Tự chủ là nguyên tố hàng đầu của tự trọng, tự trọng là nguyên tố hàng đầu của lòng dũng cảm.
- Thucydides
Tôi thường nghe nhiều người cảm thán “Nếu được sống lại từ đầu, tôi sẽ sống cuộc đời mình thật khác”.
Về phần mình, tôi không thể thành thật nói tôi sẽ thay đổi mọi thứ từng xảy ra trong đời mình nếu được sống lại từ đầu. Không phải tôi chưa từng phạm sai lầm, bởi dường như số lỗi tôi từng mắc còn nhiều hơn con số trung bình mà một người bình thường mắc phải. Thế nhưng, những lỗi lầm ấy đã dẫn đến sự thức tỉnh, đem đến cho tôi hạnh phúc đích thực, cùng vô vàn cơ hội giúp đỡ người khác theo đuổi trạng thái tinh thần này.
Năm tháng qua đi, tôi càng đoan chắc rằng cuộc sống đang bị lãng phí bởi chúng ta không trao đi tình cảm, chưa sử dụng hết sức mạnh và ngày một sử dụng sự khôn lỏi nhiều hơn để bản thân không phải mạo hiểm và tránh né những rắc rối, đồng thời cũng để lỡ mất hạnh phúc.
Không có lý do gì để nghi ngờ rằng mỗi thất bại đều ẩn giấu trong nó một bài học sâu sắc, và thứ thất bại ấy đóng vai trò vô cùng thiết yếu để chúng ta đạt được thành công xứng đáng.
Tôi tin rằng những chướng ngại trên đường đời của một người đều nằm trong kế hoạch của Tạo hóa. Đồng thời, phần lớn những bài học giá trị nhất không nằm trong sách vở, mà nằm ở sự nỗ lực không ngừng nghỉ của con người để vượt qua những chướng ngại này.
Tôi tin chính Tạo hóa đã xếp đặt những trở ngại trên đường đời của mỗi người, như cách huấn luyện viên đặt ra những chướng ngại để rèn luyện một con ngựa tập phi nước kiệu vậy.
Hôm nay là sinh nhật của tôi!
Tôi sẽ kỷ niệm nó bằng cách biên soạn thật tỉ mỉ cho những độc giả của “người đưa tin nhỏ nhắn” này vài bài học mà tôi rút ra được từ những thất bại của bản thân.
Hãy bắt đầu với thói quen yêu thích nhất của tôi, cụ thể là niềm tin rằng hạnh phúc chân thực nhất mà bất cứ ai từng trải nghiệm được đều đến từ việc giúp đỡ người khác tìm thấy hạnh phúc.
Có lẽ chỉ là một sự trùng hợp khi thực sự hai mươi lăm trong số ba mươi sáu năm ròng của tôi đều là những năm tháng bất hạnh, và rồi tôi dần dà nhận ra mình đã có được hạnh phúc đích thực vào cái ngày tôi bắt đầu giúp đỡ người khác tìm ra nó. Nhưng tôi lại không cho đó là trùng hợp. Tôi tin điều này không chỉ đơn giản là sự ngẫu nhiên mà nó có mối tương quan chặt chẽ với quy luật của Vũ trụ.
Kinh nghiệm bản thân đã dạy cho tôi biết rằng một người gieo mầm sầu bi rồi mong gặt hái hạnh phúc cũng chẳng khác gì một kẻ gieo hạt bông lại muốn gặt được lúa mì. Qua nhiều năm nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ, tôi rút ra được kết luận rằng: khi cho đi một điều gì đó, anh ta sẽ nhận lại gấp bội, thậm chí còn ở mức tinh tế và hoàn mỹ hơn trước, dù chỉ trong suy nghĩ hay là một hành động công khai.
Đứng trên lập trường mang tính vật chất và kinh tế, một trong những chân lý sâu sắc nhất tôi học được là khi làm nhiều việc hơn và tốt hơn so với mức lương được trả, chúng ta sẽ nhận được kết quả cực kỳ hậu hĩnh. Bởi một khi thực hiện được điều này, chắc chắn chỉ còn là vấn đề về thời gian cho đến khi chúng ta nhận lại được mức chi trả cao hơn đó.
Loại thói quen đặt hết tinh thần và tấm lòng vào mọi công việc bất kể thù lao này sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến thành tựu về của cải vật chất, hơn hẳn bất kỳ những điều tôi có thể đề cập tới.
Song điều này dường như cũng không quan trọng bằng thói quen tha thứ và quên đi những lỗi lầm người khác đã gây ra cho chúng ta. Thói quen “ăn miếng trả miếng” với những người gây hấn với mình là điểm yếu sẽ khiến chúng ta mất đi giá trị và gây tổn hại đến bản thân.
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi tin rằng không bài học nào giá trị bằng việc thường xuyên xác định rõ giới hạn của những điều mình có thể đòi hỏi, và xem tất cả những sự xúc phạm cũng như bất công mình phải nhận chỉ là một phần của công việc mà thôi.
Tôi tuyệt đối tin một trong những bài học đắt giá nhất mà con người học được đó là tự chủ. Một người không thể gây ảnh hưởng lớn đến người khác trừ khi trước hết anh ta đã học được cách kiểm soát chặt chẽ bản thân. Đặc biệt đáng chú ý khi tôi quan sát được đa phần những lãnh tụ vĩ đại trên thế giới đều là những người ít khi giận dữ. Bất kể tuổi tác, những vị lãnh tụ cao cả nhất, những người đã dạy chúng ta các chân lý sâu sắc nhất được viết trong tạp chí Golden Rule, đều là những người nhẫn nại và biết tự chủ.
Tôi chưa từng đạt được điều gì mà không phải lao động thật cật lực, vận dụng trí óc thật chính xác, chuẩn bị thật kỹ càng và bắt tay làm việc từ sớm. Tôi phải trui rèn bản thân thật cực nhọc và cần cù, không chỉ về thể xác mà cả về tâm hồn và tinh thần nữa.
- Theodore Roosevelt
Thật là tai hại cho những ai khởi đầu với niềm tin rằng trên vai anh ta đang gánh trách nhiệm “cải tổ” thế giới, hay thay đổi trật tự tự nhiên trong lối hành xử của con người. Tôi tin rằng những kế hoạch của Tạo hóa đang tiến triển với tốc độ nhanh chóng, mặc kệ sự cản trở từ những ai đánh bạo chống lại hay làm chệch hướng của Người theo bất kỳ cách nào. Sự kiêu ngạo chỉ dẫn tới bất hòa, tranh chấp và những cảm xúc ác ý.
Tôi đã thấu triệt, chí ít với sự toại nguyện của mình, rằng một người nếu luôn kích động và gia tăng những cảm xúc tiêu cực giữa mọi người xung quanh, dù với động cơ gì, đều không thực sự có mục đích mang tính xây dựng nào trong cuộc sống. Thúc đẩy và xây dựng sẽ mang lại kết quả tốt, chứ không phải chỉ trích và đập phá.
Khi mới xuất bản tạp chí Golden Rule, tôi đã bắt đầu vận dụng tốt nguyên tắc này bằng cách dành hết thời gian và những trang xã luận để viết về những gì mang tính xây dựng, và bỏ qua những điều tiêu cực.
Trong toàn bộ ba mươi sáu năm cuộc đời, không điều gì tôi từng có được xem là thành công hay mang lại cho tôi niềm hạnh phúc đích thực như tờ tạp chí nhỏ này cả. Gần như từ cái ngày ấn bản đầu tiên lên kệ báo, nỗ lực của tôi đã được tưởng thưởng nhiều gấp bội lần so với những điều tôi từng mong đợi. Thành công không nhất thiết phải được thể hiện ở mặt vật chất, cao cả và tinh tế hơn hết là được thể hiện ở hạnh phúc mà tờ tạp chí này đã giúp những người khác đạt được.
Trải qua nhiều năm va chạm trong cuộc sống, tôi đã nhận ra rằng khi một người để mình bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực từ những người xung quanh, bởi chỉ vài lời bình phẩm nào đấy từ địch thủ hay một ai đó luôn định kiến, thì đó cũng là biểu hiện của sự yếu đuối. Một người không thể thực sự nhận mình đã hoàn toàn tự chủ hay luôn có thể suy ngẫm cẩn trọng trừ khi anh ta học cách định hình ý kiến của những người quanh mình, không phải từ cái nhìn của người khác, mà phải từ kiến thức thực tế.
Một trong những thói quen bất lợi và tiêu cực nhất mà tôi từng phải vượt qua chính là cho phép mình nhìn nhận tiêu cực về một cá nhân chỉ vì chịu ảnh hưởng từ một người luôn thiên vị hay định kiến nào đó.
Tôi từng thấm thía được bài học sâu sắc từ một sai lầm bị lặp lại quá nhiều lần. Lỗi lầm tai hại đó là nói xấu người khác, dù có nguyên do hợp lý đi chăng nữa. Tôi không nhớ mình từng có sự phát triển cá nhân nào thu được từ sai lầm mà khiến tôi có cảm giác mãn nguyện thật sự như khi tôi hiểu được rằng, ở một mức độ nào đó, tôi nên giữ mồm giữ miệng nếu không nói được với đồng nghiệp của mình những lời lẽ hay ho.
Tôi chỉ học được cách kiểm soát bản năng tự nhiên “xé toạc kẻ thù ra từng mảnh” sau khi tôi dần hiểu được luật Nhân quả. Tôi không hoàn toàn kiểm soát được thứ mầm họa này, song chí ít tôi đã chế ngự được nó với khởi điểm khá tốt.
Kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi biết được rằng đa phần con người đều có bản tính lương thiện, và những người được xem là phần tử bất lương đều là nạn nhân của những hoàn cảnh mà họ không thể hoàn toàn kiểm soát. Việc biên tập tờ tạp chí này đã giúp ích cho tôi rất nhiều, nhờ nó mà tôi mới biết bản năng của con người chính là sống theo những gì người khác nói về họ.
Tôi nghĩ mọi người nên ít nhất một lần trong đời trải qua những đắng cay, trải nghiệm điều vô giá của việc bị công kích bởi báo chí và mất đi cơ nghiệp, bởi khi tai ương ập đến, con người mới nhận ra được đâu là những người bạn chân chính. Bạn bè sẽ ở bên cạnh bạn, còn những người ra vẻ là bạn bè chỉ tìm chỗ lẩn trốn mà thôi.
Từ những mẩu kiến thức thú vị khác về bản năng con người, tôi biết được chúng ta có thể đánh giá cực kỳ chính xác một cá nhân thông qua tính cách của những người mà anh ta thu hút về mình. Câu nói của người xưa, “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, chính là một triết lý đúng đắn.
Luật Hấp dẫn này, tạm gọi là vậy, vẫn luôn thu hút về một trung tâm nhất định những điều tự nhiên giống nhau. Một thám tử vĩ đại từng bảo tôi rằng luật Hấp dẫn này chính là điểm tựa chủ chốt cho ông trong công cuộc săn lùng tội phạm và những kẻ lách luật.
Tôi biết được rằng những ai khao khát trở thành quan chức sẽ phải chuẩn bị hy sinh rất nhiều và phải chịu đựng những lời gièm pha lẫn chỉ trích mà không mất đi niềm tin hay sự tôn trọng dành cho mọi người. Cực kỳ hiếm hoi mới có người trong bộ máy quan chức không bị chất vấn động cơ hoạt động bởi chính những người hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực của anh ta.
Một trong những người phụng sự vĩ đại nhất thế giới từng được biết đến không chỉ chịu đựng sự ác tâm của rất nhiều người cùng thời với Ngài – thứ ác tâm mà vô vàn con người hiện nay đã kế thừa – mà Ngài còn mất đi cả mạng sống trong cuộc thương lượng bất thành. Họ đóng đinh Ngài trên cây thập giá, xiên giáo qua thân thể Ngài, rồi tàn nhẫn tra tấn bằng những cơn khạc nhổ lên mặt Ngài trong khi sinh mạng Ngài đang dần lụi tàn. Những lời trăng trối cuối cùng của Ngài để lại một tấm gương vĩ đại cho chúng ta noi theo: Hãy tha thứ cho họ, thưa Cha, bởi họ không biết mình đang làm gì cả.
Khi máu giận xộc lên não vì những sai trái mà người khác gây ra cho mình, tôi tìm thấy sự dễ chịu trong sự chịu đựng ngoan cường và nhẫn nại như cách vị triết gia vĩ đại ấy bình thản nhìn những kẻ hành hạ Ngài chầm chậm đẩy Ngài vào cái chết, chẳng bởi điều gì, trừ việc Ngài cố gắng giúp người khác được hạnh phúc.
Kinh nghiệm bản thân cũng dạy tôi biết rằng người nào buộc tội thế giới không trao cho anh ta cơ hội thành công trong công việc đã chọn, thay vì xoay ngón tay tố cáo ấy về hướng bản thân, sẽ rất khó thấy được tên mình trong danh sách những người thành đạt.
Cơ hội thành công là thứ mà mỗi người phải ra ngoài và tự tạo ra cho chính mình. Nếu không có tinh thần đấu tranh ở một mức độ nhất định thì con người chắc chắn sẽ không thu về được nhiều thành tựu trong cuộc sống, hay đạt được những điều mọi người hằng ao ước. Không có tinh thần tranh đấu, con người chắc chắn sẽ rơi vào nghèo đói, khốn khổ và thất bại, song nếu mắc kẹt trong những mặt trái này, anh ta phải chuẩn bị tranh đấu cho quyền lợi của bản thân.
Quyền lợi duy nhất một người có chính là những điều anh ta tự tạo ra cho mình, đổi lấy từ sự phục vụ của anh ta. Và cũng không hẳn là ý tồi khi nhắc nhở chúng ta rằng những quyền lợi ấy sẽ có tính tương đồng tuyệt đối với bản chất của những việc chúng ta làm.
Phân tích kỹ từ lịch sử, bạn sẽ thấy đa phần những người phụng sự vĩ đại đều được sinh ra từ trong đói nghèo.
Theo tôi, muốn kiểm nghiệm thật chính xác một người, hãy cho anh ta của cải vô hạn rồi xem anh ta sẽ làm gì với chúng. Loại giàu sang tước đi động lực góp phần vào việc xây dựng và giúp ích chính là lời nguyền với những ai dùng nó. Con người không cần phải cảnh giác trước cái nghèo mà nên chú ý đến sự giàu có cùng thứ quyền lực kèm theo, dù cho kết cục tốt hay xấu đi nữa.
Tôi cho rằng mình rất may mắn khi được sinh ra trong nghèo đói. Trong những năm trưởng thành, tôi có cơ hội thân cận nhiều hơn với những người quyền quý, nhờ vậy tôi thấy được minh chứng khá rõ về ảnh hưởng của hai địa vị vô cùng khác biệt này. Tôi biết mình không cần phải dè chừng bản thân quá mức khi tôi vẫn đang đương đầu với những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, song nếu đã gặt hái được sự giàu sang, thì tôi cần phải xem xét thận trọng để chắc chắn rằng giàu sang sẽ không tước đi khao khát giúp đỡ người khác của tôi.
Kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi biết một người bình thường có thể đạt được mọi thứ khả thi trong tầm thành tựu của nhân loại với sự giúp đỡ của trí óc con người. Điều tuyệt vời nhất mà trí óc nhân loại có thể thực hiện là sáng tạo. Những ai được tôn vinh là thiên tài cũng chỉ là người đã tạo ra được trong tâm trí họ bức tranh về những điều họ mong muốn, rồi từ đó bắt tay vào hành động để biến bức tranh thành hiện thực.
Tất cả những điều này và thêm một số điều khác nữa là những gì tôi đã học được trong suốt ba mươi sáu năm qua. Tuy nhiên, bài học sâu sắc nhất tôi tiếp thu được chính là chân lý từ thuở xa xưa mà những nhà triết học qua suốt các thời đại đã bảo ban chúng ta: Hạnh phúc chỉ tìm thấy được trong những hành động giúp ích chứ không phải ở sự chiếm hữu.
Đây là chân lý mà con người chỉ có thể nhận thức sâu sắc được khi tự mình khám phá ra.
Có thể có nhiều phương pháp giúp tôi đạt được niềm hạnh phúc cao cả hơn điều mình nhận được từ việc dốc lòng biên tập tờ tạp chí nhỏ này, song thật tình tôi chưa tìm ra chúng, và tôi cũng không trông đợi mình sẽ tìm ra.
Điều duy nhất tôi nghĩ có thể mang đến cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao hơn hiện tại chính là nhà truyền tin bé nhỏ với những lời cổ vũ và khích lệ này sẽ giúp đỡ được rất nhiều người.
Tôi nghĩ thời khắc hạnh phúc nhất cuộc đời mình diễn ra khoảng vài tuần trước, khi tôi mua chút đồ ở một cửa hàng tại Dallas, bang Texas. Chàng nhân viên đang đợi tôi là kiểu người khá cởi mở, hay nói và biết suy nghĩ. Cậu chàng kể cho tôi nghe về mọi chuyện trong cửa hàng, như một kiểu chào hỏi kín đáo, rồi có hơi căng thẳng khi nhắc đến chuyện hôm nọ quản lý cửa hàng đã khiến mọi người rất hân hoan khi hứa sẽ thành lập một Câu lạc bộ Tâm lý học về Nguyên tắc Vàng và đặt mua dài hạn tạp chí Golden Rule, bằng chính sách tặng thưởng của cửa hàng.
(Cậu ấy không biết tôi là ai cả!)
Chuyện này khiến tôi hứng thú, tôi bèn hỏi cái người tên Napoleon Hill nãy giờ cậu ta đang kể là ai. Cậu thanh niên nhìn tôi với vẻ chế nhạo rồi đáp: “Ý chú là chú chưa từng nghe danh Napoleon Hill sao?”. Tôi thú nhận cái tên nghe khá quen tai, nhưng lại tiếp tục hỏi cậu ta về nguyên nhân đã khiến quản lý cửa hàng đặt mua trọn một năm tờ Golden Rule cho nhân viên. Cậu ta trả lời: “Bởi nội dung trong tờ tạp chí đã biến một trong những nhân viên xấu tính nhất ở đây trở thành người xuất sắc nhất cửa hàng. Và ông chủ bảo nếu quả thực nó có tác dụng như vậy thì ông muốn tất cả chúng tôi phải đọc nó”.
Khi tôi vui vẻ bắt tay với chàng thanh niên ấy, rồi nói cho cậu biết mình là ai, chẳng phải như một biểu hiện tự cao, mà đó chính là phần cảm xúc sâu sắc luôn khiến lòng người bồi hồi khi biết được việc mình làm đã mang lại hạnh phúc cho người khác.
Đây là dạng hạnh phúc làm thay đổi bản tính thiên về ích kỷ của con người, và góp phần vào quá trình tiến hóa qua việc tách bản năng động vật ra khỏi con người.
Tôi luôn cho rằng con người nên phát triển tính tự chủ, biết cách tự thể hiện bản thân thật tốt. Tôi sẽ chứng minh rằng tôi thực hành đúng với những gì tôi trình bày trong chủ đề này bằng việc táo bạo khẳng định nếu tôi có lượng độc giả tuyệt vời như tờ The Saturday Evening Post để tôi có thể phục vụ họ hằng tháng, thì trong vòng năm năm tới tôi có thể tạo sức ảnh hưởng đến quần chúng sống theo Nguyên tắc Vàng, nhiều hơn tất cả các tờ tạp chí khác cộng lại từng làm được trong mười năm qua.
Thứ quyền năng vĩ đại vừa được tìm thấy – công nghiệp và chính trị – mà giai cấp lao động đã đạt được, có thể bị lãng phí nếu bị sử dụng một cách khinh suất trong những trường hợp không cần thiết – như ngừng trệ hay bãi công. Nếu giai cấp lao động nghĩ mình là lực lượng nắm quyền của quốc gia, họ phải chấm dứt suy nghĩ về những giới hạn của giai cấp mình, điều đã kéo dài mãi trong quá khứ cho đến nay.
- Clynes, thủ lĩnh giai cấp lao động Anh
Với ba mươi sáu năm kinh nghiệm, chắc chắn có những người sở hữu số của cải vật chất nhiều hơn tác giả gấp bội lần, nhưng nếu phải thách thức toàn bộ họ trưng ra niềm hạnh phúc họ có được so với niềm hạnh phúc tôi nhận được từ kết quả công việc, tôi sẽ không e ngại gì đâu.
Dĩ nhiên, với nhiều người, đó chỉ là một tình huống vô nghĩa, song với tôi lại có ý nghĩa vô cùng to lớn khi niềm hạnh phúc sâu sắc và lớn lao hơn cả đã đến với tôi từ khi tôi bắt đầu xuất bản tờ tạp chí này.
“Gieo nhân nào, gặt quả nấy” là chân lý vĩ đại, luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Và hơn ba mươi năm trải đời chính là minh chứng rõ rệt cho “quả” của tôi.
Đây là lần đầu tiên trong tôi bật lên ý tưởng sở hữu và biên tập một tờ tạp chí, trong khi khoảng mười lăm năm trước, tôi chỉ muốn phê bình những điều tồi tệ và chỉ trích mọi thứ tôi không thích. Nhưng vào thời điểm đó, vị thần số mệnh hẳn đã ra tay can thiệp để ngăn tôi lao vào ngọn đèn như con thiêu thân, bởi mọi điều tôi học được xuyên suốt ba mươi sáu năm kinh nghiệm đã minh chứng đầy đủ cho chân lý được trích dẫn ở trên.
Bạn không bao giờ có thể trở thành lãnh tụ vĩ đại hay người có tầm ảnh hưởng đến công lý nếu bạn không phát triển được đầy đủ đức tính tự chủ.
Trước khi có thể giúp ích cho mọi người trong mọi lĩnh vực, bạn phải làm chủ được những bản năng cơ bản của con người – như tức giận, bảo thủ và đa nghi.
Khi cáu giận lên vì ai đó, bạn cũng đồng thời để kẻ đó làm chủ mình và kéo bạn xuống cùng vị thế với họ.
Để phát triển khả năng tự chủ, bạn phải vận dụng triết lý Nguyên tắc Vàng theo những cách đa dạng và có hệ thống. Đồng thời, bạn phải xây dựng được thói quen tha thứ cho những người thường gây phiền hà và khiến bạn tức tối.
Bảo thủ và ích kỷ không thể nào chung sống hòa hợp cùng sự tự chủ. Những phẩm chất này sẽ luôn mâu thuẫn nhau khi cố ép chúng ở chung. Vì vậy, một thứ buộc phải ra đi.
Khi thẩm vấn nhân chứng, một luật sư khôn ngoan luôn tìm cách chọc tức anh ta, và từ đó khiến anh ta bị mất tự chủ.
Tức giận chính là trạng thái mất đi lý trí!
Người có tính tình ôn hòa sẽ biết cách kiềm chế cơn tức giận, luôn duy trì vẻ điềm tĩnh và tính toán từng đường đi nước bước. Anh ta điềm đạm và thận trọng trong mọi tình huống.
Người như vậy có thể đạt được mọi mục đích chính đáng. Để làm chủ hoàn cảnh, trước hết bạn phải làm chủ bản thân mình. Người vận dụng đúng đắn sự tự chủ sẽ không bao giờ bôi nhọ những người xung quanh. Bản năng của anh ta là xây dựng chứ không phải đạp đổ. Bạn có phải là người biết tự chủ không? Nếu không phải, sao bạn lại không phát triển đức tính tốt đẹp này?