Một hộp sốt cà có thể biến thành món xúp cà chua của lão Josef. Món thực phẩm đỏ tươi rơi tõm vào nồi tạo âm thanh nghe thật ngon lành. Hâm nóng xong, lão ngồi ăn chăm chú. Lão múc từng muỗng lên thổi thổi trước khi đưa muỗng vào cái miệng khô khốc. Hết ngày phải đến đêm là chân lý không thể đảo ngược: màn đêm đang dần buông. Lão vén màn cửa lên. Có tiếng hàng xóm cười nói om sòm ở cầu thang ngay phía ngoài phòng lão. Một người cười ré lên, tiếp theo là tiếng ‘suỵt suỵt’ đầy bực bội. Chắc lại là gã vô ý vô tứ trên phòng số bảy. Josef cảm giác có một quả bom nhỏ xíu vừa nổ ‘bùm’ trong lồng ngực. Sao thiên hạ cười vui lại khiến lão khó chịu đến thế? Lão luồn ngón tay vào cổ áo, rít mạnh không khí qua kẽ răng nanh bịt vàng và kiểm tra nó thật khéo léo bằng đầu lưỡi. Tiếng ồn dần lắng xuống, nhưng cảm giác tức tối ngày càng dâng cao trong lồng ngực lão, hệt như ai đó vừa khuấy động đám bùn lắng dưới đáy sông.
Ăn xong, lão ngồi bên bàn bếp hút thuốc lá tự vấn. Từ hồi ra khám đến giờ, lão chỉ hút thuốc hiệu "White Ox". Hôm nay lão mặc chiếc quần tây độc nhất và áo may ô trắng, phô làn da trắng bợt. Ngay dưới xương đòn nhô cao là một vết sẹo xấu xí. Sở dĩ có đốm da nhỏ có màu khác phần còn lại ấy là bởi cách nay khá lâu, lão đã từng ăn đạn. Trên cổ tay bên trái lão có hình xăm cây thánh giá đã mờ. Thanh dài của cây thập tự chỉ khoảng năm xăng ti mét, dễ dàng giấu trong măng sét áo sơ mi. Bất giác, mấy đầu ngón tay phải của lão rờ nhẹ lên hai đường xăm mảnh như sợi chỉ, như thể chúng biết mực xăm ở dưới mảng da nào. Thi thoảng, hình xăm rung lên tạo một thứ âm thanh chỉ mình lão biết. Tương tự, chỉ nhạc công điêu luyện biết dây đàn vi ô lông xen còn run rẩy mãi dù thanh âm tai người thường nghe được đã tắt từ lâu.
Một trong những kỷ niệm từ cuộc sống lao tù lão nhớ rõ nhất là tiếng o o đều đều của ‘súng’ xăm làm từ dây đàn ghi ta, dây cao su và một động cơ nhỏ xíu. Trong nhà lao, tiếng ấy gần như không bao giờ dứt, làm nền cho tiếng các bạn tù gọi í ới và tiếng xủng xoảng của ly thiếc đĩa thiếc va vào nhau. Nhiều lần quan sát mấy người chịu ngồi xăm, lão thấy miệng họ mím chặt, cố không nhăn nhó. Lão cũng nhớ vài mẫu xăm ít ỏi xuất hiện nhan nhản trên cơ thể tù nhân: nào hình rồng đủ loại, hình đàn bà khỏa thân, hoa lá, dây kẽm gai, giọt nước mắt và chúa sơn lâm. Chưa kể đến hàng trăm cái tên phụ nữ, hàng ngàn chữ ‘YÊU’ và ‘THÙ HẬN’ in đậm vào da thịt người. Hình ngôi sao và bò kéo xe cũng rất phổ biến. Có nhiều bạn tù còn xăm hình Chúa Jê su trên lưng, như thể muốn cõng Chúa cho đến hết đời.
Nhưng riêng hình xăm của mình, lão lại không nhớ có nó bằng cách nào. Ngay cả cảm giác ngứa ngáy lúc lên da non, lão cũng không nhớ. Là người không thể không có da. Tương tự, hình xăm có ở đó là chuyện tất nhiên đối với lão Josef. Lắm lúc xoa xoa cây thập tự ấy, lão Josef lại nghĩ vẩn vơ rằng chắc chắn nó tự nổi lên bề mặt da thịt, giống những mảnh vỡ nhỏ xíu của con tàu bị sóng đánh xô vào bờ cát. Lâu lâu một lần, lão lại thấy bứt rứt, muốn tống khứ thứ hiện giờ lão đâm chán ghét. Thế là suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó, lão cặm cụi ngồi chà xát nó bằng giẻ rách nhúng vào đủ thứ dung dịch như thuốc tẩy, sữa, giấm, dầu thông... Thậm chí có lần lão còn dùng cả giấy nhám! Nhưng sau mọi nỗ lực ấy, kết quả chỉ là một vết xước khó coi phía bên trong cánh tay, còn hình xăm mãi không chịu biến đi.
Lão Josef gõ mấy đầu ngón tay lên mặt bàn dán nhựa. Căn bếp vẫn còn ám mùi cá mực. Chả là tuần trước, lão ăn thứ ấy mấy bữa liền. Ngoài ra còn có mùi những loại thịt thời nay chẳng còn ai thèm ăn đến. Cuối cùng, nếu ai tinh ý sẽ còn phát hiện cả mùi thuốc xịt ruồi. Gần đó, chiếc đài thu thanh bán dẫn nằm trong bao da kêu ậm ọe. Âm lượng của nó quá nhỏ, không thể nghe rõ từng từ. Lão Josef chỉ nghe tường thuật giải Test của môn crikê, còn những thứ khác dường như quá phù phiếm. Chưa bao giờ lão biết thưởng thức âm nhạc và không thể hiểu giá trị của loại hình nghệ thuật ấy. Trên bàn ăn có tờ nhật trình phát hành từ tuần trước bày cạnh vài thứ đủ pha một tách trà và một gói thuốc lá. Ấm trà sôi sùng sục. Lão rót cho mình một ly và thêm chút sữa theo liều lượng cũ. Suốt bao năm lặp đi lặp lại từng ấy động tác, giờ mọi chuyển động của lão trông như đang hành lễ.
Một lá trà nhỏ lượn vòng trên mặt ly. Sau giây lát chìm nghỉm, nó lại xuất hiện lúc lão pha sữa vào trà. Lão tin lá trà nổi lên mặt ly báo trước nhà sắp có khách. Lão cũng tin nếu ai vô tình giết thiên nga trắng hoặc bướm trắng sẽ gặp vận rủi; ai chạm vào người gù sẽ gặp may; ai đặt mũ lên giường, đặt giày lên bàn rất có thể sẽ bị chết treo. Chưa hết, lão luôn cẩn thận đập nát vỏ trứng luộc trước khi vứt đi để cho lũ phù thủy đừng dùng vỏ ấy làm thuyền bơi ra biển dìm chết thủy thủ bất cẩn.
Dòng họ lão có biệt tài ngắm hài nhi vừa lọt lòng, chưa kịp tắm rửa để tìm các dấu hiệu báo trước tính cách hoặc nghề nghiệp sau này của đứa bé: chẳng hạn một vết bớt, cái chớp mắt khác thường... Họ cho rằng trẻ có thóp sẽ khó lòng chết đuối. Khi lão vừa chui ra từ bụng mẹ, bà của lão đã chen qua đám đông họ hàng và nhân viên nhà bảo sanh để vào phòng. Bà ẵm hài nhi lên ngang mặt trông như thể sắp ăn tươi nuốt sống nó và tuyên bố thằng bé này vô duyên, sống cô độc và không bao giờ lấy vợ. Không ai rõ dựa vào đâu bà tiên đoán như thế, nhưng lời bà vẫn được chấp nhận. Nó như sợi chỉ màu được dệt thêm vào tấm vải của gia tộc mà không ai bàn cãi gì.
Khi còn là cậu bé kháu khỉnh, lão thường nghe phụ nữ trong nhà hát các bài ca về quỷ dữ, tình yêu thương, về rừng, biển và máu. Lời các bài hát ấy cảnh báo người ta nên tránh xa người Do Thái, đặc biệt là Lễ Quá hải (nghi lễ do người Do Thái tổ chức nhằm ghi nhớ ngày tổ tiên họ rời Ai Cập) bởi ai cũng biết họ sẽ dốc ngược trẻ em Cơ đốc trên các hũ lớn rồi cắt cổ chúng bằng dao chọc tiết lợn lấy máu uống. Lão tin địa ngục là có thật. Nhờ mấy bà dì khó tính, lão cũng biết mọi chi tiết về các thánh. Chẳng hạn thánh Dreux là vị thần bảo hộ những người bị gãy xương, những ai làm chủ quán cà phê đồng thời là vị thần của sự xáo trộn. Chẳng hạn thánh Nicholas từng hồi sinh ba đứa trẻ bị giết và bị dìm vào vại nước muối. Chẳng hạn thánh Francis chuyên bảo hộ người bị số mệnh bắt phải chết trong cô độc.
Những kiến thức ấy như món quà của tình yêu thương. Dù chưa bao giờ khẳng định niềm tin với những dấu hiệu mà bà con họ mạc lão khăng khăng là ở góc trời nào cũng có, lão Josef vẫn thấy khó lòng bỏ qua chúng. Ít nhất, chúng cũng khiến người đời tin những lo lắng vô cớ của họ không hẳn là vô cớ. Đồng thời, chúng giúp tạo nên bức tường thành tưởng tượng mà người ta tin sẽ giúp chống đỡ thảm họa sắp xảy ra. Suy cho cùng, những nỗi sợ không tên vẫn có uy lực riêng của chúng. Dù đã nhiều năm không gặp lại các bà cô bà dì, lão vẫn hình dung họ không khác hai mươi năm trước: suốt ngày lê dép lẹp kẹp khắp nhà, suốt đời bị ám ảnh bởi những chứng bệnh vặt không rõ nguồn gốc.
Chiếc lá trà biến xuống bề mặt ly nước. Lão Josef đoán già đoán non về người khách sắp tới. Bất giác, lão đưa tay lên gãi mặt và khoái trá khi nghe tiếng móng tay sục vào gốc đám râu nghe sồn sột. Nói chung, chỉ khi xảy ra chuyện, lão mới nhận ra rằng vạn sự trên đời hiếm khi giống như ta kỳ vọng.
Chuông điện thoại réo trong phòng khách. Lão chậm chạp đứng lên. Càng lúc, khả năng người gọi là gã Marcel càng thêm chắc chắn. Lão Josef đâm ngao ngán.
- Ông Josef phải không?
- Phải, tôi đây Marcel.
- Chúng ta gặp rắc rối rồi.
Lão ngồi xuống chiếc ghế bành nhồi bông phồng lên to tướng. Lão dùng nó từ khi mới chuyển đến nhà này. Lão Josef cố nén tiếng thở dài, ngồi lọt thỏm vào lòng ghế, giống người vừa tự đút mình thật gọn vào miệng con quái vật kềnh càng.
- Chuyện gì nào?
- Ông có nghe tin gì của thằng Lee chưa? Ông gặp nó chưa?
Lão rít mạnh không khí qua kẽ răng vàng:
- Chưa.
- Hoàn toàn chưa có tin gì sao?
- Chưa. Sao ông lại hỏi thế?
- Có chuyện tôi mới hỏi chứ. Vì tôi cũng không thấy mặt mũi nó đâu cả.
Lão chỉnh ống nghe cho ngay, đoạn quay sang nhìn ly trà. Chán quá, nó đang nguội dần trên bàn bếp. Lão mở miệng định nói nhưng Marcel đã cắt ngang:
- Có muộn lắm thì chiều nay nó đã phải về rồi. Hôm ấy, ông trực tiếp gặp nó phải không? Ông có dặn nó tỉ mỉ không đấy?
- Đương nhiên.
- Này Josef, đừng có nói giọng đó với tôi.
Lão ngượng chín người. Dưới ánh đèn bàn, những hạt bụi nhỏ li ti như đám phiêu sinh vật trôi theo sóng biển cuồn cuộn.
- Tôi không biết nó gặp chuyện gì. Ông cũng biết rồi đấy, việc cũng khá đơn giản. Có gì phức tạp, lắt léo đâu.
- Đúng, đúng. Tôi biết, ông hiểu. Nhưng thằng khốn mới nứt mắt ấy có hiểu không mới là vấn đề.
- À, thực ra là... Tôi có nói hết cho nó nghe rồi mà.
Gã Marcel chì chiết:
- Hay hớm thật. Phải, ông nói hết cho nó nghe rồi.
- Thì tôi đưa nó mảnh giấy có viết địa chỉ đàng hoàng.
Lão rít không khí qua kẽ răng vàng. Nếu ngôn ngữ không được dùng để giải thích, nó lại được dùng để vặn vẹo người khác. Ngôn ngữ không phải để mô tả sự việc, để các bên cùng thống nhất về một vấn đề mà người ta dùng nó để mổ xẻ sự việc một cách bừa bãi. Thông tin không được truyền tải rõ ràng mà được mã hóa rất phức tạp rồi được người ta rỉ tai nhau hoặc reo rắc ở những chỗ không thích hợp, mang theo bao ý nghĩa mù mờ. Người đời luôn phải tìm hiểu sự đời theo đường vòng.
Gã Marcel lải nhải:
- Này, hôm nay lúc đi loanh quanh, thằng Sammy bắt gặp lão Stella đi với một mụ...
- Thế sao?
- Phải. Mụ ta có mái tóc vàng. Khốn nạn thật.
Lão Josef gật đầu. Đáng lẽ phải nói câu gì đó, lão lại ngây người lắng nghe gã Marcel đang căng tai ‘nghe’ sự im lặng của lão và sốt ruột gí sát ống nghe vào tai:
- Ông bảo... theo ông thì có chuyện gì?
- Nếu biết, tôi đã chẳng gọi cho ông. Tôi phải hỏi ông câu ấy mới phải chứ. Chính ông cho thằng đó nhập hội. Ông bảo nó có tiềm năng ghê lắm. Nào biết việc, nào đáng tin. Sao không viết cả thư giới thiệu, giống thứ người ta hay cầm đi xin việc làm ấy! Trong chuyện này, trách nhiệm thuộc về ông. Nó là người của ông chứ bộ!
Lão Josef nghe ớn lạnh sống lưng: gã Marcel đang ngầm đe dọa lão. Gã Marcel không sai: hồi Lee mới ra tù, chính lão dụ dỗ hắn đi theo mình, hứa rằng nó sẽ kiếm được tiền dễ dàng. Trước khi làm vụ Stella, gã Marcel cho hắn làm vài việc vặt suốt mấy tháng liền. Rõ ràng, lần này gan hắn to bằng trời nên mới dám gây chuyện như thế. Lão Josef đã trót đảm bảo với gã Marcel rằng Lee rất khá. Cứ xem hắn đã làm gì bạn ở cùng xà lim thì biết. Thêm một lợi điểm nữa là thằng nhỏ tứ cố vô thân. Cả nhà hắn đã chết trong một vụ tai nạn từ nhiều năm trước. Đó mới chính là lý lẽ thuyết phục nhất. Lee sẽ vĩnh viễn ở với bọn chúng.
Đầu giây bên kia, gã Marcel tức tối thở hào hển vào ống nghe. Lão Josef hình dung gã đang sốt ruột rê chiếc ghế có bánh xe đi tới đi lui, vạch thêm vài đường rãnh trên tấm thảm đã cũ mòn.
Lão Josef cố làm giọng nửa tin nửa ngờ:
- Ông có nghĩ nó chạy trốn cùng đống xìn đó không?
- Có gì bảo đảm nó không làm thế đâu. Theo ông thì sao? Ông nghĩ thằng đó ‘được’ không?
- Được chứ. Nếu không, tôi đem nó về làm gì. Khoản đó... bao nhiêu nhỉ? Tám ngàn phải không? Đâu có đáng để làm liều! Chẳng giúp hắn thay đổi gì mấy. Chắc vì chuyện khác thôi. Nhất định thế. Biết đâu, thằng nhỏ ngủ quên chẳng hạn?
Gã Marcel đằng hắng:
- Biết đâu với loại người như nó, tám ngàn có thể đổi đời rồi. Nhiều khi ông cũng thèm có chừng đó trong tay. Thậm chí cả tôi cũng vậy. Hôm qua nói chuyện với hắn, có chi tiết nào khiến ông tin hắn không âm mưu cuỗm tiền bỏ trốn không? Có không? Nên nhớ, đây không chỉ là vụ ăn cắp vặt.
- Vâng, tôi cũng biết thế.
- Vậy có chi tiết nào khiến ông nghi ngờ không?
- Không. Lee vẫn bình thường. Vả lại, nó không chốn nương thân. Hắn chỉ biết mò về nhà. Tôi đoán có chuyện nó hiểu lầm.
- Chắc thế.
- Để tối tôi qua nhà nó. À, tôi đi ngay đây.
- Chứ còn gì nữa? Ông đi ngay cho tôi.
Hai người cùng im lặng. Kẹp ống nghe giữa cằm và vai, lão gãi hình xăm nơi cổ tay và nhớ lần cuối gặp Lee trong căn hộ bẩn thỉu của hắn. Rõ ràng, mọi đồ đạc cũ kỹ là đồ vứt đi Lee nhặt ngoài đường đem về nhà xài. Lão còn nhớ cả cái tivi đặt trên két sữa rỗng. Cái thằng! Cầm khẩu súng lóng nga lóng ngóng như nâng trên tay xác thú chết. Cũng không có gì lạ: hắn còn quá trẻ mà.
Gã Marcel dọn giọng. Khi nói tiếp, giọng gã đã dịu lại:
- Tôi muốn ông giải quyết vụ này. Thực ra... biết nói sao đây? Thực ra, đây không phải lần đầu có kẻ chạy trốn ông. Ông hiểu ý tôi chứ?
Lão Josef nhìn đồng hồ. Đêm đã về khuya. Mười giờ đêm rồi còn gì. Lão thèm thuốc kinh khủng. Lão biết rõ Marcel đang nhắc tới chuyện gì, thậm chí lão như nghe tiếng lão già kia đang khẽ lắc đầu buồn bã. Lão gật đầu, đần mặt xác nhận:
- Tôi hiểu.
- Josef này, ông phải tìm cho ra thằng nhỏ. Đừng để thầy không kiểm soát nổi trò.
- Vâng.
- Ông biết không tìm ra hắn thì thế nào rồi đấy.
- Tôi biết rồi.
- Tôi cho ông hai ngày. Đừng làm tôi cụt hứng. Nhớ ‘chăm sóc’ hắn cho kỹ vào. Đừng nương tay.
- Kìa Marcel! Chỉ tám ngàn thôi mà. Dù thằng đó có bỏ trốn, ta cũng không đáng...
- Này! Tiền không phải vỏ hến! Vả lại, phải giữ kỷ cương chứ! Ông không chuồn êm khỏi vụ này được đâu. Ông rầy rà to rồi đấy! Nên giải quyết cho êm thấm đi. Tôi không thể để người ta làm bậy thế này được. Chúng ta không thể chấp nhận! Ông cũng biết nguyên tắc... nói thế nào nhỉ? "Không có ai là tuyệt đối cần thiết" rồi đấy!
Bình thường, hai người họ toàn nói chuyện phiếm. Gã Marcel thích nghe mách nước cho cuộc đua ngựa ngày thứ Bảy hoặc hỏi xem mùa này thứ trái cây nào rẻ nhất. Ngoài ra, chuyện đời tư người khác cũng được đem ra làm trò cười. Thi thoảng, gã Marcel để lão Josef phổng mũi bằng cách hỏi vài câu về môn crikê, một đề tài gã chẳng để ý mấy. Nhưng hôm nay thì không. Sự im lặng như đặc quánh lại. Suy cho cùng, những gì đáng nói đã nói hết rồi. Hai người chào nhau rồi gác máy.
Lão trở vào bếp. Trà nguội ngắt. Lão khéo léo vấn một điếu thuốc, châm lửa rồi trở lại ghế bành trong phòng khách. Lão nhớ đến Lee, nhớ cái cằm nhọn và đôi mắt đen của hắn. Thằng nhỏ có thói quen nói chuyện một mình. Lão không ngờ thằng ranh vắt mũi chưa sạch ấy làm lão thất vọng quá sớm, nhất là sau cơ hội tốt như thế và chỉ vì một món tiền mọn. Không! Nhất định phải có lý do khác. Thể nào thằng nhỏ cũng sẽ về. Nó đến ‘trình diện’, mọi chuyện đâu vào đó, mọi người đều cả cười và gã Marcel sẽ tặc lưỡi ngượng ngùng vì trót đe dọa lão qua điện thoại như thế này!
Nhưng người như Lee biết đi về đâu, khi không có gia đình, người thân? Lão ngỡ ngàng vì ngày nay, người ta luôn thay đổi: hết đổi nghề, đổi nhà đến đổi vợ bằng người mới. Mọi xứ sở đều theo quy luật ấy. Một lối sống khó lòng tin là thực. Người ta đi đâu mà hối hả ngược xuôi? Giả sử không ôm tiền bỏ trốn hay tự nhốt mình trong căn hộ tồi tàn của hắn, Lee sẽ đi đâu? Hắn có thể ở bất cứ đâu. Viễn cảnh ấy làm lão Josef phát hoảng.
Khói thuốc xám nhạt tụ lại, treo lơ lửng trên đầu trên cổ lão. Người lão nặng trĩu, mệt mỏi. Mệt mỏi, nặng nề và, lần đầu tiên sau một thời gian khá dài, lão thấy mình nguy đến nơi. Giữa đêm khuya thanh vắng có một lão già đứng bên cửa sổ lắng nghe âm thanh của dòng đời chuyển động. Lão biết tuổi mình ngày một cao, sức cùng lực kiệt không thể đảm đương công việc đang làm. Nhưng rủi thay, lần này chính gã Marcel đã tỏ ý nghi ngờ. Lão rít không khí qua kẽ răng bịt vàng và hút thuốc mãi cho tới khi đầu mẩu thuốc ngậm trong miệng ướt nhẹp.