Vitamin K: Hòa tan cặn canxi không mong muốn, giảm nguy cơ gãy xương
Y học chính thống ở Mỹ sử dụng rất ít vitamin K trong điều trị loãng xương. Việc này xảy ra bất chấp một lượng lớn bằng chứng khoa học chứng minh vai trò quan trọng của nó trong sinh lý xương, trong việc giảm gãy xương do loãng xương và trong việc huy động/hòa tan vôi hóa bất thường.
Tuy nhiên, đây lại là một phần quan trọng của liệu pháp điều trị loãng xương ở Nhật Bản. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên là phần lớn các tài liệu và nghiên cứu lâm sàng quan trọng nhất về lợi ích của vitamin K trong điều trị loãng xương đều đến từ Nhật Bản.
Cũng giống như vitamin C, các tài liệu khoa học chỉ ra rất nhiều ứng dụng rõ ràng của vitamin K. Và trong khi bằng chứng cực kỳ ủng hộ cả hai chất dinh dưỡng này, các bài báo về chúng lại thường kết thúc với gợi ý rằng dù chất dinh dưỡng này được chứng minh là mang lại lợi ích đáng kể, cần có thêm nhiều nghiên cứu được thực hiện trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào. Điều này đặc biệt đáng kinh ngạc vì hai lý do:
1. Vitamin K (giống như vitamin C) không có độc tính dù dùng liều lượng nào.
2. Gần như tất cả các phương pháp điều trị loãng xương truyền thống đều có độc tính rõ ràng trong khi công hiệu thì vẫn còn gây tranh cãi.
Thật không may, hàng triệu bệnh nhân phải trả giá đắt do sự ngần ngại không sử dụng các chất không kê đơn như vitamin C và vitamin K trong các phác đồ điều trị gần như trên toàn cầu.
Các thành viên của họ Vitamin K
Vitamin K thực ra chỉ một họ các phân tử hòa tan trong chất béo có cấu trúc tương tự nhau bao gồm phylloquinone (K1), menaquinone (K2), và menadione (K3). Các dạng vitamin K được bổ sung phổ biến chỉ có K1 và K2, dù K3 đã được chứng minh là cho kết quả rất tích cực trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư khi kết hợp với vitamin C. Do phạm vi hạn chế, chương này chỉ bàn đến K1 và K2.
Họ Vitamin K
Bổ sung vitamin K và sự đông máu
Được phát hiện vào năm 1929, vitamin K ban đầu được ghi nhận có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Vài năm sau, warfarin chống đông máu được phát hiện, và vai trò của nó như một chất đối kháng vitamin K đã được khẳng định. Thậm chí ngày nay, vitamin K vẫn là thuốc giải độc chính cho độc tính của warfarin, hoặc tác dụng chống đông máu quá mức từ warfarin. Tuy nhiên, điều rất quan trọng cần lưu ý là mặc dù vitamin K có thể vô hiệu hóa tác dụng làm loãng máu của warfarin, nhưng nó chỉ có thể bình thường hóa cơ chế đông máu bị loãng. Ở bất kỳ liều nào, vitamin K đều không thể khiến máu đông lại thành cục máu đông bất thường.
Bổ sung vitamin K ức chế và đảo ngược sự vôi hóa bất thường
Mười bảy protein phụ thuộc vitamin K hiện đã được xác định. Hai trong số chúng đã được nghiên cứu đặc biệt, osteocalcin và matrix Gla protein (MGP), được biết đến là các chất ức chế vôi hóa bất thường trong các mô bên ngoài xương. Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và đảo ngược sự vôi hóa như vậy, cùng với việc tăng cường sự chắc khỏe của xương nhờ khả năng kích hoạt [carboxyl hóa] các chất ức chế này.
Ở bệnh nhân loãng xương, quá trình vôi hóa bình thường trong xương không diễn ra. Đồng thời vôi hóa bất thường bên ngoài xương [vôi hóa lạc vị trí] thường xảy ra. Sự rối loạn chức năng kép này được gọi là “nghịch lý vôi hóa”, đặc biệt là do quá trình vôi hóa lạc vị trí [bất thường] được biết là có nhiều điểm tương đồng với hoạt động chuyển hóa xương. Tuy nhiên, một lượng vitamin K đầy đủ sẽ hòa tan vôi hóa lạc vị trí, đồng thời ngăn chặn sự hòa tan, hay sự huy động canxi, từ xương.
Warfarin chống đông máu, một chất đối kháng vitamin K ức chế sự kích hoạt [carboxyl hóa] của MGP, nhanh chóng dẫn đến vôi hóa động mạch ở chuột. Những con chuột được cho dùng warfarin đã thể hiện các hiệu ứng tương tự, bao gồm vôi hóa dẫn đến sự mất ổn định của các mảng xơ vữa động mạch. Nhưng khi những con chuột được điều trị bằng warfarin được cung cấp một lượng vitamin K cao trong chế độ ăn, vôi hóa động mạch chủ thực sự đã bị đảo ngược và độ đàn hồi của động mạch bắt đầu bình thường trở lại.
Vitamin K cũng rất cần thiết cho sinh lý xương bình thường, hoạt động như một tác nhân kiểm soát [điều hòa] tích cực trong sự tái tạo xương. Ngoài ra, nó đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình truyền thông tin phức tạp chi phối và tổ chức các hoạt động của tế bào [tín hiệu tế bào], sự chết tế bào được lập trình [apoptosis], phản ứng của tế bào với sự hiện diện của một số hóa chất [chemotaxis], và giảm viêm.
Vì cần có vitamin K để MGP được kích hoạt [carboxyl hóa] và vitamin K có tác dụng ức chế vôi hóa mạch máu, nên hiện tượng sụt giảm mức vitamin K có thể được quan sát thấy ở những người có mức vôi hóa lạc vị trí cao hơn. Một nghiên cứu trên 36 bệnh nhân tăng huyết áp đã so sánh tổng chỉ số vôi hóa từ kết quả xét nghiệm tổng hợp động mạch cảnh, động mạch vành và động mạch chủ bụng. Tổng chỉ số vôi hóa này có tương quan rõ ràng với mức độ MGP không hoạt động [không được carboxyl hóa], cho thấy thiếu vitamin K. Trong một nghiên cứu khác, bệnh nhân tim (hẹp động mạch chủ và hẹp van động mạch chủ) và bệnh nhân thận (chạy thận nhân tạo và chứng canxi hóa mạch máu và hoại tử da) đã được phát hiện là có mức MGP không được carboxyl hóa thấp hơn những người khỏe mạnh. Cũng cần lưu ý, MGP không được carboxyl hóa được biết là tích tụ tại các vị trí vôi hóa mạch máu, một lý do khiến nồng độ của nó trong máu suy giảm.
Việc tăng lượng vitamin K2 trong chế độ ăn có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn. Phù hợp với phát hiện này, những người có chế độ ăn giàu K2 nhất cũng có lượng vôi hóa động mạch vành thấp hơn. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin K1 đã được chứng minh là làm chậm quá trình tăng chỉ số vôi hóa động mạch vành theo thời gian, ngay cả với liều lượng tương đối thấp.
Bổ sung vitamin K làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân
Chỉ số vôi hóa động mạch vành tăng nay đã được chứng minh là có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân bên cạnh nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng. Trên thực tế, tăng vôi hóa động mạch chủ ngực dự báo tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và đau tim [nhồi máu cơ tim] tăng. Một phân tích tổng hợp từ 30 bài báo khác nhau cho thấy vôi hóa mạch máu nói chung có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Ở bệnh nhân lọc máu, vôi hóa động mạch chủ càng cao dự báo nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân càng lớn. Trong những bệnh trạng mà MGP được kích hoạt không đủ, đồng nghĩa với một tình trạng lâm sàng đồng nghĩa với thiếu vitamin K, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cũng tăng theo. Các nghiên cứu này cho thấy rất rõ rằng bổ sung vitamin K sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là khi giải quyết tình trạng thiếu vitamin K. Cuối cùng, trong một nghiên cứu theo thời gian theo dõi 4.807 đàn ông và phụ nữ lớn tuổi trong khoảng thời gian 7 năm, người ta đã chứng minh rõ ràng rằng lượng vitamin K2 nạp vào qua chế độ ăn có tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Có lẽ cũng hợp lý nếu khẳng định rằng bất cứ thứ gì chắc chắn đảo ngược tình trạng vôi hóa lạc vị trí đang tồn tại thì sẽ không chỉ làm giảm nguy cơ đau tim, mà còn làm giảm nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân hoặc bệnh tật nào.
Bổ sung vitamin K và ngăn ngừa ung thư
Xét vai trò của canxi trong các bệnh ác tính, không có gì đáng ngạc nhiên khi vitamin K đã được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa tích cực một số loại bệnh ác tính. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về tác dụng tích cực của vitamin K2 (MK-4) với liều 45mg mỗi ngày trong việc ngăn chặn sự phát triển ban đầu của ung thư biểu mô tế bào gan ở bệnh nhân xơ gan do virus. Liều này cũng giúp ngăn ngừa ung thư tế bào gan tái phát ở những bệnh nhân như vậy sau khi điều trị.
MK-4 đã ngăn chặn sự tăng sinh và vận động của các tế bào ung thư biểu mô tế bào gan trong môi trường nuôi cấy. Nó đã chứng minh khả năng tạo ra sự biệt hóa ở một số dòng tế bào ung thư bạch cầu dòng tủy ở người, làm giảm mức độ ác tính một cách hiệu quả.
Trong môi trường nuôi cấy tế bào, vitamin K2 cũng đã gây ra sự đình chỉ chu kỳ tế bào và sự chết tế bào trong các tế bào gan. Hội chứng Myelodysplastic, thường dẫn đến bệnh bạch cầu tủy cấp tính, đã được điều trị thành công ở một phụ nữ 80 tuổi với 45mg vitamin K2 mỗi ngày. Sau hơn một năm, người này không còn phải truyền máu thường xuyên do và bà ngừng sử dụng K2. Hoạt động sản sinh hồng cầu một lần nữa giảm xuống, rồi lại phục hồi khi K2 được tái sử dụng.
Bổ sung vitamin K và sự chắc khỏe của xương
Vitamin K chủ yếu đóng góp vào sự chắc khỏe của xương thông qua vai trò đồng tác nhân (cofactor) trong quá trình carboxyl hóa, hay quá trình kích hoạt, chất chỉ dấu sự hình thành xương osteocalcin. Mức độ thấp của osteocalcin được carboxyl hóa trong cơ thể có liên quan đến loãng xương. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược, mù đôi, phụ nữ sau mãn kinh bị thiếu xương (tình trạng giảm mật độ xương dễ dẫn đến loãng xương) được cung cấp 5mg vitamin K1 hoặc giả dược mỗi ngày. Mặc dù nghiên cứu này nhằm mục đích theo dõi sự suy giảm mật độ chất khoáng trong xương liên quan đến tuổi tác, nhiều quan sát bổ sung quan trọng đã được thực hiện. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng tuy sự suy giảm mật độ chất khoáng trong xương liên quan đến tuổi tác không bị ảnh hưởng, nhưng tỷ lệ cao osteocalcin được carboxyl hóa cho thấy mức độ loãng xương giảm đi. Hơn nữa, số phụ nữ trong nhóm dùng vitamin K1 bị gãy xương ít hơn, và số bị ung thư cũng ít hơn. Người ta cũng ghi nhận rằng vitamin K bổ sung được dung nạp tốt. Mặc dù mục đích của nghiên cứu trên không phải là để xem xét gãy xương và ung thư, nhưng dữ liệu này củng cố thêm cho nhiều nghiên cứu khác ủng hộ lợi ích của vitamin K1, cũng như vitamin K nói chung.
Trong điều trị loãng xương, loại vitamin K được bổ sung chủ yếu là vitamin K2, và ở mức độ thấp hơn là vitamin K1. Menaquinone-4 [MK-4] là dạng vitamin K hoạt tính sinh học mạnh nhất trong việc kiểm soát thích hợp sự tăng hoặc giảm các chất liên quan đến chuyển hóa xương. Các nhà nghiên cứu sử dụng các chất này làm chất chỉ dấu tế bào tạo xương và tế bào hủy xương. Mặc dù MK-4 là một dạng vitamin K2, một tỷ lệ không cố định K1 cũng biến đổi thành MK-4. Ngoài ra, cả vitamin K1 và MK-4 đều có thể được tổng hợp từ sự phân rã MK-7. Mặc dù bổ sung trực tiếp vitamin K1, MK-4 hoặc MK7 có thể tạo ra một số tác dụng đo lường được tức thời trong một nghiên cứu nhất định, nhưng quan trọng là cần biết rằng tất cả chúng đều có liên quan với nhau.
Một nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng vitamin K2 cải thiện chất lượng xương đến mức có thể ngăn ngừa gãy xương đốt sống mặc dù khối lượng xương không tăng lên. Trong một nghiên cứu khác, vitamin K2 (MK-4 và MK-7) đã ngăn chặn sự mất xương có thể phát triển do ngừng sản sinh hormone ở những con chuột đã cắt bỏ buồng trứng. Trong một nghiên cứu khác với chuột không có buồng trứng, việc sử dụng vitamin K2 giúp cải thiện đáng kể sức mạnh của xương và xương ít bị gãy hơn.
Trong một nhóm chuột còn nguyên buồng trứng, việc sử dụng MK-7 đã chặn khả năng huy động canxi từ xương của hormone tuyến cận giáp. Bổ sung MK-7 cũng gây ra sự gia tăng đáng kể osteocalcin dạng hoạt hóa ở chuột cái có hoặc không có buồng trứng. Osteocalcin là một hợp chất điều chỉnh quan trọng đối với sự hấp thu canxi cần thiết cho quá trình khoáng hóa xương bình thường.
Thay vì chỉ làm tăng mật độ xương mà không cải thiện cấu trúc xương, như quan sát thấy khi bổ sung canxi, tất cả các dữ liệu này đều chứng tỏ tầm quan trọng của vitamin K2 trong việc duy trì và phục hồi cấu trúc xương chất lượng tốt. Thật không may, cải thiện chỉ số xét nghiệm mật độ xương là mục tiêu duy nhất đối với nhiều bác sĩ lâm sàng điều trị loãng xương. Ngược lại, mục tiêu lâm sàng tối thượng trong điều trị loãng xương phải là giảm tỷ lệ gãy xương. Và tất nhiên, các liệu pháp được sử dụng để đạt được mục tiêu này không được làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh khác hoặc làm nặng thêm các bệnh đã có.
Thật thú vị, vitamin K1 đã được chứng minh là làm tăng mật độ chất khoáng trong xương ở chuột, trong khi vitamin K2, như đã lưu ý ở trên, không ảnh hưởng đến thông số này mặc dù nó có tác dụng bảo vệ chống gãy xương. Điều này nhấn mạnh thêm độ thiếu tin cậy của việc phụ thuộc duy nhất vào chỉ số xét nghiệm mật độ khoáng xương được cải thiện để xác định liệu pháp điều trị loãng xương có thích hợp hay không. Một chỉ số tốt hơn có thể xuất hiện sau một can thiệp tích cực, nhưng nó cũng có thể xuất hiện sau khi bổ sung canxi, mà việc này không có tác dụng gì trong ngăn ngừa gãy xương. Hiểu được sinh lý học của những gì hỗ trợ sức mạnh vật lý tối ưu trong xương là điều tối quan trọng trong việc điều trị loãng xương đúng cách về mặt lâm sàng.
Mặt khác, khi xét nghiệm mật độ xương cải thiện trong trường hợp không bổ sung canxi, đây thực sự là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy chất lượng xương đã được cải thiện. Đó là bởi sự gia tăng mật độ xương không phải kết quả từ sự lắng đọng bề ngoài ngẫu nhiên của canxi thừa vào xương xốp, mà là sự thay thế xương xốp bằng xương mới chắc khỏe.
Trong một nghiên cứu khác trên chuột, vitamin K2 có tác dụng chống lại tình trạng mất tính toàn vẹn cấu trúc của xương do loại bỏ dây thần kinh tọa. Ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, thiếu K1 là yếu tố dự báo mạnh nhất của gãy xương đốt sống, trong khi thiếu vitamin K2 (MK-4 và MK-7) là yếu tố dự báo vôi hóa mạch máu đáng tin cậy nhất. Kết hợp với nhau, điều này chỉ ra rằng vitamin K1 có thể làm tăng mật độ xương trong khi vitamin K2 làm tăng chất lượng xương và huy động vôi hóa lạc vị trí. Rõ ràng cả hai dạng vitamin K này đều phải có trong mọi phác đồ điều trị loãng xương.
Liều thấp (180microgam mỗi ngày) vitamin K2 (MK-7) trong thời gian ba năm đã được phát hiện là làm giảm mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, thời gian dài, cùng một liều MK-7 nhỏ này sử dụng cho bệnh nhân trong một năm sau khi ghép phổi và ghép tim đã ảnh hưởng tích cực đến mật độ chất khoáng trong xương cột sống thắt lưng.
Các nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường đã chỉ ra rằng chất lượng xương của họ nhìn chung rất kém mặc dù mật độ xương có vẻ bình thường, nhưng vitamin K2 có thể cải thiện sự chắc khỏe của xương theo nhiều cách, trong đó có việc liên kết chéo collagen được cải thiện.
Điều trị bằng liều dược lý (45mg mỗi ngày) vitamin K2 (MK-4) ngăn ngừa hiệu quả gãy xương do loãng xương mà vẫn duy trì được mật độ chất khoáng trong xương. Phù hợp với kết quả này, liều MK-4 tương tự cũng làm tăng các dấu hiệu hình thành xương quan trọng. Chất lượng xương cũng được MK-4 cải thiện, có thể thông qua sự tăng số lượng collagen và mức độ liên kết chéo trong collagen. Một phác đồ 45mg MK-4 hằng ngày đã cải thiện các thông số xét nghiệm thích hợp liên quan đến xương trong nhiều ca loãng xương thai kỳ cũng như nhiều ca gãy xương đốt sống.
Lượng bổ sung MK-4 nhỏ hơn cũng đã được chứng minh là có lợi cho sự chuyển hóa xương khỏe mạnh. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược, chỉ bốn tuần bổ sung 1,5mg MK-4 mỗi ngày cho thấy sự carboxyl hóa [kích hoạt] osteocalcin cải thiện đáng kể. Tất nhiên là thử nghiệm trên không đủ dài để đưa ra bất kỳ khẳng định nào về lợi ích của liều MK-4 này với tỷ lệ gãy xương.
Trong một nghiên cứu trên chuột, MK-4 cũng được chứng minh là cải thiện sức mạnh cơ học của xương từng bị suy yếu do thiếu magiê. Điều này rất quan trọng vì nó nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận đa diện đối với bệnh loãng xương, trong đó tất cả các tác nhân chống loãng xương đang được đề cập nên được sử dụng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tác nhân riêng lẻ điều trị hiệu quả bệnh loãng xương sẽ mang lại những lợi ích phụ trợ và thậm chí là hiệp đồng khi được sử dụng cùng nhau.
Sức mạnh tổng hợp của vitamin K và các tác nhân chống loãng xương khác
Vai trò chuyển hóa của vitamin K và vitamin D có sự trùng lặp đáng kể, và nhiều bằng chứng đã được đưa ra cho thấy tác động hiệp đồng của chúng trong việc mang lại lợi ích cho xương và hệ tim mạch. Một nghiên cứu đã xem xét tác động tổng thể của các tác nhân kết hợp trong điều trị loãng xương. Vitamin D, vitamin K (MK-4), và các bisphosphonate theo toa (alendronate hoặc risedronate) kết hợp với nhau được phát hiện là có tác dụng chống gãy xương hông ở bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh Parkinson.
Một tác dụng hiệp đồng trong việc ức chế vôi hóa lạc vị trí trong các tế bào cơ trơn nuôi cấy cũng đã được quan sát thấy khi sử dụng vitamin K2 và một bisphosphonate, pamidronate. Điều trị cho chuột bằng MK-4 sau đó bằng risedronate trước khi cắt bỏ buồng trứng khiến sự chắc khỏe của xương đùi tăng đáng kể. Sự cải thiện này tốt hơn hẳn so với khi cả hai được dùng cùng lúc hoặc dùng risedronate trước MK-4. Có vẻ MK-4 giúp tạo điều kiện để tối ưu hóa mọi tác dụng của risedronate.
Mặc dù các bisphosphonate có thể mang lại lợi ích cho một số bệnh nhân, nhưng chúng nên được dành riêng cho những bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với toàn bộ phác đồ điều trị loãng xương được đề xuất trong chương 15. Nên tránh phơi nhiễm không cần thiết với các tác dụng phụ tiềm ẩn của nhóm thuốc này nếu có thể.
Trong một nghiên cứu xem xét sự chuyển hóa ở xương và khối lượng xương, những thay đổi tích cực nhất ở phụ nữ sau mãn kinh tiêu thụ các sản phẩm sữa được bổ sung vitamin D xảy ra khi vitamin K1 hoặc K2 (MK-7) có trong chế độ tăng cường. Trong một nghiên cứu xem xét tỷ lệ gãy xương hông và lượng magiê, vitamin D, canxi, và vitamin K nạp vào qua chế độ ăn, tỷ lệ gãy xương hông xảy ra cao nhất ở những nam giới và phụ nữ Nhật Bản có lượng vitamin K nạp vào thấp nhất, cao hơn nhiều so với ở những người nạp vào ít magiê, vitamin D hoặc canxi. Dường như vitamin K không chỉ là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị loãng xương, mà còn là một phần bắt buộc.
Điều cũng đáng quan tâm là mối quan hệ tiềm tàng giữa độc tính của vitamin D với sự thiếu hụt vitamin K. Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng mức vitamin D cao gây ra việc sản sinh các protein vốn cần vitamin K để kích hoạt. Kết quả là có vẻ như các protein này sẽ sử dụng hết lượng vitamin K có sẵn, dẫn đến thiếu vitamin K trong khi nồng độ vitamin D tăng lên. Sự thiếu hụt vitamin K này giải thích cho nhiều triệu chứng ngộ độc vitamin D. Người ta cũng đề xuất rằng vitamin A giúp chống lại một tác động độc hại của vitamin D dư thừa bằng cách làm giảm biểu hiện của các protein cần vitamin K để kích hoạt. Điểm mấu chốt là cần bổ sung đa dạng các loại vitamin và chất dinh dưỡng.
Liều lượng vitamin K tốt nhất
Vitamin K1 | 5mg mỗi ngày |
Vitamin K2 (MK-4) | 45mg mỗi ngày chia thành 3 liều 15mg riêng biệt |
Vitamin K2 (MK-7) | Ít nhất 200 microgram mỗi ngày |
Độ an toàn khi bổ sung vitamin K
Việc vitamin K không có độc tính cũng ấn tượng như hiệu quả của nó trong việc giảm tỷ lệ gãy xương do loãng xương, ngăn ngừa vôi hóa lạc vị trí mới và làm tan vôi hóa lạc vị trí hiện có. Trong một thử nghiệm nhằm xác định mức độ độc hại khi tiêu hóa MK-7, chuột được cho dùng liều là 2.000mg/kg, tương đương với khoảng 140.000mg (140.000.000 microgam) cho một người nặng 150 pound (68kg). Quan sát lâm sàng và dữ liệu từ nhãn khoa, bệnh lý lâm sàng, hoại tử thô, và mô bệnh học không tìm thấy độc tính từ dạng MK-7 của vitamin K2 ngay cả ở những lượng rất lớn như thế. Lượng được cung cấp cho những con chuột này cao hơn một triệu lần so với lượng MK-7 thường được bổ sung (100 microgam). Vitamin K2 cũng đã cho thấy không có độc tính đã biết hoặc tác dụng phụ không mong muốn khi dùng cho trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ mang thai.
Những cân nhắc khi bổ sung vitamin K
Hiện tại, Glakay® sản xuất viên nang 15mg MK-4. Thuốc này được sản xuất bởi Eisai tại Nhật Bản và có thể mua được nếu bác sĩ phụ trách gửi đơn thuốc cho một nhà thuốc quốc tế. Một sản phẩm vitamin K tốt có sẵn ở Mỹ là “Super K with Advanced K2 Complex”, có sẵn ở Life Extension Foundation (www.lef.org). Mỗi viên nang mềm chứa 1.000 microgam K1, 1.000 microgam MK-4, và 200 microgam MK-7. Mọi phác đồ điều trị loãng xương tốt đều nên kê ít nhất một viên nang này ba lần mỗi ngày nếu không thể mua được sản phẩm 15mg MK-4 từ Nhật Bản. Và ngay cả nếu có sản phẩm từ Nhật Bản, nó vẫn là một sự bổ sung tốt nhờ hàm lượng K1 và MK-7.
Tóm tắt
Vitamin K chắc chắn:
• Ức chế vôi hóa bất thường bên ngoài xương.
• Giúp hòa tan vôi hóa bất thường có sẵn từ trước.
• Trung hòa warfarin chống đông máu, chất thúc đẩy vôi hóa bất thường.
• (K2) làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
• (K1) có thể gia tăng mật độ xương nhưng chắc chắn làm giảm nguy cơ gãy xương.
• (K2 ở dạng MK-4) ngăn ngừa gãy xương, duy trì mật độ xương và cải thiện chất lượng xương bằng cách gia tăng hàm lượng collagen và liên kết chéo collagen khi được dùng với liều dược lý.
• (K2 ở dạng MK-4) có thể bù đắp cho tình trạng suy yếu xương do thiếu magiê.
• Có thể ngăn ngừa và/hoặc điều trị hiệu quả một số dạng ung thư.
• (K2 ở dạng MK-4) có thể làm tăng tác dụng tích cực đối với xương của các bisphosphonate.
• (K2) làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cũng như tử vong do mọi nguyên nhân.
QUAN TRỌNG: Vitamin K1 và K2 chưa bao giờ được phát hiện là có độc tính rõ ràng ở bất kỳ liều nào.
Hoàn toàn không có lý do khoa học hợp lý nào để từ chối không cho bệnh nhân loãng xương hưởng lợi ích của việc bổ sung vitamin K (K1 và K2) qua đường uống thường xuyên. Việc vitamin K không có độc tính, cùng với những lợi ích to lớn của nó với bệnh loãng xương và giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cho thấy chúng ta, cho thấy chúng ta nên biến nó thành một phần bắt buộc trong mọi phác đồ điều trị loãng xương. Chỉ riêng tác dụng tích cực của nó trong việc điều trị bệnh tim mạch và nhiều loại ung thư đã đủ để đảm bảo rằng nó cần được bổ sung thường xuyên ở gần như tất cả mọi người.