Hãy thư giãn, yên lặng và lắng nghe – chăm chú lắng nghe câu chuyện ngắn về một chú thỏ nhỏ không thích đi học. Một ngày kia, nó học được một bài học rất quan trọng. Con có muốn biết bài học đó là gì không nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem sao!
Nào, chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện… Tại một đồng cỏ kỳ diệu dưới chân một ngọn núi trên đỉnh phủ đầy tuyết có bầy thỏ đáng yêu sinh sống. Con thỏ đầu đàn già đến nỗi bộ lông của nó đã ngả sang màu xám bạc và mọi người gọi nó là lão Bạc. Lão được toàn thể họ hàng nhà thỏ yêu thương và kính trọng.
Một buổi sáng mùa thu đầy sương mù, lão Bạc đang ngồi trong hang nhìn mông lung ra đồng cỏ, có mấy con thỏ nhỏ háo hức đi đến gần và xin lão dạy cho chúng một phần kinh nghiệm của lão. Lão Bạc giật giật mũi. “Được chứ,” lão nói. “Chúng ta sẽ bắt đầu vào ngày mai. Có mặt ở đây lúc một giờ đúng và ông sẽ dạy các cháu tất cả những gì ông biết – đặc biệt là làm sao tránh bị sập bẫy. Không có gì quan trọng hơn điều này. Nhớ đừng đến trễ!”
Ngày hôm sau, lúc đồng hồ chỉ đúng một giờ, những con thỏ nhỏ bắt đầu buổi học. Tất cả thỏ đều đi học, ngoại trừ con thỏ nhỏ ngỗ nghịch tên Láu, vì nó nghĩ rằng việc học hỏi thêm bất cứ điều gì cũng không đáng để nó từ bỏ thời gian chơi đùa. Nó chỉ muốn vui chơi. Thế nên, ngày này sang ngày khác, Láu đi đến ao chơi với mấy con vịt. Nó cố nhảy thật cao để lôi kéo sự chú ý của những con bướm bay ngang qua. Và nó đi vào rừng, nhảy nhót trên những lớp lá thu vàng, tạo ra những giai điệu âm thanh từ tiếng lá khô vỡ vụn dưới chân.
Nhưng rồi một ngày kia, trong khi mải mê vui chơi và nhảy múa, nó đã giẫm lên một tấm lưới được trải ra trên mặt đất và che phủ bởi cành và lá cây một cách khéo léo – đó là một cái bẫy! Tấm lưới siết chặt lại chung quanh và kéo nó lên cao như một quả bóng. “Cứu tôi với! Tôi bị lọt bẫy rồi!” Nó rên rỉ kêu.
Tối hôm đó, khi thấy Láu không về nhà, mẹ nó lo lắng và đã yêu cầu lão Bạc tổ chức một cuộc tìm kiếm. Lão Bạc ra lệnh cho các con thỏ đi tìm những nơi mà Láu thường tới chơi, trong khi lão đi đến những nơi mà lão biết những người thợ săn thường đặt bẫy.
Tìm kiếm chưa được bao lâu thì lão nghe tiếng bước chân của người đi. Một người đàn ông đang đi tới – có vẻ như đó là tiếng bước chân của một người thợ săn. Thấy nguy hiểm, lão Bạc chạy nhanh đến cái bẫy kế tiếp và thấy chú thỏ Láu buồn thiu đã bị cuốn trong một tấm lưới. Một cách nhanh chóng, lão thỏ khôn ngoan dùng những chiếc răng dài và sắc để gặm đứt những sợi dây. Đúng lúc những bước chân đến gần như ngay trên đầu chúng, lão Bạc gặm đứt được sợi dây cuối cùng của mạng lưới, và Láu được tự do. Chúng cố hết sức chạy thật nhanh bằng những đôi chân nhỏ bé của mình.
Mẹ của Láu lau nước mắt trong sung sướng khi thấy con trai không hề hấn gì. “Mẹ mừng hết sức khi thấy con được an toàn!” Và bà khóc. “Con làm mẹ hoảng sợ quá chừng!”
“Con xin lỗi mẹ!” Láu nói, ôm chặt mẹ.
“Con ơi, bây giờ con có thấy tại sao việc dành thời giờ để lắng nghe và học hỏi là rất quan trọng không? Còn nhiều thứ trong đời sống con rất cần phải học.”
“Vâng, thưa mẹ! Bây giờ con đã nhận ra điều đó. Con cũng rất xin lỗi lão Bạc! Con xin hứa sẽ không bao giờ trốn học nữa!”
Chúng ta sẽ có được lợi ích từ việc lắng nghe những kinh nghiệm mà một người khôn ngoan và tử tế đã gom góp rồi chia sẻ lại. Người khôn ngoan biết phân chia thời giờ: lúc để vui chơi và lúc để học hỏi.