C
ô Hình ốm rất lạ lùng, một người đang yên đang lành, vốn dĩ ngồi trong phòng làm việc sửa bài tập làm văn, bỗng nhiên cảm thấy trời đất quay mòng mòng, cả người cứ thế đổ rầm xuống đất, còn bị trầy cả trán. Cô Cảnh dạy tiếng Anh, cô Thân dạy lịch sử, thầy Nhiệm dạy Tự nhiên đều hoảng sợ, hô hoán ầm ĩ, người thì vực cô Hình dậy, người thì bấm vào huyệt nhân trung và huyệt hổ khẩu của cô, người thì chạy như bay đến gọi hiệu trưởng.
Trong trường lại không có xe hơi, gọi xe cấp cứu lại sợ ảnh hưởng đến các em học sinh đang học, đành phải nhờ thầy dạy thể dục còn trẻ khỏe, bế cô Hình lên xe đạp, thầy từ từ đẩy xe tiến về phía trước, cô Cảnh và cô Thân ở phía sau, mỗi người một bên giữ tay cô giáo Hình, đưa cô vào viện.
Kết quả kiểm tra là không có bệnh gì cả. Huyết áp bình thường, nhịp tim bình thường, nhiệt độ, bạch cầu, mỡ máu, đường máu, thậm chí là đại tiểu tiện, tất cả đều bình thường. Lạ thật!
Cô Hình vừa nghe nói là kết quả bình thường, thì giãy lên đòi ra viện. Cô không yên tâm vì bọn trẻ trong lớp. Ai ngờ vừa ngồi xuống trước bàn làm việc, lật cuốn vở làm văn đầu tiên, đầu lại quay cuồng, tai ù ù không dứt, trên trán rịn ra một lớp mồ hôi.
Thầy Nhiệm dạy Tự nhiên bỗng nhiên hiểu ra, nói: “Tôi biết cô Hình mắc bệnh gì rồi! Đây chính là bệnh “thấy chữ là hoa mắt”, do sửa bài làm văn quá nhiều, giống như ăn thịt quá nhiều năm sẽ làm tổn thương đến tì vị, cứ nhìn thấy thịt là buồn nôn”.
Cô Hình thử lại, kết quả đúng như vậy: Rời khỏi quyển vở đi đến trước cửa sổ thì cảm thấy thư thái dễ chịu, quay lại đống vở bài tập lại bị choáng váng.
Không còn cách nào khác, cô Hình đành nằm nghỉ ngơi trên giường. Nghỉ ngơi cũng không yên tâm về nhà nghỉ, đành nằm trên giường trong phòng giáo cụ.
“Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”. Lúc đó, đám học sinh của sáu lớp có thể coi như là bắt được cơ hội. Học sinh giỏi vẫn còn có thể tự quản được, đám nghịch ngợm lại mừng rỡ đến mức không biết viết tên mình như thế nào.
Vu béo liên tiếp đi muộn hai ngày, mỗi lần đều đến sau khi chuông báo vào học vang lên, cậu ta vừa lệt xệt lê đôi giày thể thao, đầu ướt sũng mồ hôi xông vào phòng học, vừa thanh minh: “Mẹ tớ lại quên đặt đồng hồ báo thức!”. Sau đó ngồi xuống, móc ra một chiếc bánh kẹp quẩy chiên thơm phức từ trong cặp sách, vờ như đang đọc sách, cúi đầu xuống cắn một miếng to, rồi đọc vài câu, lại cắn một miếng to, đến nỗi khắp phòng toàn là mùi thơm của quẩy. Nếu như giáo viên của buổi học sáng có can thiệp, thì cậu ta sẽ ung dung mà nói: “Mẹ em đã nói rồi, không ăn sáng não sẽ không có dinh dưỡng, não không có dinh dưỡng thì làm sao có thể nghe giảng học bài?”. Giáo viên nghĩ cũng đúng, Vu béo nghe giảng không vào, thành tích học tập tụt dốc, chẳng phải vẫn cần mình phụ đạo miễn phí cho em ấy sao? Nên cũng đành mắt nhắm mắt mở cho qua.
Lý Lâm vốn dĩ đã có chút triệu chứng của bệnh tăng động. Giờ Âm nhạc, giáo viên cho mọi người học một bài hát mới có tên là “Tống biệt”, chất giọng vịt đực của Lý Lâm vang lên rất lạc điệu, phía trước có một bạn học cúi đầu xuống cười một lát, cậu ấy lập tức dùng cây tiêu trong tay gõ vào gáy người ta. Giáo viên âm nhạc kêu lên thất thanh: “Không được! Giờ lên lớp lại dám hành hung đánh người!”. Cô đi tới kéo Lý Lâm, mời cậu ấy ra khỏi phòng học. Ai biết giáo viên âm nhạc vóc người nhỏ bé mỏng manh, Lý Lâm lại cao to như người lớn, cô giơ tay kéo một cái, không những không làm Lý Lâm nhúc nhích, trái lại còn bị Lý Lâm giật ngược làm loạng choạng, suýt nữa thì ngã dúi vào lòng Lý Lâm. Cả lớp cười rần rần. Trên gương mặt trắng trẻo của cô giáo âm nhạc nổi lên hai vầng đỏ, rõ ràng là bị dồn ép quá mức.
Tên khôn lỏi tài lanh Thượng Hải cũng coi như tìm được cơ hội thể hiện. Khi giáo viên Tự nhiên lên lớp giảng về hệ thống sinh sản của thực vật, cậu the thé chêm vào một câu: “Cơ quan sinh dục?”, khiến Lý Lâm cười đến nỗi lăn ra khỏi ghế ngồi. Đám nữ sinh cũng buồn cười, nhưng lại xấu hổ, nên ai nấy đều bưng tay áo bịt miệng, rạp người trên bàn học, hai vai cứ rung lên. Giáo viên Tự nhiên dùng thước kẻ gõ lên bục giảng “cạch cạch”: “Có gì đáng cười chứ? Đây là cấu tạo tự nhiên của thực vật!”. Thượng Hải liền giả vờ hồ đồ: “Tại sao lại như thế ạ?”. Tiếng cười trong phòng học lại càng rộ hơn. Giáo viên Tự nhiên tức đến nỗi tóc sắp dựng đứng cả lên, gõ đến gãy cả chiếc thước kẻ trong tay.
Ở trên lớp, Kim Linh không được coi là học sinh giỏi, nhưng em không muốn trong lúc cô Hình bị ốm mà buông thả bản thân, em cảm thấy cách làm của Lý Lâm và Thượng Hải có chút không phải, giống như ăn cướp trong cơn hỏa hoạn, không đàng hoàng chút nào. Khi người khác lên lớp cười nghiêng cười ngả, còn em thì nghiêm mặt không cười, cố ý ngồi thẳng lưng, hai mắt sáng rực nhìn chằm chằm vào giáo viên, tựa như đang nói: “Còn có em đang nghe giảng đây!”. Giáo viên đứng lớp liền cảm thấy đứa trẻ Kim Linh này vẫn là rất trượng nghĩa, trong lúc nguy nan không làm những chuyện giậu đổ bìm leo.
Kim Linh trọng tình cảm. Bình thường cô Hình đối với em cũng không hẳn đặc biệt tốt, vì em chỉ là một học sinh vô cùng bình thường trong lớp, là cái gai trong mắt cô giáo xưa nay yêu thích những em học sinh giỏi. Nhưng cô Hình vừa bị ốm, mấy ngày không xuất hiện trong phòng học, trong lòng Kim Linh vẫn nhớ đến cô. Huống hồ cô Hình vì lớp em mới ốm, Kim Linh luôn cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, trong lòng không biết là cảm giác gì.
Kim Linh nói với Dương Tiểu Lệ: “Chúng mình đến thăm cô Hình đi!”.
Dương Tiểu Lệ do dự hỏi: “Nếu để các bạn khác nhìn thấy, liệu có nói chúng mình đi nịnh bợ không?”.
“Nói thì nói, sợ cái gì. Dù sao mình không muốn làm học sinh tuyển cử.”
Dương Tiểu Lệ nghĩ một lát, vẫn là quyết định không đi. Bởi vì hai ngày này, phó hiệu trưởng lên dạy thay tiết Ngữ văn, đã phê bài tập làm văn của em là “không đạt”, em rất sợ cô Hình hỏi em về chuyện bài tập làm văn.
Không đi thì không đi, Kim Linh cũng không cần cậu ấy, một mình thì không thể vào căn nhà nhỏ của cô Hình chắc?
Lúc lên lớp buổi chiều, Kim Linh ra khỏi nhà sớm hơn bình thường nửa tiếng. Trên đường đi qua cửa hàng hoa ngoài cổng trường, Kim Linh nhìn thấy những thùng hoa hồng, hoa lưu ly màu tím, hoa baby màu trắng, hoa cúc màu vàng kim và hoa rum màu xanh nhạt đang nở rộ, trong lòng cực kỳ thích thú.
Chủ tiệm là một người đàn ông chừng ngoài 40 tuổi, chân hơi thọt, chú cà nhắc bưng bình nước phun sương cho hoa. Nhìn thấy Kim Linh ngây ngẩn đứng trước cửa hàng không đi, chú hỏi chơi một câu: “Muốn mua hoa à?”.
Kim Linh ngại ngùng dùng ngón tay chỉ vào một bó hoa cẩm chướng to ở trong chiếc thùng nhựa: “Hoa này bao nhiêu tiền một cành ạ?”.
Ông chủ không ngoảnh đầu lại, trả lời: “Thì cứ mua một cành đi! Một đồng năm hào thôi!”.
Kim Linh liền mò vào trong túi, moi ra được một đồng. Đây là tiền em xin mẹ mua tẩy lúc trưa. Em lại mò trong các ngăn của cặp sách và từng mọi góc nhỏ, mò ra một đồng xu một hào và một tờ một hào tiền giấy, đã bị vò đến mức nhàu nhĩ.
“Chỉ có một đồng hai hào thôi!”. Em nói lí nhí.
Chủ tiệm nói chắc như đinh đóng cột: “Không được, chú không thể làm ăn lỗ được. Chỗ hoa này từ đâu tới cháu có biết không? Côn Minh! Vận chuyển bằng máy bay từ Côn Minh tới đây! Xa như thế, khó khăn lắm mới giữ tươi được thế này!”.
Kim Linh cắn chặt môi, mắt nhìn trân trân vào những cánh hoa kiều diễm tươi thắm đó, không nỡ bước đi.
Chủ tiệm cũng hơi mủi lòng: “Hay là, để tiền của cháu lại, cầm một bông hoa loại này đi – kém tươi một chút, nhưng nhìn vẫn là hoa tươi.”
Kim Linh liếc nhìn bông hoa mà chủ tiệm chỉ. Cành lá của bông hoa đó đã hơi rũ xuống, mép cánh hoa còn hơi đen. Cô bé lắc lắc đầu.
“Cái con bé này! Hoa đẹp thì không có tiền, hoa héo lại không chịu mua. Thôi đi, có một đồng hai hào này, cháu mua một gói ô mai ăn đi.”
Kim Linh nói: “Cháu muốn mua hoa.”
Chủ tiệm bật cười: “Cháu mua hoa làm gì? Tặng bạn trai à? Cháu còn chưa đến tuổi. Mà có tặng thì cũng là bạn trai tặng cháu mới phải.”
Kim Linh nói: “Cháu tặng cô giáo. Cô giáo bọn cháu bị ốm.” Chủ tiệm ngưng cười, nhìn Kim Linh chăm chú với vẻ thân thiết: “Cô giáo nào? Chú quen hết các thầy cô ở trường tiểu học phố Tân Hoa của cháu.” “Là cô Hình.”
“Trời!” Chủ tiệm kinh ngạc, “Cô ấy từng là giáo viên chủ nhiệm của lớp con nhà chú!”.
Chú cúi lưng xuống lấy một cành cẩm chướng tươi nhất, đỏ nhất trong thùng hoa, lại quay người sang tìm giấy nilon bọc cành hoa lại, ở bên cạnh bông hoa đỏ thắm còn cài thêm vài cành baby trắng, bọc lại một cách rất thuần thục. Chú mắng Kim Linh: “Sao không nói sớm? Không to gan lớn mật, lại ăn nói vụng về!”.
Kim Linh phản bác lại chú ấy: “Cháu không có tiền, thì làm sao mà to gan lớn mật được?”.
Chủ tiệm nói: “Cũng đúng, mạnh vì gạo bạo vì tiền.”
Chú bó xong bó hoa rồi nhét vào tay Kim Linh: “Cầm đi, miễn phí, coi như là chú tặng.”
Kim Linh đòi trả chú ấy một đồng hai hào, nhưng chú ấy không chịu nhận. Kim Linh để lại tiền trên sạp hoa rồi bỏ đi.
Vẫn chưa đến giờ vào lớp nên trong trường nhìn rất lạnh lẽo vắng vẻ. Kim Linh ngại ngùng vì cầm bó hoa trong tay người khác sẽ để ý, nên cởi khăn quàng ra, che che đậy đậy đi về phía sau tòa nhà dạy học.
Phía sau tòa nhà dạy học có một dãy nhà cấp bốn sơ sài, gian thứ ba trong đó chính là gian phòng của cô giáo Hình. Kim Linh dán tai vào cửa lắng nghe, bên trong không một tiếng động. Cô bé thử thò tay đẩy cửa, cửa chỉ khép hờ. Qua khe hở, em nhìn thấy cô giáo Hình đắp chăn nằm trên giường, mái tóc rối để xõa, sắc mặt vàng vọt, hốc mắt trũng sâu, đôi môi bợt bạt trông có chút đáng sợ.
Cô Hình nghe thấy có tiếng động ngoài cửa. Vốn dĩ cô chỉ là nhắm mắt dưỡng thần, cho nên thính giác cực kỳ nhạy bén. Cô mở mắt ra, lập tức nhìn thấy một gương mặt tròn xoe phúng phính đang lấp ló ngoài cửa, cô liền phì cười: “Là Kim Linh à? Vào đi!”. Rồi lại vỗ vỗ xuống mép giường, nói: “Nào, đến ngồi cạnh cô đi.”
Kim Linh nhón mũi chân đi tới, nhẹ nhàng ngồi xuống mép giường, chỉ sợ không cẩn thận sẽ làm đau cô giáo.
Cô giáo Hình khe khẽ sửng sốt kêu lên: “Ồ, em còn mang hoa đến! Đẹp quá! Từ lúc cô bị ốm đến giờ, vẫn chưa có người nào nghĩ đến việc tặng hoa cho cô cả!”
Kim Linh vui đến mức suýt chút nữa thì rớt nước mắt.
Tiếp đó cô giáo Hình hỏi han về tình hình của lớp: Kỷ luật thế nào? Thầy cô dạy lớp có cách nhìn thế nào? Có ai bị gọi đến văn phòng nói chuyện không? Trắc nghiệm môn Toán và tiếng Anh có qua không? Xếp thứ mấy trong bảng xếp hạng cả năm?
Kim Linh rất hiểu chuyện, biết là người bệnh không thể tức giận, nên cẩn thận dè dặt chọn những chuyện không nghiêm trọng lắm để nói, thỉnh thoảng còn giở chút tiểu xảo, nói chuyện xấu thành chuyện tốt, còn phát huy toàn phần tài năng ngôn ngữ và sức tưởng tượng của em, thêm mắm giặm muối, miêu tả lung linh, nói đến mức cô giáo Hình cũng phải cười híp cả mắt.
“Ai da, suýt chút nữa thì cô quên mất, tiết tự học của chiều hôm nay, các em sắp xếp thế nào?”. Cô giáo Hình chống tay ngồi dậy.
Kim Linh nói: “Thầy dạy Toán và cô tiếng Anh đều dạy ở các lớp khác, để bọn em tùy ý làm bài tập.”
Cô giáo Hình hơi lo lắng: “Thế sao được? Tùy ý làm bài tập, thế chẳng phải là thả vịt sao?”. Cô nghĩ ngợi một lát, rồi nói với Kim Linh: “Em, thay cô làm giáo viên nhí một lần, sắp xếp cho mọi người viết một bài tập làm văn.”
Kim Linh tim đập thót, không dám tin vào tai của mình: “Em? Là em sao?”.
“Tại sao không thể là em?” Cô giáo Hình nhìn Kim Linh bằng ánh mắt hiền từ, “Cả lớp thì có em làm văn là giỏi nhất, em sắp xếp bài làm văn là thích hợp nhất.”
Nước mắt Kim Linh suýt rơi xuống, em lắp ba lắp bắp hỏi: “Thế thì... thế thì... viết chủ đề gì ạ?”.
Cô Hình nói rất nhẹ nhàng: “Viết chủ đề gì do em quyết định. Em là giáo viên.”
Kim Linh cắn chặt miệng, phải cố hết sức mới có thể không làm cho mình kích động đến mức khóc òa hay bật cười.
Ra khỏi căn phòng nhỏ của cô giáo Hình, trên đường về phòng học, Kim Linh vẫn luôn vắt óc nghĩ ra một đề bài làm văn làm thế nào vừa mới mẻ lại vừa đặc biệt. Viết “xxx yêu quý của tôi” ư? Không hay, quá ấu trĩ, giống như học sinh lớp Ba viết vậy; viết “Tôi lớn lên cùng với chiếc khăn quàng đỏ” ư? Cũng không hay, so với đề bài ấu trĩ, bản thân Kim Linh còn sợ thể loại đề làm văn này hơn; “Tiếng bước chân của mùa xuân?”, “Trước khi tạm biệt trường học”? “Chắp thêm đôi cánh cho lý tưởng của tôi”...
Trời ạ, hóa ra ra đề làm văn cũng là một chuyện không dễ dàng gì!
Khi em bước vào phòng học, mới phát hiện trên lớp quả thực là “thả vịt”. Đám nam sinh như Lý Lâm thì không cần nói nữa, đến bọn nữ sinh như Dương Tiểu Quyên và Trương Linh Linh cũng buôn chuyện đến mức không thể khống chế nổi, người quay trước quay sau vặn vẹo như nui xoắn, nói với người này mấy câu, trêu người kia cười mấy tiếng, cực kỳ vui vẻ.
Kim Linh đứng trước cửa phòng học định thần lại, căng da mặt lên, tiến lên bục giảng bằng những bước đi với dáng vẻ rất nghiêm trọng, thuận tay cầm chiếc thước kẻ trên bàn giảng giơ lên gõ mấy cái.
“Trật tự đi! Hãy trật tự! Bây giờ tớ phải ra một đề bài làm văn!”.
Nghê Chí Vĩ kinh ngạc kêu một tiếng: “Cậu ra đề làm văn? Cậu thì xếp thứ mấy?”.
Kim Linh nhìn cậu ta với ánh mắt sáng rỡ: “Tớ không có tư cách sao? Là môn Văn tớ không bằng cậu, hay là cậu có ý chống lại mệnh lệnh của cô Hình?”.
Nghê Chí Vĩ không có lời nào để nói, chùn lại một chút, trong miệng lẩm nhẩm lầu bầu.
Kim Linh thủng thẳng từ tốn, lớn tiếng truy vấn một câu: “Thái độ không tốt, cẩn thận lúc tớ sửa bài sẽ trừ cậu 10 điểm!”.
Nghê Chí Vĩ hoảng đến mức lập tức ngồi ngay ngắn trở lại. Trên lớp có rất nhiều bạn học phấn chấn, bởi vì Kim Linh đã trút giận cho mọi người, khắc chế được cậu lớp trưởng luôn coi người như rác này. Thậm chí Thượng Hải còn cho cả ngón trỏ và ngón giữa vào miệng, huýt một tiếng rất dài, rất chói tai. Kim Linh hung hăng trừng mắt lườm cậu ta một cái, lớn tiếng quát: “Thượng Hải!”. Thượng Hải lập tức bỏ ngón tay ra, làm mặt quỷ, rồi ngồi xuống ngoan ngoãn cung kính.
Kim Linh chọn lấy một viên phấn màu đỏ, quay người lại, viết từng nét từng chữ trên bảng đen đề bài làm văn hôm nay: “Tôi thực sự muốn...”
Dấu chấm cuối cùng vừa viết xong, Vu béo đã kêu ầm lên ở phía dưới: “Đề bài này khó quá!”.
Kim Linh quay người lại, đặt viên phấn xuống, vỗ vỗ tay cho bay hết bụi phấn trên tay, học giọng điệu của cô giáo nói: “Khó cái gì? Chịu động não là sẽ không thấy khó nữa!”.
Vu béo lụng bụng: “Tớ chắc chắn sẽ viết không tốt, không thể quá nổi 200 chữ.”
“Không được, mỗi người không được viết ít hơn 600 chữ.” “400 chữ.”
Kim Linh tức giận: “Tớ nói 600 chữ là 600 chữ, thiếu một chữ là không đạt.”
Vu béo tuyệt vọng nói: “Tương lai nếu cậu làm cô giáo, học sinh của cậu chắc chắn sẽ tự sát.”
Kim Linh không thèm để ý đến cậu ấy nữa, lấy quyển tập làm văn của mình ra, nhoài người ngồi trên bàn giảng tự viết bài của mình. Những học sinh khác nhìn thấy Kim Linh như thế, thật sự không dám nghịch ngợm phá bĩnh nữa, người thì suy nghĩ cấu tứ, người thì ngồi viết, cả phòng học chỉ vang lên tiếng “rột rột” của ngòi bút.
Suốt hai tiết tự học, không có ai dám nghiêng nghiêng ngó ngó hay nhấp nhổm đi lại, thật là lạ lùng.
Buổi tối về nhà, Hủy Tử thấy Kim Linh ôm về một đống vở tập làm văn, rất ngạc nhiên, bèn hỏi là chuyện gì. Kim Linh cố ý tỏ vẻ không quan tâm, miêu tả qua loa, nói: “Có gì đâu, cô Hình bảo con dạy thay cô ấy một tiết tập làm văn.”
Hủy Tử kinh ngạc lẫn vui mừng vạn phần, có chút lấy làm lạ lùng sán lại bên con gái hỏi này hỏi kia. Kim Linh bị hỏi nhiều đến phát bực, nói: “Làm giáo viên nhí đâu phải chỉ có mỗi mình con!”. Bấy giờ đầu óc Hủy Tử mới tỉnh táo trở lại, cảm thấy dạy một tiết tập làm văn cũng không thể coi là một chuyện gì vĩ đại, ghê gớm lắm.
Bài tập ngày hôm đó Kim Linh hoàn thành rất nhanh, tổng cộng chưa đầy nửa tiếng. Hóa ra, chỉ cần em tập trung tinh thần, vẫn có thể hoàn thành bài tập nhanh hơn, tốt hơn.
Sau đó là việc sửa bài tập làm văn cao cả. Kim Linh trên lớp nổi tiếng là người viết chữ sai nhiều nhất, nhưng khi phê bài làm văn của người khác, em lại có ánh mắt cực kỳ sắc bén, xuống tay chuẩn xác, mỗi một chữ sai đều phân biệt hết sức rõ ràng. Câu sai, câu đọc lên không thuận cũng không thể trốn khỏi tay em, em khoanh tròn chỗ này, sửa chỗ kia, luôn có cách sắp xếp những câu đó chỉnh tề đến mức giống như một đội quân có kỷ luật nghiêm minh. Khi cho điểm mỗi bài văn, cô bé cũng cố gắng vô tư khách quan, vừa không vì tình riêng mà lưu tình, cũng không định vì chuyện riêng mà xả giận. Ví dụ như bài văn của Dương Tiểu Quyên em chỉ cho 75 điểm, còn bài của Nghê Chí Vĩ được 85 điểm.
Khi làm xong hết, đã gần 12 giờ, làm cho Hủy Tử đau lòng chết đi được.
Chiều hôm sau, Kim Linh lại đến căn phòng nhỏ của cô Hình. Thần sắc cô Hình đã khá hơn rất nhiều, con gái cô vừa mới mang cơm đến cho cô. Cô ăn một bát canh sườn, còn ăn một ít rau dưa, môi miệng đỏ hồng lên.
Kim Linh đặt đống vở làm văn lên trước giường cô giáo, nói về từng quyển từng quyển cho cô nghe: Tại sao bài này không đạt, tại sao cho bài kia điểm cao; ai viết chữ sai nhiều, câu cú của ai viết cộc lốc, đọc không thông. Gặp đoạn nào viết đặc sắc, em không kìm được lại đọc cho cô nghe một đoạn. Em rất thích những đoạn văn miêu tả chuẩn xác này.
“Tất cả đều rất tốt,” cô Hình nói, “thật sự rất tốt. Em sửa bài rất giỏi, tiêu chuẩn chấm điểm cũng không có vấn đề.”
Bấy giờ Kim Linh mới do dự, ngập ngừng nói: “Còn có một chuyện, em phải nói với cô.”
“Em cứ nói đi”.
“Chính là bài văn của em... Bài văn của em...”
Cô giáo Hình cười nói: “Thật là, còn chưa nói đến bài văn của em đấy.”
Kim Linh cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào mắt cô Hình: “Em cho bài làm văn của em 90 điểm.” Em lại vội vàng ngẩng đẩu lên: “Nhưng em cảm thấy em xứng đáng đạt số điểm đó! Bài văn của em thực sự viết hay hơn các bạn ấy!”.
Cô giáo Hình cười tươi hỏi cô bé: “Thật sao? Để cô đọc xem, có được không?”.
Kim Linh rút cuốn vở làm văn của mình ra, đặt vào tay của cô giáo Hình. Cô giáo Hình mới nhìn thấy hàng chữ đầu tiên, lập tức cơn chóng mặt đau đầu lại nổi lên, vội vàng gấp cuốn vở lại. Kim Linh nói: “Để em đọc cho cô nghe nhé.” Kim Linh liền đọc bài tập làm văn của mình với chất giọng đầy diễn cảm:
Tớ thực sự muốn tạo ra một khu rừng cho bạn
Làm sao tớ lại thấy đôi mắt đầy đau thương của bạn!
Bạn rụt rè co quắp bên đường đi, trên đôi cánh, những cọng lông vũ trơ trụi lơ thơ, để lộ ra những chiếc lông măng nhỏ xíu bám chặt vào cơ thể; một bên chân đã bị gãy, yếu ớt lê lết; đỉnh đầu và phần cổ rướm máu, cùng với lông vũ, sớm đã bết thành một vết máu khô. Bạn đáng thương co co quắp quắp ở đó, toàn thân không giấu nổi sự run rẩy. Đôi mắt cứ nhìn tớ đau buồn như thế, trong ánh mắt tràn ngập nỗi sợ hãi và lạnh lẽo.
Hôm qua, khi tớ nhìn thấy bạn, là lúc hoàng hôn, ở bên đường, xe cộ qua lại như mắc cửi, nhưng nhìn bạn không thảm hại như ngày hôm nay. Lông của bạn vẫn hoàn chỉnh, chân chưa bị gãy, cổ và đầu cũng không chảy máu. Bạn bị mấy đứa trẻ nghịch ngợm đuổi bắt, giãy giụa vùng vẫy rồi vấp ngã trên mặt đất, nhưng cho dù làm thế nào cũng không bay lên được. Tớ không biết bạn bị làm sao? Là không thoát ra khỏi cạm bẫy của những tòa nhà cao tầng san sát của thành phố này? Hay là tưởng những bức tường cửa kính của những tòa nhà chọc trời bên đường là khu vườn tuyệt mỹ của bạn, mơ mơ hồ hồ xông vào, mới khiến cho bạn bây giờ hoa mắt chóng mặt, chân bước tập tễnh? Hay là bị khí thải của ô tô trên đường làm cho buồn nôn? Bị bệnh rồi? Tóm lại giờ đây bạn đã mất khả năng bay lượn, đành trơ mắt trở thành món đồ chơi lần lượt qua tay bọn trẻ nghịch ngợm. Cũng chính lúc đó, là lúc bạn ngoẹo đầu đi vào ngõ cụt, ánh mắt của bạn và tớ đã chạm nhau.
Đôi mắt bi thương biết bao! Cả đời này tớ chỉ bắt gặp ánh mắt đó trên gương mặt của trẻ em ở châu Phi trên truyền hình. Trong đôi mắt ấy chứa đầy nỗi tuyệt vọng đối với sự sống, nỗi sợ hãi đối với cái chết. Tớ thương bạn biết bao. Trong thành phố mà chúng tớ đang sống, con người luôn cảm thấy mọi sự khó chịu như chật chội, căng thẳng, ô nhiễm và ồn ào, huống hồ là bạn – nhỏ bé và yếu đuối!
Tớ quyết định phải cứu bạn. Tớ cố hết sức tiến lên xua đuổi những đứa trẻ đó đi, cẩn thận vực cơ thể của bạn dậy. Bạn hoảng sợ kêu lên một tiếng, có lẽ bạn sợ tớ lại là một kẻ bạo lực nữa trong thành phố này.
Nhưng sự ve vuốt của tớ làm bạn bình tâm lại, bạn nghiêng cái đầu nho nhỏ nhìn tớ, giống như muốn vĩnh viễn khắc ghi gương mặt của tớ. Tớ đưa bạn đến khu đậu xe gần đó, đặt bạn lên mái vòm nhà để xe. Tớ muốn bạn nghỉ ngơi trên mái nhà một lúc, lấy lại sức, rồi sau đó lại bay về với trời xanh, bay đến nơi thích hợp cho bạn sinh tồn. Sau đó, tớ sẽ đi, bởi vì tớ còn phải về nhà làm bài tập.
Nhưng hôm nay sao tớ lại gặp bạn nữa? Cuối cùng bạn vẫn không thể thoát khỏi bàn tay ma quái của mấy đứa trẻ nghịch ngợm đó sao? Xem ra bọn chúng làm bạn bị thương nặng hơn rồi! Bạn thật ngốc, nếu không thể bay, tại sao không giấu mình cho kỹ? Bạn không biết bản thân mình đã được định sẵn là một sinh vật bị thành phố này nuốt chửng sao?
Tớ đành lần nữa nhặt bạn từ vệ đường lên. Trong lòng bàn tay tớ, bạn chật vật thoi thóp thở, đôi cánh xác xơ lông khe khẽ nhúc nhích, giống như muốn bay lần cuối cùng. Nhưng cuối cùng bạn vẫn rũ đầu và chết. Bạn chết không nhắm mắt, mỏ cũng hơi há ra không chịu khép lại. Bạn muốn nói gì? Tố cáo những tòa nhà cao tầng, những ống khói cao ngất, đường cao tốc, đường sắt đã hủy hoại môi trường sinh tồn của bạn và người thân của bạn? Hay là oán trách Thượng đế đã không cho bạn mạnh mẽ hơn một chút?
Nâng thi thể nhỏ bé còn hơi ấm của bạn, nước mắt của tớ tuôn trào. Nếu tớ là một người khổng lồ, tớ thực sự muốn tạo ra một khu rừng cho bạn, đó hẳn là khu vườn tuyệt mỹ nhất của bạn. Bạn có thể vui vẻ làm tổ, hót ca, sinh con đẻ cái, trong khu rừng ấy. Nơi đó có bầu không khí tươi mới nhất, có bầu trời tự do nhất trên thế gian. Bạn có thích một nơi như thế không?
Đáng tiếc bạn đã chết rồi, bạn sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng của tớ nữa.
Kim Linh đọc xong, nước mắt men theo gò má lũ lượt lăn xuống. Khóe mắt cô Hình cũng hơi ươn ướt, cô lấy khăn giấy để bên cạnh gối lau lau, rồi lại lấy một tờ đưa cho Kim Linh, khen rằng: “Bài văn hay quá! Viết rất hay! Vừa cảm động lại vừa có ý tứ! Nếu không có chữ viết sai, phải cho 100 điểm mới đúng!”.
Kim Linh liếm liếm chút nước mắt ở khóe miệng, nói nhỏ: “Cảm ơn cô.”
Cô Hình quay người lại, hai mắt chăm chú nhìn trần nhà, mãi lâu sau mới từ tốn nói: “Em đúng là một đứa trẻ kỳ lạ. Em lương thiện, chính trực, khoan dung, độ lượng, lại có một tâm hồn cao quý biết thương người khác, cảm giác nghệ thuật cũng rất tinh tế, tại sao thành tích học tập lại không khá lên được? Cả ngày em nghĩ những gì? Có thể nói cho cô không?”. Cô quay đầu lại, nhìn xoáy vào trong mắt Kim Linh.
Kim Linh né tránh cái nhìn chăm chú của cô Hình, khẽ giọng nói: “Em không nghĩ gì cả, chỉ muốn làm một đứa trẻ ngoan.”
Cô Hình nói: “Em đã là một đứa trẻ ngoan rồi.” Kim Linh cắn chặt môi, biểu thị không tin.
Cô Hình lại nói: “Thật đó, em đã là một đứa trẻ ngoan rồi. Một học sinh có thể viết ra bài văn hay như thế này, dựa vào cái gì mà không thể gọi là một đứa trẻ ngoan chứ? Bây giờ cô đã nghĩ thông rồi, tâm tư của một đứa trẻ ngoan quá phong phú, không hoàn toàn là do con số 100 điểm tạo thành. Cô tin rằng tương lai em có thể làm được những chuyện rất to lớn, là một người bề ngoài bình thường nhưng có tâm hồn vĩ đại. Hãy cố gắng lên nhé, Kim Linh!”.
Cô Hình giơ ra bàn tay gầy gò, cầm lấy bàn tay mềm mềm, mũm mĩm của Kim Linh, đặt lên ngực mình.
Kim Linh khóe môi hơi nhếch lên, ngại ngùng mỉm cười. Vừa cười, nước mắt lại không ngừng lăn xuống.