TÔI LUÔN THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA CÔNG CHÚNG HƠN BẤT KỲ AI.
- DONALD TRUMP
Giữa những tập tài liệu và bìa hồ sơ chất thành đống, Wayne Barrett đắm chìm trong suy nghĩ khi ông ngồi vào bàn trong căn phòng hội nghị nhỏ của chính phủ và miệt mài nghiên cứu những tờ giấy ghi chú và văn bản. Âm thanh chói tai của chiếc điện thoại mà ông đã đẩy ra đến cạnh bàn khiến ông giật mình cũng như lời giải thích lớn tiếng của người thư ký vang lên từ văn phòng gần đó: “Tìm ông đấy!”. Barrett, người chưa hề nói với bất kỳ ai rằng ông sẽ làm việc tại văn phòng của New York State Urban Development Corporation (Tập đoàn Phát triển Đô thị Tiểu bang New York), với tay cầm lấy ống nghe.
“Tôi nghe?”
“Wayne đó à? Là tôi Donald đây”. Một giọng nói hăm hở, quen thuộc, và ngạo mạn. Người gọi đến không xưng rõ họ mình – là Trump – điều này khiến Barrett cảm thấy lạ lùng vì ông chưa bao giờ tiếp xúc với người đàn ông này cho đến tận giây phút này.
“Nghe nói anh đang đi khắp thị trấn và hỏi nhiều câu hỏi không hay về tôi. Khi nào anh định nói chuyện với tôi đây?”
“Tôi đang đi đường vòng ấy mà”, Barrett trả lời. Sau đó ông đồng ý gặp Donald Trump trong khoảng thời gian một tháng. Đó là lần đầu tiên trong ba cuộc phỏng vấn với Trump mà Barrett còn nhớ khá rõ sau hơn 40 năm phỏng vấn người khác với tư cách là phóng viên và tác giả.
Cuối năm 1978, khi cuộc điện thoại này diễn ra, Barrett đã có năm sự nghiệp tại tuần báo The Village Voice, nơi mà ông trở thành một cây bút cố định trong giới báo chí New York. Là người hay nghi ngờ những kẻ có quyền thế, ông sống tại khu vực Brownsville nghèo nàn và thô sơ của Brooklyn, nơi ông từng là giáo viên và người bào chữa cho những người thuê nhà sống trong các khu ổ chuột. Sự hết lòng đối với những vụ kiện tụng của họ với mức độ hăng hái của một người từng thay đổi chính kiến, bởi vì cuộc đời ông bắt đầu trong một gia đình bảo thủ ở Thành phố Lynchburg bảo thủ, thuộc bang Virginia, nơi ông từng đồng chủ trì nhóm Thanh niên vì Goldwater của bang mình trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công của thượng nghị sĩ bang Arizona.
Mặc dù quan điểm ông bắt đầu thay đổi trong những năm tháng học đại học tại Philadelphia, Barrett trở thành người suốt đời theo đảng tự do sau khi vào học Trường Báo chí hậu Đại học Columbia và đưa tin về chiến dịch tranh cử Tổng thống của Robert F. Kennedy. Mối quan tâm lo lắng của Kennedy dành cho người nghèo và lời cam kết về quyền công dân đã truyền cảm hứng nghề báo cho Barrett khi ông tập trung vào các chiến dịch tranh cử, vấn đề chính phủ, và những khía cạnh khác trong cuộc sống công dân. Ông đã chú ý đến Trump như một nhà phát triển trẻ tuổi, người thể hiện khả năng biến những mối quan hệ chính trị của mình thành lợi nhuận.
Một trong các bài phỏng vấn Trump của Barrett diễn ra tại văn phòng trên Đại lộ Z ở Brooklyn, nơi mà Fred vẫn còn quản lý những tòa chung cư của mình. Hai cuộc phỏng vấn còn lại được thực hiện ở tòa nhà Olympic Tower, nơi mà lúc bấy giờ Donald và Ivana đang sinh sống. Barrett không có bộ com-lê nào, nhưng ông có bổ sung cà vạt vào tủ quần áo để chuẩn bị cho những chuyến viếng thăm này. Vợ ông, người đi dạo ngắm nghía lòng vòng ở Đại lộ 5 suốt một trong các buổi phỏng vấn ấy, đã tấn công ông dồn dập với hàng loạt câu hỏi về cách bài trí nội thất trong nơi ở của Trump, nhưng Barrett không có gì nhiều để nói. Ông quá bận tâm đến việc có được câu trả lời cho những câu hỏi của mình đến mức chẳng màng đến tranh nghệ thuật treo trên tường hay đồ đạc trong phòng. Những cây bút khác sẽ tường thuật về lớp đá cẩm thạch sẫm màu mà Ivana đã chọn để lót nền, những chiếc bàn phủ da dê, và chiếc võng treo gần cửa sổ nhìn xuống toàn thành phố.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên, Trump chắc chắn Barrett biết ông ta rất thân với các quan chức đứng đầu công ty đang sở hữu tờ The Village Voice. Bằng cách nào đó, mà không cần Barrett nói ra, Trump biết người phóng viên sống ở Brownsville, nơi mà ông ta gọi là “khu dân cư vô cùng khắc nghiệt”. Ông ta tình nguyện giúp Barrett chuyển đến một căn hộ ở một nơi đỡ khắc nghiệt hơn. Barrett từ chối, giải thích rằng mình đã sống ở Brownsville suốt một thập kỷ và ông rất gắn bó với khu vực này và sự phát triển của nó. “Vậy là chúng ta đều làm một việc giống nhau”, Trump đáp. “Hai ta sẽ xây dựng lại những khu dân cư”.
Suốt thời gian ở cùng với Trump, Barrett tìm câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi gây tranh cãi. Ông muốn biết về mối quan hệ 30 của gia đình Trump với Abe Beame và sự thành lập Đảng Dân chủ ở Brooklyn. Ông hỏi rằng liệu Donald Trump có biết lý do tại sao luật sư đại diện cho các chủ nợ của Penn Central lại đột nhiên từ bỏ việc phản đối bán Khách sạn Commodore không. Và làm thế nào mà Trump, Barrett đặt câu hỏi, đã điều chỉnh tuyên bố rằng tập đoàn Trump Organization sở hữu đến 22 ngàn căn hộ bằng những văn bản pháp lý khiến con số đó giảm xuống còn 12 ngàn? Barrett cũng nhấn mạnh đến chi tiết về các đơn khiếu nại về việc tập đoàn Trump Organization phân biệt sắc tộc, mà Trump đã không thừa nhận trước giới báo chí và trong yêu cầu phản tố do Roy Cohn đệ trình.
Trump cũng có những câu hỏi riêng dành cho Barrett: “Mọi người nói gì về tôi? Họ có nói là tôi trung thành không? Họ có nói tôi làm việc chăm chỉ không?”. Khi cảm thấy không còn vui vẻ mấy với dự án của Barrett, Trump hỏi liệu Barrett có nhận thức được rằng ông ta sẵn sàng thưa kiện nhà báo không: “Tôi đã hai lần đâm đơn kiện mấy tay phóng viên vì tội bôi nhọ danh dự. Roy Cohn là luật sư của tôi trong cả hai vụ ấy. Tôi thắng một vụ và vụ còn lại đang chờ xét xử. Việc này tốn mất của tôi 100 ngàn đô la nhưng mà đáng vô cùng. Tôi đã làm cho một tay bút phải điêu đứng. Anh và tôi tuy là bạn bè với nhau, nhưng nếu câu chuyện của anh gây tổn hại đến danh tiếng của tôi, tôi sẽ kiện anh ra tòa đấy”.
Barrett không bao giờ biết tên của những tác giả được cho là đã bị Trump khởi kiện, cũng như không hề tìm thấy bất kỳ tin tức nào trên báo chí về hành vi bôi nhọ mà nhà phát triển đã bày ra. Nhưng một lời đe dọa, kèm theo lời tuyên bố tôi-đã-làm-điều-đó, có thể khiến một nhà báo phải chùn bước. Có thể Barrett đã chùn chân, nhưng ông không nhụt chí. Đầu tháng 1 năm 1979, ông công bố một loạt bài báo chỉ ra những mối quan hệ chính trị của Trump và tiết lộ rằng ông ta là một người đàn ông trẻ tuổi tài trí, người đã vượt qua tấm gương của bố mình. Barrett không hề mô tả bất cứ điều gì bị xem là bất hợp pháp, nhưng các bài báo của ông củng cố tham vọng vô cùng lớn lao của Donald Trump đến mức nó nói rất ít về những đặc điểm khác. Barrett viết như sau:
"Sau khi biết về Donald Trump, tôi nhận ra rằng đối với anh, những thỏa thuận kinh doanh chính là cuộc sống. Có lần anh ta nói với tôi, 'Tôi sẽ không đồng ý một thỏa thuận nếu chỉ vì lợi nhuận. Thỏa thuận đó phải khiến tôi phấn khích. Nó phải có tư cách của riêng mình”. Một nhà phát triển khác ở Manhattan diễn đạt theo một cách khác. “Trump sẽ không ký kết một thỏa thuận trừ khi trong thỏa thuận ấy có thêm điều gì đó – như là một kiểu ăn cắp đạo đức vậy. Anh ta không thỏa mãn với một khoản tiền lời đâu. Anh ta phải lấy thêm thứ gì đó. Bằng không anh ta sẽ chẳng run lên vì xúc động”.
Là lời giải thích đầy đủ đầu tiên về hiện tượng Trump, những bài báo của Barrett trở thành chuẩn mực cho rất nhiều người tiếp bước sau ông trong nỗ lực lý giải sự thành công của Donald. Trump không mấy vui vẻ với những bài viết này và cuối cùng miêu tả công trình của Barrett là “đầy ác ý” và khằng định rằng “toàn bộ trích dẫn đều đã bị xào nấu hoặc tách ra khỏi ngữ cảnh”, mặc cho tất cả những cuộc gặp gỡ của cả hai đã được ghi âm lại. Tuy nhiên, Trump đã không đệ đơn kiện.
Nếu các nhà báo có mắc sai lầm khi đối phó với Trump, đó có lẽ là do bất cứ khi nào Trump phát biểu với giới báo chí, ông ta thường nhắc đến rất nhiều tuyên bố mới lẫn cũ mà ngay cả người kiểm tra tài giỏi nhất cũng gặp vô vàn khó khăn để sắp xếp lại. Trong cuộc phỏng vấn nọ, Donald đã điều chỉnh lại lời biện hộ về việc phá hủy tác phẩm nghệ thuật Bonwit, nói rằng ông ta sẽ phải tốn không phải 32 ngàn mà đến những 500 ngàn đô la để cứu lấy nó. Con số 32 ngàn đã được người bạn ruột John Baron của ông ta đưa ra, điều này có nghĩa là, đối với công chúng, Trump không hề mâu thuẫn. Năm 1983, giới báo chí ước đoán tài sản của Fred Trump sẽ giảm từ 200 triệu đô la trong báo cáo năm 1976, xuống chỉ còn 40 triệu đô la, điều này khiến cho những thành tựu của Donald dường như càng trở nên ấn tượng hơn nữa. Một năm sau, khi The Times gặp lại Fred Trump, người ta tin rằng ông ấy đang kiểm soát khối tài sản 1 tỷ đô la và cả gia đình vẫn còn là người Thụy Điển, chứ không phải Đức. (Trong bài báo này The Times đã hạ Ivana từ thành viên đội tuyển Olympic xuống “thành viên thay thế”.)(1)
(1) Robert D. McFadden, “Builder Says Costs Forced Scrapping of Bonwit Art” (Chủ thầu nói chi phí buộc họ phải phá hủy tác phẩm nghệ thuật Bonwit). New York Times, ngày 09/06, 1980, B3; Marilyn Bender, “The Empire and Ego of Donald Trump” (Đế chế và cái tôi của Donald Trump), New York Times, ngày 07/08, 1983; và William E. Geist, “The Expanding Empire of Donald Trump” (Đế chế bành trướng của Donald Trump), New York Times Magazine, ngày 08/04, 1984, 28.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết sự nhầm lẫn về hình ảnh trước công chúng của Trump cũng đều bị áp đảo bởi lượng truyền thông về hoạt động của người đàn ông. Một ví dụ hoàn hảo cho động lực này nổi lên quanh sự đánh giá của nhà phê bình Ada Louise Huxtable về Trump Tower. Khi nhìn thấy bản vẽ của tòa nhà sắp được xây dựng, bà nói rằng Der Scutt đã nghĩ ra một “thiết kế tuyệt vời”. Tuy nhiên, khi tòa nhà được xây xong, rõ ràng Huxtable đã rất thất vọng. Bà tuyên bố Trump Tower là một công trình kiến trúc “hết sức xoàng xĩnh” đã bị “vẻ bề ngoài buồn tẻ và tầm thường” làm hỏng. Phần nội thất, lát đá cẩm thạch màu hồng sẫm vốn được chọn lựa cẩn thận tại Ý, gợi lên “lối trang trí phòng vệ sinh dành cho những quý bà sang trọng”.
Không một ai từng chú ý kỹ đến quan điểm của Huxtable lại có thể lẫn lộn ý kiến của bà về Trump Tower sau khi hoàn thành, ý kiến này nhất quán với mối bận tâm lâu dài của bà về những tòa nhà chọc trời đang dần thống trị bầu trời Thành phố New York. Như bà quan sát, các luật sư và nhà phát triển đã lợi dụng các khoản tiền thưởng có thể thu về trong các quy định về quy hoạch nhằm tạo ra một kiểu cao ốc vốn “lãng mạn hóa quyền lực và điều kiện đô thị đồng thời tôn vinh sức ảnh hưởng và dòng tiền. Những hiệu ứng phụ ít hảo huyền hơn chính là sự tham lam và hỗn loạn đã quá rõ ràng”. Ta có thể nhìn thấy một ví dụ chuẩn xác ở Midtown, nơi mà, bà nhận thấy, “Der Scutt đã tạo ra Trump Tower khổng lồ, một hình thể vươn lên, nhiều mặt mà chắc chắn sẽ phá hủy quy mô và môi trường của Đại lộ 5”. Nhưng ngay cả khi nhà phê bình kiến trúc được tôn trọng bậc nhất của quốc gia đả kích công trình của mình, Trump vẫn mưu toan khai thác các thành tích của bà. Mặc cho sự bất bình của bà, cụm từ “thiết kế tuyệt vời”, mà bà viết để mô tả bản vẽ tòa nhà của Der Scutt, đã được trưng bày ngay lối vào Trump Tower. Cả bà lẫn nhà xuất bản đều không đồng ý cho phép mục đích sử dụng này, nhưng không có điều khoản nào trong luật bản quyền ngăn cấm điều này cả.
Từ lúc khai trương, không gian công cộng trong Trump Tower đã rất đông khách du lịch và những kẻ hiếu kỳ muốn tận mắt nhìn xem người ta nhặng xị lên vì điều gì. Khi đặt chân vào tòa nhà, họ được tiếp đón bởi những người phục vụ ăn mặc như vệ binh Anh quốc, với áo choàng đỏ cùng mũ kỵ binh cao và phủ lông. Du khách đến sảnh chung được nghe nhạc sống chơi trên chiếc đàn dương cầm loại lớn và ngắm nhìn những dòng nước đổ xuống như thác dọc theo bức tường đá cẩm thạch. Loại đá đỏ hồng được mài nhẵn bóng trải dọc khắp mọi hướng không có vẻ gì hoan nghênh chào đón mà còn có phần đáng sợ, và những đồ vật cố định bằng đồng thau, mà Trump hy vọng sẽ sáng bóng như chiếc khóa trên bộ đồng phục NYMA(2) của mình, dường như được sản xuất với quy mô công nghiệp. Thang cuốn đưa người mua sắm lên những cửa hàng bán lẻ giá cao ở các tầng trên của sảnh. Chủ các cửa hiệu này, người trả những khoản tiền thuê cao nhất thế giới, thường gặp khó khăn về lợi nhuận. Trong vòng một thập kỷ, các cửa hiệu độc quyền như Buccellati, Lina Lee, Martha và Charles Jourdan đã biến mất. Thế chỗ cho họ là những cửa hàng bán lẻ khiêm tốn như Tower Records và Dooney & Bourke. Những người mắt tròn mắt dẹt khi đi qua cửa xoay có nhiều khả năng sẽ chi 50 đô la ở cửa hàng Nike thay vì 500 đô la tại Galeries Lafayette.
(2) New York Militay Academy: Học viện Quân sự New York (ND).
Là chủ cho thuê, Donald Trump không mấy bận tâm về doanh thu giữa các cửa hiệu bán lẻ trong trung tâm mua sắm, miễn là họ trả tiền thuê đầy đủ. Vào năm 1986, Trump nói rằng các tầng văn phòng và cửa hàng bán lẻ tạo ra 17 triệu đô la mỗi năm. Tất cả công việc kinh doanh diễn ra ở những không gian này đều nằm khuất tầm mắt của cư dân sinh sống ở Trump Tower, những người đến và đi thông qua một lối vào và hành lang nhỏ nằm trên Đường số 56. Không có nhạc công piano, bức tường nước, hay những người lính vệ binh, khu vực sảnh dành cho dân cư được thắp sáng mập mờ đến mức vào những ngày nắng, một khi bước vào bên trong, người ta phải dừng lại để mắt họ làm quen với bóng tối.
Doanh thu từ khu chung cư của tòa tháp đã mang về 277 triệu đô la theo báo cáo, giải quyết dứt điểm 190 triệu đô la chi phí xây dựng, và còn dư rất nhiều cho Trump và đối tác của mình, Equitable. Trump đồng thời cũng đưa ra yêu cầu giảm thuế tương tự như trường hợp của Aristotle Onassis dưới pháp luật nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển cư trú trên những khu đất không được sử dụng. Nhưng sự dàn xếp của Olympic Tower đã được thông qua dưới thời một thị trưởng khác, vào thời điểm thành phố New York đang gặp khủng hoảng kinh tế. Trump yêu cầu giảm thuế khi New York đã vực dậy và một Ed Koch khí thế đang ngồi trong văn phòng thị trưởng. Rất nhiều tòa nhà chọc trời mới bắt đầu mọc lên ở Manhattan trong những năm đầu Koch làm thị trưởng, và chỉ số xếp hạng tín nhiệm của thành phố cứ tăng dần đều. Dưới những điều kiện này, ngài thị trưởng cảm thấy không cần phải trợ giúp cho các nhà phát triển.
Koch là một trong số ít những nhân vật ở New York mà tính cách và tham vọng có thể cạnh tranh với Donald Trump. Hung hăng và ích kỷ, ông thể hiện bản thân như là hiện thân của một kiểu người New York nhất định, những người thường nói mà không nghĩ và luôn chen lên đầu hàng, chẳng khác gì Trump. Ông xem yêu cầu giảm thuế của nhà phát triển là một nỗ lực vụ lợi cho bản thân bên cạnh khoản lợi nhuận khổng lồ mà Trump đã thực hiện bằng cách thao túng các quy định về quy hoạch nhằm tăng kích cỡ tòa tháp đến mức tối đa. Sau đó lại yêu cầu giảm những khoản thuế lên đến hàng triệu đô la cho một tòa nhà mà sẽ trở thành nơi cho vài kẻ giàu nhất thế giới dường như là điều thật không thể chấp nhận. Hơn nữa, trong năm Bonwit Teller ngừng hoạt động trên Đại lộ số 5, cửa hàng đạt được mức thu nhập 30 triệu đô la. Theo quan điểm của Koch, điều này cho thấy địa điểm không đủ điều kiện để được xem là không được tận dụng và vì thế không đủ tư cách để nhận tiền trợ cấp.
Luật sư của Trump đưa ra bằng chứng rằng vào những năm 70, thỉnh thoảng Bonwit chỉ sử dụng có 60% không gian sàn nhà. Báo cáo này đã thuyết phục tòa án tối cao của bang, khiến họ không thể từ chối giảm thuế cho Trump. Thế nhưng, trong khi “bỏ túi” xấp xỉ 50 triệu đô la từ việc giảm thuế, Trump đồng thời cũng biến Thị trưởng Koch thành kẻ thù. Dựa trên việc tham gia kinh doanh của Trump vốn đòi hỏi ông ta phải thường xuyên giao thiệp với chính quyền thành phố, việc tránh mặt ngài thị trưởng không phải là một ý hay.
Tiền rót đầy túi với lợi nhuận từ việc bán những căn hộ chung cư trong tòa tháp mới xây của mình, Trump thấy mình đã ở nhầm chiến tuyến trong trò chơi chính trị khi đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhượng quyền ở địa phương – đội New Jersey Generals – của Liên đoàn Bóng bầu dục Hoa Kỳ (USFL). Theo nhiều người đánh giá, đội bóng hoàn toàn phù hợp cho một người luôn có động lực cạnh tranh và khao khát sự chú ý của công chúng. Hơn bất kỳ hình thức giải trí nào, thể thao, đặc biệt là bóng bầu dục, được lợi từ cơn mưa quảng cáo miễn phí. Mọi tờ nhật báo trên cả nước, ngoại trừ tờ Wall Street Journal, dành ra hàng trang báo – chưa kể tiền lương và chi phí của phóng viên – cho thể thao. Bản tin truyền hình địa phương lúc nào cũng đưa tin thể thao, và những trận đấu là chương trình chính cho các đài truyền hình lớn. Năm 1979, một đài truyền hình non kém chuyên về thể thao với tên gọi ESPN bắt đầu đi vào hoạt động với trụ sở đặt ở Connecticut. Đài phát sóng những chương trình trò chuyện về thể thao trên khắp đất nước, và không lâu sau một số đài, gồm cả WNBC ở New York, cũng đã tiếp nhận hình thức chuyên về thể thao.
Với các phương tiện truyền thông đại chúng dành cho thể thao, ngay cả ông chủ đội bóng cũng có thể trở thành người nổi tiếng, nếu họ lựa chọn điều đó. Bạn của Donald Trump – George Steinbrenner, người sở hữu đội bóng chày Yankees và hay lui tới Le Club, là một ví dụ xuất sắc. Ông tận dụng giới báo chí để khiến nhiều người nhận ra mình đến mức một công ty bia đã đưa ông vào quảng cáo.
Steinbrenner cũng tiếp tục theo đuổi cuộc chơi khi các đội bóng chuyên nghiệp trở nên vô cùng có giá, nhờ vào số tiền các nhà đài chi trả để mua quyền phát sóng trận đấu của họ. Được tổ chức để thu hút các chương trình truyền hình, Liên đoàn Bóng bầu dục Hoa Kỳ bắt đầu chơi vào năm 1983 với mười hai đội bóng có chủ là những người giàu có để có thể thua lỗ trong thời gian liên đoàn phát triển. Trump mua đội Generals trước mùa giải năm 1984 với giá 9 triệu đô la và chẳng mấy chốc bắt đầu vận động nhằm xây dựng sân vận động cho đội bóng của mình với sự hỗ trợ của Thành phố và chính quyền New York. Thị trưởng Koch phản đối ông ta, và ý tưởng ấy đã tan thành mây khói cùng với liên đoàn vào năm 1985. Quan hệ của họ có cải thiện chút đỉnh khi bố của Trump quyên góp 25 ngàn đô la cho chiến dịch tái tranh cử của ngài thị trưởng năm 1985. Nhưng cuối cùng mối quan hệ giữa Koch và Donald Trump trở nên xấu đến mức họ gọi nhau bằng những cái tên khó nghe mà thường thấy ở sân chơi nhiều hơn là ở các cấp lãnh đạo chính quyền.
Mối quan hệ xuống thấp nhất khi Trump một lần nữa xin giảm thuế cho dự án phát triển ở khu vực West Side của Manhattan. Dự án bao gồm một ngôi nhà mới cho Đài Truyền hình NBC, vốn đang dự định chuyển từ Rockefeller Center đến New Jersey gần đó. Ở New York, và nhiều nơi khác, các công ty lớn thường đe dọa sẽ dời đi đến những nơi rẻ hơn nhằm nhận được hỗ trợ về nơi chốn từ chủ cho thuê hoặc chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong trường hợp của NBC, sự di dời từ khu trung tâm truyền thông, văn hóa và tài chính dường như không có khả năng xảy ra. Mặc dù vậy, Trump chộp ngay lấy ý nghĩ này để xúc tiến một khu phức hợp khổng lồ những tòa nhà thương mại và dân cư nằm giữa Đường 59 và Đường 72 – ông ta gọi đó là Television City (Thành phố Truyền hình) – với NBC là trung tâm. Koch phản hồi bằng cách đưa ra những khích lệ về mặt tài chính nhằm giúp đài này ở lại trong thành phố bất kể họ đặt cơ sở vật chất ở đâu. NBC thậm chí có thể vẫn ở Rockefeller Center và dùng tiền để nâng cấp.
“Thành phố dưới thời Ed Koch là một thảm họa”, Trump phát biểu sau khi Koch thông báo quyết định của mình.
“Nếu Donald Trump đang ré lên như một con lợn bị mắc kẹt”, Koch đáp trả, “chắc hẳn tôi đã làm điều gì đó đúng đắn”. Trump gọi ngài thị trưởng là “tên đần độn”, và Koch chế nhạo ông ta bằng “Đồ con lợn, con lợn, con lợn”.
Hiềm khích giữa Koch và Trump được cánh báo chí địa phương khuyến khích, nhất là tờ báo lá cải Post, tờ báo mà trước đó rất chú ý đến hai người đàn ông. Trong quá khứ Post đã ủng hộ Koch, nhưng trong cuộc chiến này nhìn chung tờ báo đã về phe Trump. Cuối cùng, sự quản lý của ngài thị trưởng đã bị những vụ bê bối càn quét, bao gồm việc Ủy viên chuyên phụ trách các vấn đề văn hóa Bess Myerson mưu toan hối lộ một vị thẩm phán, và sự xôn xao về những bản cáo trạng và đơn từ chức làm cho Tòa Thị chính bị tê liệt.
Tạp chí New York nhận thấy Trump có mặt trong vài cuộc trò chuyện về người tiếp theo sẽ ngụ tại biệt thự Gracie Mansion một khi nhiệm kỳ của ngài thị trưởng đương nhiệm chấm dứt, nhưng không hề có bất kỳ phong trào ‘Trump làm thị trưởng’ nào được phát động. Tuy nhiên, việc ông ta được đề cập đến cùng với những người có tiềm năng nổi tiếng như thị trưởng tương lai Avid Dinkins và Rudolph Giuliani cho thấy Donald Trump đã trở thành một nhân vật có ý nghĩa quan trọng. Trump không phải là chính trị gia, như Dinkins, cũng chẳng phải một công chức như Giuliani, người từng là Luật sư cho Văn phòng Luật sư Quận Southern của Thành phố New York và vì thế trở thành trưởng công tố viên chính phủ liên bang ở Manhattan. Trump thậm chí không phải là chủ thầu thành công nhất trong thành phố. Tuy nhiên, ông ta là một trong những người đàn ông giàu nhất nước Mỹ, và điều này khiến ông ta đáng được xem xét.
Trump đã trở nên cực kỳ nổi tiếng nhờ vào các loại truyền thông đại chúng mới mẻ mà dường như được phát minh ra nhằm chú ý đến những người như ông ta, khi họ nâng tầm đẳng cấp và mở rộng khái niệm người nổi tiếng. Trên truyền hình, đi tiên phong trong giới báo chí về những người nổi tiếng này là một chương trình tên là Entertainment Tonight, ra mắt năm 1981. Thiết kế giống như chương trình thời sự buổi tối, Entertainment Tonight hoạt động chủ yếu như cánh cửa sổ phản ánh đời sống của người nổi tiếng và những người sẽ trở nên nổi tiếng. Một trong những người dẫn chương trình đầu tiên là Robin Leach, một người gốc Anh. Ông đã phát triển một phiên bản khác dựa trên hình thức này, mà ông gọi là Lifestyles of the Rich and Famous. Leach, người bỏ học trước khi vào đại học để trở thành phóng viên trên Đường Fleet, tin rằng, “Những khán giả đòi hỏi kiểu chương trình thế này dường như không bao giờ có thể thỏa mãn được”. Với giọng nói chắc chắn khiến cho nhiều người xem đài cho rằng ông vừa giàu kinh nghiệm vừa sành đời, Leach mặc chiếc áo vest màu xanh thanh lịch và nói về “ước vọng uống rượu sâm-banh và giấc mơ ăn trứng cá muối”. Các nhà sản xuất hứa hẹn rằng ông là phóng viên hàng đầu về giới giải trí của nước Mỹ, người “liên tục đi vòng quanh thế giới với những nhóm thượng lưu”.
(Cũng lưu ý rằng trong khi khán giả của Leach không cần suy nghĩ cũng hiểu rằng chương trình của ông tập trung vào thói quen tiêu xài của những người giàu có và nổi tếng – nhà cửa, của cải, du lịch, sở thích,… – chữ lifestyle thật sự khá mới mẻ. Khi được nhà tâm lý học Alfred Adler sử dụng lần đầu tiên vào năm 1929, từ lifestyle ám chỉ đến chiến lược mà con người áp dụng nhằm tránh đối mặt với rắc rối hoặc những tình huống không thoải mái. Trong thập niên 60, từ này được sử dụng lại với nghĩa tương tự như way of living (cách sống). Năm 1967, một tạp chí mới ra tên là Avant Garde hứa hẹn tìm hiểu về từ lifestyle của “những tay chơi xe điên cuồng”, và nhà báo Gloria Steinem sử dụng phiên bản có gạch nối của từ này trong một bài viết cho tờ The New York Times. Trong vòng một thập kỷ, những nhà quảng cáo và người tiêu thụ hiểu từ này như một thuật ngữ ám chỉ tầng lớp xã hội, khiếu thẩm mỹ, và sự giàu có bề ngoài. Nhân tố cuối cùng hiện ra rõ nhất, và vẻ ngoài giàu có là điều quan trọng nhất, chứ không phải thực tế. Chẳng ai biết chiếc xe hơi đắt tiền của bạn có kèm theo những khoản tiền trả nợ khổng lồ hàng tháng hay không, hoặc liệu ngôi nhà tuyệt đẹp có phải là nhà thuê hay không. Điều quan trọng là ấn tượng bạn để lại khi lái xe quanh thị trấn, hoặc bước ra khỏi nhà.)
Năm 1983, hàng triệu người mở tivi lên để xem những tập đầu tiên của Lifestyles of the Rich and Famous, được phát sóng dưới dạng chương trình đặc biệt kéo dài hai giờ đồng hồ. Trong số những người Leach lựa chọn tiết lộ thông tin trong những tập đầu tiên này có Công nương Diana, diễn viên/ngôi sao ca nhạc Cher, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lãng mạn Barbara Cartland, và một doanh nhân duy nhất là Donald Trump. Cher cho khán giả xem bộ sưu tập giày của mình. Trump thì khoe khu đất dành để nghỉ dưỡng vào cuối tuần ở Greenwich, Connecticut, và đã không chỉnh lời Leach khi người dẫn chương trình nói rằng nơi đó đáng giá gấp ba lần con số 3,7 triệu đô la mà gần đây Trump bỏ ra để mua nó. Leach sẽ mời ông ta trở lại tham gia chương trình.
Trong khi Ronin Leach đại diện cho mẫu số chung thấp nhất trong giới truyền thông, Trump cũng thu hút sự chú ý từ những người ở đẳng cấp cao hơn. Một bài tiểu sử dài trên tạp chí Sunday của The New York Times cho phép ông ta tha hồ khoe khoang khoác lác – “Tôi là người có uy tín” – và cho phép bố của Trump tuyên bố rằng thành công của con trai chính là quyền lợi gia tộc của ông ta. Ivana miêu tả chồng mình có sức quyến rũ như một cậu bé, mà có thể không sai, và đồng nghiệp làm ăn thì ngợi ca óc phán đoán của ông ta. Vài lời chê trách về tính vụ lợi của Trump giúp cân bằng sự khen ngợi, nhưng nhìn chung thì đó là một người đàn ông trẻ tài giỏi, hăm hở và thành đạt. Thông điệp gây ấn tượng mạnh nhất là của chính Trump, khi ông ta ngẫm nghĩ về các thành tựu và những gì mình đạt được và suy tư, “… nhưng điều đó có nghĩa gì?”. Sự ngẫm nghĩ chỉ kéo dài trong chốc lát, rồi Trump lại chuyển sang vấn đề khác.
Một tháng sau khi xuất hiện trên tạp chí The Times, Trump lại có mặt trên bìa của GQ, tờ tạp chí đã lựa chọn gương mặt ông ta trên số dành riêng cho chủ đề “thành công”. Lần đầu tiên, nhờ tác giả Graydon Carter, Ivana đã bị từ chối danh hiệu “vận động viên thế vận hội Olympic” khi người ta đưa tin bà đạt được các thành tích thể thao của mình với tư cách là thành viên của một “đội trượt tuyết Cộng hòa Czech”. Chắc chắn Carter cũng là người đầu tiên ám chỉ, trong một bài báo phát hành toàn quốc, rằng “rất nhiều người không ưa gì Donald Trump”.
Khi nói về việc mình sở hữu cái này cái kia, dường như Trump trông như một đứa trẻ hân hoan đổi tới đổi lui hành động và những tờ tiền nhạt màu trong khi bày mưu tính kế để giành chiến thắng trong trò chơi Cờ tỷ phú. Carter viết rằng Trump đã không giữ lời hứa bảo vệ tác phẩm nghệ thuật Bonwit và miêu tả chiến lược hung hăng mà ông ta áp dụng nhằm xua đuổi những người thuê nhà ra khỏi tòa nhà mà ông ta mua ở Công viên Trung tâm phía Nam. Cảm thấy bực bội vì theo luật kiểm soát thuê nhà, người thuê trả tiền dưới giá thị trường cho căn hộ của mình, nên Trump đã làm những gì có thể để khiến họ không thoải mái. Trump dọa sẽ cho người vô gia cư vào ở trong các căn hộ trống và mang đến cho tòa nhà vẻ bề ngoài xấu xí bằng cách dùng những tấm kim loại che hết các ô cửa sổ trống. Tay bút của GQ cũng cho phép Trump phô trương hết mức có thể. Vào những lúc ấy, Trump tuyên bố mình sở hữu toàn bộ khu nhà ở Công viên Trung tâm phía Nam, mà thật ra chẳng phải vậy, và lúc khác thì ông ta đề xuất xây dựng một tòa nhà chọc trời cao nhất hành tinh và sân bóng bầu dục có mái vòm ở Bronx.
Cả tòa tháp lẫn sân vận động đều chỉ là những ảo tưởng mà sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng sự hăng hái của ông ta cũng có chút ảnh hưởng đến người khác. Khi Carter ngồi trên chiếc Limo dài có tài xế riêng của Trump, ông ta hồ hởi đến mức độc giả có thể dễ dàng hình dung một cậu nhóc rất muốn được người khác chấp thuận và chưa ai từng nói với cậu rằng khoe khoang là một hành động gây khó chịu. “Một thợ đóng xe ngựa đã thiết kế nó cho tôi”, ông ta khoe chiếc xe. “Dữ dội quá nhỉ? Chúng ta có quầy bar nữa, đầy đủ hết. Nguyên một bộ đó. Nhìn kia kìa, có cả tivi và radio”. Ông ta nói với Carter rằng Trump Tower “rực sáng” vào ban đêm là vì ông ta đã kiên quyết sử dụng “đồng thật” để xây phía bên ngoài. “Tôi là người ưu tú”, Trump nói thêm. “Tôi chỉ đi các dịch vụ hạng nhất thôi”.
Sau GQ, gương mặt Trump cũng xuất hiện trên bìa các tạp chí như Time, Newsweek, Business Week, Fortune, Manhattan Inc., và New York. (Ông ta cho đóng khung rất nhiều các trang ảnh bìa này và treo trên tường để khoe trong văn phòng.) Cơn bão truyền thông đã khiến cái tên Donald Trump đồng nghĩa với sự giàu có và tham vọng, và người ta bắt đầu nói đến một người đàn ông đặc biệt biết tự khẳng định mình hoặc khoe khoang khoác lác. Khi lời ám chỉ đến những người như Trump xuất hiện trên báo chí, Trump thật chắc hẳn sẽ biết được. Các bài báo được cắt ra chất thành đống nhiều đến mức ông ta chỉ có thể đọc lướt qua mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, ông ta vẫn muốn theo dõi tình hình. Nỗ lực này có sự giúp đỡ của trợ lý điều hành Norma Foerderer của Trump, người phụng sự ông ta trong suốt nhiều thập kỷ với tư cách là người bảo vệ và gác cổng duyên dáng nhưng nguy hiểm. Cô ta kiểm tra tất cả cuộc gọi từ một người nhiệt tình đưa ra đề nghị làm ăn và mọi yêu cầu từ tay phóng viên tìm kiếm cơ hội phỏng vấn. Foerderer cũng xoa dịu cái tôi của ông chủ khi nó bị tổn thương và kìm hãm cái tôi ấy khi nó sắp vượt khỏi tầm kiểm soát. Dù giống như vú em hơn là một nhân viên công ty, Foererde cũng chẳng khác gì so với những người trợ lý phục vụ các giám đốc điều hành, người nổi tiếng, và công chức bằng việc đảm bảo lịch làm việc, kiểm soát tâm trạng, và thậm chí là quản lý tài khoản ngân hàng cá nhân của họ. Những người phụ nữ (gần như tất cả đều là nữ) không thể thiếu được này giải quyết các vấn đề riêng tư trong đời sống cấp trên còn hơn cả bác sĩ riêng của họ, và dường như cũng chính những người phụ nữ này giữ cho các ông chủ bà chủ không trở nên mất kiểm soát.
Xuất hiện trên báo chí dường như là một hình thức nuôi dưỡng lòng tự trọng của Donald, và Foererde lưu trữ sẵn các đoạn băng ghi hình – mỗi đoạn băng là một cột mốc quan trọng của Trump – nhằm thỏa mãn cảm giác hài lòng tức thời của ông. Cô ta cũng quản lý nguồn cung cấp tư liệu mới từ khắp nơi trên thế giới. Những chiến lợi phẩm có giá trị nhất trong số đó đã được nhắc đến trong tạp chí People, tờ tạp chí giải trí có lượng độc giả lớn hơn bất kỳ tạp chí cùng loại nào của Mỹ và đồng thời là “kẻ phân xử” những người nổi tiếng quan trọng trên thế giới. Ngắn gọn và vui vẻ, những bài báo của People áp dụng định kiến và nghệ thuật biếm họa, nhưng các đánh giá ban đầu của tờ tạp chí về những đặc điểm cơ bản của một người hóa ra lại thường chính xác. Những người lãnh đạo mạnh mẽ thì hành động quyết đoán. Các diễn viên có tính khí thất thường thì hành xử rất tệ. Trong vài trường hợp, đó là kiểu thiên kiến xác nhận, bởi lẽ người quan sát chỉ chú ý đến những gì họ trông đợi. Trong một số trường hợp khác, có thể nhân vật nổi tiếng ấy đã vô tình sống đúng với (hoặc không đúng) những gì được quảng cáo về mình. Dù trong trường hợp nào đi chăng nữa, câu chữ trong tờ People về sau thường được chứng thực qua hành vi của đối tượng theo những cách khiến tờ tạp chí được tin cậy.
Mùa thu năm 1981, tờ People tuyên bố Donald Trump là một tỷ phú thậm chí trước cả khi ông ta tự nhận danh hiệu đó về mình. Tạp chí này góp phần thổi phồng lên tin đồn do chính ông ta phát tán về việc Hoàng tử Charles và Công nương Diana mua một căn chung cư ở Trump Tower nhằm ngụ ý rằng họ đang cân nhắc “mở rộng thêm một không gian 24 phòng, với số tiền 5 triệu đô la”. People cũng báo cáo rằng, theo nguồn tin từ một người bạn thân, Trump hy vọng có thể đứng đầu mạng lưới truyền hình của riêng mình. Tác giả Lee Wohlfert-Wihlborg tận dụng đầy đủ ngôn ngữ của Trump nhằm mang đến cho độc giả một cái nhìn thoáng qua về tâm tính người đàn ông. “Con người là loài động vật nguy hiểm nhất trong muôn loài, và cuộc đời là hàng loạt những trận chiến mà kết thúc là thắng hoặc thua”, ông ta nói với cô. “Cô không thể để cho người khác biến mình thành một kẻ khờ khạo”.
Khi Trump nói về cuộc đời như một chuỗi xung đột, do những sinh vật nguy hiểm khơi mào, ông ta đang trình bày theo ngôn ngữ của mình, một quan điểm mà triết gia sống vào thế kỷ XVII, Thomas Hobbes đã miêu tả một cách đáng quan ngại như là “cuộc chiến mà tất cả đều chống lại nhau”. Trong những cộng đồng người được tổ chức hợp pháp, Hobbes đã nhìn thấy cách để tránh sự hỗn loạn của những mâu thuẫn liên tục và phổ biến giữa người với người. Trump nhìn thấy, trong thế giới của mình, không phải một thỏa thuận đạo đức, mà là những chiến binh độc ác bị cuốn vào một cuộc chiến không hồi kết.
Tạp chí People đã không ghi chú lại âm hưởng của Hobbes trong tuyên bố của Trump. Một phần khác bị cắt trong bài báo là những vấn đề liên quan đến một sự kiện ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời ông đã xảy ra trong gia đình Trump trước đó chưa đầy hai tháng. Vào ngày 26 tháng 9 năm 1981, anh trai của Donald, Fred đã qua đời vì một cơn đau tim bất ngờ. Chỉ mới 43 tuổi, Freddy là ông bố đơn thân của một cậu con trai và một cô con gái. Làm phi công và bị sa thải, sau đó điều tương tự cũng xảy đến khi ông trở thành thuyền trưởng một tàu đánh cá, Fred đã chuyển đến sống cùng với bố mẹ và làm việc trong đội bảo dưỡng cho các tòa nhà của Trump. Rượu bia đã tàn phá hoàn toàn cơ thể ông, thói nghiện rượu đã góp phần đáng kể gây ra cái chết của Fred. “Fred Trump” nằm trong danh sách những người đã khuất được tờ The Times đưa tin vào ngày 29 tháng 9, với ba lời chia buồn từ bạn bè và đối tác kinh doanh của gia đình đã được công bố. Không một lời cáo phó chính thức nào xuất hiện trên tờ báo. Freddy được chôn cất trong khu đất của gia đình ở nghĩa trang Lutheran tại Queens.
Donald Trump xem sự ra đi của anh trai mình như một sự kiện định hình và thậm chí là quyết định trong đời. Ở mức độ nào đó, việc này thật gây hoang mang bởi Fred là một người đàn ông nhà Trump đích thực, với nhiều tài năng mà lẽ ra nên khiến ông ấy thành công và trở thành kho báu của gia đình. “Anh ấy là một con người tuyệt vời”, nhiều năm sau Trump phát biểu. “Một nhân phẩm tuyệt đỉnh và cũng là người đàn ông đẹp trai nhất mà bạn nhìn thấy”.
Đâu là nguyên nhân khiến Fred trở thành con sâu rượu? Phần lớn các chuyên gia tin rằng đó là do bẩm sinh – một khuynh hướng di truyền – và cả sự nuôi dưỡng mà Fred nhận được khi còn bé. Theo quan điểm của Donald, “môi trường gia đình của chúng tôi, sự cạnh tranh, là một yếu tố không tốt tác động tới Fred”. Tuy nhiên, dường như Donald cũng trách anh trai mình vì để cho người khác lợi dụng. Nói cách khác, ông ấy là người dễ bị gạt. “Chỉ vì Freddy không phải là một tay giết người”, Donald cho biết, và ông ấy đã không tự bảo vệ mình, đó là “một sai lầm chết người”. Cái chết của Fred đã dạy Trump lúc nào cũng phải “đề cao cảnh giác”.