KHI NHÌN LẠI MÌNH HỒI LỚP MỘT VÀ NHÌN LẠI MÌNH Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI, TÔI THẤY MÌNH VỀ CƠ BẢN VẪN VẬY. TÍNH KHÍ VẪN CHẲNG KHÁC LÀ BAO.
– DONALD TRUMP
Được xây dựng trên thềm cỏ dốc, dưới những tán cây sồi cao chót vót, căn nhà chào đón Fred Trump trở về sau vụ thẩm tra ở Washington là một ngôi nhà ở khu phố Jamaica Estates, quận Queens, mà đúng hơn phải gọi là một căn biệt thự. Biệt thự chiếm trọn hai đại lộ xinh đẹp với khoảng giữa rộng có những cây cao, cây bụi và hoa cỏ. Jamaica Estates là khái niệm của người Mỹ về khu vườn ngoại ô Anh thế kỷ XIX, cắt ngang những con đường mang những cái tên Anh quốc rất phù hợp. Đại lộ nơi gia đình Trump sống được gọi là Midland. Còn con đường cắt ngang gần nhất mang tên Henley.
Căn nhà theo phong cách Colonial Revival được xây dựng bởi chính tay Trump, choán cả một vùng đất và nổi bật giữa khu dân cư đầy những ngôi nhà phong cách Tudor khiêm tốn. Bên trên bức tường gạch đỏ phía ngoài là những tấm ván mái chìa lớn, được trang trí bằng những họa tiết hình răng cưa và mái ngói đen dốc đứng. Cửa nhà được chắn giữ bằng bốn cột trụ đồ sộ, chống đỡ trán tường và treo tấm bảng sơn những đường lượn sóng. Tất cả những điều đó khiến thiết kế ngôi nhà gợi về một cậu học trò trung học ở khu ngoại ô mới, nơi ban phụ trách trường học muốn những thứ phải trông thật giống trường học. Nhưng thay vì những chiếc xe buýt màu vàng, đường lái xe vào nhà là những chiếc xe hơi tuyệt vời. Một chiếc Cadillac cho chàng. Và một chiếc Rolls- Royce cho nàng.
Những người tới thăm gia đình Trump sẽ phải đi dọc đường đi bộ với hai bên là hai người cưỡi ngựa làm từ gang đúc. Đi vào bên trong sẽ thấy một phòng nghỉ với cầu thang uốn cong dẫn tới khu phòng tầng hai của gia đình. Cầu thang quả thực trông rất lộng lẫy và sang trọng, nhưng không một phòng nào trong hai mươi ba phòng có vẻ lộng lẫy đặc biệt hơn cả. Bất kể vẻ trang trí lộng lẫy bên ngoài, bên trong lại là một không gian rất thiết thực, được xây dựng để phục vụ nhu cầu của bốn người nhà Trump, người quản gia sống cùng và tài xế gia đình. Vì thế mà có chín phòng tắm.
Mùa hè năm 1954, gia đình Trump có năm đứa trẻ – hai gái ba trai – tuổi từ sáu đến mười bảy, tất cả đều dưới bàn tay chăm sóc của người mẹ, bà Mary Anne MacLeod Trump. Ở tuổi bốn mươi hai, bà là một người phụ nữ đẹp, cao, mảnh khảnh với đôi mắt màu xanh da trời và một mái tóc vàng, giọng bà pha chút âm điệu xứ Scotland. Bà cũng cứng rắn, cố chấp và tham vọng hệt như chồng mình vậy, nhưng theo cách tĩnh lặng của riêng mình. Một thời gian dài sau ngày bà mất, Donald Trump nhớ lại, “Mẹ tôi là một người có tính cạnh tranh lặng lẽ. Người ta sẽ chẳng biết được tính cách đó nơi bà. Ở bà có một tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, giống như một Trái tim dũng cảm vậy”. Bà cũng mê mẩn sự xa hoa của nền quân chủ Anh quốc. Donald nhớ mẹ ông đã từng say đắm thế nào trước buổi lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953. Cậu bé Trump khi ấy vẫn ấn tượng lúc nhìn thấy niềm háo hức của mẹ dõi theo từng giây phút sự kiện đang được truyền hình trực tiếp. Đó là lần đầu tiên máy quay được phép vào trong Tu viện Westminster.
Mary Anne MacLeod, là em út trong nhà có mười anh chị em, được sinh ra vào năm 1912 tại khu làng Tong, trên hòn đảo nhỏ Lewis ở Scotland, một vùng đất nghèo khổ, gần Iceland hơn cả Luân Đôn. Bà là hậu duệ của hai thị tộc Smith và MacLeod lâu đời ở quần đảo Hebrides. Về phía thị tộc Smith, tổ tiên của Mary Anne là các chủ trang trại nhỏ bị đuổi khỏi đất nông trại cho thuê trong suốt thời kỳ “di tản” thế kỷ XIX. Những lần di tản quy mô lớn này được thực hiện bởi những tên địa chủ không bao giờ có mặt nơi ruộng đất, khiến nhiều gia đình nông dân rơi vào cảnh khốn cùng. Một ghi chép thời này cho thấy những người dân làng Tong không có đất đai đã sống trong “sự khốn cùng của loài người” dọc theo những mảnh đất chỉ dành cho thú hoang dã. Hòn đảo Lewis nhỏ bé mỗi năm một nghèo đi, mất việc, mất các hoạt động buôn bán và mất cả cư dân.
Năm 1917, gần như toàn bộ Lewis – 683 dặm vuông (khoảng hơn 177 nghìn hecta) – được thu mua bởi William Lever, ông trùm ngành sản xuất xà phòng, tuyên bố rằng mình sẽ đầu tư khoản tiền tương đương với 500 triệu đô la năm 2015 để biến hòn đảo thành thiên đường của công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Là người lập dị có tiếng trên thế giới, Lever là một người thích không khí tươi mới, luôn mở rộng cửa đón khí trời quanh năm. Ông cũng tự nhận mình là một kỹ sư xây dựng xã hội, tin tưởng bản thân có thể tạo ra cuộc sống hoàn hảo cho nhiều người, những người sẽ sống như thần dân của ông, phụ thuộc vào ông để có việc làm, nhà cửa, và cuộc sống cộng đồng. Lever đã hiện thực hóa tầm nhìn của ông ở cảng Sunlight, miền tây bắc nước Anh, nơi 350 “người dân Lever” sinh sống trong làng vườn của ông và làm việc trong các nhà máy của ông.
Với Lewis, William Lever đã mường tượng ra một cảng Sunlight khác, nhưng lớn hơn. Trên mảnh đất của Lever này, những quan sát viên đã qua đào tạo có thể lượn quanh hòn đảo trên những chiếc máy bay quân dụng còn sót lại trong chiến tranh, rà soát quanh biển để tìm kiếm những bãi cá trích. Những con thuyền được gởi ra khơi bắt cá sẽ quay về để cung cấp cho nhà máy đóng hộp lớn được vận hành bằng năng lượng từ nhà máy điện mới, nhà máy này còn cung cấp điện cho các xa quay tơ và khung cưỡi của các nhà máy dệt. Chiều về, những người quan sát, ngư dân và thợ dệt sẽ trở về những căn nhà mà Lever xây dựng nơi họ sẽ thưởng thức bữa tối với thức ăn được làm ra bởi các nông dân của vị lãnh chúa này. Vào cuối tuần, mọi người sẽ cùng tận hưởng những chương trình nghỉ ngơi hay giải trí mà ông chủ và cũng là nhà hảo tâm của họ tài trợ.
Người dân địa phương rất hồ hởi với kế hoạch của Lever, kế hoạch mà họ hy vọng sẽ chấm dứt tình cảnh khốn cùng do cuộc di tản gây ra. Tuy nhiên, hai năm sau, Lewis gần như vẫn chưa đạt được tiến triển gì. Không nhà máy. Không việc làm. Không máy bay tìm cá. Rất nhiều người dân đảo, mà hầu hết trước đây đều là các chủ nông trại nhỏ, đã trở nên mất kiên nhẫn và bắt đầu nghi hoặc. Ngày 10 tháng 3 năm 1919, những người không ruộng đất đã chiếm đất đai của Lever trong một vài ngôi làng, kể cả làng Tong. Những người chiếm đất này khoanh cọc quanh đất và xới đất để chuẩn bị trồng trọt. Được vua George V phong tử tước hai năm trước, Lever kêu gọi những người bạn quyền lực trong chính quyền. Một quan chức chính quyền được gửi đến để hòa giải cuộc mâu thuẫn, nói về Lever, “Tôi chưa bao giờ gặp kẻ nào mắc chứng hoang tưởng tự cao tự đại và quen thói làm theo ý mình đến vậy”. Tuy nhiên, luật pháp lại đứng về phía Lever, và những người chiếm đất bị thuyết phục rút lui và chờ đợi người đàn ông “vĩ đại” hoàn thành lời hứa của mình. Ông mất vào năm 1925 trước khi phát triển được bất kỳ một dự án nào.
Với tất cả những cuộc xung đột và đói nghèo, Lewis dường như hứng chịu nhiều hơn cái mình đáng phải chịu, nhưng điều tồi tệ nhất không phải là hành động của con người, mà là của tự nhiên. Sau khi đã gửi đi hơn sáu ngàn quân tham gia chiến đấu trong Thế chiến I và đã mất gần một nghìn quân, Lewis chờ đợi sự trở về của những người lính sống sót của ông. Trong đêm giao thừa năm 1918, một con thuyền nhỏ mang tên Iolaire (theo tiếng Gaelic của người Scotland có nghĩa là “đại bàng”) được đẩy lên chuyến phà vẫn thường phục vụ ở cảng Stornoway đưa những người đàn ông từ bến ga cuối trên đất liền tại Kyle trở về nhà. Cập cảng Stornoway vào một đêm giữa cơn bão, Iolaire va phải phần nhô ra của bãi đá gọi là Beasts of Holme và vỡ tan thành từng mảnh. Vào đêm đó, nhiều người nói họ trông thấy một con nai hoang gần nhà – mà truyền thuyết dân làng ở đây cho rằng đó là điềm xấu – 205 người lính đã chết ngay trong tầm bờ biển. Nỗi đau tràn khắp hòn đảo và kéo dài suốt mãi nhiều năm về sau.
Trong bối cảnh giai đoạn khó khăn đó, quyết định rời làng Tong tới Mỹ của Mary Anne MacLeod vừa thực tế lại vừa dũng cảm. Trên đảo, chẳng có mấy công việc, còn những người đàn ông có thể lấy làm chồng cũng khan hiếm. Vào năm 30, ở tuổi mười tám, Mary Anne lên chuyến tàu thủy ba ống Transylvaniain tại Glasgow, hướng về New York. Người chị đã lập gia đình của bà đang sống ở Astoria, Queens, chào đón bà ở đây. Cũng chính người chị này đã đưa bà tới bữa tiệc nơi bà đã gặp Fred Trump. Hai người kết hôn vào tháng 1 năm 1936 và dành đêm trăng mật ở thành phố Atlantic trước khi quay về New York.
Đứa con đầu lòng của Fred và Mary Anne Trump là Maryanne, chào đời năm 1937. Sau Maryanne là đến Fred Jr. (1938), Elizabeth (1942), Donald (1946) và Robert (1948). Lần sinh cuối cùng, bà bị xuất huyết dẫn tới phải cắt bỏ tử cung, sau đó là căn bệnh viêm màng bụng nguy hiểm tới tính mạng và thêm vài lần phẫu thuật nữa. Sau khi hồi phục, Mary Anne tiếp tục quản lý gia đình và lao mình vào các công việc từ thiện. Với một ý chí mạnh mẽ và sức sống tràn đầy, bà vô cùng quyến rũ và chẳng e ngại trở thành trung tâm chú ý của bữa tiệc – bà có chút gì đó của một người nghệ sĩ biểu diễn. Ở khía cạnh này bà rất khác chồng mình. Fred Trump không bao giờ có được sự thoải mái và duyên dáng trong việc kết bạn và ảnh hưởng tới người khác trong những sự kiện xã giao, mặc dù ông rất nỗ lực để đạt được điều đó, và thậm chí còn tham gia khóa học “Giao tiếp và diễn thuyết hiệu quả” của Dale Carnegie. Sinh năm 1888, Dale Carnegie tên thật là Dale Carnagey, ông đổi họ để tranh thủ sự nổi tiếng của ông trùm tư bản và nghỉ công việc bán hàng của mình tại công ty thực phẩm Armour để theo đuổi mơ ước trở thành một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng. Ông đã miệt mài nghiên cứu về nghệ thuật diễn thuyết trước công chúng và lựa chọn đây là chủ đề cho cuốn sách đầu tiên của mình. Trong các tác phẩm về sau, ông đưa ra các lời khuyên về nhiều vấn đề, từ “làm thế nào để được khán giả yêu thích” cho tới “những cách cười đem lại mức giá tốt trên thị trường”.
Trong bài nghị luận dài tám trang của mình về nụ cười, Carnegie khuyến khích những người muốn thành công phải biết đem đến cho người khác “một nụ cười nói lên rằng, ‘Tôi thích anh. Anh làm tôi rất vui. Và tôi mừng được gặp anh.’… Một nụ cười giả tạo ư? Không. Bạn chẳng lừa được ai đâu”. Bằng cách kêu gọi những người học theo sử dụng các phương pháp bắt chước – học, thực hành, lặp đi lặp lại – để tập được nụ cười chân thành, Carnegie đã khẳng định sự chiến thắng của tính cách, kể cả những nét tính cách được đúc luyện, vượt lên trên cả phẩm cách, sự chăm chỉ làm việc và chất lượng. Đây là một thực tế bi kịch trong đời sống thế kỷ XX ở Mỹ, được truyền tải qua vở kịch năm 1949 của Arthur Miller, Cái chết của người bán hàng, tác phẩm mà trong đó nhân vật Willy Loman đã tuyên bố, “Tính cách luôn luôn chiến thắng”. Có thể đó cũng là một điều đáng khen ngợi khi mà Fred Trump chẳng bao giờ thành thạo phương pháp của Carnegie.
Fred Trump bù đắp khuyết điểm trong giao tiếp xã hội của mình bằng cách làm việc cực kỳ chăm chỉ. Hiếm có ngày nào ông không thực hiện một vụ kinh doanh nào đó, và gần như mỗi tối ông đều làm việc ở nhà qua điện thoại. Các con muốn dành thời gian với ông sẽ phải đi cùng ông trong chuyến thăm văn phòng ngày cuối tuần, hay trong những chuyến tham quan công trường xây dựng. Ông gọi đó là “đi tham quan”. Dọc đường đi, các con sẽ được nghe ông nói về tầm quan trọng của tham vọng, kỷ luật và làm việc chăm chỉ. Trump muốn các con mình tin rằng chúng có thể, và nên đạt được những điều lớn lao trong đời. Kỷ luật gia đình nghiêm cấm dùng ngôn ngữ thô tục và không cho phép các bữa ăn vặt, yêu cầu sự vâng lời và trung thành. Ai vi phạm sẽ bị báo lại khi Fred trở về nhà vào mỗi buổi chiều, sau đó ông sẽ đưa ra các hình phạt.
Là một người chủ gia đình đòi hỏi cao và cộc tính, Fred Trump yêu cầu tất cả các cô con gái và các cậu con trai đều phải tự làm việc để kiếm tiền, nhưng ông vẫn hào hứng hơn với việc dạy dỗ các cậu con trai để chuẩn bị bước vào cuộc sống cạnh tranh khốc liệt. “Phải xuất sắc!”, ông nhắc đi nhắc lại với con. Nhưng ông cũng nuông chiều các con theo cách mà một người vất vả để giàu có có thể làm được. Các con ông đi học ở các trường tư thục và nghỉ đông tại Florida, nghỉ hè tại Catskill. Khi trời đổ tuyết hay có mưa, ông cho tài xế chở các cậu đi giao báo trên chiếc Limo. Ông nói với Donald, “Con là vua”.
Chịu sự ảnh hưởng kết hợp lạ lùng của kỷ luật nghiêm khắc lẫn sự nuông chiều và tài giỏi hơn người, năm đứa trẻ gia đình nhà Trump đều lớn lên theo những cách khác nhau. Người con cả Maryanne trở thành một cô gái chăm chỉ và có sự nghiệp vô cùng thành công trong ngành luật. Cô em gái Elizabeth học ở một trường đại học nhỏ, đi làm việc trong một ngân hàng và sau cùng là lập gia đình. Chưa bao giờ phù hợp với hình mẫu của cha, Fred Trump Jr. thất bại trong việc làm trợ lý của Fred và cuối cùng trở thành một phi công. Người con út, Robert, lựa chọn một con đường bằng phẳng trong đời, thành công trong kinh doanh nhưng không có động lực và ham muốn thống trị như cha mình. Điều này dẫn đến trọng trách của Fred Trump chỉ còn có thể giao cho người con trai thứ Donald, đứa con từ khi còn nhỏ đã thể hiện mình giống cha ở mọi khía cạnh, và thậm chí còn hơn thế nữa.
***
Ném cục tẩy vào giáo viên và ném bánh trong các bữa tiệc sinh nhật là những hành vi của một đứa trẻ cá biệt Donald Trump so với những đứa trẻ khác ở trường tư thục Kew-Forest, ngôi trường ông học từ hồi tiểu học. Trường Kew-Forest mở cửa năm 1918, khi các nhà giáo dục nước Mỹ chuyển đổi từ phương pháp tập trung giáo dục sách vở sang phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, phương pháp được ủng hộ bởi các nhà tâm lý học John Dewey và G.Stanley Hall. Dewey và Hall tin rằng giáo viên nên điều chỉnh tốc độ và nội dung bài học theo học trò hơn là chỉ yêu cầu học trò phải theo kịp thầy cô. Kew-Forest trở thành trung tâm giáo dục cho những đứa trẻ con nhà danh giá khu vực Bờ bắc quận Queens, nơi mà các thông báo đám cưới thường ghi chú thêm cô dâu và chú rể đã từng học ở ngôi trường này. Là thành viên hội đồng nhà trường, Fred Trump đã quyên tặng vật liệu để xây dựng một khu phòng mới cho trường, nơi mà tất cả các con ông đều sẽ tới học.
Ở Kew-Forest, Donald Trump là một nỗi khiếp sợ. Ông từng nói đã khiến một ông thầy phải thâm mắt “vì tôi nghĩ thầy ấy chẳng biết gì về âm nhạc”. Theo Trump, từ hồi đó ông đã luôn là người như vậy rồi. Ông nói với tôi, “Tôi không nghĩ người ta thay đổi nhiều lắm. Khi nhìn lại mình hồi lớp Một và thời điểm hiện tại, tôi thấy mình về cơ bản vẫn vậy. Tính khí vẫn chẳng khác là bao”.
Người chị Maryanne Trump Barry miêu tả cậu em trai của mình “cực kỳ nổi loạn” thời thanh niên. Một người bạn cùng lớp nhớ về Trump là một cậu học sinh thách thức các quy định và thầy cô đến mức cực hạn. Một người hướng dẫn trại đã rất ấn tượng với khuynh hướng “gây gổ” của cậu bé Donald, điều đã thúc ép cậu phải tìm hiểu “từ mọi góc nhìn” để có thể đạt được điều mình muốn. Cách ứng xử của ông cũng chẳng khá hơn ở trường Chúa Nhật, hay ở nhà, khi ông đối đầu với bố trong trường hợp Fred rút lui. Sau này, Donald cho rằng sự tôn trọng mình giành được từ bố là nhờ việc “Tôi thường luôn phản bác lại”.
Trump Bố rất thích việc Donald có hứng thú với thế giới bất động sản và xây dựng. Mỗi lần có cơ hội, cậu bé Donald bám đuôi bố trong lúc ông tham quan nhiều cơ sở nhà đất và các công trường xây dựng để đảm bảo mọi thứ vẫn hoạt động suôn sẻ. Bấy lâu vẫn tự làm hầu hết mọi việc không lúc này thì lúc khác, Fred Trump trở nên lão luyện trong việc thương lượng với thợ đường ống, thợ nề, thợ điện và các công nhân bảo dưỡng. Nhìn cha mình thúc đẩy một công trình tốt nhất ở mức giá tốt nhất, theo lịch trình nhanh nhất, Donald ngấm dần cái cách cha mình làm kinh doanh. “Ông ấy không nói, ‘giờ con hãy nghe kỹ từng lời,’ nhưng tôi nghe ông nói chuyện…và tôi học được một cách rất tự nhiên”, Donald nhớ lại. Hầu hết những thứ Trump “học được” là quan niệm rằng một cuộc đời có tham vọng và làm việc chăm chỉ là một cuộc đời vui thú. “Ông ấy thực sự yêu cuộc sống của mình, và dẫu vậy ông vẫn luôn không ngừng làm việc”.
Tinh thần đạo đức làm việc của gia đình Trump là điều mà cả hai cha con đều coi là tài năng bẩm sinh cho sự thành công. Theo quan điểm này, một số người sinh ra là để giành chiến thắng. Nhìn thấy được tính cách này nơi Donald, Fred Trump khiến cậu bé hiểu rằng mình được sinh ra cho những điều vĩ đại. “Cha tôi kỳ vọng thành công lớn lao ở tôi”, Donald sau này nói. Nhưng nếu Fred khen ngợi đứa con giống mình nhất, điều đó cũng chẳng giúp Donald được miễn những quy tắc kỷ luật của cha. Fred Trump vô cùng bực bội với những báo cáo về những hành vi xấu từ các thầy cô của Donald gửi về nhà. Khi những lời phàn nàn về cậu con trai nhiều thêm, ông phát hiện Donald bấy lâu nay vẫn lén lút vào Manhattan bằng tàu điện ngầm và thu mua một bộ sưu tập nhỏ dao bấm tự động. (Cậu bé Donald và một người bạn đã được truyền cảm hứng bởi băng nhóm đường phố Jets và Sharks trong Câu chuyện phía Tây ). Kết luận mình không thể quản nổi hành vi ứng xử của con nữa, Fred Trump quyết định rằng dù bản thân là thành viên hội đồng ủy thác tại Kew-Forest, năm lớp Bảy sẽ là năm học cuối cùng của con trai ở đây. Mùa thu năm 1959, Donald được đưa tới trường Học viện Quân sự New York (NYMA), trường học dành cho nam sinh bên dòng sông Hudson chỉ cách West Point tám dặm.
Các trường nội trú tư thục từ lâu đã đào tạo nguồn nhân tài cho cả quốc gia. Chủ yếu nằm ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, các trường học này là nơi đào tạo con cái của những gia đình giàu có và quyền lực, giúp chúng chuẩn bị hành trang cho những thành công trong đời. Mặc dù những trường này cũng đón nhận nhiều học sinh từ những gia đình quyền quý, các học viện quân đội dành cho nam sinh có xu hướng nhận các học trò cần một điều gì đó nghiêm khắc hơn Exeter hay Andover. Tại các trường này, thiếu sinh quân từ sáu tuổi đã bắt buộc phải mặc đồng phục, tuân thủ quân lệnh và sống theo lối sống có tổ chức và kỷ luật cao. Với bản chất bảo thủ, các học viện quân sự tách biệt với thế giới bên ngoài hơn các trường nội trú bình thường khác. Cán bộ quản lý của các trường này tin dùng các hình phạt thể chất và không khuyến khích chủ nghĩa cá nhân. Họ cũng yêu cầu ít nhất thể hiện một sự kính trọng nhất định, ngay cả đối với những học trò thực sự không muốn thế.
Ưu điểm lớn nhất của những học viện quân sự truyền thống này là ngăn lũ trẻ trở thành tội phạm. Nhưng điều tệ nhất lại là chính các trường này đã đẩy học trò theo hướng tội phạm bằng cách cho chúng sống trong môi trường văn hóa coi trọng sự thống trị, bạo lực và lật đổ chính quyền. Cuộc sống đó được kể lại một cách tuyệt vời trong tiểu thuyết của Pat Conroy, The lords of discipline (Tạm dịch: Những kẻ thống trị kỷ luật ), tác phẩm mô tả cuộc sống ở một trường quân sự tương tự trường The Citadel ở Nam Carolina. Mặc dù Conroy viết bằng giọng văn thiện chí lẫn thất vọng, nhiều người khác lại có những đánh giá gay gắt hơn về các trường học này. Trong cuốn hồi ký Breakshot (Tạm dịch: Kỳ thủ ) của mình, Kenny Gallo, người trước đây từng là tội phạm xã hội đen, nói rằng trải nghiệm ở trường quân sự nội trú đã biến đổi ông từ “đứa trẻ hỗn xược vô tổ chức thành một kẻ sống ngoài vòng pháp luật có kỷ luật”. Nhớ lại quá trình làm việc ở Học viện Quân đội và Hải quân tại California, Gallo viết, “Tôi đoán bạn có thể nói sự phát triển 'bình thường' về mặt xã hội của tôi đã chấm dứt ở tuổi mười ba tại trường quân sự; tôi ngừng trưởng thành như một người công dân khỏe mạnh bình thường, thứ nhất là vì tự bảo vệ bản thân và sau đó là vì niềm vui thích, và bắt đầu mài sắc những kỹ năng săn mồi của mình”.
Là cậu học trò 13 tuổi mới đến NYMA, cậu bé với khuôn mặt bầu bĩnh Donald Trump thấy mình được chào đón bởi tiếng gào thét của cựu chiến binh quân đội Theodore Dobias. Từng là thiếu sinh quân của trường NYMA, Dobias đăng ký gia nhập Lục quân Hoa Kỳ lúc mười bảy tuổi để tham gia chiến đấu trong Thế chiến II. Được phân vào Sư đoàn Sơn cước số 10, Dobias hành quân chủ yếu ở bán đảo Ý và đã thấy trong một chiến dịch gần 1000 đồng đội của ông đã bị giết. Sau chiến tranh, Dobias quay trở về Học viện Quân sự New York với những ký ức mãnh liệt về “hố trú ẩn, máu, tiếng gào thét” của chiến trận. Ở Ý, ông đã nhìn thấy xác của Benito Mussolini bị hành quyết, và sáu người khác nữa, treo trên dàn khung của tấm vải bạt trạm đổ xăng ở Milan. Khoảng một tá xác người nữa chất đống ở dưới. Gần bảy mươi năm sau, cảnh tượng kinh hoàng ấy vẫn nguyên nét sống động trong tâm trí của Dobias khi chúng tôi gặp nhau trong một cuộc phỏng vấn.
Dobias kết thúc việc học tập tại NYMA rồi sau đó bắt đầu sự nghiệp cả đời của mình ở đây. Ngay từ đầu ông đã là một người tích cực rèn kỷ luật. Với những học sinh mới đến, tiếng quát tháo của Dobias đánh dấu khoảnh khắc chúng nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình. “Thời đó người ta có thể cho anh ăn đòn nhừ tử. Chứ không phải như bây giờ, nếu anh đập ai anh sẽ đi tù”, Trump nhớ lại vài thập kỷ sau. “Ông ấy đúng là thứ chết tiệt. Ông ấy hoàn toàn có thể xông vào và đánh đập anh. Anh phải học cách sống sót”. Trump nhắc lại khi mình đáp lại mệnh lệnh của Dobias bằng một cái nhìn với ý nói, “Khốn kiếp, để tôi yên”, và “anh không tin được ông ta săn đuổi tôi tới mức nào đâu”.
Ở tuổi 89, Dobias đã hơi gù nhưng vẫn khỏe khoắn, như một thùng rượu whiskey bệ vệ đứng trên giá đỡ. Mùa xuân năm 2014, ông vẫn chạy vòng quanh ngôi nhà nơi bếp củi đá bập bùng giữa cơn gió lạnh cuối đông và chiếc đồng hồ điểm giờ vang tiếng nhạc điện tử “Hey Jude”.
Khi tôi hỏi về gia đình nhà Trump, Dobias nhớ lại, “Ông bố rất nghiêm khắc với thằng bé. Ông ấy rất có khí chất của người Đức.
Ông hay đến vào các ngày Chủ nhật và đưa con đi ăn tối. Không mấy ông bố làm vậy. Nhưng ông ấy là người rất nghiêm khắc”.
Khi Trump tới học, NYMA đang ở giai đoạn huy hoàng. Các bạn đồng môn của anh ta là con trai của các chủ ngân hàng Phố Wall, các nhà tư bản công nghiệp miền Trung Tây, và các nhà tài phiệt Nam Mỹ. Cậu học sinh nhớ nhà nhất mà Dobias từng giám sát khoảng thời gian này là con trai của một trùm mafia. Ông bố cảm kích đã gửi tặng bánh cho trường vào lễ Giáng sinh. Một ông bố khác gửi tặng hàng thùng thịt.
“Tôi huấn luyện đội bóng chày và bóng bầu dục, tôi dạy các học trò rằng chiến thắng không phải là tất cả mà là mục tiêu duy nhất”, Dobias thêm vào, mượn câu nói nổi tiếng của Vince Lombardi, huấn luyện viên bóng bầu dục chuyên nghiệp, người đã trở thành chuẩn mực cho sức mạnh nam tính giữa thế kỷ ấy. “Donald bắt ngay được tinh thần này. Cậu ấy nói với đồng đội của mình, ‘Chúng ta ở đây vì một mục đích. Đó là chiến thắng’. Cậu ấy luôn luôn phải là số một ở mọi phương diện. Ngay từ thời điểm ấy, cậu ta đã biết đến âm mưu rồi. Điều đó thật sự khiến người khác phải bực mình. Cậu ta sẽ làm bất cứ điều gì để giành chiến thắng”.
Miêu tả về cậu học trò đầy khát vọng và động lực của mình, Dobias nói Trump “chỉ muốn đứng đầu, trong mọi việc, và cậu ấy muốn mọi người phải biết mình là người đứng đầu”. Dobias sẽ không bao giờ quên cuộc diễu hành ngày lễ Columbus ở New York khi theo lịch, NYMA được xếp đầu đoàn diễu binh và Donald Trump dẫn đầu đoàn. “Khi chúng tôi tới đó, các nữ sinh trường Công giáo đang xếp hàng trước chúng tôi. Cậu ấy nói, 'Hãy để đấy em lo', rồi rời đi nói chuyện với ai đó, khi cậu ấy quay lại, họ xếp chúng tôi lên trước. Cậu ta chính là như vậy đấy”.
Một nhiếp ảnh gia do trường cử tới chụp được một bức ảnh của Trump, chỉnh tề trong bộ quân phục, đôi găng tay trắng tinh, ngay trước cửa hàng biểu tượng Tiffany ở Đại lộ 5. Xa hơn mấy tòa nhà về phía nam, Hồng y giáo chủ Joseph Spellman đang đứng trên bậc thềm Nhà thờ Thánh Patrick, nồng nhiệt chào đón các thiếu sinh quân NYMA.
Sự quyết đoán mà Trump thể hiện qua việc di chuyển các nữ sinh trường Công giáo khiến Dobias rất hài lòng. Ông nói mình luôn cố truyền đạt cho các học trò của mình những tư tưởng người đàn ông chân chính. Bao gồm:
Tôn trọng chính quyền.
Là một tấm gương tốt trong cách ăn mặc, ứng xử và nói năng. Tự hào về gia đình.
Tự hào về bản thân.
Dobias nói, “Trump luôn tự hào về bản thân. Cậu ấy tin mình là người xuất sắc nhất”. (Khi ông ta nhớ lại quãng thời gian này, Trump nói với tôi, “Em là một người ưu tú. Khi tốt nghiệp, em là một người ưu tú hơn”.)
Theodore Dobias không dạy các cậu học trò phải đạt được thành tựu to lớn để cảm thấy tự hào. Theo kịp chương trình của học viện, thể hiện bản thân tốt và coi trọng địa vị thành viên cộng đồng NYMA là đã đủ để tự hào. Địa vị này, một phần nào đó, là sự đền bù cho kỷ luật hà khắc áp dụng ở đây. Mặc dù đã trưởng thành, bản thân Dobias cũng phải sống theo khuôn khổ luật lệ. Khi còn trẻ, Dobias không được phép rời khỏi khu học viện mà không có sự cho phép, điều này khiến việc tìm vợ trở thành một việc khó khăn và lâu dài. Ở tuổi trung niên, Dobias được tài trợ chuyến đi tới Slovakia để thăm ông bà, hai người đã nuôi dạy ông đến tuổi mười ba. Lần cuối cùng ông nhìn thấy họ là qua làn nước mắt từ trên boong thuyền đưa ông tới Mỹ vào năm 1939. Chỉ huy của ông không cho phép ông đi. Và Dobias tuân lệnh mà không một lời phàn nàn.
Cuối cùng cũng được thăng cấp chỉ dưới cấp người quản lý, Dobias dành cả cuộc đời trưởng thành của mình ở khuôn viên trường tại Cornwall, nơi ông còn có cả một ngôi nhà sống cùng vợ con. (Đứa con trai một của ông cũng là một thiếu sinh quân.) Học trò gọi ông là “Tá”- gọi tắt thay cho “Thiếu tá”. Vào những năm 70, khi thiếu sinh quân da đen đầu tiêu tới nhập học tại NYMA, Dobias bắt đầu nới lỏng các điều chỉnh đối với học viện, bao gồm những cuộc thảo luận gần như mỗi tối về văn hóa của học viện, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và những cuộc đấu tranh của thanh niên trẻ. “Chúng tôi đã có những buổi trò chuyện thực sự tuyệt vời”.
Nhiều năm sau, một cô luật sư từ Pennsylvania gọi cho Dobias để bàn về chính cậu học sinh da màu đó. Cô nói anh ta hiện đang ở khu tử tù, sau khi bị kết án giết người hàng loạt, và anh ta muốn Dobias tới thăm. Lúc bấy giờ, Tá đã chôn chân quá sâu ở đây, theo mọi nghĩa, đến mức mà ông không thể hình dung việc đi tới tận Pennsylvania để gặp cựu học sinh của mình. “Nơi đó quá xa”, ông giải thích, “và tôi không nghĩ mình nên dính dáng đến chuyện đó”.
Bất chấp khởi đầu mối quan hệ không suôn sẻ, Donald Trump dần coi Ted Dobias là tấm gương đầu tiên thực sự của mình, ngoài người cha. Dobias giúp ông thích nghi và phát triển trong một môi trường thống trị bởi những khái niệm về sức mạnh và nam tính. Một người bạn đồng môn của Trump, Harry Falber, kể lại tinh trạng bắt nạt có hệ thống giữa các học sinh trong trường còn đáng lo hơn cả kỷ luật đề ra bởi ban quản lý. Mặc dù không đến mức như Lord of the Flies (tạm dịch: Chúa Ruồi ), văn hóa trường học ở đây cũng “đầy tính gây hấn”, Falber nói, và tâm lý phá phách đôi khi lại thống trị. Có lần, ông thấy một nhóm đông các thiếu sinh quân, những cậu học sinh vẫn đang dưới sự giám sát của cán bộ nhà trường, tấn công một chiếc xe ô tô vừa tới khuôn viên. “Xe chở đầy các cô gái và những cậu học sinh này cứ ném đá tới tấp”, Falber nhớ lại. “Họ làm vỡ ít nhất một cửa kính. Không ai ngăn cản họ. Kỷ luật ở đây là rất quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy”.
Những quy tắc thiếu sinh quân phải tuân theo được ghi rõ trong cuốn sổ tay có tên “Điều lệnh thứ 6”, với một phụ đề đầy tính răn đe phía dưới “Các mức độ hình phạt”. Cuốn sổ này sẽ được phát cho tất cả các học sinh vào ngày đầu tiên tới học viện. Bộ quy tắc ứng xử này chỉ ra rằng một học viên có thể bị quy lỗi cho bất cứ điều gì từ sợi chỉ lòi ra trên bộ đồng phục hay cuộc điện thoại kéo dài quá năm phút, cho tới việc nắm tay “một cô gái”. Một lỗi vi phạm nghiêm trọng hay nhiều lỗi nhỏ dồn lại có thể dẫn tới hình phạt đi diễu binh một giờ đồng hồ. Nhiều lỗi vi phạm, bao gồm không chịu phục tùng hay hành vi “trái đạo đức” (với các thiếu sinh quân, từ này có nghĩa là các hành vi tình dục đồng giới) nghiêm trọng tới mức có thể dẫn tới bị đuổi học.
Ở NYMA, Donald Trump rõ ràng như cá gặp nước. Ông thấy thoải mái trong bộ đồng phục – đôi giày sạch bóng lộn và khóa thắt lưng đánh láng bóng bằng Brasso – và quen với những bữa ăn ở nhà ăn tập thể. Biệt lập trong môi trường quân đội toàn nam sinh, xa rời cha mẹ và các anh chị em, cậu bé Trump nhanh chóng hiểu rằng “Cuộc sống là một cuộc sinh tồn. Luôn luôn là cuộc chiến sinh tồn”. Là một học sinh giỏi nhưng chưa đến mức xuất sắc, ông trở thành một trong số những học trò cưng của Dobias và thấm nhuần ý thức về sự vượt trội vẫn được rao giảng ở NYMA đều như trống đánh. (Ngay cả cái tập catalog của trường cũng khoe khoang học viện “vượt trội” và “ngôi trường của sự xuất chúng” nơi mà “mỗi học sinh, qua trải nghiệm cá nhân, sẽ trở nên quen thuộc với vấn đề của những người bị lãnh đạo và những người lãnh đạo”.)
Vô cùng coi trọng thứ bậc và khí chất đàn ông, học viện đòi hỏi sự hy sinh vật chất và các thiếu sinh quân không còn được bao bọc trong tình cảm mà bạn bè mình nơi quê nhà vẫn đang được hưởng. Không có các ông bố và bà mẹ. Không anh chị em. Trong các vở kịch ở trường, các vai nữ là nam sinh đóng. Tất cả những điều này là một phần của kế hoạch giáo dục được thiết kế để thấm nhuần cho các học viên ý thức về sự tự giác kỷ luật và khả năng thể hiện dưới sự cưỡng ép. Nước Mỹ vào thời hậu chiến, các vận động viên được tôn sùng vô cùng, điều này đúng ở nhiều trường, nếu không muốn nói là hầu hết. Khi giáo viên với đồng lương ít ỏi
đang vật lộn trong các phòng học quá tải, bóng bầu dục và bóng rổ dần thống trị nền văn hóa giáo dục cấp trung học, còn các đoàn diễu binh và đội cổ vũ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng. Tất cả những điều này và hơn thế nữa được ghi lại bởi Richard Hofstadter trong cuốn sách bước ngoặt của ông, Anti-Intellectualism in American Life (Tạm dịch: Chủ nghĩa phản trí thức trong đời sống Mỹ ), xuất bản năm 1963, khi Donald Trump đạt được bước tiến lớn tại NYMA.
Hofstadter dành phần lớn cuốn sách của mình nói về phương pháp người Mỹ hiện đại nuôi dạy và giáo dục con cái, đem đến khá nhiều nỗi lo cho độc giả nào hy vọng về một xã hội công bằng và nhân văn. Ông quan sát thấy rằng, nhân danh sự phát triển của trẻ, người ta đặt nặng tầm quan trọng hơn vào cá tính và thích nghi xã hội, trong khi nhân cách và tính học thuật bị thờ ơ. Hofstadter đã viết, do bị ảnh hưởng bởi “chủ nghĩa thực dụng trong kinh doanh”, các giáo viên “không dạy Shakespeare hay Dickens, mà dạy cách viết thư tín thương mại”. Một quận ở tiểu bang New York ra sức chuẩn bị hành trang cho người trẻ thành công trong xã hội tới mức mỗi học sinh đều bắt buộc phải tham gia một kiểu khóa học tự phát triển bản thân nào đó, nơi mà học sinh sẽ được học “cách bắt nhịp với đám đông” và “cách để được yêu mến”.
Ở NYMA, những người làm giáo dục nỗ lực đem đến cho các thiếu sinh quân một cảm giác tự tin tương xứng với tác phong quân đội – lưng thẳng, mắt nhìn về phía trước, cằm ngẩng cao – điều đó sẽ thúc đẩy họ tiến bước trong đời với một ý niệm rằng mình xứng đáng đạt được thành công lớn lao, vì học viện đã giúp họ trở nên tài giỏi hơn tất cả những người khác. Donald Trump thấm nhuần bài học này, vươn lên trở thành người gọi là “đứng đầu học viện quân sự” và xuất sắc trong môn bóng chày. (“Luôn là người chơi giỏi nhất”, Trump nói về mình như vậy. “Không chỉ bóng chày, mà mọi môn thể thao đều vậy”.) Năm thứ ba ở học viện, Trump đánh dấu tên tuổi trên tiêu đề báo địa phương – “Trump mang chiến thắng về cho NYMA” – và trải nghiệm đó vô cùng kích thích. Năm mươi năm sau, ông nói, “Cảm giác nhìn thấy tên mình trên báo thật là tuyệt. Có bao nhiêu người được xuất hiện trên báo chứ? Chẳng ai cả. Đó là lần đầu tiên tôi lên báo. Tôi nghĩ điều đó thật quá tuyệt vời”.
Lần đầu tiên chạm tới sự nổi tiếng có lẽ đã nhen nhóm ngọn lửa mà cuối cùng đã bừng lên ánh sáng trong suốt cuộc đời Trump. Sự chú ý trên báo chí khiến ông trở nên chân thực và anh hùng với những người thậm chí còn không có mặt ở trận đấu. Cũng chính danh tiếng đã nhấn mạnh Donald Trump là một cậu bé đặc biệt. Ông hiểu rất nhiều người muốn có danh tiếng, nhưng hầu hết đều không đạt được. Trump thành công là nhờ khả năng thể thao và vì lớn lên ở thời điểm khi danh tiếng đã được dân chủ hóa nhờ truyền thông đại chúng. Hàng thế kỷ nay, chỉ có những người lãnh đạo thực sự như đức vua, nữ hoàng hay những người có thành tựu vĩ đại mới có thể hy vọng được công chúng chú ý. Báo giới hiện đại đã thay đổi tất cả những quan niệm này, khiến sự nổi tiếng, dù thoáng qua tới mức nào, đều là điều có thể cho vận động viên, nghệ sĩ biểu diễn, tội phạm, những người đăng quang các cuộc thi sắc đẹp – và thậm chí cả động vật như con bò của bà O’Leary.
Trong suốt đời mình, Trump vẫn giữ mãi ký ức về những thành tích thể thao đã đạt được và nhắc đi nhắc lại trong các cuộc phỏng vấn báo chí. Ông tin rằng những trải nghiệm liên quan đến trái bóng là để xây dựng nền tảng, bởi chúng khiến ông nổi tiếng trong vùng và cũng gieo vào lòng ông thói quen giành chiến thắng. Theo ông tự đánh giá thì mình chắc chắn là “cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất ở New York”, và ông có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ngoại trừ lý do “nó chẳng đem lại bao nhiêu tiền cả”. Vào năm 1964, mức lương trung bình cho cầu thủ chơi ở giải đấu lớn là 16.000 đô la, tương đương với 120.000 đô la năm 2015. Con số này tăng gấp đôi vào năm 1970. Số tiền này quá đủ cho một cầu thủ trẻ yêu thích môn thể thao này có thể thử sức mình cùng những cầu thủ xuất sắc nhất và, khi chuyến phiêu lưu kết thúc, có thể hết lòng theo đuổi sự giàu sang.
Thực tế Trump có phải là một người chơi xuất sắc không? Có và không. Ở tiểu bang New York, những cầu thủ cấp trung học cùng thời với Trump bao gồm Dave Cash, ngôi sao ba lần vô địch giải Quốc gia đến từ Utica và các cầu thủ lớn khác như Terry Crowley và Frank Tepedino. Crowley và Tepedino thi đấu bóng chày cấp trung học ở thành phố New York, nơi cạnh tranh vô cùng khốc liệt. NYMA, ngược lại, đối đầu với những trường tư thục nhỏ như Đức Mẹ Lộ Đức ở Poughkeepsie, trường đã đánh bại đội bóng thiếu sinh quân với tỉ số 9-3 trong năm học cuối cấp của Trump, đội bóng kết thúc với tỷ số thua cuộc kỷ lục.
Những ký ức về thể thao như được thời gian phủ lên một màu óng ánh. Những cú đánh homerun trong những giải đấu nhỏ dần bay xa và những cú đánh bóng trượt thời trung học dần rơi vào quên lãng. Những gì còn lại là bóng dáng một cầu thủ bóng chày lộ ra như thế nào trong trí tưởng tượng của một người đàn ông. Trong trường hợp của Trump, những ngày thi đấu trên sân bóng không bao giờ xa rời tâm trí ông, và ông luôn say sưa đảm bảo người khác biết ông là một cầu thủ chốt gôn 1 và là một người chơi gôn tuyệt vời, ông đã giành được mười tám giải vô địch câu lạc bộ, những giải “thực sự là giải đấu lớn cho người chơi nghiệp dư”. Việc tập trung vào thành tích thể thao này hình thành sự hứng thú cạnh tranh cũng như khao khát muốn thể hiện những thành quả có thể xác minh của ông. Trump muốn người ta biết mình luôn có trái tim và khả năng của một người chiến thắng, và những lời khẳng định đó có bằng chứng cụ thể. Trump cũng có thể chứng tỏ bản thân luôn đặc biệt hứng thú với những phụ nữ hấp dẫn. Ở học viện, mặc dù việc “nắm tay” bị cấm, bạn học vẫn coi ông là “người đàn ông đào hoa” chính thức của lớp trong sổ niên giám trường với tiêu đề: Những mảnh bom.
Kết thúc NYMA, Donald Trump tới Đại học Fordham ở Bronx, ở đây ông khác biệt với mọi người bởi phong thái nhà binh và sự khước từ rượu và thuốc lá, huống hồ là những loại thuốc kích thích xuất hiện ngày một nhiều ở khuôn viên các trường đại học Mỹ. (Giống những người kiêng rượu tuyệt đối trong Thời kỳ vàng son, Trump vẫn luôn tự hào việc kiêng khem này trong suốt đời mình.) Đỉnh điểm nhất trong những năm đại học nổi loạn của Trump là mơ mộng về một sự nghiệp trên sân khấu hoặc trong điện ảnh. Hollywood và Broadway nằm đâu đó giữa những năm 50 tươi đẹp và nỗi lo sợ của những năm 60. Phim Mary Poppins và Dr. Strangelove được chiếu trên cùng những màn hình đó. Vở nhạc kịch Hair chiếm trọn sân khấu nhà hát Biltmore ở Broadway khi Barefoot in the Park kết thúc chuyến công chiếu của mình. Đôi với một học sinh tốt nghiệp trường quân sự với niềm đam mê sáng tạo bị vượt xa bởi khát vọng giàu có và thành công, điện ảnh và kịch nghệ đang ở trong một trạng thái thay đổi liên tục khiến cho sự nghiệp về kinh doanh hợp lý hơn nhiều.
Tin chắc tương lai của mình ít nhất sẽ bắt đầu từ những bước đi của cha, Donald dành nhiều thời gian rảnh tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông đi học từ nhà bố mẹ ở Queens và cuối tuần ở văn phòng hoặc tới thăm bất động sản của gia đình Trump. Trong lúc học những điều căn bản về quản lý nhà đất từ cha, ông cũng hướng tới một người kinh doanh bất động sản khác để học hỏi phong cách làm việc. William Zeckendorf là chủ đầu tư xây dựng đầu tiên ở New York và được coi là một ông bầu. Là một con người khoa trương thường đi vòng quanh Manhattan trong chiếc Cadillac bóng loáng – biển đăng ký WZ – Zeckendorf thường công bố những kế hoạch chỉ còn thiếu mỗi trí tưởng tượng. Một đề án trong số đó là sân bay trên nóc các tòa nhà thương mại mới ở Bờ Tây Manhattan. Một kế hoạch khác là tòa tháp 102 tầng xây dựng phía trên nhà ga Grand Central.
Mặc dù cân nặng xấp xỉ 300 pound (khoảng 136 kg), Zeckendorf vẫn tỏ ra năng động thái quá và luôn vận động, cả về thể chất lẫn trí tuệ. Những dự án của ông luôn to lớn táo bạo, như trong trường hợp dự án xây dựng khu mua sắm khổng lồ mang tên Place Ville Marie tại Montreal, được xây dựng trên sân đường tàu bỏ hoang, và chỉ riêng sự khổng lồ của nó đã chuyển hướng cả trung tâm thành phố về phía mình. Sức sáng tạo của Zeckendorf cũng giúp ông tìm ra những cách mới lạ để vắt kiệt lợi nhuận từ bất động sản. Ví dụ, ông nhận ra mình có thể mua một tòa nhà rồi bán mảnh đất dưới tòa nhà đó, cũng như các khoản thanh toán từ người thuê, và thậm chí cả khoản giảm thuế khấu hao của toàn bộ kết cấu công trình, cho nhiều bên khác nhau.
Zeckendorf cũng nổi tiếng với tính lập dị của mình. Ông làm việc trong một văn phòng tròn vạnh, không một cửa sổ, tường được đóng bằng gỗ tếch và được chiếu sáng nhờ cửa sổ trên trần nhà. Một hệ thống bộ lọc nhựa điều khiển từ xa cho phép ông đổi màu ánh sáng để phù hợp với tâm trạng của mình. Ông có tới vài chiếc điện thoại trên bàn, những lúc bận rộn nhất, ông phải nghe đến hàng chục cuộc điện thoại trong vòng một giờ đồng hồ, ghi chép nguệch ngoạc và vẽ loằng ngoằng vào sổ, sau đó các trợ lý của ông sẽ thu thập và lưu lại. Ông thường mua những bất động sản mình chưa từng nhìn thấy bao giờ và lao đầu vào những vụ kinh doanh mới với niềm hăng say bất tận. Sau khi thấy hứng thú với Broadway, ông đã cho ra mắt ba mươi buổi biểu diễn.
Luôn tranh thủ truyền thông, Zeckendorf thuê đại diện báo chí nổi tiếng John “Tex” McCrary để tên mình luôn xuất hiện trên báo, và luôn chú trọng tới việc thể hiện cho cánh nhà báo biết mình vô cùng năng động, thành công và sống xa hoa. Ông mời họ tới dùng bữa trưa ở phòng ăn riêng, nơi đầu bếp Eugene của ông chuẩn bị thực đơn hàng ngày do vợ ông sắp xếp, phục vụ với những đồ sứ và bạc thượng hạng. Đã từng kết hôn bốn lần, niềm yêu thích Zeckendorf dành cho phụ nữ cũng ngang với niềm yêu thích ông dành cho ẩm thực.
Ở đỉnh cao thành công, Zeckendorf thuê một đội ngũ toàn những kiến trúc sư nổi tiếng hàng đầu bao gồm Le Corbusier, William Lescaze và I. M. Pei để hoàn thành các dự án lớn khắp Bắc Mỹ. Đầu những năm 1960, có lẽ ông đã nắm giữ nhiều bất động sản hơn bất kỳ ai ở Mỹ, bao gồm cả các khách sạn nhà Astor và Drake tại New York. Tuy nhiên, ông thường phiền não với các vấn đề tài chính cần đến cách thức giải quyết sáng tạo. Khi chậm tiến độ dự án xây dựng trụ sở Century City cho hãng phim Fox ở Los Angeles, ông thuê ngôi sao điện ảnh Mary Pickford mở một chai rượu sâm panh trước ngôi nhà sắp bị phá dỡ và sau đó tuyên bố khởi công công trình. Tuy nhiên, sau khi tòa nhà bị san phẳng, công trường lại chẳng có gì tiến triển. Nhưng, truyền thông của ông thuyết phục tới nỗi hãng Fox thôi không gây áp lực cho Zeckendorf trong thời gian đủ dài để ông có thể tìm được một đối tác giàu có giúp ông tiếp tục.
Tính bền bỉ và khoe khoang của Zeckendorf cho Donald Trump thấy được những thắng lợi huy hoàng của phương pháp kinh doanh phô trương. Những người khác lại là những ví dụ cảnh báo cho ông về số phận chờ đón những kẻ nhút nhát và nhún nhường. Tháng Mười Một, năm học đầu tiên của Donald ở Fordham, Trump Bố và con tới tham dự buổi khánh thành chính thức của cây cầu lớn Verrazano-Narrows. Buổi lễ ngoài trời trong đêm ngày thứ Ba trước lễ Tạ ơn này đã mang đến một bài học khiến chàng trai trẻ Trump không bao giờ quên được.
Đã hàng thập kỷ nay, người dân New Yorker vẫn đổ xô về những buổi lễ mừng hoàn công của vô số các công trình dự án công – đường hầm, quốc lộ, các cây cầu – được hoàn thành dưới bàn tay thép cứng rắn của ông vua xây dựng Robert Moses. Cây cầu này là một trong những dự án quan trọng cuối cùng của Moses, có chiều cao bằng bảy mươi tầng và chiều dài hơn một dặm (khoảng 1.298 mét), là cầu treo lớn nhất trên thế giới. Vắt ngang qua eo hẹp đánh dấu cửa ngõ sông Hudson đổ ra biển, cây cầu nối liền quận đảo Staten và Brooklyn. Khi dự án xây cầu được đề xuất, người dân Brooklyn sống quanh khu vực xuống đường phản đối nó sẽ phá hỏng khu dân cư của họ. Vào thời điểm cây cầu được thông, mâu thuẫn này đã biến mất, và có vẻ như không còn ai chống đối hay phá hỏng cảnh lộng lẫy của thành phố nữa. Cờ tổ quốc và cờ đuôi nheo bay phất phơ trong gió cùng với dàn nhạc Sở Vệ sinh Môi trường thành phố New York. Dưới lòng sông, con tàu chở khách vượt đại dương United States băng qua dưới làn nước.
Công chúng được chào đón tới ngắm và chiêm ngưỡng tại buổi lễ thông cầu. Một xe chở đầy các thanh niên trẻ đã gây chú ý với những chiếc xì-mốc-king và đậu ở trạm thu phí suốt một tuần lễ mong được là những người đầu tiên được qua cầu. Tuy nhiên, khách mời danh dự là những người được mời đứng cạnh các diễn giả và những người cắt băng khánh thành, bao gồm thống đốc, thị trưởng, đại sứ Ý tại Mỹ, và vị Hồng y giáo chủ Spellman, người đã chào đón các thiếu sinh quân trường NYMA trên những bậc thang Nhà thờ Thánh Patrick trong ngày lễ Columbus.
Từ vị trí đủ gần để quan sát tốt khán đài, Donald Trump trông thấy người kỹ sư già của cây cầu, Othmar Ammann, bị bỏ quên khi Moses mời những người quyền cao chức trọng lên đón nhận những tràng vỗ tay. (Phóng viên Gay Talese của tờ New York Times, người sau này là một tác giả có tiếng, cũng nhận thấy sự bỏ qua này.) Bài học Trump rút ra ở đây chính là không cách này thì cách khác, chính là lỗi của Ammann khi để người ta phớt lờ mình. Trump quyết định mình phải nhớ sự kiện này, bởi “Tôi không muốn là kẻ bợ đỡ bất kỳ ai”.
Trong thế giới của những giao dịch và âm mưu mà Donald dự định tiến vào, những kẻ bợ đỡ là những kẻ nhìn người khác giàu có ở trong một cuộc chơi mà mình không hiểu được. Bố của Donald không phải là kẻ bợ đỡ của bất kỳ ai. Bị từ chối tiếp cận các chương trình liên bang do những vấn đề bị phơi bày qua cuộc điều trần thượng viện về FHA, Fred đã tìm được cho mình một cuộc chơi khác, chương trình Mitchell-Lama, được xây dựng theo Đạo luật Công ty Nhà ở Lợi nhuận Hữu hạn năm 1955. Được bổ nhiệm vào vị trí nhà làm luật của tiểu bang New York và cũng là tác giả của chương trình, Mitchell-Lama cho phép các chủ đầu tư xây dựng trên đất thu mua của chính phủ, cấp cho họ các khoản vay lãi suất thấp và miễn cho họ một số loại thuế nhất định. Mitchell- Lama thậm chí còn đảm bảo cho chủ đầu tư một khoản phí nhà thầu 7,5% và lợi nhuận hàng năm ở mức 6%.
Những tháng trước khi cây cầu Verrazano-Narrows được thông đường, Fred Trump đã hoàn thành một dự án Mitchell-Lama tên Trump Village, nơi ông đã dùng mánh lới để chiếm gần hết khoảng đất trước đó được dành riêng cho một tổ chức phi lợi nhuận để có thể xây dựng ba nghìn bảy trăm căn hộ. (Khu đất kéo dài này được tập hợp từ những bất động sản nhỏ hơn do chính phủ tịch thu. Những người lờ đi các vụ tịch thu này, và định giá cho mỗi miếng đất, là những thẩm phán Brooklyn thân thiết với Trump.) Trump Village như một kiểu “nhà hát” thực hành cho chàng trai trẻ Donald, đem đến một cái nhìn cận cảnh về những điều gì đó chẳng mấy ai được thấy. Qua vô vàn cuộc trò chuyện và chuyến đi thăm công trình xây dựng, ông học được cách làm thế nào để xử lý và vỗ về các quan chức chính quyền, chính trị gia, nhà thầu, và các chủ cửa hàng. (Fred luôn giữ xì gà trong túi để mời người khác vào những thời điểm mấu chốt.) Donald cũng được quan sát cách bố mình ứng phó với những khủng hoảng bất ngờ.
Chưa từng xây dựng công trình nào cao hơn sáu tầng, Fred Trump thấy rằng với dự án Trump Village, ông đang vượt quá khả năng chuyên môn của mình khi mỗi tòa nhà cao hai mươi ba tầng. Việc hạn chế tài chính và thiếu kinh nghiệm với các dự án xây cao khiến ông không thể thu mua trái phiếu kiến thiết mà chính quyền bang yêu cầu như là một khoản đảm bảo cho tài trợ thế chấp. Không thể tự mình tiến hành, ông quay sang nhờ giúp đỡ từ những người tư vấn ở công ty xây dựng tên HRH. Họ thu mua trái phiếu và đảm nhiệm vai trò chủ công trình. Qua HRH, Trump Village được hoàn thành trước tiến độ và với mức chi phí thấp hơn ước tính ban đầu. Mặc dù về cơ bản Fred là chủ, nhưng ông vẫn chỉ là một người đứng quan sát trong dự án lớn nhất đời mình.
Dù được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Morris Lapidus, Trump Village hoàn chỉnh không mang một chút phong cách nào của các khách sạn Fontainebleau và Eden Roc ở Miami do ông thiết kế. Thay vào đó, Lapidus, làm việc với áp lực liên tục phải giảm thiểu chi phí, đã tạo ra những kết cấu đơn sơ và hiện đại nhất với cửa sổ lớn và những khoảng trống để cư dân có thể tự lắp đặt điều hòa. Phía bên trong các căn hộ có thể thấy chút họa tiết trang trí nhẹ nhàng, nơi những mảng gạch màu sắc và màu sơn sáng làm vơi bớt sự đơn điệu của những viên gạch và cửa kính. Một số đồ đạc Lapidus thiết kế cho hành lang bên trong Trump Village nghệ thuật tới nỗi được mang vào bảo tàng trưng bày.
Là dự án duy nhất Fred từng đặt theo tên mình, Trump Village trở thành thành tựu rực rỡ, cũng vừa là cơn đau đầu kéo dài. Khi cậu con trai Donald rời Fordham vào năm 1966 để lấy bằng cử nhân (chuyên ngành bất động sản) tại Đại học Pennsylvania, các quan chức bang bắt tay đi vào điều tra những mối quan hệ ảnh hưởng mà Trump Bố đã sử dụng khi mua được cả đất cho dự án lẫn sự giúp đỡ của chính quyền, bao gồm 50 triệu đô la trợ cấp giá rẻ và những khoản giảm thuế giá trị lớn.
Khi vụ bê bối đang đến gần, Donald làm việc ở Trump Village vào cuối tuần và giữa các kỳ nghỉ ở trường, chuẩn bị các căn hộ sẵn sàng cho người ở và phản hồi lại các khiếu nại của người thuê. Mảnh khảnh với đôi mắt xanh và mái tóc vàng hơi dài, Donald ăn mặc thời trang, đứng cao hơn bố mình vài phân, người cha vẫn đội chiếc mũ phớt mềm với bộ râu tỉa gọn. Fred từng e ngại về nguồn gốc Đức của mình tới nỗi bắt đầu nói với mọi người mình là người Thụy Điển. Còn Donald gần gũi mọi người mình gặp với một sự tự tin thoải mái. Nhưng bất kể sự khác biệt trong phong cách của hai bố con, hai người đàn ông ấy vẫn giống nhau trong những tham vọng và khao khát của mình. Cả hai dường như đều không mấy hứng thú với những thú hưởng thụ của con người như ẩm thực hay nghệ thuật. Và nếu có ấp ủ lý tưởng cháy bỏng nào đó về chính trị hay đạo đức, họ cũng không để bị dễ dàng nhận thấy, mặc dù vẫn kín đáo đồng tình với Đảng Cộng hòa và cả hai đều vô cùng ngưỡng mộ Đức giám mục Norman Vincent Peale.
Sinh ra và lớn lên ở vùng Trung Tây, Peale trở thành mục sư nhà thờ Marble Collegiate ở Manhattan vào năm 1932. Ở New York, ông làm việc cùng một nhà tâm lý học thông thái tên Smiley Blanton để xây dựng triết lý mà Peale gọi là “sức mạnh của tư duy tích cực”. Sau khi kêu gọi hỗ trợ tài chính từ những người có ảnh hưởng như Thomas Watson của IBM và Branch Rickey của Brooklyn Dodgers, ông xây dựng nền công nghiệp khích lệ của riêng mình để truyền bá tư tưởng qua những cuốn sách, tạp chí và truyền hình. Ông đã chạm tới 30 triệu người Mỹ qua chương trình trên đài phát thanh, và cuốn sách năm 1952 của ông, Sức mạnh của tư duy tích cực, bán được hai triệu bản trong vòng 24 tháng. Cuốn sách vẫn còn được tái bản hơn năm mươi năm nữa và trở thành tài liệu nền tảng trong tín ngưỡng thành công của Peale.
Thông điệp mấu chốt của Peale nằm ở lời khẳng định rằng sự tự tin và trí mường tượng có thể vượt qua gần như mọi chướng ngại trên đường đi của ta. Đối với một mục sư Cơ Đốc, ông là người ít quan tâm tới Kinh thánh hoặc Thiên Chúa, thay vào đó, ông thích kể chuyện về những người đã làm theo phương pháp của ông để vượt qua mọi thứ từ nghiện rượu cho đến nghèo khổ. Khi Chúa thực sự xuất hiện trong những bài viết hay bài giảng của Peale, Người thường được mô tả như một người dẫn dắt cuộc đời hay một đối tượng để suy ngẫm. Peale viết, “Tôi biết rằng với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể bán được máy hút bụi”.
Hầu hết những gì Peale truyền giảng được phản ánh lại trong những phương pháp giảng dạy của Napoleon Hill, tác giả của cuốn Nghĩ giàu và Làm giàu xuất bản năm 1937 và đã đưa ra lời khuyên, “Bạn không bao giờ có thể giàu có được trừ khi bạn làm việc với một lòng khao khát tiền bạc bỏng cháy”. “Phương thuốc” của Peale thì nhẹ nhàng hơn, ông khuyến khích những phương pháp thiền mượn từ lý thuyết của chuyên gia thôi miên nổi tiếng người Pháp, Émile Coué, người hướng dẫn các đối tượng của mình thực hành “tự kỷ ám thị(1)” bằng cách lặp đi lặp lại câu nói “Mỗi ngày, ta đang trở nên tốt hơn theo mọi hướng”. Cuốn sách của Coué, Self-Mastery Through Conscious Autosuggestion (Tạm dịch: Làm chủ tinh thần qua Tự kỷ ám thị ) được xuất bản ở Mỹ vào năm Peale được phong chức Mục sư Giám lý. Tác giả quảng bá cuốn sách với tua diễn thuyết trước công chúng gây quỹ được 16.000 đô la (tương đương 220.000 đô la năm 2015) cho việc thành lập Viện Coué ở New York. Ủy ban Viện gồm một người nhà Vanderbilt, một Giám mục Giám lý, một người California giao thiệp rộng kết hôn với bá tước Ý, và một cựu ủy viên cảnh sát thành phố.
(1) Tự kỷ ám thị (autosuggestion) hay còn gọi là tự thôi miên, tự tâm niệm… thuật ngữ đề cập đến tất cả những hình thức tự kích thích và khuyến khích bản thân qua năm giác quan của con người, là quá trình tự tâm niệm, tự khích lệ. (ND)
Cũng như Coué, Peale nói với tín đồ hãy tưởng tượng những gì bản thân muốn trở thành và vượt qua nghi ngờ bằng cách lặp lại những câu nói như “Chúa trao cho ta sức mạnh để đạt được bất kỳ điều gì ta thực sự muốn”. Những câu nói như vậy nên được lặp lại ít nhất sáu lần mỗi ngày, Peale viết, để “lấp đầy tâm trí các anh”. Trên tất cả, tôn giáo của ông là thực tế và hữu ích trong việc theo đuổi “sức mạnh và hiệu quả”. Peale hiếm khi đụng đến các khái niệm của đạo Cơ Đốc về tội lỗi, sự đau khổ hay chuộc tội. Thay vào đó ông thích thuyết giảng trước tín đồ “hãy thoát khỏi cảm giác tội lỗi” về những việc làm sai trái của mình. Khi nói về những bất an và lo lắng của những người trong giáo đoàn đông đảo của mình, Peale nhấn mạnh, “Mỗi một người bình thường đều muốn có sức mạnh vượt qua hoàn cảnh, sức mạnh vượt qua sợ hãi, qua sự yếu đuối, qua chính bản thân mình”. Ông nói họ sẽ đạt được sức mạnh này qua lời cầu nguyện, sự mường tượng và hành động để “hiện thực hóa” giấc mơ về “sự giàu sang, thành tựu và thành công”. Ông viết, “Học cách cầu nguyện những lời nguyện lớn lao. Chúa sẽ đánh giá các anh theo mức độ lời nguyện của các anh”.
Peale nổi tiếng bao nhiêu thì cũng gây tranh cãi bấy nhiêu. Nhà thần học Reinhold Niebuhr coi các tổ chức của Peale là một giáo phái. Khi các nhà tâm lý học hàng đầu chỉ trích Peale – một vài người cảnh báo rằng phương pháp của ông có thể thúc đẩy sự rối loạn tâm trí – Smiley Blanton từ chối đứng ra bênh vực Peale và cấm ông sử dụng tên tuổi của Blanton. Peale cũng gặp phải rắc rối khi phản đối chiến dịch tranh cử của John F. Kennedy, nói rằng, “Nếu bầu cho một người theo đạo Công giáo, nền văn hóa của ta đang gặp nguy”. Giữa những tranh cãi náo nhiệt về lời phát ngôn này, giáo đoàn của Peale đồng lòng ủng hộ ông, nhưng ông nhanh chóng hối hận và rút lui khỏi nhóm các mục sư chống đối Kennedy. Sau khi Kennedy giành chiến thắng, hành động tội lỗi của Peale nhanh chóng rơi vào quên lãng. Mùa xuân năm sau, ông được tôn vinh vì sự nghiệp bốn mươi năm cống hiến giảng đạo, và giới thượng lưu cộng đồng kinh doanh New York vây chật kín buổi lễ Phục sinh ở nhà thờ Marble Collegiate.
Peale vẫn luôn là một người xuất chúng và là người giảng đạo được quần chúng nhân dân Mỹ yêu mến khi ông mang đến cho chủ nghĩa tư bản những lý lẽ đạo đức, cũng như truyền cảm hứng cho những người bán máy hút bụi. Năm 1961, các nhà quản lý từ hơn 750 công ty đặt mua dài hạn tờ Guideposts của ông cho nhân viên của mình. (Trong một năm chỉ riêng Công ty Thép Hoa Kỳ đã bỏ ra 150.000 đô la đặt mua tạp chí.) Ở New York, giáo đoàn Đại lộ 5 của Peale tăng từ sáu trăm cho tới năm nghìn người, và buổi lễ giảng của ông thu hút các chủ ngân hàng, các chính trị gia, ban chấp hành và những người hoạt động kinh doanh như Fred và Donald Trump.
Là những người thực hiện sức mạnh tư duy tích cực gần như hoàn hảo, cả hai người đàn ông này đều muốn đạt được kiểu giàu sang và địa vị sẽ nâng tầm họ vượt lên những người khác. Ở Peale, người ta thấy một vị mục sư đã dạy cho họ rằng Chúa cũng muốn điều tương tự cho họ và “sức mạnh vô biên của vũ trụ” dành cho họ chỉ khi họ sử dụng tư duy tích cực và rèn luyện tâm trí để “nghĩ về chiến thắng”. Donald thể hiện tư duy tích cực trong suốt cuộc đời mình, và nó trở thành thói quen thực sự của tâm hồn ông. Các dự án và sự sáng tạo của ông luôn là, theo như lời của ông, “tốt nhất” và “vĩ đại nhất”, và khi bị gợi nhắc về những thất bại hay mâu thuẫn trong những tuyên bố của mình, ông sẽ trả lời với những câu kiểu như “Ừ, thì sao chứ?” và vội chuyển sang một thành tựu khác. Luôn luôn tư duy tích cực.