Trong chương trước, chúng ta đã khám phá rằng mạng thần kinh chúng ta cần để chánh niệm đã có sẵn trong não bộ của chúng ta. Mọi thứ đã sẵn sàng hoạt động, nhưng dễ hay khó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chánh niệm là một phẩm chất vốn có sẵn về sự có mặt ở hiện tại, và chúng ta cũng có thể rèn luyện nó. Vì vậy, nguồn gốc của chánh niệm vừa do tác động của môi trường và vừa có tính di truyền. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá:
Có phải tỉnh thức có sẵn trong gien của chúng ta?
Chúng ta, những con người, có một khả năng độc đáo là nhận biết về những gì mà chúng ta hoặc người khác đang suy nghĩ và cảm nhận. Điều này cho phép loài người sống trong những nhóm xã hội lớn, ít bận tâm hơn đến sự sinh tồn so với những động vật khác. Vì vậy, con người có khả năng dành không gian của não bộ cho việc hoạch định, sáng tạo và phát minh.
Nhận thức có sẵn trong gien của chúng ta
Một lý thuyết khác cho rằng não bộ của con người, đặc biệt là thùy não lớn trước trán, đã phát triển để giúp chúng ta đáp ứng được những đòi hỏi mới nảy sinh từ khi con người bắt đầu sống cùng nhau, và điều này cần rất nhiều ý thức, sự quan tâm, và sự nhạy cảm nhằm nuôi dưỡng một môi trường hài hòa. Chúng ta đã phát triển những mạng não bộ cho phép tâm tưởng của mình đi về quá khứ hoặc tương lai, cũng như khám phá tâm trí của người khác. Đó là một phần trong sự tiến hóa của chúng ta.
Nhận thức là thanh gươm hai lưỡi
Tuy nhiên, những gì từng một thời hữu ích thì nay có thể kém hữu ích hơn khi thế giới bên ngoài đã phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với não bộ của chúng ta. Việc cố duy trì não hoạt động thật nhanh để bắt kịp tốc độ mọi thứ xung quanh có thể gây hại cho chúng ta. Ví dụ, việc suy ngẫm, so sánh và xét đoán quá mức đang dẫn tới một bệnh dịch lây lan - đó là tâm trạng buồn chán. Số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy đến năm 2030, bệnh trầm cảm sẽ là gánh nặng sức khỏe lớn nhất của xã hội. Tương tự, việc hoạch định, kiểm soát và lo lắng quá mức cũng là những yếu tố tạo nên sự lo âu. Chúng ta có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn mạng não bộ của mình bằng những hoạt động tiếc nuối, lo lắng về quá khứ hoặc tương lai vốn dĩ hư ảo, khiến chúng ta không nhìn thấy khoảnh khắc hiện tại. Điều này không chỉ có nghĩa là chúng ta có thể bỏ lỡ những thông tin quý báu có thể giúp ta trong khoảnh khắc hiện tại, mà còn tác động bất lợi tới khả năng của chúng ta trong việc kết nối và cảm thông với người khác.
Cho dù có những khó khăn tiềm ẩn, sự nhận thức về bản thân và người khác vẫn cần thiết đối với sự sinh tồn của loài người, ngay cả trong thời buổi hiện đại ngày nay. Có nhiều con đường để phát triển sự nhận thức về bản thân, và con người luôn tò mò về cách thức để làm được điều này.
Chúng ta mở rộng nhận thức của mình ra sao?
Con người luôn cố gắng mở rộng nhận thức qua nhiều cách khác nhau, bao gồm việc chọn con đường tâm linh, tự mình phát triển, thông qua con đường sáng tạo, hoặc bằng các chất hóa học - mỗi cách thức sẽ được trình bày ngắn gọn trong phần sau. Những hoạt động này, dù thể hiện dưới hình thức là một lớp học yoga, một buổi trị liệu, hoặc một bài thực hành cầu nguyện, đều kết nối với mạng não bộ như được mô tả ở phần chu kỳ “khoảnh khắc chánh niệm” bốn bướcvà có một số điểm tương đồng với việc thực hành chánh niệm - đó là hành động với sự quan tâm, chú ý, không phê phán và có lòng cảm thông. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần phải nhận biết là những phương pháp mà bạn chọn để mở rộng nhận thức có thể sẽ hướng đến mục đích khác so với mục đích chính của bạn.
Nếu bạn từng khám phá sự nhận thức của mình thông qua bất kỳ cách thức nào kể trên, tin vui là rất có thể bạn đã rèn luyện một số mạng thần kinh có liên quan đến chánh niệm. Tuy nhiên, hãy cẩn thận xem tâm trí của bạn có bị dính mắc vào việc so sánh việc thực hành yoga/trị liệu/cầu nguyện của bạn với những gì bạn sắp học về chánh niệm hay không. Giữa các hoạt động này có nhiều sự tương đồng nhưng đồng thời cũng có một số sự khác biệt quan trọng.
Con đường tâm linh
Nhiều bài tập thực hành tâm linh và tôn giáo “cài” các mạng não bộ liên quan đến chánh niệm vào để rèn luyện sự nhận thức. Mục đích của họ là liên kết với thần thánh - cho dù điều này được định nghĩa ra sao. Thường có một bộ khuôn khổ đạo đức để hỗ trợ sự phát triển nhận thức này, đại loại là dựa trên sự quan tâm tới bản thân mình và người khác.
Việc rèn luyện của tôn giáo thường là thông qua những bài kinh hoặc nghi thức lặp đi lặp lại, những bài tập chiêm nghiệm, những giai đoạn im lặng và ẩn tu. Chẳng hạn như cả giới tu hành và những nhà trầm tư mặc tưởng đã dày công nghiên cứu trong nhiều thế kỷ để tìm ra cách tốt nhất để rèn luyện khả năng nhận biết. Thật khó có thể cầu nguyện nếu tâm trí của bạn bị quấy rối bởi những danh sách “các công việc phải làm”, hoặc những lo âu về hợp đồng thuê nhà... Nếu tâm trí lang thang, tốt nhất là bạn có thể biết nó ngay và quay trở lại với công việc cầu nguyện. Nghe có vẻ quen quen phải không? Bạn đang thực hành chu kỳ bốn bước khi cầu nguyện đấy. Sự chú ý của bạn được tập trung vào lời cầu nguyện. Như vậy, rèn luyện chánh niệm có thể giúp củng cố những bài thực hành đức tin. Thật vậy, một số thân chủ của tôi nói rằng chánh niệm giúp gia tăng sự tập trung của họ trong khi cầu nguyện và giúp họ tiến gần hơn đến những mục đích tâm linh của mình.
Một đặc điểm vốn thường len lỏi vào những bài thực hành tâm linh là niềm tin cho rằng thần thánh - dưới bất kỳ hình thức nào - đều có một thái độ thương yêu và giúp đỡ. Tuy nhiên, các hành giả từ một số nền tảng đức tin khác nhau có thể gặp những thói quen phê phán mạnh mẽ. Ví dụ như họ được người truyền giảng hoặc nền tảng đức tin khuyến khích giám sát kỹ ý nghĩ và cảm xúc của mình, kiểm tra chúng có phù hợp với những bài giảng họ đang theo hay không. Nếu một số ý nghĩ được xem là “đúng” và một số là “sai”, nó có thể dẫn tới một tâm trí phản ứng và phê phán, sau đó trở thành một thói quen phổ biến được họ áp dụng thường xuyên một cách vô thức. Sống tỉnh thức khuyến khích thái độ không can dự vào, bình tĩnh nhưng cầu thị và không phản ứng, thay vì phán xét một cách vô thức.
Con đường tự thân phát triển
Các chuyên gia tâm lý và trị liệu đã mất nhiều năm để khám phá ra nhiều cách để phát triển sự nhận thức. Việc này có mục đích chữa trị những vết thương cảm xúc, xây dựng lòng tự tin và giúp làm sáng tỏ những thói quen không lành mạnh. Có nhiều lộ trình để phát triển sự nhận thức, mỗi cách thức lại có điểm nhấn hơi khác nhau về điểm cần chữa lành. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cách thức trị liệu mà bạn thực hiện không phải là yếu tố quan trọng nhất. Thay vào đó, chính niềm tin cho rằng mọi thứ sẽ được thay đổi và mối quan hệ với chuyên gia trị liệu mới là chìa khóa cho sự thành công trong quá trình trị liệu.
Việc được một người khác chú ý tới mình một cách sâu sắc, trước sau như một, không phản ứng và không phán xét, sẽ giúp bạn vượt qua những ký ức và cảm xúc đau đớn một cách hiệu quả nhất. Chuyên gia trị liệu sẽ sử dụng một kiểu nhận thức chánh niệm giúp bạn phát triển một dạng nhận thức tương tự và bắt đầu giúp bạn thích nghi dần với những lối suy nghĩ, cảm xúc mới.
Con đường thông qua sự sáng tạo
Con người luôn cố tìm ra nhiều cách để chia sẻ những trải nghiệm quan trọng thông qua nghệ thuật. Việc đắm mình vào nghệ thuật sẽ giúp bạn kết nối với những cảm xúc của mình, vốn là phần cốt lõi của các trạng thái của con người. Nghệ thuật luôn cao quý, cho dù là âm nhạc, khiêu vũ, hội họa hay điêu khắc, tất cả đều khơi gợi chúng ta cảm nhận và suy nghĩ theo nhiều cách mới mẻ, mở rộng nhận thức của mình. Nếu chúng ta có thể hòa mình vào nghệ thuật theo một cách không đánh giá, không phản ứng và toàn tâm toàn ý trong hiện tại, chúng ta còn có thể kết nối được với thông điệp và chủ ý của người nghệ sĩ theo một cách đầy ý nghĩa hơn.
Tiêu điểm: Nhận biết chánh niệm trong những khía cạnh khác của cuộc sống
Hãy nghĩ về bất kỳ điều gì bạn thường xuyên làm và tin đó là chánh niệm, chẳng hạn như yoga, cầu nguyện hoặc những buổi trị liệu. Hãy ghi nhớ rằng chánh niệm đơn giản là ý thức về khoảnh khắc hiện tại, theo một cách không phản ứng và không phê phán, để phục vụ cho mục đích lớn hơn, và chiêm nghiệm qua chu kỳ “khoảnh khắc chánh niệm” bốn bước. Lần sau, khi bạn làm bài tập này, hãy tự hỏi:
Con đường thông qua chất hóa học
Trong suốt lịch sử nhân loại, nhiều biện pháp hóa học từng được sử dụng để làm thay đổi nhận thức vì nhiều mục đích khác nhau. Các pháp sư ở châu Mỹ La-tinh và nhiều nơi khác thường sử dụng các chất được chiết xuất từ thực vật có tác dụng gây ảo giác để có thể bước vào những trạng thái khác, nơi mà phần cá nhân sâu sắc và sự thấu hiểu tâm linh có thể nảy sinh. Tương tự, các nghệ sĩ cũng thử nghiệm những loại hóa chất tự nhiên và nhân tạo để mở rộng tầm nhận thức và thấu cảm vượt lên trên tâm trí thông thường vốn được lập trình theo thói quen. Những hóa chất này tác động lên cùng mạng não bộ mà chúng ta liên kết với chánh niệm. Trong lĩnh vực y học, hiện nay có nhiều cuộc nghiên cứu lâm sàng được thực hiện liên quan đến việc ứng dụng một số hóa chất, chẳng hạn như chất an thần ketamine1 và LSD2, nhằm mục đích chữa nhiều bệnh tâm thần khác nhau.
1 Ketamin là một loại thuốc được sử dụng chủ yếu để bắt đầu và duy trì gây mê. Nó gây ra một tình trạng giống như trạng thái bị thôi miên, làm giảm đau, an thần và mất trí nhớ.
2 LSD (Lysergic acid diethylamide) là một loại thuốc gây ảo giác.
Cách mở rộng nhận thức này không phải dành cho mọi người. Tuy nhiên, các chuyên gia trị liệu rất hứng thú đến những phương pháp giúp tiếp cận sự hiểu biết thấu đáo trong một giai đoạn ngắn. Sự hiểu biết thấu đáo này được duy trì như thế nào vẫn là một câu hỏi cần giải đáp. Tuy nhiên, để có hiệu quả đáng tin cậy và lâu dài, nhiều người tranh luận rằng nguyên tắc thực hành mỗi ngày là không thể thay thế được. Chỉ có thông qua sự chú ý được định hướng và có tính lặp đi lặp lại, chúng ta mới có thể chuyển hóa những mạng thần kinh một cách đáng tin cậy nhất.
Chánh niệm có phải bắt nguồn từ Phật giáo không?
Trong số những truyền thống thật sự mài giũa “lộ trình” dẫn tới sự nhận thức chánh niệm, Phật giáo thực hiện triệt để nhất. Được phát triển và tinh chỉnh qua nhiều thế kỷ, các kỹ thuật rèn luyện tâm trí của các nhà sư Phật giáo là một con đường rất rõ ràng để phát triển kiểu nhận thức đặc biệt này, và đó chính là chánh niệm (có mặt trong khoảnh khắc hiện tại, không phản ứng và không phán xét).
Mối liên hệ với Phật giáo
Trong những truyền thống Phật giáo kể từ thế kỷ V trước Công nguyên, rèn luyện chánh niệm là một kỹ năng nền tảng. Mục đích chính của kỹ năng này là đạt đến trạng thái làm chủ tâm trí nhằm giảm sự đau khổ của chúng sinh, trong đó bao gồm cả bản thân người tu tập. Chánh niệm trong ngữ cảnh này hỗ trợ cho những bài thực hành Phật giáo nâng cao, bao gồm những bài rèn luyện sự chú ý, sự thấu hiểu, quán tưởng và các bài thực hành tâm từ. Tuy nhiên, về bản chất, đó là một quá trình phát triển nhận thức rất mạnh mẽ.
Tính đặc thù và chi tiết của con đường Phật giáo nhằm phát triển nhận thức chánh niệm một cách tự nhiên đã thu hút các trí tuệ khoa học phương Tây, những người hiện đang nghiên cứu chủ đề này với sự quan tâm mới mẻ hơn. Điều này đã khiến nhiều người tin rằng chánh niệm chỉ xuất phát từ Phật giáo. Tuy nhiên, đó không phải là nguồn gốc duy nhất. Trên thực tế, bản thân tư tưởng Phật giáo chịu sự tác động của tư tưởng Ấn Độ cổ xưa, và một số nền văn minh cổ khác cũng từng đào sâu tìm hiểu làm cách nào để phát triển nhận thức chánh niệm.
Mối liên hệ với các triết gia
Các bài tập tâm trí tương tự như những bài tập thực hành Phật giáo có thể được tìm thấy ở các di tích cổ của phương Tây, đa số là từ các triết gia của Hy Lạp Cổ đại và La Mã. Pythagoras (580 - 500 TCN) đã khuyến khích suy tư chánh niệm về những hoạt động trong ngày, để kiểm tra xem liệu những hành động của ta có phù hợp với những ý định của chính ta hay không. Trường phái Epicurus (thế kỷ IV TCN) đã phát triển những bài tập để giúp người ta chú tâm mỗi khi những ý niệm miên man xâm chiếm, với mục đích là giảm đi nỗi đau buồn mà hoạt động tâm lý này tạo ra trong cuộc sống hằng ngày. Những người theo Chủ nghĩa Khắc Kỷ (thế kỷ III TCN) đã đẩy mạnh sự chú ý vào khoảnh khắc hiện tại - còn được gọi là “thực hành sự chú ý” - như là một phần của những bài tập hàng ngày để tìm hiểu bản chất của cái tôi và thế giới. Một người theo phái Khắc Kỷ sau này, Seneca (năm thứ 4 TCN - năm 65 SCN), khuyến khích thực hiện những bài tập để làm gia tăng sự ổn định của tâm trí, và để tìm hiểu sâu xem liệu những ý nghĩ nảy sinh là có chủ ý hay từ vô thức. Tựu trung, mục đích của những bài tập này là kiểm soát tâm trí, giúp chúng ta sống tỉnh thức và hài hòa với thế giới. Chúng chứng minh những truyền thống tư tưởng phương Tây đã phát triển nhận thức theo cách tương tự như những truyền thống phương Đông như thế nào, và phần lớn là có cùng một mục đích.
Chánh niệm hiện đại bắt nguồn từ đâu?
Trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta, chánh niệm một lần nữa lại xuất hiện mạnh mẽ. Lần này, nó được đặt ra trong bối cảnh của ngành chăm sóc sức khỏe từ phương Tây nhưng đang lan rộng nhanh chóng. Được đặt trong khuôn khổ của ngôn ngữ khoa học cũng như được hỗ trợ bởi nhiều cuộc nghiên cứu, chánh niệm hiện đại xuất phát phần lớn từ chương trình Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm, do ông Jon Kabat-Zinn thuộc trường Đại học Massachusetts khởi xướng vào thập niên 1970, và hiện nay, những biến thể của nó được thấy khắp nơi trên thế giới.
Chánh niệm được làm mới và sử dụng lại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Mục đích của Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm là giúp người có bệnh đau nhức mãn tính kiểm soát được bệnh tình của mình. Sự căng thẳng, kể cả sự xúc động và những khó khăn tâm lý, được chứng minh là sẽ làm trầm trọng thêm những triệu chứng của cơ thể. Sử dụng những kỹ thuật chánh niệm để phát triển sự nhận biết về nỗi đau mà không phản ứng hoặc không phê phán, được cho là rất hữu ích trong việc kiểm soát các cơn đau nhức. Ngày nay, sau hơn bốn thập niên nghiên cứu, Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm được chứng minh là giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và chức năng tâm sinh lý, đồng thời tăng khả năng kết nối với chính bản thân mình và người khác. Thậm chí, chánh niệm có thể thay đổi cách hoạt động của hệ miễn dịch và có thể tác động lên những yếu tố liên quan tới quá trình lão hóa của con người.
Một khóa học Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm trong thời gian tám tuần theo tiêu chuẩn được công nhận bao gồm việc thực hành theo nhóm hai giờ mỗi tuần, cộng với thực hành tại nhà bốn mươi lăm phút mỗi ngày. Khóa học này là một sự pha trộn giữa nhiều bài tập khác nhau, cung cấp các kiến thức về stress và các bệnh mãn tính, đồng thời hướng dẫn việc tự chăm sóc. Mặc dù được trình bày như là một khóa huấn luyện đời thường, với những yếu tố tâm linh/tôn giáo đã được loại bỏ, Kabat-Zinn mô tả cách ông đúc kết từ con đường tâm linh của riêng mình là thiền Phật giáo và đưa nội dung này vào các giao thức và bài thực hành. Cách tiếp cận này giúp cho chánh niệm dễ dàng đến được với hàng trăm ngàn người, bao gồm những người mắc bệnh mãn tính, và cuộc sống của họ đã được thay đổi một cách kỳ diệu.
Hợp nhất cơ thể và tinh thần
Thành công của chương trình Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm nhắc nhớ những người làm việc trong ngành sức khỏe thể chất về những tác động của tinh thần lên cơ thể. Một chương trình tương tự, dựa trên Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm nhưng được sửa đổi nhằm mục đích giảm khả năng rơi vào buồn chán, được gọi là Trị liệu Nhận thức dựa trên Chánh niệm. Cách trị liệu này được phát triển bởi các chuyên gia nghiên cứu lâm sàng John Teasdale, Zindel Segal và Mark Williams thuộc trường Đại học Oxford vào thập niên 1990. Nhóm này khám phá ra rằng việc chú ý tới cơ thể và học cách chịu đựng các cảm xúc, cũng như tìm hiểu những thói quen vô ích của tâm lý vốn làm kéo dài tâm trạng chán chường, chính là chìa khóa giải quyết chứng bệnh này. Việc phát triển những kỹ năng chú tâm để loại bỏ những thói quen này ngay từ đầu sẽ giúp ngăn chặn tình trạng suy sụp tinh thần. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy một thái độ tự cảm thông với chính mình và kinh nghiệm của người huấn luyện cũng là những yếu tố quan trọng.
Chánh niệm hiện được tìm thấy trong các mô hình dịch vụ sức khỏe tâm thần và thể chất trên toàn thế giới, chủ yếu là dưới hình thức của hai chương trình: Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm và Trị liệu Nhận thức dựa trên Chánh niệm- hoặc những biến thể của chúng. Truyền thống y học phương Tây từ lâu đã tách sức khỏe thể chất ra khỏi sức khỏe tinh thần, và việc này đã gây phương hại tới người bệnh. Hiện nay, khi chánh niệm mang lại một cách thức kết nối giữa tinh thần và thể chất thì việc chăm sóc sức khỏe toàn diện và hợp nhất là hoàn toàn có thể.
Sự can thiệp
Những kết quả từ các chương trình Giảm Căng thẳng dựa trên Chánh niệm và Trị liệu Nhận thức dựa trên Chánh niệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã khuấy động sự tò mò của những ai quan tâm tới việc cải thiện sự chú ý, sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và khả năng giải quyết vấn đề trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Chánh niệm trong nhà trường chỉ là một ví dụ về sự phổ biến ngày càng tăng của khái niệm này, bởi vì người ta thật sự công nhận rằng các em học sinh cần sự trợ giúp về sức khỏe cảm xúc. Người ta cũng hiểu rằng khi những dữ kiện và kiến thức trở nên dễ dàng tiếp cận chỉ với một cái nhấp chuột, thì những kỹ năng mà người trẻ tuổi cần cho sự thành công trong tương lai chính là những kỹ năng xã hội và cảm xúc. Những kỹ năng này sẽ giúp các em có thể làm việc trong những môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ, và tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Một số vấn đề với chánh niệm hiện đại
Tuy nhiên, có một số lo ngại nảy sinh khi chánh niệm nhanh chóng trở thành xu thế chủ đạo. Một mặt, những người theo truyền thống tu hành tin rằng chánh niệm đã bị đơn giản hóa, bị tách rời ra khỏi những cội rễ thiêng liêng, và đó không phải là mục đích chính. Mặt khác, có những người tin rằng những gì đang được giảng dạy là “Phật giáo lén lút”. Họ lo lắng rằng mục đích giảng dạy chánh niệm không rõ ràng, cộng thêm việc yêu cầu các em nhỏ “hành thiền” trong nhà trường thì càng không thích hợp. Rõ ràng, con người đang trải nghiệm những lợi ích của chánh niệm; vấn đề còn lại là những băn khoăn liên quan đến tên gọi và khởi nguồn của chánh niệm cũng như sự thiếu rõ ràng và thiếu thông tin về những mục đích chính của hoạt động này. Rõ ràng, việc dành năm phút tập trung sự chú ý vào tư thế của mình không giống như một sự quyết tâm suốt đời với các bài thực hành Phật giáo. Tuy nhiên, bốn mươi lăm phút thực hành mỗi ngày trong tám tuần có thể bắt đầu làm thay đổi quan điểm của bạn và định hướng tâm trí bạn về một thái độ nhẹ nhàng hơn tới chính mình và người khác. Liệu đây có gọi là Phật giáo không, hay chỉ là việc kết nối trở lại với câu chuyện về sự tiến hóa vốn quen thuộc với chúng ta?
Những khám phá về khoa học thần kinh xung quanh chánh niệm tiếp tục tạo ra sự phấn khích. Tuy nhiên, những gì chúng ta khám phá trong não bộ thường chỉ là xác nhận những gì đã được ghi chép trong các truyền thống tâm linh suốt nhiều thiên niên kỷ. Nó cung cấp một “sự thuyết phục đáng tin cậy” ở thời hiện đại, thu hút được các trí tuệ của phương Tây bằng một ngôn ngữ thân thiện và không “đe dọa nền tảng khoa học” tuy rốt cuộc vẫn là mở cánh cửa dẫn vào cùng con đường mà tổ tiên nhân loại từng khám phá. Điều này hẳn hàm ý rằng chánh niệm là một trải nghiệm cốt lõi của loài người hơn là một điều gì đó được cụ thể hóa trong một truyền thống nào đó.
Tóm tắt
Sau cùng, vào lúc này, quan trọng là bạn hãy nhớ rằng nếu cứ tiếp tục thực hành chánh niệm, mọi thứ sẽ thay đổi và bạn đang bước trên “con đường tỉnh thức”. Mặc dù con đường thực hành chánh niệm của thế tục không được miêu tả chi tiết đầy đủ giống như nó được làm trong những truyền thống tâm linh, nhưng nếu bạn cứ tiếp tục thực hành thì nhận thức của bạn sẽ được mở rộng và đào sâu thêm. Bạn sẽ bắt đầu bắt gặp những trải nghiệm vốn đã được định nghĩa rõ trong các buổi rèn luyện tâm linh - nhưng theo những mô hình y học và tâm lý của phương Tây ở thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Đây là tất cả những phần liên quan đến việc học hỏi, về bản thân và người khác. Bắt đầu bằng chánh niệm và với sự thực hành liên tục, bạn sẽ bắt đầu tận hưởng những lợi ích của chánh niệm cả về cảm xúc lẫn cơ thể.
Lời khuyên quan trọng nhất của tôi về việc gắn kết bản thân vào đời sống tỉnh thức là hãy tiếp cận nỗ lực này bằng sự thoải mái từ trong tâm hồn. Không có một cách “đúng đắn” duy nhất nào để thực hiện công việc này. Bạn hãy tìm một điều gì đó hấp dẫn và thú vị để bắt tay vào, điều này sẽ tạo bầu không khí đồng điệu cho việc luyện tập. Bạn có thể gặp những thách thức, nhưng vượt qua chúng là công việc cần làm để rèn luyện chánh niệm. Hãy cố duy trì mọi việc được nhẹ nhàng và đừng quá nghiêm trọng với quá trình này. Trong quá trình này, trải nghiệm của bản thân bạn, bao gồm ý niệm về “bản ngã” và về thế giới, sẽ thay đổi, và bạn sẽ thấy mình kiên cường hơn, dễ cảm thông hơn, và có khả năng thích nghi nhiều hơn bạn từng nghĩ.