K
ỳ nghỉ đông kết thúc, ngày đầu tiên đến trường, có điểm danh, Kim Linh không nhịn được kể lại chuyện con cá to cho cô bạn thân Dương Tiểu Lệ nghe.
Dương Tiểu Lệ chớp đôi mắt nhỏ dài, đột nhiên hỏi em một câu: “Bố cậu không phải làm thầy giáo sao?”.
Kim Linh không hiểu ý, hoang mang đáp: “Đúng thế.” Dương Tiểu Lệ lập tức rút ra kết luận: “Cậu nói phét!”.
Kim Linh tức giận, hét lớn với cô bạn thân: “Cậu mới nói phét!” Dương Tiểu Lệ giải thích: “Nếu làm thầy giáo, thế thì không thể có người mang tặng quà lớn như thế cho bố cậu. Đối diện nhà tớ có người làm cục trưởng, nhà ông ấy mỗi dịp Tết đều nhận bao nhiêu cá, đều treo lên ban công phơi, con lớn nhất mới to bằng từng này.” Cô bé dùng tay vạch ra một đường dài.
Kim Linh bực tức hừ mũi, trong lòng cảm thấy Dương Tiểu Lệ quá dung tục, trong mắt chỉ có biết đến những người làm quan, không biết là tri thức cũng có thể sinh ra tài sản. Cô bé nghĩ không biết học kỳ này có nên tiếp tục làm bạn thân của Dương Tiểu Lệ hay không?
Kim Linh lại kể chuyện này với mấy người bạn học khác. Đương nhiên không có ai chịu tin, đều bảo Kim Linh nói phét. Thượng Hải còn nói: “Cậu có nhân độ dài của con cá lên hai lần không?”.
Kim Linh tức đến tối mày tối mặt. Cô bé đeo chiếc cặp sách chứa đầy sách mới được phát lên vai, cong lưng đi về nhà, dọc đường cứ nghiến răng nghiến lợi, ghét bọn bạn học của mình “chỉ biết lợi lộc”, không coi người bố làm thầy giáo của em ra gì.
Theo lệ, vào ngày Kim Linh đi điểm danh này, mẹ sẽ xin nghỉ phép nửa ngày, ở nhà cắt lịch cũ thành từng mảnh, đợi Kim Linh mang sách được phát về sẽ bọc sách. Sách rất nhiều, vở cũng rất nhiều, cho nên đây có thể coi là việc lớn, mỗi lần làm xong, Hủy Tử đều mệt đến hoa mắt chóng mặt, chân tay rã rời.
Kim Linh vừa về đến nhà, Hủy Tử giúp em gỡ chiếc cặp sách nặng trĩu trên lưng xuống, vừa nói: “Không được rồi, phát nhiều sách vở quá!”.
Kim Linh nói: “Thế này đã nhiều gì! Còn một nửa chưa phát đâu ạ!”.
Hủy Tử bắt đầu kiểm kê. Tổng cộng có 12 quyển sách giáo khoa, 3 quyển sách tham khảo, 3 quyển sách luyện tập ngoại khóa, 2 quyển đề bổ trợ, 1 quyển nhạc phổ sáo, 1 quyển tập vẽ, 1 quyển luyện tập chữ đại tự, 1 quyển thiệp chữ bút mực, một ít giấy lâm mô trong suốt, 5 quyển vở ngữ văn, 5 quyển vở toán, 2 quyển vở tiếng Anh. Hủy Tử thầm nghĩ, buổi chiều nay cộng với cả buổi tối chưa chắc đã bọc xong tất cả chỗ sách vở này. Nếu là ngày mai lại phát nhiều như thế này nữa, thì lịch treo trong nhà chưa chắc đã đủ dùng, vẫn phải đến cơ quan xin các đồng nghiệp một ít đem về.
Kim Linh ngồi bên cạnh nhìn mẹ bọc sách, đưa cho mẹ mấy thứ như kéo, băng dính… Hủy Tử nói với em: “Con đừng ngồi chơi, giúp mẹ làm chút chuyện, mở tủ lạnh lấy một khúc cá ra rã đông đi.”
Không nhắc đến cá thì thôi, hễ nhắc đến cá, cơn tức của Kim Linh lại trỗi dậy. Em oán trách nói với mẹ: “Trước khi mổ cá, tại sao mẹ không chụp một tấm ảnh nguyên con cá to?”
Hủy Tử ồ một tiếng, nói: “Đúng thế, sao mẹ quên mất chuyện này! Nếu chụp lại một tấm làm kỷ niệm thì tốt hơn.”
Kim Linh nói: “Các bạn không ai tin con cá của bố lại to như thế.”
Hủy Tử chỉnh lại lời của em: “Không phải là cá của bố, là con cá người ta đem tặng bố.”
Kim Linh lớn tiếng nói: “Việc này thì liên quan gì? Đem tặng cho bố thì là đồ của bố.”
Hủy Tử nhìn Kim Linh với vẻ ngạc nhiên, không biết hôm nay em bị làm sao, sao lại có thái độ gay gắt về chuyện con cá như thế. Con bé này thật là càng ngày càng khác lạ.
Bài tập làm văn đầu tiên sau khi đi học, cô Hình ra đề bài như sau: “xx của tôi”. Cô nói, đây gọi là làm văn dạng “đề bán tự do”, trong một phạm vi nhất định có thể tự do lựa chọn nội dung làm văn.
Trong lòng Kim Linh đầy uất ức, lập tức nhấc bút viết mấy chữ: Bố của tôi. Em vùi đầu viết liên tục, Thượng Hải muốn nhòm xem em viết về cái gì, em lập tức dùng tay che kín, không khách khí nói: “Ra chỗ khác! Có bản lĩnh cậu tự mà nghĩ, đừng xem tớ viết cái gì.”
Khi chuông tan học reo lên Kim Linh vẫn còn chưa viết xong, cô giáo cho phép những người chưa viết xong mang về nhà viết tiếp, vì thế Hủy Tử có cơ hội đọc được bài tập làm văn của Kim Linh:
Bố của tôi
Mẹ của tôi là một biên tập viên, mẹ sùng bái tri thức, xấu hổ khi nói đến tiền, coi thường những đại gia “lưng giắt đầy tiền”. Chỉ mấy năm sau khi bố tôi “làm ăn” ở Thâm Quyến, cũng trở thành một “đại gia” khiến mẹ tôi cảm thấy hổ thẹn. Nhìn bố tôi một thân danh thiếp, giữa lưng giắt máy nhắn tin, trong tay cầm điện thoại di dộng, đeo một chiếc kính gọng vàng, thật là uy phong biết mấy. Chẳng trách cánh lái xe taxi cứ trái một tiếng “ông chủ”, phải một tiếng “ông chủ”, phục vụ hết sức ân cần. Mùa xuân năm nay, bố tôi từ Thâm Quyến trở về, từ sân bay đi taxi về nhà chỉ mất có 20 tệ, bố tôi xòe 1 tờ 50 tệ ra, nói tài xế không cần thối lại tiền. Tôi kêu lên: “Oa! Bố thật là hào phóng!”. Bố tôi giải thích nói: “Trời đổ tuyết to, lại là ba mươi tháng Chạp, người ta ra ngoài lái xe vất vả biết bao.” Ồ! Nhìn bố tôi xem, bố nói thế nào cũng có lý. Mẹ lại mắng bố: “Biến thành đại gia rồi, trong mắt chỉ có tiền!”. Bà nội cũng lo lắng nói: “Tiền nhiều rồi, con người sẽ thay đổi...”. Tôi nói: “Bố nếu kiếm được nhiều tiền hơn, trong ngân hàng gửi cũng không hết, đến lúc đó phải làm thế nào? Tại sao không đem tiền làm chút việc tốt?”.
Nhưng không lâu sau xảy ra một việc, đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của tôi về bố.
Nguyên nhân là cơ quan của mẹ sắp thu vốn để xây nhà, mẹ muốn có một căn nhà chung cư lớn hơn một chút, ở tầng lầu tốt hơn một chút, nên bảo bố góp tiền. Bố lại cứ dùng dằng không làm. Mẹ rất giận, mắng bố một trận qua điện thoại, bố cũng chẳng bận tâm.
Một ngày trong kỳ nghỉ đông, tôi đang ở nhà làm bài tập, bỗng nghe thấy có tiếng chuông cửa. Tôi đặt bút xuống rồi ra mở cửa. Cửa vừa mở ra, tôi sửng sốt đến ngây người: Ngoài cửa có một con cá lớn màu bạc đang “đứng”. Dưới ánh nắng mặt trời và ánh sáng của tuyết phản xạ lẫn nhau, từng chiếc vảy lớn như đồng xu của con cá đều sáng lấp lánh, dường như thượng đế đã ban cho chúng sinh mệnh. Một giọng nói xa lạ cất lên từ phía sau thân con cá khổng lồ: “Hỏi thăm xem, đây có phải là nhà của thầy Kim không?”.
Mẹ từ trong nhà bếp chạy ra, vừa lau tay vào tạp dề vừa mời khách vào nhà ngồi. Anh chàng tặng cá đem con cá khiêng vào bồn tắm, vuốt những giọt mồ hôi trên trán, bấy giờ mới nói nguyên do của sự tình. Hóa ra, thôn của anh ấy ở bên cạnh bờ sông, rất nghèo, gần đây họ có mở một trang trại thả cá, nhưng vì kinh tế khó khăn, tổn thất rất lớn. Họ cầu xin sự giúp đỡ của bố tôi lúc đó đang cắm chốt ở đấy, bố không hề do dự đã quyên tặng 200 ngàn đồng, giúp họ lần nữa khôi phục sản xuất trên quê hương. Không lâu sau, trang trại nuôi cá lại phát triển trở lại, nên họ đã đem con cá “kỳ quan của thiên nhiên” này đến tặng bố tôi.
Tôi vừa nghe được, trong lòng liền nảy sinh một cảm giác ấm áp, ngọt ngào, trong nháy mắt cảm thấy tự hào, kiêu ngạo vô hạn. Tôi cầm một tấm ảnh của bố, trịnh trọng, thân thiết hôn lên, miệng còn lẩm bẩm: “Đúng là bố! Bố đúng là một người bố tốt đúng tiêu chuẩn!”.
Buổi tối mẹ gọi một cuộc điện thoại đến Thâm Quyến, “khen ngợi” bố một trận. Trong điện thoại, bố nói: “Việc này là điều nên làm. Anh người thì ở Thâm Quyến, nhưng tâm hồn trước sau vẫn ở quê hương, anh chỉ hy vọng quê hương có thể từ một con gà trống biến thành phượng hoàng lửa, cất cánh bay cao trên toàn thế giới!”.
Hãy nhìn đi! Bố tôi không phải là một “đại gia” tốt độc nhất vô nhị trên thế gian đấy chứ? Từ đó về sau, mẹ đã thay đổi cách nhìn đối với bố, trở thành “liên quân” của bố. Tôi có một người bố “đại gia” đặc biệt, còn gì mà không hạnh phúc, không được thỏa mãn đây?
Hủy Tử gấp cuốn vở làm văn lại, vạn phần kinh ngạc nhìn Kim Linh: “Bố con đi Thâm Quyến lúc nào vậy? Hơn nữa còn trở thành đại gia? Nhà chúng ta đã bao giờ thấy món tiền to 200 ngàn đồng đâu?”.
Kim Linh hờ hững trả lời: “Thứ con viết là tập làm văn.” Hủy Tử nói: “Làm văn cũng không thể nói nhăng nói cuội.” “Văn học không phải là hư cấu sao? Đây chính là lời mẹ nói.” “Hư cấu là tiểu thuyết, làm văn chỉ có thể viết những chuyện xảy ra quanh con!”.
“Không đúng! Làm văn cũng là văn học!”.
Kim Linh kích động đến mức mặt đỏ tía tai, lỗ mũi nở rộng ra, răng cắn chặt lại, dáng điệu căng thẳng đến cùng để bảo vệ chân lý.
Hủy Tử hỏi: “Con làm sao thế?”.
Kim Linh cắn chặt răng, thở phì phì, không nói không rằng. Hủy Tử thực sự cảm thấy không hiểu tại sao, cao giọng gọi Kim Diệc Minh trong phòng làm việc.
“Diệc Minh anh ra đây xem này, con gái anh miêu tả anh thành kiểu gì?”.
Kim Diệc Minh liền bỏ chiếc tai nghe xuống, bước ra ngoài, đọc một lượt bài tập làm văn của Kim Linh.
“Rất hay.” Kim Diệc Minh cười hì hì nói, “thật sự rất hay. Nếu bố thực sự là một đại gia, có một nghĩa cử khiến người ta cảm động như thế này, chả nhẽ không nên khen ngợi bố một lần sao?”.
Hủy Tử trừng mắt lườm anh: “Nói đàng hoàng chút đi. Em thấy tư tưởng của Kim Linh có vấn đề.”
“Có lẽ mười năm, tám năm sau anh thật sự sẽ trở thành đại gia!”. Kim Diệc Minh cố gắng đánh trống lảng, nhằm phá vỡ cục diện đối kháng lúc này giữa hai mẹ con.
Hủy Tử không buồn đếm xỉa đến anh, quay đầu sang nói với Kim Linh: “Nói cho mẹ biết, tại sao con lại viết thế này? Bố con dựa vào học thức để giúp đỡ công xưởng dưới quê, được người ta kính trọng, người ta tặng con cá to là để cảm ơn bố, như thế không vẻ vang sao? Hay là, con cảm thấy bố con làm thầy giáo quá nghèo hèn, nên hy vọng có một người bố là đại gia?”
Kim Linh ủ rũ, rầu rĩ trả lời: “Đều không phải.”
“Rốt cuộc là thế nào? Có thể kể cho bố mẹ nghe không?”, Kim Linh ngẩng đầu lên nhìn họ, vành mắt sớm đã đo đỏ, nói: “Bạn học không tin trong nhà mình lại được tặng con cá to như thế. Các bạn ấy nói, không có ai đi tặng cá to cho bố của con.”
Hủy Tử và Kim Diệc Minh nhìn nhau, trong lòng hai người đều vỡ òa. Kim Diệc Minh gượng cười, nói: “Nếu bố làm đại gia, bạn học sẽ tin đúng không?”.
Kim Linh gật đầu.
“Tại sao?”.
“Vì đại gia có tiền. Mọi người đều thích kết giao với người có tiền, giống như người ta thích kết giao với người làm quan!”.
“Trời ạ!”, Hủy Tử khẽ than một tiếng, “Tại sao con lại trở nên thấu tình đạt lý thế này?”.
Kim Linh trịnh trọng nói: “Con không muốn nói dối, nhưng nếu như lời nói thật lại chẳng có ai tin, thì mẹ chọn cái nào?”.
Hủy Tử không trả lời nổi. Trong lòng cô có một cảm giác lạnh lẽo giống như bị nước biển tràn qua. Xã hội này thực sự ngày càng trở nên thực dụng rồi, đến học sinh tiểu học cũng hiểu được sự lợi hại của “tiền” và “quyền”, hiểu được trên đời này thuận theo xu thế là thế nào. Đến khi lứa trẻ này trưởng thành, chúng sẽ có lựa chọn thế nào đối với tiền đồ và vận mệnh đây?
Bài tập làm văn của Kim Linh nộp lên cô giáo chưa được mấy ngày, cô Hình đã gọi điện mời Hủy Tử đến trường học một chuyến. Cô giáo Hình đập tay lên vở tập làm văn của Kim Linh nói: “Bài tập văn này viết hay. Thật sự hay. Nhưng chị có thể hỏi một câu được không?”.
Hủy Tử đáp: “Được ạ.”
Cô Hình liền nói: “Bản thân em làm công tác viết lách, em hiểu thế nào là sự thực, thế nào là hư cấu. Bình thường, chúng ta không khuyến khích con trẻ viết bài tập làm văn như viết tiểu thuyết. Phụ huynh có đọc qua bài tập làm văn này chưa?”.
Hủy Tử gật đầu.
“Thế thì, là bố mẹ ngầm cho phép em ấy thêu dệt nên tình tiết này?”.
Hủy Tử nói: “Không, em chỉ muốn để cho cô đọc, để biết rằng trong lòng con trẻ nghĩ những gì.” Cô liền thuật lại chuyện con cá to một lượt cho cô Hình nghe.
Sắc mặt cô giáo Hình nghiêm túc hẳn lên: “Hóa ra là như thế.” Cô ngẫm nghĩ một lúc, lại nói: “Xem ra chỉ hướng dẫn về học tập không thì không ổn, còn phải hướng dẫn về mặt tư tưởng. Trẻ con trưởng thành ngày càng sớm, chúng đều có cách nghĩ riêng và có chủ kiến rồi, thậm chí có lúc tôi còn cảm thấy đáng sợ.”
Sau khi tiễn Hủy Tử về, ngay chiều hôm đó cô Hình đã dành thời gian làm bài tập trên lớp để mở một cuộc thảo luận nhỏ, chủ đề là: Tôi ngưỡng mộ ai nhất?
Đương nhiên cuộc thảo luận đó cực kỳ náo nhiệt. Đám con trai đều lựa chọn nhân vật hoạt hình Nhật Bản đang được chiếu trên ti vi: Anh hùng vũ trụ Altman. Nghê Chí Vĩ lại lựa chọn một kiểu không giống ai, nói cậu ta hâm mộ nhất là Điệp viên 007. Vu béo lập tức đứng dậy phản đối: “Altman đến trúng đạn nguyên tử còn không chết, 007 có làm được không?”. Nghê Chí Vĩ hừ mũi coi thường: “Có nói cậu cũng không hiểu, cậu chỉ biết xem phim hoạt hình thôi.”
Lời vừa nói ra, Nghê Chí Vĩ mới biết rằng mình đã chọc giận các bạn, vì phim hoạt hình là chương trình yêu thích của các bạn. Lập tức có mấy người đứng dậy, mồm năm miệng mười nói Nghê Chí Vĩ tỏ vẻ uyên bác, bất cứ lúc nào cũng phải thể hiện mình khác với mọi người. Thậm chí Thượng Hải còn kích động đến mức chạy ra khỏi chỗ ngồi, đến trước bục giảng lớn tiếng tiết lộ: “Hàng ngày ở nhà Nghê Chí Vĩ đều xem Altman! Cậu ấy còn mua cả bộ truyện tranh Altman, rất đắt!”.
Lần này cảm xúc của cả lớp càng bị kích thích lên cao trào. Nghê Chí Vĩ mặt đỏ tía tai, tỏ điệu bộ hung dữ với Thượng Hải. Thượng Hải được thể làm mặt hề với cậu ta, không hề sợ.
Cô Hình dùng thước gỗ gõ mạnh lên bàn, nói: “Được rồi, được rồi, mời các bạn nữ phát biểu!”.
Kim Linh gần như nhảy dựng lên: “Em ngưỡng mộ nhất là Nobel.”
Vừa dứt lời, bỗng chốc cả phòng học yên tĩnh trở lại. Vu béo và Lý Lâm sốt ruột quay trước quay sau, thì thào hỏi người khác: “Nobel là ai?”. Hỏi đến Nghê Chí Vĩ, Nghê Chí Vĩ không đáp, vẻ mặt cười lạnh khinh thường.
Cô giáo hỏi: “Nói cách nghĩ của em đi, tại sao lại ngưỡng mộ ông ấy?”.
Kim Linh nói: “Bởi vì ông ấy đã lập ra giải thưởng Nobel. Người trên toàn thế giới, có ai là không muốn nhận giải thưởng này? Nhà vật lý học, nhà hóa học, bác sĩ, nhà thơ, nhà văn, còn có tổng thống, chỉ cần là người đạt được giải thưởng này, đều là những người siêu phàm trên thế giới. Mà Nobel lại là người lập ra giải thưởng này, cho nên ông ấy rất vĩ đại.”
Cô giáo mỉm cười nói: “Em có muốn sau này nhận được giải thưởng này không?”.
Hai mắt Kim Linh lóe lên ánh sáng khác thường: “Không, sau này em sẽ kiếm thật nhiều thật nhiều tiền, lập ra một giải thưởng còn to hơn giải Nobel. Em muốn người trên toàn thế giới tự hào vì nhận được giải thưởng này của Trung Quốc.”
Cô giáo Hình gật gù nói: “Rất tốt. Em có thể nghĩ đến việc giành vinh quang cho người Trung Quốc, cách nghĩ này rất cao thượng. Kiếm tiền nhiều chưa chắc đã là chuyện xấu, tiền cũng không phải tất cả đều là tiền bẩn, hãy xem em kiếm được tiền như thế nào, dùng vào việc gì, số tiền bỏ ra có có ích cho nhân loại hay không. Các em có biết lúc còn sống Nobel làm nghề gì không?”.
Kim Linh lại nhanh nhảu nói: “Em biết! Ông ấy là một nhà hóa học, phát minh ra thuốc nổ!”.
Trong phòng học có mấy người bỗng đột ngột hiểu ra, ồ lên một tiếng.
Cô Hình vỗ nhẹ lên bàn, giảng thêm: “Tri thức đấy! Các em ạ. Tri thức là thứ tài sản quý giá nhất. Nobel, đầu tiên là một nhà hóa học, một nhà phát minh tài giỏi, thì sau này ông mới có khả năng lập ra giải thưởng của mình. Trên thế giới có rất nhiều người làm ăn kiếm tiền, có rất nhiều đại gia, nhưng tiền của họ có được coi trọng như tiền của Nobel? Nói đi nói lại vẫn chỉ một câu, thứ đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới chính là tri thức!”.
Sau khi cuộc họp lớp kết thúc, Kim Linh tìm cô giáo Hình xin lại bài văn để sửa. Sau khi sửa thì nội dung như thế này:
Gia đình em là một gia đình vừa giàu lại vừa nghèo. Nói nghèo, là vì ti vi màu trong nhà đến nay vẫn là hiệu “Bắc Kinh” 18 inch, ngoài đài trung ương và đài tỉnh ra, những kênh khác chỉ có thể xem tù mù. Máy ghi âm dùng để học ngoại ngữ của bố em, cũng là một chiếc máy sửa đi sửa lại, bị sửa nhiều quá đâm ra phát bực, liền biến thành một thứ “nồi đồng cối đá” chẳng liên quan gì đến đồ vật xung quanh. Bạn phải đập mạnh mấy cái, nó mới hậm hực kêu rẹt rẹt mấy tiếng. Nếu số lần đập quá nhiều, nó sẽ càng giận dữ, đột nhiên lớn tiếng kêu inh ỏi, khiến bố em giật thót.
Nói nhà em giàu, bởi vì bố và mẹ em đều tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng, học vấn và tri thức của họ cộng lại phải dùng xe tải mới chở nổi. Em sống trong một gia đình như vậy, thường cảm thấy bị quá nhiều sách vở ép thành một thứ vô cùng nhỏ. Người khác đều nói tiền bạc là nặng nề, nhưng theo em, sách vở còn nặng hơn rất nhiều chi phiếu, không tin bạn cứ cân thử mà xem!
Bố em nghiên cứu rất nhiều loại sản phẩm mới, cũng từng nhận được danh hiệu quốc gia. Nhưng bố quá say mê làm giảng viên đại học, suốt ngày đọc sách, chuẩn bị bài giảng, viết luận văn, hướng dẫn nghiên cứu sinh, làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Có lúc mẹ em hâm mộ gia đình người khác có tiền, khuyên bố nên đi làm ăn, nên mở công ty, nói dựa vào thành quả nghiên cứu của bố chắc chắn sẽ kiếm được tiền. Bố em không chịu, bố nói tiền trên thế giới đều là kiếm không hết được, quan trọng là làm những việc mình thấy nên làm.
Phần phía dưới viết đến con cá to kia, Kim Linh sửa đoạn bố dùng tiền đầu tư thành dùng tri thức để giúp đỡ công xưởng dưới quê, phần kết bài cũng sửa theo.
Hủy Tử đọc xong, nói với Kim Diệc Minh, “Xem này, tô hồng cho anh kìa, nhưng bôi đen em. Em lại trở thành người thấy tiền là hớn hở rồi!”.
Kim Diệc Minh lại bênh con gái, nói: “Văn chương chẳng phải là chú trọng dào dạt lên xuống hay sao? Em phải cho phép con hư cấu một chút xíu, miễn anh không cho rằng em là một bà vợ đanh đá là được rồi.”
Hủy Tử cốc trán Kim Linh: “Lần sau con lại viết một bài ‘Mẹ của tôi’, chê bố con một trận cho mẹ!”.
Kim Linh kêu ầm lên: “Thế thì viết bố là mẫu người gia trưởng, không chịu làm việc nhà!”.
Hủy Tử mặt mày rạng rỡ, ôm gương mặt phúng phính của Kim Linh hôn hết cái này đến cái khác.
Không lâu sau, trong khu tổ chức cuộc thi viết văn theo chủ đề cho học sinh tiểu học, cô Hình tiến cử bài văn này của Kim Linh, đạt được giải nhì. Trong khu vực lại tiến cử lên cấp thành phố, lại được giải ba. Hiệu trưởng trường tiểu học phố Tân Hoa vui mừng hơn ai hết, trong buổi chào cờ, trước toàn trường đã gọi tên biểu dương Kim Linh, lại sắp xếp em làm người giữ cờ trong lễ kéo cờ của sáng ngày hôm đó. Kim Linh mặc một bộ đồng phục đã được giặt là rất sạch sẽ, trên cổ còn thắt một chiếc khăn quàng đỏ mới mua, đứng dưới lá cờ đang tung bay phần phật trong gió, giơ tay chào cờ, trong lòng trào dâng một niềm tự hào chưa từng có. Ngày hôm ấy em vui đến phát khóc, Thượng Hải đứng đầu hàng nói cậu ấy rõ ràng nhìn thấy nước mắt trong mắt Kim Linh, chỉ là Kim Linh sống chết không chịu thừa nhận trước mặt Thượng Hải.