ĐÚNG, KINH DOANH LÀ XÂY DỰNG NHỮNG TÒA NHÀ NHƯNG CŨNG LÀ SỰ KẾT NỐI VỚI NHIỀU NGƯỜI. NÓ LÀ SỰ GIAO HẢO VỚI CÁC CHÍNH TRỊ GIA, KHIẾN HỌ TÔN TRỌNG ANH VÀ QUÝ MẾN ANH.
– DONALD TRUMP
Dù đặt ở một địa điểm đáng mơ ước, văn phòng của Fred Trump chưa phải là tuyệt nhất. Đây từng là nơi làm việc của một bác sĩ nha khoa, được trang trí với hình những người da đỏ cầm điếu xì gà vô vị, nội thất bên trong là những chiếc bàn, tủ đựng tài liệu và ghế tựa đã mòn vẹt. Mái trần rẻ tiền sụt xuống và bóng đèn huỳnh quang phủ một màn xanh mờ lên tất cả mọi thứ trong phòng còn khiến không gian chật hẹp thêm tù túng. Những bức tường treo đầy chiến tích của người thợ săn – phiên bản doanh nhân – là những kỷ niệm chương và bằng chứng nhận đóng khung – nhưng nếu không có chúng, thì nơi này như chẳng có bàn tay con người chạm đến, trừ bộ sưu tập nhỏ những đồ lặt vặt mang tinh thần ái quốc, bao gồm một tượng đại bàng đôi cánh dang rộng, vuốt đang quặp tấm khiên mang hình quốc kỳ nước Mỹ.
Thực dụng một cách lạnh lùng, văn phòng Trump là nơi trú ẩn khỏi khu dân cư xung quanh. Cách đó hai dãy nhà về phía tây là một sân tàu điện ngầm kéo dài cùng một cửa hàng sửa chữa 24/7 chiếm diện tích bảy mươi lăm mẫu (khoảng 35 hecta) bị đường tàu cắt ngang. Phía đông là bệnh viện Đảo Coney, vẫn đều đặn đón dòng xe cứu thương với tiếng còi inh ỏi ngày cũng như đêm. Phía nam, Đại lộ trên cao Belt nhộn nhịp giao thông, phủ bóng và một đám bụi khí thải xuống đường phố phía dưới. Khu dân cư này được biết đến với cái tên Gravesend, hiếm khi xuất hiện trên tin tức, trừ khi có vụ giết người hoặc khi thị trưởng ra thông báo xây dựng một nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn cuối đông Đại lộ Z vào năm 1970.
Xét tình hình đó, hoàn toàn có thể hiểu được cho chàng trai trẻ Donald Trump khi để tâm trí mình lang thang tới tận Manhattan. Nhận thức sâu sắc giá trị nằm trong tám mươi tòa nhà hoặc hơn của bố mình, mà phải đáng giá hơn 100 triệu đô la, Donald thúc giục bố tái cấp tài chính và góp vốn chung cho các khoản đầu tư mới. Fred tin tưởng vào khả năng của Donald, coi Donald là người con kế nghiệp thiên bẩm, và sẵn sàng sử dụng vốn cổ phần của mình làm hậu thuẫn cho các ý tưởng của con. Tuy nhiên, Fred cực kỳ thận trọng với việc kinh doanh ở Manhattan, một trong những địa điểm đắt đỏ nhất thế giới với các chủ đầu tư xây dựng, cũng là nơi mà bạn bè của ông ở các hội Đảng Dân chủ Brooklyn có thể bị giới hạn quyền lực của họ.
Chưa bao giờ thoải mái với tư cách là người công chúng, Fred thôi không cố giành sự chú ý của truyền thông sau cuộc tranh biện với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. Khuynh hướng đó đã được xác nhận qua vài dịp hiếm hoi ông liên hệ với những người cầm quyền ở Tòa Thị chính Mahattan. Khi Fred tham dự một bữa tiệc trưa gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử của Thị trưởng Mayor Robert F. Wagner của Đảng Dân chủ, khoản hứa hẹn 2.500 đô la của ông cuối cùng lại xuất hiện trên báo khi phe Đảng Cộng hòa công kích Wagner vì nhận tiền từ những người làm kinh doanh trong thành phố. (Wagner đã phải hoàn trả khoản tiền quyên góp này.) Buổi tiệc gây quỹ được tổ chức bởi một luật sư có quyền lực trong chính trường tên Abraham Lindenbaum, thuộc Ủy ban Kế hoạch thành phố. Rất nhiều người kinh doanh bất động sản ở New York, bao gồm cả William Zeckendorf, đều thuê hãng luật của Lindenbaum. Fred Trump cũng đã thuê Lindenbaum cho dự án Trump Village, công trình được xây dựng theo luật Mitchell-Lama. Lindenbaum và cộng sự Matthew Tosti từng xuất một tập hóa đơn tài chính dài 99 trang cho 4.500 giờ hầu tòa, được chi trả từ quỹ công, mặc dù công việc mà họ tuyên bố đã làm thực ra được xử lý bởi một cơ quan thành phố và một nhà thầu khác. Bằng cách nào đó hóa đơn này lại tới tay mấy tờ báo địa phương và trở thành một vụ bê bối lớn.
Mặc dù Fred Trump không bị buộc tội vi phạm pháp luật trong vụ Lindenbaum, ông vẫn bị yêu cầu phải làm chứng trước Ủy ban Điều tra tiểu bang New York, cơ quan được thành lập từ những năm 50 để hạn chế tham nhũng chính trị. Trong hoàn cảnh ít thoải mái hơn khi bị chất vấn bởi Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Fred phải biện luận hàng giờ đồng hồ các câu hỏi về dự án xây dựng Trump Village được nhận trợ cấp của bang. Hầu hết những điều ông nói đã tiết lộ mức độ thao túng tới mức kinh ngạc. Ví dụ, sau lời khai ban đầu do sự lơ là công việc, Trump tham khảo luật sư của mình và thay đổi lời khai để giải thích mình đã làm thế nào để thành lập một công ty độc lập, mua những thiết bị đã qua sử dụng – máy đào xúc, xe tải, vân vân – sau đó cho dự án Trump Village thuê lại ở mức giá gấp hai mươi lần chi phí thực tế. (Giá trị của một chiếc xe tải ở mức 2.600 đô la được thuê với giá 21.000 đô la. Máy cạo nền giá 500 đô la - máy đem đến lợi nhuận ròng 8.200 đô la cho Trump.) Bởi phí nhà thầu của Trump được tính dựa trên chi phí xây dựng cuối cùng như một khoản hoa hồng, ông kiếm được tiền trước hết qua giá thuê thiết bị cắt cổ và sau đó là cả khoản phí cuối cùng cho việc xây dựng khu căn hộ.
Vô cùng khéo léo, kế hoạch thiết bị của Trump về mặt cơ bản là hợp pháp theo quy định của luật Mitchell-Lama, và ông rõ ràng bực bội với những câu hỏi thăm dò của các luật sư ủy ban. “Tôi có 43 công ty mà mình là cổ đông duy nhất”, ông giải thích. “Đôi khi tôi chỉ đơn giản là quên mất những chuyện này”.
Khi làm chứng, Trump được tư vấn bởi chính Matthew Tosti, người có tên trên tờ hóa đơn gây tranh cãi dài chín mươi chín trang. Thỉnh thoảng Tosti tìm cách trả lời câu hỏi cho thân chủ của mình và bị nhắc nhở phải để nhân chứng tự trả lời. Ủy ban xác nhận rằng Trump đã chủ đích thổi phồng khoản ước tính chi phí xây dựng và sử dụng quỹ trợ cấp dôi ra để xây một trung tâm mua sắm gần khu căn hộ. Các nhân chứng khác giải thích ông đã làm thế nào để thu về 500.000 đô la lợi nhuận thêm vào bằng cách lợi dụng một số điều khoản nhất định trong luật. Cuối cùng, giám đốc của một tập đoàn nhà ở phi lợi nhuận lớn và lâu đời đưa ra lời khai rằng tổ chức của ông ta đã được cấp phép để xây dựng trên khu đất Trump Village vào năm 1957, nhưng gặp phải rắc rối liên quan tới chính trị.
“Chúng tôi được thành viên Hội đồng Đánh giá thông báo rằng chúng tôi không thể nhận được phê duyệt cho tới khi dàn xếp xong với ông Trump”, Abraham Kazan của Hiệp hội Nhà ở Liên bang nói. “Nên chúng tôi chấp nhận bỏ hơn một nửa… và Hội đồng Đánh giá cuối cùng cũng phê duyệt kế hoạch sửa đổi của chúng tôi vào tháng 5 năm 1960”.
Cũng như các điều tra viên chính quyền Tổng thống Eisenhower thẩm tra Cơ quan Quản lý Nhà ở Liên bang, Ủy ban Điều tra tiểu bang New York phát hiện một chương trình dường như được thiết kế chủ yếu có lợi cho các chủ đầu tư xây dựng theo hướng dẫn của những luật sư lành nghề. Trong các phiên điều trần của bang, cũng chính vị thượng nghị sĩ MacNeil Mitchell, người giúp xây dựng nên chương trình Mitchell-Lama bị yêu cầu giải thích cho hơn 400.000 đô la khoản phí mà hãng luật của ông nhận từ các nhà thầu xây dựng – bao gồm cả Fred Trump – người tham gia vào chương trình này. Một lần nữa, lại có thêm nhân chứng nhấn mạnh rằng khoản lợi nhuận không thích hợp của ông ta là hoàn toàn hợp pháp và còn tỏ vẻ tức giận với lời ám chỉ có chuyện gì đó không đúng xảy ra. Mitchell thậm chí còn miêu tả công việc mình đã làm cho các nhà thầu xây dựng như “một dịch vụ công ích” và tự nhận mình không phải là một trong những quan chức chính quyền thực sự nhận tiền từ các nhà thầu để đổi lấy ảnh hưởng của họ. Còn ông thực sự đã làm việc để có được số tiền đó.
Kết quả của các phiên điều trần ủy ban là không ai bị khởi tố, tuy nhiên trang xã luận của tờ The New York Times nhắc tới tên Fred Trump khi chỉ trích những người mà theo thuật ngữ của tờ báo là “kẻ trục lợi” - những kẻ lợi dụng tiền thuế của người dân. Chủ tịch Ủy ban lên án Trump và những người khác là “những kẻ hám của và tham lam” mà chính sự thao túng của họ đã lợi dụng người dân New York, đẩy giá thuê nhà tăng cao, và xúc phạm đến tinh thần của chương trình Mitchell-Lama, vốn được thiết kế để xây dựng những căn nhà có giá cả phải chăng nhờ kết hợp các khoản giảm thuế và trợ cấp vốn.
Mặc dù vẫn giữ được khoản lợi nhuận và tiền thuê nhà từ cả Trump Village lẫn trung tâm mua sắm trong nhiều năm về sau, Fred Trump đã bị tổn hại bởi chuyện trải qua trước Ủy ban. Không luật nào của tiểu bang hay liên bang có thể ngăn cấm ông nộp hồ sơ mới để nhận các khoản giảm thuế và trợ cấp của các chương trình chính phủ đem lại. Nhưng dư âm của vụ bê bối bao lấy ông trong các phiên điều trần ủy ban khiến dự án của ông được chấp thuận trở nên khó khăn hơn nhiều. Đối thủ cạnh tranh và kẻ thù – mà người kinh doanh nào cũng đều có – chắc chắn đều tận dụng “bản án” này của ông để phản đối bất kỳ hồ sơ nào của ông với hy vọng ngăn chặn một đối thủ hoặc chỉ để khoe khoang về tin tức của mình.
Và đây còn là cả một vấn đề về chính trị. Mặc dù là một người Đảng Cộng hòa, Trump lại liên kết với bộ máy chính quyền Đảng Dân chủ, những người đang chịu sự săm soi ngày một tăng từ những người thuộc chính quyền tốt. Nhiều tuần trước khi Trump ra làm chứng, thị trưởng Wagner của Tammany đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bởi thành viên Đảng Cộng hòa John V. Lindsay, người có tư tưởng cải cách với khẩu hiệu chiến dịch mượn từ nhà báo Murray Kempton, là “Ông ấy mới mẻ còn mọi người thì mệt rồi”. Trong suốt tám năm cầm quyền của Lindsay, nhà Lindenbaum, Mitchell và nhiều gia đình khác nữa, những người đã sử dụng quá nhiều ảnh hưởng cho lợi ích chủ thầu xây dựng đã bị loại dần khỏi chính trường. Bất kỳ kế hoạch nào của Trump cần sự phê duyệt của thành phố, mà mỗi dự án nhà ở lớn đều cần thành phố phê duyệt, sẽ phải giành được sự ủng hộ của chính quyền Lindsay dựa trên chính chất lượng của những dự án đó. Chưa từng làm kinh doanh dưới tình cảnh như vậy, Trump bắt đầu tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ đào tạo người kế nghiệp mình.
Trong một gia đình coi trọng nam quyền, Fred Trump con là người đầu tiên trong gia đình có quyền thừa hưởng quyền quản lý kinh doanh. Lớn hơn Donald tám tuổi, Freddy đã cố gắng để trở thành ông hoàng kiệt xuất như hình dung của bố, nhưng lại quá yếu mềm để thành công. Ông học trung học ở trường quý tộc Episcopal, Long Island thay vì ở một học viện quân sự. Tại Đại học Lehigh, ông tham gia Trường Đào tạo Sĩ quan Không quân dự bị và đắn đo trở thành một phi công, nhưng khi hoàn thành xong việc học hành ở trường, ông bắt đầu nghiêm túc làm việc với vai trò trợ lý của bố.
Trong văn phòng ở Đại lộ Z và trong suốt thời gian hai bố con trên công trường, Freddy Trump rất khó khăn trong việc hiểu những bài học bố mình đang cố gắng truyền đạt. Là một người vô cùng giàu có nhưng vẫn nhặt những mảnh đinh ở công trường xây dựng, Fred Trump không thể chịu được việc lãng phí dù chỉ một đồng nào. Và không hiểu sao người con trai cả của ông lại bỏ qua việc bố mình đặt nặng vấn đề hoang phí ra sao. Khi được trao cơ hội cải tạo một tòa nhà cũ, Freddy đã thay một loạt cửa sổ mới hoàn toàn. Khi phát hiện ra, Fred đã mắng nhiếc cậu con vì ông cho rằng những chiếc cửa sổ cũ vẫn có thể dùng tốt trong vài năm nữa.
Nhìn anh trai cố gắng làm hài lòng bố, Donald thấy tội nghiệp thay cho anh. Freddy là một người anh rất tốt bụng, người đã lên lớp Donald một bài học về sự nguy hiểm của thuốc lá và rượu, hai thói quen mà Freddy không thể bỏ. Mặc dù yêu quý ông anh đến mức nào, Donald cũng không thể chịu được cảm giác có chút bực bội với những vấn đề của Freddy. Cha mẹ họ không bao giờ uống quá đà và có lẽ coi hành động như vậy là một dấu hiệu của tính xấu. (Chính bố của Fred Sr. cũng có thể là một người nghiện rượu.) Donald đã mong Freddy có thể cố gắng nhiều hơn để chứng tỏ cho bố mẹ thấy mình có thể kiểm soát được bản thân. Hơn nữa, người đàn ông nhà Trump phải cứng rắn, kể cả khi làm việc với nhau, nhưng khi bị bố mắng nhiếc, Freddy tổn thương tới nỗi thể chất cũng suy sụp. Thật khó mà nhìn cảnh tượng ấy.
Học được từ những gì nhìn thấy, Donald kiên quyết chống đối lại bất kỳ ai thách thức mình, kể cả bố. Nhiều năm sau ông nói, “Tôi luôn phản bác lại. Bản thân bố tôi cũng là một đứa con cứng rắn”. Tuy nhiên, ông nói thêm, “Bố tôi tôn trọng tôi bởi tôi dám chống lại bố”.
Khi Donald bắt đầu làm việc toàn thời gian tại công ty gia đình, Freddy được giao một nhiệm vụ khó khăn là giám sát một đề án xây dựng trên mảnh đất công viên giải trí lớn cuối cùng ở đảo Coney. Công viên Steeplechase mở cửa vào năm 1897, trên khoảng đất bên bờ biển với diện tích mười lăm mẫu (hơn 6 hecta). Người sáng lập George Tilyou đã chuyển sang kinh doanh giải trí sau khi chán chường bất động sản. Ông xây dựng một lối đi trung tâm đầy trò chơi và quầy hàng, và trang trí công viên với hình ảnh nhân vật có nụ cười ma quỷ tên Tillie hay còn gọi là Steeplechase Jack, mái tóc bện hình đôi sừng quỷ và gương mặt gớm ghiếc chắc hẳn đã lơ lửng trong nhiều cơn ác mộng của trẻ thơ. Điểm thu hút chính của công viên là “cuộc đua ngựa” mô phỏng, cho phép mười hai người cưỡi – hai người một ngựa – cưỡi dọc đường đua bao quanh một khu đất. Người chơi mặc đồ lụa và lính thổi kèn báo hiệu khởi đầu mỗi cuộc đua với giai điệu nổi tiếng “Call to Post”. Người đua phải vượt qua vài chướng ngại vật, băng qua một dòng nước rồi bị té nước. Khi kết thúc cuộc đua, họ phải chịu bàn tay quấy rối của những chú hề và những “lỗ phun nước” tung cả váy các cô gái và kích động những tiếng reo hò từ khán giả đang ngồi phía khán đài.
Nhiều năm qua, hàng triệu người đã tới vui chơi tại Công viên Steeplechase, nơi sự cuốn hút của môn nhảy dù của Tilyou và tòa tháp 250 foot đã trở thành một biểu tượng cột mốc. Steeplechase vẫn phát triển bất kể sự nổi lên của Công viên Luna lớn hơn, nơi thả neo chuyến hành trình “máy bay cánh chim” chở 30 người tới cảnh cung trăng làm từ giấy bột, nơi hành khách được chào đón bởi các thiếu nữ trên cung trăng. Những trung tâm giải trí này cùng nhau tạo nên một sự thần bí của đảo Coney khiến khu bờ biển kéo dài trở thành một thứ hoài niệm, thậm chí cho cả những người chưa từng tới đây. (Một phần của hiện tượng này là do đảo Coney xuất hiện nhiều trên sách báo, phim ảnh và âm nhạc.) Vào thời điểm Fred Trump mua mảnh đất Steeplechase, thời kỳ đỉnh cao của đảo Coney như một khu nghỉ dưỡng ban ngày đã qua đi. Rất nhiều người tầng lớp trung lưu Brooklyn đã rời bỏ khu ngoại ô này. Kinh doanh sụt giảm, những quán bar xập xình đóng cửa. Đất đai được đem bán và những tòa nhà căn hộ bắt đầu mọc lên ngay dọc lối đi lát ván gỗ. Những người thừa kế của George Tilyou bán Công viên Steeplechase diện tích 12,5 mẫu cho Fred với giá 2,5 triệu đô la. Trump đã mường tượng được về những căn hộ cao tầng, kiểu tòa nhà ông từng thấy trong những chuyến đi nghỉ ở bãi biển Miami.
Dù trên đảo Coney, các căn hộ vẫn đang được xây dựng, không một căn hộ nào được xây ở các lô đất phía nam Đại lộ Avenue, nơi các công viên giải trí từng hoạt động và cũng là nơi chính quyền thành phố dành riêng cho các khu vui chơi giải trí. Ở khu vực này, hầu hết các bất động sản đều cho phép người khác có quyền tiếp cận bãi biển trực tiếp và không hạn chế, nơi những người thuộc tầng lớp nghèo và trung lưu New York dần coi như là của chính mình. Qua nhiều thế hệ, bãi biển đảo Coney đến và đi tự do đã trở thành biểu tượng cho một New York quân bình, một trong số ít tiện nghi nơi đây không bắt buộc người ta phải mua vé vào cửa. Như một người ủng hộ kinh doanh địa phương nói, thành phố vô cùng cần “một nơi mà những người địa vị thấp có thể tới và xả hết tức giận trong lòng mình”. Về phần mình, Freddy Trump lý luận rằng những ngày tháng với vai trò khu nghỉ dưỡng cho những người tầng lớp thấp của đảo Coney đã trôi qua từ rất lâu rồi. Ông lập luận, “Các anh và tôi đều sẽ chẳng đưa con cái tới đó. Người ta e ngại đi bộ ở Đại lộ Surf vào buổi tối”.
Thật không may cho Freddy, thời gian trôi qua dự án Steeplechase ngày một trở nên khó khăn hơn. Chiến thắng chớp nhoáng trong ngày bầu cử của thị trưởng Lindsay đánh bại đối thủ cổ hủ, luôn nhóp nhép xì gà tên Abe Beame đã giảm bớt đáng kể quyền lực chính trị của những người đã tạo mọi thứ dễ dàng hơn cho Fred Sr. Rồi còn sự xuất hiện rắc rối của bố Freddy trước ủy ban điều tra. Bất kể kết cục thế nào, những triển vọng của gia đình Trump về việc vượt qua giới hạn mà thành phố áp đặt trên bất động sản của đảo Coney trở nên mong manh dần khi cuộc tra hỏi khiến Fred Sr. vẻ như là một phần của quá khứ Tammany thối nát. Ông cố gắng thuyết phục Walt Disney và những người khác phát triển Công viên Steeplechase như một trung tâm giải trí, nhưng không ai đồng ý nhận lời chào mời của ông. Mùa hè năm 1966, ông hủy bỏ kế hoạch của mình để tiến hành một dự án lớn hơn bao gồm cả nhà ở và trung tâm giải trí hội nghị hoạt động quanh năm, được bao quanh bởi mái vòm bằng kính hoặc nhựa. Những cơ sở tiện ích này sẽ được xây dựng trên đất mua bởi thành phố và các cơ sở kinh doanh còn đang mở cửa và hoạt động nơi đây sẽ được di dời.
Được phác thảo bởi Morris Lapidus, “mái vòm niềm vui” như The New York Times đã gọi, sẽ đủ cao để chứa một vòng đu quay Ferris. Trong bản vẽ thiết kế, những đường cong mềm mại mô phỏng nhà ga biểu tượng mới của kiến trúc sư Eero Saarinen tại Sân bay Quốc tế Dulles Washington, D.C., mở cửa năm 1962. Đương nhiên, một bản vẽ thiết kế có thể khá rẻ, và kế hoạch, được trình bày ở Khách sạn Americana, Manhattan do Lapidus thiết kế, chẳng gì hơn ngoài một viễn cảnh mơ hồ về những gì có thể xảy ra trong điều kiện lý tưởng. Lapidus thậm chí còn gợi ý rằng khu giải trí có thể được cấp vốn và hoạt động bởi một cơ quan chính phủ mới, được thành lập cho một mục đích duy nhất này, và cũng sẽ đền bù cho các chủ kinh doanh bị di dời do dự án.
Người lên tiếng ủng hộ tầm nhìn to lớn của Trump về đảo Coney là Quận trưởng Abe Stark của Brooklyn, người bắt đầu nổi tiếng ở địa phương từ tấm biển quảng cáo việc kinh doanh may mặc với lời hứa hẹn HIT SIGN, WIN SUIT (Ném trúng biển, miễn phí lễ phục) treo dưới bảng ghi điểm ở Sân vận động Ebbets Field vừa mới bị phá bỏ. Tấm biển quảng cáo được tất cả người hâm mộ trên sân bóng chày nhìn thấy, nó xuất hiện trên ảnh tin và cả chương trình thời sự, khiến Stark nổi tiếng tới mức những người bỏ phiếu đã ủng hộ ông từ một người thợ may, rồi trở thành thành viên hội đồng thành phố, cho tới quận trưởng. Tuy nhiên, Stark không phải một chính trị gia thiên bẩm và không bao giờ đạt được quyền lực chính trị như người tiền nhiệm của ông (cũng là người ủng hộ Trump) John “Cashbox” Cashmore làm được. Stark không thể lôi kéo thậm chí cả những người bạn làm ăn làm đồng minh để ủng hộ kế hoạch Trump/Lapidus. Phòng Thương mại đảo Coney phản đối dữ dội ý tưởng này và đưa ra lời chỉ trích gay gắt, một phần trong đó nói, “Ông Trump đang mắc kẹt với tài sản đất đai hiện thời của Steeplechase trên đó ông ta không thể xây nhà ở do quy hoạch vùng. Nếu làm theo kế hoạch đó, ông ta đang trao đổi nó để lấy đất đai của thành phố. Ông ta đang tống khứ một thứ vô dụng đi… Bãi biển sẽ trở thành nơi cư trú cá nhân cho những người thuê căn hộ của ông Trump”.
Cuộc họp báo tại Khách sạn Americana do Fred Jr. tổ chức chẳng đem đến kết quả gì ngoài chút truyền thông quảng bá về Fred Trump Sr. là một người có tầm nhìn. Nhiều tuần sau đó, Freddy mời bạn bè và cộng sự của bố tới bữa tiệc phá dỡ bên trong khu Pavilion of Fun khổng lồ được xây từ sắt và gương kính, nơi từng tổ chức các cuộc đua và các màn biểu diễn thu hút mà từ hồi đó đã qua tay rất nhiều người làm kinh doanh giải trí trên khắp cả nước. (Tòa tháp nhảy dù của công viên vẫn được giữ lại vì chi phí ước tính cho việc dỡ bỏ và vận chuyển đến địa điểm mới làm nản lòng bất cứ người nào có ý định.)
Mặc dù vẫn bị hạn chế bởi quy định của thành phố về quy hoạch vùng, Fred Trump Sr. tỏ vẻ như mình đã vượt qua được vướng mắc với thành phố. Trong khi các vị khách nhấm nháp sâm panh, sáu cô gái trẻ trong bộ bikini và mũ bảo hộ lao động vờ làm động tác kéo sợi dây làm đổ bức tường gạch. Những “cô gái”, như báo chí miêu tả, sau đó đứng trong một cái gàu xúc đất khổng lồ và đứng tạo dáng chụp hình. Fred cũng thay lượt vào ngồi trong vị trí điều khiển của chiếc xe ủi. Người xem chớp cơ hội ném gạch vào một phần khung kính lều trại, nơi một bức tranh khổng lồ về Steeplechase Jack trang trí cho những tấm kính và chào đón các vị khách tới thăm đã hơn năm mươi năm.
Trò truyền thông cuối cùng trong sự nghiệp của Fred Trump, một màn biểu diễn khuếch trương bikini/xe tải nặng/sâm panh là một ví dụ hay cho hiện tượng mà nhà viết sử Daniel J. Boorstin đã miêu tả gần đó trong cuốn sách mang tính bước ngoặt có tựa đề The Image: A Guide to Pseudo-Events in America (Tạm dịch: Hình tượng: Chỉ dẫn về sự kiện ngụy tạo ở Mỹ). Boorstin quan ngại sâu sắc về những lý tưởng đạo đức, những mối quan hệ chân thực và trải nghiệm của con người đang bị dần thế chỗ bởi những hình ảnh và những “sự kiện ngụy tạo” được xây dựng bởi các chuyên gia quan hệ công chúng, tập đoàn, chính trị gia và chính quyền. Người dân Mỹ, những người đang bị cuốn chìm trong những hình ảnh và sự kiện kiểu này, thường coi chúng là thật và có ý nghĩa. Một dấu hiệu của sự chấp nhận này là cách người ta bắt đầu có nhiều hơn những bức ảnh tạo dáng và những bộ phim gia đình dàn dựng. Chúng sau đó được so sánh với hình ảnh của những người được coi là nổi tiếng và những khái niệm về cuộc sống tốt đẹp như quảng cáo đem đến thì “mới mẻ” và “hiện đại”. Đương nhiên, quảng cáo chỉ thành công khi người ta mua một sản phẩm, và như vậy tính mới lạ không còn nữa. Những người kiếm tìm địa vị vì thế mà chán nản cho đến khi họ tìm được điều gì đó mới tiếp theo để quảng cáo và bán.
Những vấn đề Boorstin miêu tả vẫn còn choán tâm trí của nhiều thế hệ nhà văn sau này. Nhiều người đã tìm cách giải quyết mối lo lắng và sự chán nản vốn là triệu chứng của thứ mà ông gọi là “bệnh kỳ vọng ngông cuồng”, gây ra bởi các hình tượng và hiện tượng ngụy tạo. Trong cuốn On Photography (Tạm dịch: Nhiếp ảnh luận), Susan Sontag quan sát thấy rằng những bức ảnh rẻ tiền mà hàng trăm người vẫn chụp, đã tạo ra sự tự vấn ở một mức độ chưa từng thấy – bà gọi đó là sự “tự giám sát” – ngăn cản sự thể hiện bộc phát và khuyến khích những hành động tạo dáng và diễn kịch. Người ta thường quá bận rộn không thể dành nhiều thời gian xem xét mình bị ảnh hưởng nhiều thế nào trước sự tấn công dồn dập của truyền thông mà đơn giản chỉ tiếp nhận hoặc phản ứng lại nó theo cách tốt nhất có thể.
Ngoại trừ thỉnh thoảng có những lời phàn nàn về áp lực “theo kịp xã hội”, hầu hết mọi người đều thực sự bận rộn với việc bắt kịp xã hội. Mỗi ngày lại có thêm nhiều hình ảnh và sự kiện ngụy tạo nhấn mạnh rằng việc phấn đấu để có được những thứ cần thiết – một bộ quần áo mới, xe hơi, nhà cửa – sẽ đem đến sự trọn vẹn và thậm chí là cả hạnh phúc. Sự thật là có rất ít người đạt đến trạng thái này như được định nghĩa và minh họa bởi những người dàn dựng và truyền hình. Nhưng điều này không bao giờ được nhắc tới, kể cả riêng tư, vì như vậy sẽ gieo mối nghi ngờ lên toàn bộ nền tảng đời sống thương mại.
Trên thị trường tăng trưởng mạnh mẽ như Boorstin và nhiều người khác đã miêu tả, một số ít những người đàn ông tài năng và tháo vát có thể đạt được cuộc sống địa vị cao như hình tượng mô tả. Điều này đúng nhất với những người như Donald Trump, được thừa hưởng ưu thế về tài năng, tài sản gia đình, và các mối quan hệ hữu ích kế thừa từ một người bố thành công. Khi vẫn còn là một sinh viên tại Đại học Pennsylvania, Donald tự tin vào tương lai của mình tới nỗi rất nóng lòng bắt đầu cuộc đời mình với tư cách là đối tác của bố và hoàn thành giấc mơ của ông dành cho mình. Sau này ông hồi tưởng lại, “Bố tôi là một doanh nhân luôn kỳ vọng sự thành công lớn lao ở tôi”.
Một tháng sau lễ phá dỡ trên đảo Coney, Fred Trump đến trình diện trước Ủy ban Kế hoạch thành phố, những người phản đối đề án xây dựng và nghiêng về hướng thu mua mảnh đất Steeplechase với mục đích sử dụng làm công viên. Trump nói với hội đồng rằng họ đang lãng phí “một mảnh đất rất giá trị” bởi người ta chỉ ghé thăm nơi này vào mùa hè. Tuy vậy, ông không đấu tranh quá mạnh mẽ để cứu dự án của mình, và nỗi đau vì sự mất mát mảnh đất này gây ra cho ông đều có thể chắc chắn được xoa dịu bởi khoản lợi nhuận 1,2 triệu đô la thành phố trả cho ông khi thu mua mảnh đất này.
Mặc dù khoản lợi nhuận khoảng 25% mỗi năm của ông cao hơn gấp ba lần tốc độ tăng trưởng Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones trong cùng khoảng thời gian, lợi nhuận Fred Trump thu được từ mảnh đất Steeplechase ít hơn nhiều so với những gì ông có thể gặt hái được từ kế hoạch ban đầu. Ông đã mường tượng được một dòng chảy tiền thuê nhà từ các căn hộ và những vụ kinh doanh mà cuối cùng cũng trả hết tiền cho những người bỏ vốn và sinh lời hàng triệu đô la lợi nhuận ròng kể cả khi lạm phát đẩy giá trị tài sản đất đai tăng cao. Công thức này – đầu tư + thời gian = doanh thu và giá trị lớn hơn – là điều kỳ diệu của bất động sản. Bằng cách tuân theo công thức này, Fred Trump đã tích lũy được khối tài sản đủ cho ông phát triển những dự án lớn hơn trong khi vẫn đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với tài sản cá nhân. Sau cùng, những phương pháp này còn cho phép chủ đầu tư sử dụng vốn của một dự án như là khoản trả trước cho một dự án khác và thoát được việc sử dụng bất cứ khoản tiền nào của mình. Họ thậm chí còn có thể tránh phải nộp thuế đánh trên lợi nhuận bằng cách đầu tư những khoản đó vào bất động sản mới. Điều khoản này trong luật thuế, ban đầu được viết ra là để hỗ trợ nông dân, giờ lại giúp bất động sản trở thành việc kinh doanh tốt hơn bao giờ hết.
Những biến số của gia đình Trump trong công thức "món ăn" bất động sản căn bản thường bao gồm một chút lượng “dầu mỡ” chính trị và một chút “gia vị” kinh doanh giải trí, vì mục đích truyền thông. “Pha trộn” chính xác phải phụ thuộc vào địa điểm, sự cạnh tranh và mức độ hứng thú của công chúng. Ví dụ, một kiến trúc sư nổi tiếng có thể giành được sự ủng hộ của truyền thông vô giá cho một đề án xây dựng và có thể thúc đẩy quan chức chính quyền thành phố hãy coi dự án sẽ mang đến lợi ích, và thậm chí là thanh thế. Truyền thông báo chí tốt có thể tác động tới người mua hay thuê nhà ở những địa điểm nhất định. Dự án Steeplechase gần như đã có Morris Lapidus và những người đẹp bãi biển đứng trong gàu múc của máy xúc. Nhưng khi bật nắp sâm panh và mời các vị khách của mình ném vỡ gương mặt Jack, Fred Trump đã cho thấy tình cảm của mình dành cho New York nói chung, và đảo Coney nói riêng, ít nhiều bớt thiết tha.
Một sự kiện ngụy tạo chào tạm biệt công viên giải trí cũ đã có thể là một dịp nâng cốc tạm biệt. Thay vì được mời tới để ném gạch vào biểu tượng của những ngày xưa cũ tốt đẹp, khách mời đáng ra có thể được trao cơ hội nhảy dù chao liệng xuống đất. Những gì đã mất đáng được công nhận với chút tôn trọng. Thay vào đó, sự kiện lại kết hợp khát vọng lợi nhuận của Trump và nhu cầu của chính thành phố. Cách tiếp cận này phớt lờ giá trị của một bờ biển mà hàng triệu người có thể tới thăm với giá vé tàu điện ngầm. Và lời phàn nàn của Trump về bất động sản dọc bờ biển có thể bị lãng phí cho một khu giải trí chỉ được sử dụng hai tháng đã phớt lờ nhiều người dân địa phương và khách du lịch vẫn đi dạo trên bãi biển, ngắm nhìn cảnh hoàng hôn và quăng bắt cá vược sọc trong những tháng mùa lạnh. Đây chính là đảo Coney họ có thể đánh mất cho việc xây dựng, và cũng chính là điều họ giành được khi thành phố từ chối thay đổi quy hoạch mà Trump cần để tiến hành dự án.
Fred Trump con, người đáng lẽ có nhiệm vụ giúp đỡ coi sát dự án cho tới khi hoàn thành, đã chạy trốn khỏi việc kinh doanh gia đình sau khi đề án Steeplechase thất bại. Khi hãng Hàng không Xuyên thế giới TWA chấp nhận hồ sơ, ông bắt đầu được đào tạo làm phi công, sự nghiệp mà ông theo đuổi suốt nhiều năm liền. Vào thời điểm đó, TWA cho dừng hoạt động hàng loạt máy bay cánh quạt cuối cùng để dùng một hạm đội toàn máy bay phản lực. Các phi công năm đầu tiên được trả một khoản lương mỗi năm tương đương với 110.000 đô la năm 2015, và người kinh nghiệm nhất có thu nhập khoảng gấp ba lần số đó.
Được truyền thông tán dương và công chúng tôn trọng, các phi công giành được địa vị cao trong xã hội. Donald Trump nhớ công việc và cuộc sống gia đình ở Florida của ông anh trai khiến ông hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một cuộc sống hạnh phúc là không đủ cho một người đàn ông nhà Trump. Hình mẫu đàn ông được xây dựng bởi Fred Bố mà rõ ràng ông đã thừa hưởng từ người bố di cư từ Đức của mình, đòi hỏi sự cạnh tranh và chiến thắng đem đến sự giàu có lớn lao. Phi công được trả thù lao tốt, nhưng theo tiêu chuẩn nhà Trump thì vẫn chẳng được coi là giàu. Và xét rằng công việc này chủ yếu liên quan tới việc chuyên chở hành khách sao cho an toàn, làm sao một phi công này có thể giỏi hơn một phi công khác được? Anh ta không thể, đó là lý do tại sao Fred Bố và Donald không thể cưỡng lại việc trêu chọc Freddy mỗi khi họ ở cùng nhau. Donald hỏi, “Có gì khác biệt giữa công việc anh làm và việc lái xe buýt chứ?”.
***
Với việc người con trai cả bắt đầu con đường của riêng mình và dự án mơ ước thất bại, Fred Trump Bố đã đến giai đoạn bước ngoặt trong đời. Ở tuổi 61, ông đã sống hơn bố mình 12 năm, và chưa đến ba thập kỷ, xây dựng một trong những danh mục bất động sản lớn nhất thành phố New York. Nhưng trò chơi mà ông lâu nay vẫn biết đang thay đổi. Những người bạn cũ trong giới chính trị và chính phủ đang bị buộc phải ra đi hoặc tự mình rời bỏ. Chính quyền thành phố đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khi thâm hụt ngân sách bắt đầu dưới thời đại của Wagner và vẫn tiếp tục dưới thời Thị trưởng Lindsay. Tầng lớp lao động và những gia đình trung lưu, những người từng vô cùng hào hứng cư ngụ trong những tòa nhà của Trump ở Brooklyn, giờ đang tham gia vào “cuộc di cư trắng” tới vùng ngoại ô, bỏ lại phía sau những khu dân cư dần rơi vào cảnh nghèo đói.
Cuộc khủng hoảng này không phải chỉ ở New York. Hầu hết các vùng đô thị Mỹ đã bắt đầu suy thoái chậm nhưng đều đặn từ những năm 50. Xu hướng này tăng nhanh vào những năm 60 và được đánh dấu bởi các cuộc xung đột chủng tộc, chủ yếu là lực lượng cảnh sát da trắng chống lại những người da đen. Năm 1964, hàng nghìn người da đen đổ xô xuống đường tại Harlem và các khu dân cư khác ở New York sau khi một sĩ quan da trắng bắn chết một thiếu niên da đen trong lúc làm nhiệm vụ. Năm 1965, tình trạng thù địch chủng tộc sục sôi kéo dài dẫn tới bạo loạn diễn ra khắp nơi ở khu dân cư Watts của Los Angeles, và hai mùa hè sau đó nhiều cuộc bạo loạn được chứng kiến xảy ra ở Cleveland, Omaha, Newark và Detroit. Mọi thứ đã tồi tệ vào năm 1967, và còn tồi tệ hơn nữa vào năm 1968 sau khi Martin Luther King con bị ám sát ở Khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee. Mùa hè năm ấy, bạo lực bùng nổ tại 50 thành phố. Cảnh sát ở Baltimore và Chicago bị áp đảo tới mức đội Vệ binh Quốc gia phải được điều động để tuần tra các con phố.
Những ảnh hưởng của bất ổn sắc tộc trong những năm 60 tồn tại kéo dài khi các trung tâm đô thị mất đi cơ sở kinh doanh, công ăn việc làm và cả cư dân. Những năm 70, dân số New York giảm 10%, lần đầu tiên trong lịch sử thành phố chứng kiến tỷ lệ dân số giảm ở mức hai con số. Nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, và nhiều chủ lao động lớn, bao gồm cả các công ty sản xuất đều chuyển tới các vùng ngoại ô và vùng Vành đai mặt trời, mang theo cả công ăn việc làm đi cùng. Các thành phố khác cũng chịu cảnh tương tự. Năm 1971, hơn 200 người thiệt mạng trong các cuộc bạo động liên quan tới vấn đề chủng tộc từ Boston cho tới Los Angeles. Các thành phố thiệt hại hàng tỷ đô la, giá trị nhà đất giảm khi những kẻ đốt phá thiêu rụi toàn bộ các tòa nhà và nhiều dãy nhà.
Mặc dù chủng tộc là yếu tố rõ rệt nhất của cuộc di cư trắng thì tình trạng bất ổn dân sự, nghèo đói cũng là vấn đề lớn. Sự kỳ thị trong việc làm, nhà ở và giáo dục đã giới hạn một số nhỏ người dân Mỹ phấn đấu vươn lên mức độ giàu có hay sự ổn định nào đó. Ở những quận ngoại thành New York, những người da đen nghèo và người Hispanic đã chuyển tới sinh sống ở những khu dân cư mà người da trắng và chủ lao động của họ đã bỏ trống. Nhiều cộng đồng trong số này đã trở thành “khu nghèo đói” chính thức, nơi khoảng hơn 30% cư dân sống phụ thuộc vào các khoản phúc lợi của chính phủ. Vấn đề này đặc biệt cấp thiết ở các vùng Flatbush, Greenpoint, và đảo Coney của Brooklyn, những khu vực mà thu nhập giảm và tỷ lệ tội phạm tăng.
Trước sức ép giảm tiền thuê nhà và giá trị bất động sản giảm sút, các chủ sở hữu nhà, các nhà đầu tư bất động sản và các chủ nhà trọ trong một số khu dân cư ở New York phải đối mặt với tình hình thị trường tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Mỗi tháng hơn một trăm ngôi nhà bị bỏ trống, và hầu hết là do người thuê thấy căn hộ không có đầy đủ tiện ích nên nhanh chóng bỏ đi.
Một số chủ nhà chống đối không bán nhà cho người da đen và người Hispanic, và một số khác từ chối không cho họ thuê. Mặc dù một số chủ cho thuê thực sự phân biệt chủng tộc, song hầu hết đều nói rằng họ bị thúc đẩy bởi động cơ tài chính. Họ coi những người da đen và da màu là những người nghèo và e ngại về những khoản tiền thuê không thể thu hồi và chi phí cho những cuộc tranh cãi khi phải đuổi họ đi. Các chủ đầu tư xây dựng ở các quận ngoại thành New York cắt giảm các hoạt động của mình, đặc biệt là trong các khu dân cư trung lưu và nghèo, và hy vọng rằng thời gian qua đi họ có thể một lần nữa kiếm được những khoản lợi nhuận thực sự từ việc xây nhà và các khu thương mại. Tới năm 1969 các chủ đầu tư tư nhân đã dừng xây dựng nhà ở với giá thị trường cho giới người giàu nhất New York (tờ The Times liệt kê họ vào “top 7%”), và chỉ những căn hộ được xây dựng cho phần dân số còn lại được chính phủ trợ cấp. Những căn hộ như vậy tăng ở tốc độ tối thiểu tới mức danh sách chờ phải dài đến cả thập kỷ.
Ở Đại lộ Z, Fred Trump chú tâm làm việc, tự hài lòng với việc thu tiền thuê nhà và kiểm soát chi phí hàng ngàn căn hộ trong những tòa nhà ông sở hữu và quản lý. Với việc Freddy rời bỏ việc kinh doanh, Fred cũng tập trung đào tạo cậu con trai Donald của mình, đứa con vẫn đang ngày ngày tới học ở Đại học Pennsylvania và cuối tuần thì về làm việc với công ty gia đình. Sau hai năm ở trường Fordham, Donald đăng ký vào Penn, học chuyên ngành bất động sản tại Trường Tài chính Thương mại Wharton. Một thập kỷ trước đó, các biên tập viên tờ báo sinh viên Trường Penn đã công khai chỉ trích ảnh hưởng của Trường Wharton trong khuôn viên trường học, mô tả nó là “tác động hủy hoại nhất” trong việc nghiên cứu khoa học và nghệ thuật tự do. Trong khoảng thời gian ở trường học, Donald Trump đã tiếp thu mọi điều có thể từ các giáo sư của mình, dành sự chú ý đặc biệt tới những vấn đề rắc rối của tài chính cấp cao. Ở nhà tại New York, ông nghiên cứu tài sản của bố để tìm kiếm các cơ hội phát triển.
Nhờ cùng bố tới thăm vô số tòa nhà, Donald học được nghệ thuật thu tiền thuê nhà rất trần trụi, một việc mà khi trực tiếp làm, cần phải bước sang một bên mỗi khi cửa mở, phòng hờ khi ai đó có chuẩn bị sẵn, ví như với một xô nước nóng chẳng hạn. Những việc như vậy đúng là có xảy ra. Donald cũng được dạy cách bảo dưỡng để kéo dài tuổi thọ của một số thiết bị và đồ đạc nhất định, trong khi cũng tránh được những khoản sửa chữa khẩn cấp tốn kém. Noi gương bố, Donald không bao giờ đi làm mà không có áo khoác và cà vạt, và ông đảm bảo mình đủ hiểu mọi khía cạnh của việc kinh doanh để hướng dẫn nhân viên và theo sát những nhiệm vụ mình đã giao cho họ.
Với lựa chọn như vậy, Donald muốn bỏ qua việc học hành nghiêm túc. Ông không phải là một học trò thiên tài và cũng chẳng mấy hứng thú với những cơ hội xã giao đến từ trong hay ngoài khu trường học Philadelphia. Tuy nhiên, bố ông cương quyết Donald phải có bằng đại học. (Đây là điều tự hào của ông khi con trai mình là một sinh viên tốt nghiệp một trường Ivy League.) Nếu Donald bỏ học, có thể ông đã mất quyền hoãn nghĩa vụ và phải đi nhập ngũ và có lẽ, phải tham gia cả chiến đấu ở Việt Nam.
Khi cuộc chiến tranh nặng nề kéo đến, thế hệ thanh niên thời Trump đã tham gia nghĩa vụ quân sự với tốc độ hơn một triệu người mỗi năm. Hơn một phần ba số đó phục vụ ở Đông Nam Á. Với con số lính Mỹ tử vong tăng lên tới mức tổng sau cùng là gần 60 nghìn người, sự phản đối chiến tranh cũng tăng lên, và các cuộc bạo động quần chúng diễn ra ở gần khắp các trường đại học mọi miền tổ quốc. Ở nhiều nơi, những người phản đối đóng cửa các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên mang chướng ngại vật ra chặn đường, đốt thẻ quân dịch và, nhiều trường hợp là cả các tòa nhà trường học. Điều tồi tệ nhất xảy ra vào năm 1970 khi bốn sinh viên thiệt mạng và chín sinh viên khác bị thương khi đội Vệ binh Quốc gia xả súng vào những người biểu tình ở Trường Đại học Kent State, bang Ohio. Vụ giết hại ở Kent State đã kích động sự phản đối chiến tranh trong giới người trẻ, theo sau đó là hàng trăm cuộc phản đối khắp cả nước.
Mặc dù các trường Ivy League như Columbia và Harvard là các lò phong trào hoạt động, sinh viên trường Pennsylvania lại không cố chấp đến vậy. Tuy nhiên, vào năm 1965, hơn một ngàn sinh viên tham gia “cuộc hội thảo” phản chiến, và năm 1967 khoảng 50 sinh viên quấn băng đen quanh mũ rơm, đeo mặt nạ phòng độc trong ngày truyền thống mùa xuân Hey Day của trường, ngày lễ bao gồm hoạt động diễu hành, ăn uống và dã ngoại. Năm 1968, năm học cuối cùng của Donald Trump ở Penn, một nhóm nhỏ đã chiếm đóng một tòa nhà và đuổi đi những nhà tuyển dụng cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Công ty hóa chất Dow - công ty sản xuất bom napan, loại bom được dùng để thiêu cháy cả vạt cỏ rộng lớn trên vùng đồng quê Việt Nam.
Donald Trump không tham gia vào các cuộc phản đối, ký đơn kiến nghị, hay chống đối sức mạnh của “tổ chức”. Mặc dù bản thân phản đối cuộc chiến, Trump sau này nói rằng ông tập trung chăm chú vào tương lai sự nghiệp kinh doanh của mình tới mức không để ý tới mấy cuộc phản đối ở trường. Bởi sự tách biệt của Trump với chính trị, bạn có thể kết luận ông trông giống sinh viên đại học thập niên 50 hơn là 60. Nhưng ông không thể hiện nhiều nhiệt tình đối với đời sống sinh viên thời xưa hơn phong cách sống của thế hệ mình. Ông chẳng hứng thú với những buổi tiệc bia của hội nam sinh hay những buổi tiệc có ma túy tại nhà. Thường sau giờ học, ông ở nhà và xem người dẫn chương trình phỏng vấn Johnny Carson, người mà ông vô cùng ngưỡng mộ, rồi đi ngủ. Đây chính là thói quen hằng ngày của ông cho tới ngày nhận bằng và trở về nhà ở New York. Ông thường nói mình tốt nghiệp đứng đầu lớp, nhưng vì trường học không đưa ra xếp hạng chính thức, lời khẳng định này không thể xác nhận hay tranh luận được.
Sau khi Donald về hẳn New York, các cuộc phản đối đang phá rối Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ ở Chicago, và số binh lính Mỹ tại Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm là 541.000 người. Hàng nghìn nam thanh niên không còn được miễn nghĩa vụ quân sự với tư cách là sinh viên đã chạy trốn sang Canada để tránh lệnh nhập ngũ. Cũng như các sinh viên khác nhận bằng và rời trường vào mùa xuân năm 1968, việc hoãn nghĩa vụ quân sự 2-S của Trump hết hạn vào tháng Bảy năm 1968. Nhưng trong vòng hai tháng, ông được xếp vào loại 1-A để sẵn sàng tòng quân, nhưng khi khám nghĩa vụ quân sự vào tháng Chín năm 1968, ông bị phát hiện không đủ điều kiện sức khỏe. Ông được phân loại mới là 1-Y, cho phép ông được gọi nhập ngũ chỉ trong trường hợp khẩn cấp cấp quốc gia.
Xét rằng khoảng 60% bạn bè cùng trang lứa của ông cũng trốn nghĩa vụ quân sự thời chiến, lý lịch của Trump cũng không đáng ngạc nhiên lắm. Gần 10 triệu đàn ông trong nhóm tuổi của ông không bị gọi nhập ngũ do có địa vị đặc biệt hoặc không đủ sức khỏe. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, nghĩa vụ quân sự trong thời chiến tranh tại Việt Nam trở thành một vấn đề của cả một thế hệ các nhân vật chính trị bao gồm Bill Clinton, Dick Cheney, và Mitt Romney, tất cả những người này đều phải giải trình cho sự hoãn thi hành nghĩa vụ đã cho phép họ tránh việc nhập ngũ. Khi được hỏi về những năm chiến tranh, Trump thường nói tới hệ thống quay xổ số bắt đầu từ tháng 12 năm 1969 quy thứ tự nhập ngũ dựa trên việc rút thăm ngẫu nhiên về ngày sinh và ông nhận được số 356. Không ai có số thứ tự cao hơn 195 bị gọi đi nghĩa vụ quân sự.
Ông nói với một người phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2011, “Thực ra tôi chỉ may mắn vì có số thứ tự rút thăm cao. Tôi sẽ không bao giờ quên rằng đó là khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời mình”. Thực tế, sự việc quay số rút thăm không phải một yếu tố trong trải nghiệm của Trump. Sự kiện đó không xảy ra cho tới tận 14 tháng sau khi ông nhận được miễn trừ y tế, và 18 tháng sau ngày ông rời Penn. Tuy nhiên ông nhớ lại, “Tôi đang chuẩn bị tới trường tài chính Wharton, và tôi có theo dõi họ rút số thứ tự quân dịch”.
Khi vấn đề được nêu ra trong một cuộc trò chuyện năm 2014, ông nhắc lại câu chuyện rút thăm. Nhưng khi có cơ hội để trình bày chi tiết, ông chộp ngay. Đúng, ông công nhận, nếu cuộc rút thăm đầu tiên diễn ra vào năm 1969, ông hẳn đã nhớ nhầm về việc sống ở Philadelphia. Và khoảng cách giữa thời điểm tốt nghiệp Penn và cuộc quay số có thể được giải thích bằng việc hoãn quân dịch với lý do y tế. Khi nói chuyện, Trump tuột đôi giày da đen và chỉ vào gót chân mình, vào chỗ phồng lên dưới tất. “Gai gót chân”, ông giải thích. “Ở cả hai bên”. Dị dạng này là đủ cho một lính nhập ngũ được hoãn vì lý do sức khỏe. Không giống những nhân vật công chúng khác khi đối mặt với cùng một câu hỏi này, Trump không biện hộ về việc mình chưa bao giờ đi quân ngũ. Cuộc chiến “là một sai lầm”, ông nói, và ông thấy may mắn rằng mình vẫn được là một người dân thường.
Nhưng Trump cũng nhấn mạnh mình thực sự biết cuộc sống quân nhân là thế nào. Trong một cuộc trò chuyện khác, ông nói, “Tôi luôn nghĩ mình đã ở trong quân đội”. Ông nói rằng ở trường trung học, ông được đào tạo quân sự còn nhiều hơn hầu hết những quân nhân thực thụ, và ông bị buộc phải sống dưới quyền chỉ huy của những người như Ted Dobias, những người là sĩ quan và quân nhân thực sự. “Tôi cảm thấy mình đang ở trong quân đội theo đúng nghĩa của nó”, Trump nói thêm, “bởi tôi phải sống với những người như vậy”.
Có lẽ không nhiều cựu học sinh NYMA so sánh trường quân sự với việc thực sự tham gia nghĩa vụ quân sự. Nhưng những gì họ xác nhận lại nhất quán với hình ảnh Trump thường thể hiện. Với tham vọng to lớn, ông tận dụng mọi trải nghiệm và thành tựu để tuyên bố sự xuất sắc ở gần như mọi lĩnh vực mà ông từng thử. Ông không chỉ là một cầu thủ chơi bóng chày, mà còn là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất ở tiểu bang New York. Không chỉ là một sinh viên ở Penn, ông còn đứng đầu cả khóa. Việc những lời khẳng định này không thể xác nhận không có nghĩa là ông nói dối. Dường như ông có vẻ tin tưởng vào những lời đó, và khi ông nói điều gì đó như “Tôi luôn nghĩ mình đã ở trong quân đội”, ông đang chia sẻ sự thực đúng như ông cảm nhận.
Không ai nghi ngờ những điều Trump nói khi bắt đầu cuộc sống trưởng thành ở thành phố New York năm 1968. Hết lần này đến lần khác ông nói mình ngắm nhìn Manhattan và nghĩ về việc sẽ thay đổi đường chân trời nổi tiếng nhất thế giới như thế nào. Tin tưởng vào khả năng của mình và vô cùng lạc quan, ông không hề mơ mộng. Ông tin – không, phải nói là ông biết – rằng điều đó sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.
***