Giá trị sống
Tìm hiểu câu chuyện về cậu bé Nhật Nam:
Khi sinh ra, cậu bé chỉ ăn với ngủ.
13 tháng, em lẫm chẫm biết đi.
20 tháng, em bắt đầu nói chuyện cùng với mọi người.
3 tuổi, em biết tự đi giày, tự mặc quần áo, biết giúp mẹ quét nhà, lau cửa kính.
Năm 5 tuổi, em ước mơ đi du học ở Mỹ.
Năm 6 tuổi, em bắt đầu đến trường tiểu học. Năm 9 tuổi, em tham gia vào đội bơi.
Năm 17 tuổi, em sang Mỹ để du học. Năm 20 tuổi, em tốt nghiệp đại học.
Em lập gia đình năm 30 tuổi và có hai đứa con.
Em có một cuộc sống rất hạnh phúc.
Hihi, đây là “bài tập” của Nam lúc Nam 5 tuổi. Mình dùng bút màu viết các giai đoạn trong câu chuyện lên một cuốn sổ giấy bìa cứng hình chữ nhật. Mỗi giai đoạn là các bức ảnh mình chụp từ khi Nam ra đời cho đến 5 tuổi. Còn các hình ảnh khác trong tương lai thì Nam phải tự vẽ.
Yêu cầu của mình đối với bài tập này:
Trả lời các câu hỏi:
1. Khi sinh ra, bạn Nam có thể làm những công việc gì?
2. Bạn Nam bắt đầu biết đi khi mấy tuổi?
3. Nam được vào đội bơi năm mấy tuổi?
4. Thử đoán xem, khi kết hôn, bạn Nam có cảm xúc gì?
5. Em hãy tìm hiểu và vẽ về những hoạt động của con người trong những giai đoạn: Khi mới sinh; Năm 10 tuổi; Sau 40 tuổi...
Đây là bài tập đem lại sự thú vị tuyệt vời cho Nam. Cả hai mẹ con cứ say sưa thực hiện bài tập trong nhiều ngày. Vì không chỉ có trả lời câu hỏi, mục đích của bài tập này như sau:
1. Nhắc lại cho Nam về quãng thời gian đã qua. Mỗi giai đoạn phát triển trong bài là một câu chuyện. Mình kể cho Nam nghe khi mới sinh ra, trông em thế nào, bố mẹ đã hát ru em ra sao, em đã đáp ứng lại những câu chuyện của bố mẹ bằng cách nào... Hoặc năm 3 tuổi, đồ chơi mà em thích là gì? Em đã chơi với chúng như thế nào... Tất cả những điều đó được Nam đón nhận một cách say mê. Trẻ con thường rất thích nghe kể về chính mình. Giờ kể chuyện được thực hiện nghiêm túc. Nam ngồi nhìn hình ảnh và chăm chú nghe mẹ kể kèm theo cử chỉ minh họa.
Ví dụ: Đây là ảnh lúc em 3 tuổi. Khi ấy, em như một chú mèo con í, à không, em như một hoàng tử ấy chứ. Em đẹp trai. Mẹ mặc cho em bộ quần áo có hình siêu nhân. Siêu nhân mạnh mẽ lắm. Có lần siêu nhân bị đau bụng vì mẹ lỡ cho ăn nhiều cháo cá quá, thế mà siêu nhân chỉ nhăn mặt kêu hự hự. Mẹ đưa em vào bệnh viện. Bác sỹ nói phải nằm truyền nước. Em vẫn nằm ngoan. Em còn ôm cổ mẹ nói: Mẹ nín khóc đi, chỉ có trẻ con mới khóc, người lớn thì khóc làm gì. Đấy, mẹ nói mà, em biết thương mẹ từ bé.
2. Cho con hiểu về những kiến thức sơ đẳng về các giai đoạn phát triển của người: Ở tuổi lên 5, mình muốn cho Nam có những hiểu biết cơ bản về sự phát triển con người (Sau bài này sẽ là bài học về sự sinh sản). Vậy nên, con cần có cái nhìn tổng thể xem từ khi sinh ra, lớn lên, con người có những hoạt động cơ bản gì, thực hiện chúng ra sao. Đây chính là nội dung kiến thức khoa học mà mình muốn hướng đến cho Nam.
3. Cùng con xây đắp ước mơ: Các bạn có thấy, trong câu chuyện về Nam, mình có viết: Năm 5 tuổi, em mơ ước được đi du học ở Mỹ và năm 17 tuổi, Nam sang Mỹ để du học không? Hai mẹ con sẽ trò chuyện về điều đó, tìm ra những cách thức để thực hiện ước mơ của mình. Mình muốn đó sẽ là mơ ước theo Nam trong sự bền bỉ, liên tục của suốt cả quá trình sau này.
4. Cùng con hướng tới tương lai: Có một chi tiết mà Nam rất thích và cũng là chi tiết con tự xây dựng nên trong câu chuyện, đó là: Nam kết hôn vào năm 30 tuổi, có hai đứa con. Khi ấy, mình nhớ Nam vẽ hình ảnh Nam dắt tay một cô gái và hai đứa bé. Mẹ không có trong bức hình ấy đâu vì Nam bảo, em bận rộn lắm, em phải trông em bé, dạy chúng học. Còn mẹ, mẹ già rồi nên có lẽ, lúc ấy, mẹ đang đi tập Yoga, đi xông hơi, đi chùa, đi công viên. Mẹ không thích bị quấy rầy. Đấy! Nam đã tưởng tượng một tương lai rất chi là “hoành tráng” với ước mơ gia đình riêng của mình. Chúng khiến cả hai mẹ con luôn có những tràng cười bất tận.
Còn nữa, Nam cũng nhấn mạnh chi tiết 20 tuổi em sẽ học xong đại học. Vì mẹ biết không, em sẽ vào học sớm, ra trường sớm. Ui chao, thật là tuyệt vời! Không ai ngăn cản mình mơ ước cả. Vui ơi là vui luôn í.
5. Mục đích quan trọng nhất của “bài tập” này mà mình muốn hướng tới, đó là: xây dựng GIÁ TRỊ SỐNG. Bởi “bài tập” sẽ dừng lại thật lâu ở mốc thời gian hiện tại: Khi Nam 5 tuổi. Mình sẽ cùng con làm những bảng sau:
- Những công việc em làm ở nhà mà không cần nhắc nhở.
- Những việc tốt em đã làm ở bên ngoài.
- Những việc tốt em đã làm ở nhà để giúp bố mẹ.
Mình cho Nam suy nghĩ, cùng nhau ghi vào bảng. Tấm bảng có tên: Danh sách những điều tuyệt vời.
Và mình sẽ giảng giải cho Nam hiểu những điều sau: Khi em còn nhỏ, em cần rất nhiều sự giúp đỡ của mẹ. Em chưa tự mình làm được việc gì cả. Nhưng càng lớn, em càng biết tự lo liệu cho bản thân. Em nhìn vào các mốc thời gian xem nhé, từ khi em chỉ biết nằm đợi mẹ cho ăn, cho ngủ, bây giờ em đã giúp mẹ được bao nhiêu việc. Ôi chao, một đứa bé lớn lên thật là thích. Nó được tự mình lo cho bản thân và còn giúp đỡ được bố mẹ, được mọi người xung quanh nữa. Em càng lớn lên, bản Danh sách những điều tuyệt vời này sẽ càng dài ra. Và đến khi em sẽ không thể nào nhớ nổi nữa vì có quá nhiều, quá nhiều những điều tốt giúp mẹ. Bên cạnh em, mẹ sẽ già đi nhưng có sao đâu vì lúc này đã có em nâng đỡ mẹ rồi mà.
Bây giờ mẹ sẽ dán bản danh sách này lên tường và mẹ nghĩ, ta có thể thêm vào các hoạt động trong danh sách cho đến khi chúng dài chạm xuống đất nữa, em có nghĩ như vậy không?
Nam luôn luôn cười lỏn lẻn và tất nhiên rồi, Nam sẽ cố gắng làm để có cơ hội “kéo dài” danh sách những điều tuyệt vời đó.
Và mình cũng sẽ viết cạnh đó một câu ghi chú: Bây giờ tôi đã 5 tuổi, tôi đã tự lo được nhiều việc và bố mẹ không cần phải nhắc nhở nhiều nữa.
Mình cũng hỏi Nam xem con thích viết thêm điều gì. Khi ấy, Nam đã đề nghị mẹ viết hộ: Em mong muốn lớn nhanh để làm được nhiều việc, được đi du học và... cưới vợ (ôi trời!).
Với mỗi tờ ghi chú đó, mình dán vô số hình mặt cười. Mình cũng đề nghị Nam chụp một bức hình với vẻ mặt “người lớn” nhất để dán cạnh đó. Tất cả những điều này mình làm trong quãng thời gian dài, mỗi ngày một chút, một chút nhưng đều đặn, thường xuyên. Mình cũng liên tục bổ sung những câu chuyện về Nam để kể, để ghi lại và dán trên bảng.
Mình cũng khuyến khích Nam tự làm một “câu chuyện” với những người khác trong gia đình. Nam sẽ tìm hình ảnh, phỏng vấn và ghi vào bảng các mốc theo sự hướng dẫn của mẹ, như: Tên-tuổi- giai đoạn-đặc điểm. Khi đó, Nam đã làm về các mốc thời gian của bố. Buồn cười nhất là Nam điền: Năm 37 tuổi, tôi cưới vợ. Thật may mắn vì vợ tôi tuy thấp tẹt nhưng rất biết nghe lời (Chả là Nam phỏng vấn bố và bố nói sao thì con ghi lại nguyên văn như vậy mà). Hihi!
Trong số các “bài tập” mà mình đã từng thực hiện cùng Nam, mình thích bài này nhất. Mình nghĩ rằng, giá trị sống là thứ cần được bồi đắp để mỗi đứa trẻ biết yêu bản thân mình, thấy mình thật có ý nghĩa với gia đình, với cộng đồng. Mình tin rằng, những gì mẹ làm cho con trong tuổi thơ sẽ ở lại mãi trong tâm trí của trẻ. Chúng là chất xúc tác để mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ sống như đóa hoa tình yêu, biết “viết nên câu chuyện của cuộc đời” của riêng mình, đẹp đẽ và trong sáng.