Xin đừng làm cửa đóng
Mà đau nỗi then cài
Nhiều lúc lòng người như biển rộng
Có khi là rượu đắng đầy chai
Hớn lại bị mẹ cấm cửa. Bà cụ Cự nhờ thợ về sửa lại cổng gỗ, cửa buồng. Các cửa đều có khung, có khoá. Bà cụ còn nuôi thêm con chó mực, bụng thon nữa. Người mẹ quyết bảo vệ con bằng mọi nhẽ. Bà nói với Hớn:
- Mẹ làm thế để giữ danh giữ giá cho gia đình, cho con. Mày phải nghe mẹ thương mẹ. Hổ cũng chẳng bao giờ ăn thịt con huống chi là đứa đẻ ra mày. Bây giờ... hễ có đứa nào vừa duyên phải lứa đánh tiếng mày là mẹ cho ngay. Không những thế tao còn cho đôi lợn đang nhốt chuồng kia kìa ngả ra mà làm đám cưới.
Bà cụ Cự nói có bài có bản. Ngày nào bà cũng vài lần lên tiếng với Hớn. Hớn nghe câu được câu chăng. Lần nào mẹ nói Hớn cũng im. Những lần trước hễ cãi câu nào là mẹ lại kéo ra hàng mẹt, hàng thúng câu ấy để con nghe lại cho bõ. Hớn bị vài lần như thế nên sợ. Tốt nhất là khâu miệng. Mẹ nói chán mỏi môi, mỏi lưỡi cũng phải thôi. Mà chuyện có mới gì cho cam, vẫn cái chuyện chồng vợ. Sau việc bắt tận tay, day tận trán con đang giăng gió với cái thằng phó cối ấy bà đã bớt cay nghiệt trong lời ăn tiếng nói, nhưng lại có vẻ gìn giữ hơn. Mẹ lỏng câu nói nhưng chặt tay giữ. Làm lại khoá cổng, khoá buồng là vì thế. Mua thêm con chó dữ cũng là vì thế.
- Bây giờ thì mẹ phải giữ con. Mày hư một mẹ mang tiếng mười. Từ giờ trở đi làm cái gì cũng phải có phép của mẹ, nhớ chưa.
Bà cụ Cự nói như ra lệnh. Hớn mím môi rồi cúi mặt hé miệng thưa:
- Con nhớ ạ!
Bà cụ Cự đi đâu dù chỉ ra khỏi nhà mấy bước, cổng cũng được khoá trái. Con mực thì được tháo xích cho chạy lông nhông khắp xó nhà, xó vườn canh chừng kẻ lạ. Tối nào cũng vậy, cửa buồng riêng của Hớn bà cũng khoá trái. Có đêm khó ngủ bà còn se sẽ mò dậy đi ra phía buồng con gái áp sát tai vào bức vách nghe ngóng. Có lúc bà nghe thấy tiếng nó thở dồn. Có khi bà lại thấy hình như tiếng thở dồn của Hớn đang thốc tháo trong ngực mình. Những lúc ấy người bà vã mồ hôi. Bà hay dán mắt nhìn vào cánh cửa xem bên trong có động tĩnh gì không?
Bởi con mà mẹ mất ăn, mất ngủ. Bà cụ Cự rạc người đi vì lo cho nỗi chính chuyên của Hớn. Hớn cũng chẳng béo tốt gì hơn mẹ. Gái phải hơi trai nhất là cái hơi của gã phó cối có bàn tay chắc như vồ đập đất ấy làm sao Hớn có thể nguôi được. Mẹ nói là việc của mẹ. Mẹ bảo con cố quên thì con lại càng nhớ. Mới chỉ là đụng chạm thôi mà sao cái sức vóc đàn ông của chàng thợ cối cứ bấu rít lấy cô như dăm cối. Mỗi tiếng thở dài, mỗi lần trở mình Hớn lại như được va quệt, đụng chạm vào cái cơ thể vâm váp ấy rồi cồn cào nôn nao đến hàng tiếng đồng hồ. Nhất là, những sớm, nghe đâu từ rất xa tiếng rao "Ai đóng cối đi" của người ấy từ xóm bên vọng lại là cả ngày Hớn như kẻ mất hồn, ma ám. Hôm ấy, cơm không thèm ăn, nước không thèm uống, một mình một giường, một chiếu, Hớn nằm úp mặt lên gối mà khóc. Khóc chán Hớn lại ngồi dựa lưng vào vách nhà mà nhớ nhung, buồn nản. Có hôm Hớn như dại như điên đã lấy răng cắn nham nhở cả thành giường rồi ôm chặt lấy đống chăn chiếu mà muốn xé nát nó đi cho hả cơn giận, cơn thèm...
Người như Hớn đâu dễ gì nghe mẹ hoàn toàn. Thương mẹ, sợ mẹ cũng được dăm bữa nửa tháng đầu. Rồi thì mẹ đi đâu Hớn đòi đi theo đấy. Cứ hễ mẹ lơ là chút nào là Hớn lại nhảy ra nháo nhác nhìn xuôi nhìn ngược tìm kiếm. Hớn chỉ mong được gặp lại, dù nhìn thật xa cũng được cái anh phó cối đã mấy lần làm cô hồn xiêu phách lạc ấy. Nhưng mẹ còn đáo để hơn. Thoảng thoảng không thấy bóng con đâu là bà cụ Cự lại réo lên:
"Hớn ơi...! Hớn đâu rồi!". Và lúc ấy dù ở chỗ khuất đến mấy Hớn cũng phải ra tiếng: "Dạ... Con đây!".
- Mày làm gì mà cứ động tí là biến như ma thế con?
- Dạ... con... con có đi đâu đâu.
- Con... con, cái gì? Về...
- Mẹ cho con chơi một tí!
- Bé xác lắm đấy mà chơi với chả bời...
Những câu này mới nghe ra ai cũng tưởng là Hớn còn bé thật. Nào ngờ đâu cô là gái đã cứng tuổi rồi. Vậy mà vẫn phải lẽo đẽo theo mẹ, vẫn phải nũng nịu, vẫn phải ra vẻ rau vẫn còn non, quả chưa phải lúc về già. Đời người khổ vậy. Thật mà như giả. Sinh ra có phận, có lứa. Con vật đến tuổi động đực chả ai cấm ai ngăn. Con người vào tuổi quá lứa rồi vẫn chẳng trốn được đôi mắt xét nét của gia đình, làng xóm. Con người khác con vật ở chỗ này. Sướng cũng từ đây, khổ cũng từ đây.
Một hôm, phải đến hai ba tháng sau chuyện bụi tre vỡ lở gì đó, anh phó cối mới dám mạnh bạo đi qua ngõ nhà Hớn. Anh ta gánh gánh cưa đục, dăm cối, nan tre, đi đi lại lại nhiều lần trước cổng nhà Hớn. Cái giọng đàn ông khàn khàn thuốc lào thỉnh thoảng lại cất lên lời rao: "Ai đóng cối... nào!". "Ai đóng... nào...". Tiếng rao đóng cối cứ dào lên vỗ vào cánh cổng đóng im ỉm nhà Hớn như sóng mùa nước sông lớn vỗ vào chân đê, cứ dàn dạt như xát vào lòng hai kẻ đang bị cách biệt. Tiếng rao cứ rạc đi, dài ra như tiếng mèo đêm gọi bạn: "Ai đóng cối nào...".
Vào lúc nghe tiếng rao, Hớn đang bê mâm bát thất thần đánh rơi tất cả xuống sân gạch. Một tiếng choang rất to khiến bà cụ Cự rụng rời chân tay. Bà luýnh quýnh chạy ra chỗ con, túm lấy tay nó lôi sềnh sệch vào buồng. Lúc ấy, chả biết lấy sức từ đâu mà bà ẩy được cô con gái ngã phệt xuống nền nhà. Rồi cũng nhanh nhẹn như thế bà khép vội cánh cửa buồng và cạch một cái, vòng khoá đã khép miệng che kín khe cửa. Hớn chết lặng lúc lâu rồi bò lê trên nền đất như đứa trẻ. Cô đập đập tay vào cánh cửa khoá trái gọi mẹ. Chỉ có tiếng thở hổn hển của bà cụ Cự phả ra rừng rực. Bà ngồi ở phản giữa, lưng dựa cột nhà, mặt tím tái. Bà giận lắm. Mặt bà đanh như đá nhưng lòng bà chả khác gì cái lò gạch đang nung. Cái thằng mặt trơ trán bóng nó lì lợm đến thế là cùng. Bà uất vô chừng...
Ngoài ngõ anh phó cối vẫn đi đi lại lại. Tiếng rao khàn khàn sặc mùi thuốc lào thỉnh thoảng lại bốc lên: "Ai đóng cối nào... Đóng cối nào...!". Một vài người qua lại, thấy lão dùi vồ cứ lần khân mãi ở ngõ nhà mình ngứa mắt quá không chịu nổi bảo:
- Này này... cái nhà anh phó kia, xóm này có còn ai đóng cối nữa đâu mà cứ rao mãi...
- Ai đóng cối nào... - Lão thợ cối vẫn trêu ngươi.
- Ơ kìa... không nghe tôi nói à?
- Nhà ông không đóng thì nhà người khác đóng. Ai có việc người nấy. Ông là cái thá gì mà ông cấm đoán tôi. Ai đóng cối nào... Ai đóng nào...
Một lũ trẻ con từ đâu ùa tới. Chúng túm lại với nhau ngó ngược, ngó xuôi rồi thì thào những câu gì đá khiến cả lũ toé ra cười. Gã phó cối giật mình quay lại. Đôi mắt gã ngò ngợ. Cái lũ trẻ này hình như...? Còn cái lũ trẻ thì miệng toét ra, huých tay vào nhau rồi chỉ chỉ, trỏ trỏ về phía anh phó cối. Và rồi bất ngờ lũ quỷ réo lên thật to:
Đàn ông chơi với đàn bà
Ngày sau cái vú bằng ba quả dừa.
Phó cối cũng chẳng vừa. Để cho lũ trẻ réo thêm mấy lần nữa câu "Đàn ông chơi với đàn bà" anh ta mối se sẽ vẫy chúng:
- Lại đây tao bảo các cháu. Ngoan nào!
- Thèm vào. Ông đánh chúng tôi à? - Bọn trẻ bước lùi.
- Có rồ mới đánh các cháu. Lại đây rồi bác cho tiền ra chợ mà mua kẹo bột về ăn. Nhanh lên... Ai đóng cối nào? - Tiếng rao lại láu lỉnh vang lên trong lúc người rao tiến gần đến lũ trẻ.
Anh phó cối phải vẫy đến lần thứ hai thứ ba bọn trẻ mới dừng bước lùi. Tuy vậy mắt chúng vẫn lo sợ, len lén nhìn ngang, nhìn dọc. Bọn trẻ trong tư thế đề phòng nhỡ ra lão phó cối chơi xấu bất ngờ vung dùi đục chúng không còn có lối mà chạy. Trẻ con vốn vậy, nghịch mà nhát.
Anh phó cối đặt gánh đồ gần cổng ra vào nhà Hớn. Lúc này bọn trẻ cũng men men tối. Bằng nụ cười nịnh trẻ và mấy đồng bạc lẻ cho ăn quà, chàng phó cối dụ gọi được bọn trẻ đến ngồi quây quanh mình:
- Chúng mày có biết cô Hớn con bà cụ Cự không?
Một đứa trẻ liến láu:
- Hớn bằng hai quả dừa chứ gì? Có phải cái hôm có cả bác í í...
- Bậy nào. Đúng là Hớn ấy nhưng không phải...
Tay phó cối thanh minh ra chiều lấp liếm. Đứa trẻ cũng nanh nọc chả vừa:
- Lại còn không phải. Hớn con bà Cự chứ gì. Đúng mà... Cái hôm ở gốc tre ấy, chúng cháu...
- Suỵt... suỵt... bọn mày nói nhỏ không có bà cụ Cự bà ấy mang cái dao bổ cau ra xẻo mất cái môi ăn quà bây giờ. Không khéo chừng, biết các cháu nói xấu đến cô Hớn bà cụ lại chẳng đến thẳng nhà chúng mày xin nốt cái con giống quý... Bác nói thật đấy. Ối người bị thế rồi.
Tay phó cối đặt tay lên miệng suỵt! Suỵt! Dọa đứa trẻ. Những đứa khác thấy thế lại nhao nhao vẻ không sợ, giọng táo tợn:
- Không đúng à! Hôm ấy chúng cháu còn trông thấy cả ông với cô Hớn nữa...
- Chúng mày có im đi không. Đã bảo không nói chuyện ấy cơ mà. Bậy nào. Bậy quá là bậy.
- Nhưng sao ông lại bảo là không phải...
- Ừ thì phải. Nhưng lúc ấy là con ma tre nó làm. Sợ lắm. Nó xui bác chứ bác có dám đâu. Hì hì... mà trẻ con nói mãi chuyện ấy làm gì!
- Thôi được rồi. Giờ có chuyện gì bác nói đi để chúng cháu còn đi tắm đây.
Với vẻ xun xoe nhưng lại ra điều quan trọng, tay phó cối thì thào vào tai lũ trẻ:
Đúng là có biết cô Hớn chứ gì? Thật không?
- Thân là đằng khác. Cô ấy hay cho chúng cháu khế lắm.
- Thì nghe đây... Lời con ma tre bị mùi tỏi bay mất rồi. Bây giờ có ta với các ngươi... Các ngươi sát gần lại đây. Gần nữa...
Gã phó cối ra vẻ kép tuồng, đưa tay vuốt râu, mắt chớp chớp, quay phải, quay trái rồi e hèm:
- Các khanh nghe trẫm phán đây. Trẫm giờ đang là cối vương, vua cối hiểu chưa... A a... bá quan văn võ... Các tiểu tướng ngõ gạch, xóm chuôm, xóm mít...
- Dạ... - Bọn trẻ hào hứng theo. Mặt chúng hiền hoà lại.
- Trẫm hôm nay có việc đại sự phải nhờ đến các khanh ra tay. Vốn là trẫm với ả Hớn nay có duyên nợ từ luỹ tre làng mà... các khanh đã từng bắt được... Nay trẫm ngày quên ngủ, đêm quên ăn... Lúc nào cũng nhớ tới nàng. Vậy thế cho nên trẫm ra lệnh nhờ các khanh mang giúp trẫm một vật này tới tay nàng, có được không... hả? - Phó cối đảo mắt rồi nháy mắt với lũ trẻ.
- Nhưng vật gì cơ chứ?
- Từ từ...Tay phó cối lấy từ hòm đồ nghề ra một gói nhỏ. Anh ta đưa lên mũi hít hà rồi ấp vào ngực. Người phó cối rung lên rồi khuỵu xuống. Đầu anh ta lảo đảo như lên đồng. Bất thần phó cối ngẩng phắt lên mắt trợn trừng. Đôi tay gã múa may rối rít rồi thọc tay vào túi lấy ra một bọc vải, gói vuông, buộc lạt giang cẩn thận với giọng run run vẻ quan trọng:
- Đây là lễ vật của trẫm gửi đến nàng. Nay ta mang đến không tiện, vậy nhờ các khanh mang đi giúp... Được không...? Các khanh là những hổ tướng, mã tướng của trẫm lẽ nào không làm nổi. Được hay không nào hỡi các ái khanh? Trả lời mau lên để ta còn ban thưởng!
Tiếng "ban thưởng" kéo dài. Bọn trẻ thấy khoái trò đóng vua của gã phó cối nên cứ tít mắt xem. Đến đoạn. Gã nói: "Được không" bọn trẻ mới cùng đồng thanh hét lên: "Dạ dạ...!".
Đứa lớn nhất cầm gói đồ phó cối đưa cho cùng những đồng tiền thưởng ùa reo. Khi bọn trẻ chạy đi rồi phó cối còn chạy với theo, dặn tiếp:
- Kín miệng nhé, các khanh... Xong việc này trẫm còn thưởng to hơn lần này. Mỗi đứa một con tò he cầm đao, cầm kiếm...
Bất ngờ cánh cổng nhà Hớn mở toang. Bà Cự mặt hằm hằm bưng nồi cấn nước bẩn từ trong ra hắt thẳng về phía phó cối đang rập rình trước cổng cùng chất giọng the thé như vải xé:
- Kín với chả đáo này. Cha mẹ tổ sư cái quân thối giống nhà mày. Mày quyến rũ con bà. Mày làm hại con bà. Cái mặt phó cối trơ tráo nhà mày không biết dơ hay sao mà còn dám vác đến đây trêu ngươi mẹ con bà. Đồ chuồng trồ, chuồng hôi. Ối làng nước ơi... Bà con ơi... ra mà xem này. Cái quân làm tan cửa nát nhà người ta...
Có tiếng cãi cọ to, hàng xóm đổ ra xem. Gã thợ cối thấy người đông, sợ hãi vuốt cái mặt đầy nước bẩn gánh vội gánh đồ đi như chạy. Bà cụ Cự vẫn chưa nguôi cơn lửa, đằng đằng sát khí nhặt đá, nhặt gạch bên rãnh ném theo cùng những lời nguyền rủa còn nanh nọc hơn trước. Vì sự đức hạnh của con gái người mẹ có thể bất chấp mọi cái...
Cùng lúc ấy bọn trẻ đã vòng sang ngõ bên kia. Chúng vòng ra sau nhà bà cụ Cự. Chúng men theo lưng nhà đến bên cánh cửa đập đập:
- Cô Hớn ơi... Cô Hớn ơi, cô ở đâu?
- Cô Hớn ơi...
- Đây! Đây...
- Đâu?
- Đây kia mà!
Giọng Hớn thì thào, nhỏ nhưng rõ.
- Cô ở đâu.
Hớn dán mắt vào vách, hé mắt nhìn qua khe liếp:
- Đây, đây...
Giọng Hớn hổn hển, lại nhỏ, có lúc hụt hơi. Hớn sợ mẹ nghe tiếng.
Bọn trẻ vẫn chưa nhận ra chỗ cô Hớn. Mãi sau thấy tiếng cánh cửa lùng bùng ở đầu nhà chúng mới chạy tới. Cùng lúc cửa sổ buồng của Hớn bật mở. Sau hàng song gỗ, mặt cô tái dại, tóc xõa ra trông như người điên. Bọn trẻ nhìn thấy, sợ quá chúng kêu toáng lên:
- Bà điên. Cô Hớn điên rồi chúng mày ơi.
- Không... không mà... cô không... cô không sao thật mà! Các cháu lại gần đây. Gần nữa vào, đừng sợ.
Hớn nói như khóc. Mãi sau Hớn phải nở nụ cười như mếu, lấy tay vuốt lại mái tóc xõa, bọn trẻ mới dám lại gần cửa sổ:
- Cô không điên thật chứ?
Hớn mếu máo đưa hai tay ra ngoài cửa sổ vẫy vẫy:
- Thật mà. Cô có điên đâu mà chúng mày sợ. Tại mẹ cô nhốt cô trong buồng, cô kêu khóc đòi ra nên người mới nên nông nỗi này. Nào, lại gần đây. Có gì mà gọi cô thế... Muốn ăn khế hả, cổng bà đóng rồi. Để lúc nào cổng mở cô ra vườn cô nhặt khế cho. Dạo này khế chín nhiều lắm rồi!
Vừa nói Hớn vừa khóc. Nước mắt chảy thành dòng xuống hai gò má gầy nhô của cô khiến bọn trẻ thấy mủi lòng. Thằng lớn tuổi nhất đám nhìn trước ngó sau rồi nói nhỏ cho Hớn nghe:
- Cô có quà đấy. Chú phó cối bảo chúng cháu đưa cho cô. Nhưng cô phải không được nói cho ai đấy. Chú phó dặn thế.
- Quà? Chú phó cối. Đâu? Đưa cô xem nào... - Mặt Hớn dãn ra, hớn hở, rối rít.
Hớn ríu lại. Chân tay cô cuống cuồng, vẫn đứa trẻ lớn tuổi nhất đám trẻ nhìn trước nhìn sau không thấy ai mới vội cho tay vào túi quần lấy ra gói vải đưa vội cho Hớn.
- Cô cất nhanh đi không bà biết thì chết.
Chẳng kịp cảm ơn lũ trẻ, Hớn đóng sập cửa sổ lại và vồ lấy gói quà như con mèo đói vừa gặp chuột. Ôm gói quà vào lòng tay Hớn vần vụ, hít hà hơi vải và rối rít mở ra xem. Đôi tay Hớn như chẳng còn gân cốt. Cô ôm chặt món quà vào lồng ngực mình, người lẩy bẩy như cây non rồi đổ gục lên sàn nhà lúc nào không biết.
Trên khuôn mặt Hớn, tấm khăn màu cháo lòng của anh phó cối hay vắt vai lau mồ hôi giờ thành món quà, thở phập phồng trên mũi cô.