K
im Linh rất hận bản thân, tại sao nói được mà không làm được. Em đã nhận lời mẹ sẽ không vì nuôi tằm mà ảnh hưởng đến việc học tập, nhưng tằm rõ ràng là để ở trong nhà, còn khi em làm đề ôn tập lại nghe thấy tiếng chúng nhai lá dâu, tâm tư làm sao có thể không thể nghĩ đến chúng chứ? Cứ cách 20 phút mà không đi nhìn bọn tằm một cái, em thực sự có cảm giác đau khổ như sắp chết đến nơi.
Sau hai lần, Hủy Tử liền can thiệp. Cô cao giọng quát: “Kim Linh, con lại làm gì đấy?” Kim Linh nhanh trí, vội vàng trả lời: “Con đi vệ sinh.”
Bọn tằm được đặt trong nhà bếp, đi vệ sinh tất nhiên phải qua nhà bếp, lý do của Kim Linh là vô cùng đầy đủ. Quản trời quản đất, chứ không quản được người ta đi tè đi ị, mẹ làm sao có thể khống chế em đi vệ sinh chứ?
Lần thứ ba Kim Linh đi vệ sinh, Hủy Tử đã thấy nghi, liền bám theo. Kim Linh giả vờ giả vịt đi từ nhà vệ sinh ra, đầu vừa ngẩng lên, Hủy Tử đã khoanh hai tay, ánh mắt sáng rực nhìn em chăm chú.
“Mẹ giám sát con đi nhà vệ sinh làm gì? Con không phải là phạm nhân.” Kim Linh có tật giật mình càu nhàu nói.
Hủy Tử nửa cười nửa không, nói: “Có thật là đi vệ sinh không? Tiểu tiện hay đại tiện?”.
“Tiểu tiện.”
“Tiểu tiện sao không nghe thấy tiếng?”.
Kim Linh hối hận nghĩ: Biết thế nói là đại tiện.
Nhằm loại bỏ sự bất tín nhiệm của mẹ đối với mình, Kim Linh dứt khoát uống đầy một bụng nước lạnh, để biến giả thành thật. Chưa đến nửa tiếng sau, em đúng là phải đi tiểu tiện. Trên đường đi qua phòng khách, em rất hào sảng gọi một tiếng: “Mẹ ơi, mẹ đến nghe đi!”. Em cố ý he hé cửa nhà vệ sinh, để tiếng tiểu tiện róc rách truyền ra xa hơn. Nhưng mẹ không đến nghe nữa, giống như đã nhìn thấy màn kịch của em.
Ngày thứ Bảy này, khi Kim Linh từ trong nhà vệ sinh đi ra lần thứ 10, phát hiện bọn tằm đã ăn hết chiếc lá dâu tằm cuối cùng. Em đem phát hiện này báo cáo ngay với Hủy Tử, Hủy Tử không có cách nào khác, đành nói: “Cầm hai hào đi mua đi.”
Trong những ngày ôn tập chuẩn bị đến kỳ thi, điều Kim Linh vui vẻ làm nhất chính là giúp mẹ xuống dưới lầu mua đồ, bởi vì chỉ có lúc này mới có thể nhân cơ hội chơi một tí, xem con mèo của tiệm ăn vặt, chú ý một lát đến quang gánh của người đổ kẹo đường trên phố đã đến hay chưa, có đổ ra hình gì mới hay không?
Hôm nay lại không có gì hay ho cả, gánh hàng của người đổ kẹo đường không đến, con mèo vàng của tiệm đồ ăn vặt cũng chẳng thấy đâu, Kim Linh vần vò đồng hai hào trong tay, chậm rãi bước đến trước cổng trường. Em bỗng nhiên trố mắt ra: Sao thế? Sao không thấy ông lão bán lá dâu đâu? Bình thường ông ấy luôn ôm một chiếc giỏ lớn đựng đầy lá dâu xanh mướt ngồi trước cổng trường, chuyên đợi bán cho những đứa trẻ mua tằm cơ mà? Hai hào một túi nhỏ, nếu như bạn chê ít, ông ấy còn cười vui vẻ nhét thêm cho bạn vài lá.
Bà bán báo trước cổng trường nói với Kim Linh: “Hôm nay ông ấy không đến đâu? Hôm nay không có học sinh đi học, ông ấy đâu có bán được hàng.”
Kim Linh hỏi: “Thế bà có biết nhà ông ấy ở đâu không?”
Bà lão lắc đầu nói: “Ai da, cái này bà không biết đâu. Ông ấy hình như từ ngoại thành bắt xe vào đó.”
Trong lòng Kim Linh bỗng nổi lên một cơn hoảng sợ. Làm sao bây giờ? Đến đâu để mua lá dâu cho bọn tằm ăn bây giờ?
Những con tằm trong hộp giày con nào con nấy ngóc cái đầu nhỏ lên thật cao, rẽ đông rẽ tây, dường như đang nói với Kim Linh: “Tớ đói rồi! Tớ đói rồi!”.
Hủy Tử trách móc Kim Linh: “Bảo con không được mang sâu về nhà cơ mà! Trong thành phố biết đi đâu kiếm lá dâu? So với việc để nó lớn nửa chừng rồi chết đói, chẳng thà lúc đó không cứu nó còn hơn.”
Kim Linh bị Hủy Tử mắng, trong lòng rất buồn bực. Em lật tung sổ liên lạc của mình, gọi điện thoại cho bạn bè. Dương Tiểu Lệ, Lý Tiểu Quyên, Trương Linh Linh, Lưu Á Như... ai cũng đều hỏi cả, câu trả lời đều là không có, chưa từng gặp chỗ nào có cây dâu. Chỉ có Thượng Hải nói chắc nịch: “Có. Nhà chị họ tớ có một cây. Mọc còn cao hơn cả nhà, lá dâu to như bàn tay này, quả dâu màu tím sẫm, ăn ngọt dã man...”
Kim Linh chê cậu ta lắm lời, vội vàng ngắt lời: “Đừng nói nữa, trước tiên cậu cho tớ biết nhà chị họ cậu ở đâu, đi xe như thế nào mới có thể tới được?”.
Thượng Hải ở bên đầu bên kia điện thoại lại ngần ngừ: “Ai dô, cái này sợ là... cái này sợ là...”
Kim Linh sốt ruột quát lên: “Sợ cái gì?”.
Thượng Hải nói: “Không phải thế, nhà chị họ tớ ở rất xa, phải đi ba tiếng ô tô đường dài, còn phải đi một lần đò...”
Kim Linh không đợi Thượng Hải nói hết đã dập điện thoại. Em cáu kỉnh nghĩ, chỉ có Thượng Hải ngốc, nếu không thì chính là có ý muốn trêu chọc mình! Thứ hai đến trường, nhất định phải dạy cho tên nhóc này một bài học.
Cả đêm, Kim Linh đều không ngủ ngon giấc, toàn mơ thấy ác mộng. Mơ thấy lũ tằm chết, biến thành một đám cương thi xanh lục, dưới bụng còn chảy ra dịch tanh thối. Lại mơ thấy tằm đã biến thành bướm, từng con nối nhau bay ra khỏi hộp giày, liên tiếp không dứt, trong nhà đầy những vật nhỏ xấu xí màu xám đang bò lổn ngổn, bố mẹ và em chỉ có thể chạy vào nhà vệ sinh để trốn, đóng chặt cửa, gọi điện thoại 110 cho cảnh sát để cầu cứu.
Nửa đêm Kim Linh tỉnh dậy một lần, xỏ dép lê đi vào trong bếp để xem tằm. Hủy Tử vẫn đi trước em một bước, đang cúi đầu, tóc tai bù xù nhìn hộp giày. Hủy Tử ngẩng đầu lên thấy Kim Linh, thở dài nói: “Bọn chúng rất đáng thương.”
Vành mắt Kim Linh đỏ lên, nói: “Chúng có phải là sắp chết không?”.
Hủy Tử không thể khẳng định, nói: “Có lẽ chúng là một loại sinh vật sống dai?”.
Vừa nói xong, Kim Diệc Minh cũng thức dậy ra thăm mấy con tằm. Kim Diệc Minh đưa ra một chủ ý: “Hay thử xem chúng có chịu ăn lá rau diếp không? Lúc nhỏ bố cũng từng nuôi tằm, trong ấn tượng của bố có thể dùng lá rau diếp thay cho lá dâu đấy.”
Hủy Tử vỗ tay nói: “Đúng thế! Sao em không nghĩ ra nhỉ? Hình như còn có chuyện này.”
Sáng hôm sau, chưa đến 6 giờ, Hủy tử đã trở dậy đi chợ mua rau. Đúng vào mùa rau diếp, có thể tùy tiện nhặt mua được không ít rau diếp. Hủy Tử lại vội vội vàng vàng mang về nhà, nhặt những lá tươi non, rửa qua nước, rồi xé thành những mảnh nhỏ, đem rắc vào trong hộp giày. Một nhà ba cái đầu chụm lại, lòng nóng như lửa đốt ngóng xem kỳ tích xảy ra.
Kỳ tích không xảy ra, bọn tằm không cho mọi người chút thể diện nào, rõ ràng là nhìn mà như không thấy những mẩu lá rau non bẫm bên cạnh, vẫn ngóc cao đầu trông rất đáng thương, xoay một vòng ngó đông ngó tây.
Kim Diệc Minh đau lòng mà phê bình chúng: “Quá nhõng nhẽo! Quá nhõng nhẽo! Không chịu thích nghi một chút nào!”.
Hủy Tử phụ họa theo: “Không sai chút nào! Nhõng nhẽo giống như các cậu ấm cô chiêu bây giờ. Đúng là đứa trẻ thế nào thì nuôi ra được con tằm thế ấy.”
Kim Linh biện bạch thay cho bọn tằm: “Bọn nó chưa từng nhìn thấy rau diếp, làm sao chúng nó dám ăn? Nếu bảo bố mẹ ăn loại rau dại bố mẹ chưa từng thấy, bố mẹ có dám không?”.
Kim Diệc Minh nói: “Thế phải xem lúc nào, đói quá thì sẽ dám thôi. Nếu so tính mạng với khẩu vị, đương nhiên tính mạng quan trọng hơn.”
Hủy Tử cười nói: “Rõ là đàn gảy tai trâu! Con tằm có thể có tư duy như con người sao?”.
Kim Linh nhân cơ hội bố mẹ tranh cãi, lặng lẽ mở cửa đi ra ngoài. Em quyết tâm phải tìm được lá dâu cho bọn tằm, cho dù phải tìm khắp thành phố, cho dù phải đi ăn xin, thì cũng phải cứu được tính mạng của các bé tằm.
Bà chủ của tiệm đồ ăn vặt trong ngõ cười hì hì chào em: “Kim Linh, Kim Linh, con mèo vàng hôm nay ở nhà, nó đang gọi cháu đấy.”
Kim Linh nói: “Cháu không rảnh.” Bước đi được mấy bước, quay đầu lại hỏi: “Nhà bà có trồng cây dâu tằm không?”.
“Dâu tằm?”. Bà chủ bị hỏi mà không hiểu ra làm sao, “nhà bà đến một cây cỏ cũng chả có, còn có thể có dâu tằm ư?”.
Kim Linh không buồn để ý đến bà nữa, quay đầu bước về phía trước.
Kim Linh đi theo hướng ngược với hướng trường học, liên tiếp đi qua mấy con ngõ nhỏ. Mỗi lần đi qua cổng một nhà nào đó, em đều ngó qua khe cửa, nhìn xem có thứ mà em cần không. Có nhà xây tường bao thấp xung quanh, em cố gắng nhón chân trèo lên tường bao thấp, từ trên tường ngó tìm kỹ một lượt trong sân nhà người ta.
Có một lần khi em đang trèo lên tường nhà nọ, cổ áo sau gáy bị một bàn tay tóm được, người đó tóm lấy cổ áo em kéo xuống. Kim Linh không kịp phòng bị, bỗng chốc ngã xuống đất.
Hóa ra đó là một nữ cán bộ của tổ dân phố, đeo một chiếc băng tay màu đỏ. Cô hừ mũi, tra hỏi: “Làm cái gì? Làm cái gì mà trèo tường nhà người ta?”.
Kim Linh giải thích: “Cháu tìm lá dâu...”
“Tìm lá dâu? Trong thành phố làm gì có nhà nào trồng cây dâu? Đừng hòng nói dối ta! Hôm qua trên phố chúng ta có nhà bị mất trộm rồi...”
Kim Linh tức tới mức da toàn thân đều dựng hết cả lên. Nghi ngờ em là kẻ trộm? Coi em là trộm? Rõ ràng không có chút đạo lý nào! Em nhân cơ hội cán bộ tổ dân phố kia không để ý, hai vai dùng lực hất thật mạnh, đầu cúi thấp xuống, giống như một con cá tuột khỏi tay người câu, co cẳng chạy ra thật xa, lại nhân cơ hội quay đầu lại hét: “Cháu chính là kẻ trộm! Cô đến bắt đi, bắt đi!”.
Đối phương đương nhiên là không chịu đứng đó, trong miệng không biết lẩm nhẩm những gì, quay người rẽ sang hướng khác.
Kim Linh lại đi qua một con ngõ khác, phát hiện một ngôi nhà, có cửa sắt, có hàng rào. Em dùng hai tay tóm hàng rào, đu lên cánh cửa sắt để nhìn vào trong. Đây là ngôi nhà lầu có hoa viên trông rất cổ kính, nhà tầng không lớn lắm, mái nhọn, cửa sổ song gỗ hình tròn, phần mái nhà có ống khói nho nhỏ nhô lên, trông giống như căn nhà trong truyện cổ tích. Đẹp nhất chính là vườn hoa, thời tiết đầu mùa hạ, trong vườn hoa nhỏ xinh, các loài hoa cỏ um tùm xanh tốt. Hoa hồng màu hồng màu tím, từng hàng đung đưa lay động như ngọn lửa, những đóa hoa bóng nước màu hồng phấn yểu điệu, những nhánh xương bồ thập thò, những đóa lan hồ điệp cười tươi thẹn thùng nấp sau bụi cỏ. Lại nhìn theo về phía góc tường, trời ạ, cái cây to lớn đứng dựa vào góc tường đó, chẳng phải là một cây dâu tằm sao? Hãy nhìn những chiếc lá xanh bẫm, tròn trịa của nó kìa, giữa các phiến lá còn kết thành những quả dâu màu xanh lá cây, giống như trên mặt cậu thiếu niên đang nổi mụn trứng cá vậy.
Kim Linh phấn chấn đến mức suýt chút nữa kêu thành tiếng. Trái tim của em bắt đầu đập điên cuồng, tưởng tượng ra dáng vẻ những bé tằm ăn ngấu nghiến lá dâu non, tưởng tượng ra chất diệp lục trong lá dâu chảy vào trong cơ thể màu trắng trong suốt của tằm, sẽ biến những thân hình đó trở nên béo núc, trưởng thành... Em đưa tay bịt miệng, chỉ sợ không cẩn thận sẽ cười thành tiếng.
Trong vườn hoa không có ai cả, cánh cổng sắt đóng rất chặt. Kim Linh thăm dò nhìn cánh cổng, tuy rằng có hơi cao, nhưng song sắt trên cửa có thể giẫm chân lên, trèo qua cửa cũng không thành vấn đề.
Kim Linh giơ tay tóm lấy song sắt, bắt đầu vượt cánh cổng lớn. Em vô cùng lo lắng, sợ lại bị người ta tóm được, coi là trộm rồi đánh đập. Lại vì đây là lần đầu tiên thử mạo hiểm như thế này, trong lòng không khỏi cảm thấy hưng phấn và đắc ý, tựa như mình cũng trở thành Zorro. Cũng may, em nhảy xuống sân vững vàng, bấy giờ trong sân không có bóng dáng ai cả.
Lá dâu thật là xanh, thật là mẫm, thật là non! Em nhẹ nhàng cầm một lá trong tay, cẩn thận ngắm nghía trên bề mặt lá có bộ phận nào vì ngấm nước quá nhiều mà phồng rộp lên không, thầm nghĩ lá lìa cành thì sẽ mau bị héo, sắp trở thành thức ăn ở trong bụng tằm rồi. Em còn tiếc nuối thay cho cây dâu, cảm thấy có lỗi với nó. Cứ như thế, em lại chần chừ đứng bên cạnh cây dâu, không biết nên hái hay không nên hái.
“Là ai đấy! Ai ở đó?”. Bỗng có một giọng nói già nua vẳng tới. Kim Linh giật mình, khuôn mặt nhỏ lập tức trắng bệch, thân hình cũng rụt thấp xuống theo bản năng, muốn mượn cành cây để che chắn cho bản thân.
“Đừng trốn nữa, ta nhìn thấy rồi.” Giọng nói đó nói tiếp. Kim Linh bất lực đứng thẳng người dậy, cúi đầu không dám nhìn người đó, đợi bị mắng. Có lẽ người ta còn sẽ đánh em nữa.
Lúc đánh em, em có chạy trốn không? Trốn vào đâu đây? Lại trèo qua cổng lớn một lần nữa sao?
“Cháu vào đây bằng cách nào? Hái lá dâu của ta làm gì?” Giọng nói đó đã di chuyển đến trước mặt Kim Linh. Kim Linh len lén mở mắt ra nhìn, bỗng chốc yên tâm hẳn: Đó là một bà cụ tóc bạc trắng, đi lại bất tiện, tay còn chống một cây ba toong! Ha, bà lão như thế này có muốn bắt Kim Linh, đừng hòng!
Bà lão tuy phải chống ba toong, nhưng sống lưng vẫn đứng thẳng tắp, nét mặt không mất đi vẻ uy nghiêm. Ánh mắt bà nhìn Kim Linh chòng chọc, nói vô cùng rõ ràng: “Hỏi cháu đó! Hái lá dâu của ta làm gì?”.
Kim Linh lại nảy ý muốn trêu bà, nghiêng đầu hỏi: “Không thể hái sao? Trên cây có đề tên bà không?”.
Bà lão quát lên: “Ha! Thái độ còn không tốt! Cháu tên là gì? Học trường nào?”.
Kim Linh nghĩ bụng: Có ngốc mới khai với bà. Để bà gọi điện thoại đến trường tố cáo à? Quyết định xong liền ngậm chặt miệng, ngỏng cổ lên, không nói một lời nào.
“Cháu không nói? Không nói thì ta không cho cháu đi. Đi theo ta!”.
Kim Linh trong lòng không muốn đi theo bà ta, nhưng bước chân lại không tự chủ mà di chuyển, dường như trên người bà lão có một sức hút lôi kéo em.
Bà lão đi trước, Kim Linh đi sau. Bà lão chống ba toong, lại hùng dũng hiên ngang, giống như một vị tướng quân thắng trận về triều; còn Kim Linh cúi đầu ủ rũ, chun mũi cau mặt, giống như một tên lính nhỏ bị bắt.
Bước vào căn nhà tầng, bà lão chỉ định một chiếc ghế cho Kim Linh ngồi đó, còn mình thì đứng nghiêm trang trước mặt Kim Linh.
“Ta đã nói rồi, không cho cháu đi là không cho cháu đi. Cháu phải nói thực với ta, một câu nói dối ta cũng biết. Cháu tin hay không?”. Bà lão nheo mắt một cách đắc ý, trong mắt có một tia giảo hoạt và tinh ranh.
Kim Linh không phục, kêu lên: “Ai bảo là cháu nói dối? Dựa vào cái gì mà cháu phải nói dối bà? Bà dựa vào cây dâu đó phải không? Cây dâu của bà lớn như thế, có mấy trăm mấy nghìn cái lá, cho cháu hái mười cái không được sao? Nhưng lũ tằm của cháu sắp đói chết mất, chúng đã một đêm không được ăn gì rồi! Thật sự... chúng... sắp chết đói rồi...”
Kim Linh đột nhiên òa khóc nức nở, trong lòng vừa sợ hãi vừa tủi thân. Em nghĩ không thể tùy tiện khóc trước mặt người lạ, phải nhịn, tuyệt đối phải nhịn! Nhưng nước mắt chết tiệt lại không chịu nghe lời, giống như những hạt ngọc bị đứt chuỗi cứ thế rơi lách tách xuống.
Bà lão cố gắng khom lưng xuống, nhìn kỹ nước mắt trên mặt Kim Linh, hỏi với vẻ hơi bất ngờ: “Cháu khóc à? Cháu cảm thấy ta làm cháu đau lòng à?”.
Kim Linh vung tay, nhanh như cắt lau nước mắt, giả vờ giả vịt đáp lại: “Ai khóc? Bà tưởng cháu là ai? Đồ keo kiệt!”.
Bà lão nói rất nghiêm túc: “Ta không phải là đồ keo kiệt, ta chỉ là không thích người khác không hỏi xin mà đã lấy đồ của ta. Đổi lại là cháu, cháu có thích như thế không?”.
Kim Linh lí nhí đáp: “Cháu cứ nghĩ bà sẽ đồng ý...” “Bình thường ta đương nhiên không đồng ý. Nhưng...” “Nhưng cháu có hoàn cảnh đặc biệt, thật mà!”. Kim Linh nhìn bà lão bằng một ánh mắt vô cùng đáng thương, “Tằm của cháu đói lắm rồi, chúng đang thở thoi thóp đấy!”.
Bà lão bật cười: “Lại còn biết chọn từ ngữ nữa. Thế thì hãy nói thật với ta, cháu tên là gì? Là học sinh trường nào?”.
“Bà sẽ gọi điện thoại cho cô giáo của cháu à?”.
“Không, ta chỉ là thích hỏi thôi. Đây là thói quen của ta.” Kim Linh nói ra tên của mình với giọng rất nhỏ, lại nói em là học sinh lớp Sáu của trường tiểu học phố Tân Hoa.
“Ai là giáo viên chủ nhiệm của cháu.” “Cô Hình ạ.”
Bà lão lại cười: “Bà biết cô ấy.”
Kim Linh nhảy dựng lên: “Sao bà biết?”.
Bà lão cười vô cùng đắc ý: “Tại sao ta lại không biết? Cô Hình của các cháu còn từng là học sinh của ta.”
Kim Linh thở dài sườn sượt một tiếng: “Trời ơi.” Em cảm thấy chuyện này thật khó hiểu, thật quá là khó hiểu! Em ăn trộm lá dâu lại đi ăn trộm trong nhà cô giáo của cô giáo!
Bà lão ân cần hỏi em: “Học sinh lớp Sáu? Sắp lên trung học phải không?”.
Kim Linh bấy giờ mới đột ngột nhớ ra ở nhà còn một đống bài tập chờ em hoàn thành, em chưa xin phép mà đã ra khỏi nhà. Nghĩ đến bài tập là tâm tình lại chùng xuống, nhất thời biến thành bộ dạng ảo não, chán chường.
“Muốn thi vào trường trung học nào? Cô Hình có cho cháu điền vào đơn không?”.
“Điền rồi ạ. Mẹ cháu muốn cháu thi vào trường trung học trọng điểm.”
“Mẹ cháu muốn?”. Ánh mắt bà lão sáng rực lên như ép Kim Linh, “chỉ là nguyện vọng của mẹ cháu? Thế còn bản thân cháu thì sao?”.
“Cháu không biết. Trong lòng cháu cũng muốn, nhưng cảm thấy không chắc chắn. Cháu không phải là học sinh giỏi của lớp.”
“Tại sao không giỏi?”
“Học tập không giỏi. Chủ yếu là môn Toán. Từ trước đến nay cháu chưa từng đứng thứ 10 của lớp. Không, năm lớp Hai có một lần, nhưng chỉ có lần đó thôi.”
Bà lão nhìn em như ngẫm nghĩ gì đó: “Cháu rất thẳng thắn.
Ta thích những đứa trẻ như cháu.”
Kim Linh thầm nghĩ: Bà thích thì có tác dụng gì? Bà đâu phải là hiệu trưởng trường trung học trọng điểm.
“Kể một chút về những chuyện thú vị trong lớp cháu đi.” Bà lão yêu cầu.
Kim Linh tâm sự trùng trùng, sợ về muộn sẽ bị mẹ mắng, cho nên không muốn kể, nhưng không kể lại sợ bà lão không cho lá dâu, nên vẫn miễn cưỡng kể.
Kim Linh kể một mạch mấy chuyện ở trên lớp, bà lão đều không cười, ngược lại còn nhìn em với sắc mặt vô cùng nghiêm túc, nhìn đến mức Kim Linh sởn da gà. Sau đó, em lại kể chuyện Trương Linh Linh không cẩn thận nuốt phải tằm, bà lão bật cười, nói: “Hóa ra tằm của cháu là từ đấy mà ra.”
Kim Linh được cổ vũ, bản tính lạc quan liền bộc lộ, mày mắt mũi miệng bắt đầu trở nên hoạt bát, mặt cười híp mí, miệng đỏ hồng, càng kể càng dí dỏm.
“Có một lần trong tiết tiếng Anh, cô giáo gọi Lý Lâm lên trả lời câu hỏi. Lý Lâm bà biết rồi chứ? Cậu ấy là học sinh có thành tích kém nhất lớp cháu, mẹ cậu ấy xin cho cậu ấy một tờ giấy chứng nhận thiểu năng trí tuệ mức độ nhẹ. Cô giáo hỏi: Lý Lâm, ‘what’s your name?’ Lý Lâm liền trả lời: Bonny. Bonny chính là tên của một con chim trong bài khóa của tụi cháu. Cả lớp đều cười ồ lên. Lúc đó Vu béo đang ăn vụng bánh quy, vừa cười là phun hết bánh quy trong miệng văng ra thật xa, suýt chút nữa thì bắn trúng mặt cô giáo. Cô giáo nổi giận, đá chân rất mạnh vào bàn giáo viên. Ai ngờ chiếc bàn giáo viên cũ quá, gỗ cũng mục rồi, cô ấy đá một cái, vừa hay đá gót giày cao gót xuyên qua, không làm sao rút ra được. Sau đó vẫn là Vu béo đến giúp cô ấy nhổ gót giày ra.”
Bà lão hai tay chống lên chiếc gậy, cười đến nỗi không thẳng được lưng. Kim Linh cũng cười. Một già một trẻ cười đến rũ rượi.
“Còn nữa ạ. Trong giờ học giáo viên rất thích mắng học sinh, mỗi lần cô Hình mắng thì giống như con gà mái già, cục ta cục tác không ngừng; thầy Trương dạy Toán mắng người thì giống như con quạ, cả lớp im phăng phắc, thầy bỗng đột ngột quạc một tiếng; cô giáo tiếng Anh mắng thú vị nhất, đầu cô giống như sâu róm, mỗi lần mắng một câu là lại nhô đầu lên...”
Bà lão cười đến mức chảy cả nước mắt, vừa móc khăn tay ra lau nước mắt, vừa yêu cầu Kim Linh: “Đừng nói nữa, không được nói nữa, không răng giả của bà rớt ra ngoài bây giờ.”
Kim Linh nói: “Thế thôi ạ, sau này có cơ hội cháu lại kể cho bà nghe.”
Bà lão chống ba toong, đưa Kim Linh đi hái lá dâu. Hái không nhiều không ít, chỉ mười lá. Bà mỉm cười nhìn Kim Linh nói: “Đồng ý với bà một chuyện được không? Sau này, mỗi ngày tan học cháu đến đây, bà sẽ dạy cháu học Toán nửa tiếng, cháu có thể nhận được mười chiếc lá dâu.”
Kim Linh hỏi: “Cháu ạ?”.
Bà lão nói: “Cháu xem thường ta à? Trước khi về hưu ta là cô giáo đặc cấp bậc tiểu học, chuyên dạy Toán cho học sinh sắp tốt nghiệp. Ta họ Tôn, cháu có thể gọi ta là bà Tôn.”
Kim Linh nghiêng đầu ngẫm nghĩ một lát: “Cho cháu hai mươi lá được không? Bọn tằm đang lớn dần, sẽ ăn càng lúc càng nhiều ạ.”
Bà Tôn cố gắng nhịn cười: “Được rồi, thì hai mươi lá vậy. Ưu đãi cho cháu đấy. Nhưng ta cũng có một điều kiện đi kèm: đừng nói cho cô giáo, cũng đừng nói cho người nhà cháu, bố hoặc mẹ.”
“Tại sao ạ? Đây cũng đâu phải chuyện gì xấu?”. Kim Linh hỏi. “Là vì bà cũng có lòng tự tôn.” Bà Tôn học theo khẩu khí của Kim Linh, “bà làm gia sư cho cháu, nếu không thể dạy cháu thành một học sinh xuất sắc, bà cũng mất thể diện lắm! Nên chuyện giữa chúng ta phải giữ bí mật.”
Kim Linh rất vui vẻ, nhưng em lại lập tức nghĩ đến một vấn đề hiện thực: “Giấu cô giáo thì không thành vấn đề, nhưng giấu mẹ cháu thì hơi khó. Nếu mỗi ngày cháu không về nhà đúng giờ, mẹ cháu nhất định sẽ tra hỏi. Cháu phải làm thế nào?”.
Bà Tôn nghĩ một lát: “Nói là cô giáo giúp cháu ôn tập, nói dối một chút xíu thôi. Kỳ thực cũng không được coi là nói dối, là vì đúng là có một ‘cô giáo già’ đang giúp cháu ôn tập.”
Bấy giờ Kim Linh mới hoàn toàn yên tâm, trong tay cầm mười chiếc lá dâu bảo bối, nhảy chân sáo ra khỏi cửa. Đi đến cổng, em bỗng nhớ ra một chuyện, quay đầu lại nói với bà lão: “Câu hỏi cuối cùng ạ, tại sao bà lại muốn giúp cháu?”.
Bà Tôn trịnh trọng trả lời câu này: “Là vì bà yêu quý cháu. Bà giúp người mình yêu quý thì trong lòng sẽ cảm thấy vui vẻ. Trả lời như thế có được không?”.
Kim Linh “hả” một tiếng, dùng giọng véo von như hát, kéo dài hơi, nói: “Cháu – cũng – quý – bà.”