C
uối tháng Tư, Phòng Giáo dục của khu tổ chức cho các học sinh tiểu học chuẩn bị tốt nghiệp một lần thi “cuối cùng”. Nói là “cuối cùng”, kỳ thực chính là xếp thứ tự trên tổng thành tích của các trường học. Các hiệu trưởng đều rất lo lắng, sợ trường của mình xếp sau cùng. Một khi bị xếp sau cùng, bản thân mất thể diện chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là nguồn học sinh năm tới sẽ có vấn đề, kinh phí năm tới cũng có vấn đề. Nguồn học sinh không tốt, kinh phí không đủ, giáo viên không có tinh thần làm việc, thành tích của học sinh lại càng tuột dốc. Đây chính là một vòng tuần hoàn ác tính, một khi đã phát sinh, trường học coi như là bị hủy hoại.
Thi ba môn chính: Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Điểm trung bình của trường tiểu học phố Tân Hoa là 260 điểm, xếp quãng giữa trong bảng xếp hạng các trường tiểu học toàn khu, không tốt cũng không kém.
Hiệu trưởng rất sốt ruột, lập tức triệu tập cuộc họp toàn thể giáo viên. Hiệu trưởng nói: “Đứng giữa bảng xếp hạng cho thấy điều gì? Cho thấy học sinh sắp tốt nghiệp của trường chúng ta có thể đỗ vào trường trung học trọng điểm nhiều nhất cũng chỉ chiếm 1/3! Ba môn chính, trung bình mỗi môn 87 điểm, so với trước đây thì không tồi, nhưng sức cạnh tranh năm nay rất cao, năm sau cao hơn năm trước! Nếu chúng ta không vượt người ta thì ắt sẽ bị tụt lại phía sau, không nghi ngờ gì nữa, về mặt tư tưởng đều không thể lơ là thả lỏng một chút nào, đối với học sinh chỉ có hai chữ: Nhẫn tâm - Nắm chắc! Hiện tại chỉ cách kỳ thi lên cấp là hai tháng, tấn công nắm thật chắc, đua nước rút một thời gian, vẫn có hy vọng. Cho tất cả các lớp học sinh sắp tốt nghiệp thực hiện “7 tiến 7 ra”, cũng tức là sáng 7 giờ đến trường, tối 7 giờ tan học. Tôi cũng đã cử người đi trinh sát qua trường tiểu học thuộc trường đại học sư phạm rồi, lượng bài tập về nhà mỗi ngày của bọn họ gần như gấp đôi của chúng ta. Điều này cho thấy, giáo viên của chúng ta còn chưa đủ nhẫn tâm. Nhẫn tâm mới tốt cho học sinh, anh chị ạ! Con trẻ đều là những quả bóng cao su, bạn thổi thì nó sẽ căng lên, bạn thả hơi thì nó lại xẹp xuống. Bây giờ làm chúng khổ, cho chúng chịu ấm ức, nhưng tương lai chúng sẽ cảm ơn các bạn, sẽ hiểu được lòng tốt của bạn đối với chúng.”
Cô Hình lo lắng nói: “Cứ như thế, qua vài năm nữa, số điểm đầu vào trường trung học trọng điểm chẳng phải sẽ lên tới điểm tuyệt đối sao? Ba môn chính đều không cho phép bọn trẻ sai một chút nào. Làm sao có thể như thế được?”.
Hiệu trưởng xòe hai tay ra: “Tôi đâu còn cách nào khác? Tôi cũng đang rất căng thẳng về mặt tư tưởng, áp lực tinh thần cũng rất lớn. Mỗi tối tôi đều phải uống thuốc an thần mới ngủ được.”
Các giáo viên ai nấy đều buông tiếng thở dài, rồi ai nấy về lớp làm việc.
Cô Hình tìm mấy bạn cán sự lớp như Hồ Mai, Lưu Á Như để giúp, lần lượt chép tên 10 bạn đứng đầu và 10 bạn đứng cuối trong bảng thành tích các môn lên bảng đen, chép kín hai tấm bảng đen trước và sau lớp. Ngày hôm đó, cô còn mở một cuộc họp phụ huynh nữa.
Hủy Tử vừa bước qua cửa phòng học, nhìn thấy danh sách tên chép kín mít cả hai tấm bảng đen, lòng căng thẳng. Toàn thân cô gần như run rẩy dò tìm tên của Kim Linh trên bản danh sách đó. Tìm hết một lượt trên tấm bảng đen đầu tiên, không có. Quay người lại tìm trên tấm bảng đen phía sau, cũng vẫn không có. Cô mới dần thả lỏng người, cảm giác vừa may mắn lại vừa thất vọng. Không thấy tên Kim Linh cho thấy điều gì? Cho thấy thành tích các môn của Kim Linh đều là không kém không tốt, tầm tầm bậc trung. Nếu theo như cách nói của cô giáo Hình, số học sinh có thể đỗ vào trường trung học trọng điểm chỉ chiếm 1/3 cả lớp, thế thì hy vọng của Kim Linh vô cùng nhỏ nhoi.
Toàn thân Hủy Tử lại bắt đầu nóng rực lên. Ngồi giữa những chiếc bàn học xếp thành dãy dài trong phòng học, trong tai nghe thấy những lời bàn tán xì xào của các phụ huynh ngồi xung quanh: bàn tán nào là điểm số con của nhà mình, dự đoán điểm đầu vào của trường trung học trọng điểm năm nay, và đủ mọi loại oán trách, mừng rỡ, giận dữ lẫn tình hình học phí mời gia sư ra sao, thực đơn dành riêng cho con cái... Trong lòng cô vốn đã có sẵn một nỗi đau thương khóc không ra nước mắt. Cô không biết trẻ con sinh tồn trong thời đại cạnh tranh tàn khốc như thế này là may mắn hay bất hạnh, nhưng có một điều có thể khẳng định: Tất cả phụ huynh đều bất hạnh cả. Bố mẹ chịu áp lực nặng nề hơn các con, lũ trẻ mệt mỏi là về mặt thể xác, ngủ một giấc tỉnh dậy là có thể vui vẻ nhảy nhót; còn phụ huynh lại mệt mỏi trong tâm trí, từ ngày con bắt đầu đi học cho đến khi thi đỗ vào đại học, cho đến khi tốt nghiệp đại học đi làm, bò qua được cửa này lại đến một cửa khác, trái tim lúc nào cũng bị treo lơ lửng.
Cô Hình đi đến trước mặt Hủy Tử, nói với vẻ quan tâm thân thiết: “Mẹ Kim Linh, sắc mặt em hình như không khỏe lắm.”
Hủy Tử vội vã quay đầu, vứt bỏ những suy nghĩ lan man trong đầu ban nãy, cười khổ, nói: “Vẫn khỏe, em lúc nào cũng thế.”
Cô giáo nói: “Tình hình của Kim Linh, em đã có dự tính gì chưa?”. Hủy Tử nhìn cô Hình với ánh mắt cầu xin giúp đỡ: “Em phải làm thế nào? Có phải là em đã làm mẹ rất thất bại không?”.
Cô Hình im lặng một lúc, thong thả trả lời: “Nếu Kim Linh không phải học sinh của chị, nhất định chị sẽ rất thích em ấy, bởi vì em ấy thực sự rất đáng yêu. Nhưng em ấy là học sinh của chị, chị phải có trách nhiệm với em ấy. Nói một cách thẳng thắn, thành tích của em ấy vẫn không thể nổi trội trong lớp. Chị biết, hai vợ chồng các em đều là thành phần trí thức, là những người khí ngạo tâm cao, không thể hài lòng khi con mình học một trường trung học bình thường. Căn cứ vào tình hình trước mắt của Kim Linh, chị có một đề nghị: Hay là vào giai đoạn nước rút cuối cùng, tìm một gia sư giỏi cho em ấy?”.
“Chị cho rằng gia sư như thế nào mới thích hợp?”. Hủy Tử khiêm tốn hỏi.
Cô Hình cười cười: “Điều này không dễ. Tốt nhất là gia sư có kinh nghiệm dạy học, tương đối quen thuộc với tài liệu học tập của lớp Sáu. Nếu có thể, mời được giáo viên của trường trung học Ngoại ngữ là tốt nhất, bởi vì đề thi vào trường trung học Ngoại ngữ hàng năm đều là do họ ra, họ sẽ quen thuộc với cách ra đề của trường mình, khi giúp học sinh ôn tập sẽ nhằm trúng mục tiêu, kê thuốc đúng bệnh.”
Hủy Tử hoang mang cảm ơn: “Cô Hình, thật là cảm ơn chị quá!”. Cô Hình nói: “Không cần, mọi người đều muốn tốt cho con trẻ thôi. Hơn nữa, chị cũng rất thích Kim Linh.”
Buổi tối về nhà, Hủy Tử không dám chậm trễ một chút nào, lôi Kim Diệc Minh từ trong phòng làm việc ra ngoài, bắt đầu liệt kê danh sách tất cả bạn bè thân thích, đoán xem ai có khả năng quen biết giáo viên của trường trung học Ngoại ngữ, hoặc là ai có thể giúp móc nối được.
Kim Diệc Minh có người em họ, từng nhắc đến việc mình là hàng xóm của nhà hiệu trưởng trường trung học Ngoại ngữ. Kim Diệc Minh gọi một cú điện thoại hỏi, em họ mới giải thích là, hàng xóm là hàng xóm, nhưng giữa hai nhà họ còn cách nhau một nhà cao tầng, cậu ta biết hiệu trưởng, nhưng hiệu trưởng không biết cậu ta, có muốn chuyển lời cũng chẳng chuyển nổi.
Hủy Tử tức tối nói: “Ngốc thế! Đã là hàng xóm thì phải sớm nghĩ cách bắt quan hệ chứ!”.
Kim Diệc Minh giải thích thay em họ: “Cũng không dễ dàng như thế. Hiệu trưởng trường trung học trọng điểm hiện nay, có người nào không cao giá? Đi đường cũng vẻ vang hơn hiệu trưởng trường đại học rất nhiều, đâu có thể muốn kết giao là có thể kết giao ngay.”
Lại liệt kê ra một học sinh mấy chục năm trước của bố Hủy Tử, học sinh đó đã từng có một khoảng thời gian đảm nhiệm chức lãnh đạo công xưởng của trường trung học Ngoại ngữ, từng tặng cho bố Hủy Tử một bộ máy đếm bước chạy bộ do xưởng anh ta sản xuất.
Hủy Tử vội vàng gọi điện về nhà mẹ đẻ. Bố cô trả lời là sẽ lập tức hỏi giúp. Qua một lúc sau, điện thoại của bố gọi tới, rất không may, học sinh đó của ông hai năm trước đã mắc bệnh qua đời. Mẹ Hủy Tử ở đầu bên kia điện thoại hỏi: “Hay là để mẹ đi tìm đồng nghiệp hỏi xem sao?”. Hủy Tử chán chường đáp: “Thôi ạ, hỏi cũng phí công, không phải cực kỳ thân thiết, người ta chịu làm gia sư cho Kim Linh nhà mình chắc?”.
Danh sách liệt kê đến đây, bản thân Hủy Tử cũng chẳng còn tự tin. Hai người xé danh sách, lên giường đi ngủ với tâm trạng rất tồi tệ. Trước khi tắt đèn, Hủy Tử lại đến trong phòng nhỏ nhìn Kim Linh một cái, nhìn thấy em ngủ rất ngon, miệng còn nhếch lên cười, chắc đang mơ thấy gì đó thú vị. Hủy Tử về giường nói với Kim Diệc Minh: “Sao nó chẳng suy nghĩ chút gì thế nhỉ?”.
Kim Diệc Minh nói: “Trẻ con có thể suy nghĩ gì chứ? Tất cả mọi chuyện nó đều giao cho người lớn sắp xếp còn gì.”
Hủy Tử nghe câu này xong càng cảm thấy nặng nề trong lòng, trằn trọc không yên, suốt đêm không thể ngủ nổi.
Mấy hôm nay tòa soạn gửi bản thảo đi in, Hủy Tử không dám lười nhác, buổi sáng vẫy xe cho Kim Linh đi học, rồi đạp xe đi làm. Ở cửa gặp ngay tổng biên tập – bà Dư, bà ấy đi xe buýt đến. Vì dáng người thấp nhỏ, đầu chỉ có thể dúi vào vai người khác, nên tóc tai bà rối tinh rối mù, áo trong cũng bị kéo tuột ra ngoài quần, dài hơn một chút so với áo ngoài, rõ ràng là rất xộc xệch.
Hủy Tử nói: “Cô thật là, ra khỏi nhà muộn hơn một tẹo, chẳng phải xe sẽ vắng người hơn nhiều sao?”.
Bà Dư vỗ vỗ chiếc túi nilon trong tay, nói: “Sắp đến lúc in bản thảo rồi, mà bài mở đầu số báo vẫn chưa chốt, cô ngồi ở nhà yên tâm sao được.”
“Không phải là Lý Giác phụ trách bài này sao?”.
“Đúng thế. Nhưng năm nay con của Lý Giác thi vào phổ thông, Lý Giác nói cô ấy lo lắng căng thẳng đến sắp nổ tung rồi, nên phải xin nghỉ phép. Cháu nói xem, cô phải làm thế nào?”.
Bà Dư xưa nay nổi tiếng là người tốt bụng hiền lành trong tòa soạn, cho nên tuy nói làm việc ở đây không có tiền đồ xán lạn gì, nhưng mọi người vẫn nguyện ý làm việc cho bà, chủ yếu cũng là vì làm ở đây thoải mái vui vẻ.
Hủy Tử cười khổ một tiếng, nói: “Người mẹ có con đi học, có ai là không như thế? Con của Lý Giác thi vào phổ thông, con gái cháu thi vào trung học, cháu cũng suýt chút nữa là gục đây.”
Bà Dư hoảng hốt nói: “Không thể được! Bọn cháu ai nấy đều lo lắng riêng, bảo một bà già như cô chạy lên chạy xuống làm sao lo liệu số báo này?”.
Hủy Tử dùng chìa khóa mở cửa ra, đi vào trong văn phòng, bên trong bản thảo chất cao như núi.
“Nói thế thôi ạ, công việc sao có thể không làm? Có trách thì trách bọn cháu quá kỹ tính, làm chuyện gì cũng kỹ tính, làm phụ huynh cũng kỹ tính. Kỳ thực lúc bọn cháu còn nhỏ...” Cô phát hiện bà Dư đang nhìn mình như thể đầy rẫy tâm tư, liền đổi giọng nói: “Cô lại nghĩ ra điểm gì à?”.
“Cô đang nghĩ, mọi người đều nói tháng Bảy hàng năm là tháng đen tối của đám thí sinh, liệu có thể viết đề tài này thành bài mở đầu số báo không.
Hủy Tử nói: “Đúng là rất được.”
“Thế thì cháu viết đi.” Bà Dư nhân cơ hội.
Hủy Tử sợ đến nhảy dựng lên: “Cháu? Cô đừng trêu cháu. Cháu chỉ biết sửa bản thảo, chứ có biết viết bài đâu.”
“Cứ thử đi. Thử xem có được không?”. Bà Dư lấy ra một xấp bản thảo đưa cho cô, “Cháu là mẹ, bản thân có con tham gia kỳ thi lên cấp, sự thể nghiệm là sâu sắc nhất, sẽ không viết hời hợt qua loa.”
Nói đi nói lại, Hủy Tử xiêu lòng, nhận lời viết thử một bài. Bà Dư rất vui vẻ, lập tức cho cô nghỉ phép, để Hủy Tử về nhà chuyên tâm viết bài, sáng ngày mai nhất định phải nộp bài, nếu không thì không kịp duyệt in.
Hủy Tử còn ngồi chưa nóng chỗ trên ghế, đã lại phải đạp xe về nhà. Bây giờ đã quá giờ đi làm, người đi lại trên đường không nhiều lắm, cô vừa chầm chậm đạp xe, vừa suy nghĩ cấu tứ bài viết. Bà Dư nói không sai, trong lòng cô đúng là có rất nhiều cảm tưởng, chỉ cần hơi chạm vào, là hết thảy mọi lời muốn nói đều lũ lượt tuôn ra. Những câu nói trong lòng cô đại để đã sắp hàng sắp lối, sẵn sàng tuôn ra khi cô nhấc bút không đến nỗi viết lộn xộn.
Khi đạp xe đến “Trung tâm làm tóc thẩm mỹ Mona” thì gặp bạn học thời đại học, Hinh Lan. Hinh Lan mặc một bộ váy lụa màu hồng pastel, trên tai đeo hai viên trân châu khá to, trong tay cầm một chiếc ví nhỏ đồng màu với trân châu, trang điểm như thể sắp đi dự tiệc.
Hủy Tử xuống xe hỏi: “Đi đâu đấy? Sớm thế này mà đã đi dự tiệc sao?”.
Hinh Lan nhếch miệng cười cười, lại hất hàm về phía trung tâm làm tóc thẩm mỹ, “Đến đây, làm đẹp, sửa lại tóc một chút.”
Hủy Tử ngạc nhiên hỏi: “Sao nhàn nhã thế? Không đi làm à?”. Hinh Lan đáp: “Còn đi làm cái gì? Được mấy trăm đồng bạc.
Tớ nghỉ việc rồi.” Cô ta nhiệt tình kéo Hủy Tử nói: “Cậu cũng vào đi, cùng tớ làm đẹp một lần. Tớ mời.”
Hủy Tử nói: “Thôi, tớ không nhận nổi mấy trò tóc tai thời trang này đâu.”
Hinh Lan cứ kéo cô không buông: “Thử tí xem sao? Phụ nữ mà, ai mà không muốn lưu giữ tuổi thanh xuân của mình lâu một chút? Cậu xem dạo này cậu tiều tụy đến mức da dẻ khô thế kia. Cậu không chăm sóc bản thân, nhỡ Kim Diệc Minh lại có ý kiến với cậu đấy!”.
Hủy Tử cười lạnh một tiếng: “Anh ấy còn có ý kiến với tớ à? Bây giờ tớ còn đánh mất cái tôi, trở thành gia sư kiêm bảo mẫu cho anh ấy và con gái rồi!”. Cô đưa tay lên sờ gò má mình, quả nhiên cảm thấy nhão nhoẹt, khô ráp, hoàn toàn đối lập với gương mặt mịn màng và sáng bóng của Hinh Lan.
“Được rồi.” Hủy Tử nhận lời nói, “nghe cậu vậy, thử mùi vị làm đẹp một lần. Nhưng mà phải nói cho rõ, ai trả tiền của người nấy.”
Hinh Lan hết cách đành nói: “Cậu vẫn cứ cứng cỏi như thế.” Hai người một trước một sau tiến vào bên trong.
Chủ của “Mona” là một phụ nữ trung niên chừng hơn 40 tuổi, có gương mặt trái xoan rất đoan trang, đeo một cặp kính gọng vàng thanh lịch, làn da vừa trắng lại vừa mềm mịn, rõ ràng là quảng cáo cho tiệm làm đẹp của chị ta. Chị ta vừa liếc mắt nhìn thấy Hinh Lan bước vào cửa, mỉm cười tiến lên phía trước đón, rồi thân mật hỏi một câu: “Em đến rồi à?”.
Hủy Tử nghĩ, Hinh Lan nhất định là khách quen của tiệm này. Bà chủ đưa hai người lên nằm trên hai chiếc ghế nằm xếp song song nhau, lại vẫy tay gọi hai người nhìn có vẻ là hai nhân viên thẩm mỹ có tay nghề lão luyện, dặn dò họ phải làm gì làm gì, rồi đi ra ngoài chào hỏi khách hàng khác.
Ghế nằm rất thoải mái, những ngón tay của nhân viên vuốt ve trên má trên mặt cảm giác cũng rất nhẹ nhàng, nhưng không hiểu sao Hủy Tử lại cảm thấy nóng toàn thân, chỉ mong ngóng quá trình này mau mau kết thúc.
Hinh Lan nghiêng mặt sang nhìn cô, nói: “Hủy Tử cậu sao thế? Sao có vẻ sốt ruột nôn nóng thế?”.
Hủy Tử nói: “Tớ sao so được với cậu, tớ còn phải làm việc, thời gian quý lắm.”
Hinh Lan bèn cười, nói: “Biết hưởng thụ thì mới biết làm việc, câu này cậu chớ có quên.”
Hủy Tử quay đầu nhìn thấy nhân viên cầm một lọ mặt nạ, liền vội vàng tranh thủ thời gian nói tiếp thêm mấy câu: “Nghe nói học sinh cấp trung học của trường Ngoại ngữ không phải toàn bộ đều lên cấp phổ thông, mà có khoảng 10% sẽ bị loại?”.
Hinh Lan không cho là như vậy: “Con trai tớ căn bản không định lên học phổ thông.”
Hủy Tử suýt chút nữa thì nhảy dựng lên, thầm nghĩ: “Không học phổ thông thì cho con vào trường Ngoại ngữ làm gì? Chẳng thà suất này cho Kim Linh đi.”
Hinh Lan nhắm mắt để nhân viên đắp mặt nạ cho, nói:
“Quán bar quốc tế đối diện mới mở một quán pizza Ý, cậu có biết mời đầu bếp Ý phải trả bao tiền một tháng không?”.
Hủy Tử lắc đầu.
“Con số này.” Hinh Lan giơ bốn ngón tay ra. “4.000?”.
“4 vạn.”
Hủy Tử vô thức há hốc miệng, nhưng miệng lại bị mặt nạ đắp kín, chỉ có thể mấp máy khóe miệng.
Hinh Lan nói rất tự nhiên: “Nếu đầu bếp Trung Quốc đi nước ngoài để phát triển, thì cũng sẽ kiếm được ngần ấy tiền. Con trai tớ dù sao cũng không phải kiểu chuyên tâm học hành, tớ muốn để nó tốt nghiệp trung học xong thì học lớp nấu ăn, học làm đầu bếp, tương lai sẽ kiếm được bộn tiền, để nó qua Mỹ mở nhà hàng.”
Hủy Tử rất tiếc nuối nói: “Thế thì cậu thật sự không nên để Lý Nhĩ Đông quyên tặng trường Ngoại ngữ số tiền lớn như thế, không cho con cậu học ngôi trường hạng nhất đó không được à. Chẳng phải cũng chỉ là học trung học sao?”.
Hinh Lan lại cười Hủy Tử không hiểu sự đời, vì con trai đi Mỹ học phải cần đến tiếng Anh, vào trường Ngoại ngữ chẳng phải là để học giỏi tiếng Anh sao?
Hủy Tử nghĩ bụng, có bao nhiêu tiền như thế, mời mười gia sư tiếng Anh đến nhà dạy cũng được, nhưng cô không nói lời này ra. Cô cảm thấy một khi con người có tiền, tư duy cũng trở nên khác với người bình thường.
Sau đó, vì lịch sự, Hinh Lan cũng nhân tiện hỏi thăm tình hình của Kim Linh. Hủy Tử mặt mày nhăn nhó than thở, nói cô đang đau đầu vắt óc vì bài vở của Kim Linh đây, muốn tìm một gia sư là giáo viên trường Ngoại ngữ, nhưng nghĩ hết cách mà không tìm được.
Hinh Lan bỗng kêu lên: “Sao không nói sớm với tớ?”. Hủy Tử bỗng chốc ngẩn người: “Cậu có cách?”.
Hinh Lan lúc này tâm trạng rất thoải mái, đại khái cũng vì chuyện nhập học của con trai không làm cô lo lắng, về mặt cảm giác lại cao hơn hẳn Hủy Tử. Cô nói: “Dưới lầu nhà tớ có một giáo viên trường Ngoại ngữ sống, vừa hay là giáo viên dạy môn Toán, cậu nói xem có trùng hợp không? Năm ngoái khi anh ta sửa nhà, tớ cũng có giúp đỡ anh ta, tìm anh ta nhờ làm phụ đạo cho học sinh, chắc không thành vấn đề chứ?”.
Hủy Tử vội vàng phụ họa: “Tuyệt đối không thành vấn đề.” Hinh Lan liền bảo Hủy Tử buổi tối đến nhà cô một chuyến, cô sẽ dẫn Hủy Tử đi gặp thầy giáo đó. Hủy Tử bỗng chốc vui vẻ hưng phấn hẳn lên, may mà hôm nay cô gặp được Hinh Lan, cùng cô ấy đi làm đẹp. Người ta nói “ông trời không đẩy ai vào đường cùng bao giờ”, quả nhiên là đúng như vậy.
Về nhà viết bài mở đầu số báo cực kỳ trôi chảy, tài hoa tuyệt đỉnh thời đại học năm đó lại quay về với cô khi cân nhắc câu chữ.
Buổi tối ăn cơm xong, Hủy Tử giao nhiệm vụ rửa bát cho Kim Diệc Minh, còn mình đạp xe đến nhà Hinh Lan. Gõ cửa, cửa mở ra, Hủy Tử ngại cởi giày phiền hà nên không chịu vào trong, giục Hinh Lan mau ra ngoài.
Hinh Lan đứng trước cửa vừa mau chóng thay giày, vừa nói:
“Có được hay không tớ không dám đảm bảo.”
Trong lòng Hủy Tử bỗng khựng lại một lát, hỏi cô: “Cậu nói với anh ta rồi à? Anh ta không thoải mái nhận lời à?”.
Hinh Lan nói: “Tớ có đề nghị với vợ anh ta. Vợ anh ta nói là quá nhiều người tìm anh ta dạy thêm, rõ ràng không có cách nào ứng phó nổi. Tớ cảm thấy điều này quá bình thường, cậu có thể nghĩ đến chuyện này, thì người khác sao không thể nghĩ tới?”.
Hủy Tử giống như bị giội một gáo nước lạnh, đột nhiên sắc mặt biến đổi, rét từ trong lòng ra ngoài. Cô chậm chạp lê bước theo sau Hinh Lan xuống dưới lầu, ý thức được rằng khả năng thành công sẽ rất nhỏ.
Hinh Lan gõ cửa. Đích thân thầy giáo đó ra mở cửa. Trong nháy mắt cửa mở ra, Hủy Tử còn tưởng lầm rằng mình đã lạc vào một trường học nào đó: Trong phòng khách rộng chừng 10 mét vuông, có gần 20 học sinh ngồi chen chúc nhau. Ghế dài và ghế đẩu không đủ dùng, có học sinh còn ngồi tạm trên thùng các tông, còn có học sinh ngồi trên chiếc ghế nhựa tròn nhỏ, số còn lại thực sự không có chỗ nào để ngồi, liền dứt khoát đứng dựa vào tường, vở kê trên lưng của bạn học ngồi phía trước để ghi chép. Một ngọn đèn công suất lớn sáng lóa đung đưa treo trên đầu lũ trẻ, chiếu gương mặt chúng thành những gương mặt xanh tái âm u, xung quanh hốc mắt lại hình thành nên bóng râm màu đen sẫm. Thấy có người thò đầu vào, bọn trẻ đều đồng loạt nhìn ra phía cửa ra vào, trên nét mặt lộ rõ sự nhẹ nhõm thở phào.
Hủy Tử thở ra một hơi lạnh. Cô không thể ngờ rằng các thầy cô giáo hiện nay lại dạy thêm cho học sinh như thế này. Cô cảm thấy hoang mang, không biết phải nói gì mới phải. Tình cảnh một thầy một trò rì rầm dạy bảo dưới ánh đèn trong tưởng tượng của cô so với cảnh này, thực sự là cách quá xa, trường tư thục trong quá khứ trước kia e là cũng không có nhiều học sinh như thế này.
Không đợi Hủy Tử biểu lộ thái độ, Hinh Lan đã cẩn thận bước qua những cặp chân của những học sinh đó đi vào trong nhà. Khoảnh khắc sau đó, cô bước ra, dùng ánh mắt ra hiệu cho Hủy Tử theo cô ra ngoài nói chuyện.
“Anh ta đòi mỗi buổi phải trả 50 đồng học phí.” Hủy Tử kêu lên: “Đắt thế?”.
Hinh Lan thở dài nói: “Nói thực, anh ấy cũng không còn cách nào khác. Cậu đều nhìn thấy rồi đấy, trong nhà có bao nhiêu học sinh đến học, đều là quan hệ của người thân bạn bè lãnh đạo, từ chối đứa nào cũng không được, đều là đắc tội với người ta. Anh ấy đành tăng giá học phí, cũng coi như là đối xử công bằng với tất cả những người yêu cầu học.”
Hủy Tử rầu rĩ nói: “Học sinh tìm thầy giáo là khó tìm, thầy giáo nhận học sinh thành tai họa, thế giới này rốt cuộc bị làm sao vậy?”.
Hinh Lan an ủi cô, nói: “Cậu đừng lo lắng quá, về nhà nghĩ lại xem, thương lượng với Kim Diệc Minh. Thực sự tớ có thể giúp được cậu món tiền học phí này. Nhưng tớ biết cậu sẽ không nhận đâu.”
Hủy Tử nói: “Đương nhiên tớ không thể nhận được.”
Hai người tạm biệt nhau, Hủy Tử lại đạp xe về nhà trong sắc đêm.
Kim Linh vẫn là rất nhạy cảm, vừa nhìn thấy sắc mặt của mẹ, lập tức nói: “Thầy giáo không chịu nhận con ạ?”.
Hủy Tử thông báo một lúc về tình hình cho chồng và con gái nghe. Kim Diệc Minh nói: “Mời gia sư này có ý nghĩa gì? Hai mươi học sinh cùng lên lớp, ai là học sinh của trường nào đều không rõ, chẳng thà tự mình ở nhà làm thêm chút bài ôn tập còn hơn.”
Kim Linh phụ họa ngay sau đó: “Đúng, tiết kiệm tiền có thể mua cho con một chiếc xe đạp.”
Hủy Tử bực tức quát em: “Nếu không phải con học môn Toán kém, thì việc gì phải phí công sức như thế?”.
Kim Linh biện bạch cho bản thân: “Môn Toán của con không phải là quá kém, mà là yêu cầu của mẹ với con quá cao! Tại sao con bắt buộc phải làm học sinh của trường trọng điểm?”.
Hủy Tử đột nhiên trở nên nhạy cảm, hỏi con gái có phải nản chí rồi không? Không muốn làm đứa con ngoan nhất đúng không? Kim Linh càu nhàu: “Con chẳng qua chỉ nói thế mà thôi.”
Ngày hôm sau, Hủy Tử gọi điện cho Hinh Lan, khéo léo từ chối ý tốt của Hinh Lan. Hinh Lan nói trong điện thoại: “Tớ cảm thấy cũng không phù hợp, làm gì có một buổi tối mà dạy cho nhiều đứa trẻ như thế? Rõ ràng là làm bài tập theo dây chuyền mà.”