Người hạnh phúc nhất không phải là người nhận được nhiều hơn, mà là người cho đi nhiều hơn.
- H. Jackson Brown, Jr.
Biển thứ tám trên con đường đến thành công là thói quen làm nhiều hơn mức lương được trả!
Mười năm trước, tôi từng ghé thăm văn phòng của Edwin C. Barnes ở Chicago, chỉ để hỏi anh một câu hỏi đơn giản mà tôi đoán Barnes chắc chắn không hứng thú với nó. Tình cờ tôi được gặp riêng Barnes, khi anh ấy đang đi ngang qua phòng chờ của văn phòng mình.
Nếu có thể sống thọ đến một trăm năm mươi tuổi, tôi cũng sẽ không bao giờ quên được cách anh ấy dừng lại và giải đáp thật cặn kẽ những câu hỏi của tôi.
Tôi muốn biết liệu nhà máy của ngài Edison có đồng ý sản xuất một chuỗi những đoạn thu âm bằng máy cho tôi không, bởi tôi muốn dùng chúng để giảng dạy lớp học Nói chuyện trước công chúng.
Barnes trả lời là không thể vì máy móc của Edison chưa có khả năng tạo ra những bản thu âm đặc thù. Tuy nhiên, anh đã dẫn tôi đến gặp một người có khả năng giúp được tôi. Vậy là anh đội mũ và chở tôi đến gặp một đối thủ cạnh tranh của mình cách nơi đó hàng dặm ở phía bên kia thành phố, trên chính chiếc xe của anh.
Chẳng có chút cơ hội nào dù là mỏng manh nhất rằng hành động này của Barnes sẽ sinh lời cho anh, và bản thân anh biết rõ điều đó. Thế nên cũng hợp lý khi cho rằng anh làm việc này cho tôi thuần túy bởi vì bản chất của anh là giúp đỡ bất cứ ai, bất cứ khi nào có thể, không màng đến lợi nhuận trước mắt hay dài hạn cho bản thân.
Hiển nhiên tác phong lịch sự của Barnes đã khiến tôi hết sức ấn tượng. Tôi bắt đầu nghiên cứu về anh vì tôi tin rằng anh đáng để mọi người noi gương. Văn phòng của anh luôn bao phủ bầu không khí chân thành và nhiệt tình. Tôi nhận thấy tất cả nhân viên bán hàng, nhân viên tốc ký, cô thư ký của anh và những người khác đều trông rất vui vẻ khi được làm việc tại đây.
Đấy là chuyện của mười năm trước. Tôi đánh bạo nêu ý kiến rằng nếu hiện tại bạn không báo trước mà ghé thăm một trong những văn phòng của Barnes tại Chicago, St. Louis hay New York để hỏi xin vài sự giúp đỡ, bạn sẽ có ấn tượng giống hệt như tôi mười năm trước, đó là bạn đang ở một nơi luôn rộng mở, nơi có những con người nhã nhặn, bởi họ luôn tin tưởng vào những điều đã sẻ chia.
Barnes đã chiếm được niềm tin của Thomas A. Edison, và từ đó được Edison giao việc cho. Nếu tôi nhớ không lầm thì tiền lương của Barnes lúc đó chưa tới 25 đô-la một tuần. Một thời gian ngắn sau, Edison càng ngày càng tin tưởng anh hơn, và giao cho anh là đại lý kinh doanh máy ghi âm Edi (máy ghi âm của Edison) tại Chicago. Tôi không biết chính xác anh đã dùng phương pháp nào để giành được niềm tin nơi Edison, song có một điều tôi chắc chắn và tất cả những ai biết Edison đều sẽ nhiệt liệt đồng tình rằng Barnes sẽ không giành được lòng tin ấy nếu anh không làm việc hiệu quả và hoàn thành công việc nhiều hơn, tốt hơn gấp bội mức lương được trả. Tôi chắc chắn anh ấy không hề thương thảo về giờ giấc hay tiền lương trong những ngày mới bắt đầu, và tôi chắc chắn anh đã dành nhiều thời gian cho công việc hơn những gì hợp đồng yêu cầu.
Ngay từ ban đầu, Barnes đã chấp nhận điều khoản không bao giờ bán máy ghi âm Edi cho những nơi không có nhu cầu, cũng không bán thừa dù chỉ một chiếc so với nhu cầu phục vụ kinh doanh của khách hàng. Đôi lúc nhân viên bán hàng của anh vì quá hăm hở tích lũy kết quả trong sổ doanh số sẽ thuyết phục khách hàng mua quá số lượng. Barnes luôn luôn nghiên cứu kỹ lưỡng những giao dịch như vậy, anh chỉ ra lỗi lầm và cho người bán hàng cơ hội sửa sai trước khi điều này làm hủy hoại thanh danh của anh ta cũng như công ty mà anh ta đang làm việc.
Với tính cách nổi trội, thân thiện, hòa đồng và nhiệt tình, Barnes chính là một nhân viên bán hàng tài năng. Tuy nhiên, anh sẽ không thành công nếu không cung cấp nhiều hơn, với chất lượng hoàn hảo hơn, so với những gì mà hợp đồng phân phối của anh cam kết. Nguyên tắc này đến với anh dường như rất tự nhiên. Nó chính là một phần con người anh.
Việc kinh doanh của Barnes không dễ vững bền chỉ trong một sớm một chiều. Máy ghi đọc vẫn là thứ mới mẻ vào mười hai hay mười lăm năm trước; để bán được chúng cần phải có một nghệ thuật bán hàng cấp cao và những người nhân viên có kỹ năng lành nghề hơn nữa để hướng dẫn mọi người sử dụng sau khi mua chúng. Những chiếc máy này thực sự đã tiết kiệm phân nửa thời gian cho các nhân viên tốc ký; song, như mọi phát minh mới trên trái đất, từ tàu chạy hơi nước đến máy bay, mọi người cần phải “thực mục sở thị”.
Edwin C. Barnes gần như đã bán hết toàn bộ sản phẩm máy ghi âm Edi được sản xuất ở các nhà máy lớn của Thomas A. Edison tại Tây Orange, bang New Jersey. Khi nghĩ về anh, tôi không kìm được suy nghĩ về buổi phỏng vấn bảy người thất nghiệp và vô gia cư tại Chicago vài năm trước, một trong số họ đã tốt nghiệp Đại học Yale.
Tất cả họ đều than van rằng: “Cuộc sống không cho tôi cơ hội”.
Tôi nghĩ về Edwin Barnes khi đang thực hiện những cuộc phỏng vấn ấy, và tôi băn khoăn liệu cuộc sống có trao cho anh ấy cơ hội nào tốt hơn bảy người này hay không, và ai buộc cuộc sống chịu trách nhiệm cho những thất bại của anh ấy đây.
Chuyến đi đến Tây Orange của anh không phải là một việc làm tự phụ. Anh đến bằng chiếc xe chở hàng, gặp được Edison, giải thích cho ông nghe, rồi nhận được cơ hội chứng minh cho Edison thấy anh không hề cho rằng thế giới nợ anh một cuộc đời.
Câu chuyện của Barnes rất giống với tất cả những người thành công khác. Anh hoàn thành tốt việc trước, rồi gặt hái thành quả về sau. Thay vì đợi chờ thế giới đến và chi trả những gì cuộc sống nợ mình, anh bước ra và hoàn thành cho thế giới công việc mà sẽ mang đến vận mệnh cho anh, và việc đó diễn ra khi anh vẫn còn là một thanh niên tương đối trẻ.
Tôi không biết số tiền mà Barnes kiếm được là bao nhiêu, song đó hẳn là một con số đáng kể. Anh sống tại Florida, nơi mà hầu hết thời gian anh sống một cách an nhàn. Thời gian còn lại anh ghé thăm những phụ tá vẫn đang quản lý việc kinh doanh máy ghi âm Edi của mình tại những thành phố lớn như Chicago, St. Louis và New York.
Vài ngày trước đã xảy ra một chuyện thú vị và nó sẽ là minh chứng cho lề thói làm việc của Barnes. Từ Chicago, tôi đến văn phòng của mình tại New York, nhưng trên đường đi tôi ghé qua gặp Barnes tại văn phòng nằm ở khu Broadway của anh. Tôi mang theo hành lý và tôi để nó lại văn phòng của anh khi tôi ra ngoài tìm một nơi ở tạm, bởi nơi tôi cần đến là New York. Khi tôi vừa rời đi, anh ấy gọi cho tôi và nói: “Chúng tôi đóng cửa văn phòng lúc sáu giờ. Nếu giờ đấy anh vẫn chưa quay lại tôi sẽ mang túi đến khách sạn cho anh nếu anh cho tôi biết anh dừng chân tại đâu”.
Và, anh thực sự nghiêm túc thực hiện như anh nói. Bạn hãy thử nghĩ một người có của cải, địa vị và thành công, lại đề nghị kéo hành lý đi quanh vì tôi! Điều này càng củng cố cho tính đúng đắn của câu nói “Một người muốn trở nên vĩ đại giữa số đông trước hết phải là một người đầy tớ giỏi giang”. Một người hoàn thành công việc với tinh thần chuẩn mực, sẽ không bao giờ thất bại trong việc nâng vị thế của mình lên. Hai ngàn năm trước, Chúa Jesus cũng đã nói đến điều này và những ai thành công cũng sẽ nói điều tương tự. Barnes thành công vì anh đã phụng sự rất tốt. Anh đã không ngần ngại lái chiếc xe xập xệ hay làm mọi điều cần làm để chuyển thành công Bức thông điệp gửi cho Garcia13.
13 Message to Garcia là một bài báo cực kỳ nổi tiếng được viết bởi Albert Hubbard, nói về tính thụ động, ích kỷ và lòng ganh tỵ của số đông người lao động. Bài báo lấy cảm hứng từ câu chuyện về người lính Rowan. Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ – Tây Ban Nha để giải quyết vấn đề độc lập của Cuba, tướng Garcia là thủ lĩnh của nhóm nổi dậy Cuba. Thời điểm Tổng thống Mc. Kinley cần chuyển một bức thông điệp tới cho tướng Garcia nhưng không ai biết ông ẩn náu ở đâu giữa núi rừng Cuba mênh mông, Rowan được giới thiệu chuyển giao bức thư. Anh nhận thư mà không có bất kỳ phàn nàn nào; và dù không biết mặt tướng Garcia, không biết nơi ông ẩn náu, Rowan đã tận tay giao được thông điệp cho Garcia sau rất nhiều ngày gian khó.
Chúng ta đấu tranh cho danh vọng, và đã chiến thắng. Và trông kìa! Như một hơi thở thoáng qua, ta đã đánh mất nó trong vương quốc thinh lặng mà kẻ trị vì là cái Chết.
Tại một buổi gặp họp mặt của Tổ chức Thomas A. Edison gần đây, với sự góp mặt của ngài Barnes và hơn một trăm đại diện khác, một tình huống bất ngờ đã xảy ra đã góp thêm những minh chứng thú vị về cả Barnes và Edison.
“Thầy phù thủy” vừa được tặng một lá cờ tưởng niệm bằng lụa. Bài diễn văn được soạn bởi George M. Austin, đến từ bang Philadelphia. Ngài Edison đáp lời, song con trai ông, Charles Edison, mới là người đọc bài diễn văn. Trong lúc con mình đang đọc, ngài Edison tháo chiếc giày bên chân phải ra, lấy dao xếp cắt ra một miếng da lủng lẳng trên phần đế.
Mọi người ngạc nhiên nhìn nhà sáng chế, rồi cười ồ lên.
Nhà sáng chế cười theo, rồi nói:
“Tôi đến New York mua giày và thấy họ bán một đôi từ 17 đến 18 đô-la. Tôi xuống phố Cortlandt và thấy rất nhiều giày trong hầm. Tôi thấy một đôi vừa ý mình và mua với giá 6 đô-la. Tôi đã mang nó gần một năm rồi.”
Đứng gần ngài Edison là Edwin C. Barnes, chủ chi nhánh ở New York, Chicago và St. Louis.
Edison chỉ vào Barnes và nói:
“Barnes sẽ không làm vậy. Cậu ấy sẽ đến Broadway và trả 17 hoặc 18 đô-la cho một đôi giày.”
“Phải, nhưng tôi sẽ mang nó được trong ba hoặc bốn năm”, Barnes đáp.
“Ed Barnes trả 6 hoặc 7 đô-la cho một cái mũ”, Edison tiếp tục, “trong khi tôi sẽ sang New York hoặc xuống Newark và mua một cái với giá 2,75 đô-la”.
Sau đó, Edison đưa ra một vài tờ giấy ghi chú, rồi bảo rằng hằng đêm ông đều lập danh sách những điều dự định làm. Danh sách hôm nay gồm năm mươi bảy vấn đề khác nhau mà ông cho rằng cần chú trọng đến.
“Nếu mỗi người thử làm cách này trong sáu tháng, tất cả rồi sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến bao nhiêu việc có thể hoàn thành được chỉ trong có mười tiếng thôi”, ngài Edison nói tiếp.
Với toàn bộ số tài sản kếch xù, và tất cả những thành công to lớn và vô số bạn bè, trải từ những người vĩ đại như cựu Tổng thống Theodore Roosevelt đến Napoleon Hill, ngài Barnes vẫn luôn là một người thân thiện và bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng gặp mặt ông nếu muốn. Trong công việc, Barnes cũng không quá cầu kỳ, không có gì ngoài một thư ký riêng túc trực giữa cửa văn phòng ông và phòng tiếp tân. Tuy nhiên, người thư ký này lại vô cùng bận bịu với những việc quan trọng cần phải quản lý hơn là chặn những người muốn gặp ngài Barnes lại. Lập luận của ông là nếu có người ghé văn phòng để gặp ông cũng đồng nghĩa với việc người ấy đang tỏ lòng kính trọng ông, thế nên ông sẽ cư xử đàng hoàng và lắng nghe người ấy, bất kể điều họ muốn là gì.
Mỗi khi nhớ đến Barnes, tôi lại nghĩ về Thượng nghị viện Hoa Kỳ. Anh ấy chính là kiểu người mà chúng ta cần ở Washington. Anh tin vào phục vụ hơn là được phục vụ, và nếu người dân tiểu bang Florida đủ may mắn thuyết phục anh nhận chức Thượng nghị sĩ, họ sẽ có lý do chúc mừng bản thân, bởi anh ấy sẽ luôn là một đầy tớ tận tụy trong những ngày làm việc cho Washington.
Tôi cho rằng Thượng nghị viện có thể tuyển thêm một vài quan chức thực thụ hơn, có năng lực kinh doanh như Barnes, người có sự liêm chính không thể chê vào đâu được. Có lẽ thái độ của người dân sẽ trở nên thân thiện hơn nếu trong Thượng nghị viện có thêm vài doanh nhân thành đạt và ít đi một số chính trị gia chỉ chú trọng đến mục đích trao đổi những ưu đãi trong chính trị.
Barnes sẽ là ứng viên rất phù hợp cho vị trí này. Anh ấy có năng lực và sở hữu nhân cách khiến anh nổi trội giữa đám đông. Anh ấy rất dũng cảm, sẵn lòng đấu tranh nếu cần thiết, đặc biệt anh sở hữu khả năng ngoại giao hiệu quả trong trường hợp sự trao đổi thiết thực hơn là chiến đấu.
Tôi xin tiến cử cho người dân Florida ứng viên Edwin C. Barnes ở Bradentown. Các bạn quả thực rất may mắn nếu thuyết phục được anh đồng ý vào Thượng nghị viện Hoa Kỳ, bởi anh ấy sẽ phục vụ các bạn tận tụy và hết lòng như với Thomas A. Edison.
Nếu tác giả không nhầm, chỉ có duy nhất một nền tảng để bán được dịch vụ cá nhân, đó là nền tảng của sự đền bù, tạo sự cân đối giữa chất lượng và số lượng dịch vụ được phục vụ.
Giả sử, một người làm việc với máy tiện được trả lương 5 đô-la mỗi ngày cho công sức anh ta bỏ ra. Anh ta đã làm công việc này trong vài năm. Một người khác đến và dùng chiếc máy tiện bên cạnh. Anh ta chỉ mới nhận việc trong vài ngày, nhưng với cùng một loại công việc, anh ta cho năng suất cao hơn một phần tư so với người thợ có thâm niên bên cạnh. Ai là người nên nhận được phần lương cao hơn?
Câu trả lời rất rõ ràng! Thâm niên trong nghề không hề liên quan gì đến tiền lương được trả. Nếu có thì người gác cổng tòa nhà đặt trụ sở văn phòng của tôi sẽ nhận được tiền lương cao hơn cả người quản lý tòa nhà, vì ông ấy đã làm việc ở đây mười năm trong khi người quản lý chỉ mới nhận việc chưa đầy sáu tháng.
Đây là điều quan trọng bạn cần nhớ kỹ khi quảng bá dịch vụ cá nhân: Năng lực của bạn trong công việc và giá trị của bạn trong mắt cấp trên có thể được đánh giá chính xác dựa trên lượng giám sát mà bạn cần. Nếu bạn cần được giám sát ở mức độ thấp, có thể năng lực của bạn đang ở mức khá. Nếu bạn không cần được giám sát gì cả, chắc chắn bạn đã đạt được năng suất cao nhất trong công việc của mình, thế nên bước tiếp theo bạn cần thực hiện chính là đảm đương công việc với trọng trách nặng nề hơn.
Đồng thời, có lẽ bạn cũng nhận ra được thực tế tiền công nhận được không nhiều hơn so với công sức đã bỏ ra, trừ khi bạn đã sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm nặng nề. Chỉ những người có thể gánh vác trách nhiệm thật hiệu quả và có năng suất, đồng thời đảm đương vị trí lãnh đạo những người khác thì mới được trả tiền lương hậu hĩnh.
Một người muốn tự mình kiếm được 25.000 đô-la một năm là hoàn toàn bất khả thi. Tuy nhiên, có lẽ người ấy đáng nhận được gấp bốn lần số tiền ấy nếu anh ta có thể đảm đương vị trí lãnh đạo hàng ngàn người khác và giúp họ bổ sung thêm vài điều vào hiệu suất lao động và khả năng sử dụng sức lao động của mình.
Hai phẩm chất chủ yếu đã đưa hàng ngàn người từ tầng lớp bình dân và hàng ngũ lao động phổ thông vào những vị trí điều hành uy tín là:
Thứ nhất, năng lực cộng với sự sẵn lòng đảm đương những trách nhiệm nặng nề.
Thứ hai, khả năng giúp đỡ người khác làm việc hiệu quả hơn bằng cách khéo léo hướng dẫn họ trong những nỗ lực của chính họ.
“Ta nhận lại những gì ta đã cho đi” không chỉ đơn thuần là một châm ngôn. Đây là chân lý mà tất cả những người thành công đều áp dụng. Người nhận được nhiều nhất khi kinh doanh dịch vụ cá nhân là người đã trao đi nhiều nhất cho những người anh ta phục vụ, dù đó là tự mình làm việc với sự giám sát rất ít hoặc không cần giám sát, hay giúp đỡ người khác định hướng những nỗ lực của họ theo cách thật thông minh.
Thành công không đến với người phải tự mình giải quyết mọi tiểu tiết để mưu cầu công việc “cao cấp” hơn, nó sẽ đến với người có năng lực cùng óc phán đoán chuẩn mực để khiến người khác chú trọng vào các tiểu tiết. Nếu bạn đang hướng đến một trong những công việc “cao cấp”, liệu đã đến lúc hướng dẫn người khác cách xử lý chi tiết trong công việc hiện tại của bạn chưa?
Nếu bạn đã giậm chân mãi tại một vị trí và tiền lương không có gì thay đổi trong một thời gian dài, hẳn bạn đã không nỗ lực truy cầu cơ hội tiếp nhận những trọng trách cao hơn, và có lẽ hiện tại bạn vẫn cần quá nhiều sự giám sát như trước đây. Hai đặc tính này sẽ đóng vai trò hướng dẫn nếu bạn quan sát chúng thật kỹ. Ngoài ra, nhờ vào chúng mà bạn có thể đánh giá bản thân một cách chính xác.
Bạn không thể sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ nặng nề hay lãnh đạo và chỉ huy người khác cho đến khi bạn có thể nâng năng lực cá nhân lên với một dấu ấn thật đặc biệt. Có khả năng là bạn chẳng thể bắt người khác làm việc nhiều hơn với chất lượng tốt hơn bạn đâu, nên chính bạn hãy tự mình thực hành điều đó.
Quyền lãnh đạo sẽ ngày càng phát huy từ những tấm gương tốt bạn tự đặt ra cho mọi người noi theo. Khi đã bắt đầu dẫn dắt mọi người hướng đến chất lượng và số lượng công việc, bạn có thể đặt chân lên con đường dẫn đến một công việc cao hơn, với tiền lương hậu hĩnh hơn, cùng những trách nhiệm cao cả hơn.
Khó khăn không bao giờ ngồi yên khi niềm đam mê trở nên rực cháy. Giữa chúng luôn luôn tồn tại những mâu thuẫn và xung đột bất tận. Có thể dùng sức mạnh để khuất phục một bên, song cảm giác sai trái vẫn còn đó; ngọn lửa của niềm đam mê đang thiu thiu ngủ sẽ chuẩn bị bùng nổ lần nữa ngay khi có dịp. Hãy tuân theo những chỉ dẫn của Nguyên tắc Vàng, và toàn bộ nguyên nhân dẫn đến xung đột đều sẽ bị loại trừ, mọi mâu thuẫn đều sẽ chấm dứt, rồi nhân loại sẽ tay trong tay cùng làm việc và gặt hái thành quả xứng đáng.
Tôi chưa từng được nghe kể về một người nào đó đạt được vị trí quản lý cấp cao chỉ với một bước nhảy, nhưng tôi có thể kể tên hàng trăm quản trị viên đã đạt được vị trí hiện tại của họ thật chậm rãi, từng bước một, bằng cách tăng dần hiệu suất làm việc của bản thân và củng cố chất lượng lẫn số lượng công việc của mình.
Không phải tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm nhiều hơn và chất lượng hơn mức lương được trả vì những lý do viển vông, mà bởi vì tôi hiểu nguyên tắc này là loại giao dịch có lợi cho bạn. Nó là một chiến lược hợp lý. Nó hợp lý vì tự nó sẽ thu hút thiện chí hợp tác từ đồng nghiệp và cả người chủ của bạn. Nếu nó không thu hút được sự chú ý của người chủ hiện tại của bạn, nó sẽ cuốn bạn đến chỗ những người chủ khác, những người đang tìm kiếm người như bạn và giao cho bạn một công việc trọng đại hơn và tốt hơn.
Nếu tôi không nhầm lẫn thì cách hữu hiệu nhất giúp quảng bá dịch vụ cá nhân với lợi thế tốt nhất chính là thu hút người chủ bằng lượng công việc chất lượng hơn hẳn những nhân công bình thường. Khi một nhà tuyển dụng tìm ra bạn, bạn có thể yên trí mình sẽ nhận được mức lương hậu hĩnh hơn so với mức lương bạn tự đề nghị. Cách duy nhất khiến nhà tuyển dụng tìm kiếm bạn là hiệu suất công việc của bạn phải vượt mức chất lượng và số lượng thông thường. Điều này có thể áp dụng với những ai đang làm một công việc nhỏ và muốn thăng tiến lên chức vị cao hơn trong công ty, cũng như những ai đang muốn đổi nơi làm việc mới.
Tôi ghen tị với những người biết phán đoán hoàn cảnh, có thể tự nhận thấy giá trị của việc làm việc nhiều hơn và chất lượng hơn mức lương được trả, cũng như đảm đương trọng trách với khả năng cao nhất thay vì đẩy chúng sang cho người khác. Tôi ghen tị với anh ta, bởi anh ta là người duy nhất trong mười ngàn người. Đấy là lý do tại sao anh ta lại đứng trên đỉnh chứ không ở dưới chân trong nghề nghiệp của mình. Đấy cũng là lý do tại sao anh ta đang lĩnh tiền lương chứ không phải “tiền công”. Và điều này cũng giải thích rõ tại sao anh ta đang ở vị trí lãnh đạo những người khác.
Ngồi cạnh tôi trong văn phòng là một chàng thanh niên giữ chức vụ quản lý tài chính cho tờ tạp chí này của tôi. Khi đến xin việc, cậu không hỏi những câu ngốc nghếch kiểu như: “Công việc này tiền lương bao nhiêu?”, “Ngày làm bao nhiêu tiếng?”, “Có cần trách nhiệm gì không?”, “Khi nào tôi sẽ được tăng lương?”, “Có bao giờ phải làm ca tối không?”,…
Không, cậu ấy không hỏi những câu thiếu khôn ngoan như thế!
Cậu khiến tôi vô cùng ấn tượng khi giải thích về sự thấu hiểu sâu sắc của mình với tờ tạp chí dù cho ấn bản đầu tiên mới vừa lên kệ được một ngày. Cậu ấy bảo cậu phải làm việc tại tạp chí Golden Rule và rằng cậu có ý định sẽ đạt được những gì mình theo đuổi, trừ khi tôi đuổi cậu ra khỏi văn phòng. Cậu thuyết phục tôi rằng cậu muốn công việc này vì cậu tin vào kết quả nó mang lại.
Cậu trai trẻ này không hỏi tôi bao giờ mới cho cậu ấy phụ việc mà chỉ hỏi “Tôi cần làm gì đầu tiên?”.
Tên cậu ấy là W. H. Heggem!
Cứ ghi nhớ cái tên này nếu bạn muốn, nhưng tôi có thể cam đoan với những ai đang liên tục kiếm tìm những nhân viên năng nổ rằng tôi không hề muốn các ngài “rình mò” quanh văn phòng tạp chí Golden Rule để đoạt cậu ấy khỏi tay tôi đâu. Ồ, các ngài sẽ muốn cậu ấy thôi, nhưng gượm đã – số tiền năm nay cậu ấy kiếm được chắc chắn sẽ vượt mốc 10.000 đô-la đấy nhé!
Phải, cậu ấy xứng đáng với con số đó, và tôi rất vui lòng trả cho cậu ấy số tiền cậu ấy đáng được nhận. Cũng như tất cả các nhà tuyển dụng khác, tôi muốn chất lượng công việc tốt nhất có thể và tôi sẵn sàng trả lương thật hậu hĩnh nếu bất kỳ ai trong hàng ngũ nhân công có thể mang lại điều đó. Tôi sẵn lòng trả cao hơn những gì họ thực sự mang lại, song vì lý do kinh tế nên chuyện này không thể duy trì liên tục được. Không ai có thể trả lương cho nhân viên mà không sản xuất kinh doanh và duy trì hoạt động kinh doanh thường xuyên cả. Con suối sớm muộn cũng sẽ cạn khô nếu không được bổ sung nguồn nước liên tục.
Nếu bạn cảm thấy cấp trên nên trả lương cho bạn nhiều hơn hiện tại, chỉ có một cơ sở để yêu cầu tăng lương, đó là trước tiên bạn cần phải cải thiện tình trạng công việc và mang lại nhiều thành quả hơn cho cấp trên của mình.
Giả sử bạn là một nhân viên kế toán, và bạn không biết làm sao để cải thiện công việc với chất lượng và số lượng cao hơn. Bạn đang làm việc với tần suất cao như yêu cầu và nắm vững quy tắc nên chất lượng công việc của bạn đang ở mức cao nhất.
Vậy bạn có thể làm gì để xứng đáng nhận được nhiều hơn mức hiện tại mình có?
Có hàng tá phương pháp có thể trả lời cho câu hỏi này, nhưng việc thử thật nhiều cách khác nhau cũng tương đương với việc không theo cách nào cả. Bạn chỉ cần thực hiện đúng một phương pháp mà thôi.
Bạn là nhân viên kế toán. Mỗi tháng bạn soạn những bản tổng kết rồi gửi chúng đi. Có khả thi không nếu bạn tạo ra một hệ thống thu nợ có chức năng chuyển hết những khoản thanh toán đấy thành tiền mặt khi chúng đến hạn? Nếu có thể, chẳng phải cấp trên hẳn sẽ rất vui lòng trả lương tương xứng với thành quả của bạn?
Bạn có thể phát huy tinh thần trách nhiệm bằng cách xung phong làm nhiều việc hơn chứ không chỉ ngồi soạn sổ thống kê. Bạn có thể làm điều đó mà không làm giảm sút hiệu suất trong công việc kế toán của mình. Hãy soạn ra một lượng thư thu nợ mang lại lợi thế thương mại cho cấp trên, đồng thời thu về số tiền tương xứng.
Hầu hết những người dày dạn kinh nghiệm đều có thể làm đúng những gì người khác yêu cầu và hướng dẫn, nhưng người trả lương chỉ muốn anh ta phải tự nhận ra điều gì nên làm và thực hiện ngay tức khắc mà không cần phải dặn dò.
Quy luật cung cầu hình thành một khoản lương trung bình chung mà một kế toán viên phổ thông có thể đòi hỏi. Để nhận được nhiều hơn, người ấy phải làm thêm một số việc mà thường những kế toán viên “bình thường” không động đến. Nói ngắn gọn hơn, người ấy buộc phải đẩy mình thoát khỏi tầng “bình thường”, nếu không thì anh ta phải thỏa mãn với số lương “bình thường” mãi mãi.
Việc rèn luyện làm việc nhiều hơn và chất lượng hơn mức lương được trả hoàn toàn không phải là việc cảm tính. Nó chỉ đơn giản là một thói quen hữu ích trong công việc. Dĩ nhiên, nếu bạn có thể làm việc với tinh thần phấn chấn và năng nổ, chắc chắn bạn sẽ thu hút được nhiều người đến với bạn hơn.
Tỷ lệ thành công của bạn sẽ càng cao hơn, nếu bạn phát triển một tính cách thu hút và thú vị đi cùng thói quen làm việc nhiều hơn và chất lượng hơn mức lương được trả. Đây là một phẩm chất cần thiết nếu muốn thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.