Đ
ối với cô con gái duy nhất, Kim Diệc Minh chủ trương để con phát triển tự nhiên, không ép buộc quá đáng. Anh tin rằng tương lai con gái mình sẽ không hề kém cạnh người khác.
Nhưng Triệu Hủy Tử lại không như vậy. Vì phụ nữ luôn có chút tâm lý cao ngạo, còn vì bao nhiêu năm nay, trước sau cô vẫn sắm vai trò hậu phương trong gia đình, trong lòng vẫn cảm thấy không cam tâm chịu thua, luôn hy vọng con gái có thể xuất sắc nổi trội, nên cô thấy rất thất vọng về tình hình trước mắt của con gái.
Sau khi Kim Linh vào lớp Sáu, tình hình thực tế trước mắt là vấn đề thi lên trung học. Trường tốt nhất trong khu vực là trường trung học Ngoại ngữ, và đó cũng là trường tốt nhất trong những trường trung học toàn quốc. Dưới đó lần lượt là trường trung học Đào tạo nhân tài, trường trung học số 49, trường trung học phố Tân Hoa. Nghe một đồng nghiệp trong cơ quan nói, con trẻ vào học trường trung học phố Tân Hoa, thì phụ huynh hãy đợi mà bế cháu đi nhé, vì phong cách dạy học của trường này quá tệ.
Triệu Hủy Tử thầm tính trong lòng, với tình hình học tập của con gái như thế này, khả năng thi đỗ vào trường Ngoại ngữ quá xa vời, thế thì phải cố hết sức đỗ vào trường trung học Đào tạo nhân tài, chí ít cũng phải vào trường trung học số 49. Nếu đến trường trung học số 49 cũng không vào được, thì cô chỉ có thể thừa nhận mình không biết cách làm mẹ, không thích hợp giáo dục con cái, cô con gái này cô cũng không cần nữa, ông bà nội ngoại ai muốn thì cứ dẫn nó đi.
Dịp Quốc khánh, các bạn đại học của Triệu Hủy Tử có tổ chức một buổi họp mặt. Mấy năm không gặp, mọi người thay đổi thấy rõ, người thì phát phì, người thì hói, có người tóc đã hoa râm, cũng có người bệnh tật đầy mình... Bỗng nhiên cảm thấy cả anh lẫn tôi đều là những người trung niên đúng chuẩn. Điều thú vị nhất là, tất cả đều không hẹn mà cùng tập trung về chủ đề con cái, con trai nhà này vừa thi đỗ trường trung học nào, con gái nhà kia học hành ra sao, lại có con trai nhà nào đó năm nay thi cử... Triệu Hủy Tử nghĩ, trước giờ bọn họ tụ tập chưa từng bàn về con cái, trước giờ họ có bao nhiêu chủ đề liên quan đến xã hội, đến tình hình đất nước, đến sự nghiệp tiền đồ cơ mà!
Hinh Lan, bạn cùng phòng ký túc xá của Triệu Hủy Tử, sau khi tốt nghiệp đã lấy chồng là Lý Nhĩ Đông học ngành Hóa học. Sau này Lý Nhĩ Đông ra nước ngoài du học, Hinh Lan ở nhà một mình cô đơn, từng đến nhà Triệu Hủy Tử than khổ mấy lần, cũng từng có ý định ly hôn. Triệu Hủy Tử khuyên nhủ cô ấy, nói đã có con rồi, ly hôn sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho con, vậy nên phải cắn răng sống tiếp thôi. Chưa đầy hai năm sau, Lý Nhĩ Đông trở về, mở một nhà máy khoa học kỹ thuật cao ở thành phố này, hiện giờ nghe nói vốn liếng đã lên tới cả tỷ đồng. Khi Hinh Lan xuất hiện trước mặt các bạn học, nghiễm nhiên mang dáng vẻ một phu nhân sang trọng quyền quý, lên xuống đều bằng siêu xe, còn nuôi một chú chó nhỏ xinh xắn, chiếc mũi của Hinh Lan đã được phẫu thuật thẩm mỹ nên nhìn có chút giống minh tinh màn bạc.
Hủy Tử hỏi cô ấy: “Con trai cậu hình như năm nay cũng thi trung học?”.
Hinh Lan mỉm cười: “Đã giải quyết xong rồi”.
Hủy Tử không hiểu, ngây ngô hỏi: “Cái gì giải quyết xong rồi cơ?”.
Hinh Lan nói: “Chuyện nhập học ấy. Trường Ngoại ngữ, đã chắc chắn rồi.”
Trong lòng Hủy Tử vỡ òa một tiếng. Cô liền căn vặn tiếp, mới biết Lý Nhĩ Đông tặng thiết bị dạy học điện tử cho toàn bộ tòa nhà giảng đường của trường, nên nhà trường nhận lời cho con của anh ta vào trường. Kỳ thực Hủy Tử quá rõ đứa trẻ này, ngoài chơi game ra, chẳng có điểm nào bằng được Kim Linh cả.
Họp lớp xong, tâm trạng của Triệu Hủy Tử không sao có thể bình thường được. Hinh Lan dựa vào cái gì chứ? Con trai của Hinh Lan dựa vào cái gì chứ? Con của mọi người có thể thi đỗ vào trường tốt nhất, con của Triệu Hủy Tử tại sao không thể thi đỗ?
Kim Diệc Minh nghe cô nói đi nói lại như thím Tường Lâm, mãi mà không thôi, thấy buồn cười quá, bèn khuyên cô: “Trong cuộc sống có những việc nên so sánh, cũng có những việc không cần phải so sánh. Ví dụ như trường Ngoại ngữ này, tại sao không vào không được? Em xem xem những nhân tài hàng đầu trong mọi ngành nghề ở nước ta, lĩnh vực khoa học kỹ thuật này, lĩnh vực văn hóa này, lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, chế tạo sản xuất... có mấy người xuất thân từ trường Ngoại ngữ? Trường học chỉ là nền móng cho con trẻ thôi, tương lai phát triển ra sao, phải đợi sau khi chúng trưởng thành mới có thể biết được.”
Hủy Tử phản bác anh: “Anh cho rằng em không hiểu à? Chẳng qua trào lưu bây giờ là như vậy, con của anh không đỗ vào trường tốt, như thế nó sẽ bị xem là đứa ngốc, phụ huynh cũng bị mất thể diện. Thành tích của con trẻ là thước đo xem phụ huynh có thành công hay không.”
Kim Diệc Minh nói: “Anh lại không thấy như vậy. Kim Linh nhà ta tư chất rất khá, tương lai sẽ là nhân tài. Nói theo cách thông thường, thì thành tích xếp hạng trung, con đường phát triển sau này rộng lớn hơn, bởi vì chúng ta không chỉ máy móc bám vào bài vở ở trường, mà đa phần thời gian nên dùng để tiếp thu những kiến thức mà ta cảm thấy thú vị. Không tin, em cứ đi tìm mấy sinh viên đại học điều tra thử xem, những tri thức về các phương diện như lịch sử thế giới, các loài động vật, thần thoại truyền thuyết cổ... có mấy người bằng Kim Linh nhà ta?”.
Hủy Tử hừ một tiếng: “Anh là thánh nhân, cho nên ánh mắt của anh chiếu đến tận tương lai. Em là tục nhân, em chỉ có thể quan tâm cái trước mắt. Trước mắt em không nuốt nổi cục tức này. Hai chúng ta IQ đều không thấp, tại sao Kim Linh không thể vào được trường tốt nhất?”.
“Ngộ nhỡ không vào được thì sao?”. Kim Diệc Minh hỏi một cách rất thực tế.
Hủy Tử ngẫm một lát, cắn răng nghiến lợi nói: “Nộp tiền!”.
“Nộp hai vạn ba vạn còn lo được, nếu phải nộp tám vạn mười vạn thì sao?”.
“Bán hết tài sản.”
Kim Diệc Minh thở dài, anh cảm thấy Hủy Tử điên thật rồi. Ngày khai giảng năm lớp Sáu chẳng còn bao lâu nữa là tới, trường tiểu học phố Tân Hoa mở cuộc họp phụ huynh. Không giống với những lần trước, phụ huynh của bốn lớp khối lớp Sáu đều tập trung họp tại trung tâm sinh hoạt của trường, vừa xây xong, hiệu trưởng, hiệu phó, các giáo viên chủ nhiệm đều có mặt tại hội trường. Trước đây, mỗi lần họp phụ huynh, hiệu trưởng cũng chỉ nói vài câu tuyên truyền gì đó, còn mọi việc khác đều do giáo viên chủ nhiệm đề cập.
Phụ huynh đã đến rất đông, tụ tập lại, ghé đầu ghé tai trao đổi với nhau. Hủy Tử nghe bên này một câu nghe bên kia một câu, đều nói về chuyện con cái thi trung học. Trường học nào thầy giỏi, trường học nào nghiêm ngặt, điểm chuẩn năm ngoái là bao nhiêu, điểm chuẩn năm trước nữa là bao nhiêu, con cháu nhà họ không thi đỗ thì phải nộp bao nhiêu tiền.
Hiệu trưởng đi lên phía trước, hắng giọng bắt đầu cuộc họp. Hiệu trưởng tuổi ngoài năm mươi, tóc muối tiêu nhàn nhạt, nếp nhăn nơi khóe mắt cũng dày đặc, mang dáng vẻ lo lắng quá độ.
Những gì hiệu trưởng nói đương nhiên đều mang tính cấp bách và tính nghiêm túc của tình hình thi lên cấp, và toàn khu vực năm nay có bao nhiêu thí sinh, có những trường học nào có thể đăng ký, số lượng tuyển sinh của các trường...
Hiệu trưởng thuộc tầng lớp cán bộ lãnh đạo, đương nhiên không thể nói rõ ràng ưu khuyết và xếp hạng của các trường trung học trước mặt đông đảo phụ huynh. Ông có sẵn sách lược, ông chỉ thao thao bất tuyệt chỉ ra một chuỗi các con số: từ năm 1990 đến nay, số học sinh của trường tiểu học phố Tân Hoa thi đỗ vào trường Ngoại ngữ là bao nhiêu, số học sinh lọt top của vài trường tiểu học lân cận, chỉ tiêu tuyển sinh mà trường Ngoại ngữ phân cho các khu vực là bao nhiêu, tỉ lệ thi đỗ cấp ba mỗi năm của trường Ngoại ngữ là bao nhiêu. Cuối cùng ông lại nói một con số chuẩn: Năm ngoái số học sinh trường Ngoại ngữ đậu đại học chiếm tới 92%.
Con số cuối cùng của hiệu trưởng vừa nói ra, toàn hội trường như vỡ òa. Hủy Tử nhìn thấy gương mặt của các phụ huynh phấn chấn đến đỏ lựng lên, cảm xúc của họ được thổi bùng lên như thể sắp bốc hơi đến nơi.
Trường Ngoại ngữ, trường Ngoại ngữ! Lời nào tiếng nào cũng đều là trường Ngoại ngữ, thật giống như thần chú kim cô giáng xuống đầu học sinh tiểu học toàn thành phố, trường Ngoại ngữ thực là thần thánh gấp trăm lần trường Bắc Đại, Thanh Hoa, Cambridge, Oxford, Havard... Trong lòng Hủy Tử bực bội nghĩ: Không có cái trường Ngoại ngữ chết tiệt này thì tốt biết bao, phụ huynh và con trẻ sẽ không bị áp lực nặng nề đến thế này.
Hiệu trưởng diễn thuyết xong thì phụ huynh các lớp họp riêng, cũng không có gì ngoài việc nhấn mạnh chủ đề ban nãy một lần nữa. Cô giáo Hình cũng rất giỏi ăn nói, lại một tràng thao thao bất tuyệt nữa. Hủy Tử phát hiện những người làm giáo viên đều là những người thích diễn thuyết và giỏi diễn thuyết.
Cuối cùng cô giáo Hình thông báo họ tên của mười học sinh có hy vọng thi đỗ vào trường Ngoại ngữ nhất của lớp, và họ tên mười học sinh có khả năng rơi vào trường trung học phố Tân Hoa nhất. Khi cô giáo Hình cầm danh sách đọc từng cái tên, Hủy Tử hồi hộp đến mức tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Thi đại học năm xưa cô cũng không hồi hộp đến mức này.
Vẫn may, trong cả hai danh sách đều không có tên của Kim Linh. Thế có nghĩa là Kim Linh không phải là giỏi nhất, cũng không phải dở nhất, vẫn giống như trước đây, chỉ nằm ở mức trung bình. Trong lòng Hủy Tử hơi thất vọng, nhưng ít nhiều cũng được an ủi.
Tan họp, trời đã xẩm tối. Rất nhiều phụ huynh không rời đi ngay, mà vây quanh cô giáo Hình hỏi này hỏi kia. Hủy Tử yên lặng đứng phía sau đợi. Cô nhìn thấy trên bảng đen có viết họ tên của mấy học sinh có biểu hiện xuất sắc trong tuần này, đương nhiên trong số này không có tên của Kim Linh. Cô đi vòng đến cuối lớp, nhìn thấy trong góc Sinh vật có một con rùa Brazil được nuôi trong bể kính, biết là con rùa của Kim Linh mang từ nhà tới. Kim Linh thích những con vật nhỏ, và cho rằng các bạn học trong lớp cũng thích. Cô bé là đứa trẻ luôn thích chia sẻ đồ tốt với những người khác.
Lại nhìn tiếp, trong “Chuyên mục làm văn” treo trên bức tường phòng học có dán mấy bài văn của học sinh, trong đó có bài của Kim Linh viết. Điều này cũng không có gì lạ, lúc Kim Linh gặp được đề bài hợp ý là có thể phát huy.
Đề bài tập làm văn này là “Mùa xuân”. Vì tạm thời không thể nói chuyện với cô giáo Hình, Hủy Tử bèn thích thú đọc một lượt.
Mùa xuân
Sớm mai, sương mù chưa tan, trong vườn trường phủ một màu trắng sữa dày đặc, tấm biển “Không giẫm lên cỏ” lúc ẩn lúc hiện trong làn sương.
Hôm nay, em đến trường rất sớm. Bị cảnh vật tuyệt đẹp này thu hút, em nín thở, ngẩn ngơ ngắm bãi cỏ... Bỗng nhiên, mắt em sáng rỡ lên! Đó, đó chẳng phải cỏ non vừa mới đâm chồi sao? Nhìn từ xa, giống như trên một trang giấy màu vàng có ai đó dùng bút màu nước chấm lên từng chấm nho nhỏ màu xanh lá, lại giống như từng bụi cỏ lác mọc trên sa mạc vàng óng ánh.
Em đi đến gần, oa! Quả nhiên, từng bụi cỏ nhỏ tựa lông ngỗng lặng lẽ nhô lên khỏi mặt đất, xanh non mơn mởn, giống như từng em bé mũm mĩm, đáng yêu làm sao!
Em không nén được niềm vui sướng trong lòng – A! Mùa xuân đã đến rồi! Em khom lưng, nhẹ nhàng chạm vào, không, là nhẹ nhàng vuốt ve từng bụi cỏ, cố không chạm vào những món trang sức lung linh trên lá cỏ - hạt sương.
Một cơn gió xuân thổi tới, em bỗng cảm thấy run lạnh. Cỏ non có lạnh không? Em nghĩ đến đây, tiện tay bứt một nắm cỏ vàng đã khô úa, khẽ khàng đắp lên thân cỏ xanh non, chỉ chừa lại “vai nhỏ” đeo hạt sương đó.
Em cũng biết, em làm thế thật ngốc nghếch, nhưng trong nắm cỏ vàng ấy mang theo tình cảm yêu mến của em dành cho cỏ non.
Em ngẩng đầu lên nhìn bãi cỏ. A! Lá vàng mùa thu ơi, mi có biết không, dưới tấm thân khô héo của mi đã có từng đám, từng mảng sinh mệnh mới đang trỗi dậy.
Gió lại tới rồi, xé toang từng đám mây mù màu trắng sữa, cuối cùng thổi tan chúng. Em hít một hơi thật sâu luồng không khí mùa xuân, cảm thấy vui sướng vô cùng. A! Mùa xuân ơi, cỏ cây ơi, mình yêu các bạn!
Hủy Tử vừa đọc xong, sau lưng vang lên một giọng nói: “Bài viết quả thật rất hay. Một đứa trẻ mười một, mười hai tuổi, có thể quan sát tỉ mỉ và tình cảm tinh tế như thế này, quả là hiếm có.”
Hủy Tử quay đầu lại nhìn, hóa ra người trong phòng học đều đã tản đi hết tự lúc nào, chỉ còn lại mình cô giáo Hình đứng phía sau cô.
Hủy Tử ngại khen con gái, chỉ cười: “Chút cảm xúc thôi ấy mà cô.”
Cô Hình nói: “Con bé Kim Linh này, nhìn qua thì tính tình vui vẻ không để tâm đến bất cứ thứ gì, nhưng thực ra tâm tư rất tỉ mỉ, suy nghĩ rất nhiều.”
Hủy Tử nói: “Tình hình học tập của cháu gần đây thế nào ạ?”.
Cô Hình nghĩ một lát rồi trả lời: “Vẫn không thực sự chuyên tâm. Em nói nó không hiểu chuyện, nhưng những thứ nó hiểu lại nhiều hơn bất cứ ai. Em nói nó hiểu chuyện, nó liền không chịu phấn đấu. Lên lớp cũng như thế, mọi người ngồi trong phòng học, em chỉ cần nhìn vào mắt nó là biết ngay nó không nghe giảng, nó đang nghĩ chuyện riêng. Đứa trẻ ngoan sẽ không như thế, đứa trẻ ngoan hai mắt sẽ dán chặt vào cô giáo, cô giáo tuôn ra bao nhiêu thì nó thấm thía bấy nhiêu.”
Trong lòng của cô giáo Hình thể hiện rõ sự không hài lòng với Kim Linh, Hủy Tử đương nhiên nhận ra. Hủy Tử không dám giải thích bất cứ điều gì. Con mình không chịu cố gắng, làm phụ huynh cũng chỉ có cách cúi đầu lắng nghe mà thôi. Hủy Tử lo lắng hỏi: “Cô Hình, theo cô, Kim Linh có thể đỗ được vào trường nào?”.
Cô Hình trầm ngâm một lát: “Nếu cố gắng, vẫn có hy vọng vào được trường Đào tạo nhân tài.”
Trong phút chốc, trái tim của Huy Tử như rớt xuống đáy biển. Cô giãy giụa để ngoi lên: “Nếu như... em và bố cháu muốn cháu vào trường Ngoại ngữ thì sao?”.
Cô Hình trợn to mắt nhìn Hủy Tử, dường như hơi kinh ngạc. Một lúc sau, cô mới chậm rãi nói: “Không phải là không thể xảy ra kỳ tích, vẫn còn một năm nữa, chẳng phải sao? Nói thật lòng, Kim Linh rất sáng dạ, có thể phát huy sau này, nếu em ấy có thể thi đỗ, cũng là vinh dự của người làm cô giáo như tôi. Hai em thực sự đã quyết định sao?”.
Hủy Tử cắn răng: “... Quyết định rồi.”
Cô Hình vô thức mân mê cằm: “Thế thì tốt, tôi có mở một lớp ôn tập tăng cường cho mấy em học sinh xuất sắc, nếu hai vợ chồng em không sợ Kim Linh chịu khổ, thì để con bé tham gia đi. Một tuần học hai buổi tối.”
Hủy Tử làm sao ngờ được cô giáo Hình chịu hứa hẹn như thế, phút chốc mừng đến mức lắp ba lắp bắp: “Thế... thế... học phí thế nào ạ?”.
Cô Hình nghiêm nghị ngắt lời Hủy Tử: “Đừng nói đến cái này! Tôi không thiếu tiền, cũng chẳng có hứng thú với tiền, tôi chỉ hy vọng có nhiều học sinh thi đỗ vào trường tốt hơn thôi. Em nói tôi có tinh thần trách nhiệm cao cũng được, nói tôi háo danh cũng được, tôi chính là có suy nghĩ này. Nói thật với em, nền tảng cơ bản của Kim Linh không tốt, và cơ sở cũng chẳng bằng người khác, nhưng em ấy hiểu biết rộng, sở trường giải những bài khó; đề thi của trường Ngoại ngữ thường ra những câu đánh đố cổ quái, nói không chừng lại có con đường cho em ấy. Tôi chính là ôm cái hy vọng này”.
Hủy Tử nghĩ: Cho dù cô có ôm hy vọng gì, ôn luyện vẫn tốt hơn là không ôn luyện.
HOÀNG BỘI GIAI Em muoân laøm con ngoan