960 nói rằng họ có niềm tin vào những người lãnh đạo chính trị của mình. Vào đầu những năm 1980, chỉ còn 25% số người thể hiện niềm tin đó.
Dù nhiều người cảm thấy hoang mang bởi các sự kiện xảy ra vào thập niên 70, chàng trai trẻ Donald Trump coi vụ Watergate và những lời dối trá để biện minh cho chiến tranh Việt Nam với thế giới là nguy hiểm, thối nát, và đầy rẫy âm mưu. Là một chàng trai trẻ có tính cạnh tranh quyết liệt luôn tin mình vượt trội hơn người khác, Trump chấp nhận sự thật rằng người ta sẽ luôn tìm kiếm lợi thế ở bất cứ nơi nào có thể tìm thấy. Nhờ những lợi thế có được từ bố và Abe Beame, ông đã giành được sự tin tưởng từ Ned Eichler và Victor Palmieri, hai người đã trở thành đồng minh của ông trong tòa phá sản.
Thành phố rồi cùng mua lại mảnh đất Hell’s Kitchen cho trung tâm hội nghị mới chỉ với 12 triệu đô la, khoản tiền chắc chắn làm các chủ nợ Penn Central thất vọng. Khoản tiền thu về của họ sẽ phải trừ đi khoản hoa hồng trả cho công ty của Palmieri. Trump mất đi khoản lời lớn có thể giành được nếu có được mảnh đất và xây dựng dự án thương mại hay nhà ở. Tuy vậy, ông vẫn thu về khoản hoa hồng ròng 500.000 đô la, cộng thêm khoản tiền trả cho thời gian và chi phí của ông bởi những người ủy thác Penn Central, nghĩa là ông đã kiếm được khoản tiền 1.250.000 đô la cho tất cả việc tính toán và tất tả ngược xuôi của mình. Tiếc nuối lớn nhất là thành phố từ chối yêu cầu của ông đặt tên trung tâm hội nghị theo tên bố mình, Fred. Vinh dự ấy được dành cho cựu thượng nghị sĩ Mỹ Jacob Javits, người mà sự nghiệp chính trị đã bắt đầu khi ông làm tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử chức thị trưởng của Fiorello La Guardia.