Hiệu quả cao nhất của giáo dục chính là lòng khoan dung.
- Helen Keller
Biển báo thứ mười bốn trên con đường dẫn đến thành công là lòng khoan dung.
Có ba loại sức mạnh, nếu được thiết lập một cách hợp lý, chúng có thể thay đổi toàn bộ lề thói của thế giới chỉ trong một thế hệ.
Nếu một nhà lãnh đạo và tổ chức xuất chúng có thể kết hợp ba lực lượng này lại, và khiến chúng vận hành hài hòa với nhau, chiến tranh có thể vĩnh viễn bị xóa bỏ, con người có thể học được cách kìm nén những ham muốn cá nhân vì lợi ích của đồng loại.
Nếu chúng ta có một Hội Quốc Liên18 thành công, nó sẽ phải được tạo dựng dựa trên ba lực lượng lớn mạnh này, bằng không nó sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và không thể đáp ứng mục đích hiện thời vốn là lý do để thành lập các hiệp hội.
18 Tiền thân của tổ chức Liên Hợp Quốc ngày nay.
Chưa bao giờ trong lịch sử, những lực lượng lớn mạnh này từng vận hành hài hòa với nhau, dù dưới bất cứ điều kiện nào. Chưa bao giờ chúng tự bố trí chính mình để có thể hoàn toàn thống nhất được một mục đích chung trong nội bộ của cả ba.
Tuy nhiên, những cá nhân nào kết hợp được cả ba lực lượng lớn mạnh này sẽ đại diện cho giai tầng cao nhất trong nền văn minh nhân loại!
Một cầu thủ bóng đá hạng nhất nếu hiểu được giá trị khi làm việc tập thể và sự cần thiết của hệ thống tổ chức, đồng thời đạt được lòng tin và sự cộng tác từ những thủ lĩnh của cả ba lực lượng sau, anh ta sẽ có thể trở thành một người lãnh đạo tài ba.
Ba lực lượng lớn mạnh này bao gồm:
1. Các nhà thờ trên thế giới;
2. Trường học;
3. Báo chí.
Không may là giữa những lực lượng này lại tồn tại sự chia rẽ, nên không hề có sự kết hợp vì mục đích chung hay nỗ lực từ nội bộ.
Giữa các nhà thờ cũng tồn tại mâu thuẫn, nhưng không đến mức quá vô vọng. Chắc chắn toàn bộ nhà thờ trên thế giới đều đồng ý chung sức hành động nhằm đạt thêm một bước tiến để có thể củng cố công việc của họ, đồng thời đặt nền móng cho một nền văn minh nhân loại cao cấp hơn.
Báo chí cũng tương tự. Người làm báo luôn ủng hộ hết mình và hết lòng cho từng bước tiến để mang lại lợi ích cho quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, những định hướng từ trường học mới là nhân tố quan trọng nhất trong bộ ba quyền lực này, bởi vì người làm giáo dục hiểu được nguyên tắc tôi chuẩn bị đề cập sau đây, và còn vì một lý do sâu xa hơn, đó là mọi tư tưởng tốt nhất nên được gieo vào trí óc của những đứa trẻ đang độ tuổi vừa bắt đầu đến trường.
Thông qua sự trợ giúp của ba lực lượng hùng mạnh kia, mọi tư tưởng đều có thể được gieo trồng vĩnh viễn vào trí óc của con trẻ, và những tư tưởng ấy sẽ không thể nào bị xóa bỏ, ngoại trừ bằng chính cách nó đã được gieo vào.
Có hai căn nguyên cấu thành nên một con người. Một là di truyền thể chất, mặt còn lại thuộc về môi trường hoặc di truyền tinh thần.
Nếu chúng ta chọn một đứa trẻ con của người không có học thức, mang nó rời khỏi bố mẹ ruột khi vừa mới chào đời, sau đó nuôi nấng nó trong một môi trường hiện đại và văn minh, đứa trẻ này sẽ tiếp thu hầu hết những khuynh hướng của lũ trẻ sống cùng nhà với nó. Những gì thuộc về di truyền thể chất sẽ tồn tại mãi mãi trong cơ thể, nhưng đứa trẻ sẽ tiếp nhận khuynh hướng và bản tính từ những người mà nó tiếp xúc gần gũi ngay khi mới chào đời.
Chín mươi chín phần trăm mọi người trên thế giới đều có những quan điểm “bất di bất dịch” về tôn giáo, chính trị, kinh tế và những thứ tương tự, bởi những quan điểm đó đều được thừa hưởng từ bố mẹ hay những người thân cận với họ nhất trước khi họ bước sang tuổi mười hai.
Hãy nghĩ về điều này thật kỹ.
Bạn không cần phải vượt ra khỏi kinh nghiệm của bản thân để chứng minh nhận định này là đúng đâu. Vì nó vốn đã là sự thật. Chẳng lẽ bạn lại không thấy được tầm quan trọng của việc chọn lọc cẩn thận điều gì nên và không nên tiếp cận, và tạo ảnh hưởng lên trí óc trẻ nhỏ trước tuổi mười hai sao?
Và chẳng lẽ bạn cũng không nhận ra cách mà mọi tư tưởng đều có thể áp đặt vào trí óc của con trẻ, thông qua những nỗ lực có hệ thống, tác động lên những phần đã được huấn luyện trước đó, sau đó ta có thể nhào nặn trí óc theo y khuôn tư tưởng đó sao?
Tại nước Mỹ, một vấn đề nhức nhối đang nảy sinh và gây phiền toái cho chúng ta. Chúng ta đã trở thành chốn tụ cư thế giới. Người người thuộc mọi quốc tịch, tín ngưỡng và tính cách khác nhau đã lũ lượt đổ về. Trí óc của họ đã được thành hình cố định. Quan điểm của họ không đồng nhất. Những người được nuôi nấng ở miền Nam nước Ý có rất ít điểm chung với những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Khi gặp nhau, họ sẽ nhận thấy giữa họ hoàn toàn không có sự tương hợp nào.
Chốn tụ cư cỡ lớn này – miền đất của “sữa và mật ong” – đã thu hút một lượng lớn những người thuộc giai cấp thấp từ những quốc gia khác, phần đông họ mong muốn giành lấy nhiều nhất có thể, nhưng lại không sẵn lòng bỏ ra bất cứ thứ gì nhiều hơn những gì bị bắt buộc.
Chúng ta không có nhiều cách vỗ về tâm hồn bất ổn của những người đó, nhưng chúng ta có thể đồng hóa con cháu của họ bằng cách áp đặt tư tưởng Mỹ lên chúng, thông qua trường học, nhà thờ và qua báo đài.
Và “tư tưởng Mỹ” của chúng ta là gì?
Trung thực mà nói, tôi không thực sự biết rõ. Tôi biết nó từng là gì, khoảng hơn một trăm năm trước, nhưng sự hứng thú của tôi với tư tưởng đặc thù đó đã suy yếu đáng kể. Tư tưởng Mỹ nguyên bản đã lỗi thời, bởi sự xao nhãng hay thiếu hiểu biết của chúng ta về nguyên tắc “di truyền xã hội”, nguồn gốc duy nhất có thể gìn giữ được mọi tư tưởng và truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thay cho những tư tưởng Mỹ cũ xưa của Washington, Jefferson, Paine, Franklin và Lincoln, một tư tưởng mới đã và đang phát triển trong vòng năm mươi năm nay. Tư tưởng mới này chính là sự khát khao tiền tài một cách điên dại! Thông qua di truyền xã hội, thứ khát vọng này đã được truyền liên tục tới các thế hệ, và con cái đang cố gắng ganh đua với cha mẹ trong cuộc chạy đua làm giàu. Hiện tại, con người chỉ mong trở thành triệu phú chứ không phải là một chính khách tài ba. Họ dành mọi nỗ lực cho lợi ích cá nhân chứ không phải vì lợi ích cộng đồng như những con người xuất chúng ở các thế hệ trước đã làm. Chúng ta nỗ lực ganh đua với Rockefeller và Carnegie chứ không phải với Washington hay Lincoln.
Tốt nhất bạn không nên lên án những gì bạn chưa điều tra kỹ, vì thói quen này sẽ là minh chứng cho một trí óc bị thống trị bởi sự ngu dốt và định kiến.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tại chúng ta rất cần một vài người như Washington và Lincoln.
Ai sẽ là người có thể khiến ta chuyển hướng hành trình tìm kiếm của mình sang những nhà lãnh tụ bác ái, những người luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung của cộng đồng?
Trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới đây, chúng ta sẽ thấy có khoảng tám hoặc mười người khao khát vô cùng vị trí tối cao ấy, và không ai trong số đó tránh khỏi bị nghi ngờ, bởi khao khát của họ chính là gom góp được nhiều quyền lực hơn, chứ không phải phục vụ cho lợi ích của người dân. Không hề có một phẩm chất nào, thậm chí chỉ một chút ít tương tự như Washington hay Lincoln được đặt ra như là tiềm năng của một tổng thống cả.
Nhưng chuyện này đang dần đi xa khỏi chủ đề chính của chúng ta. Rằng sự thiếu hụt phẩm chất này được tất cả chúng ta nhất trí, nhưng quan trọng là, “Bằng cách nào ta có thể phát triển được đúng loại phẩm chất cần thiết?”. Và đây là câu trả lời: “Bằng nguyên tắc di truyền xã hội”.
Qua sự nỗ lực kết hợp của nhà thờ, trường học và báo chí, ta có thể gieo trồng được một “vụ mùa” Washington, Lincoln và Jefferson vô cùng bội thu chỉ trong một thế hệ!
Không chỉ dừng lại ở đây, chúng ta còn có thể thay đổi toàn bộ cách suy nghĩ của thế giới, thay thế khao khát “nhận được” bằng ước ao “trao đi”. Đồng thời, ta còn có thể thay đổi xu hướng phổ biến hiện nay là “đạp đổ” bằng khuynh hướng cao thượng hơn là “dựng xây”; biến ham muốn ích kỷ được nâng cao danh vọng, của cải và địa vị của bản thân thành mong muốn vĩ đại hơn là hy sinh sở thích của mình vì lợi ích của chung cộng đồng.
Đã đến lúc cần có một hội nghị bàn tròn của toàn bộ nhà thờ, toàn bộ các nhà xuất bản báo, tạp chí và toàn bộ các giáo viên trên thế giới!
Khi ba lực lượng này vươn ra mọi khoảng cách đã ngăn chia những lục địa, bắt đầu chung tay hoạt động vì một mục đích thống nhất, thế giới trong vài thế hệ tiếp theo sẽ có thể được hình thành hệt như những gì họ muốn.
Đồng thời, những lực lượng này cũng có thể mang đến vô số điều tốt đẹp cho những người trưởng thành trên thế giới, nếu họ vận dụng được đúng loại phương pháp tuyên truyền.
Những thủ lĩnh của Đế quốc Đức đã cho thế giới thấy những gì có thể đạt đến chỉ trong một thế hệ duy nhất, thông qua việc áp dụng nguyên tắc di truyền xã hội!
Đừng để mình quên bài học này quá nhanh chóng!
Chúng ta đã đánh bại quân Đức trên những chiến trường ở châu Âu, nhưng cái giá ta phải trả cho việc đó cũng chỉ đem lại con số không, trừ khi sau chiến thắng ấy ta lại đạt được một thắng lợi vĩ đại hơn ở chính quê hương mình, thông qua sức mạnh của tính di truyền xã hội!
Nó nằm trong sức mạnh của những nhà thờ, trường học và báo chí, để rồi điều khiển thế giới bằng cách hình thành tư tưởng mới hơn và cao cả hơn trong trí óc mỗi cá nhân, thông qua nguyên tắc di truyền xã hội. Nếu ba lực lượng hùng mạnh ấy không nắm bắt lấy cơ hội thần kỳ này, trách nhiệm cho sự bất hạnh không dứt của ta con người sẽ đè nặng lên đôi vai họ.
Nếu nhà thờ, trường học, báo chí chung tay hành động và áp đặt một cách có hệ thống triết lý của Nguyên tắc Vàng lên trí óc của các thế hệ tiếp theo, thì những cuộc chiến tranh, cả giữa các quốc gia lẫn các cá nhân, đều có thể được xóa bỏ!
Khao khát chỉ nhận mà không trao đi có thể bị triệt tiêu. Khuynh hướng làm việc vì mục đích cá nhân ích kỷ chứ không hy sinh sở thích bản thân cho lợi ích công đồng có thể bị xóa sạch.
Tinh thần tập thể có thể được tiêm nhiễm vào trí óc con người một cách vĩnh viễn.
Thế giới này có mọi thứ cho tất cả mọi người, nhưng trừ khi mỗi cá nhân phát triển được niềm khát khao giúp đỡ những người yếu kém hơn thay vì bóc lột họ, thì một số ít sẽ tiếp tục có được nhiều hơn những gì họ cần hoặc có thể sử dụng, trong khi phần đông sẽ phải mãi sống trong khốn khổ và thiếu thốn!
Không một luật lệ, không một sức mạnh bầu cử nào trên trái đất có thể thay đổi điều này! Thay đổi chỉ có thể đến thông qua sự vận hành của nguyên tắc di truyền xã hội.
Trong mọi tổ ong, đều sẽ có những chú ong chết đói nếu không có tinh thần tập thể, vốn là điều đã thúc đẩy mỗi cá thể làm việc vì lợi ích của cả tổ. Thực tế, nếu không nhờ tinh thần tập thể thúc đẩy chúng tích trữ mật, thì mỗi chú ong trong tổ đều sẽ chết đói trong mùa đông.
Khi chứng kiến cảnh người ta cố gắng giải quyết những rắc rối lớn trong kinh doanh bằng tranh luận, bàn cãi, sức ép vũ lực, đảng phái chính trị hay những thứ tương tự, tôi liền nghĩ tới cảnh một chú chó nhỏ chạy theo con tàu và sủa không ngừng, ngây ngô với ý nghĩ mình có thể dừng nó lại.
Ai sẽ là người đầu tiên bước ra khỏi hàng ngũ ấy rồi trở thành một nhà lãnh đạo và tổ chức xuất sắc, bằng cách sử dụng nguyên tắc di truyền xã hội?
Người có thể làm được điều này, nếu anh ta trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, sẽ làm được nhiều điều cho con cháu hơn bất kỳ tên tuổi nào từng được ghi danh trong quá khứ.
Hãy nghiên cứu cẩn thận về động cơ bí mật đã thúc đẩy người đang cố gắng áp đặt sự lãnh đạo của anh ta lên bạn mà không được bạn cho phép.
Và, chẳng lẽ ta lại không cần thêm một vài người không quá ích kỷ, có tầm nhìn đủ rộng, để nhận lấy trách nhiệm gieo trồng vụ mùa của những hạt giống bổ ích cho thế hệ mai sau ư?
Những ý tưởng của chúng ta giống như những cánh rừng, đang bị con người lãng phí và làm cạn kiệt nhanh chóng. Vùng đất duy nhất để có thể trồng lại được chính là trí óc con người, và phương pháp thực hiện điều này chính là di truyền xã hội. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần phải gieo vào trí óc non nớt của trẻ nhỏ nhiều ý tưởng lành mạnh, bổ ích. Một thế hệ ra đời từ sự vận dụng hợp lý nguyên tắc di truyền xã hội (hay tinh thần) sẽ nâng tầm tư tưởng của ta lên cao như ta mong muốn.
Nếu người Đức đã áp đặt thành công “văn hóa Đức” lên con cháu của mình thông qua nhà thờ, trường học và báo chí chỉ trong một thế hệ, thì chúng ta cũng có thể áp đặt Nguyên tắc Vàng lên con cháu chúng ta trong cùng lượng thời gian, bởi nguyên tắc này rất hiệu quả và dễ dàng áp dụng. Mỗi nhà giáo dục, mỗi chủ bút của các tờ báo hàng đầu và mỗi người đứng đầu nhà thờ đều thấu hiểu thứ sức mạnh mà ta đang gọi là di truyền xã hội đây, nhưng nếu muốn có một kết quả nhanh chóng sẽ không bao giờ có trừ khi tất cả cần phải chung tay hành động theo một phương pháp có hệ thống.
Có lẽ phong trào Liên hiệp Giáo hội Thế giới đang đưa ra hạt nhân để hình thành tổ chức liên kết cả ba lực lượng hùng mạnh này. Nếu điều này xảy ra đúng dự đoán, và nếu phong trào này được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo sáng suốt, vậy rất có thể đây sẽ là phong trào có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất từng xuất hiện trong lịch sử thế giới.
Điều mà tôi đang viết ra đây có vẻ giống như là một lời cam kết lớn, nhưng nó có thể được hoàn thành với chi phí thấp hơn cả chi phí cho kênh đào Panama.
Tôi xin lặp lại tuyên bố của mình để nó không thể bị lãng quên: các nhà thờ, trường học và báo chí, chỉ trong một thế hệ thôi, có thể triệt để định hình một tư tưởng mới cho thế giới, và sau đó con người sẽ chuyển sang giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua nguyên tắc di truyền xã hội – gieo tư tưởng vào trí óc của trẻ nhỏ!
Tôi rất muốn nói rằng chỉ với nỗ lực riêng lẻ của các trường học cũng có thể thành công trong chuyện này. Tôi chắc chắn trường học và nhà thờ khi kết hợp với nhau có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này, và dĩ nhiên thời gian sẽ được rút ngắn đi nếu được lực lượng báo chí giúp đỡ bằng cách truyền bá có hệ thống. Hãy kiểm soát những gì trẻ nhỏ được dạy ở trường học, những gì được truyền giảng ở nhà thờ và những gì được xuất bản bởi giới truyền thông.
Những con người thấp bé khôi hài chạy đôn chạy đáo, giảng giải nọ kia về một liều thuốc bách bệnh cho những tai họa của thế giới, nhưng chỉ vài người trong số họ có ý tưởng làm thế nào để sử dụng được thứ thuốc họ đang cung cấp kia. Họ gợi nhắc tôi về hình ảnh một bầy ngỗng kêu to và đập cánh liên hồi trước giờ được cho ăn, càu nhàu vì người chủ trễ nải, nhưng lại không có một ý tưởng nào để thúc giục ông ta nhanh lên.
Trong tất cả những bài viết nói về Hội Quốc Liên, trong tất cả những bài viết nói về tầng lớp lao động bị áp bức, không bên nào đưa ra được giải pháp phù hợp, bởi những ai có được phương pháp lại mù quáng cho rằng có thể áp dụng nó vào trí óc của người trưởng thành trong khoảng thời gian chỉ vài tháng.
Tôi không cho rằng những vấn nạn của thế giới chỉ trỗi dậy trong một sớm một chiều, mà chúng đã vươn lên từ những lần thực hiện những hành động sai lầm, bắt nguồn từ việc áp dụng mù quáng nguyên tắc di truyền xã hội.
Nếu bạn buộc phải buông lời tiêu cực về người mình không thích, cẩn thận đừng chuyển sự bất bình của mình thành lời nói, mà hãy viết nó ra – viết nó ra trên bờ cát gần mép nước.
Nếu có một vài người sáng dạ và có tầm nhìn khởi đầu phong trào từ hai hoặc ba thế hệ trước, với mục đích bổ sung công việc của nhà thờ, trường học và báo chí bằng sự ứng dụng thực tiễn của Nguyên tắc Vàng, tương tự như trong giới kinh doanh thì lịch sử thế giới sẽ khác hoàn toàn. Nhờ nguyên tắc di truyền xã hội, chuyện này đã từng rất khả thi và bây giờ vẫn luôn như vậy.
Bạn có thể thuần dưỡng một con mèo hoang bằng cách tách mèo con ra khỏi mẹ nó trước khi nó bị tiêm nhiễm, thông qua nguyên tắc di truyền xã hội, nỗi sợ hãi và đối kháng loài người, nhưng sau giai đoạn đó thì không thể được nữa. Nguyên tắc này cũng áp dụng với lớp động vật bậc cao hơn, chính là con người! Nếu một người từng học qua cách đối nhân xử thế, anh ta sẽ nắm bắt được các quy luật này, bởi những tư tưởng ấy đã được áp đặt vào đầu anh ta trước năm mười hai tuổi. Mọi bài thuyết giảng hay lời khuyên răn trên thế giới đều không thể thay đổi được điều này.
Trí óc con người là thứ duy nhất thực sự bí ẩn trên thế giới mà nhân loại cần quan tâm, bởi một khi trí óc được định hướng thật hợp lý, nó có thể biến đổi một người bình thường nhất trở thành một thiên tài.
Nếu có thể hiểu cả những nguyên lý cơ bản của tâm lý học, bạn sẽ biết được chính xác ý nghĩa của cụm từ di truyền xã hội (hay tinh thần) là gì. Không chỉ vậy, qua những hành động có hệ thống của nhà thờ, trường học và báo chí, bạn cũng sẽ nhận biết được mức độ hợp lý của những ý kiến về các triển vọng khả thi của thế giới. Nếu bạn chưa bao giờ nghiên cứu nhiều về tâm lý học, hãy chọn một vài cuốn sách chất lượng (những cuốn sách được viết bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, không nặng tính hàn lâm) về chủ đề này và tự phổ cập kiến thức cho mình. Làm quen với những nguyên tắc của trí óc cũng đồng nghĩa với việc hiểu được sức mạnh thực sự, duy nhất trên trái đất này mà có thể giúp bạn đạt đến mọi nơi bạn đang hướng đến trong cuộc sống.
Nếu bài viết này có thể khiến bạn chú ý đến tâm lý học, sau đó nghiên cứu chủ đề hiện tại, vừa đọc vừa suy ngẫm về nó, chắc chắn đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời bạn.
***
Để giúp bạn tránh gặp rắc rối trong việc tìm kiếm một cuốn sách tâm lý học chất lượng, tôi sẽ trích dẫn bài viết của Arthur Brisbane được viết trên tờ Chicago Herald – Examiner:
Chúng ta đang nói về bộ não.
Một cậu bé giàu có thừa hưởng một chiếc xe hơi, ra lệnh cho tài xế lái nó dạo quanh, nhưng không mấy hứng thú với cỗ máy này.
Một người đàn ông làm lụng vất vả để kiếm đủ tiền mua một chiếc xe hơi và cố gắng để hiểu biết về toàn bộ chiếc xe – nó khiến anh ta thích thú.
Chúng ta kế thừa não bộ của loài người, nó đã được định hình ngay khi chúng ta mới được sinh ra. Vài người hiểu được thêm nhiều về cỗ máy suy nghĩ diệu kỳ này khi họ đi đến đoạn cuối cuộc đời hơn là khi bắt đầu.
Mọi thành quả bạn có được đều đến từ sức mạnh bí ẩn vận hành thông qua não bộ. Thứ thực sự hoạt động ở đây, vài người cho rằng đó là linh hồn, vài người khác lại cho rằng đó là ý chí. Một số khác, như những người theo chủ nghĩa duy vật, lại nói nó được vận hành bởi phản ứng hóa học. Ta không thể chắc được. Nhưng chúng ta có thể biết về bộ máy nằm sâu trong bóng tối của chiếc sọ, nơi tiếp nhận thông tin bên ngoài qua một hệ thống dây thần kinh, và một hệ thống truyền lệnh đến các cơ và xương.
Trong số rất nhiều cuốn sách hay về chủ đề này, hãy tìm đọc cuốn Brain and Personality được viết bởi tác giả W. H. Thompson.
Con người vốn dĩ không biết mọi cảm xúc và suy nghĩ đều cư ngụ trong não bộ. Từ “não bộ” không xuất hiện trong Kinh Thánh. Khi cuốn sách được viết ra, nó không cho rằng cơ quan lạnh lẽo nằm biệt lập trong lớp sọ lại có liên quan đến suy nghĩ.
Người Babylon, và nhiều người khác về sau, tin rằng suy nghĩ đến từ lá gan. Những giáo sĩ của họ đã nghiên cứu thật cẩn thận những lá gan của động vật được hiến tế để thu thập thông tin về tương lai.
Người Do Thái cho rằng linh hồn được đặt trong tim, trí óc nằm trong thận, những cảm xúc đằm thắm, lòng trắc ẩn,... thì nằm trong ruột. Thế nên, Kinh Thánh đã nói: “Chính quả thận đã dẫn lối cho anh trong những đêm dài”. Ở những nơi khác lại bảo: “Chúa thử thách trái tim và quả thận”. Còn Jeremiah19 đã vạch mặt những kẻ đạo đức giả bằng câu nói: “Chúa có thể ở trong miệng của chúng, nhưng không hề có trong thận của chúng”.
19 Theo Kinh Cựu ước, Jeremiah là ngôn sứ của Chúa, thực hiện sứ vụ tiên tri.
Aristotle đã kiên quyết cho rằng não bộ không liên quan gì đến suy nghĩ, nó chỉ là một cỗ máy làm lạnh cho dòng máu mà thôi.
Một người đàn ông tên là Alcmaeon sống trước thời Plato hay Aristotle, đã dạy rằng trí óc nằm trong não bộ. Niềm tin của ông được hình thành dựa trên phát hiện nếu cắt đứt dây thị giác nối từ mắt tới não sẽ làm cho con người bị mù lòa vĩnh viễn. Song, những người khác vẫn tiếp tục nhạo báng lý thuyết này cho đến khi Galen, nhà vật lý người Hy Lạp lỗi lạc dưới thời Marcus Aurelius, phục hồi và chứng minh nó.
Broca, một nhà khoa học đã mất vào năm 1881, là người đầu tiên hiểu được cỗ máy suy nghĩ của con người. Phần trong não có vai trò giúp bạn nói được, được gọi là “nếp cuộn của Broca”. Ông xác định khả năng nói của con người nằm tại phần sau của nếp cuộn thứ ba trước trán; một khi phần đó gặp thương tổn, khả năng nói của con người sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn. Khi vị tiến sĩ người Pháp ấy nghiên cứu thành công bộ não và giảng dạy cách nó vận hành, ông đã hoàn thành cuộc thám hiểm quan trọng hơn hàng ngàn những con người như Peary, Livingstone hay Stanley20.
20 David Livingstone (1813 – 1873): người Anh, là bác sĩ y khoa, nhà truyền giáo và là người thám hiểm châu Phi.
Henry Morton Stanley (1841 – 1904): người xứ Wales, là nhà báo và nhà thám hiểm, nổi tiếng với chuyến đi khám phá châu Phi và tìm kiếm nhà thám hiểm David Livingstone.
Khi bạn sở hữu đầy đủ hai mắt, hai tai, hai bàn tay và hai bàn chân, bạn đang sở hữu hai bộ não. Mỗi bộ não đều trọn vẹn và tách biệt, và nếu cần thiết, nó có thể thực hiện toàn bộ việc suy nghĩ, cũng như cách một con mắt vẫn có thể thực hiện chức năng quan sát khi cần.
Tiền tài và hạnh phúc, hai đối tượng cao cả nhất trong cuộc sống không bao giờ đạt được và gìn giữ được, trừ khi thông qua những việc làm hữu ích.
Nếu bạn là người thuận tay phải, nếp gấp ở bán cầu não trái của bạn thực hiện chức năng nói. Nếu bạn là người thuận tay trái, thì nếp gấp ở bán cầu não phải sẽ thực hiện chức năng này. Nếu phần đảm trách chức năng nói bị tổn hại trong giai đoạn thơ trẻ, thì phần não khác có thể được dạy để thực hiện chức năng này. Một người ở tuổi năm mươi, việc tổn thương “vùng Broca” sẽ triệt tiêu khả năng nói vĩnh viễn. Não bộ trở nên chai lì theo tuổi tác và tựa như một con chó già, nó không thể học thêm những ngón nghề mới.
Khi mới được sinh ra, chúng ta không biết nói. Mỗi bộ não sơ sinh đều phải được dạy mọi thứ từ đầu, bao gồm khả năng nói. Việc giáo dục bắt đầu khi một đứa trẻ bắt đầu chỉ tay vào một vật và được nghe người khác gọi tên vật đó. Nếu bạn trói tay trái của một đứa trẻ, ép buộc nó chỉ tay bằng tay phải, thì khả năng nói của nó chắc chắn được phát triển ở bán cầu não trái. Nếu bạn trói tay phải của nó và buộc nó chỉ tay bằng tay trái, nó sẽ thuận tay trái và chỉ mỗi bán cầu não phải học được chức năng nói.
Các giác quan nhìn, nghe, nhận ra bạn bè, nếm, ngửi, mọi thứ ta làm đều có vị trí riêng nhất định trong não bộ, như một cuốn sách sẽ có vị trí của riêng nó trên kệ thư viện vậy. Nếu não bộ của bạn bị tổn hại nghiêm trọng, nó có thể khiến bạn hoàn toàn không nhận ra được người thân trong chính gia đình mình, dù vẫn nhìn thấy họ. Thương tổn ở một vị trí khác sẽ hủy đi khả năng nhìn của mắt. Chỉ một thương tích nhỏ thôi cũng khiến bạn không thể phân biệt được âm thanh, tiếng chó sủa hay tiếng chim hót. Bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn nhưng lại không biết được ý nghĩa của chúng. Một thương tích khác ở não bộ sẽ khiến bạn bị điếc vĩnh viễn.
Không ai biết cách trí óc vận hành hay loại suy nghĩ nào đã khiến cho loài động vật hai chân bám chặt vào trái đất, để đo lường chính xác khoảng cách giữa hai vì sao cố định cách xa hàng tỷ dặm, hay đo trọng lượng mặt trời, hoặc công bố chính xác trọng lượng của trái đất.
Có một lý thuyết cho rằng trí óc cũng giống như một cây hạc cầm, chỉ sản sinh suy nghĩ khi có yếu tố bên ngoài tác động, tương tự như hạc cầm chỉ phát nhạc khi được gảy lên. Một lý thuyết quan trọng khác so sánh não bộ với vĩ cầm, tức là, dù có được chế tác khéo léo đến đâu cũng phải được chơi qua tay một sinh vật có tư duy thì mới tạo ra âm nhạc được.
Không ai biết thứ gì đã vận hành não bộ con người, hay bằng cách nào và tại sao cả. Người cổ đại bảo trái đất nằm trên vai thần Atlas khổng lồ. Atlas đứng trên lưng rùa, rồi họ buông quả đất lên ông. Có vẻ không cần thiết lắm phải hỏi xem chú rùa ấy đứng trên cái gì!
Tôi khẳng định những dây thần kinh thị giác, thính giác, vị giác, cảm giác và thính giác đều truyền tin đến não bộ. Não bộ thông báo đến ý thức, ý thức đưa ra ý chí, và ý chí sẽ truyền lệnh đến cơ thể. Ý chí, cũng như thứ mà chú rùa đã đứng lên, vẫn còn là điều bí ẩn chưa có lời giải.
Bạn không thể gặt hái một mùa tiền lương bội thu nếu chỉ gieo hạt công việc với chất lượng kém, cũng như khi bạn gieo hạt cải không thể mong thu hoạch được một vụ mùa lúa mì vậy.
Helmholtz, một trong những người uyên bác nhất thế giới, sở hữu bộ não chỉ nặng khoảng 45 ounce21. Mười ba người đã chết trong một nhà tế bần ở Anh có những bộ não nặng hơn 60 ounce. Bộ não của Webster chỉ nặng hơn 45 ounce một chút.
21 Đơn vị đo lường của Anh, 1 ounce ~ 28,35 gram
Dollinger, một sinh viên thông thái và là người dẫn giải Thần học, sở hữu bộ não chỉ nặng 37 ounce.
Giữa năm dân tộc: Thụy Điển, Phổ, Đức, Bohemian và Anh, thì người Anh được chứng minh có trọng lượng não bộ trung bình nhỏ nhất, và cao nhất là của người Bohemian.
Kích cỡ của đầu và trọng lượng của não không phải lúc nào cũng liên quan đến nhau. Một bộ não, cũng như quả cam vậy, có thể có lớp vỏ bao bọc rất dày.
Một cái cưa dù nhỏ nhưng nếu được chế tạo bằng loại thép tiêu chuẩn, sẽ có thể cắt gọn một thanh sắt. Một bộ não dù nhỏ nhưng với tài nguyên đúng đắn, sẽ quan trọng hơn nhiều so với một bộ não không có gì khác ngoài chỉ được kích cỡ to.
Não bộ của phụ nữ và cả phần hộp sọ đều có kích cỡ trung bình nhỏ hơn đàn ông.
Theo dòng thời gian, những đặc tính cấu thành nên bộ não của bạn sẽ “cô đặc”, về mặt tinh thần thì nó trở nên cứng cáp như bê-tông vậy. Tới một độ tuổi nhất định, người ta không thể nào thay đổi tư tưởng của mình nữa. Anh ta cho rằng mình không muốn vậy, nhưng thực tế thì anh ta hoàn toàn không có khả năng đó.
Người có học giữa độ tuổi hai mươi, ba mươi và bốn mươi có thể tiếp thu tư tưởng mới rất dễ dàng, nhưng sau đó sẽ rất khó khăn hoặc hoàn toàn không thể. Trừ khi có một sự khai mở diễn ra trong não bộ, để chân lý có thể đi qua. Vì thế, chúng ta cần thấy được tầm quan trọng của cái vẫn được gọi một cách khinh nhẹ là “sự nông cạn về kiến thức phổ thông và ý kiến chung”. Mỗi cái “nông cạn” đều có thể để lại lỗ hổng cho ánh sáng soi chiếu về sau.
Những người không được giáo dục hiếm khi chấp nhận tư tưởng mới sau hai mươi lăm tuổi. Vượt khỏi độ tuổi đó, họ có thể suy nghĩ rất khó khăn. Điều đó khiến những đám đông phản loạn trở nên nguy hiểm vô cùng.
Khi Harvey công bố rằng máu truyền được đi khắp cơ thể là nhờ tim đập liên tục, hẳn bạn sẽ bảo, kể cả đứa ngốc cũng nên lập tức nhận ra phát hiện của Harvey là chân lý. Nhưng cái sự thật quá rõ ràng với chúng ta ấy lại bị phủ định bởi tất cả các “bác sĩ tài năng” của châu Âu, ngoại trừ vài người dưới bốn mươi tuổi. Trí óc của những người khác đã cô đọng thành lớp bê-tông quá cứng rắn.
Ở chương “Chính khách” trong cuốn sách Từ điển Triết học của mình, Voltaire đã nói ông không viết cho những chính khách trong thời mình, vì họ không có thời gian để lắng nghe, mà ông viết cho những người sẽ trở thành chính khách về sau. Bạn không thể nào định hình hay chỉnh sửa một khối bê-tông cứng cáp được.
Tự Nhiên thực hiện công việc của Người theo sơ đồ hình tròn. Tổng thể và các hành tinh đều có dạng hình tròn, nước trong con suối hay máu trong tĩnh mạch cuốn đi theo những giọt hình tròn. Có lẽ rồi đây tương lai sẽ đưa ra một nguyên do thỏa đáng vì sao con người lại có bộ não hình cầu với hai bán cầu tách biệt. Rồi sẽ có ngày ta có thể sử dụng một bên não để suy nghĩ và tổ chức những việc nhỏ nhặt trên quả đất, bộ bên não còn lại dùng để khám phá và dự tính những điều ở tầm vũ trụ. “Bản chất thật sự của ta vẫn chưa hiển hiện ra đâu.”
Hai phần não bộ nằm sau mắt, trên mũi và tai, dưới phần tóc, sâu bên trong là nếp nhăn vỏ não, khi bạn càng suy nghĩ thì khả năng của chúng càng được tăng cường; ngược lại, bạn có thể hủy hoại chúng với tốc độ rất khủng khiếp. Chúng được tách biệt bởi một vết nứt sâu, và được nối lại ở đáy vết nứt đó bằng một chiếc cầu gọi là thể chai. Chiếc cầu này được hình thành từ những sợi trắng nối giữa hai bên não. Có giả thuyết cho rằng thông tin được vận chuyển giữa hai bên não thông qua chiếc cầu này. Vẫn chưa có gì chắc chắn về công năng của nó, nhưng cho đến nay con người vẫn sống rất bình thường mà không cần đến kiến thức về mặt này.
Bộ não của bạn cũng có lớp vỏ như cây cối, được gọi là vỏ não, và như lớp gỗ cứng ở bên trong cây, bên dưới vỏ não có một chất trắng và lạnh. Toàn bộ quá trình suy nghĩ đều được thực hiện tại lớp vỏ não; suy nghĩ chắc chắn sẽ chảy vào đó, hệt như nhựa cây giàu dinh dưỡng chảy vào trong vỏ cây vậy.
Vì mọi hành động nhìn, nghe và nhận biết của bạn đều được hoàn thành chỉ trong một bên não, thế nên toàn bộ suy nghĩ của bạn cũng tương tự, không bao giờ là cả hai cùng thực hiện cả. Một sự kiện nào đó trong giai đoạn thơ ấu có thể quyết định bên nào hoạt động và bên nào chỉ ăn không ngồi rồi trong suốt cuộc đời.
Những người có kiến thức hạn hẹp đã sửng sốt cực độ khi được biết rằng bộ não của tinh tinh sở hữu không chỉ mọi loại thùy não như con người mà còn có cả những nếp cuộn não nữa. “Vùng Broca” cũng tồn tại trong não chúng, chỉ là chúng không thể nói được thôi.
Huxley đã chứng minh, để phản bác lại Owen22, rằng không có một chức năng đặc biệt nào trong não bộ con người mà khỉ đầu chó không có cả. Con dao phẫu thuật hoàn toàn không thể giải thích sự khác nhau nào đã phân biệt não bộ của một tiến sĩ và một con khỉ đầu chó.
22 Thomas Henry Huxley và Richard Owen là hai nhà sinh vật học, giải phẫu học nổi tiếng thế kỷ 19. Hai người đối đầu nhau trong cuộc tranh cãi khoa học nảy lửa về sự tiến hóa của loài người. Owen cho rằng chỉ có con người mới có vùng não đặc biệt là vùng hồi hải mã, giúp con người có những năng lực đặc biệt. Huxley phản đối ý kiến này. Giải phẫu học về sau đã xác định được vượn người và khỉ cũng có một vùng hồi hải mã nhỏ trong não.
Không loài động vật nào có thể nói hay từng thốt ra được dù chỉ một chữ, theo như chứng minh gần đây của tiến sĩ Gardner. Chưa từng có chủng người nào không sở hữu khả năng nói, dù trí thông minh có thấp đến đâu. Mỗi câu chữ bạn thốt ra để thể hiện suy nghĩ của mình đều được đặt “trong một phần chất xám không to hơn một quả hạch”. Chỉ cần vỡ một mạch máu thuộc bộ phận đó trong não thôi, con người sẽ trở nên đần độn.
Chỉ một thương tích nhỏ thuộc phần đó, bạn có thể quên toàn bộ cách nói tiếng Anh, trong khi vẫn có thể còn nguyên vẹn kiến thức về tiếng Pháp hay thứ ngôn ngữ chết nào đó. “Kệ sách” tinh thần cất giữ tiếng Anh có thể bị hủy, nhưng “kệ sách” tiếng Pháp hoặc tiếng Hy Lạp thì vẫn còn nguyên vẹn.
Một nhà khoa học đã từng nói: “Tôi tư duy, tôi tồn tại”. Tại sao chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta nghĩ, hay suy nghĩ đó là gì, là chân lý hay do tự ta tạo ra, hay được khảm vào trí óc ta từ bên ngoài, ta đều không biết được.
Kể cả giấc ngủ, kỳ nghỉ dưỡng của bộ não, cũng là một bí ẩn đối với chúng ta. Chuyện gì xảy ra khi bộ não ngủ yên và cơ thể nghỉ ngơi? Liệu trí óc, tinh thần, ý thức hay mọi thứ thuộc cỗ máy suy nghĩ của một người có bỏ đi hưởng thụ ở nơi khác, như tài xế rời xe sau khi lái nó vào ga-ra vào buổi tối không?
Hẳn bạn sẽ nói “Chúng ta ngủ vì mệt”. Một phần nào đó trong chúng ta mỏi mệt, còn phần khác thì không. Mọi thứ đòi hỏi nỗ lực của ý chí đều sẽ gây ra mệt nhọc. Nếu ý chí khiến bạn làm việc, chạy hoặc nhảy, bạn sẽ mệt và buộc phải nghỉ ngơi. Nhưng một phần não bộ của bạn lại vô thức đặt một nhiệm vụ vĩnh cửu cho những dây thần kinh và cơ nhất định, và nếu bạn có thể sống lâu đến cả trăm năm, nhiệm vụ ấy cũng không bao giờ ngừng lại dù chỉ một giây, bất kể đêm hay ngày.
Sức mạnh bạn dùng cho một lần hít thở thông qua cơ ngực và cơ bụng tương đương với sức lực cần để nâng năm trăm pound lên một inch23. Hơn ba mươi lần mỗi phút trong suốt cuộc đời của bạn, có những thớ cơ nhất định đã làm việc với sức mạnh có thể nâng năm trăm pound lên một inch khỏi sàn nhà, và chúng không bao giờ nghỉ ngơi.
23 1 inch = 2,54 cm.
Cỗ máy với thớ cơ kỳ diệu ấy, trái tim ấy, làm sao nó có thể duy trì hoạt động liên tục và không ngơi nghỉ? Carrel, một bác sĩ phẫu thuật người Pháp, khi tiến hành giải phẫu khoang phổi của một con chó đã cầm trái tim đập rộn của nó trong tay, dĩ nhiên không làm nó bị thương, và ông đã nói: “Đây là cỗ máy kỳ diệu nhất trên thế giới”. Nó nằm trong mọi loài động vật và trong cả con người chúng ta. Một thứ bí ẩn nằm trong não mà ta không hề hay biết đã khiến trái tim luôn vận hành.
Hai dây thần kinh chạy từ phần dưới não bộ đến trái tim được gọi là tủy sống, nó giữ vai trò điều phối công việc của cỗ máy đó. Nếu kích thích một trong hai dây thần kinh bằng một dòng điện, lập tức tốc độ và sức mạnh của trái tim bạn sẽ tăng gấp đôi. Kích thích sợi còn lại, tim sẽ đập chậm hơn. Ngoài ra, nếu kích thích quá mức, trái tim sẽ ngừng đập. Đặc biệt, nếu cắt đứt sợi thứ hai dẫn đến tim, tim sẽ đập như một đàn ngựa bị đứt dây cương.
Một sợi điều khiển trái tim đập nhanh hơn, tựa như sợi roi trong tay người đánh xe; sợi còn lại kìm giữ nó, tựa như phần yên cương được buộc chặt vào bụng ngựa. Khi hành động của trái tim được kiểm soát, mọi thứ “được tạo nên một cách diệu kỳ” trong cơ thể con người cũng sẽ được kiểm soát, từ lớp vỏ tối của não bộ với những thớ cơ và dây thần kinh có chức năng điều phối áp suất máu, một hệ thống kỳ diệu giúp khống chế nhiệt độ cơ thể để máu không thay đổi bất kỳ một phân nhiệt độ nào. Toàn bộ quy trình này đều được quản lý một cách tự động mà chúng ta hoàn toàn không cảm thấy hay biết được.
Liệu có ai từng đọc sách về giải phẫu học hay tâm lý học, rồi tự hỏi khi kết thúc rằng “Điều ta đang đọc là gì vậy? Thứ gì đang ở trong ta, giúp ta nhận biết những sự kiện được thông báo qua dây thần kinh, rồi qua đôi tay mỏng manh và lời nói, đưa ra mệnh lệnh làm thay đổi cả bề mặt trái đất, xẻ núi và nối biển?”.
Hãy hỏi tôi một câu mà tôi khó có thể trả lời được, và bạn thực sự đã giúp tôi rất nhiều nhờ việc khiến tôi phải suy nghĩ!
***
Bạn vừa đọc qua một bài giảng tỉ mỉ và dễ hiểu về tâm lý học. Nếu bạn đã suy nghĩ và tiếp thu được những gì vừa đọc, hiện bạn đã có thêm sự hiểu biết về tâm lý học – về trí óc con người – nhiều hơn những gì chín mươi chín phần trăm con người trên thế giới này biết về nó. Giờ đây, bạn đã hiểu tại sao tôi lại đề nghị một sự hợp tác có phương pháp giữa nhà thờ, trường học và báo chí, để gieo vào trí óc của những đứa trẻ nguyên lý của Nguyên tắc Vàng. Vì đây là nơi duy nhất nó có thể được duy trì mãi mãi.
Sau khi đọc xong bài giảng này, bạn có thể đọc thêm cuốn The Science of Power (tạm dịch: Khoa học về năng lực) của Benjamin Kidd, hay cuốn Thinking as a Science (tạm dịch: Suy nghĩ như một nhà khoa học) của Henry Hazlitt.
Chỉ cần vài tiếng đồng hồ thôi là bạn có thể đọc xong hai cuốn sách thú vị này, từ đó sẽ hiểu biết về trí óc con người nhiều hơn bất cứ ai trên thế giới này, ngoại trừ một số lượng nhỏ những người nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học. Cũng nhân đó, bạn sẽ sở hữu được sức mạnh có thể giúp bạn đạt được mục tiêu chủ chốt trong cuộc sống, thứ sức mạnh cao từ gấp mười đến mười ngàn lần trước đó, một khi bạn hoàn thành việc đọc và suy nghĩ rất cần thiết này.
Điểm khác biệt giữa người có mức lương 25.000 đô-la/năm và người có mức lương 1.500 đô-la/năm phần lớn nằm ở sự chênh lệch trong mức độ hiểu biết về những nguyên tắc của tâm lý học. Hãy tự mình tích lũy kiến thức về mảng này, và bạn sẽ thấy những người mình thích đều thực hiện tương tự như bạn.
Giờ bạn đã có ý tưởng rồi đó!
Bạn sẽ làm gì với nó? Khi nào? Bằng cách nào? Nếu bài viết này đã khiến bạn tự định hình ý tưởng trong đầu mình, hãy duy trì và luôn vận hành ý tưởng đó. Hãy kể với mọi người về nó, viết về nó, nghĩ về nó, vì đây đều là những bài tập cần thiết giúp phát triển ý tưởng đó thêm nữa cho đến khi nó trở thành một phần của bạn. Sau đó, bạn sẽ vận dụng nó rất thoải mái và thành thục như cánh tay phải của mình vậy, nhưng nó sẽ giúp bạn tạo ra kết quả tuyệt vời mà cả ngàn bàn tay phải cũng không thể nào tạo ra được nếu không có nó.
Nó sẽ dạy cho bạn cách suy nghĩ chính xác và suy luận hợp lý. Nó sẽ dẫn bạn đến thuật lãnh đạo, nó sẽ không ngừng giúp bạn cho đến khi bạn đã trở thành đúng người mà bạn mong ước.
Mục tiêu chủ chốt của tôi là:
Đặt nguyên tắc lên trên tiền bạc và đặt nhân loại lên trên cái tôi cá nhân ích kỷ chỉ muốn nhận về mà không muốn trao đi, và giúp đỡ mọi người thực hiện điều tương tự.
Gieo hạt giống cách mạng vào trái tim những người quanh mình, đến khi họ có thể vươn lên làm việc, chung tay nỗ lực vì một mục đích chung, đó là nền văn minh có thể mang lại một thứ gì đó cao cả hơn đặc quyền của việc bị trói buộc vào những công việc tẻ ngắt và mệt nhọc hằng ngày, và luôn đứng trong nỗi sợ hãi bị chết đói.
Làm chủ tính hẹp hòi và giúp đỡ người khác thực hiện điều tương tự.
Xúc tiến một chương trình giảng dạy mang tính xây dựng có thể giúp mọi người nhận thấy lợi ích của việc hợp tác, cũng như nhận ra những bất lợi của việc đấu đá nhau trong cơn tranh giành điên loạn hòng thờ phụng ngôi đền của sự phú quý.
Tạo nên một hệ thống báo chí lan truyền như một tấm lưới phủ rộng khắp nước Mỹ, với những trang báo chỉ bao gồm những tin tức chính thống, mang tính xây dựng và chân thật, và những bài viết có sức khơi dậy niềm cảm hứng của hàng triệu người, đến khi họ giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc muôn đời của tiền lương, thoát khỏi gót giày của những kẻ kiếm tiền đến điên loạn.
Làm nhiều việc hơn và chất lượng hơn số lương được trả, đồng thời giúp người khác thấy được lợi ích khi hành động tương tự.
Gạt định kiến qua một bên và đưa tay giúp đỡ tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc hay khuynh hướng kinh tế của họ là gì.
Gieo hạt giống ánh nắng ở mỗi nơi tôi đặt chân đến, nhằm tạo nên sự hoan nghênh nhiệt liệt mỗi khi tôi xuất hiện.
Nhớ kỹ rằng mình là đầy tớ của nhân dân, và niềm vinh dự cao quý nhất có thể đến với một người chính là niềm vinh dự vì đã phụng sự thật tốt.
Giành được niềm tin từ những người quanh mình bằng việc trước hết phải xứng đáng với nó, và để từ đó có thể điều chỉnh bản thân sao cho niềm tin ấy không bao giờ bị hủy hoại và bị phản bội.
Cuối cùng, chấp nhận mọi trọng trách mà cuộc sống có thể giao cho, luôn mưu cầu được làm việc và không bao giờ trốn tránh hay lười nhác; luôn giúp đỡ và không bao giờ cản trở những bánh răng đang hướng về mục tiêu mà mỗi người đều đang nỗ lực phấn đấu – Hạnh phúc chính là đây, trên quả đất này.