Khi chánh niệm ngày càng trở nên phổ quát trong thế giới hiện đại
Chúng ta thường bị bội thực bởi quá nhiều câu chuyện và bài viết về chánh niệm trên các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như chánh niệm giúp ích như thế nào trong các mối quan hệ, trong công việc, trong thể thao, trong việc quản lý cảm xúc, sự phát triển của trí tuệ cảm xúc... và còn nhiều nữa. Vậy tại sao một vấn đề như chánh niệm lại có thể tác động đến rất nhiều khía cạnh cuộc sống và xã hội đến như vậy? Bằng cách nào mà chánh niệm - dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau - lại có thể ảnh hưởng một cách ngoạn mục đến cuộc sống của con người? Trong khi nhiều người xem chánh niệm và việc sống tỉnh thức như một phương thuốc trị bách bệnh cho các căn bệnh xã hội thời hiện đại, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi. Đây là một chủ đề tranh luận thú vị và quan trọng, nhưng thực tế là gì?
Về bản chất, chánh niệm là một công cụ rèn luyện tâm trí, mang lại lợi ích cho rất nhiều người - từ người muốn đạt hiệu suất cao trong công việc, cho đến người tìm kiếm lời giải đáp cho các vấn đề rộng lớn hơn như tâm linh, hoặc cho những người đơn giản chỉ cần sự thoải mái và dễ chịu hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn trong cách mọi người nhìn nhận và truyền dạy chánh niệm - phương pháp phổ biến nhất để đạt được trạng thái tỉnh thức.
Từ khi kỹ thuật rèn luyện tâm trí này được du nhập vào đời sống từ các tu viện ở ngay giai đoạn khởi thủy, theo thời gian, nó đã được thay đổi về mặt hình thức và vai trò sao cho phù hợp với hoàn cảnh và thời đại. Bên cạnh những cải biến được khuyến khích, cũng có một số phương pháp khiến nhiều người thất vọng. Lý do là vì người ta thường không thật sự hiểu cách vận dụng nó như thế nào hoặc làm như vậy thì đạt được gì. Giữa những tranh cãi không ngừng, chúng ta có thể nhận ra một số hiểu lầm phổ biến về chánh niệm. Những hiểu lầm này càng tăng lên khi chánh niệm được lan truyền với tốc độ vũ bão trong xã hội ngày nay.
Những kỳ vọng phi thực tế là một trong những cạm bẫy phổ biến nhất. Một số người tin rằng họ có thể đạt được lợi ích trọn vẹn từ việc rèn luyện trạng thái tỉnh thức chỉ với năm phút mỗi ngày khi mở một ứng dụng thực hành nào đó trên đường đi làm buổi sáng. Mặc dù họ có duy trì thực hành chánh niệm, nhưng rõ ràng là mức độ luyện tập này sẽ không mang lại kết quả bằng bài thực hành “quét cơ thể” bốn mươi lăm phút mỗi ngày trong tám tuần liên tục như trong một chương trình rèn luyện được chuẩn hóa. Cũng cần lưu ý rằng, cả hai cách trên đều không thể đạt được lợi ích bằng việc thực hành chánh niệm suốt đời cũng như việc bạn chú tâm vào những bài tập cụ thể, theo một trình tự cụ thể, điều này gần giống như trong con đường tu tập của người Phật tử. Dù vậy, tất cả những cách kể trên đều là các phương pháp thực hành chánh niệm.
Việc cố tìm ra lời giải đáp về chánh niệm trên phương diện đời thường là vấn đề nan giải. Đây có phải là một trạng thái tâm trí, một phương pháp rèn luyện, hay đơn giản là một cách sống hoặc làm việc? Quyển sách này sẽ đưa ra định nghĩa về chánh niệm và trình bày những nguyên tắc cốt lõi để bạn có thể hiểu rõ hơn, khám phá ra cách chánh niệm có thể mang lại lợi ích cho cuộc sống của bạn. Bên cạnh đó, quyển sách cũng làm rõ những điều bạn cần đạt đến cùng cách lên kế hoạch thực hiện nó, và cả những phần thưởng khả dĩ cho nỗ lực của bạn.
Việc hiểu rõ những điều cơ bản của lý thuyết nền và những nghiên cứu về khoa học thần kinh đằng sau việc thực hành chánh niệm sẽ giúp giải thích cách thức và lý do của một số bài tập nhất định. Điều này cũng giúp bạn suy nghĩ một cách rõ ràng về những mục tiêu, kỳ vọng của mình, cũng như những nỗ lực và động lực theo sau nếu bạn dấn thân vào việc thực hành chánh niệm. Do vậy, trong quyển sách này, tôi sẽ trình bày một mô hình thực hành được đơn giản hóa, sao cho bạn có thể nắm bắt được những đặc điểm cốt lõi của khoa học thần kinh về quá trình chú ý có tập trung. Bằng cách thức này, chúng ta sẽ lần lượt làm sáng tỏ những nhầm lẫn phổ biến về chánh niệm, từ đó giúp bạn biết cách tinh chỉnh những nỗ lực của mình trong quá trình thực hành chánh niệm, cũng như phát huy tối đa hiệu quả của thời gian thực hành.
Tôi hy vọng những gì được trình bày trong quyển sách này có thể khích lệ những người đang bắt đầu một cách thận trọng với việc thực hành chánh niệm, đặc biệt đối với những người đang làm vai trò giảng dạy hoặc nhà lãnh đạo muốn áp dụng một chút chánh niệm vào công việc của mình. Bất kỳ một hoạt động nào cũng có thể được thực hiện với sự tỉnh thức, và quyển sách này sẽ là một cẩm nang hữu ích cho bất kỳ thầy cô giáo hay nhà phát minh nào muốn thử một điều gì đó mới mẻ, nhưng thực hiện dựa trên nền tảng khoa học vững chắc về não bộ và lý thuyết nhận thức.
Trong một xã hội mà con người ngày càng bận rộn, sẽ tốt hơn nếu ta làm gì cũng chú trọng tính hiệu quả, và quyển sách này sẽ giúp hành trình tỉnh thức của bạn đạt được nhiều thành quả hơn, giúp bạn tự tin hơn khi thấy mình đang sử dụng thời gian một cách khôn ngoan.
Lý do tôi thực hiện cuốn sách này
Tôi có được sự hiểu biết về chánh niệm và các cách thức giảng dạy chánh niệm thông qua nhiều lộ trình khác nhau. Là một nhà khoa học thần kinh và chuyên gia tâm lý lâm sàng được đào tạo tại trường Đại học London (UCL) và King’s College London, tôi có thể đi sâu vào những nghiên cứu của phương Tây để tìm hiểu làm thế nào và lý do tại sao mà việc rèn luyện chánh niệm đã trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta đạt đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặt khác, việc rèn luyện kungfu và Thái Cực quyền trong gần hai mươi năm đã cho phép tôi trải nghiệm những truyền thống phương Đông và rút ra được những phương pháp cũng như ý niệm cốt lõi về chánh niệm thông qua hướng tiếp cận này.
Tôi rất đam mê chia sẻ những hiểu biết về đời sống tỉnh thức. Tôi đã dành mười năm để nói chuyện với nhiều người về đề tài này, về những đặc điểm cốt lõi và các nguyên tắc rèn luyện chánh niệm. Tôi cũng thử nghiệm những sáng tạo mới nhằm mở rộng phạm vi của chánh niệm và giúp được nhiều người hơn trong việc kết nối với tiềm năng của chánh niệm.
Tôi đã từng chia sẻ về hành trình tỉnh thức tại các bệnh viện, trung tâm nghệ thuật, lễ hội, hội nghị… và thậm chí còn dạy thực hành chánh niệm trên nóc của Cầu Tháp London. Nhờ quá trình này, tôi đã khám phá ra những điểm mấu chốt của các bài thực hành và những rào cản phổ biến mà chúng ta thường đối mặt trong cuộc sống hiện đại. Tôi chứng kiến nhiều người có sẵn khả năng tỉnh thức ngay bên trong bản thân. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng khả năng này để chuyển hóa thành năng lượng hữu ích cho đời sống khi có những phương pháp và sự hỗ trợ phù hợp. Thông qua quyển sách này, tôi muốn giúp bạn thực hành thuận tiện hơn để đạt được sự chuyển hóa đó, đồng thời cung cấp cho bạn những công cụ và sự chọn lựa, sao cho bất cứ ai cũng có thể tìm thấy con đường tỉnh thức riêng của mình.
Đây là thời điểm tuyệt vời để thực hành chánh niệm
Những năm gần đây, rất nhiều người bắt đầu quan tâm đến chánh niệm. Hiện nay, chánh niệm đã được giới thiệu đến khắp nơi, từ những trung tâm chăm sóc sức khỏe, trường đại học cho đến những công ty lớn và cả các nhà tù. Những quyển sách, khóa học trực tuyến, những ứng dụng và hội thảo qua mạng đều hứa hẹn rằng chánh niệm sẽ giúp cải thiện những mối quan hệ cũng như giúp đầu óc hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn. Sự phổ biến của chánh niệm đã mang lại nguồn năng lượng và sự tích cực vô cùng to lớn. Tuy nhiên, sự lan truyền nhanh chóng này cũng có mặt trái nhất định. Với những ai nghĩ rằng thực hành chánh niệm sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh chóng thì sẽ càng trở nên dễ nản lòng, và họ dễ nhận định là chánh niệm không mang lại lợi ích gì.
Sau khi đọc quyển sách này, bạn sẽ hiểu rõ tại sao việc rèn luyện chánh niệm tuy đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Một phần lý do là vì chúng ta sống trong một xã hội về cơ bản là thiếu sự tỉnh thức. Thời đại công nghệ có sẵn nhiều tiện ích, sự hỗ trợ nhanh chóng khiến chúng ta rút ngắn khoảng thời gian cho sự chú tâm, chiêm nghiệm về những kỳ vọng, bài học có giá trị sâu sắc… Chúng ta muốn có được sự thỏa mãn ngay lập tức và không còn quen với sự kiên nhẫn, yên lặng và định-tĩnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể tác động đến cách vận hành của những hệ thống nơ-ron thần kinh vốn hỗ trợ cho thói quen tâm lý mà chúng ta muốn thay đổi. Điều này cần có thời gian và quá trình lặp đi lặp lại. Sự thay đổi sẽ không diễn ra ngay, và mục tiêu của quyển sách này chính là giúp chúng ta hiểu được nguyên tắc đó đồng thời biết rằng sự thay đổi là hoàn toàn khả thi.
Thông qua việc thực hành để duy trì trạng thái tỉnh thức, chúng ta có thể lấy lại sự kiểm soát thật sự, bắt đầu đảo ngược một số thói quen vô ích mà chúng ta đã tạo ra, và ý thức về những-gì-là-có-thể trong cuộc đời này. Về căn bản, trạng thái tỉnh thức là sự nhận biết sâu sắc những gì bạn đang làm, những gì bạn đang tiếp nhận, nhìn nhận mọi việc như-nó-đang-là mà không phán xét. Khi phát triển khả năng nhận thức sâu sắc này, chúng ta sẽ nhận ra được những tác động của lối hành xử theo thói quen trong đời sống của mình trước đây đã ảnh hưởng thế nào mỗi khi ta kết nối với thế giới xung quanh, với công nghệ và những người khác. Với lòng cầu thị không phán xét cộng với sự quyết tâm học hỏi để phát triển bản thân, chúng ta có thể bắt đầu thử nghiệm bằng cách thay đổi thói quen của chúng ta. Những người có lòng can đảm và kiên trì sẽ thấy rằng dù phải mất nhiều công sức, nhưng kết quả nhận được sẽ rất xứng đáng: những mối quan hệ của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, chúng ta trở nên sáng tạo hơn, kết nối tốt hơn với thế giới và với từng khoảnh khắc vốn làm cho cuộc sống của chúng ta thật sự ý nghĩa.
Ngày nay, người ta đang đặt ra những câu hỏi lớn hơn về ý nghĩa đích thực của việc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần, cũng như điều gì mới là chân giá trị của cuộc sống. Đây cũng là lúc những mô hình về sức khỏe thể chất và tinh thần của phương Tây và phương Đông hòa quyện và bổ trợ cho nhau. Mô hình chánh niệm được mô tả trong quyển sách này tiêu biểu cho sự pha trộn tuyệt hảo từ những gì tinh túy nhất của hai truyền thống Đông-Tây, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho mọi người.
Là một nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực này, tôi hiểu rằng chúng ta đang có cơ hội tuyệt vời để đào sâu kiến thức về não bộ và tâm trí. Với kiến thức này, những người quan tâm đến chánh niệm có khả năng phát triển bản thân theo những cách mà trước đây là không thể. Vì vậy, bây giờ là thời điểm thích hợp, và quyển sách này đang nắm giữ chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào đời sống tỉnh thức. Hành trình này là của bạn và sau đây là những hành trang. Câu hỏi duy nhất là… bạn muốn đi bao xa?