N
hững ý nghĩ trong đầu tôi như lửa cháy dữ dội (tôi, em, đôi tất chân của em, điện thoại di động của em, Benji) và khi tôi bị như thế này, tôi chỉ có một nơi duy nhất để đến. Tôi đi bộ tới hiệu sách, đi vòng ra đằng sau và mở khóa cửa hầm. Tôi đóng cánh cửa sau lưng lại và đứng ở khoảng hành lang mà đối với Curtis, hay đối với bất kì người nào khác, chỉ giống như một cái tủ chứa đồ, không hơn. Tôi lục túi lấy chìa khóa để mở cánh cửa tiếp theo, cánh cửa cuối cùng ngăn cách giữa hiệu sách và tầng hầm cách âm. Tôi khóa cánh cửa ở sau lưng mình và khi chạm được đến tầng đáy thì tôi khẽ mỉm cười bởi vì nó đây rồi, lãnh địa xinh đẹp, rộng lớn và hoang dại – cái lồng của chúng ta đang ở đây rồi.
Cái lồng thực sự không phải là từ thích hợp cho lắm, Beck ạ. Thứ nhất, nó to khổng lồ, lớn gần bằng khu vực sách hư cấu ở tầng trên. Nó không phải là cái bẫy kim loại kỳ cục mà em thường thấy trong nhà tù hay trong cửa tiệm cho thú cưng đâu. Nó giống một phòng cầu nguyện hơn là một cái lồng và tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như Frank Lloyd Wright có nhúng tay vào việc thiết kế ra nó, chỗ những dầm gỗ gụ rắn rỏi, nặng nề nhưng mịn màng ấy. Những bức tường làm từ ván công nghiệp thông minh, không phá vỡ được nhưng lại rất thoáng khí. Nó thần bí lắm, Beck ạ, rồi em sẽ thấy. Quá nửa số thời gian, khi những người sưu tầm sách đến đây ký séc mua những cuốn sách cổ, tôi đã nghĩ rằng họ bị cái lồng bỏ bùa. Và nó cũng rất hữu dụng nữa nhé. Có một cái nhà tắm, một quầy rửa mặt bé xíu cùng một nhà vệ sinh cũng bé xíu nốt bởi vì ông Mooney sẽ chẳng bao giờ lên gác để tìm chỗ làm mấy thứ tầm thường như đi thải độc ruột cả. Những cuốn sách ở trên giá cao chỉ có thể trèo thang lên mới lấy được. (Chúc may mắn nhé, lũ trộm). Có một cái tủ kéo nhỏ gắn trên tường bao, loại họ vẫn dùng ở những trạm xăng trong khu phố nghèo. Tôi mở cửa ra và đi vào trong. Giờ tôi đang ở trong lồng, nhìn lên những cuốn sách và mỉm cười. “Chào chúng mày!”
Tôi tháo giày ra và nằm xuống ghế. Tôi gập cánh tay ra sau đầu và kể cho những cuốn sách nghe về em. Chúng nó lắng nghe tôi chăm chú lắm, Beck ạ. Tôi biết nói thế nghe có vẻ điên khùng nhưng thật sự là như vậy mà. Tôi nhắm mắt lại. Tôi nhớ về ngày chúng tôi có được cái lồng này. Lúc đó tôi chỉ mới mười lăm tuổi và đã làm việc cho ông Mooney được mấy tháng rồi. Ông ấy bảo tôi đến hiệu sách lúc tám giờ đúng để đợi xe tải chở hàng. Tôi đã đến đúng giờ, nhưng người giao hàng của Custom Acrylics mãi mười giờ mới tới. Anh ta ngồi trong buồng lái và vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đi ra ngoài. Ông Mooney bảo tôi đứng yên quan sát khi người lái xe đang la ầm lên ở phía bên kia xe tải, “Có phải hiệu sách của ông Mooney không?”
Ông Mooney nhìn tôi, tỏ vẻ kinh tởm lũ vô học - những kẻ không cả thèm bận tâm đọc tấm biển hiệu treo phía trên hiệu sách. Ông ấy nhìn người lái xe.
“Cậu có mang cái lồng cho tôi không?”
Người lái xe gắt gỏng. “Tôi không thể mang cái lồng này vào trong hiệu sách được. Các bộ phận vẫn đang ở dạng rời, ông ạ. Mấy cái dầm dài hơn bốn mét còn phần tường thì quá rộng, khó đi qua cái cửa kia lắm.”
“Cả hai cánh cửa đều mở ra rồi.” Ông Mooney nói. “Và chúng ta đâu có thiếu thời gian đâu?”
“Đây không phải vấn đề thời gian.” Anh ta khịt mũi, liếc nhìn về phía anh bạn đi cùng trên xe và tôi biết cả hai người họ đều không đứng về phía chúng tôi. “Tôi nói câu này rất là kính trọng chứ không có ý gì đâu, ông ạ, chúng tôi thường lắp đặt những bé cưng này ở sân rộng, dinh thự hoặc khu vực không gian mở cơ, ông hiểu không?”
“Tầng hầm nhà tôi vừa to lớn vừa là không gian mở.” Ông Mooney nói.
“Ông thực lòng tin rằng có thể cho được cái con quái vật ngu xuẩn này vào trong hầm á?”
Ông Mooney nghiêm giọng. “Đừng có chửi thề trước mặt thằng nhỏ.”
Mấy anh trai đã phải đi qua đi lại ít nhất là hai chục lần, mang dầm và ván tường ra khỏi xe tải, băng qua cửa hàng, rồi đi xuống bậc thang. Ông Mooney nói không cần phải thương xót cho họ. “Họ đang lao động.” Ông nói với tôi. “Lao động là việc tốt cho tất cả mọi người, Joseph ạ. Con cứ quan sát thôi.”
Tôi đã chẳng thể tưởng tượng được cái lồng trông sẽ như thế nào khi nó được hoàn thành, đấy là nếu nó thực sự được hoàn thành nhé. Mấy cái dầm có màu tối và cũ rích trong khi bốn bức tường bao quanh trong suốt và được làm theo phong cách hiện đại. Tôi đã chẳng thể tưởng tượng ra chúng khi được ghép nối lại với nhau sẽ thế nào cho đến lúc ông Mooney gọi tôi xuống dưới. Tôi đã cực kỳ ngạc nhiên. Và mấy người vận chuyển cũng thế. “Cái này to nhất trần đời ấy,” người vận chuyển vã mồ hôi, “Ông định nuôi vẹt châu Phi trong này à? Tôi đặc biệt yêu những con chim ấy. Chúng nó nói chuyện vui lắm nhé.”
Ông Mooney chẳng buồn trả lời. Tôi cũng thế.
Anh kia tiếp tục tìm cách vớt vát. “Cái giá sách của nhà ông có vẻ hơi cao quá, ông ạ. Ông có muốn chúng tôi dỡ bớt xuống không? Phần lớn mọi người muốn giá sách ở tầm trung trung, ngang tay với, ông ạ.”
Ông Mooney nói, “Tôi và cậu nhóc này còn rất nhiều việc phải làm.”
Người lái xe gật gật đầu. “Ông có thể thả rất nhiều chim vào đây đấy. Xin lỗi vì đã chửi thề nhé ạ!1”
1 Nguyên văn: Pardon my French! Người nói xin lỗi vì ở câu trước người này dùng “a shit ton” để chỉ một đống, rất nhiều.
Sau khi họ đi, ông Mooney khóa cửa hiệu sách lại và bảo tôi là cái lũ ngu giao hàng kia chẳng tốt đẹp hơn mấy kẻ nhà giàu hung bạo, luôn giữ chim trong lồng là bao. “Trên đời này làm gì có cái lồng nào cho chim bay được hả Joseph?” Ông nói. “Thứ duy nhất còn dã man hơn một cái lồng nhỏ mà chim không bay ra được là một cái lồng thật lớn, nơi mà con chim nghĩ rằng nó có thể bay. Chỉ có quỷ dữ mới nhốt một con chim vào đây và tự phong mình là người yêu động vật.”
Cái lồng của chúng tôi chỉ để nhét sách vào và ông Mooney thực sự không đùa đâu. Chúng tôi đã làm rất nhiều thứ. Những người thợ trám keo vào trong tường để cách âm toàn bộ tầng hầm. Một số thợ khác thì đến, xây và mở rộng bức tường phía sau của hiệu sách để cánh cửa tầng hầm mà ai ai cũng thấy có thể mở ra một hành lang chứa đựng cánh cửa thực sự dẫn đến tầng hầm. Chúng tôi đã xây dựng một căn phòng cách âm thuộc dạng căn cứ bí mật trên trái đất này, khiến tôi mỗi ngày thức dậy đều cảm thấy phấn khích. Tôi phụ ông Mooney bọc bìa cho những cuốn sách đặt trong những cái hộp đựng sách bằng nhựa vừa vặn (nhẹ tay thôi, Joseph) trước khi đặt chúng, những cuốn sách đã bọc, vào trong những cái hộp nhựa lớn hơn có lỗ thông khí (nhẹ tay thôi, Joseph). Sau đó, ông lại đặt những cái hộp nhựa lớn hơn đó vào trong một cái hộp kim loại lớn hơn chút nữa (nhẹ tay thôi, Joseph), có nhãn dán và ổ khóa. Khi chúng tôi có cỡ mười cuốn sách hoặc tầm tầm đó rồi, ông ấy sẽ trèo lên cái thang trong lồng còn tôi sẽ ở dưới, đưa đám sách đó lên cho ông (nhẹ tay thôi, Joseph), và ông sẽ đặt chúng lên những cái ngăn siêu cao của giá sách. Tôi đã từng hỏi ông ấy tại sao lại phải thực hiện nhiều công đoạn rắc rối đến thế với những cuốn sách. “Sách có bay được đâu ạ?” Tôi hỏi. “Chúng có phải là chim đâu.”
Ngày hôm sau, ông ấy mang cho tôi một bộ búp bê Nga. “Mở ra đi.” Ông bảo. “Nhẹ tay thôi, Joseph.”
Tôi mở một nửa con búp bê và lấy ra được một con khác từ bên trong, rồi lại mở một nửa và lấy ra được một con nữa, cứ như thế cho tới con cuối cùng không mở ra được nữa, con búp bê nguyên vẹn duy nhất trong cả đám. “Những gì quý giá nhất phải được giấu đi cẩn thận.” Ông nói. “Nếu không sẽ có chuyện đấy.”
Và bây giờ hình ảnh của em xuất hiện trong đầu tôi, em của tôi còn xinh đẹp hơn cả một con búp bê và em sẽ thích ở đây lắm đấy, Beck ạ. Em sẽ thấy nó như một thánh đường cho những cuốn sách linh thiêng, cho những tác giả mà em thích. Em sẽ choáng ngợp vì tôi, giáo chủ của chốn này, và tôi sẽ cho em thấy cái điều khiển điều hòa không khí và máy tạo độ ẩm ở đây. Em sẽ muốn giữ nó và tôi sẽ để cho em làm thế; tôi sẽ giải thích rằng nếu tôi muốn, tôi có thể làm nóng khu vực này lên để nấu chín hết đám sách này và chúng sẽ biến thành tro bụi, tan biến mãi mãi. Nếu trên trái đất này có tồn tại một cô gái tôn thờ sức mạnh của tôi thì em, cô gái đáng yêu, bí ẩn đi đôi tất vàng nhỏ xinh, mang trong mình ước mơ viết được thứ gì đó hay ho để bước chân vào chiếc lồng này, chính là cô gái đó.
Chết tiệt. Em tuyệt quá. Tôi đang cố gắng để “giữ mình” lại đây. Tôi phải làm việc này thật nhanh. Nhẹ tay thôi, Joseph.
Đã gần đến giờ mở cửa hiệu sách, tôi hít một hơi rồi đi lên trên tầng. Ông Mooney đã nghỉ hưu rồi nên chỉ còn hai người làm việc ở đây thôi. Nhóc Curtis đang học trung học, gần giống như tôi hồi xưa vậy. Nhóc ấy cũng làm những việc ngu xuẩn y như tôi từng làm. Ví dụ như hồi tôi mười sáu tuổi, ông Mooney đưa cho tôi chìa khóa, và không có gì là khó hiểu khi một đêm nọ, tôi đã quên khóa cửa.
“Con thật đáng thất vọng, Joseph ạ.” Ông Mooney nói, hồi đấy ông ấy trẻ tuổi hơn bây giờ nhưng trông vẫn già lắm, ông ấy là loại người trông không bao giờ thực sự trẻ cả. “Con làm ta thất vọng và con làm những cuốn sách thất vọng nữa.”
“Con xin lỗi.” Tôi nói. “Nhưng ở nhà con, mọi người thường không bao giờ đóng cửa phòng nhỏ hay cửa chính.”
“Đó là vì bố đẻ của con ngu như lợn ấy, Joseph ạ.” Ông nói. “Thế con có ngu như ông ấy không?”
Tôi bảo không.
Mấy ngày sau, tôi chui vào lồng và lấy ra một cuốn sách kinh điển còn mới là Franny và Zooey, bản in đầu tiên, có chữ ký đàng hoàng. Tôi có thể tự tin nói rằng cuốn này hay xuất sắc, hay hơn cảBắt trẻ đồng xanh đấy. Tôi yêu cuốn này lắm, Beck ạ. Một cuốn sách tuyệt vời làm sao! Thỉnh thoảng, tôi vẫn hay lật lại trang đầu tiên để di di ngón tay lên chữ ký của Salinger. Nếu muốn được làm như tôi, em sẽ phải trả một ngàn hai trăm năm mươi đô-la đấy. Nhưng tôi thì không phải trả. Và cả người phụ nữ đã lấy trộm nó từ quầy thu ngân cũng thế.
Nếu gặp lại, tôi có thể nhận ra bà ta ngay lập tức. Bà ta có mái tóc màu đỏ và đeo khăn quàng kiểu Ba Tư, tầm khoảng ba mươi tuổi, có khi ba nhăm gì đó. Bà ta đã thanh toán bằng tiền mặt. Tôi đã bảo ông Mooney là tôi sẽ làm thêm giờ để bù vào chỗ tiền bị mất ấy và tôi hứa rằng tôi sẽ tìm bằng được bà ta. Tôi trốn học và rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm cho tới khi ngón chân tôi chảy máu. Nhưng thực quá khó để tìm ra một người phụ nữ khi mình không biết tên cũng không biết địa chỉ của bà ta. Ông Mooney bắt tôi phải đi vào trong lồng và nhắm mắt lại. Tôi đã sợ lắm. Khi tôi nghe tiếng khóa cửa, tôi biết là tôi bị nhốt vào trong rồi.
Tôi đã chẳng có thang, thế nên chẳng với được cuốn sách nào cả. Em không thể cứ thế bước vào bảo tàng Louvre và hôn nàng Mona Lisa được. Tôi chẳng có điện thoại, không ánh sáng mặt trời và cũng không có bóng tối. Tất cả những gì tôi có chỉ là bộ não của tôi và tiếng điều hòa ro ro chạy, cùng vài miếng pizza (nguội lạnh, vì hơi nóng sẽ không tốt cho những cuốn sách cũ) mỗi ngày, và cà phê (ấm áp trong chiếc cốc kiểu Hy Lạp), cả hai thứ này được ông Mooney nhét vào trong cho tôi qua tủ kéo. Không còn khái niệm về ngày và đêm. Ông Mooney quan tâm tới tôi cho nên mới dạy tôi một bài học. Và tôi đã học được bài học ấy.
Ông cho tôi ra ngoài vào ngày 14 tháng Chín năm 2001, tức là ba ngày sau ngày 11 tháng Chín. Cả thế giới đã thay đổi hoàn toàn và ông Mooney bảo là bố ruột tôi đã chẳng gọi cho tôi lấy một cuộc nào vì ông ấy tưởng tôi đã chết. “Con tự do rồi, Joseph ạ.” Ông nói. “Hãy khôn ngoan vào.”
Sau thời gian đó, tôi cũng không dành nhiều thời gian ở nhà nữa. Việc từ từ biến mất chẳng khó khăn gì. Mẹ tôi bỏ đi hồi tôi học cấp hai vì thế khi lớn lên, tôi hiểu rằng bỏ nhau cũng chẳng có gì là khó cả, nhất là khi bỏ một người như bố tôi. Nói thế chứ, tôi không cảm thấy buồn thương gì cho phận mình đâu, Beck. Nhiều người có bố mẹ tồi lắm, họ thu mình trong những căn phòng nhỏ vừa tối vừa bẩn, ăn tối qua loa với bánh Pop-Tarts1, và có một cái TV hiếm khi hoạt động được cùng một người bố chẳng mảy may quan tâm gì khi con trai mình không về nhà lúc thảm họa xảy ra. Tôi là người may mắn, thật đấy. Tôi có cả một hiệu sách cơ mà.
1 Một nhãn hiệu bánh kẹp có nhân nhiều vị của Mỹ.
Để nuôi một đứa trẻ lớn lên thì cần gì cả làng cả xóm đâu. Ông Mooney là ông chủ và cũng là người cha mà tôi muốn phụng dưỡng. Tôi tiếp tục tìm kiếm tên trộm cuốn sách Franny và Zooey và vì thảm họa 11.9 vừa xảy ra nên tôi không một mình. Tất cả mọi người ai cũng như tôi, tìm kiếm khắp phố phường. Người ta muốn tìm kiếm gia đình của họ, còn tôi muốn tìm kiếm tên trộm. Có rất nhiều tờ rơi tìm người mất tích xuất hiện trong thành phố. Tôi giả vờ bà kia là mẹ của mình. Tôi cố lắm nhưng vẫn không tìm ra được bà trộm, thỉnh thoảng tôi nghĩ bà ta có thể đã chết ở trong tòa tháp đôi kia rồi, đúng là chịu nghiệp. Nhưng phần lớn thời gian thì tôi nghĩ bả vẫn sống ở đâu đó ngoài kia và đang đọc cuốn sách.
Tôi đang ở trong khu vực sách hư cấu từ L-R khi tiếng chuông cửa vang lên và tôi sẵn sàng rồi. Em nói với các cô bạn của em là em sẽ loanh quanh ở đây trong khoảng thời gian này. Tôi biết thế bởi vì tôi đang giữ điện thoại của em và em chẳng phải kiểu con gái biết đường khóa điện thoại lại bằng mật khẩu bốn số. Tôi đã đọc hết các e-mail của em. Tôi đã chụp lại những dòng mật khẩu mà em lưu trong thư mục mật khẩu. Bằng cách này, khi em đổi mật khẩu, nếu thực sự có ngày em đổi, thì tôi sẽ có sẵn một số phương án về mật khẩu của em. Em không phải kiểu con gái sẽ dụng tâm nghĩ ra mật khẩu mới. Em chỉ quay vòng sử dụng ba cái mật khẩu này thôi:
Ackbeck1027
1027meME
1027BECK$Ale
Thế tốt hơn rồi đấy. Em không muốn nói với mẹ là em lại làm mất thêm một cái điện thoại nữa. Em đã mua một chiếc di động mới, cài số mới, với một kế hoạch mới. Tôi biết tất cả những chuyện đó bởi vì cái điện thoại di động cũ của em vẫn còn hoạt động. Tôi đã đọc cái e-mail gửi hàng loạt mà em gửi cho tất cả bạn bè để thông báo với họ rằng em có số điện thoại mới bởi vì tôi có thể đọc toàn bộ e-mail của em! Phản ứng của Chana giống như đang sỉ nhục em vậy:
Cái mẹ kiếp gì nữa? Hãy bảo mẹ cậu là cậu đã mất điện thoại rồi và ngắt kết nối cái thứ chết tiệt đó ngay đi. Kẻ ăn cắp danh tính! Mấy tên biến thái nữa! Beck, tớ nói thật đấy. Hãy kể cho mẹ cậu chuyện này đi. Bà ấy sẽ hiểu mà. Mọi người vẫn hay mất điện thoại đấy thôi. Ngắt kết nối cái điện thoại đó đi. Cái chuyện này có gì là khó khăn đâu nhỉ?
Em nhắn lại:
Cái điện thoại giờ này hẳn đã bị quăng vào thùng rác rồi, đúng thế, chuyện này không khó khăn đến thế đâu. Nếu ai đó cầm được nó thì sao chứ, tớ chỉ là một thạc sĩ nghệ thuật nghèo túng với mấy khoản nợ mà thôi. Ai thèm ăn cắp cái danh tính đó chứ? Còn nếu ai đó nghĩ rằng tớ xinh đẹp đến mức họ muốn cho những tấm ảnh “tự sướng” của tớ lên mạng thì tớ sẽ cảm thấy mình thực sự xinh đẹp đấy. Hihi đùa thôi. Nhưng nói thật là như thế này ổn mà. Tớ muốn có một cái di động mới từ lâu rồi. Tớ yêu số điện thoại mới của tớ!
Chana đã không tin tưởng gì em cả:
Nếu cậu bảo họ là cậu mất điện thoại rồi thì kiểu gì họ chẳng cho cậu cái điện thoại mới. Mẹ cậu sẽ biết ngay là cậu làm mất điện thoại khi mà cậu có cái số điện thoại mới đây này. Chưa kể đến chuyện: Tiềnnnn.
Em cứng đầu bảo:
Bình tĩnh đi, C. Tớ đã bảo mẹ tớ là tớ đổi số bởi vì tớ muốn có số New York. Mẹ tớ còn chẳng biết nhắn tin ra làm sao, chứ đừng nói là đọc hóa đơn. Như thế ổnnnnnn mà. Còn tiền á? Sao cũng được. Tiêu thêm ít tiền nữa cũng không chết, cậu biết mà?
Chana không trả lời nữa, còn tôi thì thấy yêu mẹ em thật đấy (Cảm ơn mẹ!) và tôi yêu em, cô bé thảo mai bé nhỏ ạ! Cái điện thoại cũ (nhưng vẫn chạy tốt) của em là một cuốn từ điển sống về cuộc đời em và nó vẫn sẽ rộng mở cho tôi nghiên cứu chừng nào mẹ em còn trả tiền hóa đơn điện thoại. Tôi ghi được một điểm rồi! Ôi, Beck ơi, tôi vô cùng yêu thích việc đọc những e-mail của em để tìm hiểu về em. Mà tôi rất cẩn thận nhé, lúc nào tôi cũng đánh dấu những tin nhắn mới là chưa đọc để em không bị cảnh giác. Vận may của tôi chưa dừng lại ở đó. Em thích dùng e-mail hơn các kênh khác. Em không thích nhắn tin. Thế nghĩa là tôi cũng không bị bỏ sót nhiều lắm những mối quan hệ giao tiếp của em. Trong một bài luận văn nào đó mà em viết cho blog, em đã khẳng định như thế này: E-mail sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng ta có thể tìm kiếm bất cứ từ ngữ nào, vào bất cứ lúc nào và có thể thấy được tất cả mọi thứ mà chúng ta nói với mọi người về cái từ ngữ đó. Từ ngữ đi khắp mọi nơi. Tôi yêu cái cách em muốn lưu lại tất cả mọi thứ. Tôi yêu những bản lưu lại của em vì chúng rất dễ truy cập và tôi đã hiểu tất cả về em, lịch tiêu thụ calo của em, kỳ kinh nguyệt để tính cho những ngày hẹn hò “tình một đêm”, những bức chân dung tự chụp mà em chưa từng công khai, những công thức nấu ăn và các bài tập của em nữa. Em sẽ sớm biết những điều tương tự về tôi thôi, tôi hứa đấy.
Bắt đầu từ hôm nay. Vì em đang ở đây rồi.
“Chờ đã.” Tôi gọi với lên, cứ như thể tôi không biết rằng em đang ở trên đó và tôi thật là một kẻ nói dối trắng trợn. Tôi trèo lên những bậc thang, đi vào những giá sách và em ở đấy với chiếc váy kẻ sọc và đôi tất đến gối - tôi chắc chắn rằng em ăn mặc thế này là vì tôi đấy. Tôi chắc chắn. Em đang cầm một cái túi xách dạng tái chế màu hồng.
“Tu tu xình xịch, tàu số 9.” Tôi nói và em khúc khích cười, thật tuyệt khi có thời gian để chuẩn bị sẵn cho việc này. “Có chuyện gì thế?”
Tôi đến ôm em và em để cho tôi ôm, hai người chúng ta vừa khít lấy nhau. Cánh tay của tôi vòng qua em. Tôi có thể ôm em ngạt thở đến chết đi sống lại nhưng tôi dừng lại trước vì tôi biết bọn con gái sẽ cẩn trọng với những việc kiểu như thế này, bản năng tự nhiên của em đã bị TV và tạp chí các kiểu phá hỏng đi rồi.
“Em mang cái này đến cho anh.” Em thì thầm.
“Đừng thế chứ.”
Em đáp, “Nên thế mà.”
“Em đâu cần phải làm thế.”
“Em đã không chết.” Em khúc khích cười. “Thế nên em làm việc này.”
Chúng tôi đang tiến về phía trước và tôi biết tại sao chúng tôi lại cùng tiến về phía trước như thế. Em muốn tôi. Em muốn tôi ở đây. Em biết là nếu chúng ta ở lại đằng kia thì tôi sẽ ấn em vào dãy sách hư cấu F--K và tặng em một món quà nhưng tôi lại đang ở đằng sau quầy thanh toán và ngồi xuống như đã định – hai tay tôi vòng ra sau đầu, tôi ngả người ra đằng sau, khẽ đưa chân lên, và cái áo phông màu xanh thủy thủ của tôi vén lên, đủ để em thấy được khu vực giữa của tôi – em cần có thứ để mơ mộng mà – rồi tôi mỉm cười.
“Cho anh xem em có gì nào, bé con.”
Em đặt nó lên quầy tính tiền và tôi hạ thấp chân xuống, đẩy người lên và nhoài qua quầy tính tiền. Tôi có thể chạm vào em. Tôi đang rất gần em và tôi biết em thích mùi nước hoa của tôi bởi vì em và Chana đều tỏ vẻ khát khao sau khi gặp người bartender dùng loại nước hoa này, chính vì thế mà tôi mua nó. Tôi đang mở gói quà ra, gói quà em tặng tôi.
Đó là cuốn Mật mã Da Vinci bằng tiếng Ý. Em vỗ tay và cười, còn tôi yêu lắm cái sự sốt sắng nhiệt thành của em - đấy là một cái năng khiếu cực kỳ tự nhiên, tự nhiên hơn cả chuyện viết lách, đó là bản năng của sự cho đi. Em là kiểu người thích cho đi.
“Mở ra đi.” Em nói.
“Nhưng anh không biết tiếng Ý.”
“Không phải cả cuốn sách này đều bằng tiếng Ý đâu.”
Tôi mở trang giữa ra để chứng minh rằng em đã sai, còn em thì giằng lấy cuốn sách và đặt nó lên quầy.
“Em đã bảo là trang đầu tiên viết bằng tiếng Anh mà. Anh mở ra đi.”
Tôi mở ra. “Ồ.”
“Đúng thế đấy.” Em nói. “Anh đọc đi.”
Đây rồi, chữ viết của em bằng mực đen. Em viết cho tôi:
“Tu tu xình xịch, tu tu xình xịch
Tàu số 9 lịch kịch trên đường ray New York
Này cô em, nếu say quá trên sân ga
Đừng ngại gọi tên ta, gọi tên ta”
Tôi đọc to đoạn thơ lên. Tôi biết em đã sáng tác ra những dòng này, em đã vỗ tay ở đoạn cuối và em còn viết chúng ra đây nữa. Em thực sự đã yêu cầu tôi đỡ em lên, em gật đầu và cái tên của em rõ rành rành ở đó khiến tôi không còn ngại gọi em nữa.
“Cảm ơn, Guinevere.”
“Là Beck.”
Tôi nhấc cuốn sách lên. “Nhưng cũng là Guinevere.”
Em công nhận bằng một cái gật đầu. “Không có gì, anh…”
Tôi đã bỏ quên cái thẻ tên ở trong lồng. Em giả vờ là em không nhớ tên tôi nên tôi nhắc em. “Joe. Goldberg.”
“Không có gì, anh Joe Goldberg.” Em nói, thở dài và phụng phịu, “Nhưng như thế này cứ sai sai sao ấy, phải không, em đến đây để cảm ơn anh thế mà bây giờ em lại nói không có gì.”
“Anh bảo thế này, em nhé.” Tôi nói đoạn này chậm rãi thong thả, thực ra tôi đã luyện tập để nói cho đúng. “Bây giờ hai ta đều còn sống cả, xung quanh đây thì không ai hát hò gì, và em tặng anh món quà ngọt ngào này, một món quà cực kỳ tuyệt vời bởi vì trong số tất cả những cuốn sách mà bọn anh có ở đây, không hề có cuốn Dan Brown bằng tiếng Ý…”
“Em thấy rồi.” Em khẽ nói, nháy mắt và cười nghịch ngợm với tôi.
Tôi hít thở. Đây rồi, bước tiếp theo sẽ là thế này. “Hôm nào mình hãy ra ngoài uống chút gì đi.”
“Chắc rồi.” Em nói, khoanh tay lại và em không hề nhìn tôi hay nói đến một khoảng thời gian cụ thể hoặc địa điểm chính xác nào. Các dấu hiệu cho thấy sức hút giữa tôi và em đang dần dần sáng rõ, giống như bức ảnh trong phòng tối vậy – em chẳng viết số điện thoại của em lên sách và em đã đặt tôi vào chính trò đùa của chúng ta – Dan Brown – thay vì đặt tôi vào phần nghiêm túc mà chúng ta từng chia sẻ - Paul Fox - và tôi nghĩ em đang có một dấu hôn trên người. Một cái nhỏ thôi, nhưng vẫn tính là có. Em mua cuốn Paula Fox cho Benji, còn em mua Dan Brown cho tôi.
“Vấn đề là như này.” Em nói. “Em vẫn chẳng tìm thấy cái điện thoại của em đâu cả và em cũng chưa có cái mới, thế nên bây giờ em chưa dám lên nhiều kế hoạch, anh có hiểu không?”
“Hiểu.”
Tôi giả vờ như tôi phải kiểm tra cái gì đó trên máy tính và tôi nghĩ về cái cách mà em e-mail mọi thứ cho bạn bè của em về tôi, cái cách mà em nói nhiều về việc tôi đã cứu em hơn việc em bị ám ảnh về tôi, ám ảnh tới mức em đã giả vờ là em không nhớ gì về tôi cả. Em đã không nói với Chana và Lynn về cách em nghĩ tới tôi khi em cắn cái gối màu xanh của em, về việc em đã lo lắng thế nào và cảm giác bị đe dọa ra sao khi em ở cùng với tôi. Em đã lo lắng và mất tập trung vì tôi tới mức em đánh mất cả cái điện thoại di động của mình, Beck ạ. Em nhớ chứ? Nhưng thay vì nói những điều như thế, em lại e-mail cho bạn bè em về Benji và tôi phải nói về việc đó hoặc tôi sẽ xóa nó đi.
“Thế là em vẫn chưa tìm thấy cái điện thoại à?”
“Dạ không, em nghĩ là em đã để mất nó ở chỗ ga tàu rồi.”
“Nhưng lúc lên xe em vẫn cầm cơ mà.”
“Ờ nhỉ, đúng rồi, nhưng anh bảo, có ai trên đời lại đi nhớ tên hãng taxi không?”
Hãng Premiere của Hạ Manhattan.
“Đúng thật, chẳng ai trên đời lại đi nhớ tên của một hãng taxi cả.” Tôi đồng ý.
Em hỏi mượn cây bút và tôi đưa em một cây, em lấy một trong những cái thẻ đánh dấu sách, lật nó lại rồi viết xuống đó địa chỉ e-mail của em, cái mà tôi đã biết rồi. “Em nói anh nhé.” Em nói trong khi tay nguệch ngoạc. “Em khá là bận với việc học và mấy thứ linh tinh, nhưng anh có thể gửi e-mail cho em và chúng ta sẽ cùng lên kế hoạch.”
“Anh hy vọng em biết rằng những cái thẻ đánh dấu sách kia chỉ dành cho khách đã thanh toán mua hàng thôi.”
Em khúc khích cười và trông em có chút khó xử khi không có điện thoại để vùi đầu vào, rồi em đưa mắt nhìn xung quanh, chờ để được giúp đỡ. Em thực sự có vấn đề với thằng daddy của mình đó, Beck.
“Không có ý gì đâu, nhưng những cuốn sách kia sẽ không biết tự bán mình được, vì thế sao em không đi về đi để anh, hừm em biết đó, quay lại làm việc nhỉ.”
Em mỉm cười, trông an tâm, và em gần như nhún chân khi em quay người đi. “Một lần nữa, cảm ơn anh.”
“Lúc nào cũng được.” Tôi nói. Và đúng như tôi dự đoán, em mỉm cười, không để lộ hàm răng, em không nói tạm biệt và tôi cũng không nói “chúc ngày mới tốt lành” bởi vì chúng ta đều cảm thấy rất dễ chịu khi em cho tôi địa chỉ e-mail còn tôi thì phải chọn xem bản nháp nào sẽ được gửi cho em. Tôi biết em sẽ đến và tôi biết em sẽ cho tôi địa chỉ e-mail vì thế tối hôm qua, tôi đã viết biết bao nhiêu bản nháp cho lá thư điện tử đầu tiên chuẩn bị gửi đến em. Tôi đã thức cả đêm để viết, Beck ạ. Cũng như em vậy. Tôi đã ở trong cái lồng của mình, Beck ạ. Cũng như em vậy.
Tôi đặt cái thẻ đánh dấu sách có viết e-mail của em vào trong cuốn sách Dan Brown bản Ý. Nó vừa vặn đến hoàn hảo.