Hãy thư giãn, yên lặng và lắng nghe – chăm chú lắng nghe câu chuyện ngắn về hai người đàn ông bán hàng cạnh tranh nhau. Họ đẩy xe từ thị trấn này đến thị trấn khác, trao đổi và mua bán các loại hàng hóa, hữu dụng cũng như vô dụng. Một người bán hàng độc ác và xảo quyệt còn người kia lại tốt bụng và thật thà. Con có muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho họ không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem sao!
Nào, chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện… Ngày hôm đó, hai người đàn ông cùng đi đến một thị trấn nhỏ để bán những món hàng của họ. “Chào ông Dương,” ông Văn tốt bụng lịch sự chào.
“Ông dự định sẽ đi đâu?” Ông Dương hỏi một cách nghi ngờ.
“Tôi sẽ đến thị trấn A bán hàng,” ông Văn trả lời.
“Tôi sẽ bán hàng ở đó,” ông Dương nói, “và tôi không muốn ông cạnh tranh với tôi.”
“Tôi hiểu. Tại sao chúng ta không sắp xếp cho phù hợp với nhau?” Ông Văn nói.
“Ồ, được thôi,” ông Dương miễn cưỡng đồng ý, “vậy khi tôi bán hàng của tôi ở phía bắc của thị trấn…” Ông Văn chen vào, “… tôi sẽ bán hàng của tôi ở phía nam để chúng ta không phải cạnh tranh với nhau.” “Rồi chúng ta sẽ đổi chỗ,” cả hai ông cùng nói.
Phân chia chỗ buôn bán xong, hai người đẩy xe hàng của họ đi đến những vùng khác nhau của thị trấn.
Ông Dương thủ đoạn ngừng lại phía trước ngôi nhà đầu tiên ở phía bắc của thị trấn. Ông gõ cửa thật mạnh, ra mở cửa là một bà lão hiền hậu và một cô gái nhỏ tươi tắn tên Yến Lan. Thấy cô bé, ông nhanh tay lấy mấy chiếc vòng đeo tay bằng nhựa lấp lánh trong túi ra và lắc lắc chúng dưới ánh sáng làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn. “Bà có muốn mua một chiếc vòng xinh đẹp cho mình không, bà lão đáng yêu ơi, hay cho cô bé dễ thương này?” Ông nói với giọng xu nịnh nhất.
Yến Lan hào hứng: “Bà ơi, bà mua cho con chiếc vòng màu hồng được không? Nó đẹp quá!” Bà lão vuốt ve tóc cháu và nói: “Cháu cưng ơi, cháu biết mà, bà rất muốn mua chiếc vòng cho con nếu bà có thể. Nhưng bà xin lỗi, chúng ta cần tất cả số tiền đang có để mua thức ăn.” Quay lại phía người bán hàng, bà nói: “Xin lỗi ông, chúng tôi nghèo nên không có khả năng mua những món hàng xa xỉ như thế!”
“Nhưng chúng ta có thể trao đổi không?” Yến Lan hỏi. Cô bé chạy vào trong nhà và trở ra với một cái ly cũ, dơ bẩn trên tay, chiếc ly mà cô bé nhặt được trong lúc đi chơi mấy hôm trước.
“Ông làm ơn đổi cho cháu chiếc vòng dễ thương kia để lấy cái ly cũ này, được không?” Cô bé nài nỉ.
Ông Dương cầm cái ly lên. Thấy có vẻ nặng, ông chăm chú nhìn gần hơn và dùng móng tay cào vào vết bẩn trên ly. Ông ta thấy ánh kim loại lấp lánh bên dưới – cái ly được làm bằng vàng!
Cố kìm nén sự thích thú và lòng tham lam, ông đưa cái ly lại cho cô bé, nói với giọng điệu chê bai: “Cái ly cũ này không có giá trị gì cả. Không ai chịu mua nó đâu, tôi e rằng cháu không thể có được chiếc vòng.”
“Ồ ồ…” Yến Lan thở dài buồn bã, chạy đến bên bà để được bà ôm vỗ về, an ủi.
Người đàn ông bán hàng thủ đoạn tiếp tục đi bán, vừa đi vừa suy nghĩ: “Lát nữa ta sẽ trở lại và nói mình đã đổi ý về việc trao đổi. Như vậy họ sẽ nghĩ là họ có lợi lớn! Thật là may mắn, họ đã không nhận ra cái ly đó được làm bằng vàng, mình sẽ trở nên giàu có!” Ông cười thầm một mình và tính toán việc sẽ tiêu dùng tất cả số tiền có thể kiếm được như thế nào khi bán cái ly bằng vàng.
Khi đó, ông Văn tốt bụng đã kết thúc chuyến bán hàng ở phía nam và trở lên phía bắc của thị trấn. Ông cũng đến ngôi nhà đó và gõ cửa.
“Chào bà và cô bé xinh đẹp!” Ông vui vẻ chào. “Xin lỗi ông,” bà lão ngắt lời, “chúng tôi nghèo và không thể mua bất cứ món hàng nào. Dù sao cũng cám ơn ông.”
“Nhưng bà ơi, biết đâu ông bán hàng tử tế này có thể trao đổi vài món đồ nào đó với cái ly của cháu?” Yến Lan la lên, sau đó chạy vào trong nhà để lấy cái ly. Bà lão nói nhỏ với người bán hàng: “Thưa ông, hôm nay chúng tôi mới biết được là cái ly này không có giá trị – vì vậy xin ông làm ơn đừng làm cho cháu hy vọng. Tốt nhất, ông nên rời khỏi đây trước khi nó quay trở lại.” Nhưng người bán hàng tốt bụng cảm thấy tội nghiệp cô bé, vì thế ông quyết định dù thế nào cũng sẽ tặng cô bé một món quà nhỏ.
Yến Lan lúc này vừa trở lại và đưa cái ly của cô cho ông. Người bán hàng này không chỉ tốt bụng mà còn thành thật nữa. Ngay khi cầm chiếc ly cũ dơ bẩn và nhìn thấy vết xước, ông la lên: “Trời ơi! Cô bé may mắn quá! Cái ly này làm bằng vàng ròng. Nó có giá trị hơn tất cả hàng hóa trên xe hàng của tôi. Tôi sẽ giao toàn bộ xe hàng và tất cả tiền mà tôi kiếm được hôm nay để đổi lấy nó.”
Hai bà cháu nhìn nhau hết sức ngạc nhiên – họ quá vui sướng với đề nghị tuyệt diệu này của ông bán hàng và vui vẻ đồng ý. Ông Văn tử tế trao cho hai bà cháu tất cả hàng hóa của ông và số tiền bán hàng cả ngày hôm đó để đổi lấy cái ly. Cô bé Yến Lan sau đó đeo đầy vòng trên hai cánh tay, trong khi bà của cô bé đi chợ mua những thức ăn và bánh trái ngon nhất để cả nhà ăn mừng bữa cơm tối.
Một lát sau đó, ông Dương thủ đoạn trở lại ngôi nhà của hai bà cháu. Khi bà lão mở cửa, ông ta xảo quyệt nói: “Tôi đã đổi ý, tôi sẽ đổi chiếc vòng màu hồng để lấy cái ly cũ và dơ bẩn kia. Nói thật, đây là do lòng tốt của tôi thôi.”
Yến Lan tươi cười giải thích là đã quá trễ, họ đã bán nó cho một bác bán hàng tốt bụng và được rất nhiều tiền bởi cái ly kia được làm bằng vàng. Ông Dương giận run người. Ông ta không cảm thấy có lỗi trong việc đã âm mưu lừa gạt cô gái nhỏ – ông ta chỉ giận dữ vì mình không có được số tiền lớn. Ông bỏ chiếc xe hàng ở đó và chạy xuống đường hét to: “Ông đang ở đâu hả ông Văn? Tôi là người thấy cái ly đầu tiên mà! Nó là của tôi!”
Nhưng ông Văn đã đi quá xa rồi. Ông ta đã bán chiếc ly bằng vàng, chia sẻ số tiền đó với gia đình ông và những gia đình nghèo khác trong làng.
Khi nói dối, chúng ta gây đau khổ cho mình và những người khác; trong khi đó, với lời nói chân thật, chúng ta sẽ làm cho thế giới hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Người khôn ngoan biết rằng sự thành thật luôn luôn là cách xử sự tốt nhất.