C
ứ trước mỗi lần vào học, Hủy Tử thường dẫn Kim Linh đến công ty bách hóa Trường Giang mua một chiếc cặp sách.
Mỗi năm, Kim Linh đều thay mới cặp sách, từ một chiếc rẻ nhất 50 đồng đến một chiếc đắt nhất hơn 100 đồng, đều đã từng mua. Chiếc cặp rẻ nhất, 50 đồng, thời gian sử dụng chỉ bằng một nửa chiếc cặp sách đắt nhất, nếu dùng lâu, không phải quai cặp đứt thì cũng là dây kéo hỏng, còn có một lần cả phần đáy cặp bị bung ra. Kim Linh đeo nó đi trên phố, bỗng “bịch” một tiếng, tất cả sách vở đồ dùng học tập giống như bị trút từ sọt rác ra, vung vãi trên mặt đất. Trên phố bỗng nhiên có thêm một sạp hàng nhỏ bày sách vở đồ dùng học tập, làm Kim Linh khóc dở mếu dở. Khó xử một chút cũng không sao, nhưng đáng ghét nhất là sách vở vừa mới được cô phát lại bị bụi bẩn dính vào không còn ra bộ dạng gì, ngòi chì trong bút chì bấm cũng gãy hết cả, bút mực cũng gãy ngòi. Kim Linh dùng chiếc cặp sách rách ôm lấy một đống đồ to, khóc lóc thảm thiết đi về nhà. Sau đó vẫn là Hủy Tử thử dùng một cách mà trên báo giới thiệu, dùng giấy ướt lau thật kỹ sách vở cho sạch sẽ, đặt vào trong tủ lạnh để hút ẩm, mới tạm gọi là phục hồi nguyên trạng cho chỗ sách vở bẩn. Về sau, Hủy Tử không còn dám mua thứ gì quá rẻ cho Kim Linh nữa.
Hủy Tử nghĩ, trước đây, lúc đi học, cặp sách dường như dùng từ tiểu học đến trung học cũng không hỏng! Lại nghĩ thêm, bỗng nhiên hiểu ra: Trước kia sách được phát chỉ có mỗi hai quyển Ngữ văn và Toán, cặp sách đeo trên lưng nhẹ tênh tênh, có thể chạy như bay, làm gì mà hỏng được.
Trên kệ bày cặp sách đúng thực là “muôn màu muôn vẻ”, đếm sơ qua không đến 100 loại thì cũng 50 loại. Kim Linh ưng một chiếc cặp sách màu hồng phấn trang trí rất đẹp. Cặp sách được làm rất tinh xảo, nhìn có vẻ rất chắc chắn, rất bền, là sản phẩm liên doanh với nước ngoài. Hủy Tử hỏi giá, 140 đồng. Cô liền thở hắt ra.
Người bán hàng tuổi đã trung niên, rất hòa nhã, híp mắt cười, cũng rất biết cách mời chào, nhìn thấy Kim Linh dán mắt vào chiếc cặp không rời, lập tức lấy ra một chiếc, cực kỳ nhiệt tình cho Kim Linh đeo thử lên vai. Kim Linh đã đeo nó lên người, làm gì có chuyện chịu thả xuống? Miệng nói còn ngại, nhưng trong ánh mắt thì rõ ràng là khẩn thiết mong chờ.
Hủy Tử nhỏ giọng trách: “Đắt quá.”
Người bán hàng nói: “Đắt xắt ra miếng mà! Loại cặp sách này chúng tôi nhập vào mấy trăm cái, chả mấy ngày mà đã bán hết sạch. Nhìn xem, chắc chắn làm sao, bền làm sao! Trẻ con đeo lên thật là đẹp!”. Thấy Hủy Tử vẫn còn ngờ vực, lại khéo léo khuyên nhủ: “Siêu thị của chúng tôi gần đây kỷ niệm 40 năm thành lập, đang tổ chức một cuộc thi viết văn cho học sinh trung tiểu học, hay bảo con cô cũng thử tham gia viết văn đi. Chẳng may trúng giải, tiền cặp sách chẳng phải là thu được về sao?”.
Hủy Tử cười: “Làm gì có chuyện dễ dàng thế?”.
“Cũng không chừng, vận may đến, cô ngăn cũng chẳng được đâu.”
Hủy Tử bị bà ấy quấy rầy đến phát ngại, cuối cùng vẫn bỏ ra 140 đồng để mua.
Hai mẹ con đi xuống lầu, ở trong sảnh lớn quả nhiên đọc được một tờ thông báo, có tổ chức cuộc thi viết văn cho học sinh trung tiểu học, nội dung viết về tất cả mọi thứ liên quan đến công ty bách hóa Trường Giang. Rất nhiều người xúm lại đọc, mồm năm miệng mười đoán xem giải thưởng đó, là tiền hay hiện vật.
Kim Linh quay đầu lại nhìn Hủy Tử, nói: “Con muốn thử.” Hủy Tử trả lời: “Đương nhiên phải thử rồi, chẳng phải chỉ là viết văn thôi sao?”.
Kim Linh về nhà liền bắt đầu viết, tiêu đề đặt là “Tôi lớn lên cùng Bách hóa Trường Giang”. Bài văn nói hàng của “Bách hóa Trường Giang” vừa rẻ vừa đẹp, tất cả những đồ dùng và đồ điện trong nhà đều mua từ “Bách hóa Trường Giang”. Mỗi năm vào dịp sinh nhật của em, mẹ đều đến “Bách hóa Trường Giang” chọn mua cho em một món quà, từ chiếc đàn dương cầm mua từ sinh nhật một tuổi, cho đến chiếc đèn bàn xinh đẹp mua về dịp sinh nhật thứ mười một, nên “Bách hóa Trường Giang” đã hòa cùng cuộc đời em, đã lớn lên cùng em. Bài văn viết vô cùng chân thực, nhưng tình cảm chân thành, ý vị nồng đượm, rất cảm động lòng người. Hủy Tử giúp em sửa mấy chữ sai, lại bảo em lấy giấy viết văn chép lại cho rõ ràng, rồi giúp em viết phong bì, dán tem, bỏ vào thùng thư dưới lầu.
Sự việc này qua đi, Hủy Tử cũng quên mất, còn bản thân Kim Linh cũng không hề nhắc lại. Nhưng nửa tháng sau Hủy Tử mở hòm thư, một bức thư có đóng dấu của Công ty Bách hóa Trường Giang rớt ra, bên trong nói bài văn của bạn Kim Linh đã đạt giải, mời phụ huynh mang theo sổ hộ khẩu, Chủ nhật tuần sau cùng bạn Kim Linh đến nhận thưởng.
Tục ngữ nói “chuyện hay có đôi có cặp”, quả nhiên đúng. Bài văn “Bố tôi” của Kim Linh đạt được giải thưởng của khu vực và thành phố. Mọi người trong nhà đều hết sức vui mừng. Hủy Tử vui vẻ nói với Kim Linh: “Con đúng là chẳng may mà thành nhà đoạt giải chuyên nghiệp.”
Kim Linh đắc ý sáng chế ra câu thành ngữ mới: “Cái này gọi là ‘dùng dao mổ trâu để thi cuộc thi nhỏ’!”
Kim Diệc Minh vừa gỡ tai nghe bước ra khỏi phòng, mơ mơ hồ hồ nghe được nửa câu, nói chêm vào: “Cái gì cái gì? Dùng dao mổ trâu để giết gà chứ?”.
Kim Linh cười đến mức phụt cả ngụm trà vừa mới uống. Lĩnh giải trong phòng họp trên lầu của Công ty Bách hóa Trường Giang, đại khái vì để tiện làm quảng cáo, hội trường bài trí rất đẹp mắt, có ăn có uống, còn mời cả phóng viên của đài truyền hình về. Kỳ thực số trẻ em đoạt giải cũng không nhiều, một người đạt giải nhất, hai người đạt giải nhì, ba người đạt giải ba, còn lại là mấy giải khuyến khích.
Trên sân khấu có bày mấy sản phẩm trao giải được trang trí bằng dây ruy băng đỏ, theo thứ tự là: Một bộ máy tính 386, hai bộ đàn organ hiệu Casio, ba bộ máy chơi game “mini Station”.
Kim Linh ngồi trên hội trường, mắt dán vào sản phẩm giải thưởng trên sân khấu, hơi căng thẳng hỏi Hủy Tử: “Mẹ nghĩ con có thể đạt giải thưởng nào?”.
Hủy Tử trả lời: “Mẹ làm sao biết được? Loại giải thưởng nào cũng được, mẹ đều vui.”
“Con hy vọng sẽ được bộ máy tính kia.” Kim Linh kéo kéo tay mẹ, “Bố muốn mua một bộ từ lâu rồi.” Em ngừng lại một lát rồi nói tiếp: “Máy chơi game cũng không tồi, trong nhà nhiều bạn học của con cũng có máy chơi game.”
Trước sau Kim Linh không hề hy vọng mình sẽ đạt được giải nhì: Phần thưởng là chiếc đàn organ hiệu Casio.
Nhưng cuối cùng khi tuyên bố danh sách trúng giải, Kim Linh lại đoạt giải nhì.
Kim Linh mím miệng, cố gắng giấu vẻ tươi cười, đứng dậy bước lên sân khấu ôm chiếc đàn organ về. Chiếc đàn organ rất to, Kim Linh ôm nó trước ngực khá chật vật, đi đường cũng không nhìn thấy được phía trước, lúc xuống sân khấu suýt chút nữa bị vấp, sẽ làm cho cả trên dưới sân khấu được một trận cười. Một phóng viên đài truyền hình nhanh chân nhanh tay giúp em cầm chiếc đàn, theo đến tận chỗ Hủy Tử ngồi, sau đó lịch sự hỏi: “Chú có thể phỏng vấn cháu không?”.
Kim Linh mặt đỏ lựng lên, đuôi mắt liếc Hủy Tử nói: “Chú hỏi mẹ cháu ấy.”
Người xung quanh nghe thấy câu này liền bật cười.
Hủy Tử kéo Kim Linh lại, nói: “Chú ấy muốn phỏng vấn con đó! Thoải mái một chút đi!”.
Kim Linh hỏi phóng viên: “Chú muốn cháu nói gì?”.
Phóng viên nhịn cười nói: “Không phải là chú muốn, mà là cháu muốn – cháu muốn nói gì với mọi người không?”.
Kim Linh cắn ngón tay, nói với ống kính: “Cảm ơn các cô chú ở Bách hóa Trường Giang đã tặng chiếc đàn organ này cho cháu. Nhưng thứ cháu muốn có nhất là bộ máy tính kia.” Em chỉ vào bộ máy tính đã bị một em học sinh trung học ôm trong lòng: “Lần sau cháu vẫn tham gia thi, nhất định phải giành được bộ máy tính.”
Phóng viên cầm micro nói: “Rất tốt, cháu rất có chí khí, hy vọng cháu có thể thực hiện được mơ ước của mình.”
Kim Linh gật đầu, lịch sự trả lời: “Cảm ơn chú ạ.”
Đèn hắt sáng vừa tắt, Kim Linh gần như chạy bổ về bên cạnh Hủy Tử, luôn miệng nói: “Làm con sợ chết đi được.”
Hủy Tử cười cười ôm lấy vai em: “Cũng khá đấy, dù gì cũng chưa tỏ ra sợ sệt.”
Trên đường về nhà, Hủy Tử cầm giúp Kim Linh chiếc đàn organ. Đường xa, đi cũng khó khăn, Hủy Tử dọc đường cứ liên tục đổi tay, chỉ cảm thấy vai ê lưng buốt, rất hối hận vì đã không bảo Kim Diệc Minh đưa con đi. Cô nói với Kim Linh: “May mà là đàn organ, nếu là bộ máy tính thật, thì hai mẹ con mình căn bản chẳng mang về nhà nổi.”
Kim Linh không trả lời cô, thủng thẳng đi phía sau mẹ, trên mặt cũng không có vẻ vui mừng kinh ngạc ban nãy.
Hủy Tử quay đầu lại nhìn nhìn em: “Con thật sự không vui à? Vì không giành được giải nhất?”.
Kim Linh bỗng hỏi: “Mẹ đã nghe câu thành ngữ “giúp mạ lớn nhanh” chưa?”.
Hủy Tử cười phì một tiếng: “Làm gì có cái lý ấy! Mẹ đường đường tốt nghiệp khoa văn cơ mà!”.
Vừa nói xong câu này, Hủy Tử liền hiểu tại sao Kim Linh lại hỏi câu đó, và vì sao trong lòng em không vui; em sợ sau khi về nhà, mẹ sẽ bắt em học đàn organ!
Lúc nhỏ, Kim Linh đã sợ học đàn rồi.
Cây đàn piano của Kim Linh là do Hủy Tử tặng vào sinh nhật đầu tiên của em. Khi đó giá vẫn còn rất rẻ, một chiếc đàn piano hiệu “Pearl River” tốt nhất mới chỉ hơn 1.000 đồng. Sau khi kết hôn, Hủy Tử và Kim Diệc Minh cũng không tiêu nhiều đến khoản tiền mừng, nên số tiền đó vẫn còn kha khá, đến ngày sinh nhật của Kim Linh liền đến công ty Bách hóa Trường Giang, mua về một món đồ chơi lớn sáng loáng.
Chiếc đàn piano nằm ở nhà bốn năm. Trong bốn năm giá đàn tăng lên từng năm, Hủy Tử rất đắc ý vì nhãn lực và khí phách của mình lúc đầu, nếu đợi sau khi Kim Linh năm tuổi mới mua, e là họ cũng đành chờ hết cảm hứng với đàn thôi.
Năm lên năm tuổi, buổi học đàn đầu tiên, thầy giáo nắm lấy bàn tay nhỏ của em quan sát kỹ lưỡng, khẳng định đây là đôi bàn tay có ngón thon dài, rất hợp để đánh đàn. Người làm mẹ như cô rất mừng rỡ, mường tượng ra cảnh tượng mười năm sau một thiếu nữ mặc đồ trắng đang ngồi ngay ngắn trước cây đàn, mười ngón tay mềm mại như bươm bướm múa lượn, tiếng đàn thánh thót như nước suối như sóng biển. Tưởng tượng như thế thực sự khiến người ta được cổ vũ, vì thế Hủy Tử cảnh báo con gái rằng:
Con học đàn piano giỏi là mơ ước lớn nhất của mẹ.
Nửa năm đầu lúc mới học, tất cả đều thuận lợi. Kim Linh là một đứa trẻ có tính cách hoạt bát bẩm sinh, suốt cả tiếng đồng hồ ngồi đàn không nhúc nhích quả thực là làm khó em, nên lúc nào cũng có tâm lý né tránh việc học. Nhưng dưới sự ép buộc của Hủy Tử, em vẫn không dám phản kháng. Có lúc em học không vào, Hủy Tử nổi giận đánh em mắng em, trong lòng tuy rất không nỡ, nhưng nghĩ đến những đứa trẻ học đàn piano đều phải chịu rèn luyện như vậy, tâm lý cũng được giải tỏa.
Nửa năm sau đó, nội dung học càng nặng, nốt nhạc như những con nòng nọc bé xíu chi chít trên mặt giấy. Lúc đó, Kim Linh tuổi còn nhỏ, khả năng đọc còn kém, buộc phải có Hủy Tử đứng bên cạnh giúp đỡ. Hủy Tử chưa từng học qua nhạc lý, lần này cô cùng với thầy giáo vừa học vừa đọc, tâm lý kiểu “80 tuổi mới học thổi kèn” nên có chút buồn bã. Người lớn học thứ mới thì càng khó vào hơn trẻ nhỏ, Hủy Tử ngày ngày thò cổ dòm bản nhạc đoán nốt, khó tránh khỏi cảm thấy sốt ruột. Mà hễ sốt ruột là lại trừng mắt với Kim Linh, trách em ngốc, trách em không chịu khó, tự mình còn không nhận ra nốt nhạc để mẹ phải đọc hộ. Kim Linh bị mẹ mắng đương nhiên cũng rất hổ thẹn, ngồi trên ghế đàn càng lúc càng căng thẳng. Mà cứ căng thẳng là lại liên tục đàn sai, càng đàn sai lại càng bị mắng, vòng tuần hoàn ác tính, cả hai mẹ con đều bị cuốn vào vòng xoáy đó.
Trả bài mỗi tuần là việc cố định. Mỗi lần trả bài, Hủy Tử còn căng thẳng hơn cả Kim Linh, sợ con bé đàn không ra gì, hoặc sợ bị thầy giáo chê. Hủy Tử tâm lý hiếu thắng quật cường, phàm việc gì cũng đòi hỏi hoàn mỹ, Kim Linh thì lại là bản tính xuề xòa, qua loa đại khái, không phải là chỗ này sai nhịp, thì chỗ kia cũng đàn sai nốt. Hủy Tử ngồi bên cạnh thầy giáo lo lắng đến nỗi lòng bàn tay toát mồ hôi, chỉ hận mình không thể thay con đàn điệu này. Mỗi lần học xong về nhà, hai người đều không ai nói năng gì, Hủy Tử vì thành tích của con gái không được lý tưởng nên buồn bực, còn Kim Linh lại vì sắc mặt Hủy Tử không vui nên trong lòng sợ hãi.
Kim Linh học đàn hai năm. Trong hai năm, Hủy Tử cáu giận không biết bao nhiêu lần, khó mà tính được. Còn Kim Linh ư, vốn là một đứa trẻ hoạt bát nhanh nhẹn cũng biến thành u uất trầm lặng, gặp ai cũng nói ngay mình ghét nhất là chơi đàn piano. Tính cách hai mẹ con trái ngược nhau, quan hệ hai người cũng khá căng thẳng.
May mà Hủy Tử vẫn còn tỉnh táo, ý thức được sự tình không đúng, liền quyết định ngừng việc cho Kim Linh học đàn. Hai mẹ con cùng lúc thở phào nhẹ nhõm. Có lúc Hủy Tử nghĩ lại thấy không cam tâm, lại khích lệ Kim Linh: “Không có việc gì thì đi học đàn cho vui nhé! Không cần con phải nghiêm túc chính xác đâu, chỉ cần ôn lại những gì đã học là được rồi!”. Nhưng Kim Linh vẫn cứ sợ học đàn, chỉ cần Hủy Tử không nổi giận là em kiên quyết không chạm một ngón tay nào vào cây đàn, đến đi đường cũng tránh nó thật xa.
Sau đó, ông nội Kim Linh bị ốm nằm viện, trong nhà cần đến tiền, Kim Diệc Minh quả quyết thuyết phục Hủy Tử bán cây đàn đi. Giá bán tuy rằng gấp mấy lần giá mua, nhưng cứ nhớ đến là trong lòng Hủy Tử lại dấy lên một nỗi nhức nhối.
Bây giờ Hủy Tử mới hiểu nguyên nhân vì sao Kim Linh rầu rĩ không vui, Hủy Tử im lặng, không cười nữa, chân ngừng bước đợi Kim Linh theo kịp, nói: “Con đúng là ‘khôn ba năm dại một giờ’ rồi, thử nghĩ xem, sang hè là con phải thi vào trung học, việc quan trọng nhất là gì? Mẹ còn có tâm tư nào mà bắt con học đàn organ?”.
Kim Linh vui vẻ trở lại, miệng nói liến láu, tươi cười, lại còn chủ động ôm đàn giúp mẹ một lúc, rất sung sướng nói: “Con đây chính là ‘Bị rắn cắn một lần, mười năm sau còn sợ dây thừng’ đấy!”.
Hủy Tử đứng trên phố cười nghiêng ngả rũ rượi.
Ngày hôm sau đến trường, Kim Linh bỗng trở thành ngôi sao. Rất nhiều người xem được bản tin hôm qua, một đám đông vây quanh hỏi Kim Linh đủ mọi câu hỏi.
“Lúc ống kính máy quay phim chiếu vào cậu, cậu có sợ không?”.
“Đàn organ hiệu gì thế?”.
“Cây đàn organ đó thuộc về cậu thật à?”. “Kim Linh cậu may mắn quá!”.
Nghê Chí Vĩ đứng bên cạnh nhại theo lời Kim Linh, nói bằng một giọng điệu hết sức kỳ dị: “Nhưng cháu muốn nhất là bộ máy tính đó...”
Dương Tiểu Lệ nói đỡ cho Kim Linh: “Có người cũng muốn có, nhưng đáng tiếc là đến bộ trò chơi điện tử cũng chẳng có nổi.”
Nghê Chí Vĩ trợn mắt trợn mũi hỏi: “Cậu nói ai? Ai muốn cũng không được?”.
Dương Tiểu Lệ rất khinh bỉ đáp lại: “Thích nói ai thì là người ấy! Đừng tưởng rằng mình có thành tích tốt, cao hơn người khác một cái đầu, thấy người khác đạt giải mà trong lòng ghen ghét...”.
Nghê Chí Vĩ đỏ mặt lầu bầu: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ.” Nếu là mọi khi, Kim Linh sớm đã cãi nhau với Nghê Chí Vĩ rồi, nhưng hôm nay tâm trạng em rất vui, người khác nói gì em cũng không so đo, cứ híp mắt cười, khiến Nghê Chí Vĩ mất hứng.
Lúc tan học, Kim Linh đang đi trên hành lang thì gặp cô Hình. Cô Hình gọi em lại, nói: “Chuyện hôm qua em được giải thưởng, cô xem trên ti vi rồi.”
Kim Linh hơi ngượng, cúi đầu di mũi bàn chân trên sàn, lí nhí: “Có gì đâu ạ, là may mắn thôi.”
“May mắn cũng phải dựa vào thực lực mới có được. Em khá lắm.” Cô giáo Hình nói, “Có chuyện này, cô nghĩ vẫn là nên tiến cử em.”
Kim Linh nghe cô nói rất nghiêm túc, liền thấy căng thẳng. “Là thế này, một đài truyền hình trong thành phố có tuyển người dẫn chương trình cho chương trình thiếu nhi, muốn trường ta giới thiệu vài người. Yêu cầu là viết văn giỏi, nói tiếng phổ thông chuẩn. Hôm qua cô xem em đứng trước máy quay rất thoải mái, nói không chừng nếu em đi người ta sẽ chọn em. Em muốn đi không?”.
Kim Linh hoang mang lắc đầu: “Không, em không dám.” “Là không muốn, hay là chỉ không dám?”.
Kim Linh nói ngắc nga ngắc ngứ: “Em... cái gì... cũng không ạ.”
“Đi thử đi, có việc gì là sinh ra đã biết làm đâu. Nếu em cảm thấy sợ đi một mình, để cô tìm một bạn nữa đi cùng em. Lưu Á Như!”.
Lưu Á Như là một bạn nữ, viết văn rất giỏi. Nghe thấy cô giáo gọi, cô bé vội vã chạy tới. Cô Hình nói lại chuyện đài truyền hình tuyển người với cô bé. Lưu Á Như có ưu điểm lớn nhất đó là nghe lời, bất luận cô giáo nói gì, cô bé đều tuyệt đối nghe theo vô điều kiện. Ngay lập tức, cô bé gật đầu lia lịa. Cô Hình nói: “Được rồi, cứ quyết định như thế đi. Hai em là đại diện của trường đi dự tuyển, cho dù thế nào cũng phải được một bạn trúng tuyển, đây là thể diện của trường chúng ta. Buổi chiều nghỉ học các em ở lại một chút, cô sẽ mời cô Vệ dạy Âm nhạc đến hướng dẫn các em.”
Sau khi cô Hình rời khỏi, Kim Linh bắt đầu lầu nhầu Lưu Á Như: “Sao cậu chẳng thèm nghĩ mà đã đồng ý thế?”.
Lưu Á Như trả lời vẻ mờ mịt: “Không phải cô Hình bảo mình đi sao?”.
Kim Linh cảm thấy có nói cậu ấy cũng chẳng hiểu. Có những học sinh giỏi là như thế, ngoài học ra, cái gì cũng chẳng biết, cứ như là não dùng để trang trí vậy.
Cho dù nói thế nào, trong lòng Kim Linh vẫn có chút vui. Bình thường Kim Linh không phải là người thích tranh giành, nhưng chuyện tốt đã tìm đến cửa, có ngốc mới từ chối không đi. Khiêm tốn gì chứ! Ngộ nhỡ thật sự có thể là một MC nhí, ha, chí ít mẹ sẽ có thêm một chuyện đáng tự hào!
Buổi chiều học xong tiết tự học, cô giáo Vệ quả nhiên tìm đến phòng học, xem ra cô cực kỳ hứng thú với chuyện nhà trường giới thiệu học sinh ứng tuyển làm người dẫn chương trình. Từ bên ngoài phòng học, cô thò cổ vào gọi: “Ai là Kim Linh và Lưu Á Như?”.
Kim Linh và Lưu Á Như đồng thanh đáp, vội vàng thu dọn cặp sách, chạy ra khỏi phòng học.
Cô giáo Vệ nhìn Kim Linh, rồi lại nhìn Lưu Á Như, hỏi: “Là hai em phải không?”.
Quả nhiên cô rất thất vọng.
Lưu Á Như gần như không có phản ứng gì, Kim Linh thì rất nhạy cảm, lập tức nói một câu: “Người dẫn chương trình với diễn viên là hai chuyện khác nhau.”
Cô giáo Vệ cười xòa: “Con bé này! Cô còn chưa mở miệng, em đã chặn họng cô rồi, cái miệng này ghê gớm quá, cô thấy em có thể làm người dẫn chương trình đấy.”
Mặt Kim Linh đỏ bừng lên, nói: “Em xin lỗi.”
Cô giáo Vệ dẫn hai em đến phòng tập thể thao của trường, nói phải dạy hai cô bé mấy động tác hình thể đơn giản. Cô giáo Vệ trước đây từng là diễn viên của đoàn ca múa nhạc, dáng người rất đẹp, thân hình cao ráo, tóc bới lên thành búi tròn tròn sau gáy, cô không để mái, hơn nữa trên người còn có một mùi thơm thật dễ chịu mà chỉ những phụ nữ xinh đẹp mới có. Đám con gái của trường tiểu học phố Tân Hoa luôn hâm mộ cô, nhiều người thầm coi cô là thần tượng của mình. Nhưng đáng tiếc là số lớp cô Vệ phải dạy quá nhiều, từ lớp Bốn đến lớp Sáu đều do cô phụ trách. Bao nhiêu học sinh nữ như thế, gần như là cô không nhớ nổi tên của từng người.
Cô Vệ cởi giày, đi vào phòng thể dục, bảo Kim Linh và Lưu Á Như cùng học đứng tư thế chữ “đinh” (丁). Người nghiêng qua, chân phải bước lên phía trước thành số “1”, chân trái để ra sau thành chữ nhất “一”, ưỡn ngực, hóp bụng, đầu ngẩng lên phía trước, gương mặt hơi mỉm cười, hai mắt sáng rỡ có thần khí.
Bình thường Kim Linh hay tùy ý, đứng hay ngồi đều thoải mái, nào đã được huấn luyện như thế này? Cô Vệ lo lắng đến mức quát lên: “Đứng thẳng người lên! Hóp bụng vào! Hóp bụng vào!”.
Cô đi tới vỗ vào bụng Kim Linh, mới phát hiện cô nhóc này quá béo, không phải là không hóp bụng, mà là phần bụng béo không thể hóp lại được.
“Ây da, đã muốn làm người dẫn chương trình, chẳng phải nên giảm cân sao?”. Cô giáo Vệ dở khóc dở cười nói.
Kim Linh trong lòng cũng hơi tự ái, nhưng miệng không phục, lại biện bạch cho mình: “Rất nhiều người lớn đều thích những đứa trẻ mập mạp!”.
Lưu Á Như lại càng không ổn, người thì bé loắt choắt, mềm như bún, giống như một cây giá đỗ héo rũ, cô Vệ nói nhấc chân nhấc tay như thế nào, căn bản cô bé không thể tìm thấy được một chút cảm giác nào. Hơn nữa, cô bé còn không bằng Kim Linh, ánh mắt vô hồn, trống rỗng, nhìn kiểu gì cũng như con rối.
Cô giáo Vệ bực bội, trách móc nói: “Biết biểu diễn thì không biết làm văn, biết làm văn thì không biết biểu diễn, thật là chuyện tốt chẳng đến cùng nhau.”
Bản thân Lưu Á Như cũng không tự tin, lén nói với Kim Linh: “Hay là chúng mình bảo cô Hình đổi người khác đi.”
Đến nước này, Kim Linh lại không chịu thua, nói khích Lưu Á Như: “Cậu nghe tớ nói này, chọn người dẫn chương trình chứ không phải chọn diễn viên, chỉ cần có thể phỏng vấn trực tiếp, dẫn thoại trực tiếp là được. Hai người chúng mình làm văn tốt, là có thực lực, còn sợ cái gì?”.
Cô Vệ đã từ bỏ ý định dạy hai cô bé các động tác hình thể, chuyển sang yêu cầu các em về nhà chuẩn bị một chương tài liệu có thể đọc diễn cảm, thơ cũng được, tản văn cũng được. “Tóm lại phải đọc thật tình cảm.” Cô dặn dò như vậy.
Kim Linh vừa về nhà là bận tít mù, chạy đi chạy lại trong phòng khách, lật giở từng cuốn sách. Kim Diệc Minh và Hủy Tử cũng chạy tới chạy lui, không ngừng cống hiến ý kiến của mình, bận rộn tra cứu, lật tìm, còn nghiêm túc hơn cả làm luận văn tốt nghiệp năm xưa.
Kim Diệc Minh nói: “Bố thấy có một bài rất hay, bài đó… bài đó từng được diễn viên kịch ngâm trên sân khấu trước kia rồi.”
“Bài đó tên gì chứ? Anh phải nói ra tên bài chứ?”. Hủy Tử căng thẳng nói với anh.
“Là bài đó... bài đó...”. Kim Diệc Minh lại càng cuống hơn, “Nếu anh có thể nhớ ra tên bài, thì còn hỏi em làm gì? Anh có học khoa văn ra đâu?”.
“Thế thì anh phải nhớ được một câu trong đó, chỉ cần một câu, em sẽ biết là bài nào.” Hủy Tử vô cùng tự phụ.
Kim Diệc Minh gãi đầu, nói: “Hình như là nói... cái gì người sống đã chết...”
Hủy Tử kêu lớn: “A! Em biết rồi, là bài “Có người” của ngài Tang Khắc Gia”.
Kim Diệc Minh cũng nói: “Đúng đúng đúng, là bài ‘Có người’.”
Hủy Tử lập tức ngâm nga:
Có người đang sống,
Mà như đã chết,
Có người đã chết,
Mà như đang sống.
Có người
Cưỡi trên đầu nhân dân: “A, ta vĩ đại biết bao!”
...
Kim Linh không khách sáo ngắt giọng ngâm thơ của Hủy Tử: “Đây không phải là bài thơ nên cho học sinh tiểu học đọc.” Kim Diệc Minh tiếc nuối nói xen vào: “À, Kim Linh, con như thế không được, con không bằng mẹ con. Một bài thơ vĩ đại như thế, con lại không đọc.”
Hủy Tử lại tìm thấy một tập thơ khác, hí hửng cầm trong tay: “Nghe này nghe này! Tuyển tập thơ và tản văn của nữ thi sĩ Gabriela Mistral – bà ấy là nhà thơ mẹ thích nhất!”.
Kim Diệc Minh chép miệng, kéo dài giọng nói: “Ồ, thơ của phụ nữ?”.
Hủy Tử vội vàng lật đến một trang, đọc rất diễn cảm:
Tâm hồn tôi một thuở là cái cây lớn trĩu quả. Khi ấy, mọi người nhìn những quả đỏ mọng đều có cảm giác no nê, nghe thấy trăm ngàn chú chim ca hát trên cành cây của tôi là say đắm.
Sau này nó lại biến thành một bụi dâu, cành cây lưa thưa cong queo, nhưng vẫn tiết một thứ nước ép thơm lừng.
Bây giờ chỉ là một đóa hoa nhỏ, một đóa hoa nhỏ có bốn cánh. Một cánh hoa tên là Đẹp, một cánh hoa tên là Yêu...
Vừa đọc đến chữ “Yêu”, Kim Linh hoảng hốt giơ tay bịt chặt tai, mũi chun lại, làm bộ không thể chịu nổi: “Mẹ, bậy quá, bậy chết đi được!”.
Hủy Tử kinh ngạc hỏi lại: “Cái gì mà bậy chết đi được?”. “Chính là ‘bậy bạ tục tĩu’ đó!”.
Hủy Tử mới biết lúc nãy mình đọc diễn cảm hoàn toàn là đàn gảy tai trâu. Cô phẫn nộ bất bình hỏi: “Thơ tình hay như thế, làm đẹp lòng người, sao có thể so sánh như là những thứ bậy bạ tục tĩu? Con rõ là không biết thưởng thức.”
Kim Linh hùng hổ nói: “Trên lớp con, hễ cứ nói đến chữ “Yêu” tức là nói chuyện bậy bạ!”
Kim Diệc Minh ở bên cạnh nghe được ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Kim Linh dứt khoát từ chối sự giúp đỡ của bố mẹ, tự đến giá sách nhỏ của mình tìm câu chuyện “Con muỗi và sư tử” trong cuốn “Ngụ ngôn Ê-dốp”.
Con muỗi bay đến trước mặt sư tử, nói với nó rằng “Ta không sợ ngươi, ngươi không mạnh hơn ta. Hay là nói như thế này, rốt cuộc ngươi có sức mạnh gì? Dùng móng vuốt để bắt, dùng răng để cắn? Đàn ông với đàn bà đánh nhau, cũng làm như thế. Ta mạnh hơn ngươi rất nhiều. Nếu ngươi đồng ý, chúng ta hãy đọ sức xem sao!”. Con muỗi vo ve xông đến, chỉ châm vào những chỗ không có lông trên mặt con sư tử. Sư tử giận dữ quơ móng cào, nhưng đều cào rách mặt mình. Con muỗi chiến thắng sư tử, lại kêu vo ve, hát khúc khải hoàn bay đi, nhưng lại bị vướng vào mạng nhện. Lúc sắp bị nhện ăn, con muỗi than rằng, mình đã thắng cả con vật mạnh nhất, nhưng cuối cùng lại bị con nhện nhỏ xíu tiêu diệt.
Sau khi Kim Linh đọc diễn cảm một lượt, Kim Diệc Minh và Hủy Tử đưa mắt nhìn nhau. Kim Diệc Minh nói: “Bài này có gì mà hay? Một chút cao trào cũng chẳng có.” Hủy Tử cũng nói: “Chẳng phải là một câu chuyện ngụ ngôn khô khan sao?”.
Kim Linh nhìn họ bằng ánh mắt thương xót: “Những người thuộc thế hệ bố mẹ không hiểu hài hước một chút nào.”
Kim Diệc Minh và Hủy Tử lại nhìn nhau một lần nữa. Hủy Tử nói: “Đúng là mẹ không hiểu, mẹ cho rằng cuộc sống phải nghiêm túc, cái đẹp và cái xấu phải rõ ràng tách biệt.”
Kim Linh lắc lắc đầu nói: “Thôi được rồi, con không thích thảo luận đến vấn đề nghiêm túc, bài tập cũng đủ làm con phát ngấy rồi.”
Ngày hôm sau đến trường, Kim Linh và Lưu Á Như tìm cô Vệ ở khắp nơi nhưng không thấy, hóa ra cô giáo Vệ bị cảm, sốt, xin nghỉ về nhà khám bệnh. Kim Linh thở phào, cảm thấy như thế này càng hay, tránh được cô Vệ dùng tiêu chuẩn của diễn viên để nói này nói nọ với hai em.
Ngày thứ hai, Kim Linh xin Hủy Tử tiền đi xe buýt, cùng với Lưu Á Như vừa đi vừa hỏi đường đến đài truyền hình. Vào trong một phòng thu được chỉ định, mới phát hiện người đến ứng tuyển toàn bộ đều là nữ, không ít trường còn có giáo viên đi kèm, rõ ràng cực kỳ coi trọng. Trên sân khấu đã có người bắt đầu diễn, là một cô bé gầy gò, trên gương mặt nhỏ chỉ nhìn thấy đôi mắt to. Cô bé mặc một chiếc váy ba lê màu trắng muốt, đang múa bài “Vũ khúc thiên nga” theo tiếng nhạc trong băng ghi âm. Cô bé múa rất tận tâm tận lực, hoàn toàn có trình độ của một diễn viên nhí chuyên nghiệp.
Lưu Á Như kéo áo Kim Linh: “Chúng mình nhất định đi sai rồi, đây không phải cuộc thi chọn người dẫn chương trình.”
Giáo viên của một trường học đứng bên cạnh nói: “Không sai, chính là ở đây. Các em học trường nào?”.
Kim Linh đáp: “Trường tiểu học phố Tân Hoa.”
Giáo viên đó hỏi: “Trường tiểu học phố Tân Hoa chỉ cử hai em tới?”.
Ngụ ý chính là trường tiểu học phố Tân Hoa cũng quá là không chu đáo.
Trong lòng Kim Linh rất tức giận, cố ý lớn tiếng hỏi: “Có thi phỏng vấn tại chỗ không ạ?”.
Giáo viên đó nói: “Cô cũng không rõ. Đại để cũng phải thi đấy.”
Kim Linh thầm nghĩ, khiêu vũ có giỏi hơn nữa thì cũng để làm gì? Đến lúc đó lắp ba lắp ăn không nên đọi nói không nên lời, xem người ta cần mình hay là cần bạn ấy!
Cô bé có đôi mắt to nhảy xong, tiếp đến là một học sinh tiểu học lên sân khấu. Cô bé nhìn rất xinh xắn, mặc một bộ váy áo rất hợp mốt, mắt còn kẻ vẽ, môi cũng tô son đỏ, nhìn không giống một học sinh tiểu học mười tuổi, mà giống như mấy cô người mẫu quảng cáo trên báo hơn. Cô bé vừa lên sân khấu diễn tiết mục sở trường: ca hát. Tư thế và giọng hát đều mô phỏng danh ca Dương Ngọc Oánh, dáng vẻ rất ngọt ngào yểu điệu.
Kim Linh nói với Lưu Á Như: “Cậu ở đây đợi tớ, tớ phải đi vệ sinh đã.”
Không đợi Lưu Á Như trả lời, cô bé đã mau chóng chuồn khỏi phòng thu.
Cô bé hỏi thăm một người lao công đường tới nhà vệ sinh, người đó nói: “Đi thẳng về phía trước, rồi rẽ phải.”
Dọc đường, hai bên đều là những phòng đơn nhỏ được ngăn cách bằng vật liệu trong suốt, ánh sáng mờ mờ, trong mỗi gian phòng nhỏ đều có một màn hình ti vi, màn hình màu sáng rỡ, có cái đang phát bản tin, có cái đang phát dự báo thời tiết, có cái phát phim truyền hình, kịch truyền hình, MTV gì gì đó. Có một màn hình đang phát một bộ phim kinh dị khá là đáng sợ, khi Kim Linh đi qua đó, vừa hay đang chiếu cảnh một bàn tay quỷ xanh lét đang từ trong thò ra ngoài. Bàn tay quỷ đột nhiên được quay cận cảnh, kèm theo đó là tiếng gọi thảm thiết khiến người ta sởn tóc gáy, sống động như sắp chui ra khỏi cửa tóm lấy Kim Linh. Kim Linh sợ đến mức mặt không còn giọt máu, tim đập thình thịch, co cẳng chạy. Lúc chạy đến nhà vệ sinh, bỗng cửa bên trong lại kêu cạch một tiếng, khiến em sợ không thốt thành tiếng.
Hóa ra bên trong nhà vệ sinh có người. Kim Linh nghe thấy một người nói với một người khác: “Làm khổ những đứa trẻ làm gì chứ? Không phải đã chọn con gái của đạo diễn Trần rồi sao?”. Người kia đáp: “Còn muốn tìm một bé trai để ghép cặp, kết quả đến dự tuyển toàn nữ, thật là buồn cười!”.
Kim Linh đứng bên ngoài cửa, nhìn thấy hai cô trông dáng vẻ rất đẹp từ trong bước ra, uốn éo đi ra ngoài hành lang. Mất một lúc em vẫn không thể tin nổi những điều mình vừa nghe thấy. Sau đó, em không muốn đi vệ sinh nữa, chạy về phòng thu, kéo tay Lưu Á Như.
“Đi thôi, đi về đi, đúng là chẳng hay ho gì.”
Lưu Á Như cố gắng gỡ tay em ra: “Còn chưa đến lượt trường của mình mà.”
Kim Linh nói: “Có lúc người lớn còn lừa cả trẻ con chúng mình.”
Lưu Á Như không hiểu ý của em, sợ bỏ về giữa chừng sẽ bị cô giáo Hình trách mắng, sống chết không chịu nghe lời Kim Linh.
Bấy giờ có một người trung niên bụng phệ bước đến, ông ta vừa bước vào đã sửng sốt dang hai tay ra, nói: “Sao toàn là con gái thế này?” lại vỗ vỗ đầu Kim Linh hỏi: “Học trường nào thế?”.
Người đó cười cười: “À, đi về nói với giáo viên của các cháu, đổi mấy bạn nam đến đây.” Rồi giơ tay lên vỗ tay, nói với tất cả mọi người ở đó: “Được rồi! Các bạn nữ có thể về! Chiều nay, mời các trường học đổi các bạn nam đến đây.”
Lưu Á Như thì thào hỏi Kim Linh: “Rốt cuộc là chuyện gì thế?”. Kim Linh nói: “Đi thì đi, ai thèm làm người dẫn chương trình. Tớ còn sợ để lỡ kỳ thi đấy.”
Sau này, cho dù là ở trong nhà hay đến trường, Kim Linh đều kiên quyết không nói đến chuyện này, cảm thấy rất vô vị. Nghê Chí Vĩ cười mỉa em, nói: “Bị rớt à? Người ta không cần cậu à?”. Kim Linh liền ngẩng đầu, lạnh lùng nhìn cậu ta, bộ dạng “không cần nói cho cậu biết”. Nghê Chí Vĩ chẳng còn dám nói gì nữa.