Không vị trí nào trong cuộc sống có thể bền vững và không thành công nào có thể được duy trì nếu không dựa trên chân lý và công lý.
- Khuyết danh
Biển báo thứ mười lăm trên con đường dẫn đến thành công là áp dụng Nguyên tắc Vàng.
Và giờ là một lá thư được gửi đến từ một vị giáo sư ở Đại học Harvard, nó đã giục chiếc máy đánh chữ của tôi phải làm việc ngay. Tôi đã in cả lá thư và lời hồi đáp của mình, với mục đích mang đến cho quý độc giả cơ hội suy nghĩ về chủ đề đang được thảo luận này.
Ngài Hill thân mến,
Tôi là độc giả của quý tạp chí kể từ ấn bản đầu tiên xuất hiện vào bốn năm trước. Tôi đã và đang liên tục nghiên cứu những triết lý của anh, niềm hứng thú của tôi theo đó cứ tăng dần qua mỗi tháng.
Quan sát sự tiến triển trong quá trình suy luận của anh, từ khi anh bắt đầu soạn những bài viết để gây hứng khởi này, nó đã giúp soi sáng rất nhiều điều, và tôi có lý do để tin rằng anh đã đạt được nhiều điều tốt đẹp hơn mình đã nghĩ đấy. Tuy nhiên, tôi lấy làm thất vọng vì dường như anh vẫn chưa nhận ra rằng chỉ với Nguyên tắc Vàng vẫn chưa đủ để mang một người đến thành công.
Hãy suy xét nó, rồi anh sẽ thấy rất rõ rằng người ta vẫn có thể dễ dàng chết đói ngay giữa đống của cải sung túc, khi vẫn đang áp dụng Nguyên tắc Vàng trong toàn bộ sự tương tác với mọi người.
Xin thứ lỗi vì sự đường đột của tôi, nhưng từ những bài viết của anh, tôi biết anh là một người luôn hoan nghênh các góp ý, dù chúng có thể không đồng nhất với quan điểm của anh.
Thân ái
Lá thư trên khiến tôi có phần sửng sốt. Chẳng lẽ một giáo sư Đại học Harvard đã dành ra bốn năm theo dõi tôi mà lại không hiểu được chính xác điều tôi muốn truyền tải ư? Chắc chắn là vậy rồi, và đó là lỗi của tôi. Đến thời điểm hiện tại tôi sẽ nhận lỗi về phía mình, nhưng từ bài viết này trở đi tôi sẽ hoàn toàn không chịu trách nhiệm, nếu vị giáo sư nọ hay bất cứ ai hiểu sai quan điểm tôi đưa ra về mối quan hệ giữa Nguyên tắc Vàng và thành công. Đây sẽ không phải là lỗi thuộc về phía tôi nữa, vì bây giờ tôi sẽ giải thích thật kỹ càng.
Đầu tiên, tôi phủ nhận việc mình từng nhận định rằng chỉ Nguyên tắc Vàng là đã đủ để mang một ai đó đến với thành công, vì tôi biết, trong rất nhiều năm, rằng điều đó là bất khả thi. Theo quan điểm của tôi, có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công, ngay cả chính định nghĩa về từ “thành công” cũng có tầm quan trọng không hề nhỏ.
Để rõ hơn, chúng ta hãy giả sử sự tích lũy tiền tài vượt quá nhu cầu thực tế của cuộc sống chính là thành công. Tiền bạc được tích lũy thông qua việc vận dụng năng lực. Xin bạn chú ý cho, từ “tích lũy” mà tôi nói có ý nghĩa hoàn toàn khác với “thừa hưởng”.
Năng lực được hình thành thông qua những nỗ lực có tổ chức, và ngoài ra không còn cách nào khác. Khi bạn phát triển năng lực của mình thông qua những nỗ lực hợp lý, bạn đang kết hợp rất nhiều yếu tố và hòa trộn chúng theo một tỷ lệ phù hợp; sau đó bạn đặt kết quả của sự hòa trộn này vào lại một kế hoạch thật chỉn chu. Kế hoạch này sẽ biến đổi dựa theo địa vị trong cuộc sống, hay điều bạn muốn đạt được.
Có mười lăm trong tổng số các yếu tố có thể được sử dụng để phát triển năng lực, và tôi đã đề cập đến chúng vô số lần, dưới mọi góc độ và quan điểm tôi có thể nghĩ ra, vì tôi biết được tầm quan trọng của việc diễn đạt thật rõ ràng các tiền đề mình biên soạn, để mọi người, với mọi dạng khả năng, đều có thể hiểu được.
Cũng không có gì là không tốt nếu tôi nhắc lại mười lăm yếu tố này một lần nữa; và hoàn toàn vô hại nếu tôi lặp lại thêm một lần rằng năng lực của bạn có thể được phát triển khi kết hợp thích đáng mười lăm yếu tố này lại với nhau.
Yếu tố đầu tiên là xác định mục tiêu cuộc sống.
Tiếp đến là mười bốn yếu tố còn lại, chúng là: tự tin, tính chủ động, khả năng sáng tạo, hành động, lòng nhiệt tình, tự chủ, làm nhiều hơn mức lương được trả, tính cách cuốn hút, suy nghĩ đúng đắn, sự tập trung, lòng kiên trì, học tập từ thất bại, lòng khoan dung, và cuối cùng nhưng hoàn toàn không kém phần quan trọng là áp dụng Nguyên tắc Vàng.
Tôi chưa bao giờ nói chỉ mỗi một Nguyên tắc Vàng là đủ. Nguyên tắc này nằm cuối danh sách, nhưng bây giờ cũng như vô số lần và vô số cách diễn đạt trước đó, tôi xin khẳng định không vị trí nào trong cuộc sống có thể bền vững và không thành công nào có thể được duy trì nếu không dựa trên chân lý và công lý. Cũng có một cách nói khác, đó là thành công sẽ không tồn tại lâu bền, trừ khi nó được đạt thành qua việc áp dụng Nguyên tắc Vàng.
Giàu sang phú quý luôn nằm trong tay những người thông minh, biết cách đạt được và giữ lấy nó. Không có trường hợp ngoại lệ nào cho sự thật này cả.
Quy luật sự sống sót của các cá thể thích nghi đang thắng thế, và sẽ luôn luôn như vậy. Bất kỳ sinh viên nào của Darwin cũng đều hiểu về quy luật này và biết được cách nó vận hành. Tự nhiên tạo nên một số lượng chuột đồng khổng lồ, và đa số đều chui vào bụng của diều hâu, cú mèo, chồn và một vài sinh vật khác “thích nghi” hơn. “Thích nghi” không giống với “thích đáng”. Có lẽ con chuột đồng đã làm mồi cho con cú cũng “thích đáng” được sống như những con đã trốn thoát và duy trì nòi giống, nhưng chúng lại không “thích nghi”, có nghĩa là chúng không có sự chuẩn bị, và không đủ khả năng để sinh tồn.
Mỗi loài động vật, kể cả con người, đều có những cá thể được thiên vị với khả năng “thích nghi” vượt trội để sinh tồn.
Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có những cơ hội dồi dào như hiện tại, cho người sẵn sàng phục vụ trước khi cố gắng thu về thật nhiều.
Người biết cách sắp xếp nỗ lực và điều hướng chúng thật khôn khéo sẽ có thể thu về toàn bộ lượng tiền tài mà trí tưởng tượng của anh ta đã nghĩ đến, và không gì trên trái đất này có thể ngăn cản cả. Sau đó anh ta có hạnh phúc và “thành công” với những gì đã đạt được hay không thì lại là vấn đề khác. Thành công, theo chúng ta hiểu, phải bao gồm hạnh phúc, nhưng chắc chắn người ta vẫn có thể đạt được lượng của cải dồi dào mà không áp dụng Nguyên tắc Vàng, hay là, không hưởng thụ được hạnh phúc từ số của cải đang sở hữu sau khi đạt được chúng.
Mười lăm yếu tố được đề cập ở đây đều là những bước chuẩn bị cho việc tổ chức những nỗ lực hoặc năng lực thật phù hợp để chắc chắn mang lại thành công đích thực – loại thành công bao gồm cả hạnh phúc.
Hầu hết mọi người đều có ít nhất một phần trong tổng số mười lăm yếu tố đó đã nằm dưới sự kiểm soát của họ, nhưng điều họ cần chính là sự bổ sung những điều họ chưa xây dựng vào kế hoạch cuộc sống của mình. Sức mạnh của một người có thể được phát triển bởi việc sở hữu hoàn toàn mười bốn yếu tố đầu, nhưng sức mạnh đó có thể dẫn đến đổ nát thay vì thành công, nếu nó không được dẫn dắt bởi Nguyên tắc Vàng.
Nếu điều này vẫn không thể làm rõ quan điểm của tôi về mối quan hệ giữa Nguyên tắc Vàng và thành công, vậy tôi phải viện đến lời biện hộ về sự bất tài trong việc diễn đạt ý kiến của mình rồi.
Đa số những thành tựu vĩ đại đều ra đời trong khổ luyện!
Tự nhiên đã dàn xếp kế hoạch của Người để mọi sự sống đều phải tiến triển qua khổ luyện. Sự kham khổ cần thiết này thường không mang lại thú vị chút nào, và hầu hết chúng ta sẽ che chắn mình khỏi điều đó, nếu ta biết cách.
Đấu tranh càng khốc liệt, ta càng học hỏi được nhiều hơn.
Tự nhiên gieo khao khát vào tim ta, rồi xếp quanh những khao khát ấy rất nhiều chướng ngại mà ta cần phải vượt qua để có thể đạt lấy điều mình mong muốn. Không hề có phần nào trong kế hoạch của Tự nhiên lại trao cho ta điều gì đó mà không có mục đích cụ thể cả. Tự nhiên khiến chúng ta phải nỗ lực cho mọi điều mà bản thân muốn đạt lấy, và Người khiến ta phải trả giá cho nó.
Một trong những khao khát cố hữu nhất trong trái tim con người chính là sở hữu của cải. Những người không bị thúc giục bởi khao khát giàu sang là vô cùng hiếm hoi giữa số đông. Vì đây là khao khát vô cùng phổ biến, thế nên ta có lý do để tin rằng chính Tự nhiên đã đặt nó vào trái tim con người như một căn nguyên khiến con người phải đấu tranh.
Có đạt được mọi điều mà ta đấu tranh để giành lấy trên thế giới này hay không, ta cũng nên khuây khỏa rằng chí ít mình cũng đã có đặc quyền được đấu tranh, và từ việc tranh đấu này, ta đã học được những điều có thể phục vụ cho kế hoạch của Tự nhiên trên con đường xa hơn.
Khoảnh khắc dừng lại sự khổ luyện, chúng ta sẽ bắt đầu héo mòn, và cuối cùng đi đến cái chết. Tự nhiên luôn bảo: “Con phải liên tục lớn mạnh hoặc từ bỏ con đường này”. Chúng ta không thể tiến bộ nếu không trải qua khổ luyện. Khổ luyện càng gian nan, chúng ta càng cảm thấy được an ủi, bởi sự tiến bộ nhanh chóng luôn đến từ những tranh đấu khắc nghiệt nhất.
Khi bạn đánh mất khả năng hài hước, hãy đi tìm một công việc đưa đẩy cuộc đời bạn vào một chuỗi thăng trầm.
Sợ hãi là một trở ngại tồi tệ. Giữa những nỗi sợ, nguy hiểm và tàn khốc nhất chính là sợ người khác sẽ nói gì đó về mình. Người hói đầu có thể cứu lấy tóc mình, nếu họ không ngần ngại gỡ chiếc mũ đội trên đầu xuống, vì chiếc mũ chật ních đã ngắt những dây thần kinh bổ sung dưỡng chất cho chân tóc. Nhưng nỗi sợ “những gì người khác nói” lại ngăn rất nhiều người khỏi việc bỏ chiếc mũ của mình xuống.
Gần đây, tôi có hỏi một người nổi tiếng rằng anh ta nghĩ đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến những cuộc đình công. Trước khi đưa ra câu trả lời, anh ta đã buộc tôi phải cam kết không được đề cập đến tên anh ta. Cũng giống như số đông, anh ta e ngại những gì người khác sẽ nói về mình vì đã nói ra ý kiến chân thật về tình hình lao động hiện tại.
Nhân vật “người khác” mơ hồ và ảo tưởng ấy đã cầm tù rất nhiều nhà bác học trong chính đầu óc của họ, vì họ e ngại không dám thể hiện và trình bày thẳng thắn quan điểm của bản thân.
Cứ cho là mọi người chỉ trích bạn, thì sao nào? Có nghĩa lý gì chứ? Kể cả kẻ ngốc cũng có thể chỉ trích được, và rất nhiều kẻ trong số đó đã làm vậy. Nhưng những lời phê phán từ họ không làm tổn thương đến ai cả, ngoại trừ chính bản thân họ. Nó chỉ cho thấy rõ họ là hạng người gì thôi.
Người biết phân tích và suy nghĩ thường hiếm khi thẳng thắn chỉ trích những người khác. Người táo bạo thực hiện những chuyện có vẻ là đúng đắn, dù có thể không cùng quan điểm với số đông, là người sở hữu một cá tính mạnh mẽ và không biết đến những câu như: “Tôi e rằng” và “Không thể được”.
Trước mặt người đang soạn ra những dòng chữ này có treo một tấm biển lớn với nội dung: “Tôi đang trở nên thành công hơn mỗi ngày trên mọi phương diện!”.
Một người bạn bảo thủ của tôi đã thốt lên ngay khi trông thấy tấm biển rằng: “Anh không thật tin vào điều đó đâu nhỉ?”. Và tôi đã đáp: “Dĩ nhiên là không! Tất cả những gì nó làm cho tôi chỉ là giúp tôi thoát ra khỏi khu mỏ than và tìm cho tôi một vị trí trên thế giới, nơi tôi đang giúp ích cho hơn một trăm ngàn người, bằng cách gieo vào đầu óc họ chính tư tưởng tích cực mà tấm biển kia mang đến. Vậy đấy, tại sao tôi lại phải tin vào nó chứ!?”.
Lúc bắt đầu rời đi, anh ta nói: “Chà, có lẽ loại nguyên tắc này quả thật có ý nghĩa. Tôi đã luôn sợ hãi rằng mình sẽ thất bại trong suốt cuộc đời này, và đến giờ thì tôi đã hiểu thấu đáo những nỗi sợ ấy rồi”.
Bạn đang tự kết án chính mình vì sự túng thiếu, khốn khổ và thất bại, hoặc bạn đang tự đưa mình lên đến đỉnh cao của thành quả, tất cả chỉ bằng chính những suy nghĩ của bạn. Nếu bạn đòi hỏi thành công cho bản thân, củng cố những yêu sách của mình bằng nhiều hành động, bạn tuyệt đối sẽ đạt được thành công như mong muốn. Luôn tồn tại điểm khác biệt giữa đòi hỏi thành công và chỉ đơn thuần ao ước nó. Bạn phải tìm ra cho được điểm khác biệt này là gì và triệt để tận dụng nó.
Nếu cảm thấy bản thân không đủ táo bạo như tác giả, bạn có thể thử nghiệm việc này trong vài tuần. Mỗi lúc rảnh rỗi, bạn hãy tự nhủ: “Tôi đang trở nên thành công hơn mỗi ngày trên mọi phương diện”.
Hãy viết câu này lên một tấm thẻ và mang đến nơi bạn có thể đọc được nó vài lần mỗi ngày. Đọc với thái độ quả quyết rằng bạn sẽ hiểu nó thật thấu đáo. Hãy kiên trì thực hiện, nhưng đừng bắt đầu với suy nghĩ nửa vời rằng đây là một “thử nghiệm ngu ngốc” với tỷ lệ thất bại cao hơn thành công.
Đừng bận tâm về những gì người khác sẽ nói hay người khác sẽ nghĩ về bạn, vì người khác hoàn toàn không biết gì về những trải nghiệm của bạn cả. Nếu bạn bước theo kế hoạch này với một niềm tin bền bỉ, bạn sẽ sớm trở nên hùng mạnh và tuyệt đối có thể tự giải quyết những vấn đề của bản thân, và bạn sẽ không để tâm đến những gì người khác nói nữa.
***
Hỡi những kẻ thiếu quyết tâm vào niềm tin, hãy khôn ngoan lên và đoạt lấy những thứ thuộc về mình. Thứ chất xám yên vị trong đầu bạn kia chứa toàn bộ sức mạnh mà bạn cần để đạt lấy mọi thứ bạn muốn, và cách đơn giản nhất có thể hướng dẫn bạn vận dụng nó chính là hãy tin tưởng vào bản thân.
Tác giả quen biết một người nay đã năm mươi tuổi, ông là một trong những người uyên bác nhất trong lĩnh vực của mình. Ông ấy tường tận lịch sử thế giới từ buổi sơ khai cho đến tận ngày nay. Ông ấy rất khỏe mạnh và có vẻ ngoài vô cùng cuốn hút. Ông còn sở hữu một giọng nói tuyệt vời và nhịp nhàng, luôn bắt nhịp hoàn hảo với các thính giả. Ông có một cá tính rất thu hút. Mọi người đều yêu thích và tin tưởng ông. Ông có hàng ngàn người bạn trên khắp nước Mỹ. Tuyệt vời hơn cả, ông vẫn khỏe mạnh và chí ít ông sẽ giữ được sự minh mẫn trong hơn bốn mươi năm nữa. Nhưng với toàn bộ những lợi thế ấy, “chàng khờ” tội nghiệp đó lại chẳng đạt được thành tựu gì trong đời, bởi vì ông không biết được sức mạnh mà mình đang sở hữu!
Sẽ có sự bào chữa cho ông nếu ông không phải là một nhà triết học có tài và không hiểu cách thức suy luận từ nguyên nhân đến hệ quả, hay từ hệ quả ngược trở lại nguyên nhân. Không có gì trong những món quà của người Mỹ mà ông không thể có, nếu ông có đủ tự tin để đòi hỏi nhiều hơn ở chính mình.
Hãy nhớ thật kỹ, phương pháp thực sự để có thể cộng tác với những người khác đó là bạn phải đòi hỏi thật nhiều ở chính bản thân mình.
“Anh phải thấu hiểu bản chất của mình đi, chàng trai! Phải hiểu được chính mình.”
Đây là lời kêu gọi của những nhà triết học trong suốt chiều dài lịch sử qua. Một khi đã hiểu được bản thân, bạn sẽ nhận ra chẳng có gì là ngốc nghếch khi treo trước nơi làm việc của mình một tấm biển có nội dung như sau:
“Tôi đang trở nên thành công hơn theo mỗi ngày và bằng mọi phương pháp.”
Trừ khi bạn thấu hiểu được chính mình, nếu không tấm biển ấy sẽ chẳng biểu thị được điều gì ngoài việc người treo nó lên là một kẻ lập dị cả.
Nếu bạn không thích thử nghiệm bản thân, vậy có một cách để bạn có thể thử trên người khác. Hãy chọn ra một người không có mấy hoài bão, một người thuộc kiểu bình thường nhất, rồi bắt đầu vun vào người ấy những gợi ý rằng dường như anh đang làm việc tốt hơn; dường như anh đang trở nên tham vọng hơn; dường như anh ta nay đã tự lực hơn. Hãy tiên đoán trước cho anh ta một công việc thật tuyệt. Tiếp tục duy trì điều này mỗi khi tiếp xúc với người nọ và quan sát điều gì sẽ xảy ra. Những gợi ý của bạn dần dà sẽ sớm thâm nhập vào tiềm thức của anh ta; anh ta sẽ bắt đầu thúc đẩy bản thân mình, và trước khi kịp nhận ra thì gợi ý của bạn đã được biến đổi thành trạng thái tự ám thị của chính anh ta rồi, anh ta sẽ sống theo những gợi ý này, rồi trở thành chính kiểu người mà bạn đã tiêm vào trí óc anh ta.
Thi thoảng, có trường hợp một lời bình vu vơ nào đó, vô tình rơi vào đúng thời điểm một trí óc phong phú đang sẵn sàng tiếp nhận nó, sẽ làm thay đổi toàn bộ sự nghiệp của một người. Thực sự sẽ có những trường hợp như vậy xảy ra với trí óc chúng ta. Một người bạn của tôi từng làm trong ngành kinh doanh máy đánh chữ. Một ngày nọ, anh ta khoe khoang rằng mình có thể nhớ được toàn bộ khách hàng và nhân viên tốc ký sử dụng máy đánh chữ mua từ văn phòng của anh. Anh cảm thấy rất tự hào vì có thể nhớ được tất cả. Một cậu chàng làm nghề tốc ký nghe được điều này và hỏi anh: “Chẳng phải anh đang tự giới hạn khả năng của mình bằng việc chứa hàng đống thông tin vô dụng ấy trong đầu à?”.
Câu hỏi này khiến người bạn của tôi tức giận. Một nhân viên tốc ký bình thường có quyền gì để đi hỏi một người có thế lực và thành công một câu như vậy chứ?
Cơn tức giận ấy lại mang đến một sự soi sáng bất ngờ!
Anh bạn tôi bắt đầu suy xét cẩn thận lời bình phẩm ấy, và càng cân nhắc nhiều, anh càng hiểu thêm về suy nghĩ của nhân viên tốc ký nọ. Anh thức cả đêm để thay đổi đường lối hành động của mình, bắt đầu chuyển toàn bộ thông tin kinh doanh xuống cấp dưới. Hiện tại, anh là một người rất giàu có, tiền bạc dồi dào trong ngân hàng. Năm bốn mươi tuổi, anh không còn trực tiếp tham gia kinh doanh mà giao lại cho những quản lý đáng tin cậy tiếp quản công việc, tiếp tục chuyển nhiều tiền hơn vào tài khoản ngân hàng cho anh.
Những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời thường đến qua một vài bình luận đơn giản, hoặc diễn ra vào lúc ít được chú ý đến.
Nói tóm lại, tất cả mọi điều cảnh tỉnh ta bằng một cú giáng, buộc ta phải kiểm tra lại triết lý sống của bản thân, rồi gia cố thêm ở những vị trí còn yếu, thì đều tốt cho ta. Trí óc sẽ nhanh chóng héo mòn, trở nên biếng nhác và thụ động nếu ta tiếp nhận mọi thứ quá dễ dàng, đồng thời lại không làm gì để buộc trí óc thoát ra khỏi guồng quay tẻ nhạt hằng ngày.
Có lẽ vẫn có những con đường tắt để đến được với thành công, nhưng rất nhiều người bộ hành mệt lử đã mắc kẹt ngay giữa vũng bùn khi cố gắng đi theo con đường đó.
Thường thì khi có mất mát trong gia đình, hoặc xảy ra một vài sự kiện mang tính biến cố nào đó, thì mục đích của chúng là để định hướng lại đường lối của con người theo những hướng đi mới mẻ và hiệu quả hơn. Đa phần mỗi thất bại đều có thể được điều chế thành một liều thuốc bổ tinh thần có khả năng điều chỉnh toàn bộ cỗ máy tinh thần, nếu người ta cho phép nó làm vậy.
Tôi có một vài đối thủ, và tạ ơn Chúa vì điều này! Những đối thủ này làm việc cho tôi cả ngày lẫn đêm, dù họ hoàn toàn không hề hay biết về điều này. Họ làm việc cho tôi bằng cách khiến tôi luôn phải cảnh giác để không trao cho họ những sơ hở có thể tiêu diệt tôi hay phá hủy kế hoạch của tôi.
Tôi có ghét những địch thủ của mình không?
Không hề! Tôi từng căm ghét họ, nhưng đấy là thời điểm trước khi tôi nhận ra họ giá trị đến mức nào. Xin nhắc cho bạn biết rằng tôi vẫn chưa phát triển xa đến mức có thể yêu địch thủ của mình, nhưng tôi không ngăn cản hay triệt tiêu nỗ lực của họ, vì hành động đấy là vô cùng ngu ngốc. Điều này cũng giống như việc một người nông dân lại đi tiêu diệt sạch sẽ cỏ dại trên đồng ruộng của mình, từ đó làm mất đi toàn bộ dưỡng chất làm cho đất màu mỡ phì nhiêu từ năm này qua tháng khác.
Tất cả những người thành đạt đều có một nhóm địch thủ!
Nếu bạn chỉ ra cho tôi thấy một ai đó hoàn toàn không có đối thủ, tôi cũng sẽ cho bạn thấy một người thiếu tự tin, thiếu can đảm và thiếu cá tính để có thể vượt lên những “kẻ tầm thường” luôn trôi giạt theo thời gian và hoàn cảnh.
Đối thủ là một trong những tài sản quý báu nhất mà một người có, nếu anh ta biết tiếp nhận họ thật thản nhiên, và thấu hiểu được bản chất của sự giúp đỡ mà họ đang không hay biết, không chủ ý, mang đến cho anh ta.
Đây chẳng phải là lời an ủi cho những ai luôn bận lòng bởi vì không phải mọi người đều thích anh ta hay sao? Suy nghĩ là của bạn, vì vậy hãy trân trọng nó và vận dụng nó một cách hữu ích. Đó cũng chính là điều tôi muốn truyền tải.
Đêm qua tôi đã chọn trong các bài luận của Emerson và đọc bài viết về “Quy luật Tinh thần” của ông.
Một chuyện kỳ lạ đã xảy ra! Tuy đã đọc bài luận này rất nhiều lần trước đó, nhưng lần này tôi nhận ra được những điều hoàn toàn mới mẻ. Với cây bút chì trong tay, tôi đọc bài viết với niềm nhiệt huyết sôi nổi như thể đây là lần đầu tiên được đọc nó vậy.
Trải nghiệm này lạ lùng đến độ tôi phải dừng lại và phân tích nó. Tôi nhận ra ở những lần đọc trước, mình đã diễn giải bài viết bằng khả năng có được vào thời điểm đó. Trên cùng những con chữ đó, lần này tôi hiểu được nhiều hơn là nhờ sự khai mở tâm trí của tôi kể từ lần đọc trước, việc đó chuẩn bị cho tôi khả năng rút ra được nhiều điều hơn ở lần này.
Giống như những cánh hoa, trí óc con người liên tục mở mang cho đến khi nó đạt mức độ tối đa. Mức tối đa này là gì, điểm kết của nó nằm ở đâu, nó dẫn đến vị trí nào, đều sẽ khác nhau tùy theo mỗi cá nhân và công năng mà anh ta trao cho trí óc của mình. Một trí óc được thôi thúc hoặc dẫn dụ vào lối suy nghĩ mang tính phân tích hàng ngày sẽ liên tục mở mang và phát triển những khả năng thấu hiểu lớn mạnh hơn, không hề có điểm giới hạn.
Tôi được thuyết phục rằng không trí óc con người nào phát triển đến gần mức tối đa trước tuổi năm mươi hoặc sáu mươi. Nếu lý thuyết này đúng, vậy những ai bắt đầu chọn cho mình một nấm mồ yên tĩnh và đẹp đẽ khi bắt đầu bước vào giai đoạn năm mươi, sáu mươi, giai đoạn cừ khôi nhất cuộc đời, mới khờ dại làm sao.
Hãy ban cho tôi một cái tâm thông tuệ và rồi mọi thứ khác sẽ theo lối nó!
Đây chẳng phải là sự an ủi dành cho những người luôn lo lắng vì không phải mọi người đều yêu mến mình sao? Suy nghĩ là của bạn, hãy giành quyền kiểm soát nó và sử dụng nó thích đáng.
Khi tôi hoàn toàn tỉnh táo và bình tĩnh để nhìn nhận lại mọi việc, tôi cũng không đòi hỏi điều gì ngoài trí tuệ để hiểu được những điều đang diễn ra xung quanh mình. Không con người nào lại cần bất kỳ thứ gì khác ngoài một trái tim thông tuệ cả, vì có được nó cũng đồng nghĩa với việc có được toàn bộ những điều mà con người có thể sử dụng.
Những ai làm việc trong lĩnh vực kinh doanh cần phải nhớ rõ điều này: trước khi xây dựng một hệ thống phân phối của cải đồng đều, chúng ta cần phải có một hệ thống phân phối trí tuệ tương ứng. Trí thông minh chính là sức mạnh khống chế mọi vật chất trên trái đất này. Không ai có thể thay đổi quy tắc này, cũng giống như việc ta chỉ có thể ở yên trong cơ chế vận hành của lực Hấp dẫn và không thể nào khiến nước chảy ngược lên cao được.
Để đạt được mọi thứ mình muốn, bạn cần phải thu thập kiến thức, có năng lực để hiểu và diễn giải chính xác toàn bộ những gì diễn ra xung quanh bạn. Trí tuệ thống trị thế giới này. Hãy đạt lấy phần của bạn bằng mọi cách nhanh nhất có thể.
Ngài Edison trở thành nhà phát minh hàng đầu thế giới không phải vì trí thông minh của ông cao hơn những người chưa đạt được nhiều thành quả như ông, mà là bởi ông đã mở mang được một “cái tâm thông tuệ”. Edison sống rất gần gũi với Tự nhiên; ông có thể nghe được lời thì thầm của Tự nhiên mọi lúc, mọi nơi, trong khi những người có thính lực tốt hơn ông lại hoàn toàn không hay biết gì. Những điều ngài Edison làm được chẳng có gì quá to tát mà người khác không thể lặp lại được, nếu người đó cũng sẵn lòng củng cố năng lực bản thân để diễn giải được quy luật nguyên bản của Tự nhiên như Edison đã làm. Năng lực này không phải là một món quà; nó là một thành tựu, và cái giá phải trả cho nó chính là những nỗ lực bền bỉ được điều hướng một cách khéo léo.
Ôi, con người cần lắm một cái tâm thông tuệ!
Henry Ford sở hữu khối tài sản lên tới hàng triệu đô-la. Không lâu trước đó ông chỉ là một công nhân nghèo trong một xưởng máy, không học vấn, không tiền vốn, cơ hội phát triển cũng rất hiếm hoi. Trong số các đồng nghiệp của ông, có những người thông minh hơn ông rất nhiều, nhưng họ cũng chỉ làm việc cạnh ông mà thôi.
Ford đã ném bỏ tư tưởng nghèo đói đi, ông nghĩ về thành công và đạt được nó. Tất cả những người thợ máy nọ đều có thể thành công, nếu họ nghĩ được như Ford.
Milo C. Jones24, sống tại tiểu bang Wisconsin, bị mắc chứng bại liệt. Ông thậm chí không thể xoay nổi mình trên giường khi không có người trợ giúp. Ông không thể di chuyển. Cả tay chân của ông gần như đều vô dụng, nhưng trí óc ông thì không có vấn đề gì cả, thế nên nó bắt đầu vận hành nghiêm túc hơn bao giờ hết. Mặc dù khối cơ thể nặng nề phải nằm cứng đờ trên giường, nhưng Jones đã điều khiển trí óc mình lập nên một kế hoạch xác định. Kế hoạch ấy khá tầm thường và xoàng xĩnh, nhưng nó rõ ràng và nó đúng là một kế hoạch.
24 Người sáng lập công ty Jones Dairy Farm vào năm 1889, chuyên kinh doanh các sản phẩm từ thịt. Công ty vẫn hoạt động hiệu quả đến ngày nay.
Ông quyết định gia nhập ngành kinh doanh xúc xích. Ông gọi những người thân trong gia đình lại, rồi nói cho họ nghe về kế hoạch của mình, sau đó bắt đầu hướng dẫn họ xúc tiến thực hiện kế hoạch.
Không có bất kỳ sự trợ giúp nào ngoài một trí óc lành mạnh, Jones đã tạo lập thành công một ngành thương mại xúc xích khổng lồ và xây dựng được cơ ngơi đồ sộ chỉ trong chưa đầy mười năm. Toàn bộ những thành tựu trong đời đều đến với ông sau khi chứng bại liệt quật ngã ông, khiến ông không thể dùng tay hay cơ thể để lao động kiếm tiền.
Và qua dẫn chứng này, chúng ta có thể thấy tư duy đã áp đảo sức lực.
Điểm khác biệt chủ yếu giữa mọi người chính là việc họ đặt bộ dụng cụ tư duy của mình vào mục đích gì. Những tư tưởng thông thái sẽ mang con người lên đến đỉnh cao thành công. Một khi thiếu đi nó, con người sẽ bị kìm kẹp trong khốn khổ, túng thiếu và ham muốn không đạt được trong suốt cả cuộc đời.
Hãy thực sự bước vào cuộc sống của những người khốn khổ, nếu bạn muốn học hỏi về cảm xúc từ trái tim con người. Tìm hiểu xem điều gì đã khiến họ phải vùng vẫy, và sự vùng vẫy của họ vô ích đến nhường nào, cũng như tại sao lại thế. Hãy tìm hiểu xem sự kham khổ của họ bắt nguồn từ bao nhiêu phần của sự thờ ơ và ngu ngốc, và xem những khốn khổ đó đã vượt tầm kiểm soát của họ như thế nào. Tìm hiểu xem điều gì sẽ diễn ra trong tim một đứa bé khi nó bị một kẻ hung bạo đánh đập không thương tiếc, và nếu có thể, hãy tìm hiểu xem điều gì đã khiến một kẻ trưởng thành lại đi ức hiếp một đứa bé. Tìm hiểu xem tại sao một số người lại cố gắng đóng kín cánh cổng thiên đường khỏi toàn bộ những ai không cùng tín ngưỡng hay tôn giáo với họ, sau đó đánh giá hành động của họ bằng tư tưởng Kitô giáo của bạn để xem xét liệu nó có tương ứng với những gì Chúa đã dạy không. Hãy đọc “Bài giảng trên núi25”, bạn sẽ phát hiện Nguyên tắc Vàng nằm trong đó, và tìm hiểu xem tại sao vài người lại cho rằng việc áp dụng những nguyên tắc này không xứng đáng với công sức của họ. Tìm hiểu xem chuyện gì đã diễn ra trong trái tim một người, khi anh ta gây hại đến xã hội, do hoàn cảnh đưa đẩy hay từ sự chủ tâm của anh ta; khiến anh bị giam cầm trong tù, nơi hầu như toàn bộ quyền cá nhân của anh ta bị tước đi, ngoại trừ việc ăn uống và hít thở. Tìm hiểu xem cơ sự này sẽ giúp anh ta cải thiện hay khiến anh ta tồi tệ hơn trước. Và tìm hiểu xem tại sao đa phần những người mãn hạn tù đều có ý định phải “thanh toán” ai đó vì những gì họ đã chịu đựng.
25 Theo Phúc Âm Matthew, đây là bài thuyết giáo được Chúa giảng cho môn đệ và đám đông vào năm 30 Công nguyên.
Hãy tìm hiểu xem điều gì đã khiến cho con người ham muốn những điều vốn bị ngăn cấm.