V
ề bố mẹ, thực ra cũng chẳng có gì nhiều để mà nói.
Giống như phần lớn những đứa trẻ trên thế giới này, Kim Linh cũng có bố mẹ.
Bố của Kim Linh họ Kim, tên là Diệc Minh, là giảng viên của trường đại học có tiếng nhất thành phố này, đã lên Phó Giáo sư được năm năm nay, hiện nay đang chuẩn bị làm giáo sư, vì thế mà rất bận rộn, không thể quản lý được chuyện trong gia đình. Kim Linh chủ yếu trò chuyện với mẹ.
Ông bố bốn mươi tuổi trông rất độ lượng thật thà, nếu như không đeo kính thì nhìn giống hệt cầu thủ bóng đá, chứ không giống học giả. Vóc dáng của Kim Linh chính là di truyền từ bố. Có lúc Kim Linh soi thân hình mũm mĩm của mình trong gương, không nhịn được đành trách móc mẹ: “Sao hồi ấy mẹ không chọn một ông chồng đẹp trai như Zorro chứ?”. Mẹ vui vẻ nói: “Thế thì không phải sẽ không có con sao?”. Câu trả lời của Kim Linh lại vô cùng tự tin: “Không, con sẽ xuất hiện với một hình dáng khác.” Mẹ Kim Linh không dám nói chuyện tiếp với con gái nữa. Có lúc mẹ cảm thấy Kim Linh biết quá nhiều, cũng như suy nghĩ quá nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Kim Linh không chuyên tâm học hành.
Mẹ của Kim Linh họ Triệu, tên là Hủy Tử. Người lạ dễ nghe thành “Hủy Tử” , cảm thấy giống với tên người Nhật. Cô giáo Vương trước kia có lần hỏi Kim Linh: “Mẹ em có phải người gốc Nhật Bản không?”. Kỳ thực mẹ Kim Linh vóc người cao ráo, chẳng giống phụ nữ Nhật Bản chút nào.
Triệu Hủy Tử làm việc trong một tòa soạn báo chuyên dành cho độc giả nữ, rất có tiếng trong thành phố này. Cô phụ trách viết bài chuyên mục Văn học nghệ thuật. Bạn học đại học trước đây của cô, giờ không ít người làm nhà văn, biên kịch, đạo diễn, phóng viên... vì thế việc viết lách đối với cô cũng không gặp khó khăn gì. Mỗi tháng ở nhà cô gọi vài cuộc điện thoại, nhận bản thảo xong thì biên tập một chút, rồi gửi cho biên tập viên của chuyên mục, về cơ bản là không có việc gì khác nữa. Tòa soạn tạp chí có giờ làm việc khá linh hoạt, ở nhà hay đến cơ quan cũng không quan trọng lắm, bạn nói hôm nay ra ngoài viết bài, ai biết được bạn ra ngoài thật hay trốn ở nhà làm việc nhà chứ?
Thời học sinh, Triệu Hủy Tử cũng từng ôm đầy hoài bão. Trên lớp các nữ sinh từng thảo luận rất lâu về vấn đề “làm hậu phương”. Trong một gia đình, chỉ cần một người theo đuổi sự nghiệp là được, như thế mới có thể vững chãi, cũng như “hoa thắm phải có lá xanh làm nền”. Vậy thì vợ và chồng, ai nên làm nền cho ai? Cũng tức là nói, ai lui về quán xuyến việc nhà, nuôi dạy con cái, ai chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp theo đuổi tiền đồ tương lai để đạt giải Nobel, để trở thành bộ trưởng, thủ tướng?
Triệu Hủy Tử tuyên bố trước các bạn học: Sẽ tìm một người đàn ông chịu “làm hậu phương”.
Kết quả là cô kết hôn với Kim Diệc Minh. Trong cuộc sống hôn nhân mười mấy năm này, cô đã làm hậu phương của Kim Diệc Minh.
Triệu Hủy Tử không hề oán trách, cuộc sống là vậy, cố ý trồng hoa hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu liễu xanh um. Bạn không thể tiên liệu được rốt cuộc mười hay hai mươi năm sau chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ có thể đến đâu hay đến đó.
Xét về phương diện làm bố, Kim Diệc Minh cũng không phải là không cố gắng, chỉ có điều con người anh quá chuyên tâm, quá cẩn thận, nghiêm túc trong công việc, nên thường làm cho mọi việc thành một mớ rối ren.
Lấy ví dụ nhé.
Lúc Kim Linh ăn sữa bột. Có một lần, sữa bột trong nhà đã dùng hết, Triệu Hủy Tử không ra ngoài được, đành bảo Kim Diệc Minh ra phố mua. Kim Diệc Minh cũng rất vui vẻ nghe lời. Đi liền ba tiếng đồng hồ, ở nhà, Kim Linh đói đến rã họng, khóc ra rả, nhưng tuyệt chẳng thấy bóng dáng Kim Diệc Minh đâu cả. Hóa ra anh đi hơn chục cửa hàng, xem kỹ và so sánh các thành phần trong sữa được liệt kê trên bao bì của mấy chục loại sữa nội sữa ngoại, cảm thấy nhãn hiệu này có điểm tốt, nhãn hiệu kia cũng có nhiều ưu điểm, so đi tính lại, không làm sao quyết định nổi, cuối cùng quyết định về báo cáo với vợ hẵng hay. Anh trở về nhà tay không, khiến Triệu Hủy Tử tức đến nỗi trợn mắt lên không nói nổi câu nào.
Lúc Kim Linh sắp được một tuổi, đúng vào giữa hè. Một buổi trưa, Triệu Hủy Tử phải đến phòng biên tập nộp bản thảo, nhờ Kim Diệc Minh cho con ngủ trưa. Kim Diệc Minh rất nghiêm túc hoàn thành nhiệm vụ. Con gái ngủ say rồi, anh cũng ôm con gái ngủ thiếp đi, ngủ say đến mức không biết trời đất là gì. Triệu Hủy Tử đưa bản thảo xong thì về nhà, suýt chút nữa cười đến đứt hơi: Kim Linh tè dầm ướt đẫm cả quần soóc của bố, vậy mà hai người vẫn gục đầu vào nhau ngáy khò khò.
Còn có một lần, lúc Kim Linh lớn hơn một chút, em mè nheo đòi đi vườn thú xem hươu sao, bố phải đưa em đi. Hôm đó thời tiết rất xấu, vừa đến vườn thú, trời liền nổi gió to. Theo lý mà nói, thời tiết như thế này, đưa trẻ con đi xem hươu sao một chút là phải quay về liền, nhưng Kim Diệc Minh lại cho rằng đã đến rồi thì nên đi tham quan vườn thú cho biết. Xem liền hai tiếng đồng hồ, Kim Linh lạnh đến mức môi tím tái, về nhà liền bị sốt, rồi viêm phổi.
Từ đấy, Triệu Hủy Tử hoàn toàn hết hy vọng vào khả năng lo liệu việc nhà của Kim Diệc Minh, cũng không mong chồng giúp mình chống đỡ nửa bầu trời. Muốn làm mà không đủ khả năng là một chuyện, có khả năng mà không muốn làm lại là một chuyện khác, hai việc này khác nhau hoàn toàn, nên Triệu Hủy Tử cũng không hề oán trách Kim Diệc Minh.
Về kinh tế gia đình, như thế này: Vì hiệu quả kinh tế ở tòa soạn của Triệu Hủy Tử cũng rất khá, ngoài tiền lương mỗi tháng, vẫn có thưởng thêm ít nhiều, mỗi dịp lễ Tết đều có quà, cũng coi như là kha khá. Tiền lương của Kim Diệc Minh cao hơn của Hủy Tử một chút, nhưng tiền thưởng và quà lại không có. Trước đây, lúc Kim Diệc Minh còn làm nghiên cứu sinh, kinh tế trong nhà khá khó khăn, nhưng mấy năm gần đây Kim Diệc Minh có nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, tình hình khá khẩm hơn nhiều, vì một số dự án nghiên cứu của họ có thể có ứng dụng thực tiễn, như thế thầy giáo hướng dẫn cũng được hưởng phần trăm. Tuy vậy để một khoản tiền được chuyển đến khoa, cũng phải thanh toán qua các cấp, còn phải chăm sóc đến các mặt của các nhân viên tuyến sau nữa, đến tay Kim Diệc Minh thì cũng chẳng còn là bao, nhưng vẫn tốt hơn là không có. Rồi thỉnh thoảng Kim Diệc Minh cũng có bài viết đăng báo. Lần đầu đăng bài nghiên cứu khoa học phải tự móc tiền túi ra trả phí tài trợ, nhưng về sau, khi Kim Diệc Minh xin được kinh phí tài trợ nghiên cứu khoa học, thì phí tài trợ đăng luận văn có thể lấy từ phí nghiên cứu khoa học. Kim Diệc Minh có thể thường xuyên nộp một, hai tờ phiếu chuyển tiền vào tay Triệu Hủy Tử, cả nhà đều vui vẻ.
Nói tóm lại, tình hình kinh tế của gia đình này trên không bằng ai nhưng cũng không ai bằng mình, cũng giống với tình hình học tập của Kim Linh ở trường.