KỸ THUẬT SÁNG TẠO CĂN BẢN THỨ NHẤT: ĐỘNG NÃO SÁNG TẠO
“Sẵn sàng tiến lên phía trước và hãy lập dị một chút. Bước vào khung hình điên khùng của tâm trí và tự hỏi những việc mà bạn sắp thực hiện sẽ thú vị đến nhường nào.”
Roger von Oech
Trong tất cả các ấn phẩm xuất bản trước đây, tôi sử dụng kỹ thuật động não (Brainstorming) làm phương pháp nền tảng cho Kỹ thuật sáng tạo căn bản thứ nhất này. Đây là phương pháp được ưa chuộng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Kỹ thuật này được Alex Osborn sáng tạo và vận dụng vào một công ty quảng cáo ở thập niên 1940. Các chi tiết về kỹ thuật sáng tạo (Jigword*4) này được đề cập đến trong một cuốn sách có tên là: Applied Imagination (Tạm dịch: Tưởng tượng ứng dụng) xuất bản năm 1957.
Các nghiên cứu tiếp theo trong vài thập kỷ qua đã chỉ ra rằng kỹ thuật động não (Brainstorming) có tính ứng dụng lâu dài bởi sự hữu dụng của nó. Đã từng có rất nhiều phương pháp mới được phát triển để khắc phục những điểm thiếu sót của kỹ thuật này như:
• Các ý tưởng sáng tạo không xuất hiện trong các phiên họp động não được tổ chức một cách chính thức.
• Áp lực ngang hàng hoặc quá nhiều ảnh hưởng từ các thành viên trong cùng một nhóm chỉ tạo ra các câu trả lời có thể dự đoán từ trước.
• Ngăn cấm phản biện tạo ra nhiều ý tưởng thừa thãi.
Ba trong số các phương pháp mới được phát triển để khắc phục những thiếu sót này là:
• Tư duy phản biện của Jeffrey Baumgarter.
• Tư duy biến điều những không thể thành có thể của Jerry Wind.
• Động não điện tử của Giáo sư Adrian Furnham.
Sau khi nghiên cứu tất cả ba hệ thống, tôi quyết định phát triển một hệ thống đơn giản và ít cấu trúc hơn, chủ yếu dựa trên ý tưởng của Albert Einstein – người mà tôi coi là nhà khoa học sáng tạo nhất trên thế giới. Tất cả các lý thuyết mang tính đột phá của ông đều dựa trên khả năng tưởng tượng bằng cách tư duy như một đứa trẻ 5 tuổi tò mò (vui lòng tham khảo Tầng khai trí sáng tạo thứ hai và thứ ba). Do đó, tôi quyết định gọi phương pháp sáng tạo mới là: động não sáng tạo (fantasy-storming).
Động não sáng tạo là phương pháp sử dụng hệ tư duy của một đứa trẻ 5 tuổi để khơi gợi các suy tưởng mơ mộng và tự đặt ra các câu hỏi về khả năng hiện thực hóa những điều bất khả thi. Sau đó, sử dụng kiến thức và kinh nghiệm mang tính trí tuệ của người trưởng thành để chuyển biến những suy tưởng mơ mộng thành hiện thực.
MƠ TƯỞNG VÀ TƯỞNG TƯỢNG
Mặc dù trẻ em có năng khiếu tưởng tượng sáng tạo và suy nghĩ về những điều bất khả thi một cách tự nhiên bẩm sinh, người lớn vẫn có thể vận dụng hình thức tư duy này như một công cụ mạnh mẽ để tăng cường khả năng sáng tạo và thu được các giải pháp đột phá.
Trên thực tế, nhiều nhân vật nổi tiếng vẫn duy trì được khả năng trẻ thơ này trong suốt thời kỳ trưởng thành của mình. Họ bao gồm nhà khoa học như Albert Einstein và Nikolai Tesla, nhà triết học và toán học như Rene Descartes, nhạc sĩ Beethoven, nghệ sĩ Michelangelo, nhà văn Robert Louis Stevenson, họa sĩ truyện tranh Stan Lee, nhà làm phim Steven Spielberg… Nguyên tắc tư duy rất đơn giản – kiến thức thì có giới hạn, còn trí tưởng tượng và sự sáng tạo thì không.
Khác với trẻ em, người lớn có khả năng biến những điều tưởng tượng của mình thành hiện thực bằng kiến thức và tài xoay xở. Tất nhiên, điều này thường có nghĩa là họ cần thay đổi những suy tưởng mơ mộng của mình để biến chúng trở thành các ý tưởng có tính thực tiễn hơn.
Chúng ta có thể tìm lại những suy tưởng mơ mộng từ thời thơ ấu và tư duy về những điều bất khả thi bằng các cách sau:
1. Cùng chơi trò đóng vai giả vờ với trẻ em.
2. Đặt ra những câu hỏi bất khả thi hoặc các thắc mắc ngốc nghếch như một đứa trẻ năm tuổi.
3. Đọc truyện tranh siêu anh hùng và xem phim khoa học viễn tưởng.
4. Đọc sách khoa học viễn tưởng.
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT ĐỘNG NÃO SÁNG TẠO
Vì kỹ thuật động não sáng tạo về cơ bản bắt nguồn từ những con người sáng tạo nhất thế giới – những đứa trẻ, kỹ thuật này không được xếp vào loại kỹ thuật được cấu trúc tốt.
Ngoài ra, nếu nghiên cứu tư duy đột phá của các thiên tài trên thế giới, ví dụ nhà bác học Albert Einstein, bạn sẽ nhận thấy rằng họ chủ yếu là những người suy nghĩ độc lập trước tiên.
Sai lầm lớn nhất về một phiên họp lên ý tưởng là kỳ vọng tư duy tập thể vượt trội hơn tư duy cá nhân. Điều kỳ diệu sẽ bất ngờ xảy đến khi một nhóm người được tập hợp lại với nhau để cùng tư duy. Điều này có thể không đúng.
Tư duy đội nhóm chỉ phát huy tác dụng trong việc khởi phát các ý tưởng sáng tạo nếu mỗi cá nhân đã tự tư duy độc lập trước phiên họp nhóm. Mặt khác, những người hướng ngoại trong nhóm có thể chi phối cuộc họp, trong khi những người hướng nội vẫn im lặng hoặc tham gia đóng góp ý tưởng một cách có chừng mực.
Dựa vào các nhận định trên, sau đây là ba phương thức tiếp cận kỹ thuật động não sáng tạo.
1. Đồ chơi
Đồ chơi tốt nhất là những món đồ mà bạn phải vận dụng trí tưởng tượng để chơi với chúng. Bạn có thể tham khảo một số món đồ chơi sau: các tượng siêu anh hùng, bộ đồ chơi xếp hình Lego, đồ chơi biến hình và đồ chơi điều khiển từ xa. Trên thực tế, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị và kỹ sư sử dụng các bộ đồ chơi xếp hình để tìm kiếm các ý tưởng mới cho các dự án của họ.
2. Đóng kịch, nhập vai
Kịch nghệ tạo ra một thế giới mà trong đó bạn có thể tin và coi những điều mình tưởng tượng hoặc giả vờ là có thật. Bạn có thể vào vai một siêu anh hùng, một thiên tài khoa học hoặc chỉ đơn thuần là tham gia một trò chơi phân vai cho một tình huống cụ thể nào đó.
Phương thức tiếp cận này hữu dụng trong công việc tiếp thị, bán hàng, giành lợi thế cạnh tranh và thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng.
3. Tư duy biến những điều không thể thành có thể
Tập trung sự chú ý của bạn vào việc tạo ra những gì mọi người cho là không thể xảy ra ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, gần như tất cả các phát minh công nghệ mang lại đột phá đều từng được cho là không thể trở thành sự thực vào thời điểm bắt đầu.
ĐỊA ĐIỂM VÀ CHUẨN BỊ ĐẠO CỤ
Thực tế minh chứng rằng một phiên họp sáng tạo ý tưởng được tổ chức trong một phòng họp chính thức hiếm khi mang lại kết quả mong muốn.
Đối với kỹ thuật động não sáng tạo, để phiên họp đạt được hiệu quả tốt nhất, nên tìm kiếm một bầu không khí thoải mái cách xa văn phòng. Tuy nhiên, địa điểm đó nên có đầy đủ các tiện nghi cơ bản để ghi lại ý tưởng. Việc này có thể tiến hành ngay ngoài trời bằng cách sử dụng bảng trắng và giấy nhớ nhiều màu. Sự thịnh hành của các thiết bị công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, iPad và máy ảnh kỹ thuật số giúp việc ghi hình và ghi âm đã không còn là một vấn đề lớn. Bạn chỉ cần vận dụng sự sáng tạo của mình để tìm ra địa điểm tốt nhất cho cả nhóm.
Quy mô đội nhóm cũng rất quan trọng, lý tưởng là trong khoảng 5-12 người. Số lượng thành viên lớn hơn sẽ không mang lại năng suất lao động cao.
ĐỘNG NÃO SÁNG TẠO VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA ĐỒ CHƠI HOẶC ĐẠO CỤ KHÁC
Đồ chơi mang lại các lợi ích sau cho phiên họp:
1. Mang bạn trở về những ngày thơ ấu đầy niềm vui và mở mang đầu óc để sáng tạo.
2. Kích hoạt toàn bộ chức năng não để tham gia vào quá trình tư duy sáng tạo thông qua các trải nghiệm xúc giác và cảm giác.
3. Trở thành phương tiện trực quan hữu ích. Đồ chơi chính là đạo cụ giúp chúng ta minh họa ý tưởng của mình và hình dung ý tưởng của người khác.
4. Giảm xung đột, căng thẳng và lo lắng. Bạn không thể có thái độ quá nghiêm trọng hay căng thẳng với người khác khi cùng chơi đồ chơi.
5. Hãy để cuộc họp trở nên đáng nhớ bằng cách mang lại những trải nghiệm thú vị, hài hước thông qua trải nghiệm tiếp xúc.
Trường Bách khoa Kỹ thuật thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ phát hiện ra rằng sử dụng các món đồ chơi đơn giản như ban nhạc bằng cao su và đồ trang sức giúp tạo ra bầu không khí tập trung cho các cuộc họp để kích thích tư duy sáng tạo của những người tham gia.
Nhìn chung, đồ chơi phục vụ mục đích này phải thuộc các loại sau:
1. Đồ chơi xúc giác, loại có thể bóp để giảm căng thẳng, ví dụ như bóng bóp cao su.
2. Đồ chơi đóng kịch, ví dụ như con rối, động vật, xe cộ, tượng siêu anh hùng và đồ chơi biến hình.
3. Bộ đồ chơi xếp hình như Lego.
4. Mô hình đất sét như Play Doh.
Lời khuyên dành cho người tổ chức cuộc họp là hãy đến sớm và chuẩn bị những món đồ này trước khi những người tham dự có mặt. Sau đó, hãy quan sát phản ứng và sự hưởng ứng của họ.
Bạn cần giải thích mục đích của các món đồ chơi và cách thức chúng có thể giúp giải phóng và tạo hứng khởi cho tâm trí của họ để nâng cao chất lượng cuộc họp.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng với bất cứ đồ chơi nào mà bạn chọn, mục đích chính của nó là để kích thích những ý tưởng mới. Bạn không nên quá hứng thú và để việc chơi với chúng chiếm ưu thế trong cuộc họp. Cần loại bỏ các món đồ chơi nếu chúng trở thành tác nhân gây xao lãng, khiến cho cuộc họp không thu được kết quả.
Xin đừng gây sốc cho đội nhóm của bạn khi biến phòng họp thành phòng chơi của trẻ em.
Phương pháp này có lợi cho công việc phát triển sản phẩm. Các món đồ chơi kích thích cả năm giác quan, giúp phát triển nguyên mẫu và hy vọng là, cuối cùng sẽ có một sản phẩm mới ra đời.
Nếu tìm kiếm trên Google, bạn sẽ thấy rằng nhiều phát minh được tạo ra bằng cách sử dụng bộ đồ chơi xếp hình Lego, ví dụ như phát minh máy in chữ nổi.
Shubham Banerjee – một học sinh lớp 7 đến từ bang California, Hoa Kỳ đã phát triển máy in chữ nổi bằng cách sử dụng bộ đồ chơi kích thích trí tuệ Lego EV3. Đó là một phát minh gọn nhẹ và có chi phí thấp dành cho người mù và người khuyết tật trên toàn cầu, có thể cạnh tranh với các máy in chữ nổi hiện hành trên thị trường. Cậu bé đặt tên cho phát minh của mình là Braigo – kết hợp của các từ Braille (chữ nổi) và Lego. Hãng Intel đã tài trợ để cậu bé tiếp tục phát triển phát minh này.
ĐỘNG NÃO SÁNG TẠO THÔNG QUA TRÒ CHƠI KÍCH THÍCH TRÍ SÁNG TẠO
“Muốn kích thích trí sáng tạo, bạn phải phát triển thiên hướng trẻ con trong mình để có thể chơi các trò chơi của chúng.”
Albert Einstein
“Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao để vẫn là một nghệ sĩ khi chúng ta đã trưởng thành.”
Pablo Picasso
Theo Tiến sĩ Stephanie Carlson, một chuyên gia phát triển chức năng não bộ trẻ em tại Đại học Minnesota, trẻ em dành khoảng hai phần ba thời gian để chơi trò chơi tưởng tượng hoặc mơ mộng. Cô kết luận con người sẽ sáng tạo hơn nếu họ trưởng thành nhưng khi cần vẫn hành động như một đứa trẻ.
Để giải quyết các vấn đề sáng tạo cần có các trò chơi tưởng tượng, các thông tin điều tra và kiến thức thực tế. Các yếu tố này giúp biến các khả năng thành hiện thực.
Darya Zabelina và Michael Robinson thuộc Đại học bang North Dakota đã thực hiện nghiên cứu của họ và phát hiện ra rằng ngay cả khi chỉ giả vờ là một đứa trẻ 7 tuổi, con người cũng đã gia tăng được tính sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề.
Phương pháp này có thể được sử dụng trong hoạt động tiếp thị sáng tạo.
Đội ngũ tiếp thị của một công ty sản xuất bột giặt quyết định thử chơi trò phân vai tưởng tượng. Một người đảm nhận vai người tiêu dùng nội trợ, một người khác là giám đốc điều hành công ty quảng cáo, người thứ ba là nhân viên bán hàng, người thứ tư là phóng viên…
Ý tưởng tưởng tượng mà họ đưa ra là tặng một viên kim cương miễn phí trong mỗi hộp sản phẩm vì người mua chủ yếu là phụ nữ. Điều này tất nhiên là hoàn toàn không thực tế nhưng nó đã kích hoạt một trong những chiến dịch quảng bá thành công nhất từ trước đến nay.
Chiến dịch được lựa chọn là tặng một viên kim cương miễn phí trong mỗi hộp sản phẩm nhưng chỉ có một trong 20.000 hộp có viên kim cương thật. Phần còn lại là kim cương giả.
ĐỘNG NÃO SÁNG TẠO NHỜ TƯ DUY BIẾN ĐIỀU KHÔNG THỂ THÀNH CÓ THỂ
“Rất nhiều giấc mơ của chúng ta dường như thoạt tiên không thể có trong hiện thực, sau đó lại dường như không thể thực hiện được, và rồi, khi chúng ta tập trung ý chí, chúng chắc chắn sớm xảy ra.”
Christopher Reeve
Hãy quan sát mọi thứ xung quanh bạn. Hầu hết chúng từng được cho là không thể có trong hiện thực.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang sống tại thời điểm những năm 1950 và tự hỏi bản thân những câu hỏi từng được coi là bất khả thi sau đây:
1. Liệu có thể lưu trữ hàng ngàn bài hát trong một thiết bị tiện ích đút túi được không? Chiếc USB.
2. Liệu có thể tương tác với hàng triệu người trên khắp thế giới khi bạn vẫn ở nhà không? Mạng xã hội.
3. Liệu có thể phát tán các vi-rút ảo tự sinh sản và biến đổi được không? Vi-rút máy tính.
4. Liệu có thể biết hầu hết mọi nơi trên thế giới mà vẫn ngồi nhà không? Bản đồ Google.
5. Có thể bay không ngừng trong hơn 10 giờ không? Máy bay Boeing và Airbus.
Bạn hiểu ý tôi chứ? Bạn có thể kể thêm bao nhiêu “điều bất khả thi” nữa.
Sự bất khả thi tồn tại bởi theo cách này hay cách khác, chúng ta bị mắc kẹt trong các khuôn mẫu tư duy của chính mình khi đối mặt với các tình huống xảy ra. Khuôn mẫu tư duy của bạn là toàn bộ kiến thức giáo dục, kinh nghiệm, định kiến và tất nhiên, bao gồm cả trí tưởng tượng. Đó là lý do tại sao mặc dù đang xem xét cùng một vấn đề, nhưng chúng ta nhận thức về vấn đề đó theo những cách rất khác nhau.
Thế giới của chúng ta đang thay đổi quá nhanh nhờ tiến bộ công nghệ, vì vậy, sự sai lệch giữa khuôn mẫu tư duy của chúng ta với thực tại rất dễ xảy ra. Thời điểm đó chính là khi Tư duy biến điều không thể thành có thể được hiện thực hóa.
Tư duy biến điều không thể thành có thể là việc bạn tưởng tượng một kết quả mong muốn vốn là bất khả thi và sau đó, đảo ngược quá trình để tư duy lại từ đầu nhằm biến điều đó thành hiện thực.
Một ví dụ tuyệt vời về cách tư duy này là vào đầu những năm 1950 khi người đứng đầu chuỗi phòng thí nghiệm Bell Labs ở Hoa Kỳ tuyên bố với các nhà nghiên cứu của mình rằng toàn bộ hệ thống điện thoại tại nước này đã bị sập chỉ sau một đêm.
Thông báo này gây sốc. Mặc dù chỉ là giả thuyết, nó đã có tác động tạo sức bật cho các khuôn mẫu tư duy đang chiếm ưu thế của những nhà nghiên cứu.
Việc chuyển đổi sang một dạng thức tư duy mới có nghĩa là các nhà nghiên cứu cần nghĩ cách xây dựng lại sản phẩm từ đầu. Bắt đầu từ Tư duy biến điều không thể thành có thể và đảo ngược quá trình làm việc lúc trước. Từ mới nhen nhóm gốc rễ ý tưởng đến khi triển khai để biến điều bất khả thi thành hiện thực. Kết quả là những đổi mới mang lại lợi nhuận lần lượt được hiện thực hóa, từ điện thoại để bàn quay số, phương pháp nhận dạng cuộc gọi cho đến điện thoại không dây.
CÂU CHUYỆN SÁNG TẠO
6.1. Đôi giày biết nhìn và mắt bò
Một công ty sản xuất giày đã thực hiện một bài tập động não sáng tạo để thu hút ý tưởng phát triển một dòng sản phẩm mới. Vấn đề đầu tiên là loại giày mới nào có thể đưa ra thị trường. Chúng có thể là: giày nữ thời trang, giày da nam, giày thể thao, hay thứ gì khác không? Sau khi xem xét nhiều gợi ý khác nhau để giải quyết vấn đề, công ty quyết định rằng họ nên tập trung vào giày chạy bộ có các đặc điểm tính năng độc đáo.
Nhiều ý tưởng đã được đưa ra. Một số người đề nghị đặt lò xo cuộn trong đế giày, các bộ phận có thể tháo rời và thay đổi, sử dụng tông màu nhẹ nhàng và một số ý tưởng khác. Tuy nhiên, đề xuất kỳ cục và điên rồ nhất đến từ một nhân viên kinh doanh sống gần lò mổ. Gợi ý của anh ta dường như vô cùng điên rồ!
“Tại sao không khâu mắt bò vào những chiếc giày nhỉ?” Anh nhân viên kinh doanh này biết những thứ như thế không thiếu ở các lò mổ gần đó. “Hãy khâu chúng vào mũi giày. Hãy để đôi giày thấy đường chúng đi và đích chúng đến.”
Mọi người cười vui vẻ và đồng ý rằng đây là ý tưởng điên rồ nhất trong phiên họp động não sáng tạo. Thật là điên khùng không thể diễn tả nổi. Quản lý của công ty, người tổ chức và điều hành phiên họp, đã yêu cầu những người tham gia tập trung vào ý tưởng này trước khi thông báo nghỉ giải lao. “Mắt bò... mắt... Hãy nghĩ về ‘những con mắt’.”
Sau giờ nghỉ giải lao chính là thời gian đánh giá ý tưởng. Đây là thời điểm các khía cạnh thực tế của ý tưởng được đem ra phân tích kỹ lưỡng. Các đề xuất phát triển ý tưởng khâu mắt bò vào mũi giày bao gồm: lắp đặt ống kính quang học thay vì mắt bò, lắp bộ giảm xóc tích hợp ở phía trước để hấp thu tác động khi mũi giày đá vào một vật cứng, sử dụng con mắt nhân tạo đính vào mũi giày để tạo điểm nhấn độc đáo cho đôi giày…
Giữa cuộc thảo luận, có người đề nghị rằng: Thay vì đôi giày có thể nhìn thấy nơi chúng đi qua, sẽ tốt hơn nhiều nếu những người khác có thể nhìn thấy đôi giày đang đi đâu. Một nhà thiết kế tại cuộc họp ngay lập tức liên tưởng và kết nối. Đúng rồi! Giày gắn vật phản quang, phát sáng! Giống như đèn tín hiệu gắn trên xe cơ giới. Người đàn ông này gợi ý bổ sung thêm một dải phản quang gắn vào gót giày. Nhờ đó, người đi đường có thể nhìn thấy đôi giày từ phía sau. Ý tưởng này đã được tiếp nhận và đưa vào phát triển.
Ngày nay, chúng ta thường xuyên trông thấy những đôi giày chạy bộ với dải dạ quang phát sáng trong bóng tối để những người xung quanh có thể định vị được người đang chạy. Câu chuyện trên còn đi xa hơn thế. Phát minh này đã tạo ra cả một ngành công nghiệp hoàn toàn mới chuyên sản xuất các dải dạ quang. Ngày nay, chúng ta bắt gặp các dải dạ quang trên các bộ đồ thể thao, mũ bảo hiểm, bàn đạp xe đạp, và danh sách này tiếp tục kéo dài thêm nữa...
Như bạn thấy đó, chúng ta chẳng bao giờ biết được những cơ hội kinh doanh mới nào có thể nảy sinh từ một ý tưởng điên rồ!
6.2. Sơn phát nổ tự bong khỏi tường
Một nhà máy sơn đã tổ chức một phiên họp vận dụng liên tưởng sáng tạo để thu thập ý tưởng đổi mới. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao doanh số bán sơn. Khi tiến hành khảo sát, các nhân viên phát hiện ra rằng thị trường chính đến từ hoạt động sơn tân trang thay vì sơn mới cho các tòa nhà xây dựng. Bởi tại thời điểm đó, có rất ít tòa nhà mới được xây dựng. Do đó, chủ đề của phiên họp động não sáng tạo là: “Làm thế nào để khuyến khích chủ sở hữu ngôi nhà sơn tân trang lại nhà của họ?”
Các nhân viên đưa ra rất nhiều đề xuất bao gồm: cung cấp khuyến mãi đặc biệt, tặng miễn phí chuyến đi nước ngoài, liên kết với các cuộc thi kỹ năng quét sơn hoặc chất lượng sơn. Tuy nhiên, ý tưởng điên rồ nhất đến từ một nhân viên kế toán. Anh đề xuất trộn thuốc súng vào sơn, thay vì phải cạo bong lớp sơn cũ bám trên tường một cách chán ngắt. Tất cả những gì cần thiết thực hiện là chiếu sáng lên bề mặt của tường để lớp sơn tự nổ và bong ra. Cách đó sẽ thổi bay lớp sơn còn bám trên tường! Khùng làm sao? Bạn có thể từng nghĩ như vậy.
Giám đốc nhà máy lại không phủ nhận ý tưởng này.
Thay vào đó, ông đã dành nỗ lực và thời gian đáng kể để xem xét nó. Một tuần tiếp theo là thời gian ấp ủ ý tưởng cho phép để tạo điều kiện ươm mầm, hiện thực hóa ứng dụng thực tế của ý tưởng.
Kỹ sư hóa nghiệm của công ty chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm đã liên tưởng để tạo ra một kết nối. Tại sao không sử dụng các dung môi hóa học để trộn với sơn? Với kiến thức về hóa học, cô có thể đưa ra một giải pháp thực tế. Có lẽ nói là thổi bay lớp sơn bám trên tường thì không chính xác lắm, nhưng...
Giải pháp cuối cùng là sử dụng kết hợp hai loại dung môi. Dung môi đầu tiên được trộn vào trong chính hộp sơn. Dung môi thứ hai sẽ được quét qua lớp sơn mà chủ nhà muốn loại bỏ. Tiến hành công việc đúng trình tự và thao tác, phản ứng hóa học giữa hai loại dung môi sẽ khiến cho toàn bộ lớp sơn dễ bị bong ra khỏi tường giống như ý tưởng của nhân viên kế toán.
Một nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện để tìm ra cách thức phối hợp hai dung môi hóa học sao cho có hiệu quả tốt nhất. Cuối cùng, sản phẩm mới được tung ra thị trường thành công là dạng “sơn đặc chế”. Sản phẩm này đã mang lại một thành công lớn.
Một chiến thắng nữa của kỹ thuật động não sáng tạo.
6.3. Ngành kinh doanh khởi nguồn từ ý tưởng châm lửa đốt các cửa hàng đối thủ cạnh tranh
Một gia đình buôn bán nhiều mặt hàng có kết quả kinh doanh rất tệ bởi sự cạnh tranh của các siêu thị. Chủ cửa hàng trước đây từng tham dự một hội thảo động não sáng tạo đã quyết định áp dụng các kiến thức học được nhằm mục đích khám phá những cách thức mới mẻ trong việc cải thiện công việc kinh doanh của mình. Làm thế nào để ông ta có thể đánh bại các công ty lớn?
Chủ cửa hàng, vợ và hai con trai của ông đã mổ xẻ các khía cạnh của vấn đề. Họ tập trung vào việc nâng cao sức cạnh tranh với các cửa hàng kinh doanh hỗn hợp khác. Việc này thật không dễ dàng.
Người vợ đề nghị tập trung vào một phạm vi nhỏ hơn các hàng hóa có tỷ suất lợi nhuận cao. Ông chủ cửa hàng thích ý tưởng này. Sau đó, họ đã quyết định chỉ bán các sản phẩm là thực phẩm. Một trong số những người con trai đã tiếp thu ý tưởng và nâng cấp lên thành thực phẩm nấu chín. Người con trai khác liên hệ việc nấu chín thức ăn với ngọn lửa, và đề xuất một ý tưởng điên rồ là châm lửa đốt tất cả các cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh lân cận.
Chủ cửa hàng đã kết nối ngay lập tức ý tưởng điên rồ này với nhân viên bảo hiểm đến gặp anh ta trước đó. Eureka! (Tìm ra rồi.) Ông đã có được ý tưởng mà ông muốn. Không, họ sẽ không đốt cháy cơ sở của đối thủ cạnh tranh mà họ bắt đầu kinh doanh bảo hiểm hỏa hoạn. Họ đã hiện thực hóa ý tưởng đó và kiếm được lợi nhuận. Họ phát triển thịnh vượng nhờ quyết định này, vì hầu như không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm hỏa hoạn vào thời điểm đó.
Vì vậy, việc tư duy một cách phi logic và điên rồ mang lại rất nhiều lợi ích khi được đánh giá một cách logic.
BÀI LUYỆN TRÍ NĂNG 6: HÃY ĐỘNG NÃO SÁNG TẠO MỘT CÁCH VUI VẺ
Các phiên họp động não sáng tạo luôn nên được tiến hành trong một bầu không khí vui vẻ và đầy tiếng cười. Khi ấy, các ức chế tinh thần sẽ bị phá vỡ và vô vàn ý tưởng sẽ nảy sinh. Bài tập dưới đây mang đến cho bạn cơ hội tận hưởng niềm vui thích.
Các vấn đề được giải quyết thành công nhờ động não sáng tạo. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thuyết phục người khác tham gia cùng mình, bạn có thể thử động não sáng tạo một mình. Bạn có thể viết linh tinh hoặc vẽ nguệch ngoạc trên các mảnh giấy. Chúc vui vẻ!
1. Một công ty xuất khẩu bình hoa gặp rắc rối với các công nhân của họ. Công nhân của công ty bọc các bình hoa bằng những tờ báo cũ. Họ thích đọc báo và việc đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Giả sử bạn là (Jig- word*5) chủ sở hữu cơ sở đó, bạn sẽ làm gì để ngăn chặn nguy cơ này?
2. Một nhà máy sản xuất bánh quy có rất nhiều vụn bánh còn sót lại. Bạn có cách nào giúp chủ sở hữu tận dụng các mẩu vụn bánh quy để biến chúng trở thành một sản phẩm mới và mang lại lợi nhuận cho nhà máy không?
3. Một công ty điện thoại muốn tri ân khách hàng trung thành bằng một món quà độc đáo, gợi nhớ về sản phẩm của họ. Hãy cố gắng động não để có được những ý tưởng sáng tạo.
4. Một công ty gia vị thực phẩm đang tổ chức phiên họp động não để tìm cách thúc đẩy doanh số trong thị trường đã bão hòa. Bạn có thể đề xuất cho họ một vài giải pháp không?
5. Cửa hàng ở bên trái cơ sở của bạn đang giao dịch sôi nổi trong đợt giảm giá cuối năm. Cửa hàng ở bên phải cơ sở của bạn dường như cũng đang làm ăn tốt trong lĩnh vực kinh doanh thời trang mùa hè. Cửa hàng của bạn ở giữa hai cửa hàng này. Hãy động não tìm cách cải thiện hoạt động kinh doanh để nâng cao doanh số bán hàng.
Hãy ghi chép tóm lược quá trình khai trí sáng tạo của bạn tại đây
................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
Phần trống dành cho bạn ghi chép bất kỳ ý tưởng hay cảm hứng nào nảy sinh trong quá trình đọc chương này.